[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 1 - Chủ nghĩa tự do cá nhân đang đến gần (Phần 3)

[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 1 - Chủ nghĩa tự do cá nhân đang đến gần (Phần 3)

Những ý tưởng chính của chủ nghĩa tự do cá nhân

Từ những điều được trình bày bên trên, tôi muốn làm rõ một số ý tưởng (concept) chính của chủ nghĩa tự do cá nhân, tức là những chủ đề sẽ được nhắc đi nhắc lại trong cuốn sách này. Những chủ đề này đã hình thành trong suốt nhiều thế kỷ. Có thể thấy những dấu vết ban đầu của những tư tưởng này ở Trung Quốc, ở Hy Lạp và Israel cổ đại. Rồi phát triển thành hình thức tương tự như triết lý của chủ nghĩa tự do cá nhân hiện đại trong các tác phẩm của những người như John Locke, David Hume, Adam Smith, Thomas Jefferson, và Thomas Paine.

Chủ nghĩa cá nhân. Những người theo trường phái tự do cá nhân coi cá nhân là đơn vị căn bản của phân tích xã hội. Chỉ có các cá nhân quyết định và chịu trách nhiệm về hành động của mình. Tư tưởng của chủ nghĩa tự do cá nhân nhấn mạnh phẩm giá của mỗi cá nhân, điều này lại kéo theo cả quyền và trách nhiệm. Xã hội ngày càng công nhận phẩm giá của nhiều người hơn – phụ nữ, người thuộc các tôn giáo khác nhau và sắc tộc khác nhau – là một trong những chiến thắng lớn nhất của những người theo trường phái tự do cá nhân ở phương Tây.

Các quyền của cá nhân. Vì các cá nhân là những người có đạo đức cho nên họ có quyền bảo vệ cuộc sống, quyền tự do và tài sản của mình. Không phải chính phủ hay xã hội ban cho người ta những quyền này, đấy là những quyền nằm trong bản chất của con người. Về mặt trực giác, ta cũng thấy đúng là các cá nhân được bảo đảm những quyền này, những người muốn tước đoạt những quyền này phải giải thích vì sao họ lại làm như thế.

Trật tự tự phát. Xã hội phải có trật tự vững chắc thì cá nhân mới sống sót và phát triển được. Có thể nghĩ rằng trật tự đó phải do chính quyền trung ương áp đặt, tương tự như ta áp đặt trật tự trong bộ sưu tập tem hay trong đội bóng. Phát kiến vĩ đại từ phân tích xã hội của những người theo phái tự do cá nhân là trật tự trong xã hội xuất hiện một cách tự phát, từ những hành động của hàng ngàn hay hàng triệu cá nhân, những người kết hợp hành động của mình với hành động của những người khác nhằm đạt được mục đích của mình. Trong suốt lịch sử của mình, nhân loại đã tiến dần đến tự do hơn, nhưng vẫn tìm cách xây dựng xã hội phức tạp hơn với những tổ chức rối rắm hơn. Những thể chế quan trọng nhất trong xã hội loài người – ngôn ngữ, luật pháp, tiền tệ và thị trường – tất cả đều phát triển một cách tự phát, không cần sự lãnh đạo tập trung nào hết. Xã hội dân sự - mạng lưới phức tạp các hiệp hội và những mối liên kết giữa người với người – là một ví dụ khác về trật tự tự phát, các hiệp hội trong xã hội dân sự được thành lập vì một mục đích nào đó, nhưng chính xã hội dân sự thì lại không phải là tổ chức và không có bất kỳ mục đích nào.

Chế độ pháp quyền (Thượng tôn pháp luật). Chủ nghĩa tự do cá nhân không phải là tự do vô tổ chức hay chủ nghĩa khoái lạc. Đấy không phải là nói rằng “người ta có thể làm tất cả những gì họ muốn và không ai được nói bất kỳ điều gì”. Ngược lại, chủ nghĩa tự do cá nhân đề xuất xây dựng xã hội tự do có pháp luật, trong đó các cá nhân có quyền tự do theo đuổi cuộc sống của mình với điều kiện là họ phải tôn trọng những quyền tương tự như thế của những người khác. Chế độ pháp quyền nghĩa là các cá nhân được cai trị bởi những điều luật hợp pháp, được hình thành một cách tự phát và áp dụng chung cho tất cả mọi người, chứ không phải là bị cai trị bằng những mệnh lệnh độc đoán; những điều luật này phải bảo vệ quyền tự do của các cá nhân trong việc theo đuổi hạnh phúc theo cách của họ, chứ không phải nhắm đến kết quả cụ thể nào đó.

Chính phủ có quyền lực hạn chế. Các cá nhân thành lập chính phủ nhằm bảo vệ các quyền của mình. Nhưng chính phủ cũng là một thiết chế nguy hiểm. Những người theo trường phái tự do cá nhân rất ác cảm với quyền lực tập trung, vì, như Lord Acton đã nói: “Quyền lực dẫn đến tha hóa, quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối”. Vì vậy, họ muốn phân chia và giới hạn quyền lực, điều đó chủ yếu có nghĩa là giới hạn quyền lực của chính phủ, thường là thông qua một bản hiến pháp thành văn, liệt kê và giới hạn những quyền lực mà người dân giao cho chính phủ. Chính phủ có quyền lực hạn chế là hàm ý chính trị căn bản của chủ nghĩa tự do cá nhân, và những người theo trường phái tự do cá nhân nhấn mạnh thực tế lịch sử là chính sự phân tán quyền lực ở châu Âu – hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới – đã dẫn tới tự do cá nhân và phát triển kinh tế bền vững.      

Thị trường tự do. Muốn sống sót và thịnh vượng, các cá nhân phải tham gia hoạt động kinh tế. Quyền sở hữu tài sản kéo theo quyền trao đổi tài sản trên cơ sở đồng thuận. Thị trường tự do là hệ thống kinh tế của những con người tự do và thị trường cũng là điều kiện cần cho việc tạo ra của cải. Những người theo trường phái tự do cá nhân tin rằng người ta sẽ được tự do hơn và thịnh vượng hơn nếu những biện pháp can thiệp của chính phủ vào hoạt động kinh tế được giữ ở mức tối thiểu.

Đức hạnh của sản xuất. Từ thế kỷ XVII, phản ứng chống lại giai cấp quý tộc và vua chúa sống bằng thành quả lao động của người khác là động lực chính của chủ nghĩa tự do cá nhân. Những người theo trường phái tự do cá nhân bảo vệ quyền của người dân trong việc bảo vệ thành quả lao động của họ. Nỗ lực này đã phát triển thành thái độ tôn trọng lao động và sản xuất, đặc biệt là tôn trọng tầng lớp trung lưu đang gia tăng, một tầng lớp đang bị các nhà quý tộc nhìn bằng nửa con mắt. Những người theo trường phái tự do cá nhân đã phát triển môn phân tích giai cấp tiền-marxist, chia xã hội thành hai giai tầng chính: những người làm ra của cải và những người sử dụng bạo lực nhằm tước đoạt của cải của những người khác. Ví dụ, Thomas Paine viết: “Người dân trong một nước được chia thành hai giai tầng khác nhau: đấy là những người phải đóng thuế và những người thu thuế và sống bằng tiền thuế”. Jefferson viết tương tự như thế vào năm 1824: “Chúng ta có bộ máy cai trị lớn hơn mức cần thiết, quá nhiều kẻ ăn bám sống bằng thành quả lao động của những người chăm chỉ”. Những người theo trường phái tự do cá nhân hiện đại bảo vệ quyền của người lao động trong việc giữ gìn thành quả lao động của họ và chống lại tầng lớp chính trị gia và quan chức, những kẻ tước đoạt của cải của những người làm ra chúng để chuyển cho những người không làm ra của cải.

Hài hòa quyền lợi một cách tự nhiên. Những người theo trường phái tự do cá nhân tin rằng trong xã hội công chính, quyền lợi của những người tạo sản, sống hòa bình sẽ hài hòa một cách tự nhiên với nhau. Kế hoạch cá nhân của một người – tìm việc làm, khởi sự kinh doanh, mua nhà..v.v.. – có thể xung đột với kế hoạch của những người khác, lúc đó thị trường sẽ làm cho nhiều người trong chúng ta thay đổi kế hoạch của mình. Nhưng nhờ có thị trường tự do mà tất cả chúng ta đều thịnh vượng, và giữa người nông dân với người buôn bán, giữa người sản xuất và người nhập khẩu không có những xung đột không thể giải quyết được. Chỉ khi chính phủ bắt đầu tham gia vào việc phân chia thành quả lao động trên cơ sở áp lực chính trị thì chúng ta mới bị lôi kéo vào xung đột phe nhóm, mới tổ chức phe nhóm và chiến đấu với những nhóm khác nhằm giành cho bằng được một ít quyền lực chính trị.

Hòa bình. Những người theo trường phái tự do cá nhân luôn luôn đấu tranh chống lại tai họa vốn có từ lâu của chiến tranh. Họ nhận thức được rằng chiến tranh mang đến chết chóc và tàn phá, làm tan nát gia đình và đời sống kinh tế, và đưa thêm nhiều quyền lực vào tay giai cấp cầm quyền – đấy có thể là lý do vì sao những người cầm quyền không phải lúc nào cũng chia sẻ tình yêu hòa bình của đa số người dân. Đương nhiên là, những người tự do thường xuyên phải đứng lên bảo vệ xã hội của họ trước những mối đe dọa từ nước ngoài; nhưng trong suốt chiều dài của lịch sử, chiến tranh thường là kẻ thù chung của những người lao động, sống hòa bình ở cả hai phía xung đột.

Đấy là những vấn đề sẽ được trình bày trong tác phẩm này. Độc giả có thể hỏi, dường như chủ nghĩa tự do cá nhân chỉ là khuôn khổ thường thấy của tư duy hiện đại – chủ nghĩa cá nhân, sở hữu tư nhân, chủ nghĩa tư bản, bình đẳng trước pháp luật. Đúng là sau hàng thế kỷ đấu tranh bằng tri thức, chính trị, và đôi khi là bạo lực, những nguyên tắc cốt lõi của chủ nghĩa tự do cá nhân đã trở thành cấu trúc căn bản của tư duy chính trị hiện đại và của nền quản lý hiện đại, chí ít là ở phương Tây và ngày càng lan truyền sang những khu vực khác trên thế giới. Nhưng, cần phải nói thêm ba điểm: Thứ nhất, chủ nghĩa tự do cá nhân không chỉ là những nguyên tắc tự do rộng rãi đó. Chủ nghĩa tự do cá nhân áp dụng những nguyên tắc này một cách đầy đủ và nhất quán, hơn hẳn phần lớn các nhà tư tưởng hiện đại và chắc chắn là hơn hẳn bất kỳ chính phủ hiện đại nào. Thứ hai, mặc dù xã hội của chúng ta nói chung là dựa vào quyền bình đẳng và chủ nghĩa tư bản, nhưng hàng ngày ở Washington, ở Albany, ở Sacramento và Austin (chứ chưa nói tới London, Bonn, Tokyo và những nơi khác) người ta đều không thực hiện đầy đủ những nguyên tắc này. Mỗi chỉ thị mới của chính phủ đều tước đi của chúng ta một ít tự do, cho nên chúng ta phải suy nghĩ thận trọng trước khi từ bỏ bất cứ quyền tự do nào. Thứ ba, xã hội tự do là xã hội dẻo dai, nó có thể tiếp tục thịnh vượng ngay cả khi phải chịu nhiều gánh nặng, nhưng dẻo dai cũng không phải là vô hạn. Những người tuyên bố rằng họ tin vào những nguyên tắc của chủ nghĩa tự do nhưng lại ủng hộ cho việc tước đoạt ngày càng nhiều hơn tài sản của những người tạo sản, hạn chế ngày càng nhiều những mối tương tác tự nguyện, vi phạm ngày càng nhiều quyền sở hữu và chế độ pháp quyền, chuyển ngày càng nhiều quyền lực từ xã hội vào tay chính phủ, là những người vô tình đang tham gia vào việc phá hủy cơ sở của nền văn minh.

Tả hay Hữu?

Trong diễn ngôn chính trị hiện đại ở Mỹ, chúng ta thường thích gán cho mỗi người một nhãn hiệu, không tả thì hữu, không tự do khai phóng (liberal) thì bảo thủ. Vậy, chủ nghĩa tự do cá nhân là tả hay hữu? Xin xem xét những thuật ngữ này có nghĩa là gì. Cuốn từ điển American Heritage Dictionary nói rằng những người theo phái tự do khai phóng ủng hộ “tiến bộ và cải cách”, trong khi những người bảo thủ “ủng hộ giữ nguyên trật tự hiện hành và nghi ngờ những đề nghị thay đổi”. Cuốn từ điển Random House Dictionary nói rằng phái tả ủng hộ “cải cách theo khuynh hướng khai phóng … thường là ủng hộ nhiều tự do cá nhân hơn hay cải thiện các điều kiện xã hội”, trong khi phái hữu “ủng hộ việc giữ nguyên chế độ chính trị, hoặc xã hội, đôi khi, bằng những biện pháp toàn trị”. Nếu phải chọn thì tôi sẽ chọn “phái tả”.  Nhưng nếu sử dụng những tiêu chuẩn này thì chúng ta có thể gọi Ronald Reagan và Newt Gingrich là những người bảo thủ được không? Chẳng phải là họ đã ủng hộ những thay đổi đáng kể trong chính phủ Mỹ, những thay đổi mà họ tin là sẽ trở thành “cuộc cải cách” và sẽ “cải thiện điều kiện xã hội” hay sao? Những định nghĩa này dường như chẳng nói được bao nhiêu về nền chính trị Mỹ đương đại. Một số cuốn sách giáo khoa về chính trị học còn sắp xếp các hệ tư tưởng với hai cực tả/hữu theo phổ sau đây:

Chủ nghĩa cộng sản

Chủ nghĩa tự do

Chủ nghĩa bảo thủ

Chủ nghĩa phát xít

Nhưng chủ nghĩa tự do có phải là chủ nghĩa cộng sản ôn hòa, còn chủ nghĩa bảo thủ có phải là chủ nghĩa phát xít ôn hòa hay không? Có phải chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản đều là chủ nghĩa toàn trị, cho nên hai chủ nghĩa này có nhiều điểm chung với nhau hơn là với những người hàng xóm trên phổ tả/hữu hay không?

Charles Krauthammer, một nhà bình luận chính trị, trong khi tìm cách gán cho từ “tự do khai phóng” và “bảo thủ” ý nghĩa có thể được áp dụng trên khắp thế giới, đã đề xuất rằng hữu nghĩa là chính phủ nhỏ hơn, còn tả có nghĩa là chính phủ to hơn. Sơ đồ của ông như sau:

Chính phủ lớn nhất

Chính phủ lớn hơn

Chính phủ nhỏ hơn

Chính phủ nhỏ nhất

Nhưng, trong thế giới thực không phải lúc nào người ta cũng nhất quán trong việc ủng hộ chính phủ lớn hơn hay chính phủ nhỏ hơn. Bạn sẽ đưa những người bảo thủ muốn giảm thuế và kiểm duyệt Internet vào chỗ nào trong sơ đồ của Krauthammer? Hay những người tự do khai phóng muốn tăng thêm những biện pháp quản lý của chính phủ nhưng lại đòi hủy bỏ những đạo luật chống lại người đồng tính thì đặt vào chỗ nào?

