[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 2 - Cội nguồn của chủ nghĩa tự do cá nhân (Phần 3)

[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 2 - Cội nguồn của chủ nghĩa tự do cá nhân (Phần 3)

Cách mạng Anh

Phong trào phản đối chế độ chuyên chế ở Anh đã tạo ra sự kích thích trí tuệ cực kỳ to lớn, và chính ở nước Anh thế kỷ XVII, ta có thể thấy những mầm mống đầu tiên của tư tưởng tự do thực sự. Một lần nữa, các tư tưởng tự do lại phát triển trong cuộc chiến đấu nhằm bảo vệ lòng khoan dung tôn giáo. Năm 1644, John Milton cho xuất bản tác phẩm Areopagitica1, luận cứ đầy sức mạnh nhằm ủng hộ tự do tôn giáo và chống lại việc cấp phép cho báo chí. Về quan hệ giữa tự do và đức hạnh – cho đến nay đề tài này vẫn còn làm các chính khách Mỹ bận tâm - Milton viết như sau: “Tự do là trường học tốt nhất của đức hạnh”. Đức, ông nói, chỉ là đức khi người ta được tự do lựa chọn. Về tự do ngôn luận, ông viết: “Ai đã từng thấy Sự thật bị thua trong một cuộc đọ sức công khai và tự do chưa?”

Trong giai đoạn chuyển tiếp, tức là giai đoạn sau khi Charles I bị chặt đầu, ngai vàng bỏ trống và nước Anh nắm dưới quyền cai trị của Oliver Cromwell, đã diễn ra những cuộc tranh luận dữ dội. Một nhóm người, có tên là Levellers (bình đẳng) bắt đầu tuyên dương một tập hợp trọn vẹn các tư tưởng mà sau này được gọi là chủ nghĩa tự do. Họ đưa việc bảo vệ tự do tôn giáo và những quyền cổ xưa của người Anh vào bối cảnh của quyền tự chủ và các quyền tự nhiên. Trong một tiểu luận nổi tiếng nhan đề “Mũi tên nhắm vào tất cả những tên bạo chúa” (An Arrow against All Tyrants), người cầm đầu phái Leveller, Richard Overton, khẳng định rằng mỗi người đều “sở hữu chính mình”, nghĩa là mỗi người đều làm chủ chính mình và do đó có quyền sống, quyền tự do và quyền sở hữu tài sản. “Không ai có quyền đối với các quyền và quyền tự do của tôi, tôi cũng không có quyền với những quyền đó của người khác”.

Mặc cho những cố gắng của những người Levellers và những người cấp tiến khác, triều đại Stuart, với một ông vua mới, Charles II đã trở lại ngai vàng vào vào năm 1660. Charles hứa tôn trọng quyền tự do lương tâm và quyền của các điền chủ, nhưng ông ta và người em của ông ta là James II lại tìm cách mở rộng quyền lực của nhà vua. Trong cuộc Cách mạng Vinh quang diễn ra vào năm 1688, Quốc hội đã dâng vương miện cho người đứng đầu chính quyền Hà Lan lúc đó là William và vợ ông này là bà Mary, cả hai người đều là cháu của Charles I). William và Mary đồng ý tôn trọng “những quyền chân chính, cổ xưa và không thể tranh cãi” của người Anh, được ghi trong Tuyên ngôn quyền (Bill of Rights) năm 1689.

Chúng ta có thể coi thời gian diễn ra cuộc Cách mạng Vinh Quang là ngày sinh của chủ nghĩa tự do. John Locke phải được coi là người theo chủ nghĩa tự do thực sự đầu tiên và là cha đẻ của triết lý chính trị hiện đại. Nếu bạn không biết các tư tưởng của Locke, thì bạn không thực sự hiểu được thế giới mà bạn đang sống. Tác phẩm vĩ đại của Locke Khảo luận thứ hai về chính quyền2 (The Second Treatise of Government) được xuất bản vào năm 1690, nhưng đã được viết trước đó vài năm, nhằm bác bỏ triết gia theo phái chuyên chế là Sir Robert Filmer và bảo vệ các quyền cá nhân và chính thể đại diện. Locke hỏi: Mục đích của chính phủ là gì? Tại sao chúng ta lại cần chính phủ? Và ông trả lời: Người dân có các quyền trước khi có chính phủ - vì vậy, chúng ta gọi những quyền này là quyền tự nhiên, vì chúng tồn tại trong tự nhiên. Người ta lập ra chính phủ là để bảo vệ các quyền của mình. Họ có thể làm mà không cần chính phủ, nhưng chính phủ là hệ thống bảo vệ các quyền một cách hữu hiệu. Nhưng nếu chính phủ vượt quá vai trò này thì người dân có quyền khởi nghĩa. Chính phủ đại diện là cách tốt nhất để đảm bảo rằng chính phủ sẽ trung thành với mục đích của mình. Theo truyền thống của triết học phương Tây, đã hình thành trong nhiều thế kỷ, ông viết: “Chính phủ không được tự do làm như nó muốn… Quy luật của tự nhiên là quy tắc vĩnh viễn cho tất cả mọi người, cả nhà làm luật lẫn những người khác”. Locke trình bày rất rõ về quyền sở hữu tài sản:

