[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương VIII: Không Phải Trên Lãnh Địa Của Chúng Ta - Các Rào Cản Phát Triển (Phần 1)

[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương VIII: Không Phải Trên Lãnh Địa Của Chúng Ta - Các Rào Cản Phát Triển (Phần 1)

LỆNH CẤM IN

NĂM 1445 Ở THÀNH PHỐ MAINZ nước Đức, Johannes Gutenberg cho ra đời một phát minh với những hệ quả sâu sắc trong lịch sử kinh tế về sau: máy in theo phương pháp typo sắp chữ (movable type). Cho đến lúc bấy giờ, sách vở hoặc được những người chép thuê chép lại bằng tay, một quá trình cần cù chậm chạp, hoặc phải in bằng bản khắc gỗ cho từng trang. Sách vở rất ít ỏi, thưa thớt và rất đắt đỏ. Sau phát minh của Guttenberg, sự việc bắt đầu thay đổi. Sách được in ấn và trở nên phong phú hơn. Không có phát minh này, việc phổ cập chữ viết và giáo dục ắt hẳn sẽ không thể đạt được.

Ở Tây Âu, tầm quan trọng của máy in nhanh chóng được công nhận. Năm 1460, đã có một chiếc máy in vượt qua biên giới đến Strasbourg nước Pháp. Đến cuối thập niên 1460, công nghệ in đã lan khắp nước Ý, với các máy in ở Rome và Venice, rồi chẳng mấy chốc đến Florence, Milan và Turin. Năm 1476, William Caxton lắp đặt một chiếc máy in ở Luân Đôn, và hai năm sau Oxford cũng có một chiếc. Cũng trong thời kỳ này, hoạt động in ấn lan khắp các nước tây bắc châu Âu vào Tây Ban Nha và thậm chí sang Đông Âu, với một chiếc máy in hoạt động ở Budapest vào năm 1473 và ở Cracow một năm sau.

Không phải mọi người đều xem máy in là một phát minh đáng mong đợi. Ngay từ năm 1485, quốc vương Hồi giáo Ottoman Sultan Bayezid II đã ban hành chiếu chỉ rằng các tín đồ Hồi giáo không được in bằng tiếng Ảrập. Luật này được quốc vương Sultan Selim I củng cố hơn nữa vào năm 1515. Mãi đến năm 1727, chiếc máy in đầu tiên mới được phép hoạt động trên lãnh thổ Ottoman khi quốc vương Sultan Ahmed III ban chiếu chỉ cho phép İbrahim Müteferrika lắp đặt một chiếc máy in. Ngay cả bước đi muộn màng này cũng vướng phải nhiều ràng buộc. Mặc dù chiếu chỉ nhận định “kể từ ngày may mắn này, kỹ thuật phương Tây này sẽ được vén màn như một cô dâu và sẽ không bị che giấu nữa”, nhưng chiếc máy in của Müteferrika vẫn bị giám sát chặt chẽ. Chiếu chỉ viết:

Để sách in không bị in sai, việc đọc và sửa bản in thử sẽ được giám sát bởi các học giả mộ đạo uyên thâm, đáng kính và xứng đáng, chuyên về Luật Hồi giáo - Kadi xuất chúng của thành phố Istanbul, Mevlana İshak, Kadi của xứ Selaniki, Mevlana Sahib và Kadi của xứ Galata, Mevlana Asad, cầu chúc cho công trạng của họ được gia tăng - và từ các trật tự tôn giáo lừng lẫy, cột trụ của các học giả mộ đạo chính trực, Sheykh của xứ Kasim Paşa Mevlevihane, Mevlana Musa, cầu chúc cho sự uyên bác và tri thức của ông được gia tăng.

Müteferrika được phép lắp đặt một máy in, nhưng bất luận sản phẩm nào ông in ra cũng phải được kiểm duyệt chặt chẽ bởi một hội đồng gồm ba học giả luật pháp và tôn giáo, được gọi là Kadi. Giá như máy in được phép sử dụng sớm hơn thì có lẽ sự uyên bác và tri thức của các Kadi, cũng như mọi người khác, sẽ gia tăng nhanh hơn. Nhưng điều đó đã không xảy ra, ngay cả khi Müteferrika đã được phép lắp đặt máy in.

Không hề ngạc nhiên, cuối cùng Müteferrika chỉ in được một số lượng sách ít ỏi, vẻn vẹn 17 cuốn kể từ năm 1729 khi máy in của ông bắt đầu vận hành cho đến năm 1743 lúc ông ngưng hoạt động. Gia đình ông cố gắng tiếp tục truyền thống, nhưng cũng chỉ xoay sở in thêm được 7 quyển sách nữa cho đến khi họ bỏ cuộc vào năm 1797. Bên ngoài trung tâm Đế chế Ottoman ở Thổ Nhĩ Kỳ, việc in ấn thậm chí còn chậm trễ hơn. Ví dụ như ở Ai Cập, chiếc máy in đầu tiên chỉ xuất hiện vào năm 1798 do người Pháp lắp đặt, vốn là một phần trong nỗ lực sớm thất bại của Napoleon Bonaparte nhằm chiếm đất nước này. Mãi đến nửa sau thế kỷ 19, việc sản xuất sách ở Đế chế Ottoman chủ yếu vẫn được thực hiện bởi những người chép thuê, chuyên chép lại những quyển sách hiện hữu bằng tay. Vào đầu thế kỷ 18, người ta cho là có đến 80 nghìn người chép thuê hoạt động ở Istanbul.

Việc phản đối máy in gây ra những hậu quả hiển nhiên đối với tỷ lệ biết chữ, giáo dục và thành công kinh tế. Năm 1800, có lẽ chỉ có 2-3% dân chúng Đế chế Ottoman biết chữ, so với tỷ lệ biết chữ là 60% ở nam giới trưởng thành và 40% ở nữ giới trưởng thành của nước Anh. Ở Hà Lan và Đức, tỷ lệ biết chữ thậm chí còn cao hơn. Các vùng lãnh thổ của Ottoman tụt lại đằng sau các nước châu Âu với trình độ học vấn thấp nhất trong thời kỳ này, như Bồ Đào Nha, nơi chỉ có khoảng 20% người trưởng thành biết đọc và biết viết.

Với các thể chế có tính chiếm đoạt và chuyên chế cao độ của Đế chế Ottoman, sự chống đối máy in của quốc vương Hồi giáo thật dễ hiểu. Sách vở giúp truyền bá ý tưởng và làm cho dân chúng trở nên khó kiểm soát hơn. Một số ý tưởng này có thể là những phương thức mới mẻ quý giá để nâng cao tăng trưởng kinh tế, nhưng những ý tưởng khác có thể có tính chất lật đổ và thách thức hiện trạng chính trị và xã hội hiện hữu. Sách vở cũng làm xói mòn quyền lực của những người kiểm soát tri thức truyền khẩu, vì sách vở làm cho tri thức đó sẵn có đối với bất kỳ ai có thể đọc thông viết thạo. Điều này đe dọa xói mòn hiện trạng, trong đó tri thức đang được kiểm soát bởi giới quyền thế. Các quốc vương Ottoman và giới quyền thế mộ đạo lo sợ sự phá hủy sáng tạo có thể xảy ra. Giải pháp của họ là cấm tiệt hoạt động in ấn.

CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP tạo ra một thời điểm quyết định, ảnh hưởng đến hầu hết mọi quốc gia. Một vài quốc gia như nước Anh không chỉ cho phép mà còn tích cực khuyến khích hoạt động thương mại, công nghiệp hóa và tinh thần nghiệp chủ, và đất nước đã tăng trưởng nhanh chóng. Nhiều nước như Đế chế Ottoman, Trung Quốc và các chính thể chuyên chế khác bị tụt hậu vì họ ngăn chặn, hay ít nhất là không làm gì để khuyến khích việc mở mang công nghiệp. Các thể chế chính trị và kinh tế định hình phản ứng đối với đổi mới công nghệ, một lần nữa cũng tạo ra mô thức tương tác quen thuộc giữa các thể chế hiện hữu và các thời điểm quyết định dẫn đến sự phân hóa thể chế và các kết quả kinh tế.

Đế chế Ottoman vẫn giữ nguyên chế độ chuyên chế cho đến khi sụp đổ vào lúc kết thúc Thế chiến thứ nhất, và vì thế đã chống đối hay ngăn chặn một cách thành công những phát minh đổi mới như máy in và sự phá hủy sáng tạo đi kèm. Lý do khiến những thay đổi kinh tế xảy ra ở Anh đã không xảy ra ở Đế chế Ottoman là do mối liên kết tự nhiên giữa các thể chế chính trị chuyên chế chiếm đoạt và các thể chế kinh tế chiếm đoạt. Chủ nghĩa chuyên chế là sự cai trị không được giới hạn bằng luật pháp hay nguyện vọng của người khác, mặc dù trên thực tế những kẻ chuyên chế cai trị với sự ủng hộ của một nhóm thiểu số hay của giới quyền thế. Ví dụ như ở nước Nga vào thế kỷ 19, các Sa hoàng là những vị vua chuyên chế được ủng hộ bởi giới quý tộc chiếm khoảng 1% dân số. Nhóm thiểu số này tổ chức các thể chế chính trị để duy trì vĩnh viễn quyền lực của họ. Không có Quốc hội hay sự đại diện chính trị của các thành phần xã hội khác ở nước Nga mãi cho đến năm 1905, khi Sa hoàng thành lập Viện Duma, thế nhưng ông đã nhanh chóng lũng đoạn chút quyền lực ít ỏi mà ông đã trao cho viện này. Chẳng lạ gì, các thể chế kinh tế trở nên có tính chiếm đoạt, được tổ chức để làm cho Nga hoàng và giới quý tộc trở nên ngày càng giàu có. Nền tảng của hệ thống này, cũng như nhiều hệ thống kinh tế chiếm đoạt khác, là hệ thống kiểm soát và cưỡng bức lao động dưới hình thức chế độ nông nô nước Nga đặc biệt tàn khốc.

Chủ nghĩa chuyên chế không phải là loại thể chế chính trị duy nhất ngăn cản công nghiệp hóa. Mặc dù các chính thể chuyên chế không có tính đa nguyên và lo sợ sự phá hủy sáng tạo, nhiều chính thể có nhà nước tập quyền, hay chí ít cũng là nhà nước đủ tập trung để cấm đoán những phát minh đổi mới như máy in. Thậm chí ngày nay, ở những nước như Afghanistan, Haiti và Nepal, nhà nước không có sự tập trung hóa chính trị. Ở vùng hạ Sahara châu Phi, tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn. Như chúng ta đã lập luận trên đây, không có một nhà nước tập quyền để mang lại trật tự trị an và thực thi luật pháp cũng như các quyền sở hữu, thì không thể có được các thể chế dung hợp. Trong chương này, chúng ta sẽ thấy rằng ở nhiều nước thuộc vùng hạ Sahara châu Phi (ví dụ như Somalia và Nam Sudan), rào cản lớn đối với công nghiệp hóa là tình trạng thiếu mọi hình thức tập trung hóa chính trị. Không có các điều kiện tiên quyết tự nhiên này, thì cũng không có cơ may nào để công nghiệp hóa cất cánh.

Chủ nghĩa chuyên chế và tình trạng thiếu tập trung hóa chính trị là hai rào cản khác nhau đối với việc mở mang công nghiệp. Nhưng chúng có quan hệ với nhau; cả hai đều tồn tại do nỗi lo sợ sự phá hủy sáng tạo và do quá trình tập trung hóa quyền lực thường tạo ra xu hướng dẫn đến chủ nghĩa chuyên chế. Việc chống lại tập trung hóa chính trị cũng có những lý do tương tự như việc chống lại các thể chế chính trị dung hợp, đó là nỗi lo sợ mất quyền lực chính trị về tay nhà nước tập quyền và những người kiểm soát nó. Trong chương trước, chúng ta đã thấy quá trình tập trung hóa chính trị dưới triều đại Tudor ở Anh đã làm tăng nhu cầu về tiếng nói và sự đại diện cho các giới quyền thế địa phương khác nhau trong các thể chế chính trị quốc gia như một phương thức để ngăn chặn tình trạng mất quyền lực chính trị này. Một Quốc hội vững mạnh hơn ra đời, cuối cùng dẫn đến sự vươn lên của các thể chế chính trị dung hợp.

Nhưng trong nhiều trường hợp khác, điều ngược lại đã xảy ra, và quá trình tập trung hóa chính trị cũng mở ra một thời kỳ chuyên chế nhiều hơn. Điều này được minh họa qua nguồn gốc của chủ nghĩa chuyên chế ở Nga, do Peter Đại Đế dựng lên từ năm 1682 đến khi ông băng hà vào năm 1725. Peter xây dựng kinh đô mới ở Saint Peterburg, tước đoạt quyền lực từ giới quý tộc cũ, các thống soái, nhằm tạo ra một bộ máy nhà nước và quân đội hiện đại. Ông thậm chí còn giải tán Viện Duma, thể chế đã từng đưa ông lên làm Nga hoàng. Peter dựng lên Bảng Cấp bậc, một hệ thống tôn ti trật tự xã hội hoàn toàn mới, mà thực chất là phục vụ cho Nga hoàng. Ông cũng kiểm soát Nhà thờ như Vua Henry VIII đã làm khi tập trung hóa nhà nước ở Anh. Với quá trình tập trung hóa chính trị này, Peter tước đoạt quyền lực của những người khác để chuyển sang cho chính ông. Công cuộc cải cách quân đội của ông đã làm cho lực lượng cận vệ hoàng gia Streltsy dấy loạn. Cuộc bạo loạn của họ được tiếp nối bằng những cuộc khởi nghĩa khác như khởi nghĩa của người Bashkir ở Trung Á và cuộc bạo loạn Bulavin. Không cuộc khởi nghĩa nào thành công.

Mặc dù dự án tập trung hóa chính trị của Peter Đại Đế đã thành công và chế ngự mọi chống đối, nhưng các áp lực chống lại tập trung hóa nhà nước, như vụ bạo loạn Streltsy từ những người nhận thấy quyền lực của họ bị thách thức, đã chiến thắng ở nhiều nơi khác trên thế giới, và từ đó dẫn đến tình trạng thiếu tập trung hóa nhà nước; và điều này có nghĩa là sự tồn tại dai dẳng của một loại thể chế chính trị chiếm đoạt khác.

Trong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu xem vào thời điểm quyết định hình thành từ cuộc Cách mạng công nghiệp, nhiều quốc gia đã bỏ lỡ chuyến tàu và không tranh thủ được lợi thế của việc mở mang công nghiệp như thế nào. Hoặc là họ có các thể chế kinh tế chiếm đoạt và các thể chế chính trị chuyên chế như ở Đế chế Ottoman, hoặc là họ thiếu sự tập trung hóa chính trị, như ở Somalia.

Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)

Dịch giả:
Trần Thị Kim Chi
Hiệu đính:
Vũ Thành Tự Anh