[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp] Chương 41: Trật tự hòa bình chung

[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp] Chương 41: Trật tự hòa bình chung

Kỷ nguyên của chủ nghĩa tự do cá nhân đang trong tầm tay. Một trong những đóng góp vĩ đại của Hayek là việc đề ra một trật tự thế giới mà ở đó con người có thể sống an hoà. Sự mô tả về trật tự tự phát là của chính ông, cho dù ông tìm thấy nguồn gốc khái niệm này từ Adam Smith và Carl Menger. Ông cố gắng chứng minh rằng, khi thiếu một chủ thể chỉ huy, xã hội con người vẫn có thể đạt được tính trật tự vĩ đại. Chính phủ không cần phải biết mọi thứ, có quyền lực tuyệt đối, có mặt ở khắp mọi nơi, và hoàn toàn mang bản chất nhân từ để đạt tới xã hội tối ưu, mà trong mọi trường hợp, chính phủ đều không như vậy và không thể như vậy được – và việc cố gắng để được thế sẽ phản tác dụng, như thế kỷ hai mươi này xem ra đã cho thấy rõ.

Trong tác phẩm Luật, luật pháp và tự do (Law, Legislation and Liberty), Hayek khẳng định rõ ràng nhất lý tưởng của mình về một thế giới chung sống hoà bình:

Lý tưởng nền tảng của Xã Hội Mở (Open Society) [là] những nguyên tắc như nhau cần được áp dụng cho tất cả mọi người. Đấy là lý tưởng mà tôi là một trong những người hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục tiếp cận dần dần bởi dường như đối với tôi nó là điều kiện không thể thiếu được của một trật tự hoà bình chung…

Sự mở rộng nghĩa vụ phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định về cách xử sự công bằng đến những tầng lớp rộng hơn và cuối cùng đến toàn thể mọi người ắt sẽ dẫn tới việc giảm nhẹ nghĩa vụ đối với các thành viên trong cùng cái nhóm nhỏ đó…

Những nguyên tắc xử sự chung đối với tất cả các thành viên ấy chỉ có thể từ từ và từng bước thắng thế những nguyên tắc cụ thể vốn cho phép cá nhân gây tác hại đến người lạ nếu điều này phục vụ cho lợi ích của nhóm anh ta. Chỉ có quá trình này mới khiến cho sự thăng tiến của Xã Hội Mở trở nên khả thi, và đem lại hy vọng xa xôi về một trật tự hoà bình chung (universal order of peace).1

Hayek cho thấy sự chú trọng đến pháp luật qua lý tưởng của ông về một trật tự hoà bình chung. Cuối cùng, ở đây không cần có chính phủ thế giới mà là pháp luật thế giới.2 Lý tưởng xuyên suốt quan niệm này là tất cả nam nữ đều bình đẳng trên phương diện luân lý.

Một trong những thông điệp ý nghĩa nhất có thể rút ra từ các công trình của Hayek là pháp luật của các xã hội chỉ cần phản ảnh những quy định pháp luật giữa các cá nhân. Cuối cùng, pháp luật duy nhất cần có là những quy định pháp luật mà một cá nhân có thể áp dụng cho toàn bộ những người khác mà không đòi hỏi vai trò của chính phủ. Trong tác phẩm Luật, luật pháp và tự do, ông viết, mặc dù với dụng ý khác, là “chỉ có thể thông qua việc mở rộng các nguyên tắc xử sự công bằng sang các mối quan hệ với tất cả những người khác, và đồng thời tước bỏ tính chất cưỡng bức của những nguyên tắc không thể áp dụng rộng khắp, chúng ta mới có thể tiếp cận đến cái trật tự hoà bình chung khả dĩ đưa toàn thể nhân loại tiến vào một xã hội đơn nhất.”3 Các trước tác của ông sẽ là nguồn cảm hứng khai sáng trong hàng thế kỷ.

Chú thích:

(1) LLL II, 57-58; 89-91; 148.

(2) Hayek diễn tả những ý tưởng về liên bang thế giới trong suốt sự nghiệp của mình: “Exchange of Letters,” Yomiuri (12/8/1968); “Hayek Asks ‘Federal’ World Machinary to Keep Peace,” Minneapolis Morning Tribune (4/1945); IEO, 260-271.

(3) LLL II, 144.

Nguồn: Alan Ebenstein, Friedrich Hayek - Cuộc đời và sự nghiệp, Phần VI, Chương 41, Nhà xuất bản Tri Thức 2007

Dịch giả:
Lê Anh Hùng
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh

Bài viết liên quan

Tác giả liên quan