Người Nhật đã hiện thực hóa giấc mơ bất khả thi của mình như thế nào? (Phần 2/2)
Nguyên nhân thực làm cho kinh tế Nhật Bản phát triển
Lời giải thích thực sự về sự phát triển kinh tế thành công thời hậu chiến của Nhật Bản không nằm ở “chính sách công nghiệp” của MITI, mà dựa trên những đức tính tốt đẹp từ lâu đời - tiết kiệm, làm việc chăm chỉ, giảm chi tiêu chính phủ và tinh thần khởi tạo kinh doanh đầy sáng tạo - kết hợp với các kỹ thuật tiếp thị khéo léo và thương mại tương đối tự do trên thế giới.
1. Tiết kiệm. Người Nhật có truyền thống tiết kiệm; và khi họ phải vật lộn để vươn lên khỏi "Ground Zero" sau Thế chiến thứ hai, mỗi năm hầu hết người Nhật đều tiêu thụ ít hơn một chút so với số lượng hàng hóa mà họ sản xuất được. Trên cơ sở các số liệu giai đoạn 1971-1991, tỷ lệ tổng tiết kiệm trung bình ở Nhật Bản cao gấp đôi ở Hoa Kỳ; tỷ lệ tiết kiệm trên mỗi hộ gia đình ở Nhật Bản gấp 2,7 lần ở Hoa Kỳ.1 Vì sản xuất phụ thuộc vào tiết kiệm và đầu tư, điều này đã thúc đẩy đáng kể nền kinh tế Nhật Bản.
2. Siêng năng. Người lao động Nhật Bản nói chung rất chăm chỉ, thậm chí nghiện việc. Điều này cũng góp phần vào sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế Nhật Bản. Năm 1992, công nhân làm việc trung bình 1.972 giờ mỗi năm; kể từ đó số giờ làm việc giảm dần và vào năm 1996, họ dự kiến sẽ làm chưa tới 1.800 giờ. Các văn phòng chính phủ, ngân hàng và bưu điện hiện đều làm đủ năm ngày một tuần. Ngoài ra, ở Nhật Bản người ta ít đình công và công nhân Nhật Bản đình công ít ngày hơn ở Hoa Kỳ.2
3. Chi tiêu của chính phủ cho quốc phòng. Theo Sách trắng Quốc phòng, tỷ lệ chi tiêu quốc phòng trung bình ở Nhật Bản trên GNP trong giai đoạn 1981-1991 là 0,98%, trong khi ở Hoa Kỳ, Anh và Tây Đức, tỷ lệ trên GDP là 6,2%, 4,8%, và 3,0% tương ứng. Do đó, thuế ở Nhật Bản thấp hơn và có nhiều tiền để đầu tư hơn so với các nước tiên tiến khác.
4. Sự độc lập và Tinh thần khởi tạo kinh doanh. Osaka là thành phố nổi tiếng vì tinh thần khởi tạo kinh doanh của người dân thành phố này. Osaka là quê hương của ít nhất hai công ty chống lại MITI - Kawasaki Steel và Sumitomo Metals. Yujiro Iwai, một người Osaka và là cựu chủ tịch của Iwai and Co., nói rằng “triết lý cơ bản của người dân ở Osaka liên quan đến nền kinh tế dường như là tự do và độc lập, họ cố gắng không phụ thuộc vào người khác, thậm chí không phụ thuộc vào chính phủ”. Iwai nhận thấy tinh thần này được thể hiện trong một bài haiku của Raizan Konishi (1654-1716) - "Obugyo no na sae shirazu toshi kurenu" ("Năm hết Tết đến, cũng chẳng cần biết tên, của quan.")
Thế giới của người Osaka, như Iwai mô tả, rất “đối lập với thế giới được miêu tả trong tác phẩm 1984 của George Orwell, nơi mà khuôn mặt và giọng nói của nhà lãnh đạo xuyên suốt cuộc sống của người dân từ sáng đến tối thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. . . . Liệu có thể hình dung được thế giới tự do, nơi chúng ta có thể sống mà không cần biết đến tên của thẩm phán? Người Osaka tin là có.”3
5. Quản lý và tiếp thị sáng tạo. Hàng xuất khẩu của Nhật Bản trong những ngày trước chiến tranh được coi là “rẻ nhưng chất lượng kém”. W.E. Deming, giáo sư Hoa Kỳ, có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hàng hóa Nhật Bản. Giải thưởng được thành lập để vinh danh ông được trao cho các cá nhân và công ty có đóng góp quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng. Ngày nay, nhờ những bài học kinh nghiệm từ Giáo sư Deming và từ việc coi mong muốn của người tiêu dùng là quan trọng nhất, các thiết bị gia dụng và ô tô của Nhật Bản được đánh giá là tốt nhất trên thế giới.
Tại Nhật Bản, trong lĩnh vực tiếp thị, khách hàng là thượng đế. Để bán sản phẩm và dịch vụ của mình và thu được lợi nhuận, người sản xuất nhận thấy rằng họ phải làm hài lòng khách hàng của mình. Thành công của các nhà xuất khẩu Nhật Bản phụ thuộc phần lớn vào nỗ lực của họ trong việc học ngôn ngữ, phong tục, thị hiếu và nhu cầu của những người mua tiềm năng ở các nước khác. Matsushita, một nhà sản xuất thiết bị, hiện cử một số nhân viên đến Frankfurt (Đức) với tư cách là kỹ sư thường trú phụ trách phát triển sản phẩm. Gia đình của họ cùng đi. Công ty tin rằng các kỹ sư của họ phải trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của châu Âu để phát triển những chiếc máy giặt mới sẽ làm hài lòng người mua ở châu Âu.4
Các nhà sản xuất Mỹ muốn bán hàng tại Nhật Bản nên thử cách tiếp cận tương tự; lúc đó họ sẽ nhận ra rằng chiều rộng của cầu thang trong một ngôi nhà điển hình của Nhật Bản là khá nhỏ, làm cho việc chuyển các thiết bị rộng hơn 25 inch trở nên khó khăn hoặc không thể - chẳng hạn như máy giặt hoặc tủ lạnh - lên tới các bậc thang rộng 30-3/4 inch tới tầng hai mà không làm xước tường. Chỉ mới gần đây, các nhà sản xuất ô tô của Mỹ mới bắt đầu sản xuất để xuất khẩu sang Nhật Bản những chiếc ô tô giá rẻ, với chất lượng tương đương với những loại ô tô mà Nhật Bản sản xuất để xuất khẩu. Ngoài ra, cho đến mùa hè vừa qua (1994), Ford đã thay đổi vô lăng trên ô tô của họ để phù hợp với những người Nhật lái xe bên trái đường. Nếu hàng hóa Mỹ được sửa đổi phù hợp để làm hài lòng người tiêu dùng Nhật Bản, doanh số bán hàng của Mỹ sang Nhật Bản chắc chắn sẽ tăng lên.
6. Thương mại tự do. Sự phát triển nhanh chóng của Nhật Bản có được nhờ thương mại tương đối tự do trên toàn thế giới. Khi tôi còn nhỏ, thương mại thế giới không được tự do; có những mâu thuẫn giữa các quốc gia “giàu” và “nghèo”. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn, tôi e rằng Nhật Bản, nếu không có thương mại thế giới tự do cho phép các doanh nghiệp Nhật Bản nhập khẩu nguyên liệu thô, chế biến và xuất khẩu sản phẩm của mình, thì không bao giờ có thể mong đợi phát triển kinh tế. Tôi đã được khích lệ rất nhiều khi học được từ cuốn sách Human Action của Mises, rằng phát triển kinh tế phụ thuộc, không phải vào tài nguyên thiên nhiên phong phú, mà phụ thuộc vào tích lũy vốn trên đầu người và thương mại tự do.
Truyền thống Nhật Bản
Trong khuôn viên của trường trung học cơ sở Tanaka, thành phố Kashiwa, tỉnh Chiba, có một bức tượng của nhà triết học Nhật Bản đáng kính Kinjiro Ninomiya (1787-1856). Ông đang đọc sách trong khi mang một bó củi trên lưng.5 Khao khát học hỏi của Ninomiya mãnh liệt đến mức ông thường đọc trong khi đi làm. Thông điệp về sự siêng năng, tiết kiệm vì tương lai và tự nguyện làm điều tốt của ông đã in sâu vào tâm trí tất cả học sinh Nhật Bản từ thời ông cho đến khi chiến tranh kết thúc. Hiện nay những người Nhật ngoài 60 tuổi vẫn dùng lời của Ninomiya: “Tiết kiệm, không lãng phí; nếu không ông trời sẽ trừng phạt con đấy" để khuyên nhủ con em mình. Do đó, bằng cách khuyến khích các thế hệ người Nhật tiết kiệm, Ninomiya đã đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai. Bằng cách đó, ông đã giúp người dân Nhật Bản hiện thực hóa “giấc mơ không tưởng” của mình.
Chú thích:
(1) So sánh về tỷ lệ tiết kiệm giữa các quốc gia
|
Tỷ lệ tiết kiệm Gộp |
Tỷ lệ tiết kiệm Hộ gia đình |
Nhật Bản |
33.3% |
18.0% |
Hoa Kỳ |
15.2 |
6.6 |
Vương quốc Anh |
17.7 |
6.8 |
Tây Đức |
23.2 |
12.3 |
Pháp |
21.9 |
13.0 |
Nguồn: Tính bình quân từ dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản “So sánh Quốc tế về Tỷ lệ Tiết kiệm.”
Tỷ lệ tiết kiệm gộp = tổng tiết kiệm (tiết kiệm + hao mòn vốn cố định) / GNP;
Tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình = tiết kiệm hộ gia đình / thu nhập khả dụng của hộ gia đình.
(2) Theo Niên giám Thống kê Lao động của ILO năm 1991, số lượng người đình công và số ngày công lao động bị mất ở Nhật Bản và ở Mỹ trong các năm 1985 và 1989, như sau:
|
Số lượng người đình công |
Số ngày lao động bị mất |
||
1985 |
1989 |
1985 |
1989 |
|
Nhật Bản |
123,400 |
85,800 |
264,100 |
219,100 |
Hoa Kỳ |
323,900 |
452,100 |
7,079,100 |
16,530,000 |
(3) Yujiro Iwai, Osaka Shonin no Tetsugaku (A Philosophy of Osaka Merchant), Tokyo Nunoi Shuppan, 1981, pp. 76-77.
(4) The Nikkei Shinbun, March 30, 1994.
(5) Đáng ngạc nhiên là bức tượng của Ninomiya được làm bằng xi măng, không phải là bức bằng đồng nguyên bản đã bị nung chảy vì đạn trong Thế chiến thứ hai. Thật không may, nhiều trường học mới không có tượng của Ninomiya, và ông cũng như thông điệp của ông đang dần bị lãng quên.
*Toshio Murata: Toshio Murata giảng dạy kinh tế trong nhiều năm tại trường Cao đẳng Thương mại Yokohama, Nhật Bản. Ông là học trò duy nhất của Ludwig von Mises đến từ Nhật Bản. Ông đã viết bản dịch đầu tiên sang tiếng Nhật cho cuốn sách Hành động của con người (Human Action) của Mises. Ông sinh năm 1923.
Nguồn: Toshio Murata, How Japan Realized Her Impossible Dream, Fee.