Mỗi người đều có một sở hữu riêng đối với cá nhân con người mình, và không một ai có bất cứ quyền gì đối với quyền này ngoài anh ta. Lao động của cơ thể anh ta, sản phẩm của đôi tay anh ta – hoàn toàn có thể nói – đích thị là của anh ta. Vậy thì bất cứ thứ gì anh ta lấy ra từ trạng thái mà tự nhiên đã cung cấp và đã để mặc ở đó, anh ta đã trộn lẫn lao động của mình và đã gắn kết vào nó bằng cái gì đó vốn là của riêng anh ta, và bằng cách này mà biến cho nó trở thành sở hữu của mình3.

Mọi người đều có quyền bất khả tương nhượng là quyền sống và quyền tự do, và họ giành được quyền sở hữu những thứ chưa có người nào sở hữu, khi họ “trộn lẫn lao động của mình” với những thứ đó, ví dụ như canh tác nông nghiệp. Vai trò của chính phủ là bảo vệ “cuộc sống, các quyền tự do và điền sản” của người dân.

Những tư tưởng này đã được chào đón một cách nồng nhiệt. Châu Âu lúc đó vẫn còn nằm trong gọng kìm của chế độ chuyên chế của các vua chúa, nhưng nhờ kinh nghiệm với dòng họ Stuarts mà người Anh đã nghi ngờ tất cả các hình thức chính phủ. Họ nhiệt liệt hoan nghênh sự bảo vệ đấy sức mạnh về mặt triết học các quyền tự nhiên, chế độ pháp quyền và quyền làm cách mạng. Dĩ nhiên là họ còn bắt đầu đưa những tư tưởng của Locke và phái Levellers lên tàu sang Thế Giới Mới nữa.

Thế kỷ XVIII – Thế kỷ của chủ nghĩa tự do

Chính phủ với quyền lực hạn chế đem lại thịnh vượng cho nước Anh. Tương tự việc Hà Lan đã mang đến nguồn cảm hứng cho những người theo phái tự do trước đó một thế kỷ, mô hình của nước Anh đã bắt đầu được những nhà tư tưởng theo phái tự do, trước hết là ở châu Âu, sau đó là trên toàn thế giới, viện dẫn. Chúng ta có thể coi thời kì Khai sáng bắt đầu vào năm 1720, đấy là khi Voltaire, một người cầm bút người Pháp, chạy trốn chế độ chuyên chế Pháp và đến được nước Anh. Ông đã chứng kiến lòng khoan dung tôn giáo và giai cấp trung lưu thịnh vượng. Ông ghi nhận rằng thương mại được coi trọng hơn là ở Pháp, nơi giới quý tộc nhìn những người buôn bán bằng nửa con mắt. Ông cũng nhận thấy rằng khi người dân được buôn bán một cách tự do thì lợi ích cá nhân có thể đẩy thành kiến xuống hàng thứ yếu, như ông đã viết về thị trường chứng khoán trong Những bức thư viết về nước Anh (Letters on England):

Vào thị trường chứng khoán London – một nơi khả kính hơn nhiều hoàng cung – bạn sẽ thấy đại diện của tất cả các dân tộc tập trung tại đây nhằm phục vụ loài người. Ở đây, người Do Thái, người Hồi giáo và người Thiên chúa giáo buôn bán với nhau như thể họ là người cùng một tôn giáo vậy và chỉ gọi những người phá sản là vô đạo mà thôi. Ở đây người theo Giáo hội Trưởng lão tin người theo Giáo phái Rửa tội lại, và người theo Anh giáo chấp nhận lời hứa của người theo phái Quaker. Sau khi rời những buổi họp mặt hòa bình và tự do này, một số người sẽ đi tới nhà thờ Hồi giáo, một số người khác thì đi uống rượu… một số người nữa thì tới nhà thờ Thiên chúa giáo để chờ đợi Chúa, ai đội mũ của người đó và tất cả mọi người đều hài lòng.

Thế kỷ XVIII là kỉ nguyên vĩ đại của tư tưởng tự do. Tư tưởng của Locke được nhiều người cầm bút, nổi bật là John Trenchard và Thomas Gordon, những người đã viết nhiều bài tiểu luận với bút danh “Cato”, nhằm vinh danh Cato Trẻ (Cato the Younger4, 95-46 tr. CN), người đã đứng lên chống lại những đòi hỏi của Julius Caesar nhằm bảo vệ nước cộng hòa La Mã. Đây là những bài tiểu luận chống lại chính phủ vì chính phủ tiếp tục vi phạm các quyền của người Anh – sau này được gọi là Những bức thư của Cato (Cato's Letters). (Những cái tên làm người ta nhớ tới nước Cộng hòa La Mã khá quen thuộc với những người cầm bút thế kỷ XVIII, tờ Federalist Papers, cũng được kí với bút danh “Publius”). Ở Pháp, những người theo phái Trọng nông (Physiocrats) đã xây dựng nên khoa học kinh tế hiện đại. Danh xưng này xuất phát từ tiếng Hy Lạp: physis (tự nhiên) và kratos (quy luật); họ khẳng định rằng quy luật của tự nhiên điều khiển xã hội và quá trình hình thành của cải cũng tương tự như các quy luật vật lý vậy. Cách tốt nhất để gia tăng nguồn cung hàng hóa là cho tự do thương mại, không để các công ty độc quyền, các hạn chế của phường hội và thuế khóa cao cản trở. Không có những rào cản mang tính ép buộc thì sẽ xuất hiện hài hòa và thịnh vượng. Đây chính là giai đoạn xuất hiện khẩu hiệu nổi tiếng “laissez faire”5 của trường phái tự do. Theo truyền thuyết, Louis XV đã hỏi một nhóm thương nhân: “Trẫm có thể giúp gì các khanh?” và họ đã trả lời: “Laissez-nous faire, laissez-nous passer, Le monde va de lui-meme” (“Xin cho chúng tôi làm, xin để chúng tôi yên. Thế giới sẽ tự vận động”).

Những người theo phái Trọng nông hàng đầu là Frangois Quesnay và Pierre Du Pont de Nemours, ông này đã chạy trốn cách mạng Pháp và đến Mỹ, con ông đã xây dựng được một doanh nghiệp nhỏ ở Delaware. Một đồng minh của những người theo phái Trọng nông là A. R. J. Turgot được Louis XVI – “bạo chúa đã được khai sáng” – cử làm Bộ trưởng Tài chính. Ông vua này muốn giảm bớt gánh nặng của chính phủ đang đè lên đầu lên cổ nhân dân Pháp – và có thể là muốn tạo ra thêm nhiều của cải để đánh thuế, vì, như những người theo phái Trọng nông Pháp đã chỉ ra: “Nông dân nghèo thì vương quốc nghèo, vương quốc nghèo thì nhà vua nghèo”. Turgot ban hành Sáu Chỉ Dụ nhằm xóa sổ các phường hội (đã trở thành những hiệp hội độc quyền chai lì), hủy bỏ thuế trong nước và lao động cưỡng bức (corvee), tuyên bố lòng khoan dung đối với người theo đạo Tin lành. Ông đã gặp phải sự chống cự quyết liệt của những nhóm lợi ích cha truyền con nối và bị bãi chức vào năm 1776. Cùng với ông, như Ralph Raico nói, “hy vọng cuối cùng vào chế độ quân chủ Pháp đã ra đi”, mười ba năm sau chế độ này đã bị Cách mạng lật đổ.

Lịch sử biết nhiều hơn tới phong trào Khai sáng Pháp, nhưng phong trào Khai sáng ở Scotland cũng có vai trò quan trọng. Người Scot đã đấu tranh chống lại sự cai trị của Anh trong một thời gian dài, họ bị khốn khổ vì chủ nghĩa trọng thương Anh và trong thế kỷ trước đó, tỷ lệ người biết chữ ở Scotland đã cao hơn ở Anh, trường học cũng tốt hơn so với Anh. Họ cũng là những người sẵn sàng chấp nhận và phát triển những tư tưởng của chủ nghĩa tự do (và đã giữ thế thượng phong trong đời sống tri thức ở Anh trong một trăm năm sau đó). Trong số các học giả giai đoạn Khai sáng của Scotland có Adam Ferguson, tác giả tiểu luận Luận về lịch sử của xã hội dân sự (Essay on the History of Civil Society); ông cũng là người đưa ra thành ngữ “Kết quả từ hành động của con người chứ không phải sự thiết kế của con người” có tác dụng khuyến khích những lý thuyết gia của trật tự tự phát trong tương lai; Francis Hutcheson, người đã đi trước những người theo phái Công lợi với khái niệm “nhiều hạnh phúc nhất cho nhiều người nhất”; và Dugald Stewart, cuốn Triết học về trí tuệ của con người (Philosophy of the Human Mind) được nhiều học giả trong các trường đại học đầu tiên ở Mỹ nghiên cứu. Nhưng nổi tiếng nhất là David Hume và bạn ông, Adam Smith.

Hume là nhà triết học, nhà kinh tế học và nhà sử học, trong giai đoạn khi mà giới quý tộc trong các trường đại học chưa chấp nhận chia kiến thức thành những môn học khác nhau. Đối với những người nghiên cứu hiện nay, Hume nổi tiếng chủ yếu bởi triết lý hoài nghi, nhưng ông còn giúp phát triển kiến thức hiện đại của chúng ta về năng suất lao động và đức hạnh của thị trường. Ông bảo vệ quyền sở hữu, hợp đồng, hoạt động ngân hàng theo lối thị trường tự do và trật tự tự phát của xã hội tự do. Ông chiến đấu chống lại học thuyết cân bằng thương mại của những người theo phái trọng thương, ông nhấn mạnh rằng mọi người đều được lợi khi những người khác giàu lên, thậm chí là được lợi từ những người giàu ở những nước khác.

Cùng với John Locke, Adam Smith là người cha thứ hai của chủ nghĩa tự do hay của cái mà ngày nay chúng ta gọi là chủ nghĩa tự do cá nhân. Và, vì hiện nay chúng ta đang sống trong thế giới tự do cho nên có thể coi Locke và Smith là các kiến trúc sư của thế giới hiện đại. Trong tác phẩm Lý thuyết về cảm nhận đạo đức (The Theory of Moral Sentiments), Smith phân biệt hai kiểu hành vi: tư lợi và nhân từ. Nhiều người phê bình có thể nói rằng Adam Smith hay các nhà kinh tế học nói chung hoặc những người theo trường phái tự do cá nhân đều tin rằng người ta hành động là do tư lợi. Trong tác phẩm đầu tiên của mình, Smith nói rõ rằng không phải như thế. Đương nhiên là đôi khi người ta cũng hành động vì nhân từ và xã hội phải khuyến khích những tình cảm như thế. Nhưng ông cũng nói rằng, nếu cần, xã hội có thể tồn tại mà không cần nhân từ - đấy là nói bên ngoài gia đình. Người ta vẫn có ăn, nền kinh tế vẫn hoạt động và kiến thức vẫn gia tăng; nhưng xã hội không thể tồn tại mà không có công lý, mà công lý có nghĩa là bảo vệ quyền sống, quyền tự do và sở hữu. Vì vậy, công lý phải là mối bận tâm đầu tiên của nhà nước.

Trong tác phẩm Của cải của các quốc gia (The Wealth of Nations), nổi tiếng hơn, Smith đã đặt nền móng cho môn kinh tế học hiện đại. Ông nói rằng ông đang mô tả “hệ thống đơn giản của quyền tự do tự nhiên”. Trong ngôn ngữ hiện đại, chúng ta có thể nói rằng chủ nghĩa tư bản sẽ hình thành nếu được tự do hành động. Smith chỉ ra rằng, khi người dân sản xuất và buôn bán vì tư lợi là họ đang được “bàn tay vô hình” điều khiển để làm lợi cho nhau. Để có việc làm hay để bán được một món hàng lấy tiền, mỗi người đều phải nghĩ xem những người khác cần cái gì. Nhân từ là quan trọng, nhưng “Chúng ta hy vọng có bữa ăn trưa không phải vì người bán thịt, người nấu bia hay người làm bánh mì có lòng nhân từ mà vì họ tôn trọng quyền lợi của chính mình”6. Như vậy là, thị trường tự do tạo điều kiện cho nhiều người hơn thỏa mãn được nhiều ước muốn của mình hơn và cuối cùng là được hưởng điều kiện sống cao hơn bất cứ hệ thống xã hội nào khác.

Đóng góp quan trọng nhất của Smith vào lý thuyết của chủ nghĩa tự do cá nhân là ý tưởng về trật tự tự phát. Chúng ta thường nghe nói về xung đột giữa tự do và trật tự, và quan điểm đó dường như là có lý. Nhưng Smith nhấn mạnh rằng, trong công việc của con người, trật tự xuất hiện một cách tự phát – điểm này ông nói rõ hơn những người theo phái Trọng nông và các nhà tư tưởng tiền bối. Cứ để cho người dân tự do tương tác với nhau, chỉ cần bảo vệ quyền tự do và quyền sở hữu của họ là trật tự sẽ xuất hiện mà không cần sự lãnh đạo từ trung ương. Kinh tế thị trường là một hình thức của trật tự tự phát; hàng trăm hay hàng ngàn, còn hiện nay là hàng tỷ người tham gia vào thương trường hay thế giới kinh doanh mỗi ngày đều tự hỏi làm sao sản xuất được nhiều hàng hóa hơn hay tìm được việc làm tốt hơn hay kiếm được nhiều tiền hơn cho mình và cho gia đình mình. Chẳng có bất kỳ cơ quan trung ương nào lãnh đạo, cũng không phải là bản năng sinh vật dẫn dắt loài ong làm ra mật, nhưng, thông qua sản xuất và buôn bán, họ làm ra tài sản cho mình và cho những người khác.

Thị trường không phải là hình thức duy nhất của trật tự tự phát. Xin xem xét ngôn ngữ. Không có người nào ngồi nghĩ ra tiếng Anh, rồi sau đó dạy lại cho những người Anh đầu tiên. Nó xuất hiện và thay đổi một cách tự nhiên, nhằm đáp ứng các nhu cầu của con người. Xin xét thêm pháp luật. Hiện nay chúng ta nghĩ rằng pháp luật là do Quốc hội thông qua, nhưng thông luật đã xuất hiện trước khi một ông vua nào đó hay một cơ quan lập pháp nào đó tìm cách ghi lại nó. Khi có hai người tranh cãi với nhau, họ mời người thứ ba đóng vai quan tòa. Đôi khi, bồi thẩm đoàn họp lại để xử án. Quan tòa và bồi thẩm đoàn không phải là những người “làm ra” luật; họ chỉ “tìm” điều luật, chỉ hỏi xem người ta thường giải quyết như thế nào hay những trường hợp tương tự trước đây đã giải quyết như thế nào. Trật tự pháp lý đã hình thành qua những vụ xử án như thế. Tiền là sản phẩm khác của trật tự tự phát, nó xuất hiện một cách tự nhiên khi người ta cần một phương tiện nhằm làm cho việc buôn bán được thuận tiện hơn. Hayek viết, “nếu [pháp luật] đã được thiết kế một cách có chủ ý thì nó sẽ xứng đáng nằm trong số những phát minh lớn nhất của con người. Nhưng dĩ nhiên là nó không phải là phát minh của trí tuệ của một người nào, cũng như ngôn ngữ hay tiền bạc hay hầu hết những cách làm và thói quen vốn là nền tảng của đời sống xã hội. Luật pháp, ngôn ngữ, tiền bạc, thị trường – những thiết chế quan trọng nhất trong xã hội loài người – đều xuất hiện một cách tự phát”.

Sau khi Smith tiến hành chau chuốt một cách có hệ thống những nguyên tắc của trật tự tự phát thì những nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa tự do về cơ bản là đã hoàn chỉnh. Đấy là ý tưởng về pháp luật cao hơn hay luật tự nhiên, nhân phẩm của cá nhân, quyền tự nhiên đối với tự do và tài sản, và lý thuyết xã hội về trật tự tự phát. Nhiều tư tưởng cụ thể có xuất xứ từ các nguyên tắc cơ bản này: tự do cá nhân, chính phủ đại diện với quyền lực hạn chế, thị trường tự do. Phải mất nhiều thời gian thì người ta mới xác định được những nguyên tắc này và hiện vẫn cần phải chiến đấu để bảo vệ chúng.

(Còn nữa)

Chú thích

(1) Nhan đề đặt theo tên bài nói Areopagitikos (Tiếng Hi Lạp: Ἀρεοπαγιτικός), của diễn giả người Athens tên là Isocrates (thế kỉ V trước CN).

(2) Khảo luận thứ hai về chính quyền - Chính quyền dân sự, dịch giả: Lê Tuấn Huy, NXB Tri thức, 2007.

(3) Sách đã dẫn, trang 63.

(4) Marcus Porcius Cato Uticensis, thường được gọi là Cato Trẻ để phân biệt ông với ông cố của ông là Cato Già, là một chính trị gia trong những năm cuối của nền Cộng hòa La Mã, và là một người theo chủ nghĩa Khắc Kỷ

(5) Theo một số nguồn thì từ laissez faire được Frangois Quesnay dịch từ từ “vô vi” trong học thuyết của Lão Tử.

(6) Eamonn Butler, Khảo lược Adam Smith, Phạm Nguyên Trường dịch, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, 2010, trang 126.

Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press. 

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường