[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 1 - Chủ nghĩa tự do cá nhân đang đến gần (Phần 2)

[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 1 - Chủ nghĩa tự do cá nhân đang đến gần (Phần 2)

Vỡ mộng với chính trị

Việc các chính phủ phương Tây không có khả năng thực hiện những lời hứa của mình về sự thịnh vượng, an ninh và công bằng xã hội – cùng với những cố gắng cải cách bất thành – đã dẫn đến thái độ thất vọng sâu sắc đối với các chính khách ở tất cả các nước phương Tây. Nhà sử học Paul Johnson viết trong tác phẩm Thời hiện đại (Modern Times) của ông như sau:

Sự vỡ mộng với chủ nghĩa xã hội và những hình thức khác của chủ nghĩa tập thể chỉ là một trong những khía cạnh của sự mất niềm tin rộng lớn hơn vào nhà nước, người ta không còn coi nhà nước là đại diện của lòng nhân từ, bác ái nữa. Trong thế kỷ XX, nhà nước đã trở thành thiết chế to lớn nhất và cũng là thất bại nặng nề nhất… Nếu trong thời gian diễn ra hội nghị Versailles (1919 – ND), phần lớn giới trí thức tin rằng nhà nước lớn là bộ máy có thể làm gia tăng tổng hạnh phúc của nhân dân, thì đến những năm 1980 chỉ còn một nhóm những kẻ cuồng tín – nhóm này lại đang teo tóp và đang mất dần nhuệ khí – là còn nghĩ như thế. Cuộc thí nghiệm đã được tiến hành theo vô số cách và hầu như lần nào cũng gặp thất bại. Nhà nước đã chứng tỏ rằng nó là một kẻ tiêu tiền vô tội vạ, lãng phí không ai bằng. Ngoài ra, trong thế kỷ XX nhà nước còn chứng tỏ là kẻ sát nhân lớn nhất mọi thời đại.

Chưa bao giờ các nhà lãnh đạo chính trị ở tất cả các nước lớn ở phương Tây mất lòng dân như hồi trước những năm 1990. Ở Mỹ, có thể khẳng định rằng từ năm 1968 trở đi trong tất cả các cuộc bầu cử tổng thống, cử tri đều chọn các ứng viên mà họ cho là sẽ đáp ứng tốt nhất kỳ vọng của mình về chính phủ nhỏ hơn. Nhưng cái chính phủ lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử loài người vẫn trơ lì trước mong muốn của xã hội là giảm bớt quy mô và sức mạnh của nó. (Xin lưu ý: chắc chắn là tôi không nói rằng chính phủ Mỹ là chính phủ áp bức nhất từ trước tới nay, hoàn toàn không phải thế. Nhưng tôi nghĩ là sẽ đúng, khi nói rằng chính phủ này nắm trong tay nhiều nguồn lực, phân phát nhiều ưu tiên ưu đãi và ban hành nhiều luật lệ và chỉ thị hơn bất cứ chính phủ nào khác). Thái độ bất mãn đã thể hiện một cách rõ ràng trong các cuộc thăm dò ý kiến của hãng Gallup được tiến hành trước năm 1993. Gallup thường xuyên hỏi dân chúng xem họ tin tưởng chính phủ liên bang đến mức nào. Từ giữa những năm 1960, số người tin tưởng liên tục giảm dần, tuy có lên, có xuống. Không có gì ngạc nhiên là số người tin tưởng rơi xuống mức thấp nhất vào năm 1974, năm cuối nhiệm kì đầy tai họa của Tổng thống Richard Nixon. Số người tin tưởng gia tăng một chút, rồi sau đó, trong năm cuối cùng của chính quyền kém năng lực của Tổng thống Jimmy Carter thì thậm chí còn suy giảm hơn nữa. Số người tin tưởng vào chính phủ liên bang gia tăng cùng với lòng nhiệt tình ban đầu trước cuộc cách mạng mà Ronald Reagan hứa hẹn, nhưng sau đó lại tiếp tục giảm một cách đáng kể và đạt mức thấp chưa từng có vào tháng 1 năm 1993, khi Bill Clinton nhậm chức làm Tổng thống. Trước đây, ngay giai đoạn đầu nhiệm kì Tổng thống, chưa bao giờ niềm tin vào chính phủ lại thấp đến như thế. Chẳng có gì ngạc nhiên khi dân chúng tỏ ra thờ ơ như thế trước chương trình hoạt động đầy tham vọng của chính phủ: tăng thuế, chương trình kích thích kinh tế, thành lập dịch vụ giành cho giới trẻ, và cả kế hoạch quốc hữu hóa lĩnh vực y tế phức tạp và quá lớn của ông ta nữa.

