Chủ nghĩa tư bản và nền văn hóa của chúng ta
Sự phục hồi mối quan tâm đến tôn giáo hiện nay ở Mỹ được lý giải theo nhiều cách khác nhau. Chí ít điều đó có nghĩa là nhiều người trong chúng ta sẵn sàng kiểm điểm nền tảng tinh thần hình thành nên nền văn hóa của chúng ta. Di sản tự do thờ phụng của chúng ta – cơ sở tôn giáo có quyền trị sự riêng, độc lập khỏi nhà nước – rõ ràng bắt nguồn từ mảnh đất văn hóa và trí tuệ độc đáo của phương Tây.
Nhưng chúng ta cần phải nhớ rằng các thiết chế yêu dấu khác của chúng ta cũng đều bắt nguồn từ cùng một mảnh đất này. Khoa học hiện đại, giáo dục, truyền thống phủ hạn quyền, giáo quyền và tình yêu đối với hệ thống doanh nghiệp tự do, tức chủ nghĩa tư bản, của chúng ta đều dựa trên một nền tảng tinh thần giống nhau; như là các cấu trúc thượng tầng, chúng đều sẽ bị ảnh hưởng khi nền tảng của chúng trở nên suy yếu.
Trực tiếp củng cố nền tảng tinh thần này là một chuyện, bảo vệ nó khỏi những nguyên nhân hủy hoại gián tiếp do bị tấn công vào một trong những hậu duệ riêng rẽ của nó như khoa học, giáo dục, hệ thống doanh nghiệp tự do lại là một câu chuyện khác. Khoa học và giáo dục có lực lượng bảo vệ khả dĩ, vì thế các cuộc tấn công vào nền văn hóa thường tập trung vào thiết chế kinh tế, nơi mà đôi khi chỉ có vẻ đúng đắn bề ngoài. Chủ nghĩa tư bản xuất hiện được chính là nhờ các khuyến khích được tạo ra từ sự kết hợp độc đáo của các yếu tố văn hóa, và nhiều người cho rằng sự sống còn của nền kinh tế tư nhân tự do phụ thuộc nhiều vào việc đưa các yếu tố văn hóa này trở lại đúng quỹ đạo của nó theo hướng hỗ trợ hệ thống thị trường tự do.
Trong triết lý về hoạt động của chủ nghĩa tư bản, thị trường được sử dụng như một công cụ để hình thành các quyết định kinh tế – “Thị trường” là mô thức phát triển từ thói quen mua bán tự nguyện của những người tự do, cả nam lẫn nữ. Con người tham gia vào các hoạt động kinh tế ở bất cứ cấp độ nào có thể mắc tội áp bức hay gian lận, cũng như họ có thể phạm tội áp bức hay gian lận trong những hoàn cảnh khác. Trong trường hợp này, họ hoàn toàn đáng bị lên án vì hành vi sai trái của mình. Tuy nhiên, đây là câu chuyện khác hoàn toàn với việc lên án toàn bộ hệ thống thị trường tự do bởi những người theo chủ nghĩa tập thể hoặc việc chỉ trích thiển cận của những người thiếu suy nghĩ.
Hoạt động kinh tế, vốn chịu sự chi phối của các quy tắc đạo đức và thể chế giống như mọi hành động khác của con người, cũng bị chính trị xâm lăng không kém gì tôn giáo, khoa học hay bất kỳ hoạt động sáng tạo nào khác phải chịu đựng. Hơn nữa, kinh tế chiếm một vị trí chiến lược trong nhiều hoạt động của con người. Hoạt động kinh tế không chỉ đơn thuần là mục đích vật chất, mà còn là phương tiện để giúp chúng ta đạt được tất cả những mục đích khác. Vì vậy, có thể kinh tế đáp ứng nhu cầu khiêm tốn hơn so với khoa học, giáo dục, và tôn giáo, nhưng nó vẫn là một công cụ quan trọng để đạt được những mục đích của cuộc sống. Nếu tính toàn vẹn của hoạt động kinh tế như là phương tiện để đạt được các mục đích sống khác mà không được tôn trọng, nó có thể trở thành công cụ hủy diệt các mục đích đó, cũng như ảnh hưởng xấu đến nền tảng tinh thần của chúng ta.
Đã có một biến động xã hội cực lớn xảy ra cách đây nhiều thế kỷ, dẫn đến nhiều thay đổi rộng khắp, sâu sắc, và mạnh mẽ lên nền tảng tinh thần và được biểu hiện trong xã hội dưới dạng các thiết chế mới và quan niệm mới về cuộc sống. Những khía cạnh khác nhau của thời kỳ chuyển đổi này được gắn cho những cái tên như Phục hưng, Cải cách, và Phản Cải cách, xét về bản chất thì đều là các mối quan hệ tôn giáo. Con người cảm thấy có sự thúc giục trong lòng là cần phải yêu mến Thiên Chúa; và song song với nó là niềm đam mê, khao khát khám phá sự thật, không vì gì khác ngoài chính sự thật. Chính niềm đam mê khám phá sự thật đã tạo mầm để hình thành phương pháp nghiên cứu khoa học.
Giống như những người khác, các chuyên gia khoa học dễ dàng đánh mất ý thức về các nền tảng tinh thần và xã hội độc đáo vốn góp phần phát huy khả năng đặc biệt của họ. Ortegay Gasset đã viết “Họ hoàn toàn mù tịt về việc xã hội và trái tim của con người cần phải được tổ chức như thế nào để tiếp tục giúp họ trở thành những nhà khám phá”. Và vì vậy, giờ đây chúng ta có nền khoa học bị đồi bại; một số nhà khoa học đã đặt tài năng của mình vào bàn tay của các chính trị gia để xây dựng Nhà nước kế hoạch hóa. Đây là xu hướng chắc chắn sẽ xảy ra nếu như người ta tiếp tục phớt lờ các nền tảng siêu hình.
Các nền tảng tinh thần
Nhân văn được tạo thành do “sự dạy dỗ” của giáo dục, kỷ luật và đào tạo. Nền tảng tinh thần của nhân văn được xây dựng dần dần và phải trải qua nhiều thăng trầm, đau đớn, giống như việc xây dựng đê chắn sóng bằng cách đổ từng bao xi măng xuống cho tới khi mặt đê xuất hiện trên mặt nước. Văn hóa hiện đại đã được chuẩn bị từ nhiều thế kỷ, trước khi phát triển mạnh ở thế kỷ XVI, mang đến triển vọng mới, tinh thần mới và những giá trị mới nhằm giải phóng và dẫn dắt con người. Con người đã vứt bỏ gánh nặng của những hạn chế thời cổ đại, vốn biện minh cho sự chuyên chế của chính quyền về mặt chính trị, sự kiểm soát năng lực sản xuất của con người, và sự kìm hãm những nỗ lực khám phá thiên nhiên.
Sự thịnh vượng về mặt vật chất của nước Mỹ, điều mà chúng ta đã biết, là thành quả trực tiếp của cơn biến động to lớn về mặt tinh thần và xã hội xuất hiện cách đây khoảng bốn thế kỷ. Những người phê phán chủ nghĩa tư bản đã ý thức được sự liên hệ này cách đây ít nhất 50 năm, khi Max Webber xuất bản cuốn sách có ảnh hưởng lớn, The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism [Đạo đức tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản]. Tuy nhiên, những nhà cách mạng đã áp dụng chiến lược này nhiều năm về trước. Năm 1884, G. Zacher đã viết trong cuốn sách The Red International [Quốc tế đỏ] “bất cứ ai tấn công vào Ki tô giáo thì cũng đồng thời tấn công luôn cả chế độ quân chủ và chủ nghĩa tư bản!”
Nếu như di sản Do Thái - Ki tô giáo chung của chúng ta đã mở đường cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, thì việc kiềm chế cuộc tấn công vào chủ nghĩa tư bản một cách công khai, nhưng lại tập trung làm suy yếu nền tảng tạo dựng nên nó, sẽ là con đường tinh tế nhất làm cho nó suy tàn. Đây là cách giết chết hai con chim bằng một mũi tên theo lời tư vấn của nhà cách mạng Pháp cách đây hai thế kỷ “đừng tấn công vào các vị vua, hãy tấn công vào tư tưởng hình thành chế độ quân chủ”.
Có lẽ tầm quan trọng của nền tảng tinh thần và văn hóa của phương Tây được minh họa rõ nhất bằng phép so sánh giữa bối cảnh phương Đông và phương Tây. Một người du lịch đến phương Đông sẽ bị choáng ngay lập tức khi chứng kiến sức mạnh cơ bắp của con người được sử dụng để làm những công việc nặng nhọc cho xã hội. Khắp các đường phố ở một thành phố của Ấn Độ đông đúc những người đang khuân vác, kéo đẩy đủ thứ như thân trâu ngựa. Những cảnh tượng này tạo ấn tượng cho du khách là phương Đông phải dùng máy móc để giảm bớt việc sử dụng sức người. [Ghi chú của người biên tập: đã có những tiến bộ lớn ở một số quốc gia châu Á – những quốc gia áp dụng mô hình chủ nghĩa tư bản – kể từ khi những dòng chữ này được viết vào năm 1958].
Hỏi và Đáp
Tại sao phương Đông không có máy móc giúp con người đỡ vất vả? Là do các nước phương Đông quá nghèo, họ không thể mua được những máy móc này chăng? Điều này giống như phương Tây nhiều thế kỷ trước; nhưng sau đó nguồn năng lực của người châu Âu được giải phóng và họ dần thoát khỏi những công việc mệt nhọc làm sụm lưng họ, điều bây giờ vẫn là số phận của nhiều người anh em vùng Viễn Đông.
Phải chăng người phương Đông không đủ thông minh để sáng chế và tạo ra máy móc riêng của họ? Không phải vậy, nhiều người phương Đông luôn đầy tràn năng lượng sáng tạo và trí tuệ phát minh, bằng chứng là chúng ta hãy nhìn lại các triết lý phương Đông, những tác phẩm nghệ thuật và đồ thủ công mỹ nghệ. Và họ còn có cả các nguồn tài nguyên tự nhiên giàu có.
Có lẽ là xã hội phương Đông vẫn bị kìm hãm bởi các chế độ chuyên chế hiện hành. Phương Đông tồn tại chế độ chuyên quyền, cả do người bản địa dựng lên lẫn do ngoại bang áp đặt vào; nhưng câu hỏi đặt ra là: Tại sao con người qua nhiều thế kỷ vẫn thầm lặng phục tùng chế độ bạo ngược? Tại sao quan điểm chính thể hạn quyền (limited government) lại không bám rễ được ở đó? Tại sao phương Đông không phát minh ra được máy móc, không nắm bắt được công nghệ, và thiết lập nền công nghiệp có thể cung cấp sản phẩm tốt, làm giảm đi gánh nặng mà bấy lâu nay làm chùn lưng của hơn nửa tỷ người?
Đây là những câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời khi xét trên bình diện trình độ công nghệ hoặc trình độ tổ chức chính trị xã hội. Câu trả lời cần được kiếm tìm ở những tầng sâu hơn, nơi những quyết định quan trọng được đưa ra cho phép hoặc dập tắt sự trỗi dậy của niềm tin vào phẩm giá con người, vào tự do và vào những hệ quả tự nhiên của niềm tin này, như khoa học và công nghệ. Tài nguyên thiên nhiên và cơ hội chỉ là những nhân tố có tầm quan trọng thứ yếu; nhân tố quan trọng nhất là việc sở hữu một di sản tôn giáo – hoặc một thái độ đối với vũ trụ – có khuyến khích con người nắm bắt các cơ hội tự nhiên hay không. Di sản Châu Âu xuất phát từ truyền thống Do thái-Kito giáo, bao gồm cả các yếu tố văn hóa Hy Lạp, được gọi chung là Nền văn hóa Thiên chúa giáo (Christendom). Khi nền văn hóa Thiên chúa giáo đến với cuộc sống mới ở thời điểm ban đầu của kỷ nguyên hiện đại, nó đã trở thành suối nguồn cho những sự thay đổi lớn ở xã hội phương Tây. Dân số phương Tây tăng lên gấp nhiều lần và đồng thời phúc lợi của nhân dân cũng được cải thiện. Không còn nạn đói; bệnh tật được đẩy lùi; và sự thù hằn giữa các dân tộc cũng được giảm thiểu. Giáo dục được truyền bá rộng khắp đến những tầng lớp bên lề của xã hội. Trong cùng thời kỳ lịch sử đó, xã hội phương Đông thực sự không có sự thay đổi, chỉ mới có dấu hiệu động đậy trong vài năm gần đây.
Công bằng trước Chúa Trời
Cốt lõi tạo nên cuộc chuyển biến to lớn ở phương Tây là quan điểm cho rằng việc thờ cúng cá nhân có thể tới được Chúa Trời mà không cần qua sự trung gian của bất kể tầng lớp đặc biệt nào hay bất kỳ nhóm nào hay bất kỳ quốc gia nào. Theo đức tin này, Đấng tạo hóa và Đấng gìn giữ cuộc sống – Chúa tể của vũ trụ – lại rất gần gũi với mọi con chiên và quan tâm đến mọi người, dù nhỏ bé hay thấp hèn nhất.
Hãy nghĩ xem, đức tin này, nếu đủ mạnh, sẽ giúp những người nhỏ bé nhất có thể vững bước trên trái đất này, bằng cách đó có thể củng cố sức mạnh của họ vượt qua khó khăn như thế nào! Hãy nghĩ xem đức tin này sẽ ảnh hưởng thế nào đến chế độ độc tài. Nếu mỗi người cho rằng mình được Chúa Trời tạo ra và có khả năng là con cháu của Chúa Trời, anh ta chắc chắn sẽ không chịu chấp nhận mình là con dân của bất cứ ai, bất cứ nhóm người nào, hay chính quyền nào! Chính bởi không coi đó là quyền, hay như là ý muốn của Chúa Trời, nên anh ta mới đặt mình vào tay của một cá nhân hay một nhóm người nào đó. Vì vậy, mỗi người cần được xem là có “những quyền” mà không ai khác có thể xâm phạm, và từ đó nảy sinh khái niệm chính quyền như một thiết chế xã hội được con người tạo nên một cách tự nguyện để bảo vệ “các quyền” của họ.
Chúng ta có quyền tự hào một cách chính đáng về những nỗ lực trong việc tổ chức nhà nước từng bước một theo hướng này trong hai thế kỷ gần đây. Có lẽ điểm cốt yếu của mô hình chính phủ mới này đã được James Madison nhấn mạnh trong Luận Cương Liên Bang thứ 39 của ông khi ông viết về quyết định “trông cậy vào năng lực tự trị của con người trong việc xây dựng tất cả các thử nghiệm chính trị”. Không nên hiểu điều này là Maddison bị ảo tưởng về những khả năng không tưởng đối với con người bình thường. Nhưng lần đầu tiên trong lịch sử, con người cá nhân không còn là tạo vật của chính quyền hay tay sai của nó. Những quyền cố hữu được trao cho mỗi người như là tài sản tự nhiên mà Chúa Trời ban tặng, và việc sử dụng năng lực của mỗi người như thế nào hoàn toàn là vấn để của riêng mỗi người chừng nào anh ta chưa xâm phạm quyền của những người khác.
Trong mô hình chính trị của nước Mỹ, con người có không gian tự do chính trị lớn hơn bao giờ hết, và họ có được không gian tự do bằng cách hạn chế quyền lực chính quyền vào một mối quan tâm chung của mọi người: loại bỏ các rào cản đối với các hoạt động và trao đổi hòa bình của con người.
Mô hình chính quyền của nước Mỹ không phải được đơm hoa kết trái từ vài bộ óc; nó đã được thai nghén sau một thời gian dài thử nghiệm và tranh biện. Vào giữa thế kỷ XVIII, người Mỹ phản đối việc đóng tô thuế cho vương triều Anh quốc, cho rằng điều đó vi phạm quyền con người, trong khi thế hệ trước đó lại đòi hỏi các quyền như những người dân nước Anh. Một cuộc cách mạng về tư tưởng và cách nhìn đã phân tách hai quan niệm này ra khỏi nhau. Khi lên kế hoạch đấu tranh giành các quyền bình đẳng như những người Anh, những người thực dân luôn suy nghĩ về sự nhượng bộ mà tổ tiên của họ, khởi đầu là những nhà đại tư bản tại Runnymede, đã phải chấp nhận từ việc thu hẹp chủ quyền của mình. Khi bảo vệ các quyền con người, những người thực dân này đã tiếp cận theo một hướng khác, đó là thần học. Đây có lẽ là điều mà De Tocqueville đã nhận ra vào năm 1835 khi ông viết về người Mỹ là “Tôn giáo…là ưu tiên hàng đầu trong các thiết chế chính trị”.
Các khía cạnh tôn giáo về tự do chính trị
Khi các khía cạnh tôn giáo được đưa vào trong lý luận chính trị, chính phủ tốt nhất nên bị hạn chế quyền lực nhằm bảo vệ mục tiêu tự do và công lý cho tất cả người dân. Vì thế, tự do chính trị có các tiền đề tinh thần và phục vụ mục tiêu tinh thần bằng việc tạo các điều kiện xã hội cho phép con người đạt được mục tiêu phù hợp với bản chất của con người.
Tự do chính trị cũng phục vụ nhu cầu vật chất của con người. Dưới chế độ tự do chính trị, xuất hiện một khung khổ nhất định cho hoạt động kinh tế, được gọi bằng cái tên "chủ nghĩa tư bản". Từ kinh nghiệm thực tiễn hay từ lý thuyết, thì việc kiềm chế các hoạt động kinh tế của ai đó cũng kém thuyết phục chẳng khác gì việc tùy tiện tước bỏ các quyền hoạt động giáo dục, khoa học, hay tôn giáo của anh ta. Nhưng bằng thủ đoạn lặp đi lặp lại liên tục những lời tuyên truyền giả dối và ngụy biện, người ta khiến chúng ta cảm thấy như thể rằng mọi yếu kém mà xã hội phải chịu đựng đều là do tự do kinh doanh gây ra, trong khi nguyên nhân thực sự của những yếu kém đó trên thực tế là do các hành động làm tổn hại đến quyền tự do đó.
Trong những năm gần đây, hoạt động kinh doanh và công nghiệp đã trải qua nhiều thăng trầm. Các doanh nhân, cả tốt và xấu, đã bị khoanh vùng lại để có các biện pháp đối xử cách đặc biệt. Ngành công nghiệp nói chung đều bị trói buộc bằng một mớ luật lệ và các biện pháp kiểm soát. Trong khi một số ngành được chính phủ ưu ái và cấp đặc quyền, thì một số ngành khác lại chịu phân biệt đối xử về chính trị.
Trong cùng thời kỳ, một quan niệm mới về chính quyền cũng đã bắt đầu trở nên phổ biến. Đó chính là quan điểm đã bị người dân Mỹ thế kỷ XVIII phản đối và chống lại. Quan điểm này cho rằng nhà nước là nơi nắm giữ quyền lực tối cao trong xã hội và vì thế nhà nước nắm giữ tất cả các quyền để từ đó trao cho người dân một cách có điều kiện, dựa trên những cân nhắc lợi ích chính trị. Vì thế, quan niệm của người Mỹ thế hệ ông cha về mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân đã bị lột bỏ.
Bất cứ khi nào con người bị quyền lực và của cải mê hoặc, tự do chính trị và kinh tế sẽ bị tổn thương, không nhiều thì ít. Trong quá khứ, khi cuộc sống khó khăn, con người đùm bọc lẫn nhau và khuyên bảo nhau tìm hiểu truyền thống tự do, cả tín ngưỡng lẫn thế tục. Họ giữ vững niềm tin rằng bất cứ ai yêu tự do đều thuộc về bên chính nghĩa, và rằng bên chính nghĩa rồi nhất định sẽ giành chiến thắng. Họ có thế chết, nhưng những nguyên tắc sống của họ sẽ sống mãi mãi trước bất kỳ tên bạo chúa nào. Nhưng bây giờ thì khác. Các giá trị đã bị đảo lộn, và sự xâm hại tự do kinh tế và chính trị đã được thực hiện dựa theo nguyên tắc. Do vậy, các hành động thổi bay các nguyên lý chính thể hạn quyền và hệ thống kinh doanh tự do sẽ không ngừng lại ở đó. Chúng sẽ tiến xuống sâu hơn nữa và dẫm đạp lên nền tảng văn hóa tinh thần của xã hội chúng ta, đấy là nền tảng cuộc sống mà chúng ta cho tới gần đây vẫn coi là cái gì đó bất biến.
Trong tình hình hiện nay, những điều gây bức xúc nhất dường như xuất phát từ bộ máy nhà nước quan liêu mở rộng quá mức. Nhưng nếu chỉ đơn thuần loại bỏ các trói buộc và mệnh lệnh này mà không đụng chạm đến quan điểm nhà nước toàn năng hoặc những mầm mống của quan niệm này, vốn là cội rễ sản sinh ra các trói buộc, thì sẽ chẳng có mấy tác dụng. Cần phải thay thế quan điểm sai lầm này về chính quyền bằng một quan điểm đúng. Nhưng khi chúng ta đi tìm kiếm biện pháp để làm mới quan điểm của người Mỹ về chính thể hạn quyền, thì chúng ta thấy rằng quan điểm này có nguồn gốc từ nền tảng tinh thần mà bản thân nó cũng đang có nhu cầu phải phục hồi lại. Cần phải tập trung làm rất nhiều việc ở tầng nền tảng nhất này. Tuy nhiên, vì ít ai có ý thức về tầm quan trọng của tầng nền tảng này, nên gần như chẳng có ai thực hiện công việc đó. Nếu nền tảng tinh thần không khôi phục được trở lại, các công việc ở các tầng bề nổi hơn sẽ không thể bền vững được, và chúng ta chỉ giải quyết được một số vấn đề ở bên lề mà thôi.
Nguồn: Trích chương 2 cuốn Nền tảng đạo đức của kinh tế thị trường, “Mark W. Hendrickson (chủ biên), The Morality of Capitalism, The Freeman”, 3/1958