[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 2 - Cội nguồn của chủ nghĩa tự do cá nhân (Phần 1)
Theo một nghĩa nào đó, bao giờ cũng có hai triết lý chính trị: tự do và quyền lực. Người ta hoặc là phải được tự do sống theo cách mà người ta cho là phù hợp, đấy là nói khi họ còn tôn trọng quyền tự do của những người khác; hoặc là một số người có thể dùng sức mạnh bắt những người khác hành động mà nếu không bị ép buộc thì họ sẽ không hành động như thế. Không có gì ngạc nhiên là triết lý quyền lực bao giờ cũng có sức hấp dẫn hơn đối với những kẻ đang có quyền lực. Triết lý này đã xuất hiện dưới nhiều tên gọi – độc tài quân sự (Caesarism), chuyên chế phương đông, thần quyền, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa phát xít, chế độ quân chủ, chủ nghĩa xã hội nông nghiệp, nhà nước phúc lợi – và luận cứ ủng hộ cho những hệ thống này khác nhau đến nỗi đủ sức che dấu được sự giống nhau về bản chất của những hệ thống đó. Triết lý tự do cũng có nhiều tên, nhưng những người bảo vệ nó bao giờ cũng có chung một sợi chỉ đỏ xuyên suốt: tôn trọng từng cá nhân con người, tin tưởng vào khả năng của những người bình thường trong việc đưa ra quyết định liên quan đến cuộc sống của chính họ và phản đối những người sẵn sàng sử dụng bạo lực nhằm giành lấy những cái mà họ muốn.
Người theo phái tự do cá nhân đầu tiên có lẽ là Lão Tử, một triết gia Trung Quốc, sống trong thế kỷ thứ VI trước Công nguyên và được coi là tác giả của cuốn Đạo Đức Kinh. Lão Tử dạy: “Dân mạc chi linh nhi tự quân - Dân không bắt buộc, mà tự phục tùng” (Without law or compulsion, men would dwell in harmony)1. Đạo là lời tuyên bố kinh điển về sự thanh thản của tâm hồn trong triết lý phương Đông. Đạo bao gồm dương và âm, nghĩa là bao gồm sự thống nhất của các mặt đối lập2. Đấy là tiền thân của lý thuyết về trật tự tự phát, vì cho rằng hài hòa là kết quả của cạnh tranh. Và khuyên nhà cầm quyền không nên can thiệp vào đời sống của người dân.
Nhưng thực ra, chủ nghĩa tự do cá nhân đã xuất hiện ở phương Tây. Nhưng điều đó có làm cho nó trở thành tư tưởng hạn hẹp của phương Tây hay không? Tôi không nghĩ thế. Những nguyên tắc của tự do và quyền cá nhân là những nguyên tắc phổ quát, cũng như các nguyên tắc của khoa học là phổ quát, mặc dù phần lớn các phát minh khoa học được thực hiện ở phương Tây.
Giai đoạn manh nha của chủ nghĩa tự do cá nhân
Hai truyền thống của tư tưởng phương Tây – Hy Lạp và Do Thái-Thiên chúa giáo – đều có đóng góp cho sự phát triển của tự do. Theo Kinh Cựu Ước, người Israel sống mà không cần vua chúa hay bất kỳ quyền lực cưỡng bức nào; họ tự cai trị mình, không phải bằng vũ lực mà bằng lòng trung thành với giao ước của họ với Chúa Trời. Sau đó, như Cuốn Samuel I có chép rằng khi người Do Thái đến gặp Samuel và nói: “Bây giờ, xin hãy lập trên chúng tôi một vua đặng xét đoán chúng tôi, y như các dân tộc khác đã có rồi”3. Nhưng khi Samuel cầu xin Đức Chúa Trời thì Ngài nói:
Nầy là cách của các vua sẽ cai trị các ngươi. Người sẽ bắt con trai của các ngươi đặng đánh xe mình hoặc đặt vào quân kị, để chạy trước xe của người… Người sẽ bắt con gái các ngươi làm thợ chế dầu thơm, làm đầu bếp và thợ bánh mì. Người sẽ thâu vật tốt nhất của ruộng, vườn nho và cây ô-li-ve của các người, đặng phát cho tôi tớ của người. Người sẽ đánh thuế một phần mười ngũ cốc và vườn nho của các ngươi… và các ngươi sẽ làm tôi mọi người. Bấy giờ các ngươi sẽ kêu la vì cớ vua mà các ngươi đã chọn, nhưng Đức Giê-hô-va không nghe các ngươi đâu.4
Mặc dù dân Israel không nghe theo lời cảnh báo khủng khiếp này và họ đã lập nên chế độ quân chủ, câu chuyện này là lời nhắc nhở thường xuyên rằng vua chúa không phải là Thiên Tử. Lời cảnh báo của Đức Chúa Trời không chỉ có ý nghĩa với người Israel, cổ đại mà còn có giá trị đối với ngày nay. Trong tác phẩm Lẽ thường (Common Sense), Thomas Paine đã trích dẫn để nhắc nhở người Mỹ rằng trong suốt 3.000 năm qua, tức là từ thời Samuel, “một vài ông vua anh minh không thể che dấu được tội lỗi nằm ngay ở cội nguồn” của chế độ quân chủ. Nhà sử học lỗi lạc của tự do, Lord Acton, đôi khi nhắc tới Samuel, coi đây là “lời tuyên bố quan trọng” và cho rằng các độc giả người Anh hồi thế kỷ XIX biết là ông đang nói đến chuyện gì.
Mặc dù đã lập nên nhà vua, nhưng có lẽ người Do Thái là những người đầu tiên phát triển ý tưởng cho rằng vua phải quy thuận quy luật cao hơn. Trong những nền văn minh của chúng ta, vua là luật, vì ông ta được coi là Thiên tử. Nhưng người Do Thái nói với các vị Pharaoh Ai-cập và các vị vua của mình rằng vua cũng chỉ là người, mà người thì phải bị phán xét theo luật của Chúa Trời.
Pháp quyền tự nhiên
Ở Hy Lạp cổ đại, khái niệm về bộ luật cao hơn cũng đã được người ta triển khai. Kịch tác gia Sophocles, trong thế kỷ V trước Công nguyên, đã viết câu chuyện về Antigone, anh của bà này là Polyneices tấn công thành phố Thebes và bị giết giữa trận tiền. Do hành động bội tín của ông ta mà bạo chúa Creon hạ lệnh bỏ xác ông ta, để cho thối rữa bên ngoài cổng thành, không được chôn cất, không được làm tang lễ. Antigone thách thức Creon và đem anh trai mình đi chôn. Khi được giải tới trước mặt, bà tuyên bố rằng pháp luật do con người làm ra, dù người đó có là vua chăng nữa, cũng không thể vi phạm “luật bất thành văn nhưng mãi mãi trường tồn của Chúa Trời”, không ai có thể biết luật này đã có từ bao giờ.
Khái niệm cho rằng luật có thể dùng để phán xử ngay cả những kẻ cai trị đã vượt qua được thử thách của thời gian và phát triển trong suốt lịch sử của nền văn minh châu Âu. Trong nền văn minh La Mã cổ đại, nó đã được các triết gia khắc kỉ triển khai - những triết gia này khẳng định rằng kẻ cai trị cũng là con người, họ cũng chỉ được làm những điều phù hợp với pháp quyền tự nhiên mà thôi. Tư tưởng của những triết gia khắc kỉ đã vượt qua được thách thức của thời gian một phần là do may mắn: Cicero, một người khắc kỉ, được người đời sau coi là nhà văn Latin vĩ đại nhất, vì vậy mà những bài tiểu luận của ông đã được những người có học ở phương Tây nghiên cứu suốt nhiều thế kỷ.
Chẳng bao lâu sau khi Cicero chết, khi được hỏi: Có cần đóng thuế không? Chúa Jesus đã trả lời như sau: “Hãy trả cho Caesar những gì thuộc về Caesar, trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”. Nói như thế, là Ngài đã chia thế giới thành hai lĩnh vực, và phán rõ rằng không phải tất cả những vấn đề của cuộc sống đều nằm dưới quyền kiểm soát của nhà nước. Tư tưởng cấp tiến này đã ăn sâu bén rễ vào Ki Tô Giáo phương Tây, chứ không phải trong Nhà thờ phương Đông. Giáo hội phương Đông hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của nhà nước, trong một xã hội không còn khe hở nào cho những nguồn gốc quyền lực khác phát triển nữa.
(Còn nữa)
Chú thích:
(1) Là câu trong chương 32: "Dân mạc chi lịnh nhi tự quân" (dịch là: Dân không bắt buộc, mà tự phục tùng). Lão Tử: Đạo Đức Kinh, Thu Giang Nguyễn Duy Cần, NXB Văn Học, TP. Hồ Chí Minh, 1992, trang 283.
Câu này được trích từ bản dịch tiếng Anh của Arthur Waley (1934), The Tao Te Ching. Xem bản online tại: https://terebess.hu/english/tao/waley.html#Kap32
(2) Trong vạn vật không có vật nào mà không cõng âm và bồng dương. Nhân chỗ xung nhau mà hòa với nhau. Sách đã dân, trang 212.
(3) Kinh Thánh, The Holy Bible in Vietnamese, United Bible Societies, 8M-1992, trang 327.
(4) Tác phẩm đã dẫn, trang 327-328.
Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.