 Kết quả một cuộc thăm dò dư luận khác khẳng định sự xa lánh của dân chúng đối với chính phủ. Trả lời câu hỏi: “Bạn ủng hộ chính phủ nhỏ hơn với ít dịch vụ hơn hay ủng hộ chính phủ lớn hơn với nhiều dịch vụ hơn?”, số người ủng hộ chính phủ nhỏ hơn đã gia tăng từ 49% vào năm 1984 lên 60% vào năm 1993 và 68% vào năm 1995. (Xin lưu ý: câu hỏi này thậm chí không nhắc người dân rằng nhiều dịch vụ hơn nghĩa là phải đóng thuế cao hơn). Một câu hỏi khác, thường gặp trong các cuộc thăm dò ý kiến, là: “Bạn có thường nghĩ rằng chính quyền ở Washington hành động đúng?” Năm 1964, 14% nói rằng “luôn luôn” và 62% nói rằng “thường xuyên”. Đến năm 1994 hầu như đã không còn ai nói “luôn luôn” nữa, “thường xuyên” cũng chỉ còn 14%. “Thỉnh thoảng” tăng từ 22% lên 73%, trong khi 9% người trả lời nói “không bao giờ”. Với những kết quả như thế, sẽ không ngạc nhiên khi giữa năm 1995, có đến 62% cử tri ủng hộ việc thành lập đảng thứ ba.

Michael Ledeen thuộc Viện Kinh doanh Mỹ (American Enterprise Institute) khẳng định rằng, trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh cử tri ở phương Tây cho rằng họ phải trung thành với giai cấp cầm quyền nhằm tránh số phận còn nghiệt ngã hơn. Nhưng trong những năm 1990, “mối đe dọa từ bên ngoài không còn và dân chúng sẵn sàng nắm lại quyền kiểm soát số phận của mình”.

Những người này nhận thức, chí ít là bằng trực giác, rằng thời đại chính trị (Age of Politics) đã không thực hiện được những lời hứa của mình. Họ sẵn sàng đối mặt với triết lý chính trị và phong trào chính trị có khả năng giải thích vì sao chính trị lại thất bại và thay nó bằng cái gì.

Tại sao chính trị thất bại

Phần lớn những trang sau đây trong tác phẩm này là để khảo sát những vấn đề liên quan tới chính phủ mang tính cưỡng bức và phương án thay thế cho nó là chính phủ theo triết lý tự do cá nhân. Ở đây tôi chỉ xin trình bày một dẫn nhập ngắn. Vấn đề thật sự ở Mỹ cũng chính là vấn đề đã được mọi người trên thế giới nhận ra: chính phủ quá to. Chính phủ càng lớn thì thất bại càng lớn, nhà nước xã hội chủ nghĩa là chính sách thất bại hiển nhiên nhất. Những người theo triết lý tự do cá nhân đã từng cảnh báo trong suốt thế kỷ XX rằng, chủ nghĩa xã hội và những nỗ lực khác nhằm thay thế quá trình ra quyết định của cá nhân bằng các giải pháp của chính phủ đã tước mất quyền tự do và phẩm giá của cá nhân – mục đích của của nhiều cuộc chiến đấu mà nền văn minh phương Tây đã tiến hành trong quá khứ. Ngoài ra, chủ nghĩa xã hội còn phải đối mặt với những vấn đề kinh tế và chính trị không thể nào vượt qua được:

Vấn đề của chế độ toàn trị, quyền lực tập trung đến như thế dễ làm người ta sa ngã và lạm dụng quyền lực

 • Vấn đề khuyến khích, không có sự khích lệ người ta làm việc một cách chăm chỉ hoặc có hiệu quả

 • Vấn đề tính toán kinh tế, hệ thống xã hội chủ nghĩa – không có thị trường và giá cả - không thể phân bố các nguồn lực cho phù hợp với sở thích của người tiêu dùng

Trong suốt hàng chục năm, những nhà kinh tế học theo trường phái tự do cá nhân chủ nghĩa như F. A. Hayek và Ludwig von Mises đã liên tục nhấn mạnh rằng chủ nghĩa xã hội không thể nào hoạt động được, rằng nó không thể sử dụng tất cả các nguồn lực và tri thức của một xã hội cực kỳ to lớn nhằm phục vụ người tiêu dùng. Và cũng trong suốt hàng chục năm đó, những người dân chủ-xã hội phương Tây đã không thèm nghe những lời tuyên bố này, họ khẳng định rằng chủ nghĩa cộng sản Xô Viết không những tiếp tục tồn tại, mà nền kinh tế của nó còn phát triển nhanh hơn các nền kinh tế phương Tây.

Những người dân chủ-xã hội đã sai. Mặc dù nền kinh tế thô kệch của Liên Xô có thể sản xuất được một lượng lớn thép và bê tông chất lượng thấp, nhưng nền kinh tế này đã làm cái mà nhà triết học gốc Hungary, Michael Polanyi, gọi là “sản xuất phô trương” – và mặc dù đã đưa được người lên vũ trụ, nhưng nền kinh tế này chưa bao giờ sản xuất được những thứ mà người tiêu dùng muốn. Cuối những năm 1980, theo đánh giá của CIA, nền kinh tế Liên Xô không bằng 2/3 nền kinh tế Mỹ; và còn John Kenneth Galbraith, một nhà kinh tế học ở đại học Harvard, thì nói rằng họ không “tận dụng hết nguồn nhân lực của mình”; đấy không phải là “động cơ hùng mạnh cho tăng trưởng kinh tế”, cuốn sách giáo khoa của Paul Samuelson, người từng đoạt giải Nobel kinh tế, nói với các thế hệ sinh viên như thế. Trên thực tế, nền kinh tế Liên Xô chỉ bằng khoảng 10% nền kinh tế Mỹ (đấy là nói so sánh những thứ không thể so sánh được) và đã sử dụng một cách cự kỳ lãng phí lực lượng lao động được đào tạo của đất nước này. Thất bại trong kỷ nguyên công nghiệp, là con khủng long trong thời đại thông tin, là sự thực mà tất cả những người từng đến Liên Xô đều biết, chỉ có các nhà trí thức phương Tây là không biết.

Sự can thiệp của chính phủ vào thị trường và xã hội ở Mỹ cũng tạo ra những vấn đề tương tự, mặc dù hình thức thì có nhẹ nhàng hơn. Quyền lực làm cho tha hóa, cho nên việc chính phủ có quyền nói cho người ta biết phải sống như thế nào hay có thể lấy tiền của những người làm ra tiền và đưa cho người khác luôn luôn làm cho người ta dễ bị tha hóa. Thuế khóa và quy định của nhà nước làm cho người ta không muốn tạo ra của cải, còn những chương trình tái phân phối thu nhập làm cho người ta không muốn làm việc, không muốn tiết kiệm, không muốn giúp đỡ gia đình và bạn bè khi ốm đau, khi mất khả năng lao động hay nghỉ hưu nữa. Và, mặc dù các quan chức Mỹ không phạm những sai lầm to lớn như các nhà lập kế hoạch xã hội chủ nghĩa, nhưng rõ ràng là các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả hơn, ít cải tiến hơn và lãng phí hơn là các công ty tư nhân. Chỉ cần so sánh Công ty Bưu chính Hoa Kỳ (U.S. Postal Service) với công ty Federal Express thì sẽ rõ. Hay xem xét cách người ta giải quyết những vấn đề của khách hàng ở American Express và Tổng cục thuế (IRS) thì cũng thấy. Hay so sánh tòa nhà cho thuê của công ty tư nhân và tòa nhà của nhà nước. Những người không sở hữu tài sản không chăm sóc nó bằng những người chủ sở hữu, những người không đầu tư tiền của mình vào doanh nghiệp và không được lời khi doanh nghiệp thành công thì sẽ không bao giờ cải tiến nó, không chăm sóc khách hàng và không giảm chi phí như những doanh nhân tìm kiếm lợi nhuận.

Trong tác phẩm Xã hội thịnh vượng (The Affluent Society), Galbraith phát hiện ra “sự giàu có của tư nhân và sự nghèo nàn của chính phủ” – nghĩa là xã hội, trong đó tất cả những nguồn lực do tư nhân sở hữu nói chung đều được giữ một cách sạch sẽ, được sử dụng một cách hiệu quả, được chăm sóc một cách cẩn thận và chất lượng ngày càng gia tăng, trong khi tất cả các khu vực công cộng đều bản thỉu, chật chội và không an toàn – và rút ra kết luận khá kỳ quặc là chúng ta phải đưa thêm nguồn lực vào lĩnh vực công. Tác phẩm này đề xuất kết luận khác hẳn.

 Những lựa chọn chính trị căn bản

Người ta đã tranh cãi về những vấn đề căn bản của chính trị và hình thức cai trị suốt nhiều thế kỷ. Theo Aristotle, có bốn hệ thống chính trị: chuyên chế, quý tộc, chính thể đầu sỏ và chế độ dân chủ. Giữa thế kỷ XX, nhiều người nghĩ rằng chỉ có mấy lựa chọn là chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa tư bản dân chủ. Hiện nay người ta chỉ còn quan tâm tới chủ nghĩa tư bản dân chủ mà thôi, và nhiều nhà khoa bảng đã vội vã chấp nhận tuyên bố của Francis Fukuyama về “sự cáo chung của lịch sử”, nghĩa là những cuộc chiến đấu lớn về ý thức hệ đã cáo chung cùng với chiến thắng của chế độ dân chủ trên cơ sở của nền kinh tế hỗn hợp. Nhưng ngay khi tác phẩm này vừa xuất hiện, trào lưu chính thống Hồi giáo đã và đang ngóc đầu dậy, còn một số chính khách và học giả ở châu Á thì bắt đầu xây dựng luận cứ cho chủ nghĩa tư bản độc tài nhân danh những “giá trị của châu Á”.

Dù sao mặc lòng, chiến thắng giả định của chế độ dân chủ vẫn để lại khá nhiều không gian cho các hệ tư tưởng đối chọi nhau. Thậm chí, coi “chế độ dân chủ” như là lựa chọn của phương Tây nhằm thay thế cho chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa xã hội cũng là vấn đề còn phải bàn. Những người theo trường phái tự do cá nhân, như tên gọi cho thấy, tin rằng giá trị chính trị quan trọng nhất là tự do chứ không phải dân chủ. Nhiều độc giả hiện nay có thể hỏi: khác nhau ở chỗ nào? Tự do và dân chủ không phải là một hay sao? Chắc chắn là cách dạy lịch sử Mỹ thường thấy có thể dẫn người ta tới ý tưởng như thế. Nhưng xin hãy xem: Ấn Độ là nước dân chủ lớn nhất thế giới, nhưng sự gắn bó của họ với quyền tự do ngôn luận và chế độ đa nguyên thì lại yếu, công dân của họ bị dính mắc vào mạng lưới của những quy định mang tính bảo trợ, ngăn cản quyền tự do của họ trên mỗi bước đi. Trong hàng chục năm gần đây, Hong Kong không phải là chế độ dân chủ - công dân của lãnh thổ này không có quyền lựa chọn nhà cầm quyền – nhưng quyền lựa chọn và quyền tự do cá nhân thì lại rộng rãi hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Tự do và dân chủ có liên hệ với nhau, nhưng đấy không phải là một. Bạn tôi, ông Ross Levatter, từng nói: Nếu chúng ta sống trong xã hội mà ý trung nhân được chọn theo kiểu bầu cử đa số của toàn thề cộng động thì có nghĩa là chúng ta sống trong chế độ dân chủ, nhưng chúng ta sẽ chẳng có mấy tự do.

