[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp] Chương 8: Trao đổi thư từ và tranh luận với Keynes
John Maynard Keynes cùng với Milton Friedman là hai nhà kinh tế học xuất chúng nhất thế kỷ hai mươi. Sinh năm 1883, Keynes mang trong mình thế giới quan khoa học thực chứng chủ nghĩa của thế kỷ mười chín – thậm chí thế kỷ mười tám. Ba mươi năm sau khi ông qua đời năm 1946, Colin Clark, bạn và đồng nghiệp của Keynes, đã mô tả về ông như sau: “Tôi nghĩ – và tôi biết ông rất rõ – thế giới lý tưởng của Keynes nằm trong quá khứ, thế giới của chủ nghĩa tự do triều đại Edward VII, của những quy ước nhân bản, cương lĩnh ôn hoà, và cải cách nhiều hứa hẹn, mà ông lớn lên trong đó.” Keynes là người có tính khí ôn hoà.
Ông đánh giá cao giá trị của nền văn minh tư bản chủ nghĩa. Cảm thán vĩ đại đầu tiên của Keynes trên diễn đàn công luận, tác phẩm Các hệ quả kinh tế của hoà bình (The Economic Consequences of Peace, 1919), là sự công kích nặng nề khía cạnh kinh tế của Hoà ước Versailles sau Thế chiến I cùng những kẻ làm nên bản hoà ước đó:
Một kỷ nguyên trong tiến bộ kinh tế của nhân loại mà đã đi đến hồi kết vào tháng 8 năm 1914 thật là một trang sử phi thường biết bao! Hơn một nửa nhân loại, đúng như vậy, làm việc vất vả và có mức sống thấp kém, nhưng dưới mọi vẻ, lại tỏ ra khá bằng lòng với số phận ấy. Tuy nhiên, lối thoát có thể mở ra với bất kỳ người nào có năng lực hay phẩm chất ngay trên mức trung bình, để được đặt chân vào tầng lớp trung lưu và thượng lưu, những người được hưởng cuộc sống với chi phí thấp và mức độ phiền toái tối thiểu, những tiện nghi, sung túc, và thú vui cuộc sống nằm ngoài tầm tay của những quốc vương giàu có và quyền thế nhất thuộc các thời đại khác. Công dân thành London, nằm trên giường nhấm nháp trà, có thể qua điện thoại đặt hàng những loại sản phẩm khác nhau trên khắp trái đất, với số lượng mà anh ta thấy là thích hợp, và bình thản ngồi chờ hàng được giao ngay trước bậc cửa nhà mình; anh ta cùng lúc đó có thể đầu tư của cải của mình vào những nguồn lợi tự nhiên và các doanh nghiệp mới ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới… Nếu muốn, anh ta có thể yêu cầu ngay lập tức phương tiện quá cảnh rẻ tiền và tiện nghi tới bất kỳ quốc gia nào mà không cần hộ chiếu hay thủ tục nào khác, có thể sai phái người giúp việc của mình đến văn phòng nhà băng kề đó lấy lượng đá quý vừa đủ thuận tiện, và có thể sau đấy lên đường thẳng ra nước ngoài… và sẽ tự coi là hết sức phiền hà và kinh ngạc nếu có một sự can thiệp ở mức tối thiểu nào… Nhưng trên hết, anh ta coi điều kiện trên là bình thường, chắc chắn, và luôn như thế, ngoại trừ theo hướng tốt hơn… Các dự án và tình hình chính trị của chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa đế quốc, của sự thù địch chủng tộc và văn hoá, của những độc quyền, hạn chế, và bài trừ, chỉ đáng kể hơn chút ít so với tin tức báo chí sốt dẻo hàng ngày mà anh ta vẫn đọc, và xem ra không có tý ảnh hưởng nào đến chu trình đều đặn của đời sống xã hội và kinh tế, mà quá trình quốc tế hoá hầu như đã hoàn thành trong thực tiễn.
Keynes công khai bài bác chủ nghĩa xã hội (sở hữu tập thể các phương tiện sản xuất kinh tế) và chủ nghĩa cộng sản (sở hữu tập thể toàn bộ tài sản). Trong một lần công kích chủ nghĩa Marx, ông đặt câu hỏi ví von, “Làm sao tôi có thể theo một thứ giáo phái mà, như thể ưa bùn hơn cá, lại tôn vinh giai cấp vô sản thô thiển lên trên giai cấp tư sản và trí thức, những người mà, với bất kỳ khiếm khuyết nào, chính là chất lượng của cuộc sống và chắc chắn mang trong mình những hạt giống tiến bộ của nhân loại?” Năm 1935, Keynes viết cho bạn ông là George Bernard Shaw1, “Tôi vừa công kích ông bạn già K[arl] M[arx] tuần trước, đọc tập thư tín Marx-Engels vừa xuất bản, không thấy có nhiều tiến bộ… Tôi có thể nhận thấy họ đã phát minh ra phương pháp nào đó để duy trì văn phong và phong cách viết đáng ghét, cả hai đều được những kẻ kế tục của họ trung thành duy trì. Nhưng nếu anh nói với tôi rằng họ đã lần ra được manh mối của bài toán kinh tế bí ẩn, thì cả tôi cũng chào thua luôn – tôi không thể phát hiện ra gì ngoại trừ những thứ gây tranh cãi cũ rích.”
Hoàn cảnh kinh tế ở Anh những năm 1920 khác với ở Mỹ. Trong khi đây là “Thập niên 1920 bùng nổ” ở Mỹ, thì ở Anh lại là thời kỳ suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp chỉ một lần tụt dưới mức 10%, xuống 9,7% năm 1927. Vì sao vậy? Câu trả lời của Keynes là nước Anh đã biến thành con mãnh thú cứng nhắc và tê liệt. “Sức mạnh của thế kỷ mười chín đã hết thời và đang cạn kiệt,” ông giải thích. Ông tin rằng nước Anh không còn là một thực thể kinh tế phát triển và năng động.
Hayek gặp Keynes lần đầu tiên tại cuộc gặp của các viện nghiên cứu chu kỳ kinh doanh Châu Âu ở London cuối thập niên 1920 trước khi Hayek tới LSE thuyết trình và giảng dạy. Lúc đó, Keynes là một trong những “người hùng” của ông. Hayek hồi tưởng, chẳng phải chính Keynes là “người đã có dũng khí phản đối các điều khoản kinh tế của hoà ước 1919 ư?” Hayek và giới trẻ thành Vienna đương thời từng thán phục “những cuốn sách chói ngời vì sự thẳng thắn và độc lập tư tưởng của chúng”.
Công trình lớn của Keynes kế tiếp tác phẩm Các hệ quả kinh tế của hoà bình là Tập luận về cải cách tiền tệ (A Tract on Monetary Reforms) (1923), tập hợp các bài viết và thuyết trình từ ba năm trước đó. Theo cách nói đương thời, Keynes là một “nhà bình ổn,” người tìm kiếm sự ổn định giá cả trong nước, tương phản với những ai tin tưởng mục tiêu đầu tiên của chính sách tiền tệ cần phải là cố định tỷ giá hối đoái liên tệ. Ông cho rằng cuốn Tập luận về cải cách tiền tệ đã đạt được sự đột phá thực sự trong quản lý tiền tệ. Những điểm chính yếu của cuộc cách mạng Keynes trong kinh tế học hàn lâm được trình bày dưới hình thái phôi thai: sự phân tách tương đối cung tiền tệ khỏi giá cả; nhấn mạnh điều kiện tài chính tức thời trong hoạch định chính sách; và vai trò nổi bật của chính phủ trong quản lý vĩ mô, nhưng không phải kiểm soát chi tiết, nền kinh tế quốc dân.
Sau khi ấn hành cuốn Tập luận về cải cách tiền tệ, Keynes khởi xướng cuộc luận chiến bất thành nhằm ngăn cản nước Anh quay trở lại kim bản vị theo tỷ giá trao đổi trước chiến tranh (hệ thống bản vị vàng đình chỉ trong suốt Thế chiến I). Ông coi chính sách quay lại với kim bản vị theo tỷ giá trước chiến tranh là điên rồ. Suốt giai đoạn dẫn đến sự khôi phục đó, đồng bảng có giá trị khoảng 10% thấp hơn đồng dollar theo tỷ giá trước chiến tranh. Xóa bỏ chênh lệch này đòi hỏi chính sách giảm phát, đẩy nền kinh tế Anh vốn đã chịu ảnh hưởng bởi tỷ lệ thất nghiệp cao lún sâu hơn vào suy thoái.
Sau sự trở lại kim bản vị theo tỷ giá trước chiến tranh, Keynes viết bài công kích nó, “Các hậu quả kinh tế của ngài Churchill” (The Economic Consequences of Mr. Churchill2), bấy giờ là bộ trưởng tài chính. Năm 1926, Keynes viết tác phẩm Sự cáo chung của hình thái Laissez Faire (The End of Laissez Faire), trong đó ông muốn nói “laissez faire” nghĩa là chính phủ không đóng vai trò lớn trong việc xác lập ở tầm quản lý vĩ mô đa số điều kiện hoạt động kinh tế của xã hội.
Sau đó, với nền tảng trên, Keynes viết công trình mà ông dự định là summa (bản đúc kết) của mình khi ra mắt tác phẩm Luận thuyết tiền tệ (A Treatise on Money, 1930). Tuy nhiên, khi cuốn sách xuất bản thì thời thế thay đổi. Thập niên 1920 suy thoái ở Anh đã nhường chỗ cho những năm đầu 1930 còn trầm trọng hơn.
Chính sách tiền tệ trở thành thứ công cụ chính sách vô hiệu suốt những năm đầu 1930 khi giảm phát kéo lãi suất xuống mức một chữ số. Lúc này, bên cạnh chính sách tiền tệ quốc gia, Keynes còn khuyến nghị chính sách tài khoá. Trách nhiệm của chính phủ khi đó là bơm thêm tiền để vực dậy nền kinh tế. Chính phủ cần tuyển lao động, xây dựng công trình công cộng, thực thi thanh toán trợ cấp, và duy trì mức chi tiêu cao. Về cơ bản, nhà tiền tệ Keynes trở thành nhà tài khoá Keynes khi thập niên 1920 dần khép lại và mở ra thập niên 1930, và tình hình kinh tế đã thay đổi từ môi trường mà chính sách tiền tệ có hiệu lực hơn sang môi trường mà ở đó chính sách tài khoá có thể đóng vai trò lớn hơn.
Robert Skidelsky mở đầu quyển thứ thứ nhất trong bộ tiểu sử ba tập của ông về Keynes, “John Maynard Keynes không chỉ là người của các nhóm xã hội có ảnh hưởng, mà còn một thành phần tinh hoa của tất cả các nhóm xã hội mà ông là thành viên. Thật hiếm có khi nào mà ông không nhìn xuống phần còn lại của nước Anh, và một phần đáng kể của thế giới, từ một tầm cao vĩ đại.” Chàng trai trẻ tuổi Hayek hẳn là đã phấn chấn khi tham dự cuộc gặp mặt các viện nghiên cứu chu kỳ kinh doanh Châu Âu cùng với Keynes ở London năm 1928 nơi cả hai đều là thành viên.
Một trong những nguồn gốc khiến Keynes không hài lòng với Hayek, thể hiện qua việc hồi âm bài phê bình tác phẩm Luận thuyết về tiền tệ, có thể là do ông nghĩ rằng trước đấy ông đã tỏ thiện chí với Hayek. Rõ ràng đầu năm 1927, Hayek đã gửi cho Keynes lá thư đề nghị ông gửi cho mình cuốn Tâm linh toán học (Mathematical Psychics) của F.Y. Edgeworth, và năm 1929 Hayek gửi cho Keynes bản copy cuốn luận văn Habilitation3 của mình, Lý thuyết tiền tệ và chu kỳ kinh doanh (bằng tiếng Đức). Keynes đã tỏ ra đủ thiện chí khi hồi âm món quà mà có lẽ ông không tìm kiếm đó, từ nhà kinh tế học hàng đầu thế giới tới một thanh niên nào đấy tuổi chưa đầy ba mươi, “Rất cám ơn vì đã gửi cho tôi bản copy cuốn sách của anh. Tôi đặc biệt quan tâm đến chương cuối. Tuy nhiên, tôi thấy tiếng Đức của anh khó hiểu khủng khiếp!”
Sau đó, trong tác phẩm Luận thuyết về tiền tệ của mình, Keynes đã hai lần đề cập đến Hayek, ý nghĩa nhất là với tư cách một phần của “trường phái tư tưởng đang phát triển ở Đức và Áo mà lý thuyết của nó về lãi suất ngân hàng trong mối liên hệ với sự cân bằng giữa tiết kiệm và đầu tư, và vai trò của đầu tư đối với chu kỳ tín dụng, khá là gần gũi với lý thuyết trong luận thuyết này” - số thành viên được đề cập đến có cả Mises và Hayek. Keynes còn hào phóng chú thích, “Lẽ ra tôi đã đề cập nhiều hơn tới công trình của các tác giả này nếu như sách của họ, vốn chỉ đến tay tôi khi những trang này đang được chuyển sang nhà xuất bản, xuất hiện trong giai đoạn tôi bắt đầu hình thành ý tưởng, và nếu như khả năng tiếng Đức của tôi không quá tệ (trong tiếng Đức tôi chỉ có thể hiểu rõ những gì mà mình đã biết! – vì thế những ý tưởng mới có xu hướng lẩn khuất khỏi tầm mắt của tôi do sự bất đồng ngôn ngữ).”
Về chuyện Hayek bước vào giới kinh tế học Anh với tư cách người bài bác học thuyết Keynes qua bài phê bình tác phẩm Luận thuyết về tiền tệ trên tờ Economica một tháng trước khi ông tới dạy tại LSE tháng 9 năm 1931, Donald Moggridge, nhà biên tập các công trình của Keynes, ghi chép rằng Keynes “rõ ràng rất không vui, vì bản copy số đó của tờ Economica là một trong những bản copy còn tìm thấy được chú giải nhiều nhất trong những ghi chép hàng ngày của ông, không ít hơn ba mươi tư chỗ đánh dấu hay nhận xét bằng bút chì trên bài phê bình dài hai mươi sáu trang. Cuối bản copy bài phê bình, Keynes chốt lại phản ứng của mình bằng câu, ‘Hayek đã không đọc cuốn sách của tôi với mức độ “thiện chí” mà tác giả được quyền chờ đợi ở độc giả. Nếu không làm được điều đó, anh ta sẽ không nhận thấy điều tôi muốn nói hay biết được liệu tôi có đúng hay không. Rõ ràng anh ta có niềm đam mê nào đó đã dẫn anh ta đến chỗ chế giễu tôi, nhưng tôi vẫn tự hỏi không biết đam mê ấy là gì.”
Vì sao Hayek phê bình Keynes nặng nề đến thế? Có lẽ ông phần nào nhận ra – có thể do Robbins khuyến khích – là bằng việc thách thức Keynes ông có thể xác lập tốt nhất vị trí của mình trong giới kinh tế học hàn lâm Anh. Robbins yêu cầu Hayek viết bài phê bình tác phẩm Luận thuyết tiền tệ của Keynes cho tờ Economica; sự kiện này diễn ra một số tháng sau khi Keynes và Robbins xung khắc luận điểm trong Uỷ ban các nhà Kinh tế học của thủ tướng Ramsay MacDonald. Không còn nghi ngờ gì, Hayek cũng có ý thức tự trọng cao sau các bài thuyết trình tháng giêng thành công rực rỡ, lời mời giảng dạy tự đến từ LSE, cuốn Các mức giá cả và sản xuất sắp xuất bản, cùng sự quảng bá trên tờ Economica.
Keynes và Hayek bắt đầu quan hệ thư từ cá nhân sau bài của Keynes đăng trên tờ Economica tháng 11 năm 1931, hồi âm bài phê bình của Hayek vào tháng 8. Keynes muốn làm sáng tỏ thuật ngữ của Hayek. Họ trao đổi mỗi người năm lá thư từ ngày 10 tháng 12 năm 1931 – khi Keynes bắt đầu thư từ – đến 23 tháng 1 năm 1932 – khi Hayek gửi lá thư cuối cùng trả lời yêu cầu của Keynes.
Keynes không thoả mãn với sự trao đổi như thế, Hayek chỉ trả lời từng thư yêu cầu từ phía ông. Keynes viết cho Hayek lá thư thứ sáu và là lá cuối cùng vào ngày 11 tháng 2 năm 1932, “bức thư [cuối cùng] giúp tôi rất nhiều theo hướng nắm bắt được suy nghĩ của anh. Tôi nghĩ anh đã cho tôi biết tất cả những gì mà mình có quyền hỏi theo đường thư tín. Nhưng tôi vẫn còn cái cảm giác là khi đọc nội dung thư, rất ít khi tôi biết được chính xác những giả thuyết đơn giản hoá mà anh muốn giới thiệu là gì hay hệ quả lập luận sẽ thế nào nếu bỏ những giả thuyết đơn giản hoá ấy đi. Trở lại vấn đề mà từ đó chúng ta bắt đầu trao đổi, tôi thấy mình lại vẫn chơi vơi ở điểm xuất phát, nghĩa là không chắc chắn với những gì anh muốn nói… Cám ơn anh rất nhiều vì đã trả lời tôi đầy đủ như vậy.”
Hayek đã đánh giá quá cao nhận định chuyên môn của Keynes về mình. Ngày 1 tháng 2 năm 1932, Keynes viết về Hayek cho hai người bạn của ông ở Cambridge là Richard Kahn và Piero Sraffa. Ông hỏi, “Động thái tiếp theo sẽ là gì đây? Tôi có cảm giác là cái vực thẳm kia đang ngoác miệng ra – còn tôi thì cũng đang ngáp y như thế.” Nghĩa là Keynes nhàm chán sự trao đổi với Hayek. Ngày 29 tháng 3 năm 1932, trả lời lá thư của Hayek, Keynes viết “[Tôi] chưa nghiên cứu bài của anh trên tờ Economica [phần thứ hai bài phê bình của Hayek đối với Luận thuyết về tiền tệ] kỹ như dự định” – điều này xảy ra sau khi ông chắc đã có trong tay bài phê bình một số tuần, và Hayek đã đề cập đến nó trong thư hơn hai tháng trước.
Keynes viết trên bản thảo một bài viết của Hayek năm 1932, “một mớ hỗn độn của những thứ nhảm nhí vô căn cứ nhất từng thấy”; trong một bức thư năm 1933, “Hayek đã tới đây [Cambridge] nghỉ cuối tuần. Chúng tôi rất hoà hợp với nhau trong đời sống cá nhân. Nhưng thứ lý thuyết của anh ta thì thật là rác rưởi – bây giờ tôi cảm thấy ngay cả chính anh ta cũng bắt đầu không tin nó”; và trong một bức thư năm 1935, “chỉ có Chúa mới biết được những gã người Áo muốn nói gì với cái ‘giai đoạn sản xuất.’ Với tôi thì không có nghĩa lý gì hết.” Theo Robert Skidelsky, ngày 5 tháng 3 năm 1933 có vẻ như là lần cuối cùng họ bàn luận về lý thuyết kinh tế qua thư từ, mặc dù sau đó họ còn tiếp tục thư từ “thân thiện với nhau về những khám phá đa dạng về sách cổ của mình” – như với Laski, Hayek chia sẻ đam mê sưu tầm sách với Keynes. Trong bức thư nổi tiếng và thiện ý mà Keynes gửi cho Hayek sau khi tác phẩm Đường về nô lệ ra đời, đầu tiên ông quở trách, “Anh sẽ không trông chờ tôi chấp thuận tất cả những nhận định quả quyết về kinh tế trong đó đâu đấy.”
Sự thiếu tôn trọng của Keynes dành cho kinh tế học kỹ thuật của Hayek – cũng như theo Keynes, sự bất lực của Hayek trong việc nắm bắt quan điểm của ông – thể hiện rõ ràng qua lời chú thích một bài viết của Keynes và, “với sự cho phép của giáo sư Hayek,” được đăng kèm một bài viết của Hayek trên tờ Economic Journal mà Keynes là biên tập. Hayek hồi âm bài của Piero Sraffa công kích mình, và kết luận, “Tôi mạo muội tin rằng ngài Keynes sẽ hoàn toàn đồng ý với tôi về việc bác bỏ đề xuất của Sraffa… một thực tế mới mẻ và khá bất ngờ là ông ta [Sraffa] đã hiểu lý thuyết của ngài Keynes thậm chí còn ít hơn cả của tôi.” Keynes sau đó chú thích vào dưới bài, “Tôi cần phải xác nhận, với nhận thức đầy đủ nhất, là ngài Sraffa đã hiểu chính xác lý thuyết của tôi.”
Trao đổi giữa Hayek và Keynes giai đoạn 1931-1932 đôi khi được mô tả là “tranh luận.” Trên thực tế, như sử gia kinh tế Bert Tieben viết, “Người ta có thể kết luận đặc trưng của cuộc bút chiến Hayek-Keynes là sự thiếu vắng tranh luận.” Cả hai đều tung ra những lời lẽ khích bác, và đó là tất cả. Không có sự trao đổi duy trì liên tục, cân nhắc và có kết quả. Không bên nào thuyết phục được bên kia thay đổi suy nghĩ của mình, hay thậm chí thuyết phục bên kia là trong quan điểm của mình có nhiều giá trị.
Kurt Leube, cựu trợ lý của Hayek, và nhà kinh tế học Albert Zlabinger viết, công trình của Hayek chỉ “chia sẻ một khoảnh khắc ngắn ngủi trong tâm điểm chú ý của giới hàn lâm với những ý tưởng mới của Keynes.” Học trò của Hayek mạnh nhất là ở LSE và cuối những năm 1930 hầu hết những người từng theo học thuyết Hayek vài năm trước đó đã chuyển sang theo Keynes. Ludwig Lachmann, nhà kinh tế học theo trường phái Áo nghiên cứu cùng Hayek giai đoạn này, kể lại rằng khi ông tới LSE đầu những năm 1930 thì “ai cũng theo học thuyết Hayek; nhưng cuối thập niên đó chỉ còn lại hai người: Hayek và tôi.” Hicks viết, “những người theo Hayek bỏ đi hết.”
Năm 1952, Hayek mô tả Keynes trong một bài phê bình sách, qua đó làm sáng tỏ hơn cả tác giả lẫn nội dung. Ông viết, “bất kể điều gì người ta có thể nghĩ về Keynes với tư cách một nhà kinh tế học, thì không một ai biết ông lại phủ nhận ông là một trong những người Anh xuất chúng nhất thuộc thế hệ mình. Dáng vẻ ấn tượng, những mối quan tâm quảng đại, và sức mạnh cùng vẻ quyến rũ thuyết phục trong nhân cách thực sự đã góp phần tạo nên tầm ảnh hưởng của một nhà kinh tế học trong con người ông chí ít cũng ngang với tính sáng tạo hay sự đúng đắn lý thuyết trong những cống hiến mà ông dành cho kinh tế học. Thành công của ông phần lớn bắt nguồn từ sự kết hợp hiếm hoi giữa trí tuệ lỗi lạc, tư duy nhạy bén cùng khả năng tiếng Anh bậc thầy mà chỉ ít người đương thời mới khả dĩ sánh được… Ông là học giả sắc bén hơn là có chiều sâu và thấu đáo, được dẫn dắt bởi khả năng trực giác mạnh mẽ khiến ông thường tìm cách chứng minh một vấn đề nhiều lần theo những cách khác nhau.”
Ông cũng mô tả Keynes là người “có khả năng phân chia thời giờ của mình giữa việc giảng dạy kinh tế và chỉ đạo múa ballet, đầu cơ tài chính và sưu tầm tranh ảnh, điều hành một tổ hợp đầu tư và quản lý tài chính một trường thuộc Đại học Cambridge, làm giám đốc một công ty bảo hiểm và trên thực tế điều hành Nhà hát Nghệ thuật Cambridge (Cambridge Arts Theatre) và sát sao đến từng chi tiết cụ thể như việc bày biện món ăn và rượu vang phục vụ trong nhà hàng”. Keynes mê hoặc Hayek, cũng giống như với nhiều người khác.
Quan hệ học thuật và cá nhân giữa Hayek và Keynes không đậm nét trong những năm 1930. Họ bắt đầu gần gũi về cá nhân giai đoạn Thế chiến II khi Trường Kinh tế và Chính trị London dời về Cambridge. Tuy nhiên, họ không bao giờ gần gũi về học thuật. Theo Ronald Coase, Hayek “hẳn đã rất khó khăn” khi mất đi sự ủng hộ tại LSE trong thập niên 1930, nhưng ông “không bao giờ để lộ” điều đó.
Nhiều công trình kinh tế học kỹ thuật của Hayek ở thập niên 1930 được dành cho việc phát triển những trao đổi ban đầu của ông với Keynes. Ông bắt đầu tin rằng muốn bác bỏ quan điểm của Keynes thì ông phải xây dựng lại lý thuyết cơ sở về tư bản, mà khi đó ông dự định áp dụng vào chủ đề tiền tệ. Cụ thể, ông bất đồng với Keynes ở chỗ liệu tăng trưởng tư bản có phải chủ yếu bao gồm sự “đầu tư mở rộng” hay sự “đầu tư chiều sâu” tư bản. Hayek coi “đầu tư chiều sâu” tư bản là quan niệm chính xác nhất và chịu ảnh hưởng nhiều hơn hết từ sự điều chỉnh lãi suất.
Nguồn: Alan Ebenstein, Friedrich Hayek - Cuộc đời và sự nghiệp, Phần II, Chương 8, Nhà xuất bản Tri Thức 2007
Chú thích:
(1) George Bernard Shaw (1856-1950): Kịch tác gia, nhà phê bình âm nhạc và sân khấu người Ireland, ông được trao giải Nobel Văn học năm 1925 nhờ vở Saint Joan (1923). (N.D.)
(2) Sir Winston Leonard Spencer (1874-1965): Chính khách và tác gia người Anh, thủ tướng Anh (1940-1945 và 1951-1955). Ông từng xuất bản một số tác phẩm, đáng chú ý là The Second World War (1948-1953) và được trao giải Nobel Văn học năm 1953. (N.D.)
(3) Habilitation là học vị tiến sĩ hàn lâm của Đức. Học vị này cao hơn học vị tiến sĩ thông thường (N.D.).