[Nền dân trị Mỹ] - Chương VIII: Về hiến pháp liên bang Hoa Kỳ (Phần 3)
VỀ CÁC TOÀ ÁN LIÊN BANG
Tầm quan trọng về chính trị của quyền tư pháp ở Hoa Kì. − Khó khăn khi xem xét chủ đề này. − Tính ích dụng của tư pháp trong các tổ chức liên bang. − Liên bang có thể sử dụng các loại toà án nào? − Sự cần thiết phải thành lập các toà án liên bang. − Tổ chức tư pháp liên bang. − Toà tối cao. − Nó khác những gì với tất cả các toà án mà chúng ta đã biết.
Tôi đã xem xét quyền lập pháp và quyền hành pháp của Liên bang Hoa Kì. Giờ đây tôi còn phải xem xét nốt quyền tư pháp của họ.
Tại đây tôi cần trình bày những điều còn e ngại với bạn đọc.
Các thiết chế tư pháp có ảnh hưởng lớn tới vận mệnh người Mĩ gốc Anh. Chúng có vị trí rất quan trọng trong số những thiết chế thực sự có tính chất chính trị. Theo cách nhìn đó, chúng xứng đáng được chúng ta quan tâm.
Nhưng nếu không đi vào một số chi tiết kĩ thuật về thể chế và hình thức của chúng thì làm cách gì để có thể giúp mọi người hiểu rõ hành động chính trị của các toà án Mĩ. Và làm cách gì đi vào chi tiết mà lại không làm nản lòng bạn đọc vì tính chất khô khan của loại chủ đề ấy? Làm cách gì nói ngắn gọn mà vẫn cứ nói được rõ kia chứ?
Tôi chẳng hề tự ve vuốt mình là đã thoát được những nguy cơ đủ kiểu đó. Những người nào không chuyên sâu vẫn sẽ thấy là tôi còn trình bày quá dài. Các nhà luật học sẽ nghĩ là tôi nói còn quá vắn tắt. Nhưng đó chính là điều bất lợi nói chung gắn chặt với chủ đề tôi xem xét và cách thức đặc biệt tôi xử lí vấn đề đó vào lúc này.
Khó khăn lớn nhất không phải là tìm hiểu cách thức người ta tổ chức chính quyền liên bang, mà tìm hiểu xem người ta làm cách nào cho chính phủ đó tuân thủ luật pháp liên bang.
Nói chung các chính phủ chỉ có hai phương tiện để thắng được sự chống đối của những người bị cai quản: dùng sức mạnh vật chất nằm ngay trong bộ máy chính quyền, và dùng sức mạnh đạo lí do các quyết định của các toà án đem lại.
Một chính phủ mà chỉ biết đánh nhau với dân để buộc dân tuân thủ luật pháp thì hẳn là nó đã cận kề với thời kì tiêu tan rồi. Sẽ xảy ra với chính phủ đó một trong hai điều sau đây: nếu đó là một chính phủ yếu kém và ôn hoà, thì nó chỉ dùng sức mạnh khi đến độ cùng cực, và nó lờ đi một loạt những bất tuân lệnh cục bộ; khi đó Nhà nước dần dần rơi vào tình trạng vô chính phủ.
Nếu đó là một chính phủ liều lĩnh và mạnh, thì nó luôn luôn đem dùng sức mạnh, và ta sẽ thấy chính phủ đó suy thoái dần dần thành bạo quyền thuần tuý quân sự. Cả khi nó bó tay hoặc khi nó ra tay thì đều là thảm hoạ cho người dân.
Mục tiêu lớn của nền tư pháp là đem thay thế tư tưởng dùng bạo lực bằng tư tưởng dùng quyền; là đặt ra những khâu [can thiệp] trung gian giữa cầm quyền và dùng sức mạnh vật chất.
Cái sức mạnh dư luận của con người nói chung đối với sự can thiệp của các toà án thật là một điều kinh ngạc, sức mạnh này to đến nỗi khi cái toà án vật chất không tồn tại nữa thì con người vẫn gắn bó mình với hình thức tư pháp; ở chỗ chỉ còn một cái bóng thì dư luận đặt vào đấy một vật thật.
Đem cái lực đạo lí của các toà án thay thế cho lực vật chất trong phần lớn các trường hợp khiến cho rất hiếm khi phải dùng đến sức mạnh vật chất, và khi phải đem dùng thì nó nhập vào với lực đạo lí để tăng sức mạnh lên được gấp đôi.
Một chính phủ liên bang phải mong mỏi nhận được sự trụ đỡ của nền tư pháp nhiều hơn chính phủ kiểu khác, bởi vì bản chất của nó là một chính quyền yếu và người ta dễ dàng tổ chức lực lượng chống lại nó. Nếu chính quyền đó cứ luôn luôn phải ưu tiên cho việc dùng sức mạnh thì vậy là không đủ để nó làm tròn nhiệm vụ.
Để buộc các công dân phải tuân thủ luật pháp, hoặc là để xua đuổi những cuộc xâm phạm nhằm vào nó, Liên bang đặc biệt cần đến các toà án.
Nhưng cần đến loại toà án nào đây? Mỗi bang đều đã có một guồng máy tư pháp riêng rồi. Hay là Liên bang cầu viện đến các toà án bang đó? Liệu có nên tổ chức một bộ máy tư pháp liên bang? Thật dễ dàng chứng minh được rằng Liên bang chẳng thể nào thích nghi được với việc sử dụng sức mạnh tư pháp đã có ở các bang.
Hẳn là an ninh của từng bang và tự do của tất cả đòi hỏi có một tổ chức tư pháp tách bạch nhau. Nhưng cũng chẳng kém cần thiết là sự tồn tại của quốc gia đòi hỏi sao cho quyền lực các bang phải có chung nguồn gốc, đi theo những nguyên lí như nhau và hành động trong cùng phạm vi, nói cho thật ngắn gọn thì, các quyền lực đó phải tương liên và đồng chất. Tôi hình dung là không một ai có thể nghĩ tới việc dùng các toà án nước ngoài để xử những tội phạm lẽ ra phải xử ở nước Pháp những mong vì thế mà đạt được sự vô tư của các quan toà.
Trong tương quan với chính quyền Liên bang, người Mĩ chỉ tạo thành một quốc gia. Thế nhưng, bên trong cái quốc gia đó, người ta đã để tồn tại nhiều tổ chức chính trị phụ thuộc vào chính quyền quốc gia ở một vài điểm và độc lập trên tất cả các điểm khác; những tổ chức có nguồn gốc riêng, có học thuyết riêng và phương tiện hành động riêng. Trao việc thực thi luật pháp Liên bang cho các toà án do các tổ chức chính trị đó thiết lập nên cũng có nghĩa là trao đất nước cho các ông quan toà ngoại quốc.
Hơn nữa, mỗi bang không chỉ là một kẻ xa lạ trong quan hệ với Liên bang, mà đó còn là một kẻ đối địch thường trực, bởi vì chủ quyền của Liên bang chẳng thể nào mất đi mà lại không có lợi cho chủ quyền của các bang.
Đem giao cho các toà án các bang riêng rẽ áp dụng luật pháp của Liên bang cũng có nghĩa là đem giao đất nước không chỉ cho các quan toà nước ngoài mà còn cho các quan toà thiên vị.
Vả chăng không chỉ vì tính chất của chúng mà các toà án các bang riêng rẽ không có khả năng phục vụ cho mục đích quốc gia, mà còn vì số lượng chúng đông.
Vào lúc mà hiến pháp liên bang được xây dựng nên, thì đã có ở Hoa Kì mười ba toà án xử không cho kháng án. Bây giờ con số đó là hai mươi bốn. Làm sao có thể chấp nhận một Nhà nước có thể tồn tại khi các bộ luật cơ bản của nó lại được giải thích và áp dụng cùng một lúc theo hai mươi tư cung cách khác nhau! Một hệ thống như vậy cũng trái ngược với lí trí cũng như với các bài học kinh nghiệm.
Thế là các nhà lập pháp Mĩ đồng ý tạo ra một quyền lực tư pháp liên bang để áp dụng những luật lệ của Liên bang và để quyết định một số vấn đề lợi ích chung, được xác định cẩn thận trước.
Toàn bộ sức mạnh tư pháp của Liên bang được tập trung vào chỉ một toà án, gọi là Toà án tối cao Hoa Kì. Thế nhưng, để tạo được sự dễ dàng giải quyết mọi công việc, người ta gắn vào nó những toà án bậc thấp hơn có trách nhiệm xét xử độc lập những vụ kém quan trọng, hoặc xử sơ thẩm những vụ tranh tụng trầm trọng hơn. Các thành viên của Toà án tối cao không do nhân dân hoặc bộ phận lập pháp bầu ra, mà do tổng thống Hoa Kì chọn sau khi tham khảo ý kiến Thượng viện.
Nhằm giúp cho họ độc lập với các quyền lực khác, người ta cho họ có quyền không bị bãi miễn, và quyết định cương vị của họ một khi đã xác định chắc chắn, thì không bị ngành lập pháp kiểm soát.
Tuyên bố về nguyên tắc việc lập ra một nền tư pháp liên bang thật khá dễ dàng, song các khó khăn lại nảy sinh cả đống khi phải xác định quyền hạn của nó.
CÁCH THỨC XÁC ĐỊNH QUYỀN HẠN CÁC TOÀ ÁN LIÊN BANG
Khó khăn khi phải xác định quyền hạn của các toà án khác nhau trong các thể chế liên bang. − Các toà án của Liên bang có quyền xác định quyền hạn của chính họ. − Tại sao quy cách này lại xâm phạm vào phần chủ quyền mà từng bang riêng rẽ đã giành được. − chủ quyền của các bang đó bị thu hẹp vì luật pháp và vì cách diễn giải luật pháp. − Các bang riêng rẽ do đó cũng có thể gặp một nguy cơ hiển nhiên nhưng không hẳn là có thực.
Đến đây có một câu hỏi phải đặt ra ngay: Hiến pháp Hoa Kì dù đã chú trọng đến hai chủ quyền hoàn toàn rõ rệt được đại diện về công lí bởi hai loại toà án khác nhau, song cho dù đã chu đáo đến đâu trong việc thiết lập thể chế pháp lí cho từng kiểu toà án đó, thì vẫn chẳng có cách gì ngăn cản chúng thường xuyên đụng độ. Vậy trong trường hợp đó cần cầu viện đến ai để xác định quyền hạn cho đôi bên?
Ở các nước chỉ có một xã hội chính trị duy nhất, khi có vấn đề quyền hạn được đặt ra giữa hai toà án, nói chung vấn đề được đem ra xét trước một toà án thứ ba làm trọng tài.
Điều này thực hiện chẳng mấy khó khăn, bởi vì ở các nước này các vấn đề quyền hạn pháp lí không có liên quan gì tới những vấn đề chủ quyền quốc gia.
Thế nhưng, ở bên trên toà án tối cao của một bang nào đó và bên trên toà án tối cao của Hoa Kì, thì không thể có được một toà án nào đó lại không là của bang hoặc không là của Liên bang.
Vậy là tất yếu phải trao cho một trong hai toà án quyền xét xử theo quyền hạn của mình và tiếp thu hoặc ghi nhận vụ việc người ta phản đối nó. Người ta không thể trao đặc quyền đó cho các toà án khác của bang; làm như thế là thủ tiêu trên thực tế chủ quyền của Liên bang sau khi đã xác lập quyền lực đó trên văn bản pháp lí. Bởi vì việc giải thích hiến pháp hẳn phải đem lại cho các bang riêng rẽ phần độc lập đã bị ngôn từ của hiến pháp tước mất.
Khi thiết lập một toà án Liên bang, người ta muốn tước đi của các toà án bang cái quyền giải quyết theo cách riêng từng bang những vấn đề thuộc lợi ích quốc gia, và như vậy mà tạo ra một cơ quan pháp đình đồng nhất trong cách diễn giải luật pháp Liên bang. Mục tiêu hẳn sẽ không đạt được một khi các toà án của các bang riêng rẽ một mặt từ chối xử các vụ án mang tính chất liên bang song lại có thể xử chúng bằng cách coi đó không phải là những vấn đề liên bang.
Vậy là Toà án tối cao Hoa Kì phải có quyền quyết định tất cả các vấn đề về thẩm quyền.
Đó là đòn nguy hiểm nhất đánh vào chủ quyền của các bang. Bằng cách đó, chủ quyền ấy bị thu hẹp không chỉ bởi các bộ luật mà còn bởi cách giải thích luật; [còn bị giới hạn] vì một cột mốc ai cũng thấy và cái cột mốc khác chẳng ai thấy; vì một quy tắc cố định và một quy tắc võ đoán. Đúng là hiến pháp đã đặt ra những giới hạn chính xác cho chủ quyền của Liên bang; thế nhưng mỗi khi quyền lực đó tranh chấp với các bang, thì một toà án liên bang phải lên tiếng.
Vả chăng, trên thực tế, những nguy cơ mà cách thức tiến hành này có vẻ như đe doạ chủ quyền của các bang cũng không đến nỗi to tát lắm như hình dung nó trên lí thuyết.
Sang đoạn dưới nữa chúng ta sẽ thấy ở nước Mĩ sức mạnh thực sự lại là ở các chính quyền địa phương hơn là ở chính quyền Liên bang. Các quan toà liên bang cảm nhận được sự yếu kém tương đối của cái quyền lực mà nhân danh nó họ đang hành động, và họ gần như muốn từ bỏ một quyền chế tài pháp định trong những trường hợp luật lệ trao cho họ, hơn là đứng ra đòi hỏi quyền đó một cách phi luật pháp.
NHỮNG TRƯỜNG HỢP THẨM QUYỀN XÉT XỬ KHÁC NHAU
Cớ tố tụng và con người, những cơ sở của chế tài liên bang. − Những bản án đối với các đại sứ, − với liên bang, − với một bang riêng rẽ. − Bị ai đứng ra xét xử. − Những vụ án đẻ ra từ luật pháp Liên bang. − Tại sao lại bị xét xử bởi các toà án liên bang. − Vụ án liên quan đến việc không thực hiện các hợp đồng đã được toà liên bang xử. − Hệ quả của việc này.
Sau khi thừa nhận cách thức ấn định quyền hạn liên bang, các nhà lập pháp của Liên bang xác định những trường hợp chế tài mà Liên bang phải thực hiện.
Người ta chấp nhận có những người khiếu kiện nhất định chỉ có thể bị xử bởi các toà liên bang bất kể đối tượng vụ án là gì.
Sau đó người ta cho rằng có những vụ án nhất định chỉ có thể được quyết định bởi cùng những toà án đó bất kể những người khiếu kiện đúng sai ra sao.
Con người và cớ tố tụng như vậy trở thành hai căn cứ của quyền hạn liên bang.
Các đại sứ là đại diện của các quốc gia bằng hữu của Liên bang. Những gì được các đại sứ quan tâm cũng là mối quan tâm của toàn Liên bang. Khi một vị đại sứ rơi vào một vụ án, thì vụ việc đó liên quan đến lợi ích của quốc gia. Theo lẽ tự nhiên, chuyện đó do Toà Liên bang tuyên án.
Ngay Liên bang cũng có thể bị rơi vào vụ án: trong trường hợp này, thật là điều trái với lí trí và cũng trái với tập tục quan hệ quốc gia nếu cần đến sự phán xử của các toà án đại diện cho một chủ quyền khác với chủ quyền của chính mình. Lúc này chỉ có toà Liên bang là có quyền tuyên án.
Khi hai cá nhân thuộc hai bang kiện cáo nhau, thì không thể đem xét xử họ ở một trong hai toà án thuộc hai bang của họ mà không sợ có điều bất tiện. Chắc chắn hơn thì nên chọn một toà án không thể gây ra điều dị nghị của bất kì phe nào, và một cách thật tự nhiên thì cái toà án phải chọn để xét xử chính là toà của liên bang.
Khi hai bên kiện cáo nhau không phải là hai con người mà là hai bang, thì việc khu xử phải dựa theo cái lí bình đẳng, song ngoài ra còn có thêm cả cái lí về chính trị nữa. Ở đây việc đúng sai của hai bên kiện cáo có tầm quan trọng quốc gia trong mọi bản án. Một chút tranh chấp nhỏ nhặt giữa hai bang cũng liên quan đến nền hoà bình của toàn thể Liên bang.
Đôi khi chính bản chất các vụ án có thể được dùng làm quy tắc cho quyền hạn toà án. Vì thế mà tất cả các vấn đề liên quan đến thương mại đường biển sẽ phải được các toà liên bang giải quyết.
Thật dễ chỉ ra lí do: hầu hết các vấn đề đó đều nằm trong phần giá trị của quyền con người. Dưới góc độ này, các vấn đề đó chủ yếu chỉ liên quan đến quan hệ giữa Liên bang với người nước ngoài. Vả chăng, biển vốn không phải là được khép kín trong một chương mục pháp chế riêng nào, nên chỉ có nền tư pháp quốc gia là có đủ danh nghĩa để biết tới những vụ án bắt nguồn từ những vấn đề về biển.
Hiến pháp đã gói trong chỉ một phạm trù hầu hết các vụ án xét theo bản chất phải được xử ở cấp độ các toà liên bang.
Nguyên tắc này thật đơn giản, nhưng chỉ riêng nó cũng đủ bao hàm cả một hệ thống ý tưởng mênh mông và vô số sự kiện.
Nguyên tắc đó phát biểu rằng, các toà án liên bang sẽ phải xử tất cả các vụ án nảy sinh từ trong các luật lệ của Hoa Kì.
Hai thí dụ sẽ hoàn toàn cho thấy tư tưởng của nhà lập pháp.
Hiến pháp ngăn cấm các bang có quyền đặt ra luật lệ chu chuyển tiền tệ. Nhưng mặc dù đã cấm như thế, có một bang vẫn ra một bộ luật tương tự. Các bên liên quan từ chối tuân thủ luật đó, do chỗ xét thấy nó trái với hiến pháp. Vụ việc này phải đi đến toà liên bang, bởi vì cái phương tiện xâm phạm lại được lấy từ trong các luật lệ của Hoa Kì.
Hạ viện định ra quyền nhập khẩu. Có những khó khăn nảy sinh từ việc nhận diện rõ cái quyền này. Một lần nữa lại phải đem nhau ra toà liên bang xét vụ này, bởi vì nguyên nhân vụ án nằm trong việc diễn giải một bộ luật của Hoa Kì.
Nguyên tắc này hoàn toàn phù hợp với các cơ sở đã được hiến pháp liên bang chấp nhận.
Thực ra, chủ quyền của Liên bang như từ khi thành lập vào năm 1789 có tính hạn chế, nhưng người ta vẫn định rằng trong phạm vi ấy đó là một và chỉ một quốc gia. Trong phạm vi này, nó là một chủ quyền. Khi điểm này đặt ra được chấp nhận rồi, toàn bộ những gì khác còn lại đều trở nên dễ dàng. Vì nếu muốn thừa nhận là, trong những giới hạn chế định bởi hiến pháp, Hoa Kì chỉ tạo thành một quốc gia, thì phải cho liên bang này các quyền thuộc về mọi quốc gia.
Ấy thế mà, kể từ nguồn gốc sinh ra các xã hội, người ta đã đồng tình với nhau về điểm này: mỗi quốc gia có quyền được dùng toà án của mình để xử mọi vấn đề liên quan đến việc thực thi các bộ luật của chính mình. Nhưng người ta nói lại: Liên bang lại ở trong một hoàn cảnh đặc biệt, nó chỉ là một quốc gia khi liên quan đến một số đối tượng thôi, còn với tất cả các đối tượng còn lại thì nó chẳng là quốc gia gì sất. Kết quả ra sao? Đó là, chừng nào tất cả luật lệ còn liên quan đến các đối tượng đó, thì Liên bang có những quyền gán cho một chủ quyền đầy đủ. Cái lõi của điều gây khó khăn chính là phải biết đó là những đối tượng gì? Khi giải quyết được điểm này rồi (và như ta đã thấy ở đoạn bên trên khi xem xét giải quyết vấn đề quyền hạn), thì đúng là chẳng còn vấn đề gì rắc rối nữa. Vì một khi người ta đã xác định một vụ án nào mang tính liên bang, nghĩa là nằm trong phần chủ quyền được hiến pháp dành cho Liên bang, thì điều tự nhiên là sau đó chỉ có toà án liên bang mới được quyền tuyên án.
Bất kể khi nào người ta định xâm phạm vào luật pháp của Hoa Kì, hoặc định viện dẫn chúng ra để tự bảo vệ, thì người ta phải đề nghị lên các toà án liên bang.
Vậy là nền pháp chế liên quan đến các toà án Liên bang được mở rộng hoặc thắt chặt phạm vi là tuỳ theo sự mở rộng hoặc thắt chặt của bản thân chủ quyền của Liên bang.
Chúng ta đã biết rằng mục tiêu của các nhà lập pháp năm 1789 là phân chia chủ quyền thành hai phần rành rẽ. Trong một phần này, họ trao cho cái quyền cai quản toàn bộ lợi ích chung của Liên bang; trong phần kia, việc cai quản toàn bộ các lợi ích riêng rẽ của một số bộ phận Liên bang.
Điều họ hết sức quan tâm là trang bị cho chính quyền Liên bang đủ quyền lực để, trong phạm vi quyền hạn của nó, có thể tự bảo vệ chống lại những sự dẫm đạp chồng chéo của các bang riêng rẽ.
Còn với các bang này thì người ta chấp nhận nguyên tắc chung là cứ để cho chúng được tự do bên trong bang. Chính quyền trung ương chẳng có quyền điều khiển công việc trong bang của họ hoặc thanh sát hành vi ở bang của họ.
Trong chương viết về sự phân chia quyền lực, tôi đã chỉ ra rằng nguyên tắc này không phải là bao giờ cũng được người ta tôn trọng. Có những khi một bang nào đó không thể làm một điều nào đấy, cho dù nó chỉ liên quan đến chính bang của mình mà thôi.
Khi một bang trong Liên bang ra một bộ luật thuộc loại này, các công dân bị luật đó quy định thực hiện có quyền đưa vấn đề ra các toà liên bang.
Vậy là quyền hạn các toà án liên bang được mở rộng không chỉ đến tất cả các vụ án bắt nguồn từ luật pháp Liên bang, mà cả tới tất cả những vụ nảy sinh từ luật pháp của các bang riêng rẽ đặt ra mà trái với hiến pháp.
Người ta cấm các bang tuyên những bộ luật hình sự hồi tố. Người nào bị kết án theo một bộ luật loại này có thể đưa sự vụ ra toà liên bang.
Hiến pháp cũng cấm các bang làm các bộ luật có khả năng thủ tiêu hoặc thay đổi các quyền đã sở đắc theo một hợp đồng (impairing the obligations of contracts − tiếng Anh trong nguyên văn, “làm tổn hại đến các nghĩa vụ có được theo hợp đồng”).
Khi một cá thể cảm nhận thấy bộ luật nào đó của bang mình làm tổn hại một quyền thuộc loại đó, người đó có quyền từ chối phục tùng và đưa vụ việc ra toà liên bang.
Tôi thấy điều trù liệu này có vẻ như xâm phạm sâu hơn mọi thứ khác vào quyền lực tối cao của bang.
Các quyền được trao cho chính quyền liên bang theo những mục đích hiển nhiên mang tính quốc gia đều được xác định rõ và dễ hiểu. Những thứ gì được chuyển nhượng gián tiếp bởi cái điều khoản tôi vừa nhắc tới thì không dễ bao hàm theo định nghĩa đã có và phạm vi thì không được vạch rõ. Song đã có hàng loạt bộ luật chính trị tác động tới sự tồn tại của các hợp đồng và có khả năng tạo điều kiện cho sự dẫm đạp lên quyền lực trung ương.
PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TOÀ ÁN LIÊN BANG
Sự yếu kém tự nhiên của nền tư pháp trong các thể chế liên bang. − Những nỗ lực các nhà lập pháp phải có để trong chừng mực có thể chỉ đặt các cá nhân riêng rẽ chứ không đặt các bang ra trước toà án liên bang. − Người Mĩ làm cách gì để đạt được điều đó. − Hành động trực tiếp của các toà án liên bang tới các cá thể bình thường. − Công kích gián tiếp vào các Bang nào vi phạm luật pháp Liên bang. − Quyết định của nền tư pháp liên bang không thủ tiêu luật địa phương, chỉ kích động nó thôi.
Tôi đã nói về những quyền của các toà án liên bang. Cũng quan trọng không kém là hiểu cách thức các toà đó tác nghiệp ra sao.
Tại các quốc gia nơi chủ quyền không bị chia sẻ, thì sức mạnh không gì cưỡng nổi của nền tư pháp là ở chỗ các toà án của các nước này là đại diện cho toàn bộ quốc gia đấu tranh chống lại một cá nhân bị dính vào một quyết định tư pháp. Kèm theo tư tưởng về quyền, thì có kèm theo tư tưởng về lực làm công việc trụ đỡ cho cái quyền.
Nhưng tại các quốc gia nơi chủ quyền bị chia sẻ, thì sự việc không phải bao giờ cũng thế. Nền tư pháp thường bắt gặp trước mặt mình không phải một cá thể riêng rẽ mà một bộ phận của quốc gia. Sức mạnh tinh thần và thế lực vật chất của nền tư pháp đó vì vậy trở nên ít to tát hơn.
Như vậy tự nhiên là tại các quốc gia liên bang nền tư pháp trở nên yếu hơn nhiều và kẻ có thể bị xét xử lại mạnh hơn nhiều.
Nhà lập pháp tại các nước theo thể chế liên bang phải không ngừng làm việc để tạo cho các toà án một vị trí tương tự như tại các quốc gia có chủ quyền không bị phân chia. Nói cách khác, những nỗ lực thường xuyên của nhà lập pháp ở đây là tìm cách sao cho nền tư pháp liên bang thành kẻ đại diện cho toàn thể quốc gia và chú trọng đặc biệt tới kẻ có thể bị trừng phạt.
Bất kể mang bản chất gì, một chính quyền cần phải tác động tới những người bị cai quản, đặng buộc họ trả lại cho chính quyền cái gì họ mắc nợ; chính quyền cần tác động chống lại những người bị cai quản để phòng ngừa bị họ tiến công.
Về hành động trực tiếp của chính quyền đối với những người bị cai quản nhằm buộc họ tuân thủ luật pháp, Hiến pháp Hoa Kì có cách làm (và đây là tuyệt tác của họ) sao cho các toà án liên bang khi hành động nhân danh các luật lệ đó bao giờ cũng chỉ va chạm với các cá nhân mà thôi. Đúng thế, như đã tuyên ngôn rằng liên bang hợp thành chỉ một và duy nhất một quốc gia theo phạm vi hiến định, nên kết quả là cái chính quyền do hiến pháp đó lập nên và hoạt động trong phạm vi hiến định phải được giao tất cả các quyền của một chính quyền quốc gia, mà mục tiêu chính yếu là làm cho các mệnh lệnh của nó được truyền đạt thẳng tới các công dân bình thường không qua khâu trung gian nào hết. Thí dụ như khi Liên bang ra lệnh thu một sắc thuế, nó không ra lệnh thu thuế tới các bang, mà ra lệnh thẳng tới mỗi công dân Mĩ theo phần thuế họ phải đóng. Đến lượt mình, nền tư pháp liên bang với trách nhiệm bảo đàm thi hành luật này, có nhiệm vụ kết án không phải cái bang bướng bỉnh không chịu nộp thuế, mà là cái cá nhân phải nộp thuế. Giống như nền tư pháp của các quốc gia khác, trước mặt nó chỉ có một cá nhân mà thôi.
Xin hãy lưu ý là ở đây Liên bang tự mình chọn kẻ đối địch với nó. Nó chọn kẻ yếu; lẽ tự nhiên kẻ yếu đó phải thua.
Nhưng khi Liên bang, thay vì tấn công lại bị ở vào thế tự vệ, thì khó khăn gia tăng. Hiến pháp thừa nhận các bang có quyền làm luật. Các bộ luật này có thể vi phạm luật Liên bang. Tới đây, tất yếu Liên bang phải đấu tranh lại với chủ quyền của cái bang làm luật kia. Nó chỉ còn cách lựa chọn cái nào kém nguy hiểm trong số phương tiện hành động. Phương tiện đó đã được dự liệu trước trong các nguyên tắc chung mà ở đoạn trước tôi đã kể ra.
Trong trường hợp tôi vừa nêu ra làm giả định, người ta cho rằng Liên bang có thể đưa bang ra trước một toà liên bang và toà này có thể tuyên bố luật ấy là vô hiệu; đó là con đường suy nghĩ tự nhiên hơn cả. Nhưng nếu làm theo cách này thì nền tư pháp Liên bang sẽ trực tiếp bị đối mặt với một bang, là điều mà người ta muốn cố tránh bằng được.
Người Mĩ nghĩ rằng hầu như không thể nào một bộ luật mới khi đem thực hiện mà lại không gây thiệt hại gì đến vài ba lợi ích riêng nào đó.
Các tác giả bản hiến pháp liên bang đánh vào cái biện pháp lập pháp mà Liên bang có thể khiếu nại chính là dựa trên cái lợi ích riêng này. Dựa vào lợi ích riêng đó các nhà lập pháp đưa ra được một chỗ trú ẩn.
Một bang bán đất cho các công ti. Một năm sau, có bộ luật mới quy định khác hẳn đối với vẫn những thửa đất ấy, và như thế là vi phạm cái phần hiến pháp cấm thay đổi các quyền đã sở đắc theo một hợp đồng. Khi có người nào đó mua đất theo điều khoản của bộ luật mới đứng ra đòi quyền sở hữu, thì người sở hữu theo hợp đồng cũ đưa vụ việc ra trước các toà án Liên bang và làm cho toà tuyên vô hiệu [tức là: thừa nhận là chủ sở hữu]. Vậy là trên thực tế nền tư pháp Liên bang xung đột với chủ quyền của bang. Nhưng nó chỉ tấn công gián tiếp và trên chi tiết thực thi luật pháp thôi. Như vậy là nó đánh vào bộ luật của bang ở các hệ quả chứ không đánh vào nguyên tắc. Nó không phá huỷ bộ luật, nó chỉ chọc tức thôi.
Vậy là còn một giả thuyết cuối nữa.
Mỗi bang hình thành một “đơn vị quản trị” (riêng rẽ − ND) tồn tại và có các quyền dân sự riêng, theo đó nó có quyền khiếu tố hoặc bị khiếu tố trước các toà án. Thí dụ, một bang có thể đưa kiện một bang khác tại toà.
Trong trường hợp này, vấn đề không còn là chuyện Liên bang xâm phạm một bộ luật địa phương, mà là xử một vụ án trong đó có một bên bị xét xử là một bang. Đó là một vụ án cũng như mọi vụ án thôi. Chỉ có phẩm chất những bên liên quan là khác. Ở đây vẫn có tồn tại cái nguy cơ được báo từ đầu chương này; nhưng lần này người ta không tránh nổi nguy cơ đó; nó có tính chất cố hữu ở ngay trong bản chất của các bản hiến pháp liên bang kia, mà kết quả sẽ luôn luôn là tạo ra trong lòng quốc gia những thực thể riêng biệt đủ mạnh để cho nền tư pháp khó mà thực thi được dễ dàng với chúng.
Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)