[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương X: Vài điều xem xét tình trạng hiện thời và tương lai nào cho ba chủng tộc đang sống trên lãnh thổ Hoa Kì (Phần 2)
TÌNH TRẠNG HIỆN THỜI VÀ TƯƠNG LAI CÓ THỂ CÓ CỦA NHỮNG BỘ TỘC ANH ĐIÊNG BẢN ĐỊA SINH SỐNG TRÊN LÃNH THỔ CỦA LIÊN BANG
Các giống người bản địa biến mất dần dần. − Việc đó diễn ra như thế nào. − Những nỗi khốn cùng đi kèm theo các cuộc cưỡng bức di dân người Anh điêng. − Những người mông muội của Bắc Mĩ chỉ có hai phương tiện thoát khỏi bị huỷ diệt: chiến tranh hoặc nền văn minh. Họ không thể nào tiến hành chiến tranh nữa. − Tại sao họ không thích được tự mình văn minh hoá khi họ có thể làm được điều đó, và khi muốn thì lại không thể thực hiện được nữa. − Tấm gương người Creeks và người Cherokee. − Chính sách của các bang riêng rẽ đối với người Anh điêng. − Chính sách của chính quyền liên bang.
Tất cả các bộ tộc người Anh điêng bản địa trước đây sinh sống trên lãnh thổ New England, những tộc người Narragansett, Mohikan, Pecot, chỉ còn sống trong kí ức con người; tộc người Lenape cách nay năm mươi năm đã đón tiếp ông Penn trên bờ sông Delaware, thì nay đã biến mất. Tôi đã gặp những người Iroquoi cuối cùng: họ đi hành khất. Tất cả các dân tộc tôi vừa kể tên xưa kia nằm trải tới tận bờ biển; bây giờ ta phải đi hơn một trăm dặm trong đất liền để gặp một người Anh điêng bản địa. Những người dân mông muội đó không chỉ rút lui, họ bị tiêu diệt. Người bản địa càng lùi xa và chết đi, một khối dân cư đồ sộ không ngừng tới thế chỗ họ ở trước đó. Chưa từng bao giờ thấy ở các quốc gia một sự phát triển thần kì đến thế và một sự huỷ diệt nhanh chóng đến thế.
Còn về cách thức tiến hành cuộc huỷ diệt đó, thì thật dễ chỉ ra.
Khi chỉ riêng người Anh điêng bản địa còn sinh sống trong hoang mạc mà ngày nay người ta xua đuổi họ vào đó sống lưu vong, nhu cầu của họ chẳng có bao nhiêu. Họ tự tay làm ra vũ khí. Nước sông là đồ uống cho họ, và quần áo họ mặc là da của những con thú sau khi họ đã ăn hết thịt là lương thực cho họ.
Người châu Âu đã đem tới cho dân bản địa Bắc Mĩ súng đạn, sắt và rượu cồn. Người châu Âu dạy cho họ dùng vải dệt của chúng ta thay thế cho quần áo man dại của họ mà cho tới đó tính giản dị vẫn làm họ hài lòng. Khi đã đa mang thị hiếu mới, người Anh điêng không còn học nữa cách tự thoả mãn nhu cầu, họ đành cầu viện đến nền công nghiệp của người da trắng. Có mọi thứ của cải bản thân họ không biết tạo ra, con người hoang dại chẳng biết trả lại bằng gì ngoài những bộ lông thú quý mà rừng sâu vẫn còn cất giấu. Từ đó, săn bắt không còn chỉ phục vụ nhu cầu riêng, mà còn thoả mãn những đam mê hoa hoè hoa sói của châu Âu. Họ không còn đuổi theo các con thú trong rừng chỉ để có lương thực, mà để có những đồ vật đổi chác duy nhất có thể có với chúng ta.
Trong khi các nhu cầu của người bản địa gia tăng như vậy, nguồn lực của họ lại không ngừng giảm sút.
Ngày mà một cơ sở của người Âu được xây dựng liền kề với lãnh thổ của người Anh điêng, các loại muông thú làm mồi săn bắt liền báo động cho nhau. Hàng ngàn người mông muội lang thang trong rừng, không nhà cửa, nhưng không làm cho lũ muông thú đó sợ hãi. Giờ đây khi những tiếng ồn liên tục của nền công nghiệp châu Âu vang lên khắp nơi, lũ muông thú đó bắt đầu trốn chạy và rút lui về miền Tây, nơi đó bản năng mách bảo chúng là vẫn còn gặp được những hoang mạc mênh mông.
“Những đàn bò rừng tiếp tục rút lui mãi, báo cáo của các ông Clark và Cass nói trước Hạ viện ngày 4 tháng Hai năm 1829; cách đây vài năm chúng còn đến gần chân núi Alléghanys; trong vài năm nữa có lẽ sẽ khó mà nhìn thấy chúng trên những đồng bằng mênh mông dọc theo dãy núi Rocky Mountains.” Người ta bảo đảm với tôi là các muông thú đó cảm nhận được tác động của việc người da trắng đến gần chúng từ cách xa biên thuỳ lãnh thổ chúng tới hai trăm dặm. Lũ muông thú đó tạo ảnh hưởng đến các bộ tộc mà chúng nào đã biết tên, song cùng đau những nỗi đau bị xâm chiếm bởi những kẻ mà lâu về sau chúng mới biết đó là những ai”.
Chẳng mấy chốc, những kẻ phiêu lưu liều lĩnh nhất liền dấn sâu vào các vùng của người Anh điêng bản địa. Từ biên thuỳ của người da trắng, họ tiến xa chừng mười lăm hai mươi dặm, và xây dựng nơi cư trú của người văn minh ngay giữa lòng chốn hoang dã. Họ làm điều này thật dễ: những cột mốc của dân tộc săn bắt nào có được dựng lên tử tế bao giờ. Vả lại lãnh thổ đó lại thuộc về toàn bộ quốc gia và chẳng là của riêng một ai hết; ở chỗ đó, lợi ích cá nhân chẳng thuộc phe phái nào hết.
Một vài gia đình người Âu đang chiếm những chỗ khá xa liền xua đuổi hẳn những thú vật hoang dã ra khỏi cái không gian nằm giữa nơi ở của họ và toàn bộ vùng xung quanh. Người Anh điêng vốn trước đó sống trong sung túc bổng thấy khó sống nổi, càng khó khăn hơn trong việc tìm những đồ vật đổi chác cần cho họ. Một khi làm cho muông thú con mồi săn bắt phải chạy trốn xa, thì cũng giống như làm cho cánh đồng của nông dân hết màu mỡ. Chẳng mấy chốc họ hoàn toàn thiếu các phương tiện sinh tồn. Ta bắt gặp những kẻ tội nghiệp đó lang thang vạ vật như những con sói đói giữa những cánh rừng hoang tàn của mình. Tình yêu bản năng đối với tổ quốc gắn bó họ với mảnh đất đã thấy họ chào đời, nay ở đó họ chỉ còn gặp cảnh khốn cùng và cái chết. Cuối cùng họ có một quyết định. Họ bỏ ra đi và trong cuộc chạy trốn họ đuổi theo sau con nai phương Bắc, con trâu và con hải li, họ để cho những thú vật hoang dã đó chọn cho họ một tổ quốc mới. Nói cho thật đúng, không phải người châu Âu đã xua đuổi người bản địa nước Mĩ, kẻ xua đuổi họ là cái đói: một sự phân biệt thật khéo mà xưa kia các nhà quỷ biện nghĩ mãi chưa ra và phải đợi đến khi các ông bác sĩ thời nay khám phá lại.
Chúng ta không sao hình dung nổi những điều xấu xa tồi tệ khủng khiếp đồng hành với những kẻ di cư bắt buộc đó. Vào lúc người Anh điêng rời khỏi những cánh đồng cha ông để lại thì họ đã kiệt quệ và bần cùng lắm rồi. Vùng đất họ sắp đến ở thì đã bị chiếm giữ bởi những nhóm cư dân lại chỉ nhìn những kẻ mới đến bằng con mắt tức tối. Sau lưng họ là nạn đói, trước mặt họ là chiến tranh, ba bề bốn bên là sự khốn cùng. Để tránh bấy nhiêu kẻ thù, họ phân tán nhỏ ra. Mỗi người trong bọn họ tìm cách tách ra để lén lút tìm cách làm cho mình sống được thì thôi, và sống trong hoang mạc mênh mông như một kẻ bị ruồng bỏ trong các xã hội văn minh. Mối dây liên hệ xã hội từ lâu đã bị yếu đi rồi khi đó liền đứt nốt. Không còn tổ quốc nữa, rồi sẽ chẳng còn dân tộc. Có chăng còn một chút gọi là gia đình. Danh từ chung bị mất đi, ngôn ngữ bị lãng quên, những dấu vết cội nguồn xưa bị xoá sạch. Quốc gia dân tộc ngừng tồn tại.
Khái niệm đó sống vật vờ trong kí ức của những nhà sưu tầm đồ cổ người Mĩ và chỉ được vài ba người uyên bác ở châu Âu biết đến.
Tôi chẳng muốn bạn đọc lại tin rằng tôi đem chất vào đây các tấm hình do tôi vẽ. Tôi đã chứng kiến tận mắt biết bao nỗi khốn cùng mà tôi vừa mới mô tả; tôi đã ngắm nhìn những khổ đau tồi tệ mà nghĩ rằng mình chẳng bao giờ có thể phác hoạ lại nổi.
Vào cuối năm 1831, tôi ở trên tả ngạn sông Mississippi, ở một địa điểm người châu Âu gọi tên là Memphis. Khi tôi ở chỗ đó, có một đoàn đông đảo tộc Choctaw (người Pháp ở bang Louisiana gọi họ là Chacta). Những con người man dại này rời bỏ xứ sở và tìm cách vượt sang hữu ngạn sông Mississippi nơi đó họ kháo nhau là có chỗ cho họ ở, chính quyền Mĩ đã hứa hẹn thế. Lúc đó là giữa mùa đông và năm đó trời lạnh bất thường. Tuyết đông cứng trên mặt đất, và dòng sông lềnh bềnh những khối băng to tướng. Người Anh điêng đi kèm theo cả gia đình họ. Theo sau họ là những người bị thương tích, người ốm, trẻ em mới sinh và những người già sắp chết. Họ chẳng có lều bạt và chẳng có xe cộ gì, chỉ có chút thức ăn dự trữ và vũ khí. Tôi nhìn họ xuống thuyền để qua con sông lớn, và khung cảnh trang nghiêm đó không khi nào còn thoát ra khỏi kí ức của tôi nữa. Trong đám người ấy không hề có một tiếng nức nở hoặc than vãn. Họ im lặng. Nỗi đau khổ của họ cũ rồi và họ biết đó là những nỗi đau không thuốc thang gì chữa khỏi. Tất cả người Anh điêng đều đã xuống con tàu sẽ chở họ qua sông. Đàn chó của họ vẫn còn đứng trên bờ sông. Khi mấy con chó đó nhận ra rằng chủ của chúng sẽ từ bỏ chúng vĩnh viễn, chúng cùng tru lên nghe kinh người và cùng lao xuống dòng nước lạnh giá của sông Mississippi, chúng bơi đuổi theo chủ.
Việc lột tài sản của người Anh điêng ngày nay thường vẫn còn diễn ra một cách chính thức và có thể nói là hoàn toàn đúng luật.
Khi cư dân châu Âu bắt đầu tiến gần tới hoang mạc do một tộc người mông muội chiếm giữ, chính quyền Hoa Kì thường cử tới tộc người này một đại sứ trang trọng. Người da trắng tập hợp người Anh điêng trên một cánh đồng lớn, và sau khi cùng ăn uống với họ, liền bảo họ: “Các bạn làm gì trên đất đai của cha ông mình? Chẳng mấy chốc các bạn phải đào xương họ lên để sống ở đây. Đất này các bạn đang ở tốt đẹp gì hơn chỗ khác? Chỉ có ở đây nơi các bạn ở mới có rừng, có đầm lầy, có bãi cỏ thôi à, và các bạn chỉ biết sống dưới cái mặt trời riêng của mình thôi ư? Bên kia những ngọn núi ở phía chân trời kia kìa, phía bên kia cái hồ nằm ở mạn Tây lãnh thổ của các bạn, ở đó có những cánh đồng bạt ngàn vẫn còn nhung nhúc các con thú hoang. Hãy bán đất này đi và qua phía đó mà sinh sống.” Sau khi nói năng như vậy, người ta triển lãm trước những người Anh điêng các loại súng đạn, quần áo ấm may bằng len dạ, những thùng rượu mạnh, những vòng đeo cổ hạt thuỷ tinh, những vòng đeo tay bằng thiếc, những bông hoa tai và gương soi. Nếu thấy đủ thứ hàng họ như vậy mà họ vẫn còn chần chừ, người ta rỉ tai họ là họ khó mà từ chối chấp nhận điều người ta yêu cầu, thì chẳng chóng thì chày chính quyền cũng sẽ bất lực trong việc bảo đảm các quyền họ được hưởng. Vậy thì biết làm gì đây? Nửa bị thuyết phục, nửa bị ép, người Anh điêng rút xa mãi vào hoang mạc, đi vào những vùng hoang vu mà người da trắng không để cho họ hưởng đủ mười năm yên ổn. Chính là theo cách đó người Mĩ mua được trọn vẹn các tỉnh với giá rẻ như bèo mà những ông vua giàu nhất châu Âu cũng chẳng có tiền trả.
Tôi vừa mới phác lại những điều xấu xa tồi tệ to lớn, nay tôi xin nói thêm, những điều xấu xa tồi tệ không gì sửa chữa nổi. Tôi e rằng giống người Anh điêng bản địa Bắc Mĩ rồi sẽ bị tuyệt diệt, và tôi không thể kìm nén mình không nghĩ ngợi về cái ngày mà người Âu sẽ đặt được chân sang bờ Thái Bình Dương, đó sẽ là thời điểm người Anh điêng bản địa hoàn toàn không tồn tại nữa.
Người Anh điêng bản địa Bắc Mĩ chỉ còn hai con đường cứu vớt họ: chiến tranh hoặc là văn minh. Nói cách khác, họ phải tiêu diệt người châu Âu, hoặc phải trở thành những kẻ ngang hàng với họ.
Khi các khẩn địa đang ra đời, đáng lẽ họ đã có thể hợp sức lại để tự giải phóng khỏi một nhóm người ngoại bang vừa mới đặt chân lên các bến bờ lục địa. Hơn một lần họ đã tìm cách làm điều đó và đã gần như thành công. Ngày nay thế lực bất cân xứng quá lớn để họ còn có thể nghĩ tới một công cuộc như thế. Tuy nhiên, trong đám dân cư người Anh điêng bản địa vẫn nổi lên những bậc kì tài biết tiên đoán số phận cuối cùng dành cho các cư dân mông muội và tìm cách tập hợp các bộ tộc lại trong một mối thù chung đối với người châu Âu. Nhưng các nỗ lực của họ đều bất lực. Các đám cư dân sống kề bên giống da trắng đều đã yếu lắm rồi để có thể có nổi một cuộc kháng cự hữu hiệu. Các đám cư dân khác thì vô tư như con nít chẳng quan tâm gì đến ngày mai đúng như đặc tính bản chất mông muội của họ; họ đợi cho hiểm nguy xảy tới rồi mới lo giải quyết sự cố. Thế là có những người thì không thể làm được điều gì, còn những người khác thì lại chẳng muốn hành động.
Thật dễ dàng thấy trước rằng người Anh điêng bản địa sẽ chẳng bao giờ muốn được khai hoá, hoặc giả khi nào họ muốn được khai hoá thì khi đó sẽ là quá muộn.
Văn minh là kết quả của một công trình xã hội bền bĩ diễn ra trên một địa điểm mà các thế hệ khác nhau truyền lại kế tiếp cho nhau. Các dân tộc khó đạt được trình độ văn minh nhất là những dân tộc săn bắt. Các bộ tộc chăn thả thì thay đổi địa điểm, nhưng bao giờ họ cũng đi theo một trật tự đều đặn trong cuộc di trú, và đi đâu rồi thì cũng quay lại địa điểm cũ. còn ngôi nhà người săn bắt thì thay đổi như ngôi nhà những con thú họ đeo đuổi theo.
Rất nhiều lần người ta tìm cách đưa ánh sáng tới người Anh điêng bản địa và để cho họ duy trì các tập tục lang thang của mình. Các nhà truyền giáo Thừa sai tiến hành việc đó ở Canada, các nhà Thanh giáo ở New England. Cả hai tổ chức đó đều không tiến hành công việc được bền lâu. Nền văn minh đã được sinh ra dưới mái lều và chết đi trong rừng sâu. Các nhà tạo lập quy tắc cho người Anh điêng bản địa đó mắc sai lầm lớn ở chỗ họ không hiểu rằng, muốn khai hoá một dân tộc, trước hết phải làm cho dân tộc đó ổn định một chỗ, vả lại chỉ có thể làm được điều đó nếu biến được người Anh điêng bản địa thành những người canh tác đất đai.
Người Anh điêng bản địa không chỉ thiếu hẳn cái tiền đề cần thiết đó của văn minh, mà họ còn rất khó có nổi tiền đề ấy.
Những con người một khi đã sống quen cuộc sống nhàn rỗi và phiêu lưu của thợ săn cảm thấy gần như một sự ghê tởm không sao khắc phục được đối với những công việc không thay đổi và đều đặn theo đòi hỏi của nghề nông. Ta có thể thấy thái độ đó đang tồn tại trong xã hội bây giờ; nhưng trong các dân tộc mà thói quen săn bắt đã thành dân tộc tính, thì những thái độ ấy còn lộ rõ hơn nhiều.
Độc lập với cái nguyên nhân chung đó, còn có một nguyên nhân khác không kém mạnh mà ta chỉ bắt gặp ở người Anh điêng bản địa. Tôi đã chỉ ra điều đó rồi, song tôi nghĩ mình nên quay lại nói kĩ thêm.
Người bản địa Bắc Mĩ không chỉ coi lao động như một điều xấu, mà còn thấy nó làm mất phẩm giá con người, và lòng kiêu hãnh cùng thói lười biếng của họ đều bướng bỉnh đấu tranh chống chọi lại nền văn minh.
Không có một người Anh điêng bản địa nào dù đang sống khốn cùng trong túp lều làm bằng vỏ cây lại không có trong đầu cái ý nghĩ tuyệt vời về giá trị cá nhân của mình. Anh ta coi những công việc công nghiệp tỉ mỉ là hèn hạ. Anh ta cào bằng người làm ruộng với con bò đang đánh luống, và nhìn những công việc khéo léo chúng ta đang tiến hành như là lao động của lũ nô lệ. Không phải là người Anh điêng bản địa không biết đến sức mạnh cùng tầm cao trí tuệ của người da trắng; song, nếu như anh ta chiêm ngưỡng những sản phẩm chúng ta nỗ lực làm ra, thì anh ta lại coi khinh những phương tiện để làm ra được những thứ đó, và một mặt vẫn chịu nhận là chúng ta đang tiến lên, một mặt anh ta vẫn cứ nghĩ rằng anh ta ở tầm cao hơn chúng ta. Săn bắt và chiến trận đối với anh ta dường như là những công việc duy nhất xứng đáng với một người đàn ông. Người Anh điêng bản địa, từ nơi sống khốn cùng trong rừng sâu, cũng nuôi dưỡng những ý tưởng như thể mình là anh chàng quý tộc thời Trung cổ trong pháo đài, và không hiếm trường hợp để được giống như anh chàng quý tộc kia thì chỉ còn con đường phải trở thành kẻ đi chinh phục. Và chuyện thật kì cục, ngày nay ta bắt gặp những thành kiến xưa của châu Âu ở giữa rừng sâu của Tân thế giới chứ không phải ở những con người châu Âu đang cư trú trên những bến bờ châu Mĩ.
Trong quá trình soạn sách này, tôi đã nhiều lần giải thích ảnh hưởng lạ kì của trạng thái xã hội đối với luật pháp và tập tục của con người. Xin cho tôi nói thêm một chút nữa thôi.
Khi tôi nhận ra sự giống nhau giữa những thiết chế chính trị của thế hệ cha ông chúng ta, của người Germain và của những bộ tộc lang thang nơi Bắc Mĩ, khi so sánh tập tục đã được Tacite phác hoạ lại trong sách với những tập tục đôi khi tôi được làm chứng ở Bắc Mĩ, tôi không thể không nghĩ tới một nguyên nhân chung đã tạo ra ở hai bán cầu những tác động như nhau, và giữa những sự kiện người bề ngoài khác nhau không phải là không thể nào tìm ra một số ít sự kiện đủ sức đẻ ra những sự kiện khác. Trong tất cả những thứ được chúng ta gọi là thiết chế “Nhật nhĩ man”, tôi có xu hướng coi những cái mà chúng ta gọi bằng cái tinh thần phong kiến (thực ra thì) chỉ là những thói quen và những tư tưởng của người hoang dã.
Bất kể những tật xấu và những định kiến đã ngăn cản người Anh điêng bản địa Bắc Mĩ trở thành những nhà nông và những con người văn minh, đôi khi họ phải thế vì nhu cầu bắt phải thế.
Nhiều dân tộc tầm cỡ đáng kể ở phía Nam, trong đó có dân tộc Cherokee và Creek, được sống bao bọc xung quanh là người châu Âu, những người cập bến ở bờ đại dương, rồi xuôi dòng Ohio và ngược dòng Mississippi, cùng một lúc đã tới sống xung quanh các bộ tộc Anh điêng này. Người ta chưa bao giờ xua đuổi họ đi từ địa điểm này qua địa điểm khác như với các bộ tộc ở phía Bắc, nhưng người ta dồn họ dần dần vào những vùng quá chật chội như kiểu thợ săn dồn con mồi vào khu rừng cây đã chặt để rồi sau đó họ cũng vào theo bên trong. Người Anh điêng bản địa như vậy bị đặt giữa văn minh hay là chết, bị buộc phải sống tủi nhục bằng cách lao động như người da trắng. Họ rồi cũng trở thành người làm nông. Và vẫn chẳng từ bỏ hoàn toàn cả thói quen lẫn tập tục, họ chỉ hi sinh cái gì tuyệt đối cần để mà tồn tại được mà thôi.
Người Cherokee tiến xa hơn; họ làm ra một thứ ngôn ngữ viết, họ xây dựng một hình thức chính quyền khá ổn định, và do chỗ ở Tân thế giới cuộc sống lúc nào cũng bước vội, trước khi mọi người trong bộ tộc đều ăn mặc áo quần tử tế thì họ cũng ra được một tờ báo.
Điều đặc biệt thúc đẩy sự phát triển nhanh các thói quen châu Âu trong những bộ tộc Anh điêng bản địa đó là việc có những người con lai. Tham gia vào nguồn sáng của người cha song vẫn chẳng từ bỏ hoàn toàn các phong tục mông muội của dòng giống mẹ, người lai làm thành mối dây liên hệ tự nhiên giữa văn minh và dã man. Khắp nơi chỗ nào người lai gia tăng thì ở đó người mông muội cũng sửa đổi dần trạng thái xã hội và thay đổi tập tục của họ.
Thành công của người Cherokee chứng tỏ là người Anh điêng bản địa có khả năng tự mình văn minh hoá, nhưng lại vẫn chẳng chứng minh được là họ có thể tới đích.
Khó khăn khiến người Anh điêng bản địa chấp thuận được nền văn minh là do một nguyên nhân chung mà chính họ cũng hầu như không có cách gì gỡ ra nổi.
Nếu ta chăm chú nhìn vào lịch sử, ta thấy là nói chung các tộc người mông muội đều dần dần tự họ vươn lên được với nền văn minh.
Khi họ phải đi vục tìm ánh sáng từ một dân tộc ngoại bang, trước mặt dân tộc ngoại bang kia họ đứng trên hàng ngũ của kẻ chiến thắng chứ không phải trong tư thế của kẻ chiến bại.
Khi dân tộc bị chiếm lại văn minh hơn và dân tộc đi chinh phục lại bán khai, như trường hợp các tộc người phương Bắc chinh phục đế quốc La Mã, hoặc trường hợp Mông Cổ chinh phục Trung Hoa, sức mạnh chiến thắng là đủ để bảo đảm cho kẻ mông muội có vị trí ngang tầm với con người văn minh và cho phép nó tiến bước ngang hàng cho tới khi trở thành kẻ đủ sức ganh đua (với kẻ bị thua). Bên này có sức mạnh, bên kia có trí khôn. Kẻ thứ nhất chiêm ngưỡng trình độ khoa học và nghệ thuật của kẻ chiến bại, kẻ thứ hai thèm khát sức mạnh của kẻ chiến thắng. Cuối cùng những con người hoang dã đưa được con người văn minh vào trong các lâu đài của họ, và con người văn minh mở các cánh cửa trường học cho những người kia. Nhưng một khi kẻ có sức mạnh vật chất cũng đồng thời là kẻ có trình độ trí tuệ cao, thì khi đó hiếm khi thấy kẻ chiến bại tự mình leo tới văn minh; nó rút lui đi hoặc nó bị tiêu diệt.
Chính vì thế mà ta có thể nói một cách chung nhất rằng người mông muội mang vũ khí trong tay đi tìm ánh sáng văn minh, song lại không nhận được gì hết.
Nếu các bộ tộc Anh điêng hiện đang ở miền trung lục địa Mĩ có đủ năng lượng để tự mình văn minh hoá, thì có thể họ cũng thành công. Vốn ở trình độ cao hơn các tộc mông muội bao quanh, họ dần dần có thêm sức mạnh và kinh nghiệm, và khi người châu Âu xuất hiện tại biên thuỳ của họ, khi ấy có thể nếu không giữ được độc lập thì ít nhất họ cũng được thừa nhận quyền đất đai và nhập vào với những kẻ chiến thắng. Nhưng nỗi bất hạnh của người Anh điêng lại là họ gặp gỡ với cái dân tộc văn minh nhất, và tôi muốn nói thêm, cái dân tộc tham lam nhất trên địa cầu này, trong khi họ vẫn còn đương ở trình độ bán khai; họ đã nhận vào trong các thiết chế của mình những người đến đó để làm thầy, và họ đồng thời nhận được cả sự áp chế lẫn ánh sáng văn minh.
Vốn sống trong tự do của rừng thẳm, người Anh điêng Bắc Mĩ có cuộc sống khốn cùng, nhưng lại không cảm thấy mình thua kém bất kì ai. Khi anh ta muốn thâm nhập vào hệ thống thứ bậc xã hội của người da trắng, anh ta chỉ có thể ở bậc thấp nhất thôi. Vì với tư cách kẻ dốt và nghèo, anh ta rơi vào chốn ngự trị của khoa học và giàu sang. Sau khi đã sống một cuộc đời xông pha xáo trộn, tràn đầy những nỗi khổ và hiểm nguy, song đồng thời cũng ngập tràn xúc động và cao thượng, anh ta phải cam chịu một cuộc sống bình lặng, tối tăm và suy sụp. Kiếm miếng ăn nuôi thân bằng những công việc nặng nhọc giữa cảnh ô nhục, anh ta nhìn thấy đó chính là kết quả duy nhất của cái nền văn minh được người ta khoe khoang.
Và ngay kết quả đó anh ta cũng chưa chắc đã cầm nắm được.
Khi người Anh điêng bản địa định bắt chước người châu Âu láng giềng và cũng canh tác đất đai như họ, họ liền thấy mình phải vào cuộc cạnh tranh cơ cực. Người da trắng biết hết những bí ẩn của nghề nông. Người Anh điêng khởi nghiệp vụng về thô kệch vào một nghệ thuật họ chẳng biết gì sất. Người này không ngừng làm ra những vụ mùa lớn, anh kia nỗ lực bao nhiêu cũng chỉ nhặt nhạnh được chút ít hoa trái của đất.
Người châu Âu sống giữa những cư dân mình hiểu biết hết cả con người và các nhu cầu.
Người mông muội sống biệt lập giữa những con người thù nghịch mà anh ta chỉ hiểu biết không đầy đủ tập tục, ngôn ngữ và luật pháp, vậy mà vẫn không thể dứt bỏ được, chỉ khi đem đổi trao sản phẩm với người da trắng thì anh ta mới thấy thoải mái, vì trong việc này đồng bào của anh ta chẳng giúp ích được gì nhiều.
Vậy cho nên, khi người Anh điêng muốn bán sản phẩm lao động của mình, anh ta không sao tìm ngay được người mua là cái mà anh da trắng dễ dàng tìm ra, và anh ta chi phí cho sản xuất cao trong khi anh da trắng kia lại bán hàng với giá rẻ.
Vậy là người Anh điêng thoát cảnh khổ của đời người dân mông muội chỉ để rơi vào những cảnh khốn cùng lớn hơn của con người văn minh, và anh ta hầu như bắt gặp cũng ngần này khó khăn khi sống giữa lòng sự trù phú của chúng ta như khi sống giữa rừng.
Ở cùng nhau trong rừng, dẫu sao thì các thói quen sống lang thang vẫn chưa mất hẳn. Truyền thống vẫn chưa mất hết quyền lực. Thú vui săn bắt chưa tắt. Những niềm vui mông muội được hưởng xưa kia giữa rừng sâu còn đầy màu sắc rực rỡ qua trí tưởng tượng bị khuấy động. Những thiếu thốn dường như bớt kinh khủng đi. Những hiểm hoạ bớt to lớn đi. Cái độc lập xưa anh ta được hưởng với những người bằng vai phải lứa đối lập hẳn với vị trí thấp hèn của anh ta trong một xã hội văn minh.
Mặt khác, cảnh hoang vắng anh ta từng sống tự do lâu đời vẫn còn liền kề. Vài ba giờ đồng hồ đi bộ là được trả lại ngay cái tự do đó. Cái cánh đồng vỡ hoang nửa chừng chẳng sao đủ sống, người da trắng láng giềng lại trả một cái giá được anh ta thấy là cao. Có thể đồng tiền người châu Âu đưa cho anh ta khiến anh ta sống thanh bình và hạnh phúc ở nơi xa với họ. Thế là anh ta bỏ cày bừa, cầm lại khẩu súng săn, và vĩnh viễn trở lại nơi hoang mạc.
Bạn đọc có thể đánh giá tính chân thực của bức tranh buồn thảm đó bằng cách xem lại những gì xảy ra với người Creek và người Cherokee mà tôi đã dẫn ra ở bên trên.
Những người Anh điêng này, qua một ít điều họ đã làm được, chắc chắn cũng có thiên tài trời phú như các dân tộc châu Âu trong các công trình to tát hơn. Nhưng các dân tộc, cũng như những con người, đều cần đến thời gian để học hỏi, bất kể trình độ trí tuệ của họ tới đâu và họ nỗ lực tới đâu.
Trong khi những con người mông muội kia nai lưng ra để được văn minh hoá, thì người châu Âu tiếp tục bao vây họ ba bề bốn bên và càng ngày càng ép chặt họ lại. Bây giờ đây, hai giống người đó cuối cùng đã gặp nhau, đang sống sát nhau. Người Anh điêng bản địa đã cao hơn cha ông họ là những kẻ man rợ, nhưng họ còn thấp hơn nhiều so với người da trắng láng giềng. Nhờ vào các nguồn lực và trí tuệ, người châu Âu chẳng đợi gì mà không chiếm hữu phần lớn những thuận lợi mà sở hữu đất đai từng đem lại cho người bản địa. Họ lập nghiệp ở giữa lòng người bản địa, chiếm đất hoặc mua đất của họ với giá rẻ mạt, rồi dùng cạnh tranh mà làm cho họ lụn bại đến nỗi những người bản địa chẳng còn cách gì mà trụ lại nổi. Bị sống cách biệt ngay trong lòng đất nước của chính mình, người Anh điêng trở thành một khẩn địa bé tí của những kẻ xa lạ vụng về nằm lọt giữa những con người thống trị đông đúc.
Trong một thông điệp tại Hạ viện, Washington đã nói: “Chúng ta thông tuệ hơn và mạnh hơn các bộ tộc Anh điêng. Vì danh dự của chúng ta mà phải đối xử tử tế thậm chí đối xử rộng lượng với họ.”
Đường lối chính trị cao quý và đức độ đó đã không hề được thực hiện.
Cộng với sự tham lam của những người khẩn địa, thường còn có thêm tính bạo hành của chính quyền. Dù người Creek và người Cherokee đều ở trên mảnh đất của họ từ trước khi người da trắng tới, đã vậy người Mĩ thường vẫn cư xử với họ như những dân tộc ngoại bang xa lạ, các bang có người Anh điêng ở đều vẫn không muốn thừa nhận họ như là những tộc người độc lập, và họ tìm cách buộc những con người mới ở rừng chui ra này phải chịu theo cách xét xử của họ, theo tục lệ của họ, theo luật pháp của họ. Sự khốn cùng đã đẩy những người Anh điêng bất hạnh này đến với nền văn minh, giờ đây sự đàn áp lại đẩy lui họ trở về với sự man rợ. Rất nhiều người trong bọn họ, sau khi từ bỏ những cánh đồng mới khai hoang dở chừng, liền quay lại với thói quen của cuộc sống mông muội cũ.
Nếu ta chú ý đến những biện pháp bạo quyền của các nhà lập pháp các bang miền Nam đối với vấn đề hành xử của các quan cai trị và các quyết định của toà án, ta sẽ dễ dàng thấy ngay cái mục đích cuối cùng để toàn bộ nỗ lực của họ hướng tới là trục xuất toàn bộ dân Anh điêng bản địa. Người Mĩ ở phần lãnh thổ Liên bang này thèm thuồng nhìn những vùng đất trong tay người Anh điêng. Họ cảm thấy là những người dân bản địa này vẫn chưa mất hết những thói quen của cuộc sống hoang dã, và trước khi nền văn minh có thể gắn họ chắc chắn vào với ruộng đồng, thì họ muốn làm cho dân bản địa hoàn toàn tuyệt vọng và buộc phải rút ra xa.
Bị áp bức ở các bang, người Creek và người Cherokee kêu lên chính quyền liên bang. Cấp chính quyền này không phải là vô cảm trước những nỗi khổ của người bản địa, nó thành thực muốn cứu vớt những người bản địa còn sót lại và bảo đảm cho họ có quyền sở hữu tự do phần lãnh thổ mà chính tay chính quyền liên bang hứa bảo đảm. Nhưng khi định bắt tay thực hiện ý đồ đó, các bang liền chống đối lại quyết liệt, và thế là liên bang dễ dàng để cho vài ba bộ tộc dân mông muội bị tuyệt diệt còn hơn là đặt Liên bang Mĩ trước nguy cơ tan vỡ.
Bất lực trong việc bảo vệ người Anh điêng, chính quyền liên bang muốn ít ra thì cũng làm cho họ đỡ khổ. Nhằm mục đích đó, họ lên kế hoạch cấp tiền chuyên chở họ về các địa điểm khác.
Giữa vùng vĩ tuyến 33 và 37 độ Bắc là một vùng đất rộng lớn có tên là Arkansas, lấy theo tên con sông chảy qua vùng này. Một bên là biên thuỳ với Mexico, bên kia là sông Mississippi. Vô vàn con suối chảy ngang dọc vùng này, khí hậu ôn hoà và đất đai màu mỡ. Tại đây chỉ có vài ba nhóm dân cư mông muội sống lang thang. Nơi đây, chủ yếu nằm kề bên Mexico và rất xa với các cơ sở của người Mĩ, chính quyền Liên bang định chuyên chở những mảnh vỡ còn sót lại của các tộc người bản địa miền Nam đến ở.
Cuối năm 1831, người ta đoan chắc với chúng tôi là đã có 10 nghìn người Anh điêng đã tới bên bờ sông Arkansas; những người khác sẽ đến dần trong ngày một ngày hai. Nhưng Hạ viện cũng lại không tạo được sự nhất trí trong những người mà số phận họ đang được bàn cách xử lí. Nhiều người vui vẻ đồng tình đi khỏi mảnh đất của bạo quyền. Những người sáng suốt hơn cả lại từ chối rời bỏ những vụ mùa đang sắp gặt hái và những ngôi nhà mới dựng. Họ nghĩ rằng nếu công trình văn minh bị dừng lại, sẽ chẳng ai bắt tay làm tiếp. Họ lo sợ rằng những thói quen định cư vừa mới hình thành sẽ lại mất đi hẳn một khi vào sống lại giữa vùng đất còn hoang dại, nơi chẳng có gì chuẩn bị cho sự sống còn của những người làm nghề nông. Họ biết là, trong hoang mạc sẽ gặp những nhóm người thù địch, và để chống lại thì họ chẳng còn nữa cái năng lượng man rợ xưa trong khi lại chưa có những sức mạnh mới của văn minh. Người Anh điêng cũng dễ dàng nhận thấy mọi thứ người ta định cho mình đều là tạm bợ. Ai là người sẽ bảo đảm cho họ được yên lành tại nơi trú chân mới? Hoa Kì cam kết điều đó; nhưng lãnh thổ họ đang ở xưa kia cũng đã được cam kết bằng những lời thề long trọng bậc nhất. Giờ đây đúng là chính quyền Mĩ không tước đất đai của họ, nhưng lại để cho đất đai ấy bị xâm chiếm. Không nghi ngờ gì nữa, chỉ vài năm nữa thôi, cũng những người da trắng bây giờ đang ép xung quanh họ sẽ lại đuổi theo chân họ vào trong các vùng hoang vu Arkansas. Người bản địa sẽ lại bắt gặp cũng những điều xấu xa tồi tệ ấy mà chỉ thiếu những phương thuốc chữa
như bây giờ. Và sớm muộn họ sẽ thiếu đất, họ sẽ chỉ còn một cách là cam lòng chịu chết mà thôi.
Trong cách thức cư xử của Liên bang đối với người Anh điêng có ít tham lam và bạo hành so với đường lối chính trị của các bang. Nhưng cả hai cấp chính quyền đó đều thiếu sự chân thành.
Các bang, trong khi mở rộng cái họ gọi là sự tốt đẹp của luật pháp đối với người Anh điêng, mong đợi những người dân bản địa này sẽ thích rời bỏ đi xa hơn là cam chịu (sống với người da trắng). Và chính quyền trung ương, bằng cách hứa hẹn với những kẻ bất hạnh kia một chốn trú chân vĩnh viễn ở miền Tây, lại không biết rằng mình đâu có thể bảo đảm cho họ điều ấy.
Vậy là các bang thì buộc người mông muội phải chạy trốn bằng phương tiện bạo quyền. Còn Liên bang thì bằng hứa hẹn và bằng nguồn lực của mình, tìm cách làm cho cuộc trốn chạy đó được thoải mái. Phương tiện khác nhau nhưng mục đích là một.
Trong bản khiếu kiện lên Hạ viện của người Cherokee, có viết:
Thể theo nguyện vọng Trời cao cai quản nhân gian, giống da đỏ nước Mĩ thì bé đi, giống da trắng thì to lên và danh giá.
Khi tổ tiên các vị đến đất chúng tôi, lúc ấy người da đỏ còn mạnh, và mặc dù ngu tối và mông muội, song chúng tôi đã đón tiếp họ với lòng tốt và cho phép họ đặt đôi chân tê cóng lên đất khô mà nghỉ ngơi. Cha ông chúng tôi và tổ tiên các vị đã bất tay nhau thân thiện và sống cùng nhau hoà hiếu.
Mọi thứ gì người đa trắng đòi hỏi để thoả mãn nhu cầu thì người Anh điêng bản địa vội vã cung ứng. Người Anh điêng khi đó là chủ nhân, và người da trắng là kẻ đi cầu xin. Bây giờ tình cảnh lại đổi thay: sức mạnh của người da đỏ biến thành sự yếu kém. Người láng giềng càng tăng thêm số lượng, thì quyền lực của người da đỏ càng giảm. Và giờ đây, biết bao nhiêu bộ tộc xưa kia phủ kín bề mặt cái lãnh thổ bây giờ các vị gọi tên là Hoa Kì, nay chỉ còn lại vài ba nhờ may mắn thoát khỏi cái tai hoạ đã xảy ra khắp nơi nơi. Các bộ tộc miền Bắc xưa kia lẫy lừng hùng hậu biết bao, nay đã dần dần biến mất. Đó là số mệnh người da đỏ nước Mĩ.
Chúng tôi đây là những người cuối cùng của dòng giống, liệu chúng tôi có nên chết đi chăng?
Kể từ một thời xa xưa lắm lắm chẳng ai nhớ nổi, Cha chung của chúng tôi ở trên trời, đã cho tổ tiên chúng tôi đất đai mà chúng tôi chiếm giữ. Tổ tiên chúng tôi chuyên giao lại đất đai ấy như một di sản các vị để lại. Chúng tôi kính trọng giữ gìn đất đai ấy, vì trong lòng đất có hài cốt tro bụi tổ tiên. Di sản này chúng tôi đã khi nào đem trao cho ai hay là đã bị lấy mất? Xin quý vị cho phép chúng tôi nêu câu hỏi khiêm nhường này, đâu là cái quyền cao nhất của một dân tộc tại một xứ sở đã có quyền thừa kế và quyền sở hữu từ không biết bao nhiêu đời? Chúng tôi biết là bang Georgia và tổng thống Hoa Kì giờ đây cho rằng chúng tôi đã mất cái quyền đó rồi. Nhưng đối với chúng tôi điều này là một luận điểm rẻ tiền. Chúng tôi đã mất quyền đó vào thời nào vậy? Chúng tôi phạm tội gì để bị tước đoạt mất tổ quốc của mình? Trách chúng tôi chiến đấu dưới lá cờ Anh quốc thời Chiến tranh Độc lập chăng? Nếu đó là tội, thì tại sao trong hiệp ước đầu tiên sau cuộc chiến tranh đó, quý vị lại không tuyên bố luôn rằng chúng tôi đã mất quyền sở hữu đất đai của mình rồi? Tại sao khi đó quý vị không đưa vào hiệp ước điều khoản như sau: Hoa Kì muốn đem lại hoà bình cho tộc người Cherokee, nhưng để trừng phạt họ đã tham gia chiến tranh, nay tuyên bố không coi họ như là những người canh tác đất đai nữa, và họ bị buộc phải rời xa khi các bang liền kề họ khi đòi họ phải rời đi? Thời kì đó là lúc phải nói rõ ra như vậy; nhưng chẳng ai khi đó nghĩ ra điều ấy, và (có nghĩ ra thì) cũng chẳng khi nào cha ông chúng tôi lại đồng ý kí một hiệp ước mà kết quả lại có thể là lấy mất đi của họ các quyền thiêng liêng nhất và để cho đất nước bị cướp bóc mất.
Đó là lời lẽ của người Anh điêng bản địa: những gì họ nói đều đúng; những gì họ dự tính tôi cảm thấy là không tránh khỏi.
Dù đứng dưới góc độ nào để hình dung số phận người bản địa Bắc Mĩ, ta chỉ nhìn thấy những điều tồi tệ xấu xa vô phương cứu chữa; nếu họ tiếp tục cuộc sống mông muội, họ tiếp tục bị đẩy phải đi bộ về phía trước (xa với nền văn minh); nếu họ muốn trở thành văn minh, quan hệ với những con người văn minh hơn họ đẩy họ tới cảnh áp bức và khốn cùng. Nếu họ tiếp tục lang thang từ hoang mạc này qua hoang mạc khác, họ sẽ tiêu vong; nếu họ tìm cách định cư, lại càng tiêu vong. Họ chỉ có thể được khai sáng nhờ người châu Âu, nhưng tiếp cận người châu Âu khiến họ sa đoạ và càng đẩy họ về phía mông muội. Chừng nào còn bỏ mặc họ trong rừng thẳm, họ từ chối đổi thay tập tục, và cũng chẳng còn thời gian để mà đổi thay, vì cuối cùng họ đã bị bắt buộc phải có nguyện vọng trở về lại với rừng.
Người Tây Ban Nha xua chó đuổi cắn người Anh điêng như đuổi những thú vật hung dữ. Họ cướp bóc Tân thế giới như cướp bóc một thành phố đánh chiếm được, cướp bóc vô tội vạ, không thương xót. Nhưng không thể tiêu diệt hết thảy mọi thứ; điên rồ cũng có giới hạn: sau rồi dân Anh điêng còn sống sót thoát khỏi tàn sát lại hoà lẫn với người chiến thắng và theo tôn giáo cùng tập tục của kẻ chiến thắng.
Ngược lại, cách đối xử của người Mĩ ở Hoa Kì đối với người bản địa lộ ra nhiều hơn cái tình yêu hình thức và tính hợp pháp. Miễn là người Anh điêng bản địa cứ tiếp tục sống trong trạng thái mông muội, người Mĩ chẳng can thiệp vào công việc của họ và cư xử với họ như là những tộc người độc lập. Người Mĩ không cho phép mình sở hữu đất của người Anh điêng mà trước đó lại không chiếm lấy bằng một khế ước. Nếu chẳng may một dân tộc Anh điêng bản địa không còn đủ sức sống trên lãnh thổ của họ, người Mĩ sẽ thân ái cầm tay họ và tự mình dẫn họ đi bỏ thân ở một nơi xa với đất đai tổ tiên của họ.
Người Tây Ban Nha, bằng những việc làm kinh tởm chưa từng thấy, toàn bộ công trình là một sự hổ thẹn không bao giờ xoá sạch, mà không làm sao tiêu diệt được giống người Anh điêng bản địa, cũng không sao ngăn cản họ được chia sẻ các quyền. Người Mĩ ở Hoa Kì giành được kết quả kép ấy dễ dàng đến diệu kì, vừa nhẹ nhàng, vừa hợp pháp, lại đầy tình nhân loại, vừa không đổ máu, mà vẫn không hề vi phạm một nguyên lí đạo đức nào trước mắt loài người. Ta khó mà có thể thủ tiêu con người mà đồng thời vẫn hết sức tôn trọng các luật lệ của nhân loại.
Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)