![[Kinh tế học cấm đoán] Chương 2: Nguồn gốc của cấm đoán (Phần 1)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k25003.9_(1).jpg)
[Kinh tế học cấm đoán] Chương 2: Nguồn gốc của cấm đoán (Phần 1)
Hiện tượng kì lạ của Luật cấm rượu là sau khi nó đã xuất hiện ba năm rồi mà phần đông dân chúng của một dân tộc vĩ đại và được gọi là tự do vẫn chẳng hiểu gì. Nó là một trong những biểu hiện lạ lùng nhất mà thế giới từng chứng kiến. Nó đến với chúng ta một cách nhanh chóng, như thể hồn ma; như thể tên trộm xuất hiện vào ban đêm, làm chúng ta phải bất ngờ. Nhưng những người ủng hộ Luật cấm rượu sẽ bảo bạn rằng không ai phải ngạc nhiên vì trong nhiều năm – gần như trong cả thế kỉ qua – những lực lượng biết giữ mồm giữ miệng đã âm thầm làm việc để tạo ra chính điều đó.
-Charles Hanson Towne, The Rise and Fall of Prohibition
Giai đoạn cấm rượu trên toàn quốc là một trong những giai đoạn hấp dẫn nhất trong lịch sử nước Mĩ. Như Charles Hanson Towne (1923) nói, phong trào cấm đoán đã bắt đầu từ lâu trước khi người ta tính đến những biện pháp phù hợp với hiến pháp. Rượu là tác nhân kích thích của toàn bộ phong trào cấm đoán, tức là phong trào khuyến khích việc sử dụng bộ máy nhà nước nhằm xóa bỏ tội lỗi và ô uế nhằm củng cố ý chí tự do trong cuộc đấu tranh chống lại sự tàn phá của chủ nghĩa cá nhân. Những biện pháp cấm đoán ma túy hiện nay và phong trào ủng hộ việc cấm rượu và thuốc lá có xuất xứ từ cuộc chiến chống lại rượu trong thế kỉ XIX.
Hai khía cạnh của cội nguồn của cấm đoán có vai trò to lớn trong chính sách cấm đoán hiện nay. Thứ nhất, những người ủng hộ cấm đoán tin rằng một khi đã khởi động thì khó mà được các biện pháp cấm đoán. Ngay cả những người phản đối cấm đoán cũng cho rằng không nên hợp pháp hóa vì họ tin rằng nghiện ngập và tội ác trong thị trường bất hợp pháp có thể lan ra ngoài xã hội. Thứ hai, những người phản đối cấm đoán khẳng định rằng đấy là cố gắng của nhóm đa số nhằm phân biệt đối xử với những nhóm thiểu số nhất định. Bằng chứng của sự phân biệt đối xử như thế đã làm giảm bớt thẩm quyền đạo đức của những biện pháp cấm đoán và tạo ra mối nghi ngờ đối với mục tiêu vì lợi ích chung của những người ủng hộ cấm đoán. Ngoài những vấn đề này ra, muốn trả lời được nhiều câu hỏi quan trọng thì phải hiểu kĩ hơn kinh tế chính trị học của cấm đoán. Ví dụ, nguồn gốc của nhu cầu cấm đoán là gì? Làm sao mà những biện pháp cấm đoán lại được chấp nhận làm chính sách công? Những tác nhân nào giải thích được lí do vì sao một số biện pháp cấm đoán trở thành bền vững (ma túy) trong khi những biện pháp cấm đoán khác thì không (rượu)?
Tôi sẽ sử dụng cách tiếp cận của nhóm lợi ích để trả lời những câu hỏi này. Những cải tiến do Bruce Benson (1984) và Jennifer Roback (1989) đưa ra cho phép giải thích những biện pháp cấm đoán, một cách giải thích bao quát được cả động cơ tìm kiếm lợi nhuận của các công ty và liên hiệp công ty cũng như “những thành công về mặt đạo đức” và “thắng lợi về mặt tinh thần” của các nhóm cải cách. Thành công của các biện pháp cấm đoán phụ thuộc vào khả năng của những nhóm có tinh thần lo lắng đến “lợi ích chung”, những tổ chức thương mại, tổ chức nghề nghiệp và các cơ quan trong việc hình thành liên minh có hiệu lực nhằm chống lại người tiêu thụ và người sản xuất một số sản phẩm nhất định.
Nguồn gốc mục tiêu “lợi ích chung” của cấm đoán là điểm chính yếu trong việc xác định và đánh giá xu hướng của chính sách xã hội. Trước khi có Luật cấm rượu, thị trường rượu, ma túy, cần sa và thuốc lá không phải là những thị trường tự do. Trong những năm 1920, thuốc lá bị cấm tại nhiều bang. (Tìm đọc J. E. Brooks [1952] liên quan đến việc can thiệp vào thuốc lá). Ngược lại, đây là những thị trường bị quản lí nghiêm ngặt và thuế suất cao. Như sẽ chỉ ra trong phần sau, nhiều người có thiện ý, bất mãn với việc tiêu thụ những sản phẩm như thế sẽ liên kết với những chính sách quản lí đó.
CẤM RƯỢU (1/4)
Sự phát triển của chủ nghĩa cấm đoán được chia thành ba giai đoạn. Quá trình hình thành tư tưởng cấm đoán kéo dài suốt từ thời thuộc địa đến cuộc Nội chiến. Quá trình chính trị hóa và phát triển của tư tưởng cấm đoán diễn ra từ thời Nội chiến cho đến khoảng năm 1900. Việc áp dụng những biện pháp cấm đoán trên toàn quốc diễn ra trong giai đoạn gọi là Tiến bộ, đại khái từ năm 1900 đến 1920. Việc cấm cần sa trên phạm vi toàn quốc – trước năm 1937 chưa có cấm đoán như thế – được coi là hậu quả của những biện pháp cấm rượu và ma túy và bãi bỏ những biện pháp cấm rượu.
Kinh nghiệm ban đầu của Mĩ
Trong thời Mĩ còn là thuộc địa, rượu nói chung được coi là vấn đề bình thường và thực tế. Ba trường hợp ngoại lệ sau đây cho ta những bài học liên quan đến quá trình kiểm soát việc tiêu thụ rượu.
Thứ nhất, trong khi rượu được một số người trong xã hội chấp nhận thì những người theo Thanh giáo lại ngăn chặn việc sử dụng quá nhiều rượu. Những người Thanh giáo đưa ra luật điều chỉnh việc chi tiêu nhằm hạn chế uống rượu và cấm hút thuốc lá. Sau này mới thấy rằng hình thức lập pháp đó là không hiệu quả, thất sách và đã bị bãi bỏ (Weeden [1890] 1963 và North 1988).
Thứ hai, một đạo luật được thông qua nhằm nhăn chặn việc bán rượu cho người Da đỏ, nô lệ, đầy tớ và người đang học việc. Những biện pháp hạn chế này cũng tỏ ra là không hiệu quả và trong một số trường hợp còn có tác dụng ngược. Những người lao động tự do thường được cấp khẩu phần rượu khi làm việc, trong khi nô lệ, đầy tớ và thợ học việc thì phải làm việc mà không được uống rượu. Điều này khuyến khích họ bỏ trốn hay uống rượu ở những chỗ bẩn thỉu. Những biện pháp cấm bán rượu cho người Da đỏ thường bị người ta lảng tránh, lờ đi hay bãi bỏ vì rượu mở ra những cơ hội tốt trong việc buôn bán da thú.
Thứ ba, khu định cư ở Georgia được George Oglethorpe tổ chức như một xã hội mang tính thí nghiệm nhằm thúc đẩy việc không uống rượu. Năm 1735, những biện pháp hạn chế được áp đặt đối với rượu mạnh, trong khi bia lại được trợ giá. Thí nghiệm này chỉ thành công đối với những người Đức nhập cư mà thôi, họ rất khoái khoản trợ cấp đối với bia. Khu vực Tây Ấn rất cần gỗ và vật liệu thô của Georgia, nhưng chẳng có gì trao đổi ngoài rượu rum (Boorstin 1958, 91-92). Buôn lậu rum là nhiệm vụ dễ dàng và ngay cả những người bị bắt cũng chẳng sợ vì bồi thẩm đoàn thường tha bổng những người phạm pháp (Krout 1925, 56-59).
Những biện pháp khác nhằm can thiệp vào việc bán rượu bao gồm cấp môn bài và chế độ bảo hộ, những đặc trưng thường thấy của triết lí trọng thương. Hệ thống môn bài tạo ra những công ty độc quyền trong việc bán rượu ở phần lớn các khu vực định cư ở Mĩ trong giai đoạn thuộc địa. Độc quyền thường được trao cho những người chủ nhà trọ nhằm khuyến khích việc xây dụng nhà trọ, kiểm soát việc phân phối rượu và tạo thu nhập cho chính quyền.
Nhà trọ được coi là có liên quan đến việc mở rộng thương mại, phát triển kinh tế và nâng cao mức sống. Nhà trọ cũng là nơi mà các thẩm phán lưu động tổ chức các phiên tòa, nơi diễn ra những cuộc họp mặt, thảo luận công cộng và những cuộc bầu củ. Vì vậy mà, bằng cách khuyến khích việc xây dựng nhà trọ, hệ thống môn bài được coi là hình thức trợ giúp đối với sự phát triển kinh tế, luật pháp và chính trị. Nhưng hệ thống này lại thường có lợi cho những người có tay trong trong giới hoạt động chính trị vì nhờ có những điều khoản về “thân nhân tốt” mà họ được ưu tiên trong việc nhận môn bài.
Nạn tham nhũng, cung cấp những dịch vụ và sản phẩm kém chất lượng thường là kết quả của hệ thống độc quyền. Người ta có ban hành những qui định về chất lượng và số lượng phòng ngủ trong các nhà trọ. Khi các chủ nhà trọ giảm những dịch vụ không có lời (nhưng bắt buộc) và chất lượng các sản phẩm (phòng ngủ, thức ăn, rượu) thì người ta lại đưa ra những qui định tỉ mỉ về chất lượng và giá rượu. Mặc dù có những hình phạt nghiêm khắc, nhưng thực tế chứng tỏ rằng rất khó giám sát và thực thi những qui định này. Khôi hài là thiết chế mà những qui định này khuyến khích – quán rượu – sẽ trở thành tâm điểm của Luật cấm rượu.
Luật bảo hộ được ban hành tại một số bang và khu vực nhằm khuyến khích nấu rượu và bia. Rượu là món hàng quan trọng trong cả nội và ngoại thương. Theo Harold Underwood Faulkner (1924,94), “tổ tiên của chúng ta là những người uống rượu mạnh”. Binh lính và người lao động được phát khẩu phần rượu, đấy là vấn đề được ghi vào hợp đồng lao động và cũng là phong tục. Nấu rượu rum là nghề kinh doanh quan trọng ở Mĩ. Theo John Spenser Bassett (1932, 141), đầu thế kỉ XVIII mỗi năm chỉ riêng khu vực Boston đã sản xuất được 1.260.000 gallon (ở Mĩ, gallon = 3,785 lít – ND) rượu rum rồi. Rượu rum là thành phần cực kì quan trọng của tam giác thương mại giữa vùng bờ biển châu Phi chuyên cung cấp nô lệ, khu vực đồn điền trồng mía ở Tây Ấn và những khu vực sản xuất rượu rum ở Mĩ.
John Allen Krout kết luận:
Ngay trước ngày Cách mạng, nước uống có cồn là một trong những thành tố vĩ đại nhất trong việc thúc đẩy nền thương mại ở thuộc địa. Trong bất cứ ngành thương mại nào thì nhà buôn cũng đầu tư vốn vào rượu rum hay một loại rượu mạnh nào khác nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Vì buôn lậu những thứ có thể làm người ta say mang lại lợi nhuận ổn định cho những người tham gia nên xã hội cho rằng đấy là sự chấp thuận dành cho phần lớn những thứ tuyệt đối cần thiết với thế giới kinh doanh Chỉ có một cuộc cách mạng trong dư luận quần chúng mới có thể rút nó khỏi vị trí quan trọng trong đời sống của nước Mĩ
(1925, 50).
Krout ghi nhận rằng, rượu có nồng độ cao là thứ được người Mĩ tiêu thụ chủ yếu trong thời gian đầu, mặc dù “rượu mạnh” đã từng làm mưa làm gió trên thị trường là loại có chất lượng kém, nếu xét theo tiêu chuẩn hiện nay. Những mối quan tâm về tích trữ và vận chuyển làm cho rượu rum và sau này là whiskey có ưu thế hơn bia; cũng do người nấu bia và mạch nha là của hiếm cho nên bia tương đối đắt. Whiskey dễ vận chuyển hơn bia và hạt ngũ cốc, whiskey cũng có thể cất giữ lâu hơn bia.
Ngoài những điều kiện tự nhiên như thế, sự can thiệp quá nhiều của chính quyền cũng làm méo mó thị trường này. Những biện pháp bảo hộ, những khoản trợ cấp và các công ty độc quyền địa phương tìm cách khuyến khích sản xuất rượu, trong khi thuế khóa và qui định lại tìm cách kiểm soát việc tiêu thụ rượu. Nạn độc quyền, thuế khóa và can thiệp quá nhiều đã làm méo mó giá cả, số lượng và chất lượng sản phẩm, sự lựa chọn của người tiêu dùng và chất lượng của cạnh tranh.
Nguồn: Mark Thorntom (2016). Kinh tế học cấm đoán. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Economics of Prohibition