[Từ nhà nước điều hành sang nhà nước kiến tạo phát triển] - Chương 2: Xây dựng và cải cách hệ thống thể chế ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam (Phần 2.5)

[Từ nhà nước điều hành sang nhà nước kiến tạo phát triển] - Chương 2: Xây dựng và cải cách hệ thống thể chế ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam (Phần 2.5)

2.5. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH

Trong những năm ngần đây, Việt Nam đã phần nào thành công trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Nền kinh tế đã chuyển từ trạng thái tăng trưởng cao, lạm phát cao và bất ổn, hệ thống tài chính dễ tổn thương bởi nợ xấu cao, sang trạng thái tăng trưởng và lạm phát vừa phải và sự lành mạnh của hệ thống tài chính dần được cải thiện. Tuy nhiên, cùng với quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng trong khi hệ thống thể chế quản lý và giám sát kinh tế vĩ mô còn yếu kém, Việt Nam đang phải đối mặt với những rủi ro và thách thức gây bất ổn định kinh tế vĩ mô. Có thể kể đến một loạt những rủi ro và thách thức bao gồm: thâm hụt ngân sách dai dẳng và nợ công tăng cao trong khi nguồn thu ngân sách nhà nước bấp bênh và thậm chí là có nguy cơ sụt giảm trong quá trình hội nhập; hiệu quả sử dụng các nguồn lực không cao khiến lạm phát trong nước luôn bất ổn và phụ thuộc nhiều vào giá cả trên thị trường thế giới; CSTT chưa thực sự minh bạch và có xu hướng phụ thuộc nhiều vào sự mở rộng tài khóa của Chính phủ; hệ thống tài chính chưa thực sự an toàn, tiềm ẩn tỷ lệ nợ xấu cao và dễ tổn thương với các cú sốc bên ngoài, v.v. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần xây dựng và hoàn chỉnh cho riêng mình một hệ thống thể chế quản lý và giám sát ổn định kinh tế vĩ mô một cách đầy đủ, toàn diện, có khả năng phòng ngừa và chống chọi với các cú sốc bên trong cũng như bên ngoài một cách hiệu quả.

Mặc dù cho tới nay nhiều loại hình thể chế ổn định vĩ mô đã được áp dụng ở Việt Nam, ví dụ như: các nguyên tắc vay nợ của Chính phủ, hay các ngưỡng an toàn nợ công, nợ nước ngoài đã được áp dụng; CSTT đã có mục tiêu rõ ràng hơn; các tiêu chí giám sát ổn định tài chính, các quy định về vay ứng ngoại hối, bảo hiểm tiền gửi, các quy chế chia sẻ thông tin giữa Bộ Tài chính và NHNN, v.v. đã được thực hiện. Tuy vậy, so với các chuẩn mực và thông lệ trên thế giới thì hệ thống các thể chế ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam vẫn còn nhiều thiếu sót. Đặc biệt, việc thực thi các kỷ luật ngân sách và tài khóa quá lỏng lẻo do thiếu các chế tài thực thi; các ngưỡng an toàn tài khóa chậm được cập nhật trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến đổi; CSTT đôi khi còn ôm đồm quá nhiều mục tiêu, chưa thực sự minh bạch trong quy trình hay cách thức ra chính sách, và thiếu sự phối hợp chặt chẽ với CSTK; các công cụ giám sát và điều tiết tài chính còn yếu và thiếu dẫn đến nguy cơ đổ vỡ của nhiều tổ chức tài chính. Đây chính là những điểm hạn chế, thiếu sót, đòi hỏi Việt Nam cần hoàn thiện để giữ được sự ổn định vĩ mô trong bối cảnh mới.

Về cơ bản, chúng tôi cho rằng có bốn nhóm thể chế ổn định kinh tế vĩ mô mà Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện, bao gồm: (i) thể chế tài khóa; (ii) thể chế tiền tệ; (iii) thể chế giám sát tài chính và; (iv) thể chế phối hợp giữa các chính sách. Mỗi nhóm thể chế này có thể có những mục tiêu và công cụ riêng, nhưng nhìn chung chúng phải hướng tới mục tiêu cuối cùng là đảm bảo sự ổn định và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, đồng thời có khả năng ứng phó với những cú sốc trong ngắn hạn từ bên trong cũng như bên ngoài nền kinh tế.

Với thể chế tài khóa, Việt Nam cần chuẩn hóa cách hạch toán và hợp nhất các quy tắc/chuẩn mực tài khóa theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, CSTK nên được thiết kế theo hướng nghịch thay vì thuận chu kỳ như hiện nay. Tức là, trong thời kỳ tăng trưởng tốt, ngân sách cần được thiết kế theo hướng có thặng dư, hoặc ít nhất là phải giảm thâm hụt. Đặc biệt, các quy tắc này phải được đặt trong một khung thể chế có hiệu lực thực thi nghiêm ngặt. Nếu xảy ra vi phạm, cần đặt ra giới hạn thời gian cụ thể cho việc điều chỉnh về ngưỡng, quy định cho phép. Tuy nhiên, các thể chế này cũng cần phải có độ linh hoạt cần thiết để phản ứng trước những cú sốc kinh tế - tài chính từ bên trong và bên ngoài như trong trường hợp có khủng hoảng kinh tế - tài chính hay thiên tai trầm trọng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tăng cường năng lực và hiệu quả giám sát từ bên ngoài (Quốc hội) và bên trong (Bộ Tài chính). Các báo cáo về tình hình ngân sách và nợ công cần phải được thường xuyên cập nhật gửi tới các ủy ban chuyên trách của Quốc hội.

Liên quan đến thể chế tiền tệ, chúng tôi cho rằng CSTT phải lấy việc duy trì và ổn định lạm phát ở mức vừa phải là mục tiêu cuối cùng. Để làm được điều này, tính độc lập của NHNN với Chính phủ phải có sự cải thiện. Ngoài việc được toàn quyền chủ động trong việc lựa chọn công cụ và liều lượng can thiệp của CSTT, NHNN cần phải có được sự độc lập với các hoạt động vay nợ và ngân sách của Chính phủ. Bên cạnh đó, lãi suất nên được làm công cụ chính sách để đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, quy tắc điều hành lãi suất hay quy trình ra chính sách phải minh bạch và có khả năng dự đoán.

Tương tự như CSTK, mục tiêu và quy tắc điều hành CSTT phải được công bố đi kèm các điều khoản thoát quy. Trong một số trường hợp cần thiết, lạm phát thực tế có thể được cho phép lệch ra khỏi giới hạn cho phép và CSTT có thể lệch khỏi các quy tắc đã công bố. Bên cạnh đó, chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý bắt đầu với việc điều chỉnh tỷ giá trung tâm theo tín hiệu thị trường, sau đó tiến dần tới việc bỏ công bố về tỷ giá trung tâm cần được triển khai sớm nhằm thích ứng tốt hơn trong quá trình hội nhập và chống chọi tốt hơn với các cú sốc từ bên ngoài. Về cơ bản, tỷ giá thương mại hằng ngày nên được xác lập hoàn toàn bởi các giao dịch theo cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Tuy nhiên, NHNN có thể dùng các biện pháp can thiệp như mua bán ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng và/hoặc các biện pháp kiểm soát nguồn vốn ra vào Việt Nam để làm mềm dao động của tỷ giá.

Ngoài ra, Việt Nam cần có những quy định cụ thể nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của NHNN nhằm nâng cao hiệu quả chính sách, quản trị nhà nước/ngành ngân hàng, phù hợp với thông lệ quốc tế. Minh bạch hóa CSTT không chỉ nên dừng ở việc công khai mục tiêu mà còn ở việc lựa chọn công cụ chính sách, cơ sở ra quyết định chính sách và cách thức ra quyết định chính sách. Đồng thời, Luật NHTƯ cần được nghiên cứu ban hành nhằm thay thế cho Luật NHNN.

Về thể chế giám sát tài chính, chúng tôi cho rằng nhiệm vụ này có thể giao cho NHNN hoặc Ủy ban giám sát tài chính tiền tệ quốc gia. Để ngăn ngừa rủi ro cho hệ thống tài chính, các công cụ giám sát có tính chất phản chu kỳ tài chính nên được sử dụng. Ví dụ như các quy định về tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ thanh khoản, tỷ lệ ký quỹ, v.v. cần được áp dụng theo hướng có thể ngăn chặn được các hiện tượng bong bóng giá tài sản hay hành vi chấp nhận rủi ro quá cao trên thị trường tài chính. Do vậy, chúng tôi cho rằng Việt Nam cần xây dựng một hệ thống các chỉ tiêu đảm bảo an toàn ổn định tài chính. Các chỉ tiêu này một mặt phải đủ chặt chẽ, hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn Basel III đối với hệ thống ngân hàng thương mại. Mặt khác, các chỉ tiêu này cũng cần đủ linh hoạt để không bóp nghẹt tính năng động, sáng tạo của thị trường tài chính. Đặc biệt, các chỉ tiêu này phải được xây dựng theo hướng linh hoạt, tương ứng với các biến động chu kỳ của thị trường tài chính nhằm ngăn ngừa khủng hoảng xảy ra.

Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống thông tin số liệu thống kê và công tác dự báo là việc làm cần thiết. Ngoài ra, các thể chế liên quan đến bảo hiểm tiền gửi cũng cần phải được sửa đổi, về phạm vi và mức độ được bảo hiểm, nhằm phù hợp với điều kiện mới, giúp tăng cường lòng tin cũng như ngăn chặn được nguy cơ đổ vỡ trong những trường hợp có cú sốc xảy ra.

Cuối cùng, các CSTK, CSTT và chính sách giám sát tài chính cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau. Về nguyên tắc, trong điều kiện bình thường, các CSTK và tiền tệ nên được thực hiện theo chiều hướng ngược nhau nhằm đảm bảo sự ổn định của tổng cầu. Thêm vào đó, CSTT và tài khóa chỉ nên tập trung vào việc điều tiết tổng cầu, để từ đó đạt được mục tiêu lạm phát và tăng trưởng, còn nhiệm vụ ổn định hệ thống tài chính nhằm tránh khủng hoảng xảy ra trong hệ thống này nên được giao cho các chính sách giám sát. Việc kết hợp này sẽ giúp cho các chính sách đồng thời đạt được các mục tiêu riêng của mình và mục tiêu chung cuối cùng với chi phí nhỏ nhất.

Tài liệu tham khảo

  1. Agha, A.I. và M.S. Khan, 2006. “An EmpiricalAnalysis of Fiscal Imbalances and Inflation in Pakistan”. SBP Research Bulletin, 2 (2).
  2. Blanchard, O., G. Dell’Ariccia, và P. Mauro, 2010. “Rethinking Macroeconomic Policy”, IMF Working Papers, SPN/10/03.
  3. Bodmer, F., 2006. “The Swiss Debt Brake: How it Works and What Can Go Wrong,” Schweizerische Zeitschrift für Volkswirtschaft und Statistik, Vol. 142 (3) pp. 307–330.
  4. Calvo, G.A. và P. Guidotti, 1990. “Indexation and Maturity of Government Bonds: An Exploratory Model,” in Rudi Dornbusch, and M. Draghi, (eds.). Capital Markets and Debt Management; Cambridge University Press.
  5. Clement, P., 2010. “The Term “Macroprudential”: Origins and Evolution”. BIS Quarterly Review, March, pp. 59–67.
  6. Elliott, D. J., G. Feldberg, và A. Lehnert. “The history of cyclical macroprudential policy in the United States”, Finance and Economics Discussion Series, No 2013-29, Board of Governors of the Federal Reserve System, 2013.
  7. European Commission (2006), Public Finance Report in EMU—2006. Part III: National Numerical Fiscal Rules and Institutions for Sound Public Finances, European Economy No. 3/2006, (Brussels: European Commission).
  8. Fiscal Commission Working Group (of the Scottish Government), 2013. Macroeconomic Framework. The Scottish Government.
  9. Ford, R. và D. Laxton, 1999. “World public debt and real interest rate”. Oxford Review of Economic Policy, 15, 77-94.
  10. Fosu, A. K. (ed.), 2013a.Development Success: Historical Accounts from More Advanced Countries. Oxford University Press, Oxford.
  11. Fosu, A. K. (ed.), 2013b. Achieving Development Success. Strategies and Lessons from Developing World. Oxford University Press, Oxford.
  12. FSB, IMF và WorldBank (2011). Financial Stability Issues in Emerging Market and Developing Economies. A Report prepared by A Task Force of the Financial Stability Board and Staff of the International Monetary Fund and the World Bank, 2011.
  13. Islam, M.S., 2011. “Taylor Rule-based Monetary Policy for Developing Economies- A Case Study with Malaysia”. International Review of Business Research Papers, 7(1),.pp. 134 – 149.
  14. Jackson, K.J., 2011. “Limiting Central Government Budget Deficits: International Experiences”. Congressional Research Service.
  15. Kopits, G. vàS. Symansky, 1998. “Fiscal Policy Rules”, IMF Occasional Paper No. 162, Washington, International Monetary Fund.
  16. Kopits, G., 2007. “Fiscal Responsibility Framework: International Experience and Implications for Hungary”, MNB Occasional Papers 62, Budapest.
  17. Lambertini  L. và R. Rovelli, 2003. “Monetary and Fiscal Policy Coordination and Macroeconomic stabilization: A Theoretical Analysis”, Working Papers 464, Dipartimento Scienze Economiche, Università di Bologna.
  18. Laurens, P. và E.G. Piedra, 1998. “Coordination of Monetary and Fiscal Policies”, IMF Working Paper, WP98/25, 1998.
  19. Lê Xuân Sang, 2015. Phòng ngừa và đối phó với khủng hoảng tài chính: Lý luận, kinh nghiệm quốc tế và định hưỡng chính sách cho Việt Nam. Báo cáo Đề tài cấp bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Hà Nội, 2015.
  20. Manesse, P. 2007.“Deficit Limits and Fiscal Rules for Dummies”, IMF Staff Papers Vol. 54, No. 3, 2007.
  21. Mankiw, N. G., 2012. Macroeconomics, 8th edition. Worth Publishers.
  22. Mélitz, J., 1997. ”Some Cross-Country Evidence about Debt, Deficits, and the Behaviour of Monetary and Fiscal Authorities”. CEPR Discussion Paper No.1653.
  23. Mishkin, F.S., 2004. “Can Inflation Targeting Work in Emerging Market Countries?”, A presentation in a conference in honor of Guillermo Calvo, held on April 15 and 16, 2004 at the International Monetary Fund in Washington, DC.
  24. Nguyễn Thị Thu Hằng, Đinh Tuấn Minh, Tô Trung Thành, Lê Hồng Giang và Phạm Văn Hà, 2010. “Lựa chọn chính sách tỷ giá trong bối cảnh phục hồi kinh tế”, trong Nguyễn Đức Thành (ed.), Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2010: Lựa chọn cho Tăng trưởng Bền vững, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội.
  25. Phạm Thế Anh, 2008.“Phân tích cơ cấu chi tiêu chính phủ và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, số 8 (363), 2008.
  26. Phạm Thế Anh và Đinh Tuấn Minh, 2014.“Chính sách tỷ giá hối đoái: Lựa chọn nào cho Việt Nam?”, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 210, tháng 12/2014.
  27. Phạm Thế Anh và Phạm Thị Ngọc Quỳnh, 2015.“Kỷ luật Tài khóa và Ổn định Kinh tế Vĩ mô ở Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế Phát triển số 213, tháng 3/2015.
  28. Raj, J., J. Khundrakpam, và D. Das, 2011. “An Empirical Analysis of Monetary and Fiscal Policy Interaction in India”. RBI Working paper series. WPS (DEPR): 15/2011.
  29. Sack, B. và V. Wieland, 2000. “Interest-rate smoothing and optimal monetary policy: a review of recent empirical evidence”. Journal of Economics and Business, 52(1-2), pp. 205-228.
  30. Schaechter, A., T. Kinda, N. Budina, và A. Weberet, 2012. Fiscal Rules in Response to the Crisis—Toward the “Next–Generation” Rules, IMF working paper, wp12/187.
  31. Šehović, D., 2013. “General Aspects of Monetary and Fiscal Policy Coordination”. Journal of Central Banking Theory and Practice, 2013, 3, pp. 5-27.
  32. Sghaier, I.M. và Z. Abida, 2013. “Monetary Policy Rules for a Developing Countries: Evidence from Tunisia”. The Review of Finance and Banking,5 (1), pp. 35-46.
  33. Shabbir,  T.  và  A.  Ahmed, 1994.  “Are  government  budget  deficit inflationary? Evidence from Pakistan”. Pakistan Development Review, Vol. 33.
  34. South Africa Reserve Bank, 2014. Annual Report - South African Reserve Bank. https://www.resbank.co.za/Lists/News%20and%20Publications/Attachments/6292/Annual%20Report%202014.pdf
  35. Svensson, L.E.O., 1998. “Inflation Targeting as a Monetary Policy Rule”, Paper presented at the Sveriges Riksbank-IIES Conference on Monetary Policy Rules, Stockholm, June 1998.
  36. Svensson, L.E.O, 2010. “Inflation Targeting”. Working Paper 16654 of National Bureau of Economic Research.
  37. Tanzi,  V.  và  D. Faniza,  1995. “Fiscal  Deficit  and  Public  Debt  in  Industrial Countries 1970-1994”. IMF Working paper 95/49.
  38. Taylor, J. B., 2000. Recent Developments in the Use of Monetary Policy Rules. Stanford University.
  39. Tiwari, A.K. và A.P. Tiwari, 2011. “Fiscal Deficit and Inflation: An empirical analysis for India”. The Romanian Economic Journal, No. 42, pp. 131-158.
  40. Togo, E., 2007. “Coordinating Public Debt Management with Fiscal and Monetary Policies: An Analytical Framework”. World Bank’s Policy Research Working Paper No. 4369.
  41. Võ Trí Thành và cộng sự (2013), Các giải pháp bảo đảm án ninh tài chính Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc quốc tế hóa Nhân dân tệ và biến động tài chính toàn cầu, Đề tài cấp Nhà nước KX 01.02/11-–15, Hà Nội.
  42. von Hagen, A.H. Hallett, và R. Strauch, 2001. "Budgetary Consolidation in EMU," European Economy - Economic Papers 148, Directorate General Economic and Financial Affairs (DG ECFIN), European Commission.
  43. UNCTAD, 2012. “Principles on Responsible Sovereign Lending and Borrowing”. http://unctadxiii.org/en/SessionDocument/gdsddf2012misc1_en.pdf
  44. Walsh, C.E., 2009.“Inflation Targeting: What Have We Learned?”International Finance, 12(2), pp. 195–233.
  45. Wescott, C.G., Nguyễn Hữu Hiếu và Vũ Quỳnh Hương, 2009. Quản lý tài chính công: Tăng cường hiệu quả điều hành và quản lý nhà nước. UNDP Vietnam.
  46. Woodford, M., 1995. “Price-Level Determinacy without Control of a Monetary Aggregate”. Carnegie Rochester Conference Series on Public Policy, 43, 1-46.
  47. Wylde, C.,  2012. Latin America after Neoliberalism: Developmental Regimes in Post-Crisis States. Palgrave Macmillan, Basingstoke.
  48. Wyplosz, C., 1999. “Economic Policy Coordination in EMU: Strategies and Institutions”. ZEI Policy Paper B11.
  49. Zoli E., 2005. “How Does Fiscal Policy Affect Monetary Policy in Emerging Market Countries?”, BIS Working Papers174, Bank for International Settlements.

Nguồn: Đinh Tuấn Minh và Phạm Thế Anh (chủ biên) (2017). Từ nhà nước điều hành sang nhà nước kiến tạo phát triển . NXB Tri Thức. (Báo cáo được thực hiện bởi các nhóm nghiên cứu: CIEM, VIE, VEPR, VCCI).