![[Lược khảo Ludwig von Mises] Chương III: Khoa học kinh tế](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k25001.1_(1).jpg)
[Lược khảo Ludwig von Mises] Chương III: Khoa học kinh tế
KHOA HỌC KINH TẾ
Các nhà kinh tế học muốn môn học của họ phải là một ngành khoa học. Giống như các nhà khoa học tự nhiên, họ muốn chứng minh rằng các sự kiện kinh tế cũng có những mối liên kết với nhau và tìm cách dự đoán xem trong tương lai chúng sẽ hoạt động như thế nào. Mises quan niệm rằng kinh tế học thực chất là một môn khoa học, nhưng khác hẳn với môn vật lí học. Và dù nó có thể đưa ra những dự đoán quan trọng đấy cũng là những dự đoán khác hẳn về loại và độ chính xác1.
Tầm quan trọng của các giá trị
Sự khác biệt là ở chỗ tất cả các hiện tượng kinh tế đều phụ thuộc vào cách đánh giá, phụ thuộc vào sự lựa chọn và hành động của những cá nhân có liên quan. Các nhà kinh tế học dòng chính lại làm như thể các biến số - ví dụ như mức giá - có ảnh hưởng trực tiếp đến các biến số khác ví dụ như cầu gộp. Trên thực tế không có cái gọi là “mức” giá, mà có hàng triệu giá cả khác nhau, giá nọ lên xuống thất thường so với giá kia. Giá cả khác nhau ảnh hưởng tới quyết định của các cá nhân khác nhau theo những cách khác nhau, tất cả phụ thuộc vào nhu cầu và quan điểm cá nhân của họ cũng như cách họ cân nhắc những phương án lựa chọn trước một món hàng nào đó tại một thời điểm và địa điểm nào đó.
Không có mối liên kết mang tính cơ học nào ở đây hết: cho nên môn kinh tế học không phải là môn khoa học khảo sát những mối liên kết thống kê có thể dự đoán được giữa các sự kiện.
Những khái niệm kinh tế như giá, giá thành, tiền tệ, thất nghiệp, tỉ giá hối đoái, chi tiêu và tiết kiệm chỉ có ý nghĩa đối với những cá nhân liên quan và cách thức mà các cá nhân này hành động mà thôi, ngoài ra nó không có giá trị gì khác. Kinh tế học đặt cơ sở trên những giá trị mà con người coi trọng.
Nhưng giá trị lại không phải là một phần của thế giới khách quan như là khối lượng, hay nhiệt độ hoặc độ dài mà các nhà khoa học tự nhiên thường xử lí. Giá trị không phải là một cái gì đó tồn tại trong tự thân món hàng, có thể đo lường theo một tỉ lệ toán học nào đó. Những người khác nhau đánh giá các sự kiện một cách khác nhau: ví dụ, một số người coi việc thị trường chứng khoán lên giá là lí do mua vào, trong khi số khác lại coi đấy là cơ hội bán ra. Giá trị nằm trong đầu óc của từng người. Nó là một cái gì đó có tính chất cảm tính, là vấn đề đánh giá của cá nhân. Nó phụ thuộc không chỉ vào môi trường vật chất xung quanh mà còn phụ thuộc vào trạng thái tâm, sinh lí của chúng ta nữa.
Các giá trị mà chúng ta coi trọng luôn thay đổi vì thế giới thay đổi và nhu cầu của chúng ta cũng thay đổi. Các sản phẩm mới xuất hiện và các quá trình sản xuất mới tạo ra những món hàng thay thế rẻ hơn, làm cho con người sắp xếp lại những ưu tiên của mình. Kết quả là không thể nào dự đoán được: ví dụ người nghèo có thể mê một món hàng hợp thời trang được sản xuất hàng loạt, nhưng món hàng đó có thể không còn hấp dẫn đối với những người giàu có thích ăn diện nữa.
Việc các giá trị mà người ta coi trọng là có tính cá nhân, khác nhau và luôn thay đổi, đặt ra nhiều vấn đề cho các nhà kinh tế học. Những đại lượng gộp quen thuộc của kinh tế học vĩ mô như “cầu” hoặc “đầu tư” chỉ có thể được coi đơn giản là những bản tổng kết có tính chất thống kê từ hành động của các cá nhân trên thương trường mà thôi - đấy là những hành động đa dạng, có tính chất cá nhân và khác nhau. Các số liệu thống kê này không có một cuộc sống độc lập. Không thể nào giải thích được chúng nếu không nói đến những giá trị mang tính cá nhân của những người bị các sự kiện đặc thù nào đó tác động và đến lượt họ, lại tham gia định hình các sự kiện đó2.
Vì vậy, Mises nói, các nhà kinh tế học sẽ uổng công vô ích nếu cứ cố gắng tìm cho bằng được mối liên kết giữa các số liệu gộp vĩ mô nói trên. Ví dụ, ngay cả khi giá cả có ảnh hưởng tới cầu thì cũng rõ ràng là quan hệ đó không phải là quan hệ chính xác. Kết quả chính xác phụ thuộc vào ý nghĩa của sự kiện đối với các cá nhân đang có mặt ở đó và những hành động của họ lúc đó. Tìm kiếm các “quy luật” kinh tế (hoặc tệ hơn nữa, các “hằng số" kinh tế) là việc làm sai lầm.
Khoa học về hành động con người
Kinh tế học đặt cơ sở trên những giá trị mà con người coi trọng, nhưng nó không phải là một nhánh của tâm lí học. Nó không nghiên cứu vì sao người ta lại chọn những món hàng cụ thể nào đó - ví dụ, tại sao họ lại uống rượu - mà chỉ nghiên cứu kết quả của những sự lựa chọn đó trên thương trường mà thôi - họ cần bao nhiêu rượu, với giá bao nhiêu. Kinh tế học phải coi giá trị và mục đích của các cá nhân là những thứ “cho trước”. Nó chỉ tập trung chú ý vào hành động của họ mà thôi. Mises cho rằng đấy là một phần của bộ môn khoa học tổng quát - praxeology, tức bộ môn khoa học nghiên cứu về hành động của con người. Và để mô tả môn khoa học nghiên cứu về hành động trao đổi/kinh tế của con người - cách thức giá cả xuất hiện trên cơ sở hoạt động trao đổi của con người - ông sử dụng thuật ngữ khoa học: catallactics. Ông đề xuất sử dụng thuật ngữ catallaxy - trật tự giao thương - là kết quả tổng thể có được từ các trao đổi đó, thay vì sự dung thuật ngữ nền kinh tế - economy - vì cho rằng thuận ngữ nền kinh tế mang hơi hướng cơ học, có tính chủ ý và được hoạch định3.
Nhưng khoa học nghiên cứu hành động trao đổi của con người khác hẳn với các môn khoa học tự nhiên, tức là những môn khoa học chuyên chú vào việc phát hiện các sự kiện và tiến hành theo dõi, kiểm nghiệm và đưa ra những dự đoán hữu ích. Vì thứ nhất, nhà kinh tế học không có thiết bị để quan sát những giá trị mà người khác coi trọng. Thứ hai, không thể kiểm nghiệm được các kết quả kinh tế vì hoàn cảnh không bao giờ lặp lại: con người, sự lựa chọn của họ, các giá trị mà họ coi trọng và động cơ của họ luôn biến đổi.
Tuy nhiên, kinh tế học vẫn là một môn khoa học có thể phát hiện được các sự kiện và thậm chí đưa ra được dự đoán, đưa ra được những lời tuyên bố, nhưng không phải trên cơ sở quan sát và kiểm nghiệm mà thông qua diễn dịch. Cũng như toán học, tức là môn học có thể được suy ra từ một vài tiền đề đơn giản và rõ ràng về các đường thẳng và con số, môn khoa học về hành động của con người cũng có thể được suy luận ra từ bản thân khái niệm hành động và lựa chọn.
Giải thích các giá trị từ các hành động
Chúng ta không thể thâm nhập vào đầu óc con người để tìm hiểu xem điều gì làm cho họ hành động theo cách đó, Mises nói; nhưng điều đó cũng không ngăn cản được chúng ta xử lí những sự lựa chọn của họ một cách khoa học. Chúng ta vẫn có thể xây dựng được các lí thuyết về cầu và giá (giả sử như thế), dù nguồn gốc của nó mang tính cá nhân và không thể tiếp cận được. Thực vậy, chúng ta có thể xây dựng được bức tranh về những giá trị mà người ta coi trọng trên cơ sở những lựa chọn của họ trong thực tế. Những lựa chọn mà người ta làm trên thị trường, Mises giải thích, cho thấy người ta thích đồ vật nào hơn và như vậy là cho thấy một số điều về thang bậc giá trị của họ - Mises gọi là sở thích hiển lộ (demonstrated preference). Chúng ta không thể thấy những giá trị mà người ta coi trọng, nhưng chúng ta có thể suy ra từ những cái mà trên thực tế từng người đã lựa chọn.
Chúng ta tự biết rằng khi ta chọn món hàng này chứ không chọn món hàng kia là vì chúng ta thích cái này hơn cái kia. Và rõ ràng là ta chọn để có món đồ mà ta coi là quan trọng hơn cái ta bỏ lại hoặc phải mang ra đánh đổi. Tương tự, khi thấy người nào đó lựa chọn, chúng ta kết luận rằng hành động của họ cũng được thúc đẩy bởi những giá trị và sở thích của họ. Khi thấy họ đưa ra một loạt lựa chọn, họ chọn một số đồ vật và để lại một số đồ vật khác thì chúng ta kết luận rằng, tương tự như chúng ta, mỗi người đều có một thang giá trị riêng của mình.
Bây giờ chúng ta có thể bắt đầu xem xét xem Mises hiểu như thế nào khi ông nói rằng các nguyên lí của kinh tế học có thể được diễn dịch từ khái niệm hành động. Khi người ta hành động và lựa chọn thì đương nhiên là họ có một tập hợp các giá trị và họ coi một số đồ vật quan trọng hơn một số khác. Không cần biết chính xác trên thực tế một cá nhân nào đó đã chọn cái gì, logic của quá trình lựa chọn cung cấp cho ta những tư tưởng nền tảng của môn kinh tế học - đấy là những tư tưởng như lợi ích (utility), giá cả và trao đổi.
Ví dụ về phân tích lợi ích
Cái mà các nhà kinh tế học gọi là phân tích lợi ích cận biên là một ví dụ tốt cho cách tiếp cận này. Các nhà kinh tế học đã vật lộn với vấn đề như tại sao nước, quan trọng với đời sống như thế, lại rẻ, trong khi kim cương chẳng quan trọng gì, lại đắt? Tại sao kim cương được đánh giá cao hơn nước? Carl Menger, người đặt nền móng cho Trường phái Áo, đã có câu trả lời. Người ta không chọn giữa “nước” và “kim cương” một cách trừu tượng: họ không phải đối mặt với vấn đề mua tất cả nước trên thế giới hay mua tất cả kim cương trên thế giới. Lựa chọn chỉ là họ có thích một ít nước hay một viên kim cương mới hay không. Và vì đa số người ta đã có đủ nước dùng rồi cho nên trên thực tế thêm một cốc nước nữa cũng chẳng có giá trị gì: đấy là lí do vì sao nước rẻ. Nhưng người ta không bao giờ nghĩ rằng họ đã có quá nhiều kim cương và vì vậy sẵn sàng chi nhiều tiền để mua thêm một viên nữa; đấy là lí do vì sao kim cương lại đắt.
Một người đang sắp chết khát trên sa mạc dĩ nhiên là có thể trả giá rất cao cho một cốc nước và có thể sẵn sàng đổi viên kim cương lấy một cốc nước. Cho nên nước và kim cương không có giá trị cố định; người ta chọn cái gì là hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng mà người bán đưa ra cùng hoàn cảnh và tâm trạng của họ lúc đó.
Như vậy nghĩa là giá trị và sự chọn lựa không thể đo lường được và không thể dự đoán được bằng những phương trình toán học. Một người đau đầu có thể cần vài viên aspirin, nhưng chắc không nghĩ rằng một trăm viên aspirin thì sẽ tốt hơn đến năm chục lần hai viên kia. Một người cần mười thanh gỗ để làm mái che có thể đổi một áo mưa lấy mười, hai mươi hay ba mươi thanh: nhưng không đổi lấy chín vì chín thanh thì không che được mưa. Cho dù đã biết giá được đặt cho một khối lượng hàng hóa nhất định thì cũng không có phép tính nào có thể giúp thấy được đánh giá của một người khi món hàng đó thay đổi về mặt số lượng.
