[Nền dân trị Mỹ] - Dẫn Nhập

[Nền dân trị Mỹ] - Dẫn Nhập

MỐC NIÊN BIỂU TIỂU SỬ DE TOCQUEVILLE

1805: Alexis de Tocqueville sinh ra ở Paris trong một gia đình quý tộc rất lâu đời vùng Normandie. Tuổi thơ ấu dưới thời Đế chính, mùa đông sống ở Paris, mùa hè sống ở lâu đài Verneuil.

1820-1823: Học tại trường Collège de Metz, nơi cha ông, bá tước Hervé de Tocqueville, làm quận trưởng (quận Moselle).

1826: Đậu cử nhân luật tại Paris.

1826-1827: Đi Italia và Sicile. Năm 1827, được cử làm thẩm phán dự thính tại Versailles (nơi cha ông làm quận trưởng).

1829-1830: Dự các buổi giảng bài của Guizot tại Đại học Sorbonne về Lịch sử văn minh châu Âu.

1830: Tuyên thệ trung thành với chế độ mới sau cuộc Cách mạng Tháng Bảy, mặc dù lương tâm không cho phép.

1831 (tháng 4) – 1832 (tháng 3): Đi Hoa Kì cùng với Gustave de Beaumont.

1833: Xuất bản cùng Beaumont bản báo cáo về chế độ lao tù Mĩ mang tên Về chế độ lao tù ở Hoa Kì và việc áp dụng nó tại Pháp (Du système pénitentiaire aux États-Unis et de son application en France).

1832-1835: Từ chức thẩm phán dự bị. Biên soạn tập I cuốn Nền dân trị Mĩ (La démocratie en Amérique). Thăm nước Anh vào tháng 8 năm 1833.

1835: Xuất bản tập I cuốn Nền dân trị Mĩ. Thăm nước Anh lần thứ hai. Cưới Mary Mottley, người Anh, Tocqueville quen biết cô tại Versailles trước cuộc Cách mạng 1830.

1836: Đi thăm Thuỵ Sĩ.

Xuất bản tiểu luận về Nhà nước Pháp trước năm 1789 và kể từ 1789 xét về mặt xã hội và chính trị (L’État social et politique de la France avant et depuis 1789).

1837: Thất bại trong cuộc bầu cử vào Nghị viện lập pháp khu vực bầu cử quận Valognes (vùng Manche) gần lâu đài Tocqueville.

1838: Được bầu là thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Đạo đức và Chính trị (Académie des Sciences morales et politiques).

1839: Được bầu là nghị sĩ khu vực bầu cử quận Valognes, theo lập trường chống đối chính phủ Molé. Hoạt động nghị trường của Tocqueville sau này được đặc biệt thấy rõ qua ba bản báo cáo lớn: về việc xoá bỏ chế độ nô lệ ở các khẩn địa (1839), về việc cải cách chế độ nhà tù (1843), về các vấn đề Algérie (1847).

1840: Xuất bản tập II Nền dân trị Mĩ.

1841: Được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp. Đi thăm Algérie lần đầu.

1846: Đi thăm Algérie lần thứ hai.

1848 (tháng 4): Giữ được ghế lập pháp tại Quốc hội lập hiến sau cuộc Cách mạng Tháng Hai. Trở thành uỷ viên uỷ ban soạn thảo Hiến pháp mới.

1849: Đi thăm Đức lần thứ nhất.

Tháng 5: Được bầu vào Quốc hội lập Pháp.

Tháng 6-10: Được cử làm Bộ trưởng ngoại giao của hoàng thân Louis-Napoléon, tổng thống Cộng hoà Pháp từ tháng 12-1848.

1850-1851: Viết Hồi ức (Souvenirs). Sống một thời gian tại Sorrente vì lí do sức khoẻ.

Tháng 7-1851: Báo cáo trước Quốc hội lập pháp về vấn đề xét lại Hiến pháp.

Tháng 12-1851: Chống lại cuộc đảo chính của hoàng thân Louis-Napoléon, sau trở thành Hoàng đế Napoléon III. Ngừng mọi hoạt động công ích.

1852: Bắt đầu công việc sưu tập tư liệu cho việc biên soạn Chế độ cũ và Cách mạng (L’ancien Régime et la Révolution) mà trong tư tưởng Tocqueville đó là tập thứ nhất của bộ Lịch sử Cách mạng Pháp.

1853: Khảo cứu Tư liệu lưu trữ Cục quân nhu Tours tại Tours.

1854: Đi thăm Đức lần thứ hai.

1856: Xuất bản Chế độ cũ và Cách mạng (L’ancien Régime et la Révolution).

1857: Đi thăm nước Anh lần cuối.

1859: Qua đời tại Cannes.

LỜI DẪN NHẬP

Trong những ngày lưu trú ở Hoa Kì, giữa những cái mới lạ hấp dẫn tôi, chẳng có thứ gì đập mạnh vào mắt hơn là sự bình đẳng của những điều kiện. Tôi có thể khám phá chẳng khó khăn gì ảnh hưởng kì diệu của sự kiện căn bản này đến tiến trình của toàn bộ xã hội. Nó đem lại một định hướng tinh thần nhất định cho công chúng, nó tạo một dáng vẻ nhất định cho luật pháp. Nó đem lại cho người cầm quyền những châm ngôn xử thế mới mẻ và đem lại cho người bị cai trị những tập quán đặc thù.

Rồi tôi sớm nhận ra rằng, sự kiện ấy cũng ảnh hưởng ra rất xa khỏi những tập tục chính trị và luật pháp, và nó tác động không kém cả đến xã hội dân sự lẫn chính quyền. Nó tạo ra dư luận, nó làm nảy sinh các tình cảm, nó tạo ra các tập quán và cải biến những gì không do nó tạo ra.

Vậy là, càng nghiên cứu xã hội Mĩ, tôi càng nhìn thấy nhiều hơn rằng sự bình đẳng của những điều kiện là sự kiện tạo sinh (le fait générateur) hầu như đã đề ra từng sự kiện riêng rẽ, và tôi không ngừng bắt gặp lại điều ấy trước mắt mình như một trung tâm điểm từ đó mọi quan sát của mình đều quy tụ vào.

Thế rồi tôi suy nghĩ trở về với bán cầu của chúng ta và tôi thấy dường như ở châu Âu cũng có cái gì đó tương tự với cái khung cảnh đang diễn ra trước mắt tôi ở Tân thế giới. Tôi nhìn thấy sự bình đẳng của những điều kiện, tuy không đạt tới tột cùng giới hạn như ở Hoa Kì, song từng ngày lại vẫn tiến gần hơn tới trình độ đó. Và tôi cảm thấy cái nền dân trị ấy, là cái đã ngự trị xã hội nước Mĩ rồi, thì ở châu Âu nó đang tiến nhanh tới chỗ thành một quyền lực hẳn hoi.

Từ phút giây đó hình thành trong tôi ý tưởng viết nên cuốn sách mọi người rồi sẽ đọc.

Một cuộc đại cách mạng dân chủ đang diễn ra nơi chúng ta đang sống. Mọi người đều nhìn thấy nó, nhưng mọi người chẳng hề có cùng chung cách xét đoán nó. Có những người coi nó như một sự vật mới, và do chỗ họ xem nó như chuyện ngẫu nhiên nên đã hi vọng vẫn còn có thể ngăn chặn được nó. Còn có những người khác lại coi hiện tượng đó là không thể cưỡng lại nổi, vì với những người này, đó hình như là sự kiện liên tục nhất, xưa cũ nhất và thường trực nhất được mọi người bắt gặp trong lịch sử.

Tôi muốn trở lại một chút với cái nước Pháp bảy trăm năm trước. Tôi nhìn thấy nước Pháp bị đem chia chác trong một nhóm nhỏ các gia đình có đất đai trong tay và cai trị nhân dân. Khi ấy, cái quyền ra mệnh lệnh được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác cùng với các di sản kế thừa. Con người chỉ có một phương tiện duy nhất tác động lên kẻ khác, đó là sức mạnh. Con người chỉ thấy một nguồn gốc duy nhất của sức mạnh, đó là tài sản đất đai.

Rồi còn đây nữa quyền lực chính trị của giới tăng lữ, mới được lập nên song sớm sẽ mở rộng. Giới tăng lữ mở cửa cho mọi người, cho cả người giàu lẫn người nghèo, cho cả người bần dân cũng như cho bậc vua chúa. Thông qua Nhà thờ, sự bình đẳng bắt đầu thâm nhập vào giữa lòng chính quyền, và cái người nông nô từng sống lay lắt trong một chế độ nô lệ vĩnh cửu, nay trong tư cách giáo sĩ lại đứng giữa các nhà quý tộc, và có lắm khi còn ngồi bên trên các vị quân vương.

Cùng với thời gian, xã hội càng trở nên văn minh hơn và ổn định hơn, thì các mối quan hệ đủ kiểu giữa người với người càng trở nên phức tạp hơn và nhiều lên. Nhu cầu phải có các luật lệ dân sự càng ngày càng nổi rõ. Thế là xuất hiện những vị pháp gia. Những người này bước ra từ trong lòng các toà án còn ít người biết đến và từ những văn phòng thư lại chật hẹp và bụi bặm, những người này rồi sẽ có chỗ ngồi ở nơi triều chính của bậc quân vương, ngồi hẳn bên cạnh các công hầu phong kiến trên người mang đầy gia huy và kiếm sắc.

Các ông vua thì phá sản trong những công chuyện to tát; các nhà quý tộc thì lụn bại trong những cuộc chiến tranh riêng tư; những người bần dân trở nên giàu có trong công việc bán bán buôn buôn. Ảnh hưởng của đồng tiền bắt đầu dậy mùi trong các công chuyện Nhà nước. Thương thảo là một nguồn mới mở đường đi tới quyền lực, và các nhà tài chính trở thành một thế lực chính trị vừa bị khinh rẻ vừa được nịnh bợ.

Dần dần ánh sáng toả lan đi. Con người bắt đầu thấy trỗi dậy nỗi thèm văn chương nghệ thuật. Trí óc khi đó trở thành một yếu tố thành đạt. Khoa học là một công cụ cai trị, trí khôn thành một lực lượng xã hội, và người có học xông vào mọi công việc.

Khi con người tìm được những con đường mới để đi tới quyền lực, thì cái giá trị dòng dõi cũng bị hạ thấp. Vào thế kỉ thứ XI, đẳng cấp quý tộc là một giá trị không sao lường nổi. Đến thế kỉ thứ XIII thì người ta có thể mua tước quý tộc. Năm 1270 là lần đầu tiên có chuyện “quý tộc mua”, và thế là chính tầng lớp quý tộc đã du nhập quyền bình đẳng vào trong chính quyền.

Trải bảy trăm năm vừa trôi qua, đôi khi cũng xảy ra việc những nhà quý tộc trao quyền lực chính trị cho nhân dân để đấu tranh chống lại quyền lực của nhà vua hoặc để tranh giành quyền lực với những phe thù nghịch.

Rất nhiều khi cũng thấy các ông vua đưa các tầng lớp thấp của đất nước vào trong guồng máy chính quyền nhằm hạ thấp tầng lớp quý tộc.

Ở Pháp, các ông vua tỏ ra là những người hăng hái nhất và kiên định nhất trong số những người bình đẳng hoá các giá trị xã hội. Khi nào còn có nhiều tham vọng sức mạnh, các ông ấy vẫn tìm cách nâng nhân dân lên ngang vị trí những người quý tộc. Và khi nào ôn hoà hoặc yếu kém, các vị đó cho phép nhân dân có vị trí cao hơn họ. Có những người đã giúp cho nền dân trị bằng tài năng của mình, có những người giúp bằng tật xấu của họ. Louis XI và Louis XIV tìm mọi cách làm cho bên dưới ngai vàng của mình mọi sự đều ngang bằng với nhau, và cuối cùng thì chính Louis XV cùng với triều đình mình cũng tụt vào trong cát bụi.

Khi các công dân bắt đầu có đất đai theo cách khác với lối thái ấp phong kiến, và khi sự giàu sang bằng động sản được thừa nhận và có thể tạo ảnh hưởng và đem lại quyền lực, khi ấy nếu như không tạo ra vô vàn yếu tố bình đẳng mới mẻ giữa con người với nhau, con người sẽ chẳng còn tìm tòi sáng tạo nổi trong nghệ thuật, chẳng còn có thể hoàn thiện công việc mậu dịch và kĩ nghệ. Kể từ thời khắc ấy, mọi phương tiện được phát lộ, mọi nhu cầu mới sinh sôi, mọi ước vọng đòi hỏi được thoả mãn, tất cả đều trở thành những bước tiến đến sự bình đẳng bình quyền toàn diện. Thích cái sang trọng xa xỉ, yêu chuyện chiến chinh, sống trong lòng các mốt thời trang luôn luôn mới, những đam mê thuộc loại hời hợt nhất cũng như sâu sắc nhất của trái tim người, chúng dường như đều cùng hùa vào với nhau để làm cho người giàu thì nghèo đi và người nghèo thì giàu lên.

Kể từ khi lao động trí óc trở thành nguồn sức mạnh và giàu sang, con người phải coi mỗi bước tiến của khoa học, mỗi tri thức mới, mỗi ý tưởng lạ, đều là mầm quyền lực trong tầm tay mọi con người. Thi ca, hùng biện, trí nhớ, cái duyên của trí tuệ, ngọn đuốc nóng của tưởng tượng, chiều sâu của tư duy, mọi điều thiên bẩm vẫn được ban phát ngẫu nhiên đó đều có lợi cho nền dân trị, và ngay cả khi những năng lực ấy nằm trong tay của đối thủ, thì chúng cũng vẫn phục vụ cho nền dân trị vì nó làm nổi bật được tầm cao lớn tự nhiên của con người. Và những chiến công của con người cũng trải rộng ra cùng với những chiến công của nền văn hiến và khai sáng, còn văn chương thì trở thành một kho vũ khí mở ra cho tất thảy mọi con người, nơi những kẻ yếu hèn và những người nghèo khó hàng ngày tới chọn vũ khí cho mình.

Đọc từng trang sử của chúng ta, có thể nói là ta không thấy một sự kiện lớn nào trong bảy trăm năm qua mà lại không làm lợi cho quyền bình đẳng.

Các cuộc thập tự chinh và những cuộc chiến tranh của người Anh đã làm các nhà quý tộc chết như ngã rạ và làm cho lãnh địa của họ bị chia cắt. Việc lập ra các công xã du nhập nền tự do dân chủ vào ngay trong lòng nền chuyên chế phong kiến. Việc phát minh vũ khí nóng làm quân bình kẻ tiện dân và nhà quý tộc trong chiến trận. Ngành ấn loát đem lại những nguồn hiểu biết ngang nhau cho trí khôn của họ. Ngành bưu điện đem ánh sáng tới tận bậu cửa ngôi lều kẻ hèn và đến tận cổng lâu đài kẻ sang. Đạo Tin lành bảo vệ quan điểm mọi con người đều tìm thấy lối đi dần tới thiên đường. Nước Mĩ, nơi tự tìm thấy mình, đem chưng ra cả ngàn con đường mới mẻ, và đưa lại giàu sang cùng quyền lực cho kẻ phiêu lưu tăm tối.

Nếu như bắt đầu từ thế kỉ XI bạn quan sát những gì xảy ra ở nước Pháp từng năm chục năm một, thì cứ đến cuối mỗi kì đó, bạn sẽ nhận thấy ngay trong xã hội có xảy ra một cuộc cách mạng kép. Kẻ quyền quý đã bị hạ một nấc thang xã hội và người bần dân lại leo lên một nấc, kẻ xuống, người lên. Cứ mỗi nửa thế kỉ lại khiến hai bên xích lại với nhau, và chẳng mấy chốc hai bên đứng sát bên nhau.

Và điều này không phải chuyện đặc biệt xảy ra ở nước Pháp. Ta đưa mắt nhìn ra bất kì phía nào thì cũng thấy cùng một kiểu cách mạng đó đang tiếp diễn trong khắp thế giới Ki Tô giáo.

Khắp nơi ta đều thấy những sự cố đủ kiểu xảy ra trong cuộc sống con người và thấy đều có lợi cho nền dân trị. Mọi con người đều đem sức mình giúp rập cho các sự cố ngẫu nhiên đó: có cả những con người đuổi theo thành công trước mắt, và có cả những con người không hề nghĩ cách lợi dụng chúng. Có những con người đấu tranh để chúng xảy ra, và có cả những con người tuyên bố là kẻ thù của những sự cố đó. Tất cả đều bị xô đẩy nhộn nhạo theo cùng một đường hướng, kẻ miễn cưỡng người vô tình, tất cả đều là những công cụ mù quáng trong tay Chúa.

Sự phát triển dần từng bước của quyền bình đẳng là một sự kiện mang tính chất thiên định. Sự kiện đó có những nét chính như sau: nó diễn ra khắp nơi, nó bền vững lâu dài, từng ngày một nó đều tuột khỏi mọi sức mạnh của con người, và mọi sự kiện cũng như mọi con người đều đã phục vụ cho sự phát triển của quyền bình đẳng ấy.

Liệu có là khôn ngoan không khi tin rằng một phong trào xã hội đến từ xa xôi chừng nấy lại có thể bị một thế hệ đình hoãn nó? Liệu có còn ai nghĩ rằng, sau khi đã thủ tiêu được chế độ phong kiến và đã đánh bại các vua chúa, nền dân trị sẽ lui bước trước những thị dân và những kẻ lắm tiền? Liệu ngay bây giờ nó có ngừng lại khi nó đã mạnh đến thế và đối thủ của nó thì đã yếu đi đến thế?

Chúng ta đang đi về đâu vậy? Không ai có thể trả lời được cả. Vì chúng ta thiếu những yếu tố so sánh: ngày nay trong những người Ki Tô giáo các điều kiện đã đồng đều hơn rất nhiều, như chưa từng thời nào được thấy, như chưa từng được gặp ở bất kì đất nước nào trên thế giới. Vậy là tầm lớn lao của cái đã hình thành ngăn cản ta tiên đoán cái gì còn có thể tiếp diễn.

Toàn bộ cuốn sách mọi người sẽ đọc đây đã được viết ra bằng cái ấn tượng như thể một sự kinh hoàng mang màu sắc tín ngưỡng trong tâm hồn tác giả, kẻ chính mắt mình nhìn thấy cuộc cách mạng không gì cưỡng lại nổi kia đã tiến bước suốt bao thế kỉ, qua biết bao trở ngại, và ngay bây giờ đây ta vẫn còn thấy nó tiến bước giữa những hoang tàn đổ nát do nó gây nên.

Không nhất thiết Chúa cứ phải lên tiếng thì chúng ta mới nhận ra những dấu hiệu nào đó về ý chí của Ngài. Chỉ cần xem xét con đường quen thuộc của thiên nhiên và thiên hướng liên tiếp của các sự kiện là đủ. Chẳng cần Đấng sáng tạo lên tiếng, tôi vẫn biết rằng các thiên thể đang đi theo những con đường cong do ngón tay Ngài vạch ra trong không gian.

Nếu như những quan sát lâu dài và những suy tư chân thành đã dẫn con người thời nay đến chỗ nhận ra rằng sự phát triển lên từng bước của quyền bình đẳng vừa là quá khứ vừa là tương lai của lịch sử con người, thì chỉ riêng khám phá này là đủ để khiến cho sự tiến lên đó mang tính chất thiêng liêng của ý chí Ngài. Muốn ngăn chặn nền dân trị thì cũng giống như đấu tranh chống lại chính Chúa Trời, vì thế mà các dân tộc chỉ còn một việc là thích nghi với trạng thái xã hội đã được Thiên Hựu (Providence) áp đặt cho.

Tôi cảm thấy các quốc gia Ki Tô giáo ngày nay dường như đã cho ta thấy một cảnh tượng ghê gớm. Sự vận động cuốn hút họ đã khá mạnh để không còn có thể ngăn nó lại, và nó cũng chưa đạt tốc độ đủ cao để con người có thể tuyệt vọng vì thấy mình không đủ sức chèo lái nó: số phận họ đang nằm trong tay họ, nhưng sớm muộn thì số mệnh đó cũng tuột khỏi tay họ mà thôi.

Giáo dục về nền dân trị, tìm mọi cách để làm sống dậy các niềm tin của con người, thanh lọc tập tục, điều chỉnh các vận động, đem khoa học của công việc thay thế dần dần tình trạng thiếu kinh nghiệm, đem tri thức thực sự bổ ích cho con người thay thế cho những bản năng mù quáng, làm cho cách điều hành thích nghi với thời gian và nơi chốn, biến cải cách điều hành đó theo cảnh huống của con người: ngày nay đó là nghĩa vụ đầu tiên đặt ra cho những ai đang điều khiển xã hội.

Cần phải có một khoa học chính trị mới mẻ dành cho một thế giới hoàn toàn mới.

Nhưng còn đây là điều ta chưa nghĩ được bao nhiêu: ta đang ở giữa dòng chảy xiết, ta chăm chăm nhìn vào những mảnh vỡ vẫn còn thấy trên bờ, và trong lúc đó dòng chảy cuốn và đẩy chúng ta chạy giật lùi về vực thẳm.

Không có dân tộc nào ở châu Âu được cuộc đại cách mạng xã hội như vừa mô tả làm cho đạt được những bước tiến nhanh hơn dân tộc chúng ta [Pháp]. Nhưng cuộc cách mạng ấy vẫn chỉ luôn luôn là ngẫu nhiên mà thôi.

Chẳng khi nào những người đứng đầu đất nước chịu suy tính chuẩn bị trước cho cuộc cách mạng ấy; công cuộc đó xảy ra ngoài ý muốn của họ hoặc diễn ra mà họ không hề hay biết. Các giai cấp mạnh nhất, thông minh và đạo đức nhất của đất nước chẳng thể tìm cách giành lấy cuộc cách mạng xã hội đó để rồi điều khiển nó. Và thế là nền dân trị đã được bỏ mặc cho các bản năng hoang dại. Nền dân trị lớn lên như những em bé thiếu bàn tay mẹ cha chăm sóc, chúng tự nuôi dưỡng mình mà lớn lên trên các phường phố thị thành, và chúng chỉ biết đến xã hội qua các thói hư tật xấu và cảnh khốn cùng. Con người dường như đang còn nhắm mắt làm ngơ, thì Dân chủ bất ngờ phục kích chiếm quyền. Khi ấy, mỗi con người liền nô lệ tuân phục từng mảy may ước muốn của nó. Con người tôn thờ nó như là hình ảnh tượng trưng cho sức mạnh. Tiếp đó khi nó suy yếu đi vì những điều quá trớn do chính nó tạo ra, khi đó các nhà lập pháp bèn nghĩ ra cái dự án bất cẩn tìm cách thủ tiêu nó thay vì chăm sóc nó và sửa đổi nó. Không có ý muốn dạy cho nó cách điều hành Nhà nước, các nhà lập pháp chỉ nghĩ tới chuyện đánh đuổi nó ra khỏi bộ máy chính quyền.

Kết quả là cuộc cách mạng dân chủ diễn ra trong phần vật chất của xã hội mà vẫn không tạo ra được sự đổi thay trong luật pháp, trong tập tục, trong nếp sống và hành vi, cái đổi thay tất yếu để cho cuộc cách mạng đó trở nên hữu ích. Và chúng ta có Dân chủ, nhưng lại ít có cái phần để làm giảm các thói hư tật xấu và làm lộ ra những ưu thế tự nhiên của Dân chủ. Thế rồi, khi nhìn thấy những điều xấu xa kéo theo Dân chủ, chúng ta liền nhắm mắt làm ngơ không biết đến nữa những điều tốt đẹp do Dân chủ mang lại.

Khi vương quyền, với sự hậu thuẫn của giới quý tộc, cai trị yên lành các dân tộc châu Âu, thì dù ở giữa những khốn cùng xã hội vẫn thừa hưởng vô số điều hạnh phúc mà ngày nay ta khó có thể hiểu nổi và khó có thể đánh giá cho đúng.

Sức mạnh của một vài thần dân tạo ra những rào cản mà kẻ quân vương bạo hành cũng không vượt nổi. Còn các vị vua chúa thì vốn dĩ vẫn được con mắt dân chúng coi gần như là ông trời, thì nhờ sự tôn kính đó mà họ lại có được cái ý chí không muốn làm điều gì lạm dụng quyền lực của mình.

Đứng ở vị trí cách biệt đến vô cùng với nhân dân, những nhà quý tộc tuy thế vẫn quan tâm một cách hào hiệp và lặng lẽ đến số phận nhân dân, kiểu như của một đấng chăn chiên đối với đàn cừu của mình. Và tuy các vị này không coi một kẻ nghèo hèn là người bình đẳng với mình, họ vẫn chăm lo cho số phận của kẻ đó, tựa như nhận vào tay mình một kí thác của Thiên hựu.

Còn nhân dân, tuy không thể hình dung được sự tồn tại một trạng thái xã hội khác với cái trạng thái họ đang có, tuy chẳng thể hình dung có lúc nào sẽ ngang bằng với các bề trên, nhân dân vẫn nhận những công đức của những nhà quý tộc và chẳng bàn cãi gì về các quyền của mình. Nhân dân yêu mến họ khi họ hoà nhã và công bằng, và không phải gồng mình lên cũng chẳng phải hạ mình xuống, nhân dân chịu đựng những nỗi hà khắc của họ, coi đó như là những thói xấu không thể tránh khỏi do cánh tay Chúa gửi tới. Vả chăng, nếp sống và tập tục đã tạo lập những cột chỉ giới ngăn cản nạn bạo quyền và xây dựng ra một thứ quyền ở ngay trong lòng quyền lực.

Người quý tộc vốn chẳng buồn nghĩ là có người muốn giằng lấy những đặc quyền đặc lợi vẫn được họ coi là chính đáng; người nông nô vốn coi vị trí hạ đẳng của mình như là kết quả của cái trật tự bất biến của thiên nhiên; và người ta tính đến chuyện tạo ra được một thứ hảo tâm ở cả hai giai cấp có số phận cách xa nhau đến thế. Ta thấy đó, trong xã hội có sự bất bình đẳng, có những cảnh khốn cùng, nhưng ở đó cũng có cả những tâm hồn không sa đoạ.

Làm đồi bại con người không phải là do cách sử dụng quyền lực hoặc nếp sống phục tùng, mà đó là do cách dùng một quyền lực bị con người coi là bất chính, và sự phục tùng một quyền lực bị con người coi là của ăn cướp và áp bức họ.

Một bên là tài sản, sức mạnh, các trò tiêu khiển và cùng với những thứ đó là việc kiếm tìm cái xa hoa, cái tinh tế thị hiếu, những thú vui trí tuệ, sự tôn thờ các nghệ thuật; một bên kia thì chỉ có lao động, chỉ có sự thô bạo và sự dốt nát.

Thế nhưng ngay trong lòng cái đám đông dốt nát và thô bạo kia, ta bắt gặp những đam mê quyết liệt, những tình cảm khoan dung, những niềm tin sâu xa và những đức tính hoang dại.

Xã hội được tổ chức theo cách đó có thể có được sự bình ổn, sức mạnh và nhất là có thể có cả vinh quang.

Thế nhưng, đây rồi, các hàng ngũ bị xáo trộn; các rào cản dựng lên để ngăn cách con người bị hạ xuống; các lãnh địa bị đem ra chia cho mọi người, quyền lực bị phân chia, ánh sáng lan toả đi, trí khôn của tất cả thành ngang nhau. Trạng thái xã hội trở nên dân chủ, và cuối cùng vương quốc của nền dân trị được xác lập một cách hoà bình trong các thiết chế và trong các tập tục.

Khi ấy tôi quan niệm về một xã hội mà ở đó, với con mắt nhìn luật pháp như công trình chung của mình, tất cả mọi người đều yêu quý và dễ dàng quy thuận luật pháp. Nơi đó do chỗ uy tín của chính quyền được tôn trọng như một nhu cầu tất yếu chứ không coi nó như thần như thánh, cái tình yêu đối với người đứng đầu nhà nước sẽ chẳng là một thứ đam mê mà là một tình cảm có lí tính và bình tĩnh. Mỗi con người do chỗ đều có các quyền và được bảo đảm giữ được các quyền của mình, nên sẽ hình thành chung cho các giai cấp một mối tin cậy lẫn nhau mạnh mẽ, một sự chiếu cố lẫn nhau, không kênh kiệu và cũng chẳng quỵ luỵ.

Được hiểu biết rõ về các quyền lợi thực sự của mình, nhân dân sẽ hiểu rằng, để được thụ hưởng những tài sản của xã hội, con người phải hoàn thành các nghĩa vụ xã hội giao cho. Sự liên kết tự do của công dân sẽ thay thế cho sức mạnh cá nhân của các nhà quý tộc, và Nhà nước sẽ tránh không có cả nạn bạo chúa lẫn nạn tự do hỗn độn.

Tôi hiểu rằng, trong một Nhà nước dân trị được hình thành theo cách đó, xã hội sẽ không đứng im bất động. Trái lại, các vận động của cơ thể xã hội sẽ có thể được điều chỉnh và theo hướng tiến bộ. Nếu ở cái xã hội đó người ta ít bắt gặp sự hiển hách như trong lòng xã hội quý tộc, thì ta cũng ít bắt gặp những cảnh khốn cùng. Các hưởng thụ ở đó sẽ bớt cực đoan đi và sự sung túc sẽ là chung cho tất cả. Các môn khoa học sẽ bớt đao to búa lớn đi và sự ngu tối sẽ hiếm hoi hơn. Các tình cảm sẽ bớt quyết liệt hơn và các nếp sống của con người sẽ hiền dịu đi. Ta sẽ thấy trong cái xã hội như thế có nhiều tật xấu hơn nhưng lại bớt tội ác đi.

Trong xã hội như thế, do thiếu đi cái tình cảm cuồng nhiệt nhờ tín ngưỡng, thì đôi khi tinh thần sáng láng và trải nghiệm cũng khiến các công dân có được những hi sinh lớn. Mỗi con người do cùng yếu đuối như nhau nên sẽ cảm nhận được cái nhu cầu được ngang bằng với đồng loại. Và do biết rằng mình chỉ có thể được hậu thuẫn với điều kiện mình hậu thuẫn kẻ khác, con người sẽ dễ dàng phát hiện ra rằng quyền lợi riêng của mình hoà lẫn với quyền lợi chung.

Đất nước khi ấy nhìn chung sẽ bớt nổi trội, bớt vinh quang, có thể còn kém hùng cường nữa. Nhưng đại đa số công dân ở đó sẽ có được một thân phận khoẻ khoắn hơn, người dân sẽ biểu lộ vẻ thư thái hơn, không phải vì họ đã thất vọng vì không được sung sướng nhiều hơn nữa, mà vì họ hiểu rằng họ đang sung sướng vừa đủ.

Nếu như trong một trật tự sự vật như thế mà mọi thứ vẫn còn chưa tốt đẹp và chưa hữu ích, thì ít ra xã hội cũng sẽ làm được cho mọi thứ có thể thành ra tốt đẹp lên và hữu ích hơn, và mọi con người, khi họ từ bỏ vĩnh viễn mọi thuận lợi xã hội được nền quý tộc trị đem lại cho, thì cũng sẽ lấy được từ nền dân trị mọi tài sản mà chế độ này có thể cung cấp được cho họ.

Thế nhưng chúng ta, khi từ bỏ trạng thái xã hội do tổ tiên để lại, khi vứt bỏ hết đằng sau lưng mình mọi thiết chế, mọi ý tưởng và mọi tập tục mà các cụ đã tạo dựng nên, thì thay vào đó, chúng ta đã nhận được những gì?

Uy tín của vương quyền đã tiêu tan mà vẫn chưa được thay thế bằng cái uy quyền của luật pháp. Bây giờ, nhân dân khinh rẻ uy quyền, nhưng lại sợ uy quyền, và nỗi sợ tước đoạt đi của nhân dân nhiều hơn những gì ngày xưa lòng tôn kính và tình yêu đã đem lại cho họ.

Tôi nhận thấy là chúng ta đã phá huỷ những cuộc đời cá nhân có khả năng đấu tranh riêng rẽ chống lại chế độ bạo quyền. Nhưng tôi lại thấy một mình chính quyền là kẻ thừa hưởng hết mọi đặc quyền giằng lại từ tay các gia đình, các tập đoàn hoặc các cá nhân: thay thế cho cái sức mạnh đôi khi mang tính áp bức nhưng thường khi vẫn mang tính xây dựng của một thiểu số công dân, bây giờ là sự yếu đuối của tất cả mọi người.

Việc chia nhau các vận may đã làm giảm khoảng cách giữa kẻ giàu người nghèo. Nhưng khi đôi bên xích lại với nhau, dường như cả hai bên đều tìm ra được những lí do mới mẻ để mà ghét nhau, và bằng cách ném vào nhau những ánh mắt đầy hăm doạ và ganh tị, đôi bên đang gạt nhau ra khỏi quyền hành. Cả đôi bên đều không có tư tưởng về các quyền, và với cả đôi bên thì sức mạnh tỏ ra là lí lẽ duy nhất cho hiện tại và là bảo đảm duy nhất cho tương lai.

Kẻ nghèo đã giữ lại hầu hết những định kiến từ cha ông mình, ngoại trừ các niềm tin của cha ông. Họ duy trì cái ngu dốt, nhưng lại đánh mất các đức tính của cha ông. Kẻ nghèo đã chấp nhận cái lí thuyết về quyền lợi làm nguyên lí hành động, mà không hiểu thật rõ nội dung nó có những gì. Và tính ích kỉ của kẻ nghèo cũng mù quáng như lòng tận tuỵ của anh ta trước đây.

Xã hội có vẻ yên ả, không phải vì đã ý thức được về sức mạnh và hạnh phúc của mình, mà ngược lại, vì cảm thấy mình yếu đuối và què quặt. Xã hội sợ bị chết nếu có một chút cố gắng: từng con người cảm nhận được cái xấu xa mà không có lòng dũng cảm và năng lượng cần thiết để đi tìm cái tốt đẹp hơn. Con người có những ước vọng, những tiếc nuối, những nỗi sầu và những niềm vui chẳng tạo ra được chút gì rõ rệt, dài hơi, chúng y hệt như những đam mê của người già chỉ dẫn đến sự bất lực.

Vậy là chúng ta đã trút bỏ những gì từ xưa có thể tỏ ra là tốt, mà lại chẳng thu nhặt được từ hiện tại cái gì tỏ ra là hữu ích. Chúng ta đã tiêu diệt một xã hội quý tộc trị, và hoan hỉ dừng chân giữa đống đổ nát của toà lâu đài xưa, dường như chúng ta đang muốn cầm chân mình mãi mãi ở một chốn này.

Tình hình trong giới trí thức cũng không kém thương tâm.

Bị vướng bước tiến lên hoặc bị bỏ rơi không chỗ bấu víu giữa những đam mê lộn xộn, nền dân trị ở Pháp đã lật nhào mọi thứ gì nó bắt gặp trên đường và làm lung lay mọi thứ gì nó chưa tiêu diệt được. Ta chẳng hề thấy nền dân trị đó dần dần chiếm lấy xã hội để yên ả tạo dựng cơ đồ ở đó. Nền dân trị ở Pháp không ngừng tiến bước giữa những lộn xộn và những náo loạn của một trận đánh.

Được kích động vì sự sục sôi của trận chiến, bị đẩy quá đà ra khỏi các giới hạn tự nhiên của quan điểm riêng do các quan điểm và các chỗ quá trớn của phe đối lập, thế là mất hút chẳng ai còn thấy ngay cả đối tượng mà mình đeo đuổi và đều dùng một thứ ngôn ngữ thể hiện sai lạc những tình cảm thật của mình cũng như các bản năng kín đáo của mình.

Từ đó mà có cái cảnh hỗn loạn khiến chúng ta bị buộc phải trở thành chứng nhân.

Tôi hoài công đi tìm trong kí ức mà chẳng thấy có điều gì khêu gợi lên nỗi đau và lòng thương cảm hơn những gì đang diễn ra ngay trước mắt mình. Dường như ngày nay người ta đã cắt đứt mất cái mối dây liên hệ tự nhiên gắn bó ý kiến với thị hiếu và gắn bó hành động với niềm tin. Mối thiện cảm nổi bật muôn thuở giữa tình cảm và tư tưởng của con người hình như đã bị phá huỷ mất, và có thể nói được rằng mọi quy luật về sự tương đồng về luân lí đã bị xoá sổ.

Giữa chúng ta, vẫn còn bắt gặp những người Ki Tô hữu đầy nhiệt thành, trong tâm hồn vẫn ưa nuôi dưỡng những chân lí thuộc về một kiếp sống khác. Không nghi ngờ gì, những con người này rồi sẽ đứng lên ủng hộ nền tự do của con người, nguồn suối của mọi tầm cao đạo đức. Đạo Ki Tô, cái tôn giáo đã làm cho mọi con người bình đẳng trước Chúa, sẽ không chống đối việc mọi công dân bình đẳng trước luật pháp. Nhưng, do những sự kiện kì cục hội lại được với nhau, tôn giáo có lúc nhất thời tham gia vào với các thế lực đã bị nền dân trị lật đổ, và có nhiều khi tôn giáo đứng ra đẩy lùi sự bình đẳng nó vốn yêu dấu và phỉ nhổ sự tự do như phỉ nhô một kẻ thù, trong khi nếu nắm lấy bàn tay của Tự do thì Tôn giáo ắt đã có thể ban phép thánh cho các nỗ lực tự do ấy.

Bên cạnh những con người có tín ngưỡng đó, tôi thấy có những người mắt ngoảnh về mặt đất chứ không hướng lên trời. Là những chiến sĩ của Tự do, không chỉ vì họ thấy ở đó nguồn cội của những đức tính cao quý, mà vì họ còn thấy ở đó nguồn cội của mọi điều tốt lành lớn lao, họ thành thật bảo đảm dựng xây cơ đồ của mình và giúp con người được nếm các thành tựu tốt đẹp họ thực hiện: tôi hiểu rằng những người này sẽ vội vã kêu gọi Tôn giáo đứng ra trợ giúp, vì họ biết rằng họ không thể tạo dựng triều đại của tự do mà lại thiếu triều đại của những tập tục, cũng chẳng thể xây dựng tập tục mà lại thiếu niềm tin. Nhưng họ lại bắt gặp tôn giáo trong hàng ngũ kẻ thù của mình. Và thế là quá đủ: có những người trong bọn họ tiến công tôn giáo, còn những người khác thì không dám bênh vực tôn giáo.

Trải những thế kỉ qua, đã từng thấy có những tâm hồn hèn hạ và vụ lợi chủ trương chế độ nô lệ, trong khi những trái tim độc lập và quảng đại lại đấu tranh vô vọng để cứu vớt nền tự do của con người. Nhưng ngày nay ta cũng thường gặp những con người bản chất cao quý và kiêu hãnh có những quan điểm trực tiếp chống lại thị hiếu của họ, và họ tán dương tinh thần nô lệ cùng thói ti tiện mà không khi nào chịu thừa nhận các điều kiện ấy nơi chính mình. Ngược lại, có những người khác thì nói về tự do như thể họ có thể cảm nhận được những gì thánh thiện và to tát trong khái niệm đó, và họ lớn tiếng đòi hỏi cho con người những quyền mà con người lại luôn luôn không nhận ra hết giá trị.

Tôi nhận ra những con người đạo đức và hiền hoà, nhờ tập tục trong sáng, nhờ nếp sống bình thản, nhờ tính tình thoải mái và trí tuệ sáng láng, đã luôn luôn không chút khiên cưỡng được mọi người xung quanh đẩy lên vị trí hàng đầu. Đầy tình yêu chân thành với tổ quốc, họ sẵn sàng hi sinh lớn lao cao quý cho tổ quốc. Thế nhưng nền văn minh lại luôn coi họ là kẻ thù, vì những người này đã lẫn lộn những việc quá trớn với những việc tốt đẹp, và trí óc họ luôn luôn nghĩ rằng cái ác bao giờ cũng gắn bó chặt chẽ với cái mới.

Gần gũi với những người này, tôi còn thấy những con người nhân danh sự tiến bộ đang cố công cố sức vật chất hoá con người, họ muốn tìm thấy cái hữu ích mà không quan tâm đến cái công bằng, muốn tìm khoa học xa cách hẳn các niềm tin, và muốn tìm cái hạnh phúc tách rời với đức hạnh. Những con người này tự coi mình là kẻ quán quân của nền văn minh hiện đại, và họ hỗn hào tự đặt mình đứng lên trên đầu của nền văn minh ấy, họ đoạt lấy cái vị trí mà người ta đã vứt bỏ và tính cách bất lương khiến họ bị mọi người xua đuổi.

Vậy chúng ta đang ở đâu đây?

Những con người có tín ngưỡng thì chống lại Tự do, còn những người anh em của Tự do tiến công các tôn giáo. Những tư tưởng cao quý và quảng đại ca ngợi chế độ nô lệ, và những tâm hồn thấp hèn và nô lệ tiên báo sự độc lập của con người. Những công dân lương thiện và sáng láng thành kẻ thù của mọi điều tiến bộ trong khi những con người không có lòng yêu nước và vô phẩm hạnh lại tự coi mình là những thánh tông đồ của văn minh và khai sáng!

Phải chăng mọi thế kỉ khác đều tương tự như thế kỉ chúng ta? Liệu có phải, cũng như ngày nay, con người lúc nào cũng có trước mắt mình một thế giới không cái gì ràng buộc cái gì? Một thế giới ở đó đức độ thì bất tài và thiên tài thì không danh dự, ở đó tình yêu trật tự bị lẫn với thị hiếu của kẻ bạo chúa, và sự tôn thờ thánh thiện đối với Tự do bị lẫn lộn với sự khinh bỉ pháp luật, nơi lương tâm chỉ toả chút ánh sáng đáng ngờ lên mọi hành vi của con người, nơi mọi thứ dường như chẳng còn bị cấm đoán, cũng chẳng ai cho phép, chẳng còn gì là lương thiện cũng chẳng còn gì là hổ thẹn, không còn đúng cũng chẳng còn sai?

Liệu tôi có nghĩ rằng Đấng sáng thế đã tạo ra con người để rồi bắt nó tự vùng vẫy vô mục đích giữa những khốn cùng trí tuệ đang bao quanh chúng ta? Tôi không dám tin vào điều đó. Thiên Chúa chuẩn bị cho các xã hội Âu châu một tương lai cố định và yên bình hơn nhiều. Tôi không biết được Thiên Chúa có những ý đồ gì, nhưng tôi không bao giờ ngừng tin vào điều ấy vì tôi chẳng sao vào sâu được chốn ấy cả, và tôi những mong cứ hoài nghi mình không sáng láng chứ không dám hồ nghi Thiên Chúa kém công bằng.

Có một đất nước kia nằm trong một thế giới nơi ấy cuộc đại cách mạng xã hội mà tôi vừa nhắc đến dường như gần đạt được các giới hạn tự nhiên. Cuộc cách mạng đó dường như diễn ra ở đất nước ấy một cách giản dị và dễ dàng. Hoặc giả, ta cũng có thể nói đất nước ấy nhìn thấy những kết quả của cuộc cách mạng dân chủ đang diễn ra ngay tại nơi chúng ta đang sống mà chẳng hề có cuộc “cách mạng” nào xảy ra hết nơi đất nước họ.

Những người di dân tới cắm rẻ ở đất Mĩ hồi đầu thế kỉ thứ XVII đã theo cách nào đó rút ra được nguyên lí dân chủ từ tất cả những gì họ đã đấu tranh chống lại trong lòng các xã hội cũ ở châu Âu, và rồi họ chỉ đem nguyên lí đó cấy lên đôi bờ của Tân thế giới. Tại đó, nó được lớn lên trong tự do, và đồng hành cùng tập tục, nó được phát triển thanh bình trong luật pháp.

Không còn gì hồ nghi, tôi cảm thấy sớm hay muộn thì, cũng như người Mĩ, chúng ta cũng sẽ tới được sự bình đẳng của gần như hoàn toàn các điều kiện. Tôi không hề có ý định rút ra kết luận là một ngày nào đó, trong một trạng thái xã hội tương tự, tất yếu chúng ta cũng sẽ rút ra những hệ quả chính trị như người Mĩ từng làm. Tôi không hề tin rằng người Mĩ đã tìm ra được hình thức chính quyền duy nhất khả dĩ đem lại được Dân chủ. Nhưng ở cả hai nước chỉ cần có cùng một cái nguyên nhân tạo sinh ra luật pháp và tập tục là đủ để chúng ta có được cái hứng thú mênh mông đi tìm xem ở mỗi nước nguyên nhân đó đã thành tựu nên những sản phẩm gì.

Tôi đã đi xem xét nước Mĩ không chỉ nhằm thoả mãn tò mò, dù đó là tò mò chính đáng. Tôi muốn tìm thấy ở đó những chỉ dẫn mà chúng ta có thể khai thác có lợi. Bạn đọc sẽ vô cùng sai lầm nếu nghĩ rằng tôi muốn làm một bài tán tụng nước Mĩ. Bất cứ ai đọc sách này sẽ thực sự nhận ra rằng tôi không hề có mảy may ý định như vậy. Mục đích của tôi cũng chẳng phải là để tiên báo một hình thức chính quyền nói chung. Vì tôi nằm trong số những người tin rằng hầu như chẳng khi nào có thể có điều tốt lành tuyệt đối trong luật pháp. Tôi cũng chẳng có ý định phán xét cái cuộc cách mạng xã hội mà bước tiến của nó tôi cảm thấy là tất yếu liệu nó có là đại lợi hay là đại hoạ cho nhân loại. Tôi chấp nhận cuộc cách mạng này như một việc đã rồi, và trong số những dân tộc đã chứng kiến cuộc cách mạng đó diễn ra trong lòng mình, tôi đi tìm cái dân tộc nào phát triển nó đầy đủ nhất và hoà bình nhất đặng nhìn cho rõ ràng những hậu quả tự nhiên của nó, và nếu có thể thì tìm xem đâu là những phương tiện để khiến nó làm lợi được cho con người. Tôi phải thú nhận rằng, ở bên trong nước Mĩ, tôi nhìn thấy được cái gì đó còn nhiều hơn là nước Mĩ. Tôi đi tìm ở đó cái hình ảnh của chính nền dân trị, các thiên hướng của nó, đặc tính của nó, các định kiến của nó, các đam mê của nó. Tôi những muốn hiểu rõ nó, cho dù chỉ để biết xem ít ra chúng ta có thể hi vọng gì và e ngại gì ở cuộc cách mạng xã hội ấy.

Vậy là, trong phần thứ nhất của bộ sách này, tôi thử chỉ ra hướng đi của cái nền dân trị ở nước Mĩ, cái được để kệ cho thiên hướng của chính nó và gần như bị bỏ mặc cho bản năng của nó, cái nền dân trị ấy thật tự nhiên lại tạo được dấu ấn vào luật pháp để đem lại dấu ấn trong cách quản trị xã hội, và nói chung là toàn bộ sức mạnh nó đem lại trong mọi công chuyện của đất nước. Tôi muốn hiểu xem nó đã tạo ra đâu là những điều hay và đâu là những điều dở. Tôi tìm tòi xem người Mĩ đã có những dự phòng gì khi sử dụng và điều khiển công cụ dân trị ấy, và những gì họ tránh không thực hiện, và tôi đã có dịp được thấy những nguyên nhân cho phép nó điều hành được xã hội.

Mục đích của tôi là, sang phần thứ hai của bộ sách, sẽ phác hoạ được ảnh hưởng của sự bình đẳng về các điều kiện ở nước Mĩ, xem nó đã tác động ra sao lên cách điều hành dân chủ đối với xã hội dân sự, đối với các nếp sống, các tư tưởng và tập tục. Nhưng tôi bắt đầu cảm thấy bớt hăng hái hoàn thành ý định đó. Trước khi tôi có thể thực hiện được cái nhiệm vụ tự giao phó đó, công việc của tôi sẽ gần như là vô ích. Vì một người khác rồi sẽ trình bạn đọc những nét chính yếu tính cách người Mĩ, và ẩn bên dưới tấm mạng mỏng những miêu tả nặng nề, thực ra vẫn đem lại cho ta một sự duyên dáng mà tôi không tài nào làm nổi như thế trong sách của mình.

Tôi không hiểu mình có thành công không trong việc hiểu biết kĩ càng những điều mắt thấy tai nghe ở nước Mĩ, nhưng tôi tin là mình chân thành ước mong làm được điều đó, và tôi sẽ không khi nào vô tình để cho mình khi cần thiết thì bóp dữ kiện cho phù hợp với ý tưởng thay vì bắt tư tưởng phải phục tùng các dữ kiện.

Khi có thể xác định được điểm nào đó nhờ các tư liệu viết, tôi thận trọng tìm những tư liệu văn bản gốc và những tác phẩm chính xác nhất và có uy tín nhất. Tôi chỉ rõ các nguồn tư liệu ở phần Chú thích, và ai cũng có thể kiểm chứng được. Còn với vấn đề quan điểm, ý kiến, các xử thế chính trị, quan sát tập tục, tôi đã tìm cách hỏi ý kiến những người đầu óc sáng láng nhất. Nếu có chỗ nào có chuyện quan trọng mà còn hồ nghi, tôi không chỉ dựa vào một bằng chứng, mà quyết định mình phải dựa trên toàn bộ các bằng chứng.

Còn việc này, điều cần thiết là bạn đọc hãy tin vào lời tôi. Thường thì, để trụ đỡ cho ý kiến của mình, tôi có thể dẫn ra những tên tuổi bạn đọc quen biết hoặc ít ra cũng đáng để bạn đọc tin cậy. Nhưng tôi lại không làm điều đó. Khi ta là một khách lạ, có khi ta học được nhiều chân lí quan trọng hơn ở bên bếp lửa của vị gia chủ thân tình phơi bày tâm can ra cho. Ta thấy mình nhẹ lòng khi buộc mình phải kín tiếng. Ta chẳng e ngại chuyện tò mò, vì nó qua đi. Từng điều gia chủ bộc bạch được tôi ghi lại ngay sau buổi chuyện trò, nhưng tôi không bao giờ thò chúng ra hết. Tôi những mong thà làm hại cho sự thành công của sách mình viết ra, còn hơn là thêm tên mình vào danh sách những kẻ du hành thường vẫn đem nỗi phiền muộn cùng những bối rối đền đáp lại lòng mến khách rộng lượng mình đã nhận được.

Tôi biết rằng, cho dù tôi đã thật cẩn trọng, song chẳng có gì dễ hơn là chê cuốn sách này nếu như có ai nghĩ đến việc phê phán nó.

Tôi nghĩ rằng, những ai muốn soi xét kĩ lưỡng sẽ thấy trong toàn bộ công trình một tư tưởng chủ đạo như thể đi xuyên suốt các phần. Thế nhưng, những điều tôi phải khảo sát lại có số lượng rất lớn và vô cùng đa dạng. Và nếu có ai đem một sự việc riêng rẽ đối lập với toàn bộ sự việc tôi đã dẫn, nếu có ai lấy một ý tưởng tách khỏi toàn bộ các ý tưởng, việc làm đó thật chẳng khó khăn gì. Vậy là tôi mong mỏi mọi người cho tôi cái ân huệ hãy đọc sách này theo cùng cái tư tưởng đã ngự trị công việc tôi tiến hành, và hãy phán xét sách này theo cái ấn tượng chung cuốn sách gửi lại bạn sau khi đọc, hệt như tôi đã quyết định cho mình, không chỉ vì một lí do nào đó mà vì vô vàn lí do.

Xin cũng đừng quên là một tác giả muốn được mọi người hiểu rõ mình buộc phải đẩy từng ý tưởng của mình tới mọi hệ quả lí thuyết, lắm khi đẩy tới những giới hạn của cái sai và cái bất khả thi. Bởi vì nếu như đôi khi trong hành động ta cần thiết phải xa rời các nguyên tắc logic, ta khó có thể làm như vậy trong nói năng. Ta hầu như bắt gặp những khó khăn như nhau trong cách nói năng đầu Ngô mình Sở cũng như khi tìm cách để có được sự nhất quán trong hành động.

Tôi xin kết thúc lời dẫn nhập này bằng cách tự chỉ ra cho mình điều mà rất nhiều bạn đọc sẽ coi như khuyết điểm cơ bản của công trình. Cuốn sách này không thực sự nhắm vào một đối tượng nào. Khi viết sách này, tôi không quan tâm phục vụ hoặc chống lại bất kì phe phái nào. Tôi tìm cách hiểu thấu vấn đề không theo cách làm cho nó khác mà theo cách nhìn xa hơn các phe phái. Và trong khi các phe phái lo toan đến ngày mai, thì tôi muốn lo nghĩ cho tương lai.

Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)

Dịch giả:
Phạm Toàn

Tác giả liên quan