Có sự lẫn lộn như thế là vì từ tự do (liberty) có hai nghĩa, sự khác nhau giữa hai nghĩa này đã được một cây bút theo trường phái tự do cá nhân người Pháp trong thế kỷ XIX, Benjamin Constant, khảo sát kỹ lưỡng trong tiểu luận “Tự do của người cổ đại so với tự do của người hiện đại”. Constant nhận xét rằng, đối với những người cầm bút Hy Lạp cổ đại, tự do nghĩa là quyền tham gia vào đời sống xã hội, quyền đưa ra quyết định của cả cộng đồng. Theo đó, thành phố Athens là cộng đồng chính trị tự do, vì tất cả công dân của thành phố - tức là tất những người đàn ông tự do và trưởng thành – có thể đi đến hội nghị và tham gia vào quá trình ra quyết định. Socrates là người tự do, vì ông có thể tham gia vào việc ra quyết định tập thể về việc tử hình chính mình vì niềm tin mang tính dị giáo của mình. Nhưng khái niệm hiện nay về tự do lại nhấn mạnh quyền của các cá nhân được sống theo ý mình, tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng, có quyền sở hữu tài sản, có quyền tham gia buôn bán, không bị bắt bớ và giam cầm một cách tùy tiện – nói theo ngôn ngử của Constant thì “đến và đi mà không cần ai cho phép và không cần phải trình bày về động cơ của công việc đã làm”. Chính phủ dựa trên sự tham gia của những người bị trị là bảo đảm quyền của cá nhân, nhưng bản thân tự do là quyền lựa chọn và theo đuổi công việc mà người ta tự chọn.

Đối với những người theo phái tự do cá nhân thì vấn đề chính trị căn bản là quan hệ của cá nhân với nhà nước. Cá nhân có những quyền gì (nếu quả thật là họ có)? Hình thức chính quyền nào (nếu cần chính quyền) sẽ bảo vệ một cách tốt nhất những quyền đó? Chính quyền nên có những quyền lực gì? Thông qua cơ chế chính quyền, các cá nhân có thể yêu cầu nhau làm những việc gì?

Như Edward H. Crane thuộc Viện Cato nói, chỉ có hai phương pháp tổ chức xã hội mà thôi: cưỡng bức, bằng những mệnh lệnh của chính quyền hay tự nguyện, thông qua rất nhiều tương tác giữa các cá nhân và các hiệp hội do các cá nhân lập ra. Tất cả các hệ thống chính trị khác – quân chủ, đầu sỏ, phát xít, cộng sản, bảo thủ, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa tự do cá nhân – đều có thể rút lại thành một câu hỏi duy nhất: Ai là người đưa ra quyết định về một khía cạnh cụ thể của đời sống của bạn, bạn hay là người khác?

Bạn tự tiêu tiền do mình làm ra hay quốc hội tiêu?

Bạn chọn trường cho con mình học hay ban giám hiệu nhà trường chọn?

Bạn quyết định dùng loại thuốc nào khi ốm đau hay Cục thực phẩm và dược phẩm ở Washington chọn cho bạn?

Trong xã hội dân sự, bạn là người lựa chọn cách sống của mình. Trong xã hội chính trị, người ta lựa chọn thay cho bạn. Vì người dân đương nhiên là chống lại việc để cho người khác quyết định những vấn đề quan trọng mà họ không được tham gia, cho nên xã hội chính trị nhất định phải dựa vào những biện pháp cưỡng bức. Chúng ta sẽ khảo sát những hậu quả của tình trạng đó.

(Còn nữa)

Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press. 

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường