Black Friday - Ngày Thứ Sáu đen tối
Black Friday là gì?
Black Friday (Ngày Thứ Sáu đen tối) có hai ý nghĩa. Trong quá khứ, Black Friday từng được coi là một thảm họa của thị trường chứng khoán xảy ra vào ngày 24/09/1869. Ngày hôm đó, sau một thời kỳ đầu cơ tràn lan và không kiểm soát, giá vàng giảm mạnh và các thị trường rơi vào khủng hoảng.
Nhưng ý nghĩa mang tính đương thời hơn thường liên quan tới thời điểm sau Lễ Tạ ơn ở Mỹ, khoảng thời gian mà theo truyền thống được xem là ngày nghỉ đối với rất nhiều nhân viên. Thông thường đây là ngày có rất nhiều ưu đãi mua sắm đặc biệt và các đợt giảm giá mạnh và thường được xem là khởi đầu cho mùa mua sắm trong kỳ nghỉ lễ.
Tóm tắt các điểm chính:
-
Black Friday biểu thị ngày sau Lễ Tạ ơn, tượng trưng cho sự khởi động của mùa mua sắm lớn trong đợt nghỉ lễ.
-
Về mặt lịch sử, Black Friday từng là một ngày Thứ Sáu trong năm 1869, khi giá vàng giảm kịch sàn và thị trường chứng khoán trở nên rối loạn.
-
Các cửa hàng đưa ra các đợt giảm giá mạnh trong các hạng mục đồ điện tử, đồ chơi và các loại quà tặng khác, hoặc ít nhất là cho khách hàng cơ hội đầu tiên để mua bất kỳ mặt hàng bán chạy nào.
-
Một điều nữa cũng quan trọng với những nhà bán lẻ: Cyber Monday (Ngày thứ Hai điện tử), ngày trở lại làm việc đầu tiên đối với rất nhiều khách hàng sau một kỳ nghỉ dài cuối tuần.
Hiểu về Black Friday
Chuyện các nhà bán lẻ đưa ra những đợt khuyến mãi đặc biệt và mở cửa hoạt động rất sớm vào Black Friday để thu hút khách hàng đã trở nên phổ biến. Để bắt kịp với sự cạnh tranh này, một vài nhà bán lẻ thậm chí đã tiếp tục mở cửa bán hàng trong suốt đợt nghỉ Lễ Tạ ơn, trong khi những người khác thì bắt đầu chào mời những ưu đãi khác sớm hơn trong Tháng 11.
Những người săn hàng giảm giá thường cắm chốt qua đêm trong Lễ Tạ ơn để đảm bảo có một chỗ tại cửa hàng yêu thích của mình; thậm chí có người còn cuồng đến mức bỏ cả bữa tối Lễ Tạ ơn và cắm trại tại các bãi để xe hàng ngày thậm chí hàng tuần để săn được những ưu đãi lớn nhất. Những đợt khuyến mãi thường kéo dài qua ngày Chủ nhật, và doanh số của các cửa hàng truyền thống thường tăng lên rất cao.
Black Friday và Tiêu dùng bán lẻ
Các nhà bán lẻ thường dành cả năm để lên kế hoạch kinh doanh trong dịp Black Friday. Họ thường sử dụng ngày này như một cơ hội để áp giá kịch sàn cho những hàng tồn kho và đưa ra những đợt hàng giảm giá sốc (doorbusters) và khuyến mãi với những món hàng theo mùa, ví dụ như đồ trang trí trong ngày lễ hay các sản phẩm quà tặng điển hình trong các dịp lễ.
Các nhà bán lẻ cũng đưa ra những đợt giảm giá lớn đối với những mặt hàng có giá trị cao (big-ticket items), các mặt hàng bán chạy như tivi, thiết bị thông minh hay các sản phẩm điện tử khác, để lôi kéo khách hàng với hi vọng rằng, một khi đã bước vào cửa hàng thì khách sẽ mua những mặt hàng có lợi nhuận biên cao hơn. Nội dung các quảng cáo Black Friday thường được chờ đợi đến mức các nhà bán lẻ phải hết sức cẩn trọng để chúng không bị lộ ra ngoài trước dịp lễ.
Khách hàng thường mua sắm những món hàng thịnh hành nhất trong dịp Black Friday, dẫn đến tình trạng hỗn loạn, chen lấn và bạo lực nếu không được đảm bảo an ninh đầy đủ. Ví dụ, trong dịp Black Friday năm 1983, một số khách hàng đã ẩu đả, đánh lộn và náo loạn trong các cửa hàng khắp nước Mỹ để mua được búp bê Cabbage Patch Kids, món đồ chơi nhất định phải có năm đó và cũng đang trong tình trạng khan hiếm. Kinh hoàng hơn, nhân viên tại một cửa hàng lớn thậm chí đã bị giẫm đạp dẫn đến tử vong trong ngày Black Friday năm 2008 khi dòng người mua hàng xô đẩy để vào cửa hàng lúc bắt đầu mở cửa.
Nguồn gốc bất ngờ của Black Friday
Việc các nhà bán lẻ đưa ra những đợt khuyến mãi hậu Lễ Tạ ơn (post-Turkey Day) có lịch sử khá lâu trước khi khái niệm “Black Friday” được sử dụng. Nhằm nỗ lực khởi động mùa mua sắm trong dịp lễ và để thu hút nhiều khách hàng, trong nhiều thập kỷ các cửa hàng đã đưa ra những ưu đãi lớn vào ngày ngày Lễ Tạ ơn, dựa trên thực tế nhiều công ty và cơ sở kinh doanh cho nhân viên nghỉ vào ngày Thứ Sáu đó.
Vậy tại sao lại gọi là “Black Friday”? Một số lý giải rằng Ngày Thứ Sáu đen tối bắt nguồn từ truyền thống ghi sổ kế toán xưa – khi người ta ghi lãi bằng mực đen và ghi lỗ bằng mực đỏ. Các nhà bán lẻ ghi sổ như vậy nhằm chỉ dấu là họ đã bán đủ hàng trong ngày thứ Sáu đó (và những ngày cuối tuần liền sau đó) để có thể mang lại lợi nhuận cho thời gian còn lại trong năm. Tuy nhiên, trước khi thuật ngữ này xuất hiện trong các quảng cáo thì các sĩ quan cảnh sát bang Philadelphia đã dùng từ đó để chỉ chuyện phải làm việc tăng ca. Trong những năm 1950, đám đông những người mua hàng và khách tham quan tràn vào Philadelphia (Thành phố của tình huynh đệ) vào ngày sau Lễ Tạ ơn. Không chỉ những cửa hàng ở Philadelphia chào hàng bằng những đợt khuyến mãi lớn và công khai trang trí cho ngày đặc biệt này, mà thành phố cũng tổ chức các trận bóng bầu dục cho Quân đội và Hải quân vào Thứ bảy cùng tuần đó.
Kết quả là, các cảnh sát giao thông bị yêu cầu phải làm việc 12 giờ mỗi ca để xử lý tình trạng các đoàn tài xế và người đi bộ quá tải, họ không được phép nghỉ ngày hôm đó. Dần dà, các sĩ quan cảnh sát cảm thấy khó chịu và gọi ngày làm việc mệt mỏi này là Ngày thứ sáu đen tối (Black Friday).
Tên gọi này nhanh chóng trở nên phổ biến, và những nhân viên kinh doanh tại các cửa hàng dùng cụm từ “Black Friday” để mô tả những hàng người dài và tình trạng hỗn loạn họ phải đối phó vào ngày đó. Tên gọi đó được lưu truyền như như một chuyện đùa của những người trong ngành ở Philadelphia trong vài thập kỷ, sau đó nó lan tới một số thành phố lân cận như Trenton, New Jersey. Cuối cùng, vào giữa những năm 1990, thuật ngữ “Black Friday” lan ra và xuất hiện trong các ấn bản in hay các chiến lược quảng cáo trên tivi khắp nước Mỹ.
Sự Tiến hóa của Black Friday
Ở đâu đó trên con đường phát triển của mình, Black Friday đã có bước nhảy vọt lớn từ những con phố tắc nghẽn và các cửa hàng đông nghịt sang cuộc chiến căng thẳng của những người mua sắm tranh giành chỗ đậu xe và xịt hơi cay vào nhau để giành giật những con thú nhồi bông Elmo cuối cùng. Từ khi nào Black Friday đã trở thành sự kiện mua sắm hàng đầu và điên cuồng như ngày nay?
Đó là vào những năm 2000 khi Black Friday chính thức được xem là ngày mua sắm lớn nhất trong năm. Cho đến thời điểm đó, danh hiệu đó dành cho ngày thứ Bảy trước Giáng sinh. Tuy nhiên, khi ngày càng nhiều nhà bán lẻ bắt đầu chào những đợt giảm giá “không thể bỏ lỡ” sau Lễ Tạ ơn và càng có nhiều hơn các đợt khuyến mãi và ưu đãi trong ngày Black Friday, thì người tiêu dùng Mỹ đã không còn có thể cưỡng lại sức hút của ngày mua sắm kỳ diệu này.
Ngày nay, Black Friday đang trở thành sự kiện dài hơi hơi — trở thành cuối tuần đen tối (Black Weekend). Vào năm 2013, chuỗi bán lẻ Target thông báo rằng thay vì mở cửa vào sáng thứ Sáu, thì họ sẽ bắt đầu bán hàng vào buổi tối Lễ Tạ ơn. Điều này tạo nên một cơn sốt giữa các nhà bán lẻ lớn khác, khiến Best Buy, Kmart và Walmart nhanh chóng làm theo.
Hóa ra khi doanh số bán hàng trong ngày Lễ Tạ ơn đang tăng nhanh chóng thì doanh số bán hàng trong ngày Black Friday lại giảm với tốc độ tương tự. Lợi ích chính của việc mở cửa vào Lễ Tạ ơn là khiến đám đông mua sắm vào Black Friday nhỏ lại. Tuy nhiên, cho đến nay, thứ Sáu vẫn là ngày bận rộn nhất trong ngày lễ cuối tuần.
Cuộc cạnh tranh Cyber Monday
Đối với các nhà bán lẻ trực tuyến, một truyền thống tương tự đã phát sinh vào thứ Hai sau Lễ Tạ ơn. Cyber Monday (Ngày Thứ Hai điện tử) được coi là ngày bắt đầu không chính thức của mùa mua sắm trực tuyến. Ý tưởng là người tiêu dùng trở lại làm việc sau kỳ nghỉ lễ Tạ ơn cuối tuần, sẵn sàng bắt đầu mua sắm. Những nhà bán lẻ trực tuyến thường báo trước các chương trình ưu đãi và khuyến mãi trước ngày thực tế nhằm cạnh tranh với các dịch vụ Black Friday tại các cửa hàng truyền thống.
Kết quả là, Cyber Monday được những người mua hàng rất yêu thích. Vào năm 2018, doanh số bán hàng trong ngày Thứ Hai Điện tử đã đạt kỷ lục mới, với tổng trị giá 7,9 tỷ đô-la tại Mỹ, đánh bại doanh số bán hàng của Black Friday là 6,2 tỷ đô-la một cách dễ dàng.
Những số liệu thống kê về mua sắm
Theo Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia (NRF), ước tính có khoảng 165,8 triệu người tiêu dùng đã mua sắm trong kỳ nghỉ lễ cuối tuần năm 2018 giữa Ngày Lễ Tạ ơn và Ngày Thứ Hai Điện tử, với gần như toàn bộ hoạt động mua sắm này (95%) được tập trung vào các sản phẩm quà tặng và các mặt hàng lễ khác. Số chi tiêu trung bình trong cuối tuần là 313 USD.
Trong "Báo cáo xu hướng tiêu dùng ngày lễ 2018", NRF phát hiện ra rằng 54% người mua sắm đã đến cả cửa hàng truyền thống và các trang web trực tuyến trong cuối tuần Lễ Tạ ơn năm 2018, một bước nhảy vọt so với 37% người mua sắm đã làm như vậy vào năm 2017. Những người mua sắm trên nhiều kênh này có giá trị hơn đối với các nhà bán lẻ; họ đã chi trung bình 326 USD trong cuối tuần Lễ Tạ ơn, so với mức trung bình 233 USD của những người mua sắm trực tuyến và 248 USD của những người chỉ mua sắm tại cửa hàng.
Tầm quan trọng của Black Friday
Với việc mọi người chi những khoản tiền khá lớn vào ngày mua sắm nổi tiếng bận rộn này, doanh số bán hàng tăng lên vào Black Friday thường được coi là một phép thử cho điều kiện kinh tế chung của đất nước và là một cách để các nhà kinh tế đo lường sự tự tin của của người Mỹ trung bình khi nói đến chi tiêu tùy ý. Những người có chung quan điểm Keynes, cho rằng chi tiêu thúc đẩy hoạt động kinh tế, xem việc doanh số bán hàng vào ngày Black Friday thấp hơn là dấu hiệu cho thấy tăng trưởng chậm hơn.
Một số nhà đầu tư và nhà phân tích xem các con số vào Black Friday như một cách để đánh giá sức khỏe tổng thể của toàn bộ ngành bán lẻ. Những người khác thì chế giễu ý tưởng cho rằng Black Friday có khả năng dự báo về sự phát triển của thị trường chứng khoán trong quý IV. Thay vào đó, họ cho rằng nó chỉ mang lại lỗ hoặc lãi rất ngắn hạn.
Tuy nhiên, nhìn chung, thị trường chứng khoán có thể bị ảnh hưởng khi có thêm ngày nghỉ lễ Tạ ơn hoặc Giáng sinh. Hoạt động giao dịch và lợi nhuận có xu hướng gia tăng vào ngày trước kỳ nghỉ hoặc một ngày cuối tuần dài, một hiện tượng được gọi là hiệu ứng kỳ nghỉ hoặc hiệu ứng cuối tuần. Nhiều thương nhân tìm cách tận dụng những biến động theo mùa này.
Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Black Friday
Mặc dù cụm từ "đen tối" (black) có thể ám chỉ khả năng sinh lời, nó cũng thường được dùng để mô tả những ngày thảm hại trên thị trường tài chính. Ví dụ, vào Thứ Ba đen tối, ngày 29/10/1929, thị trường giảm mạnh, báo hiệu sự bắt đầu của cuộc Đại suy thoái. Sự sụt giảm trong một ngày lớn nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán xảy ra vào Thứ Hai đen tối, ngày 19/10/1987, khi Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones (DJIA) giảm mạnh hơn 22%.
Việc gán cho những sự sụp đổ này là những ngày "đen đủi" bắt nguồn từ một trong những sự cố thị trường chứng khoán sớm nhất ở Mỹ, vào năm 1869. Nó được châm ngòi bởi một loạt các nhà đầu cơ, dẫn đầu là Jay Gould và James Fisk, những người đã cố gắng làm lũng đoạn thị trường vàng.
Đầu tháng 9, họ mua vàng miếng nhiều hết mức có thể khiến giá vàng tăng chóng mặt. Họ cũng tranh thủ sự giúp đỡ của Abel Corbin, em rể của Tổng thống Ulysses S. Grant. Họ muốn ông thuyết phục tổng thống hạn chế sự sẵn có của vàng, điều này sẽ khiến giá vàng tăng cao hơn nữa.
Nhưng nỗ lực của họ trong việc sử dụng Nhà Trắng để thao túng nguồn cung đã thất bại. Khi Grant biết được điều gì đang xảy ra, ông đã ra lệnh cho Bộ Ngân khố Hoa Kỳ bán vàng. Chính phủ đã dỡ bỏ số tiền trị giá 4 triệu đô-la, và vào thứ Sáu, ngày 24/9/1869, giá vàng đã giảm từ 160 đô-la xuống còn 130 đô-la một ounce. Thị trường vàng sụp đổ khiến thị trường chứng khoán giảm mạnh hơn 20% trong tuần tiếp theo, làm điêu đứng nhiều nhà đầu tư. Ngày này được biết đến trong lịch sử tài chính là Thứ Sáu đen tối.
Nguồn: Adam Hayes, Black Friday, Investopedia, 4/5/2020