Trên thực tế, nếu nhìn vào những người được gọi là tự do khai phóng hay bảo thủ ở Mỹ, ta sẽ thấy một mô thức chung. Những người theo phái tự do khai phóng thường muốn chính phủ can thiệp nhiều hơn vào đời sống kinh tế của chúng ta – thuế khóa và quản lý – nhưng ít can thiệp vào ngôn luận tự do và quyết định cá nhân. Những người bảo thủ thường muốn chính phủ ít can thiệp vào đời sống kinh tế và can thiệp nhiều hơn và những vấn đề ngôn luận tự do và quyền tự do cá nhân. Một số nhà chính trị học cho rằng phân loại như thế phù hợp với phổ chính trị ở Mỹ, những người không nằm trong hai phạm trù này bị gọi là “không rõ ràng”. Trong tác phẩm Vượt qua gianh giới tự do khai phóng và bảo thủ (Beyond Liberal and Conservative), hai nhà chính trị học là William S. Maddox và Stuart A. Lilie đặt ra một câu hỏi đơn giản: “Vì mỗi cách tiếp cận đều có hai chiều kích – những vấn đề kinh tế và tự do cá nhân – mỗi chiều kích lại có hai quan điểm, chúng ta có nên công nhận bốn kết hợp này hay không?” Và họ đưa ra sơ đồ sau đây.

 

 

 

Can thiệp của chính phủ vào lĩnh vực kinh tế

 

 

Ủng hộ

Phản đối

Mở rộng quyền tự do cá nhân

Ủng hộ

Tự do khai phóng (Liberal)

Tự do cá nhân

 

Phản đối

Dân túy (Populist)

Bảo thủ

 

 

Những người theo trường phái tự do cá nhân tin rằng lịch sử của nền văn minh là tiến đến tự do. Ngoài ra, quan điểm của những người theo phái tự do cá nhân (libertarian) và phái “dân túy” (đúng hơn, nên gọi là “ủng hộ nhà nước”) thực ra là nhất quán hơn quan điểm của những người theo phái tự do khai phóng (liberal) và những người bảo thủ. Thế thì tại sao không quay lại sơ đồ trên để chứng tỏ rằng cam kết một cách nhất quán với tự do không chỉ là một trong bốn lựa chọn, mà trên thực tế, là đỉnh cao nhất của tư duy chính trị? Với lập luận như thế chúng ta sẽ được sơ đồ sau đây (xin gọi là sơ đồ “kim cương”):


 

Bây giờ chúng ta có thể trả lời câu hỏi được nêu ra trước đây mấy trang. Trên phổ tư duy kinh tế chia thành hai cực tả/hữu hiện nay, chủ nghĩa tự do cá nhân không thuộc phái tả cũng chẳng thuộc phái hữu. Khác với những người theo phái tự do khai phóng đương đại và những người theo phái bảo thủ đương đại, những người theo phái tự do cá nhân tin một cách nhất quán vào quyền tự do cá nhân và nhà nước có quyền lực hạn chế. Một số nhà báo nói rằng những người theo phái tự do cá nhân là những người bảo thủ về các vấn đề kinh tế và tự do về các vấn đề xã hội, nhưng sẽ phù hợp hơn khi nói rằng những người theo phái tự do khai phóng đương đại là những người theo phái tự do cá nhân về (một số) vấn đề xã hội, nhưng lại là những người sùng bái nhà nước về các vấn đề kinh tế, trong khi những người theo phái bảo thủ đương đại là những người theo phái tự do cá nhân về (một số) vấn đề kinh tế nhưng lại sùng bái nhà nước về những vấn đề xã hội.

(Còn nữa)

Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press. 

 

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường