Để làm nên cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhà nước...

Để làm nên cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhà nước...

[TBKTSG - 02/01/2025] Cho đến thời điểm viết bài này, những bước chuẩn bị cho việc tinh gọn bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị có thể nói đã diễn ra với tốc độ thần tốc. Nếu tính ngày 20/9/2024, thời điểm bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 10 khóa XIII, khi Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập đến nhiệm vụ “Tiếp tục tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả” là khởi điểm thì chỉ chưa đầy 3 tháng, kế hoạch sắp xếp, tinh gọn từ tổng thể đã nhiều bộ ngành và chính quyền địa phương đưa ra. Dự kiến đến cuối tháng 2/2025, việc tinh gọn bộ máy nhà nước, tổ chức chính trị về cơ bản sẽ hoàn thiện.

Nhưng, để gọi đây là một cuộc cách mạng thì điểm mấu chốt không chỉ là triển khai quyết liệt mà quan trọng là thay đổi triết lý tư tưởng bên trong: triết lý về bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị. Nếu không có sự thay đổi về triết lý tư tưởng thì sẽ không có sự thay đổi về chất, sự thay đổi quyết liệt chỉ là sự thay đổi lớp áo bên ngoài. Sau một thời gian những vấn đề trì trệ của bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị hiện nay rất có thể sẽ lại quay trở lại.

ĐÂU LÀ VẤN ĐỀ CỐT LÕI MÀ CUỘC CÁCH MẠNG TINH GỌN BỘ MÁY PHẢI GIẢI QUYẾT?

Nhìn lại gần 40 năm Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, có thể nói Việt Nam đã có một cuộc cách mạng về thể chế kinh tế so với thời điểm trước đổi mới. Trước đổi mới, nền kinh tế Việt Nam được vận hành theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung, theo đó hầu hết các hoạt động kinh tế từ sản xuất, phân phối, giá cả, cho đến lựa chọn nghề nghiệp đều bị nhà nước kiểm soát, và chỉ giao thương với khối các nước xã hội chủ nghĩa. Còn hiện nay, Việt Nam đã có một nền kinh tế thị trường tương đối hiện đại, hội nhập quốc tế sâu rộng. Mọi người dân và doanh nghiệp được kinh doanh trong hầu hết các ngành nghề không bị cấm. Gần 80% GDP được đóng góp bởi khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Giá cả của hầu hết các mặt hàng đều do thị trường quyết định. Kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP thuộc nhóm các nước cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, với đặc thù là một Nhà nước pháp quyền XHCN, bộ máy Nhà nước Việt Nam được điều hành bởi một hệ thống chính trị không khác nhiều so với thời kỳ trước Đổi mới. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền và lãnh đạo hệ thống chính trị; Đảng và các tổ chức quần chúng ngoại vi có bộ máy tổ chức song trùng với bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương. Một vài nguyên lý đặc trưng của nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung như sở hữu tập thể và kinh tế nhà nước làm chủ đạo do vậy vẫn tiếp tục được duy trì.

Hệ quả của cơ chế này trước hết là bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh; chức năng của các cơ quan Chính phủ, Đảng và các đoàn thể chồng chéo lên nhau, trong khi các vấn đề mang tính chất liên ngành, liên vùng thì lại không giải quyết được. Đây là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ chi thường xuyên của NSNN ngày một lớn, bội chi ngân sách ở mức cao triền miên, bất chấp Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ huy động ngân sách cao trong khu vực.

Như vậy, sự khác biệt về chất của kinh tế-xã hội Việt Nam ngày hôm nay so với 40 năm trước là ở chỗ Việt Nam có một nền kinh tế thị trường. Bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị hiện không tương thích với trình độ phát triển của nền kinh tế thị trường mà Việt Nam đã đạt được; có nhiều biểu hiện cản trở sự phát triển của nó. Vì thế, vấn đề cốt lõi mà cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiện nay phải giải quyết là làm thế nào để một nhà nước, một hệ thống chính trị do một đảng chính trị duy nhất theo định hướng xã hội chủ nghĩa lãnh đạo vận hành theo hướng hỗ trợ một nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập hoạt động hiệu quả.

MỘT NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐẦY ĐỦ, HIỆN ĐẠI VÀ HỘI NHẬP CẦN NHÀ NƯỚC HỖ TRỢ GÌ ĐỂ VẬN HÀNH HIỆU QUẢ?

Nền kinh tế thị trường được hình thành và phát triển dựa trên sự trao đổi tự nguyện. Lợi ích mang lại cho tất cả các bên tham gia thị trường chính là sức mạnh giúp nó không ngừng mở rộng. Tự người dân sẽ biết cần tham gia vào các giao dịch nào và không tham gia vào những giao dịch nào thì có lợi nhất cho mình. Vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường thực ra chỉ là làm thế nào để tạo ra một bộ khung vững chắc, giúp mọi công dân có thể vững tin giao thương được với nhau và với mọi công dân trên thế giới.

Để được như vậy những thứ mà thị trường cần nhà nước cung cấp lâu dài là:

- Bảo vệ quyền tài sản: để mọi người vững tin mang tài sản của mình ra trao đổi và đầu tư phát triển;

- Bảo đảm công lý bình đẳng: để mọi người dám dấn thân khám phá những lĩnh vực mới, dù có thể dẫn đến xung đột với quyền lợi của người khác;

- Tạo lập hệ thống pháp luật thân thiện với thị trường: tạo ra luật chơi công bằng, không phân biệt đối xử, qua đó khuyến khích mọi người dân và doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh phục vụ tốt nhất cho khách hàng.

Ngoài ra, những thứ mà nhà nước có thể cân nhắc trực tiếp cung cấp tạm thời cho người dân là:

- Hỗ trợ người “yếu thế”, những người mà vì những lý do này khác (thể chất yếu, thiếu tri thức và thông tin, không có vốn tích luỹ, bị phân biệt đối xử do các yếu tố xã hội như tôn giáo, giới tính, dân tộc v.v.) không thể tham gia thị trường.

- Bảo hiểm cuối cùng với các trường hợp khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, tác động bất ngờ từ khủng hoảng kinh tế, chính trị từ nước ngoài.

- Cơ sở hạ tầng, dịch vụ thiết yếu mà khu vực tư nhân chưa sẵn sàng cung cấp.

Cung cấp tạm thời có nghĩa là nhà nước cần tạo điều kiện cũng như tìm mọi cách để chuyển việc cung cấp những dịch vụ này sang cho khu vực tư nhân (thị trường và xã hội dân sự) thay vì ôm giữ, coi như là trách nhiệm của riêng nhà nước.

Với việc giới hạn cung cấp những chức năng như trên, nhà nước sẽ huy động ngân sách từ thuế và phí thấp, bình đẳng từ khu vực tư nhân. Trong một môi trường như vậy, người dân trong và ngoài nước sẽ tự bỏ vốn ra đầu tư phát triển mà không cần phải hô hào. Thịnh vượng tự khắc sẽ đến.

BỘ MÁY NHÀ NƯỚC, HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ CỦA VIỆT NAM CẦN PHẢI TINH GỌN, SẮP XẾP NHƯ THẾ NÀO ĐỂ THỰC SỰ LÀM NÊN MỘT CUỘC CÁCH MẠNG?

Việc tinh gọn bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị trong thời gian sắp tới cần bám sát vào hai nguyên tắc bổ trợ lẫn nhau như sau. Thứ nhất, xác định những chức năng mà nhà nước buộc phải cung cấp cho thị trường; những chức năng mà nếu thiếu, thị trường sẽ không thể vận hành hoặc vận hành thiếu hiệu quả. Thứ hai, rà soát và loại bỏ những công việc, chức năng mà nhà nước không nhất thiết phải làm; chuyển, tạo lập và khuyến khích thị trường và xã hội dân sự đảm nhiệm những công việc, chức năng này thay cho nhà nước. Có thể thấy, tuân theo nguyên tắc thứ hai sẽ giúp cho nhà nước có thể thêm nguồn lực để làm tốt những việc mà nhà nước buộc phải làm theo nguyên tắc thứ nhất để thị trường vận hành hiệu quả hơn.

Theo nguyên tắc thứ nhất, việc tinh gọn bộ máy nhà nước cần hướng vào các chức năng và nhiệm vụ nhiệm vụ chính sau:

- Xác lập quyền tài sản (bao gồm cả quy hoạch phát triển): việc xác lập quyền cho nhiều loại tài sản hiện này của Việt Nam chưa thực sự rõ ràng, đặc biệt là liên quan đến tài sản công. Đây là căn nguyên chính dẫn đến nhiều dự án đình trệ, lãng phí.

- Bảo vệ vững chắc quyền tài sản: tập trung phát triển ngoại giao, quốc phòng, và an ninh-trật tự trong nước vững mạnh với chi phí ít nhất.

- Nâng cao vị thế, vai trò của nhánh tư pháp: cần trao cho các thẩm phán toà án nhân dân cấp tỉnh trở lên quyền thẩm định xem một văn bản quy phạm pháp luật hoặc một quy định nào đó của các cấp chính quyền có vi phạm hiến pháp hay các bộ luật do Quốc Hội phê chuẩn hay không. Việc này sẽ khiến cho các cơ quan chính quyền cần cẩn trọng khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, cần trao cho hội thẩm nhân dân nhiều quyền hơn trong xét xử; mở rộng phạm vi tham gia hội thẩm nhân dân cho đa phần công dân để nâng cao ý thức công lý cho người dân.

- Xây dựng hệ thống pháp luật thân thiện với thị trường: rà soát, loại bỏ các quy định có tính phân biệt đối xử; các quy định mập mờ, không rõ ràng, không nhất quán.

- Xây dựng hệ thống thuế, phí đơn giản, thuận tiện, và công bằng.

- Phân tách phạm vi công việc giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương để thực hiện tốt những chức năng và nhiệm vụ ở trên cũng như một số ít những nhiệm vụ còn lại dưới đây, nơi mà thị trường và xã hội dân sự chưa đảm nhận được.

Theo nguyên tắc thứ hai, việc tinh gọn bộ máy nhà nước cần bám sát vào trình độ phát triển của khu vực tư nhân và xã hội dân sự của Việt Nam hiện nay để chuyển phần lớn những công việc nhà nước không nhất thiết phải đảm nhận sang cho khu vực tư. Từ góc nhìn chủ quan của tác giả, những công việc mà nhà nước có thể trao lại cho khu vực tư hiện nay là:

- Cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước khỏi đa phần các doanh nghiệp nhà nước hiện nay.

- Chuyển sang khu vực tư gần như toàn bộ việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn và cung cấp dịch vụ đánh giá phù hợp.

- Chuyển sang khu vực tư phần lớn việc xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng như cao tốc đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, đường sắt, các công trình văn hoá, thể thao, v.v.

- Chuyển phần lớn sang khu vực tư việc cung cấp các dịch vụ tiện ích như nghiên cứu, giáo dục, y tế, điện, nước sạch, vệ sinh, giao thông, viễn thông, văn hoá, điện ảnh, thể thao v.v.

- Chuyển phần lớn sang khu vực tư việc quản lý quỹ hưu trí, quỹ an sinh xã hội, và hoạt động trợ cấp xã hội.

- Chuyển một phần sang khu vực tư việc cung ứng hàng hoá và dịch vụ trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

Với hệ thống chính trị, việc tinh gọn bộ máy cũng cần mạnh dạn chuyển sang cho xã hội dân sự những chức năng liên quan đến hỗ trợ người yếu thế và tương trợ lẫn nhau; chuyển mạnh chức năng giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước sang cho báo chí và xã hội dân sự. Khi đó các tổ chức của Đảng và tổ chức ngoại vi của Đảng sẽ được tổ chức tinh gọn, tập trung chủ yếu vào chức năng tìm kiếm, bồi dưỡng, lựa chọn cán bộ lãnh đạo thực sự có năng lực và phẩm chất đạo đức để định hướng và điều hành các cơ quan nhà nước theo hướng hỗ trợ thị trường hoạt động hiệu quả, hỗ trợ xã hội dân sự phát triển lành mạnh.

Có thể nói việc triển khai kế hoạch tinh gọn, sắp xếp bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị đến thời điểm hiện nay mới ở bước dự kiến sáp nhập cơ học một số bộ ngành, sở ngành và cơ quan đoàn thể với nhau. Công việc quan trọng sắp tới là xác định được chức năng và nhiệm vụ mới cho từng cơ quan của bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị. Đó mới là điểm mấu chốt quyết định liệu bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị có thực sự tinh gọn sau sắp xếp hay không. Từ góc nhìn của cá nhân, tôi cho rằng để thực sự làm nên cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy nhà nước, việc xác định chức năng và nhiệm vụ mới lần này cần bám sát vào hai nguyên tắc tôi đã đề cập ở trên. Nếu làm như thế, chúng ta có quyền hy vọng Việt Nam sẽ có một bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị thực sự tinh gọn, hỗ trợ tốt cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 02-01-2025