Chủ nghĩa gia trưởng kỹ trị của Singapore và cách kinh tế học hành vi biện minh cho sự tiếp diễn của mô hình này (Phần 6)

Chủ nghĩa gia trưởng kỹ trị của Singapore và cách kinh tế học hành vi biện minh cho sự tiếp diễn của mô hình này (Phần 6)

Các công cụ Dữ liệu lớn có thể đưa chúng ta đi xa đến đâu?

Gần đây, Singapore đã nâng tầm chính quyền tinh hoa kỹ trị của mình bằng cách sử dụng các công cụ Dữ liệu lớn và công nghệ tiên tiến nhất. Có thể nói, hệ thống này đã đạt đến đỉnh cao với hệ thống Đánh giá Rủi ro và Quét Tầm nhìn (RAHS), vốn được sử dụng cho các mục đích an ninh quốc gia, nhưng hiện đã mở rộng sang các lĩnh vực quy hoạch kinh tế và xã hội.

Trong phần này, chúng tôi chỉ tập trung vào việc ứng dụng ngày càng phát triển của RAHS trong hoạch định kinh tế. Chúng tôi lập luận rằng các hệ thống Dữ liệu lớn như RAHS, tương tự như kinh tế học hành vi, thiếu sự phân tích so sánh thể chế giữa chính sách nhà nước và thị trường. Điều này dẫn đến việc phân tích của chúng không xem xét cách các thể chế thị trường như quyền sở hữu, hệ thống giá cả và lợi nhuận hỗ trợ việc thích nghi và giảm thiểu sự phức tạp kinh tế trong xã hội. Chúng tôi cho rằng, khi đối chiếu với các lập luận của chủ nghĩa tự do cổ điển, các đánh giá từ Dữ liệu lớn của chính phủ Singapore đã không đáp ứng được yêu cầu này.

Dữ liệu lớn không đồng nghĩa với kiến thức lớn

Ý tưởng tích hợp công nghệ Dữ liệu lớn vào chính sách kinh tế không phải là mới. Sau cuộc cách mạng công nghệ trong thế kỷ 21, khả năng lưu trữ, tốc độ xử lý dữ liệu, và năng lực phân tích đã được cải thiện đáng kể. Chính điều này đã khiến các nhà trí thức và nhà báo đặt câu hỏi liệu Dữ liệu lớn có phải là chìa khóa để giải bài toán muôn thuở của chủ nghĩa xã hội về hoạch định tập trung hay không (Thornhill, 2017; Wang & Li, 2017)1. Tỷ phú Trung Quốc Jack Ma cũng nổi tiếng với việc ca ngợi vai trò của Dữ liệu lớn trong việc hồi sinh các lý tưởng của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung (Global Times, 2017).

Theo lập luận này, khối lượng dữ liệu khổng lồ mà các tập đoàn công nghệ như Facebook và Amazon quản lý hàng ngày, về mặt lý thuyết, có thể được các nhà hoạch định chính sách sử dụng tương tự để điều tiết nền kinh tế. Nếu các tập đoàn tư nhân có thể làm được điều này, thì nhà nước cũng vậy. Lập luận này cho rằng sự thất bại kinh tế của chủ nghĩa xã hội cũ là do thiếu hụt thông tin đầu vào. Nếu có đủ thông tin, việc quản lý sẽ tối ưu hơn và các quy trình tổ chức kém hiệu quả có thể được giải quyết, từ đó cho phép việc hoạch định tập trung hiệu quả hơn.

RAHS không đặt mục tiêu đạt đến tham vọng của hoạch định tập trung. Thực tế, Peter Ho hoàn toàn thừa nhận rằng hệ thống RAHS không được thiết kế để đưa ra các dự đoán chính xác về cách tương lai sẽ phát triển. Tuy nhiên, triết lý kinh tế "hoạch định theo kịch bản" lại có nhiều điểm tương đồng với các cuộc thảo luận phổ biến về việc sử dụng Dữ liệu lớn để hoạch định kinh tế. Dù sao, RAHS vẫn là một công cụ để đưa ra một số dự đoán nhất định. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2018, Ho đã mô tả điều này là "tư duy tương lai":

"Một số người trong chúng tôi gọi (RAHS) là tầm nhìn xa, hay tư duy tương lai. Nó giúp các nhà hoạch định chính sách trong chính phủ xây dựng các chiến lược và đưa ra các chính sách để duy trì những quỹ đạo tích cực và chuyển hướng những quỹ đạo tiêu cực sang hướng tích cực hơn. Mục tiêu là đưa ra những quyết định tốt hơn để định hình tương lai, chứ không phải dự đoán tương lai, vì điều đó là vô ích" (2018, trang 14).

Dữ liệu lớn thực sự giúp các nhà hoạch định chính phủ thu thập và phân tích tốt hơn khối lượng dữ liệu lớn để tìm ra các mô hình lịch sử có giá trị.Tuy nhiên, các lập luận này không thành công trong việc bác bỏ quan điểm của chủ nghĩa tự do cổ điển về vấn đề hoạch định tập trung. Vấn đề cốt lõi của những lập luận trên là sự hiểu lầm nghiêm trọng về loại kiến thức cần thiết cho việc lập kế hoạch kinh tế. Có một sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm tưởng chừng như tương tự nhưng lại rất khác biệt: dữ liệu và tri thức. "Dữ liệu" là những gì mà những người ủng hộ lập luận trên tìm cách huy động bằng sự trợ giúp của công nghệ máy tính hiện đại; nó đại diện cho những điểm dữ liệu thực nghiệm từ quá khứ. Ví dụ, dữ liệu mua hàng có thể cho chúng ta biết về thời gian, địa điểm, giá cả và số lượng của một giao dịch. Tuy nhiên, dữ liệu không phản ánh được bối cảnh mà giao dịch đó xảy ra và về cơ bản chỉ là một phần không đầy đủ của bức tranh toàn cảnh. Ngược lại, "tri thức" tồn tại trong một bối cảnh cụ thể về thời gian và địa điểm. Tri thức là những suy nghĩ cá nhân, niềm tin chủ quan, các giá trị và sở thích của từng cá nhân, được phân tán dưới nhiều hình thức khác nhau trong hàng triệu con người trong xã hội.

Trong các cuộc tranh luận về tính toán kinh tế xã hội chủ nghĩa vào đầu thế kỷ 20, F. A. Hayek (1945) đã chỉ ra trong bài viết kinh điển The Use of Knowledge in Society về sự khác biệt quan trọng giữa dữ liệu (mà ông gọi là "kiến thức khoa học”) và tri thức hiện diện trong từng bối cảnh cụ thể về thời gian và địa điểm.

Loại tri thức sau chính là loại tri thức mà những nhà hoạch định trung ương cần có. Tuy nhiên, việc lập kế hoạch kinh tế ở cấp chính phủ nhà nước là bất khả thi bởi loại tri thức cần thiết cho quá trình này luôn nằm ngoài tầm với của các nhà hoạch định trung ương và được phân tán dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong cuốn The Sensory Order (1952), Hayek mở rộng lập luận của mình, chỉ ra còn có một hình thức tri thức chủ quan, dựa trên những quy tắc thể chế địa phương, chi phối các giao dịch xã hội (như văn hóa, chuẩn mực xã hội, và quy tắc pháp lý).

Đây chính là điểm khởi đầu cho sai lầm của chính sách kiểu như RAHS. Quan điểm cho rằng chính phủ có thể tập hợp những bộ dữ liệu lớn để điều hướng nền kinh tế là một sai lầm khi coi “dữ liệu” như là “tri thức”. Một bộ dữ liệu có thể chỉ ra sự sụt giảm trong nhập khẩu thép năm ngoái, nhưng nó không thể cung cấp tri kiến về quá trình ra quyết định phức tạp của hàng ngàn doanh nghiệp theo đuổi những kế hoạch kinh doanh khác nhau. Dù Dữ liệu lớn có mạnh mẽ đến đâu, nó cũng không thể cung cấp lý do đằng sau những quyết định này. Các cải tiến công nghệ không giúp ích cho nhà hoạch định trung ương, bởi lẽ tri thức cần thiết để lập kế hoạch cho nền kinh tế được Hayek lập luận như sau:

“…loại tri thức mà tôi đã nhắc đến là loại tri thức, mà vì bản chất của nó, không thể đưa được vào trong thống kê, và do vậy không thể được truyền tải tới bất kỳ một ủy ban trung ương nào dưới hình thức thống kê. Bảng thống kê mà một ủy ban trung ương như thế phải sử dụng sẽ phải được hình thành chính xác bằng cách loại bỏ những khác biệt nhỏ giữa các sự vật, bằng cách gộp lại với nhau những hạng mục như các nguồn lực cùng loại, vốn khác nhau về địa điểm, chất lượng, cũng như những chi tiết cụ thể, theo một cách dường như rất có ý nghĩa đối với một quyết định cụ thể. Từ đó, chúng ta có thể suy ra là: việc hoạch định tập trung dựa trên các thông tin thống kê, do bản chất của loại thông tin này, không thể trực tiếp đưa vào các dữ liệu về các hoàn cảnh cụ thể biến đổi theo thời gian và không gian..." (1945, trang 524).

Trong một bài giảng vào năm 1968, Hayek cũng lập luận tương tự rằng:

“… tất cả các đường cung và cầu gộp mà chúng ta đang vui vẻ sử dụng thực chất không phải là dữ liệu, mà là kết quả của quá trình cạnh tranh liên tục. Do đó, các số liệu thống kê không thể cho chúng ta biết những thay đổi về giá cả hoặc thu nhập nào là cần thiết để thực hiện điều chỉnh phù hợp với những biến động không thể tránh khỏi trong dữ liệu” (2002, trang 18).

Do đó, dù công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) có tiên tiến đến đâu và dù chính phủ có thu thập được bao nhiêu dữ liệu từ người dân đi chăng nữa, thì những dữ liệu này vẫn không thể cung cấp cho nhà hoạch định thông tin về sở thích của người tiêu dùng và các hoàn cảnh hình thành nên những sở thích đó. Lựa chọn của con người là một hành động mang tính thủ tục, diễn ra trong một thời điểm, địa điểm và bối cảnh trao đổi cụ thể. Ví dụ, quyết định mua một chiếc xe có thể bị ảnh hưởng bởi dự báo thời tiết theo mùa, mức thu nhập dự kiến của gia đình, và các chuẩn mực xã hội quy định rằng việc lái loại xe nào là "bình thường " (như một chiếc Prius), hoặc "quá phô trương" (như một chiếc Hummer), hay "đẳng cấp" (như một chiếc Mercedes), nhưng tất cả những điều này không thể được thể hiện qua bảng tính của những nhà phân tích.

Để dữ liệu trở nên có ý nghĩa nhà phân tích phải đưa ra những phán đoán mang tính quy chuẩn của riêng mình về các lý do khả dĩ đằng sau ý nghĩa liên quan đến dữ liệu đó. Chẳng hạn, sự sụt giảm trong nhập khẩu thép có thể do chiến tranh thương mại quốc tế, sự xuất hiện của thị trường hoặc công nghệ mới làm giảm sự phụ thuộc vào thép, hoặc do các dự báo về suy thoái kinh tế, v.v. Các nhà hoạch định chính sách sẽ phải cố gắng kiểm soát các tác động ngoại sinh này trong tập dữ liệu lớn, nhưng nhiệm vụ này sẽ vô cùng phức tạp khi xem xét đến số lượng vô hạn các lý do khả dĩ trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế.

Hơn nữa, khi cố gắng sử dụng dữ liệu lịch sử để định hướng tương lai kinh tế, RAHS phạm sai lầm khi cho rằng giá trị và sở thích của người tiêu dùng là cố định theo thời gian, trong khi thực tế không phải vậy. Với giả định ngầm này, các nhà hoạch định chính phủ xem việc lập kế hoạch kinh tế như một bài toán đơn thuần. Nếu có thể biết trước người tiêu dùng sẽ ưa thích điều gì, thì nhiệm vụ còn lại chỉ đơn giản là bài toán xây dựng đường phân phối.

Nhưng khi từ bỏ những giả định này, vấn đề chúng ta đối mặt không còn là vấn đề tính toán toán học, mà trở thành "vấn đề kinh tế" theo cách gọi của Hayek, khi các điều kiện lập kế hoạch kinh tế trở nên vô cùng phức tạp. Mỗi cá nhân có sở thích, thái độ đối với rủi ro, và giá trị mâu thuẫn, tất cả đều thay đổi theo môi trường thể chế xung quanh họ. Vậy làm thế nào để phối hợp các mục tiêu khác nhau của hàng triệu người trong một nền kinh tế tự do mà không gây bất đồng? Từ góc nhìn của một nhà hoạch định trung ương theo chủ nghĩa xã hội, câu hỏi này tương đương với câu hỏi: "Làm thế nào để một nhà hoạch định ưu tiên một số phương pháp sản xuất hoặc một số loại hàng hóa so với những loại khác?" Thực tế của sự khan hiếm kinh tế là việc không thể đạt được tất cả các mục tiêu cùng một lúc. Nhà hoạch định phải quyết định cách phân bổ các nguồn lực có hạn. Chính câu hỏi này đã được Hayek và các học giả khác giải thích qua việc nhấn mạnh vai trò của các thể chế thị trường như quyền sở hữu tư nhân, hệ thống giá cả tự do, và tính toán lỗ-lãi trong việc điều phối các mục tiêu mâu thuẫn. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ điều này trong phần tiếp theo.

Sự thích nghi trong một thế giới phức tạp

Động lực chính dẫn đến phát triển RAHS xuất phát từ nhận thức rằng các nhà hoạch định chính sách không được trang bị đầy đủ về nhận thức luận để đối phó với sự phức tạp cao độ  của xã hội hiện đại. Thực tế, tiền đề này có nhiều điểm tương đồng với chủ nghĩa tự do cổ điển. Tận dụng các quan điểm từ kinh tế học hành vi, RAHS và phương pháp xây dựng kế hoạch theo kịch bản được kỳ vọng sẽ giúp giảm thiểu các thiên kiến thể chế của các nhà hoạch định và hỗ trợ quá trình “tìm kiếm và khám phá” các giải pháp mới nhằm “thích nghi” trong môi trường phức tạp hiện nay (Ho, 2012, trang 8). Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các chính sách như kiểu RAHS đánh giá thấp sự phức tạp và không đạt được mục tiêu thúc đẩy khả năng thích nghi trong những hoàn cảnh như vậy.

Như đã phân tích trong phần trước, loại tri thức cần thiết để lập kế hoạch kinh tế không thể được gói gọn trong các tập dữ liệu mà tồn tại dưới dạng phân tán trong các bối cảnh cụ thể. Do đó, Dữ liệu lớn chỉ mang lại một hình thức “thích nghi” kinh tế mang tính bề mặt. Việc lập kế hoạch kinh tế dựa trên các tập dữ liệu lịch sử không chỉ xuất phát từ sự nhầm lẫn giữa “dữ liệu” và “tri thức” mà còn dựa trên các giả định phi thực tế như sở thích không thay đổi, điều không có trong thế giới thực. Ngay cả khi các nhà hoạch định nhận ra những hạn chế này, sự thay đổi nhanh chóng của các nền kinh tế phức tạp hiện đại khiến cho các đề xuất phải liên tục điều chỉnh dựa trên dữ liệu thực nghiệm mới.

Với những hạn chế hiện tại, thật khó để thuyết phục rằng Dữ liệu lớn có thể hỗ trợ thích nghi kinh tế trong một nền kinh tế toàn cầu hóa và phức tạp như ngày nay. Trái ngược với RAHS, lập luận của chủ nghĩa tự do cổ điển ủng hộ thị trường tự do dựa trên một khung thể chế linh hoạt, có khả năng thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi của hoàn cảnh. Quan điểm này không giả định rằng tri thức cần thiết để lập kế hoạch kinh tế có thể được tập trung hóa một cách hợp lý trong các cơ quan nhà nước. Thay vào đó, nó ủng hộ việc các chủ thể kinh tế phi tập trung tự do theo đuổi kế hoạch của mình trong phạm vi riêng, từ đó hình thành một trật tự cạnh tranh và sản sinh ra chính những tri thức cần thiết để thích ứng với những hoàn cảnh phức tạp và luôn thay đổi.

Theo quan điểm của Hayek về vấn đề tri thức, các nhà tự do cổ điển từ lâu đã nhấn mạnh rằng nền kinh tế thị trường tự do cho phép thích nghi mang tính phối hợp. Những chế độ thị trường này được xây dựng dựa trên ba cơ chế thể chế chính: quyền sở hữu tài sản tư nhân, hệ thống giá tự do không bị can thiệp, và tính toán lỗ-lãi.

  1. Trước hết, quyền sở hữu tài sản tư nhân phi tập trung cho phép các chủ sở hữu vốn tự do theo đuổi tầm nhìn kinh doanh của mình thay vì để các nhà hoạch định chính sách độc quyền quyết định sản xuất.
  2. Thứ hai, hệ thống giá thị trường đóng vai trò cung cấp thông tin cho các chủ doanh nghiệp về những phương pháp tiết kiệm nhất khi đưa ra các quyết định đầu tư và sản xuất. Hayek đã minh họa trong một ví dụ kinh điển rằng, hệ thống giá cả có thể khiến người sử dụng thiếc giảm lượng tiêu thụ khi quan sát thấy giá tăng mà không cần phải bỏ nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu đâu là nguyên nhân khiến nguồn cung thiếc trở nên đắt đỏ (1945, tr. 526).
  3. Thứ ba, tính toán lỗ lãi cung cấp đánh giá sau khi hoàn thành công việc, giúp xác định sự đúng đắn hoặc sai lầm trong các quyết định kinh doanh. Lợi nhuận là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp đang cung cấp giá trị đúng với nhu cầu của người tiêu dùng, trong khi thua lỗ phản ánh rằng giá trị không được đáp ứng hoặc phương pháp sản xuất hiện tại không bền vững về mặt kinh tế. Từ góc độ hiệu quả kinh tế, cơ chế lợi nhuận đóng vai trò quan trọng vì nó giúp các doanh nhân điều chỉnh chiến lược cần thiết hoặc rút lui khỏi thị trường.

Để phản đối các nhà xã hội chủ nghĩa cổ điển, những người mong muốn xóa bỏ giá cả, quyền sở hữu tài sản và lợi nhuận, Ludwig von Mises (1990) đã đưa ra lập luận nổi tiếng rằng nếu không có các thể chế thị trường này, việc phân bổ hợp lý các nguồn lực khan hiếm trong nền kinh tế là bất khả. Chính vì nền kinh tế quá phức tạp để một cơ quan trung ương duy nhất quản lý, các cơ chế thị trường trở nên vô cùng cần thiết trong việc điều phối hoạt động kinh tế. Quyền sở hữu tài sản tư nhân khuyến khích các doanh nhân đầu tư vốn phù hợp với dự đoán về sự thay đổi cung cầu trong tương lai. Hệ thống giá cả hoạt động như những tín hiệu thông tin, hướng dẫn các doanh nhân thực hiện các quy trình sản xuất hợp lý về mặt kinh tế. Các dự án kinh doanh liên tục phải đối mặt với thử thách lợi nhuận trong môi trường cạnh tranh, ngăn chặn những quyết định kinh doanh sai lầm và ngừng áp dụng các phương pháp sản xuất không hiệu quả. Trên hết, hệ thống thị trường tự do cho phép làn sóng “phá hủy sáng tạo” theo lý thuyết của Schumpeter (2006), loại bỏ những dự án kinh tế kém hiệu quả hiện tại và tạo điều kiện cho những thử nghiệm mới.

Những cơ chế điều phối này sẽ không tồn tại trong việc lập kế hoạch từ trung ương bằng Dữ liệu lớn. Tính khả thi của dự án RAHS trở nên phức tạp hơn bởi một lập luận khác của Hayek về "tri thức ẩn" - một yếu tố cần thiết cho việc hoạch định kinh tế. Như đã nói, tri thức ẩn là dạng tri thức không thể diễn đạt rõ ràng, chẳng hạn như cách ta điều khiển xe đạp mà không thể giải thích cặn kẽ các nguyên lý vật lý và khoa học liên quan (Lavoie, 1986). Vấn đề đối với nhà hoạch định trung ương là loại tri thức ẩn này mang tính nội sinh trong quá trình thị trường và không tồn tại bên ngoài quá trình đó. Chỉ khi các doanh nhân hành động dựa trên những trực giác không thể diễn đạt (ví dụ: nhận thức nhanh nhạy về cơ hội lợi nhuận), tri thức ấy mới tạo ra giá trị kinh tế và có thể quan sát được từ bên ngoài. Điều này khiến cho cả những nhà hoạch định tập trung lẫn các đối thủ cạnh tranh trên thị trường khó có thể tiếp cận được. Do đó, quá trình cạnh tranh thị trường là một quá trình khám phá liên tục, giúp khai phá những kiến thức kinh tế quan trọng mà nếu không có sự cạnh tranh, những kiến thức này sẽ không thể được khám phá (Hayek, 2002).

Ho (2016b) dường như đã nhận thức được khái niệm tri thức ẩn và để giảm thiểu các vấn đề liên quan đến loại tri thức này cho các nhà hoạch định chính sách, ông đề xuất tích hợp các phương pháp mô phỏng và trò chơi vào chính sách công. Tuy nhiên, lập luận này xuất phát từ sự hiểu lầm về tri thức ẩn. Như đã đề cập, tri thức ẩn hữu ích cho việc hoạch định kinh tế chỉ được tạo ra trong bối cảnh cạnh tranh thị trường. Loại tri thức này không giống với dữ liệu thống kê và không thể đạt được thông qua các trò chơi mô phỏng, nơi mà các quy tắc chỉ là một phiên bản sơ lược của nền kinh tế thị trường thực tế, thiếu đi các động lực thị trường, quyền lợi riêng của các bên, và sự cạnh tranh gay gắt giữa các đối thủ. Boettke, Coyne, và Leeson (2007) đã lập luận rằng tri thức được tạo ra từ sự cạnh tranh thị trường khác biệt cơ bản so với tri thức có được từ cạnh tranh chính trị. Trong thị trường, các cơ chế phản hồi cho phép phát hiện sai lầm và thực hiện điều chỉnh liên tục. Tuy nhiên, trong nền chính trị dân chủ, các cơ chế phản hồi như bầu cử hay trưng cầu dân ý lại làm tăng tính hiệu quả chính trị, một khái niệm hoàn toàn khác với hiệu quả kinh tế.

Ngay cả khi các phương pháp mô phỏng có thể giúp các nhà hoạch định chính sách vượt qua một số vấn đề liên quan đến tri thức ẩn, những mô phỏng này vẫn có khả năng ưu tiên một số dạng tri thức ẩn “được huấn luyện” và mẫu hình nhất định, thay vì bao quát vô số các biến thể khác nhau. Tuy nhiên, nếu ưu tiên là sự thích nghi kinh tế vĩ mô với những hiện tượng “thiên nga đen” không thể đoán trước mà học giả Ho đã cảnh báo, thì thật khó thuyết phục rằng các trò chơi mô phỏng sẽ là một giải pháp thực tế và đáng tin cậy.

Theo quan điểm của chủ nghĩa tự do cổ điển, chính vì nền kinh tế phức tạp và tri thức ẩn khó nắm bắt nên chúng ta cần một môi trường đa trung tâm, nơi nhiều chủ thể có thể sử dụng trực giác ngầm của riêng họ trong môi trường cạnh tranh của thị trường. Việc xác định "điều gì hiệu quả" đòi hỏi một quá trình thử sai, nơi các phương pháp cạnh tranh có thể được thực hiện song song. Chính những kiến thức được tạo ra từ quá trình cạnh tranh này cho phép xã hội thích nghi với các môi trường phức tạp.

Chú thích:

(1) Sunstein (2014, trang 11) đã có những kết luận sâu sắc về giá trị của Big Data trong việc nâng cao độ chính xác của phân tích chi phí-lợi ích, nhằm phục vụ hiệu quả hơn cho các mục tiêu điều tiết.

Nguồn: Chương 4 tác phẩm Cheang B. Và Choy D. (2021). Liberalism unveiled : forging a new third way in Singapore. World Scientifc Publishing Co. Pte. Ltd.