Tư duy sai lầm của môn kinh tế học dòng chính
Khi người ta tham gia trao đổi, tức là người ta phải từ bỏ cái người ta có để nhận về cái người ta cần, người ta lựa chọn như thế nào? Các nhà kinh tế học Trường phái Áo trả lời: người ta từ bỏ cái mang lại cho người ta ít lợi ích nhất. Họ không phải xem xét giá trị của tất cả các thứ họ có: họ chỉ xem xét giá trị của một phần nhỏ những thứ họ có, mà đấy lại là thứ mang lại ít lợi ích nhất. Họ quyết định từ bỏ trên cơ sở phân tích lợi ích cận biên - theo cách nói của các nhà kinh tế học. Tương tự, cái mà họ nhận cũng được quyết định theo cách giống hệt như vậy. Họ sẽ nhận cái có lợi ích hơn so với cái mà họ từ bỏ nếu đối với họ lợi ích cận biên của nó lớn hơn.
Phần lớn cách phân tích như thế cũng đã thâm nhập vào nền kinh tế học dòng chính, nhưng lại thường bị hiểu sai. Nhiều người coi lợi ích như là thuộc tính tồn tại trong chính hàng hóa, chứ không phải là phản ứng cảm tính của cá nhân đối với món hàng. Tai hại nhất là, Mises nói, trong các cuốn sách giáo khoa người ta lại đem cộng các "khối" "lợi ích" vào để đưa ra đồ thị “lợi ích tổng”. Nhưng tình cảm của con người, những giá trị mà họ coi trọng không thể cộng vào nhau như thế được - như ví dụ về aspirin đã cho thấy.
“Những đường bàng quan” quen thuộc trong sách giáo khoa cũng là sai. Những đường đồ thị này nhằm chỉ ra rằng người ta có thể từ bỏ một món hàng với số lượng là bao nhiêu để đổi lấy một món hàng khác. Nhưng ta không thể lấy quyết định của người khi đứng trước lựa chọn này để ngoại suy và dự đoán người ta sẽ hành động ra sao trước một lựa chọn khác. Giá trị mà người ta coi trọng không đi theo đường cong trong sách vở và không thể nào dự đoán được - như ví dụ về những thanh gỗ cho thấy.
Mises tin rằng tư duy sai lầm như thế đã tạo ra nhiều khó khăn cho các nhà kinh tế học dòng chính. Trên cơ sở quan sát những sự lựa chọn thực tế trong quá khứ, họ tuyên bố rằng họ có thể xác định được “xu hướng” (ví dụ như tiêu dùng hay tiết kiệm), tức là những xu hướng này là bất biến và có thể đo lường được, cho phép họ dự đoán về những lựa chọn trong tương lai. Nhưng tất cả những giải thích như thế là hoàn toàn sai. Mises chỉ ra rằng sở thích của con người trong quá khứ không thể cho ta biết họ sẽ phản ứng như thế nào trước khả năng lựa chọn khác trong tương lai.
Một phần là do khoa kinh tế học dòng chính đã không tính đến sự đa dạng của những giá trị mà con người coi trọng. Nó chỉ chú ý đến “các hàng hóa kinh tế" - tức là những thứ có thể mang ra mua bán trên thị trường - và coi con người là “những tác nhân duy lí” đang lựa chọn những món hàng đó. Trên thực tế, Mises giải thích, sự lựa chọn của con người rộng hơn và cảm tính hơn nhiều. Ví dụ, người ta có thể lựa chọn địa vị hơn là lợi lộc về mặt tài chính. Kinh tế học dòng chính bỏ qua cái nửa quan trọng này của câu chuyện. Và như thế là nó tự làm mất giá của chính mình.
Chú thích:
(1) Muốn tìm hiểu thêm cách giải thích của Mises về phương pháp tiếp cận này, xin đọc Epistemological Problems of Economics (Những vấn đề về nhận thức luận của kinh tế học), xuất bản lần đầu năm 1933.
(2) Cách tiếp cận này được gọi là methodological individualism
(3) Catallactics là lí thuyết về con đường đưa hệ thống thị trường tự do đến tỉ lệ trao đổi về giá cả
Nguồn: Eamonn Butler (2014). Lược khảo Ludwig von Mises. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: Ludwig Von Mises―A Primer (2014) (lưu ý: bản đăng trên thitruongtudo.vn đã được Đinh Tuấn Minh hiệu đính).