[Nhật Bản duy tân 30 năm] - Văn Hóa Đông Tây (Phần 2)
TÓM LẠI ẢNH HƯỞNG CỦA BA ĐẠO THẦN, NHO, PHẬT
Tới đây tưởng độc giả đã thấy rõ rằng: tư tưởng, luân lý, phong tục, tính tình, chính trị, học thuật, mỹ nghệ, nhất thiết những cái hợp lại thành ra một nền văn hóa riêng của Nhật Bản sẵn có từ xưa, đều lấy ở trong nguồn ba đạo lớn là Thần đạo và Nho giáo, Phật giáo mà ra.
Về văn học, kho sách xưa của Nhật chứa đầy những sách có giá trị của các bậc danh nho, cao tăng viết ra, đủ các môn loại: triết lý, tôn giáo, kịch bản, thi ca, sử ký... Có ông soạn tới sáu bảy chục bộ sách. Đời xưa, họ đã thịnh hành in sách truyền bá khắp trong dân gian, chớ không phải viết sách ra để dành làm riêng của mỗi nhà.
Về mỹ thuật, kiến trúc, hội họa và điêu khắc, những tay thợ khéo đời xưa lưu lại thiếu gì kiểu nhà đẹp, thiếu gì bức tranh vẽ tuyệt bút, thiếu gì đồ chạm trổ thêu dệt có công phu tinh tế lạ lùng. Nhà mỹ thuật Tây phương ngó thấy cũng phải thán phục.
Những vẻ đặc biệt về sự sống vật chất và sự sống tinh thần, như thanh khiết, giản dị, lễ phép, tình quyến luyến gia đình, yêu mến quốc gia nồng nàn cực độ và cái thiên tính ưa cảnh tự nhiên, cũng là chịu ảnh hưởng ba đạo Thần, Nho, Phật.
Tập tục vệ sinh sạch sẽ của Nhật Bản, thật không phải là thứ nhập cảng từ Âu châu, cũng không phải ở bên Tàu truyền qua; nó là tập tục sẵn có tự nhiên ở dân tộc Nhật Bản, do nơi Thần đạo bắt buộc mỗi người tin Thần kính Thần phải giữ thân thể và tâm não trong sạch luôn luôn, thì Thần mới phù hộ, chứng giám.
Tính ăn ở giản dị, có phần tại lẽ kinh tế, vì Nhật vốn xứ nghèo, có phần tại vẻ mỹ quan của người Nhật rất ghét thói xa hoa, chỉ chuộng sự đẹp thanh tao, đơn giản, nhất là vì đạo Thần và đạo Nho đều dạy người ta phải quý trọng giữ gìn những sự sản của ông bà đã khó nhọc gây dựng lên mà lưu lại cho mình; mình không có quyền được hoang phí sự sản ấy đi một cách ích kỷ.
Nói gì sự lễ phép của người Nhật khắp thiên hạ đều biết. Còn tinh thần ái quốc của họ thôi thì tuyệt phẩm. Chính vì tấm lòng ái quốc nồng nàn, người Nhật buộc mình cái nghĩa vụ phải đóng góp tâm lực vô công cuộc duy tân nước mình để cho nước cũng mới mẻ, cũng hùng cường như Âu Mỹ. Ai được chứng kiến trận Nhật Nga chiến tranh đủ ghê tướng sĩ Nhật yêu nuớc đến đỗi khinh sống liều chết ra thế nào. Sau hết, đến tấm lòng tự phụ nước non mình là Thần quốc và yêu mến phong cảnh thiên nhiên một cách thâm thiết, làm cho tâm não người Nhật cao thượng, đối với sự sống có vẻ hớn hở tươi cuời hiện ra trên nét mặt luôn luôn. Ông giáo sư Lafcadio Hearn đã nói cái nụ cười của người Nhật là một sức mạnh lạ lùng, thiêng liêng. Thiệt vậy, nụ cười như hoa nở tối ngày trên môi; vui sướng mà cười đã đành, lúc rầu buồn giận dữ, lúc cầm dao tự mổ bụng mình mà nụ cười vẫn tươi vẫn có mới kỳ.
Thế là Nhật Bản sẵn có một nền văn hóa, sẵn có những cốt cách văn hóa lâu đời rồi, không phải mù mờ hèn thấp gì; đến lúc tư tưởng học thuật Thái Tây sang Đông, họ thấy cần dùng thì tự nhiên đón rước và cũng dung hóa như xưa kia đã đón rước dung hóa đạo Nho đạo Phật vậy. Hèn chi họ nói: “Đứa con văn minh, chúng tôi đã chửa sẵn nó trong thai, Âu châu các ông tới chỉ như cô mụ đỡ giùm cho nó ra đời, chớ không phải bản lai chúng tôi tối tăm ngu dại, rồi nhờ có văn hóa các ông thì chúng tôi mới có văn hóa đâu”.
ÂU HÓA CỦA NHẬT BẢN
Nhật Bản bỗng chốc sửa sang thay đổi mọi việc, mới theo phương Tây, tự mắt người ngoài dòm vào cho là sự lạ lùng, còn chính họ là người trong cuộc, chỉ cho là sự tự nhiên. Nguyên lai dân tộc họ từ xưa vẫn có tính hăm hở mạnh bạo bắt chước những cái hay của người ta rồi khéo dung hòa uốn nắn cho hợp với chỗ cần dùng của mình, thành ra lúc trước ngó thấy Nho giáo, Phật giáo có chỗ hay, họ vội vàng đón rước cũng như bây giờ ngó thấy văn minh Âu châu hay, tự nhiên họ cũng vội vàng đón rước, không lạ gì.
Có điều ta nên nhìn biết rằng thuở xưa dân tộc Nhật Bản ở dưới chế độ phong kiến, có bị áp chế là áp chế về hình thức bề ngoài thôi, chớ về tư tưởng học thuật, dân họ vẫn tự do dùi mài lượm lặt theo ý họ muốn, nhà cầm quyền muốn ngăn cấm cũng chẳng ngăn cấm được. Thì đời Mạc phủ Đức Xuyên, đằng đẵng 300 năm khóa cửa tuyệt giao với người ngoài, nhất là với giáo sĩ Tây phương, tức là đời Đông là Đông, Tây là Tây chưa gặp nhau mấy, lại nghiêm cấm nhân dân cầu học ngoại nhân, thế mà cũng có những người Nhật, hoặc lén bỏ nhà vượt biển ra ngoài mà dọ xét sự tình thiên hạ, hoặc lò mò tới Trường Kỳ học hỏi nơi mấy người Hòa Lan mua bán tại đó mà biết chữ Hòa Lan, biết những thuật chữa bệnh, đúc súng, trị quân, xây thành của Âu châu. Thử xem giữa lúc nhà nước cấm học Âu học mà Nhật Bản còn cầu kỳ háo dị như thế, có lạ gì đến lúc chính nhà nước cần dùng đổi thay lối mới, nhân sĩ họ chẳng ùn ùn đổ theo Âu hóa, phát khởi chóng mà thành hiệu mau!
Cũng đem cái tinh thần khéo biết chọn lựa dung hóa là tinh thần sẵn có từ xưa, họ đón rước chọn lựa Âu hóa: nước nào ở Tây phương có món sở trường thì họ lọc lấy món sở trường ấy, mà tẩy đi món nào xem ra là sở đoản và không lợi cho quốc tình, không hợp cho gia dung của họ, chớ không phải vùa càn quơ bướng hết thảy. Ví dụ lục quân hóa theo Đức, tư tưởng dân quyền tự do hóa theo Pháp, hải quân và chế độ lập hiến hóa theo Anh, công nghệ kiến trúc hóa theo Mỹ. Nhiều môn khác, họ trộn chung những cái hay của người ta, rồi lọc ra lấy một cái hay nào hơn hết để mà theo. Họ Âu hóa những triết học, chính trị, pháp luật, giáo dục, cơ khí… theo kiểu lọc bột vậy đó.
Cuối thế kỷ trước, Nhật Bản bắt đầu Âu hóa, nhiều người Âu châu nghe tiếng hay là ngó thấy, đều ra dáng kiêu ngạo, nhăn mặt phì cười. Có phái cho Nhật Bản là thứ người Đông phương lạc hậu, số phận đày vậy muốn ti toe Âu hóa sao cho nên thân. Một nhà ngoại giao, tên gì tôi quên, đã nói: “Nhật Bản kim thời là một bản dịch sơ sài. Le Japon moderne, c’est une traduction mal faite”. Ngay danh sĩ Pierre Loti chớ phải ai không mắt tinh đời, cũng nói Nhật Bản Âu hóa như một tuồng hát khỉ của mấy chú khách Sơn Đông! Có một phái khác thì tưởng Nhật Bản Âu hóa một cách tuyệt đối đến làm tiêu hết dấu tích Nhật Bản cổ thời.
Cả hai phái đều tưởng sai sự thật.
Phái trên đợi đến kết quả Nhật Nga chiến tranh, tự biết mình bậy rồi: Nhật họ Âu hóa nên thân, chớ không phải là tuồng hát khỉ.
Còn phái dưới chỉ ngó bề ngoài mà nói, tới chừng dòm xa vô bề trong một chút, họ phải thấy sự thật hiển nhiên này: Những cái mà cậu Nhật kim thời muốn bảo tồn dấu tích nước Nhật xưa, còn nhiều hơn là những cái mà cậu đã mượn và muốn mượn của Âu châu đời nay.
Thật vậy, cũng như ngày họ Nho hóa, Phật hóa, ngày nay Nhật Bản không Âu hóa nhất thiết đâu.
Họ vẫn giữ cái cốt cách xưa của họ về sự sống vật chất, như nhà cửa, vật dụng, ẩm thực, y phục; cả cái cốt cách xưa về sự sống tâm linh, như phong tục, các thói quen, các cuộc giải trí… Cho đến nghệ thuật xưa, luân lý xưa, tôn giáo xưa, họ vẫn bảo thủ y nguyên mặc dầu Âu hóa.
Họ không trọn vẹn bắt chước văn minh Âu châu cho tới nhất thiết cái gì ngộ nghĩnh hơn hết, đặc biệt hơn hết, thâm thúy hơn hết. Không, không mặc dầu phải Âu hóa còn nhiều, người Nhật vẫn so sánh phán đoán mình Âu châu thô lỗ, không được sâu sắc lý thú bằng cổ văn minh của họ.
Thế mà họ vẫn phải Âu hóa, là vì sự cần dùng bắt buộc, thời thế bắt buộc, tấm lòng độc lập tự tôn của họ bắt buộc.
Coi mấy chương ở trên đầu sách, độc giả đã biết Nhật Bản khóa cửa tuyệt giao từ thế kỷ XVII, đến giữa thế kỷ XIX, người Tây phương đem sức mạnh tới hăm dọa, biểu họ phải mở cửa ra trước mặt của sức mạnh, Nhật Bản phải tuân lệnh. Bấy giờ cả nước rung động như sấm vang núi chuyển; họ biết rằng sống bằng lý tưởng thanh cao không đủ, sức mạnh tuy họ gớm ghiếc, nhưng mà cần dùng. Nước họ tuy có trình độ tinh thần, nghệ thuật và tôn giáo khá cao, nhưng không thể ỷ thị có bấy nhiêu đó mà sống đối với đời này; nếu họ không làm sao cũng có sức mạnh về quân sự, về kinh tế, về cơ khí, về công nghệ như người ta, thì bề nào cũng bị ngoại nhân mạnh hơn kéo tới lấy họ làm mồi để trên dao thớt; họ sẽ đứng vào hàng nô nhan thuộc địa của Âu châu.
Sự sống và cách sống của họ xưa nay họ quý chuộng mến yêu lắm, không thể nào rời bỏ; họ đoán biết thân mình nếu rủi để cho ngoại nhân tới nước họ làm chủ, họ sẽ buộc mình đổi thay mất sự sống và cách sống riêng đó, cho tới tính tình, phong tục của tổ tiên để lại cho, cũng không sao giữ nguyên vẹn được đâu. Huống chi non nước của Thần, dòng dõi của Thần, lẽ nào để ai xa lạ đâu tới nuốt sống và nhấn chìm xuống cho đành. Vậy thì, cho được giữ nguyên văn hóa tổ truyền, họ muốn họ vẫn tự do độc lập, cho được tự do độc lập, họ muốn trở nên hùng cường, cho được trở nên hùng cường, họ phải bắt chước phỏng theo ít nhiều món của cái văn minh Âu châu kia đã lấy sức mạnh mà ấn đại vô nhà họ.
Những chế độ học thuật gì của Âu châu mà họ xem ra Âu châu được hùng cường độc lập bởi đó thì họ bắt chước phỏng theo có bấy nhiêu thôi. Ngoài ra, chính họ cũng sẵn có những món không kém thua ai, còn hay hơn nữa không chừng.
Ta nên hiểu cái chủ nghĩa, cái thâm tâm của Nhật Bản Âu hóa là thế.
Trước hết, họ mượn của Âu châu những cơ quan mới lạ, cần dùng cho việc hộ vệ non nước, là lục quân và hải quân. Cho được giao thiệp bằng vai ngang bậc với các nước Âu Mỹ và chỉ tỏ ra họ cũng là một quốc gia văn minh tân thời, họ bèn Âu hóa những chế độ chính trị và pháp luật. Cho được làm nên công cuộc duy tân lớn lao, về xã hội, về quân sự, về kinh tế, tất nhiên phải cần nhiều tiền, họ bèn vay mượn tiền bạc của các nước Tây phương để dựng lên đại thương mãi và đại công nghệ theo Âu hóa. Cho được Âu hóa các chế độ cơ quan trong nước, Âu hóa cả thương mãi, công nghệ, quân sự; cho được tự mình đào luyện ra cho mình có những tướng, những quân, những quan tòa, những thầy thuốc, những kỹ sư, mỗi mỗi như Âu châu, Nhật bèn mở mang sắp đặt một khuôn khổ giáo dục mới, một phần dựa vào khoa học Âu châu làm gốc.
Hết thảy những sự bắt chước đó đều phát động ra bởi cái ý chí kiên cường của người Nhật muốn trở nên mạnh để vẫn được tự do, vẫn được tự do để giữ lấy lối sinh hoạt riêng, tư tưởng riêng của mình từ xưa. Thì ra Nhật Bản chỉ Âu hóa để đương đầu với Âu Mỹ cho dễ và để vẫn là Nhật Bản cho dễ đó thôi.
Bởi vậy, phần nhiều cái họ Âu hóa chỉ như bao phủ lơ thơ một lớp bề ngoài; lắm người Âu Mỹ thật thà không biết, tưởng đâu là Nhật họ Âu hóa không nên thân, Âu hóa như hát khỉ; chớ kỳ thiệt họ chủ tâm Âu hóa một cách có chừng vậy đó. Đến nay cũng thế, Âu hóa trải 70 năm dư, mà nước Nhật kim thời vẫn ở bên cạnh với cổ Nhật Bản hơn là với kim Âu châu (En tout cas, aujourd’hui encore, le Japon moderne reste plus voisin du vieux Japon que de la moderne Europe. - Félicien Challaye).Có lẽ không một người Tây phương nào cho bằng ông giáo sư Lafcadio Hearn thấy rõ tới những lằn xếp ở trong trái tim khối óc của dân tộc Nhật Bản, là vì như trên kia đã nói ông ta sống làm giáo sư ở Nhật tới 40 năm, lại vô dân tịch Nhật, lấy tên Nhật là Koizumi Yakumo. Chính ông đã lấy những sự kinh nghiệm và kiến văn tận gốc của mình mà nói: “Âu hóa mặc lòng, Nhật Bản vẫn là Đông phương như ngàn năm trước”.
Nguồn: Đào Trinh Nhất (2012[1937]). Nhật Bản duy tân 30 năm. NXB Lao Động-Xã Hội.