Sự ngụy tạo tri thức
(Diễn từ nhận giải Nobel kinh tế của F.A. Hayek năm 1974)
Có hai lý do khiến tôi khó có thể khước từ lựa chọn chủ đề này. Thứ nhất đây là cơ hội đặc biệt để trình bày. Tiếp đến, đây là thời điểm mà các nhà kinh tế học đang phải đối mặt với vấn đề thực tiễn cơ bản. Dưới con mắt của công chúng, việc trao giải Nobel cho chuyên ngành khoa học kinh tế gần đây chứng tỏ chuyên ngành này đã có những tiến bộ đáng kể, đáng được ghi nhận và kính trọng tương tự như các ngành khoa học tự nhiên. Và tại thời điểm này, công chúng đang trông đợi các nhà kinh tế đưa ra các giải pháp để giúp cho thế giới tự do tránh khỏi sự đe dọa nghiêm trọng của nạn lạm phát đang gia tăng; và chúng ta phải thừa nhận rằng nguyên nhân của vấn nạn này bắt nguồn từ các chính sách được đa số các nhà kinh tế khuyến nghị, thậm chí thúc giục, chính phủ theo đuổi. Thực sự thì hiện tại chúng ta chẳng có gì đáng để tự hào: chúng ta, những chuyên gia kinh tế, đã làm mọi thứ trở nên hỗn loạn.
Theo tôi, việc các nhà kinh tế học thất bại trong việc đưa ra chính sách tốt có quan hệ chặt chẽ với khuynh hướng bắt chước gần như y nguyên các phương pháp nghiên cứu áp dụng trong các ngành khoa học tự nhiên. Mặc dù các phương pháp này đã thành công rực rỡ trong đúng lĩnh vực của nó nhưng việc cố gắng bắt chước chúng trong lĩnh vực của chúng ta có khả năng dẫn đến những sai lầm khôn lường. Đó chính là cái cách tiếp cận mà tôi gọi là “duy khoa học” và cách đây 30 năm tôi đã viết về nó như sau: “hoàn toàn phi khoa học theo nghĩa thực sự của thuật ngữ, bởi nó còn liên quan tới việc ứng dụng một cách máy móc và không có tính phê phán những thói quen tư duy trong những lĩnh vực này mà các thuật ngữ này được hình thành nên vào các lĩnh vực hoàn toàn khác biệt”1. Trong bài thuyết trình ngày hôm nay, cho phép tôi bắt đầu bằng việc lý giải tại sao việc áp dụng cách tiếp cận ‘duy khoa học’ sai lầm này lại trực tiếp gây ra một số sai lầm chết người trong chính sách kinh tế gần đây.
Lý thuyết dẫn dắt chính sách tài khoá và tiền tệ trong 30 năm qua có thể gói gọn lại trong một mệnh đề như sau: tồn tại mối tương quan thuận chiều giản đơn (simple positive correlation) giữa tổng lực lượng lao động và tổng cầu về hàng hóa và dịch vụ. Đây là lý thuyết mà tôi cho rằng là sản phẩm của cách tiếp cận “duy khoa học” sai lầm nói trên. Lý thuyết này khiến chúng ta tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể đảm bảo được tình trạng toàn dụng lao động bằng cách duy trì tổng chi tiêu danh nghĩa (total money expenditure) ở một mức độ thích hợp. Có rất nhiều lý thuyết khác nhau được đưa ra để lý giải tình trạng thất nghiệp tràn lan, nhưng đây có lẽ là lý thuyết duy nhất được hỗ trợ mạnh mẽ bằng các bằng chứng định lượng. Tuy nhiên, tôi coi đây là một sai lầm cơ bản và việc áp dụng lý thuyết này, như giờ đây chúng ta nhận thấy, dẫn đến những hậu quả rất tai hại.
Vậy vấn đề cốt yếu ở đây là gì? Không giống như trong khoa học tự nhiên, trong kinh tế học cũng như trong những ngành học thuật phải giải quyết những hiện tượng có bản chất phức, số lượng các khía cạnh của sự kiện đang xem xét có thể thu thập được dữ liệu định lượng thường rất hạn chế, và có thể đấy lại là các khía cạnh không quan trọng. Trong khi trong các ngành khoa học tự nhiên, chúng ta thường giả định, với lý do xác đáng, rằng bất kỳ yếu tố quan trọng, đóng vai trò quyết định đối với sự kiện đang xem xét đều có thể quan sát và đo lường trực tiếp được, thì chúng ta lại hầu như không thể làm được như vậy trong nghiên cứu các hiện tượng phức, chẳng hạn thị trường, bởi thị trường là hiện tượng phụ thuộc vào hành động của nhiều cá nhân, là kết quả của một quá trình được quyết định bởi vô vàn các yếu tố mà chúng ta rất khó biết được tường tận và đo lường đầy đủ. Và trong khi nhà nghiên cứu trong các ngành khoa học tự nhiên có thể, trên nền tảng một lý thuyết thoạt đúng (prima facie theory), đo lường được những yếu tố mà anh ta cho là quan trọng thì trong các ngành khoa học xã hội thường chỉ những gì có thể đo lường được mới được anh ta coi là quan trọng. Và điều này đôi lúc đẩy người ta tới chỗ phải xây dựng các lý thuyết về xã hội theo hướng chỉ bao gồm các yếu tố đo lường được.
Đòi hỏi kiểu như vậy, không nghi ngờ gì, đã loại bỏ một cách khá tùy tiện những sự thực (facts) lẽ ra phải được thừa nhận là nguyên nhân khả thể của sự kiện diễn ra trong thực tế. Quan điểm này, một quan điểm thường được dễ dãi chấp nhận như là điều kiện bắt buộc của một quy trình khoa học đúng đắn, đã dẫn đến một số hậu quả khá nghịch lý. Dĩ nhiên, chúng ta biết rằng đa phần các sự thực liên quan đến thị trường và những cấu trúc xã hội tương tự là không thể đo lường được; thực ra, chúng ta chỉ biết một số ít thông tin khái quát và thiếu chính xác về chúng. Và bởi ảnh hưởng của những sự thực này trong bất kỳ trường hợp cụ thể nào đều không thể xác nhận được bằng bằng chứng định lượng, chúng đơn giản sẽ bị những người tuân thủ quy tắc khoa học chỉ chấp nhận những cái được chứng thực bằng bằng chứng định lượng bỏ qua: những người này tiếp tục hài lòng với câu chuyện rằng chỉ những yếu tố có thể đo lường được mới là những thứ có liên quan.
Chẳng hạn, mối tương quan giữa tổng cầu và tổng lực lượng lao động có thể chỉ mang tính tương đối, nhưng vì đó là mối quan hệ duy nhất chúng ta có dữ liệu định lượng nên nó được chấp nhận như là mối quan hệ nhân quả duy nhất có ý nghĩa. Nếu dựa trên chuẩn mực [định lượng] này, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy bằng chứng “khoa học” có lợi cho một lý thuyết sai lầm thay vì cho một lý thuyết được xây dựng hợp lệ; lý thuyết sai lầm được chấp nhận vì nó có vẻ “khoa học” hơn, còn lý thuyết được xây dựng hợp lệ bị bác bỏ vì thiếu bằng chứng định lượng ủng hộ.
Để minh họa điều này, tôi xin trình bày ngắn gọn nguyên nhân chính gây ra nạn thất nghiệp trên diện rộng; việc chỉ ra nguyên nhân này cũng là lời giải đáp cho câu hỏi tại sao không thể giải quyết được vĩnh viễn vấn đề thất nghiệp bằng chính sách lạm phát theo khuyến nghị của lý thuyết đang thịnh hành. Theo tôi, nạn thất nghiệp tồn tại là vì có những bất tương thích giữa: (i) phân bố cầu (distribution of demand) giữa các loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau và (ii) phân bổ lao động và các nguồn lực khác cho việc sản xuất ra các sản phẩm đầu ra đó. Chúng ta có hiểu biết “định tính” khá tốt về các lực lượng làm cho cung và cầu trong các khu vực khác nhau của hệ thống kinh tế tương thích nhau, về các điều kiện để sự tương thích đó diễn ra, và về các yếu tố có thể cản trở quá trình dẫn đến sự tương thích đó. Các bước lý giải quá trình này phụ thuộc vào các sự thực được trải nghiệm thường ngày, và nếu có cảm thấy khó tiếp thu cách lập luận thì hiếm ai lại tỏ ra nghi ngờ về tính hợp lệ của những giả định thực tiễn (factual assumptions) hoặc tính hợp lệ về mặt logic của các kết luận được rút ra từ đó. Thực chất, chúng ta có cơ sở vững vàng để tin rằng nạn thất nghiệp là một chỉ dấu cho thấy cấu trúc các mức giá và tiền công tương đối đã bị méo mó (thường do độc quyền hoặc chính sách ấn định giá của chính phủ) và việc lập lại cân bằng cung cầu về lao động trong tất cả các ngành nghề kinh tế đòi hỏi phải có những thay đổi các mức giá tương đối và sự chuyển dịch lao động [giữa các ngành nghề - ND].
Nhưng khi bị yêu cầu cung cấp bằng chứng định lượng về cấu trúc cụ thể của các mức giá và tiền công cần thiết nhằm đảm bảo cho việc cung cấp các các phẩm và dịch vụ được diễn ra suôn sẻ thì chúng ta buộc phải thừa nhận là chúng ta không hề có thông tin kiểu như vậy. Nói cách khác, chúng ta biết các điều kiện chung để cái gọi là (diễn đạt hơi thiếu chuẩn xác một chút) điểm cân bằng tự hình thành, nhưng chúng ta lại không bao giờ biết được các mức giá và tiền công cụ thể là bao nhiêu nếu giả dụ thị trường đạt tới điểm cân bằng. Chúng ta chỉ có thể phát biểu về các điều kiện tại đó chúng ta có thể mong đợi thị trường hình thành các mức giá và tiền công tại đó cung và cầu cân bằng. Nhưng chúng ta có thể không bao giờ đưa ra được số liệu thống kê thể hiện mức độ chênh lệch của các mức giá và tiền công hiện hành so với các mức giá và tiền công cần thiết để bảo đảm việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ diễn ra liên tục tương ứng với mức cung lao động hiện hành. Mặc dù cách lý giải này về các nguyên nhân gây ra nạn thất nghiệp là một lý thuyết thực nghiệm, theo nghĩa nó có thể bị chứng minh là sai, chẳng hạn, nếu chúng ta thấy, với một lượng cung tiền không đổi, việc tăng tổng thể các mức tiền công không dẫn tới nạn thất nghiệp, nhưng dĩ nhiên nó không phải là thứ lý thuyết mà chúng ta có thể vận dụng để đưa ra những tiên đoán với những con số cụ thể về các mức tiền công, hoặc sự phân phối lao động, kỳ vọng trong tương lai.
Nhưng tại sao trong kinh tế học chúng ta buộc phải chấp nhận sự thiếu hiểu biết về loại sự thực mà các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học tự nhiên dám chắc sẽ đưa ra được thông tin chính xác? Không có gì đáng ngạc nhiên nếu như những người đã bị sự thành công của các ngành khoa học tự nhiên chinh phục tỏ ra không hài lòng với quan điểm này và do vậy vẫn nhất quyết theo đuổi các chuẩn mực thực chứng theo kiểu của các ngành khoa học tự nhiên. Nguyên do của tình trạng này là, như tôi đã đề cập ngắn gọn ở trên, các ngành khoa học xã hội, rất giống với ngành sinh vật học nhưng không giống hầu hết những ngành khoa học tự nhiên khác, phải đương đầu với các cấu trúc có bản chất phức, nghĩa là các cấu trúc mà ta chỉ có thể mô tả được các thuộc tính đặc trưng của chúng bằng các mô hình chứa đựng một số lượng tương đối lớn các biến số. Chẳng hạn, cạnh tranh là một quá trình sẽ mang lại những kết quả nhất định nếu diễn ra giữa một số lượng đủ lớn những đối tượng tham gia.
Trong một số lĩnh vực, cụ thể trong những ngành khoa học tự nhiên có các hiện tượng phức tương tự, ta có thể vượt qua những khó khăn trong việc thu thập thông tin cụ thể về từng phần tử riêng lẻ bằng cách sử dụng các dữ liệu về tần suất tương đối, hoặc xác suất, xuất hiện các tính chất riêng biệt khác nhau của các phần tử đó. Nhưng điều này chỉ đúng trong trường hợp chúng ta nghiên cứu cái gọi là “các hiện tượng phức phi hữu cơ” (unorganized complexity), như cách phân biệt được biết đến rộng rãi của tiến sĩ Warrant Weaver (trước đây thuộc Rockefeller Foundation), chứ không phải “các hiện tượng phức hữu cơ” (organized complexity) mà chúng ta phải nghiên cứu trong các ngành khoa học xã hội2. Tính phức hữu cơ ở đây có nghĩa là đặc tính thể hiện sự phức tạp của các cấu trúc phụ thuộc không chỉ vào các tính chất của các phần tử đơn lẻ hợp thành chúng và tần suất tương đối phát sinh các tính chất này, mà còn vào cách thức liên kết giữa các phần tử riêng lẻ đó với nhau. Vì điều này, chúng ta không thể thay thế thông tin cụ thể về các phần tử riêng lẻ bằng thông tin thống kê khi lý giải sự vận động của các cấu trúc đó, và nếu chúng ta muốn lý thuyết của chúng ta đưa ra những tiên đoán cụ thể về các sự kiện riêng rẽ thì chúng ta buộc phải có thông tin đầy đủ về từng phần tử riêng lẻ. Nếu không có các thông tin cụ thể về từng phần tử riêng lẻ chúng ta buộc phải giới hạn các tiên đoán của chúng ta chỉ dưới dạng, mà tôi đã từng đề cập trong một tác phẩm khác, tiên đoán mô thức (pattern prediction) – các tiên đoán về một số trong các thuộc tính chung tự hình thành của các cấu trúc, nhưng không bao hàm các nhận định cụ thể về từng phần tử riêng lẻ cấu thành nên các cấu trúc đó3.
Điều này đặc biệt đúng đối với các lý thuyết của chúng ta về sự xác lập các hệ thống các mức giá và tiền công tương đối vốn tự hình thành dựa trên một thị trường hoạt động suôn sẻ (a well-functioning market). Sự xác lập các mức giá và tiền công này phụ thuộc vào các tác động gây ra bởi các thông tin cụ thể do bất kỳ thành viên nào tham gia vào thị trường có được – một tập hợp các sự thực mà không một bộ óc hay một nhà khoa học quan sát nào có thể biết được toàn bộ. Thực chất, đó chính là nguồn gốc tạo nên tính ưu việt của trật tự thị trường, và cũng là lý do tại sao khi không bị quyền lực chính trị ngăn cản, nó thường thay thế các dạng trật tự khác, khiến cho lượng tri thức về các sự việc cụ thể, phân tán trong vô số người, được đem vào sử dụng nhiều hơn bất kỳ cá nhân riêng lẻ nào có thể nắm giữ để phân bổ nguồn lực. Nhưng bởi vì chúng ta, những nhà quan sát, có thể không bao giờ biết được tất cả các yếu tố quyết định một trật tự như thế, và do đó cũng không thể biết được đâu là cấu trúc cụ thể các mức giá và tiền công tại đó cung và cầu cân bằng ở mọi nơi, nên chúng ta cũng không thể đo lường được các chênh lệch so với trật tự cân bằng đó; chúng ta cũng không thể thực hiện kiểm nghiệm thống kê đối với lý thuyết [về thất nghiệp] của chúng ta vì rằng chính các chênh lệch so với hệ thống các mức giá và tiền công ở trạng thái “cân bằng” là nguyên nhân khiến cho việc bán một số trong các sản phẩm và dịch vụ tại các mức giá chào bán không thể thực hiện được.
Trước khi bàn tiếp chủ đề thực tiễn của bài thuyết trình, những tác động của tất cả điều này đối với các chính sách tạo công ăn việc làm hiện đang được theo đuổi, cho phép tôi chỉ ra cụ thể hơn nữa những hạn chế vốn có nhưng thường bị bỏ qua trong kiến thức được số hóa (numerical knowledge) của chúng ta. Tôi muốn làm như vậy để tránh tạo ấn tượng rằng tôi là người về cơ bản bác bỏ phương pháp toán học trong kinh tế học. Thực tế, tôi coi công cụ toán học là một lợi thế lớn cho phép chúng ta mô tả đặc tính chung của một mô thức thông qua các phương trình đại số cho dù chúng ta không biết gì về các trị số quyết định hình hài cụ thể của mô thức đó. Chúng ta rất khó vẽ được bức tranh tổng thể về sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các sự kiện khác nhau hiện diện trên một thị trường nếu thiếu công cụ đại số này. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến ảo tưởng rằng chúng ta có thể sử dụng công cụ này để xác định và tiên đoán những trị số của các đại lượng này; và điều này đã dẫn đến những cố gắng kiếm tìm trong vô vọng các hằng số định lượng bằng những con số cụ thể. Những nỗ lực kiểu này đã và vẫn tiếp diễn bất chấp thực tế rằng những người sáng lập ra môn kinh tế toán hiện đại không hề có những ảo tưởng đó. Đúng là các hệ phương trình của họ mô tả mô hình cân bằng thị trường rất chi tiết đến mức nếu giả dụ chúng ta có thể điền đầy các tham số khuyết giá trị trong các công thức trừu tượng này, tức là, nếu giả dụ chúng ta biết tất cả các tham số (parameters) của các phương trình trong hệ thống, thì chúng ta có thể tính ra được các mức giá và khối lượng của tất cả các hàng hóa và dịch vụ được đem ra trao đổi. Nhưng như Vilfredo Pareto, một trong những nhà sáng lập ra hệ thống phương trình này, đã chỉ rõ, mục đích của hệ thống không phải là “đưa ra cách tính bằng số các mức giá”, bởi vì như ông nói: việc giả định rằng chúng ta có thể dám chắc có được mọi dữ liệu là “vô nghĩa”4. Thực chất, điểm cốt lõi này đã được những học giả lỗi lạc người Tây Ban Nha thế kỷ XVI, trước khi kinh tế học hiện đại xuất hiện, nhận ra; họ đã nhấn mạnh rằng cái được gọi là giá cả tính toán chính xác (pretium mathematicum), do phụ thuộc vào quá nhiều các yếu tố cụ thể, không người nào có thể biết được ngoài Chúa Trời5. Nhiều lúc tôi cầu mong các nhà kinh tế toán của chúng ta nhập tâm điều này. Và tôi phải thú nhận rằng tôi vẫn hoài nghi liệu nỗ lực của họ trong việc tìm kiếm các đại lượng có thể đo lường được có đem lại những đóng góp thực sự đối với hiểu biết lý thuyết của chúng ta về các hiện tượng kinh tế – thứ phân biệt với đóng góp của họ trong việc mô tả tình huống cụ thể. Tôi cũng thấy khó chấp nhận lời biện hộ rằng nhánh nghiên cứu này còn rất non trẻ: hãy xem, ngài William Petty, người sáng lập ra môn kinh trắc học, là nhân vật có thâm niên cao hơn cả ngài Isaac Newton trong Viện hàn lâm hoàng gia (Royal Society)!
Tuy không có nhiều ví dụ về tác hại gây ra trong lĩnh vực kinh tế của ảo tưởng rằng chỉ các đại lượng có thể đo lường mới quan trọng: nhưng tình trạng lạm phát và thất nghiệp hiện nay lại là một trường hợp rất điển hình của ảo tưởng này. Hậu quả của ảo tưởng này là, thứ nhất, cái đáng ra là nguyên nhân đích thực của nạn thất nghiệp sâu rộng lại bị các nhà kinh tế có đầu óc duy khoa học chiếm số đông bỏ qua, vì rằng tác động của nguyên nhân này không thể khẳng định được thông qua các mối quan hệ có thể quan sát trực tiếp giữa các đại lượng có khả năng đo lường; và thứ hai, sự tập trung hầu như hoàn toàn vào các hiện tượng bề mặt có khả năng đo lường đã tạo ra chính sách khiến cho mọi việc càng thêm tồi tệ.
Dĩ nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận rằng loại lý thuyết mà tôi cho là lý giải đúng đắn vấn đề thất nghiệp chỉ là một lý thuyết có sức mạnh khá hạn chế (limited content) vì nó chỉ cho phép chúng ta thực hiện những tiên đoán khái quát về loại sự kiện chúng ta mong đợi xuất hiện trong một tình huống cụ thể. Nhưng việc áp dụng những mô hình đầy tham vọng rất tiếc cũng chẳng đem lại những ảnh hưởng tốt đẹp; và tôi phải thú nhận rằng tôi ưa thích loại tri thức đích thực cho dù không hoàn hảo, thậm chí để lại nhiều khoảng không xác định và không thể tiên đoán được, hơn là ngụy tạo ra thứ tri thức chính xác nhưng có khả năng cao là sai. Chính cái danh tiếng tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn khoa học phổ biến mà các lý thuyết trông có vẻ dễ hiểu nhưng sai có được đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như chúng ta đang thấy trong ví dụ về vấn đề thất nghiệp hiện nay.
Trên thực tế, liên quan đến chủ đề đang bàn luận, chính các biện pháp do lý thuyết “kinh tế vĩ mô” hiện hành khuyến nghị để giải quyết nạn thất nghiệp – biện pháp gia tăng tổng cầu – là nguyên nhân gây ra sự phân bổ sai lệch nghiêm trọng các nguồn lực, khiến cho khó có thể tránh được nạn thất nghiệp trên quy mô lớn sau này. Việc bơm thêm liên tục tiền tệ vào các khu vực này khác của hệ thống kinh tế nhằm tạo cầu ngắn hạn (phần cầu ắt biến mất khi việc tăng cung tiền bị cắt giảm), cộng với kỳ vọng về việc giá cả tiếp tục gia tăng, sẽ thu hút lao động và các nguồn lực khác vào guồng máy kinh tế; nhưng quá trình này chỉ duy trì được chừng nào cung tiền được liên tục tăng với tỷ lệ không đổi – hoặc có lẽ chỉ có thể duy trì được nếu cung tiền được liên tục tăng theo một tỷ lệ đã ấn định trước. Những gì chính sách này đem lại không phải là một mức thất nghiệp không thể đạt được bằng các biện pháp khác, mà là sự phân phối công ăn việc làm vốn không thể duy trì được lâu dài, và sau một thời gian chỉ có thể duy trì được bằng một tỷ lệ lạm phát mà có thể nhanh chóng làm đảo lộn mọi hoạt động kinh tế. Sự thực là, chúng ta đã bị đẩy vào tình thế bấp bênh, không thể ngăn chặn nạn thất nghiệp trên diện rộng quay trở lại, bởi quan điểm lý thuyết sai lầm này; không phải bởi vì nạn thất nghiệp này được chủ động gây ra như là một biện pháp để chống lại lạm phát như đôi lúc được diễn giải sai lệch bởi lý thuyết vĩ mô hiện hành mà bởi vì giờ đây nạn thất nghiệp có khuynh hướng xuất hiện như là một hệ quả đáng tiếc nhưng không thể tránh khỏi bởi các chính sách sai lầm trong quá khứ ngay khi lạm phát ngừng gia tăng.
Tuy nhiên, giờ đây tôi phải tạm gác lại những vấn đề thực tiễn trước mắt, những vấn đề mà tôi đưa ra nhằm minh họa cho những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra bắt nguồn từ các sai sót liên quan đến những vấn đề trừu tượng của triết học về khoa học. Những hiểm họa lâu dài gây ra bởi sự chấp nhận không suy xét những nhận định có vẻ khoa học trong một lĩnh vực khoa học rộng hơn đáng để chúng ta phải suy ngẫm thấu đáo như đối với hiểm họa liên quan đến những vấn đề tôi vừa đề cập. Những gì tôi thực sự muốn trình bày qua ví dụ minh họa trên là: trong lĩnh vực nghiên cứu của tôi, tất nhiên thế, nhưng tôi tin rằng cũng trong những ngành khoa học nhân văn khác, cái thoạt trông có vẻ là đúng quy trình khoa học nhất lại thường là cái phi khoa học nhất, và hơn nữa, trong những lĩnh vực này có những giới hạn nhất định đối với những điều chúng ta kỳ vọng khoa học đạt tới. Điều này có nghĩa là tin tưởng vào khoa học – hay tin tưởng vào sự kiểm soát có chủ ý dựa theo những nguyên lý khoa học – nhiều hơn mức phương pháp khoa học có thể đem lại có khả năng dẫn đến những hiệu ứng tai hại. Sự tiến bộ của các ngành tự nhiên trong thời kỳ hiện đại dĩ nhiên đã vượt quá xa mọi sự mong đợi; điều này khiến cho người ta hoài nghi bất kỳ ý kiến nào cho rằng có thể có những giới hạn nhất định đối với quá trình tiến bộ này. Ý tưởng này sẽ bị chống đối đặc biệt bởi những người đặt hy vọng vào khả năng kiểm soát xã hội hoàn toàn theo ý chúng ta nhờ năng lực tiên đoán và kiểm soát ngày càng cao của chúng ta – thường được coi là kết quả đặc thù của tiến bộ khoa học – đối với các quá trình vận động của xã hội. Sự thật là, trái ngược với niềm phấn khích về khả năng kiểm soát mà các khám phá của khoa học tự nhiên thường đem lại, càng hiểu biết về các hiện tượng xã hội chúng ta lại càng có xu hướng giảm khát vọng đó; và có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi những đồng nghiệp trẻ tuổi và tràn đầy nhiệt huyết của chúng ta khó sẵn lòng chấp nhận điều này. Song niềm tin vào sức mạnh vô biên của khoa học lại quá đỗi dựa vào một tín điều sai lầm rằng phương pháp khoa học chịu sự chi phối bởi việc ứng dụng một kĩ thuật sẵn có, hoặc việc sao chép hình thức thay vì nội dung của quy trình khoa học, như thể người ta chỉ cần tuân theo một số công thức nấu nướng là có thể giải quyết mọi vấn đề xã hội. Đôi khi có vẻ cứ như thể các kỹ thuật của khoa học dễ nắm bắt hơn cách tư duy để phát hiện ra các vấn đề và cách thức để giải quyết chúng.
Sự xung đột giữa một bên là những điều mà hiện tại công chúng mong muốn khoa học giải quyết nhằm thỏa mãn những hi vọng số đông và bên kia là khả năng thực sự của khoa học là một vấn đề đáng lưu tâm bởi vì ngay cả khi tất cả những nhà khoa học đích thực đều thừa nhận những giới hạn mà khoa học có thể đạt được trong các lĩnh vực nghiên cứu về con người, nhưng chừng nào công chúng còn mong đợi quá mức thì chừng đó vẫn sẽ luôn có những người ngụy tạo, và có lẽ thành thực tin, rằng họ có thể làm được nhiều hơn quyền năng thực sự của họ để thỏa mãn các nhu cầu số đông. Việc phân biệt giữa những tuyên bố thuộc thẩm quyền và không thuộc thẩm quyền nhân danh khoa học thường rất khó khăn đối với giới chuyên gia, và tất nhiên là hầu như không thể đối với người bình thường trong nhiều trường hợp. Việc đưa tin rầm rộ gần đây của các phương tiện thông tin đại chúng về một báo cáo nhân danh khoa học The Limits to Growth [Những giới hạn đối với sự tăng trưởng], và sự câm lặng của chính các phương tiện thông tin đại chúng đó trước phê phán sổ toẹt báo cáo này từ các chuyên gia đích thực6 làm cho người ta phần nào cảm thấy lo ngại về cách danh tiếng của khoa học được đem ra sử dụng. Nhưng điều này không có nghĩa là chỉ trong lĩnh vực kinh tế học người ta mới đưa ra những tuyên bố đại chúng nhân danh khoa học để định hướng mọi hoạt động của con người, để thay thế các quá trình tự phát bằng “sự kiểm soát có ý thức của con người”. Nếu tôi không nhầm thì tâm lý học, tâm thần học và một số ngành xã hội học, không kể đến cái gọi là triết học lịch sử, còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi cái mà tôi gọi là định kiến duy khoa học và bởi những tuyên bố sai lệch về những gì khoa học có thể làm được7.
Bảo vệ danh tiếng của khoa học và ngăn cản hành vi tiếm tri thức (arrogation of knowledge) dựa trên việc bắt chước thô thiển quy trình nghiên cứu trong các ngành khoa học tự nhiên đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong việc vạch trần những hành vi đó, đặc biệt khi một số hành vi này hiện đã trở thành những chuẩn mực chung được chấp thuận bởi các khoa thuộc những trường đại học danh tiếng. Chúng ta không thể cảm tạ hết công ơn của những triết gia khoa học hiện đại như ngài Karl Popper, người đã cống hiến cho chúng ta một sự kiểm nghiệm mà nhờ đó chúng ta có thể phân biệt giữa những gì có thể được xem là khoa học và những gì không phải – một sự kiểm nghiệm mà tôi chắc rằng một số học thuyết hiện đang được chấp nhận rộng rãi là khoa học cũng không thể vượt qua. Tuy nhiên, có một số vấn đề khu biệt liên quan đến những hiện tượng có bản chất phức, trong đó phải kể tới các cấu trúc xã hội, khiến tôi nên diễn đạt lại trong phần kết luận bằng ngôn ngữ tổng quát hơn về các lý do tại sao trong các lĩnh vực này không chỉ có các trở ngại nhất định đối với việc tiên đoán về các sự kiện cụ thể, mà còn tại sao nếu chúng ta hành động như thể chúng ta sở hữu những tri thức khoa học cho phép chúng ta vượt qua những trở ngại đó thì có thể đó sẽ là một trở ngại nghiêm trọng đối với sự tiến bộ của trí tuệ loài người.
Có một điểm quan trọng chúng ta phải ghi nhớ là: khoa học tự nhiên đạt được những bước tiến vĩ đại và nhanh chóng ở những lĩnh vực nơi việc lý giải và tiên đoán các hiện tượng quan sát được thực hiện dựa trên những quy luật được biểu diễn dưới dạng hàm số chứa tương đối ít các biến số, bất kể đó là các biến số về các sự thực cụ thể hay tần suất tương đối của các sự kiện. Đây có lẽ là lý do quan trọng nhất giải thích tại sao chúng ta tách biệt các các lĩnh vực nghiên cứu này vào nhóm “tự nhiên” đối lập với các lĩnh vực nghiên cứu các cấu trúc có tổ chức cao hơn mà tôi gọi là các hiện tượng có bản chất phức. Không có lý gì khiến chúng ta phải tiếp cận lĩnh vực sau theo cùng cách thức như lĩnh vực trước. Những khó khăn mà chúng ta vấp phải trong lĩnh vực sau không phải là những khó khăn về xây dựng các lý thuyết để lý giải các sự kiện quan sát được như ai đó thoạt nghĩ – mặc dù chúng cũng gây ra những khó khăn thực sự đối với việc kiểm nghiệm những lý giải được đề xuất, và qua đó, loại bỏ những lý thuyết tồi. Những khó khăn trong lĩnh vực nghiên cứu các cấu trúc có bản chất phức thực chất nằm ở chính vấn đề vốn sẽ nảy sinh khi chúng ta áp dụng các lý thuyết của chúng ta vào bất kì trường hợp cụ thể nào trong thế giới thực. Một lý thuyết về những hiện tượng có bản chất phức phải tham chiếu đến một lượng lớn các sự thực cụ thể; và để đưa ra một tiên đoán từ lý thuyết đó, hoặc để kiểm nghiệm nó, chúng ta cần phải chắc rằng sẽ nắm bắt được tất cả các sự thực cụ thể này. Nếu giả dụ chúng ta thành công trong việc này, thì việc đưa ra những tiên đoán khả kiểm sẽ chẳng còn gặp khó khăn đặc biệt nào; với sự trợ giúp của các máy điện toán hiện đại, việc điền các dữ liệu này vào các ô trống trong công thức lý thuyết và đưa ra một tiên đoán là công việc khá dễ dàng. Nhưng khó khăn đích thực lại nằm ở việc có được những dữ kiện cụ thể; đây là điều mà khoa học chẳng giúp ích được gì nhiều và đôi khi thực sự ta không thể đưa ra giải pháp.
Một ví dụ đơn giản sẽ cho thấy bản chất của khó khăn này. Xét một trận đấu bóng nào đó của một nhóm cầu thủ có trình độ gần như ngang bằng. Nếu giả dụ chúng ta biết thêm được một số dữ kiện cụ thể ngoài sự hiểu biết chung về năng lực của từng cầu thủ, chẳng hạn mức độ tập trung, khả năng cảm giác và trạng thái hoạt động của tim, phổi, cơ bắp v.v. trong từng thời điểm của trận đấu, thì có lẽ chúng ta có thể tiên đoán được kết quả của trận đấu. Thực ra thì, nếu giả dụ chúng ta có hiểu biết về cả trận đấu lẫn các đội bóng, thì có khả năng chúng ta sẽ vẫn đưa ra được một nhận xét sắc sảo về các yếu tố quyết định kết quả trận đấu. Nhưng dĩ nhiên là chúng ta không thể dám chắc có được các dữ kiện này và do vậy kết quả của trận đấu nằm ngoài tầm có thế tiên đoán bằng phương pháp khoa học, bất chấp mức độ hiểu biết của chúng ta về những yếu tố ảnh hưởng đến các sự kiện cụ thể đóng góp vào kết quả trận đấu. Điều này không có nghĩa là chúng ta không thể đưa ra tiên đoán nào trong suốt thời gian diễn ra trận đấu. Trong khi xem một trận đấu bóng, nếu chúng ta biết được luật chơi của các trò chơi bóng khác nhau, chúng ta sẽ sớm biết được trận đấu đang diễn ra thuộc loại nào, những loại hành động nào chúng ta chờ đợi sẽ xảy ra và loại nào thì sẽ không. Nhưng năng lực tiên đoán của chúng ta sẽ bị giới hạn vào những đặc tính chung kiểu như thế của các sự kiện mong đợi; còn khả năng tiên đoán từng sự kiện riêng lẻ sẽ nằm ngoài năng lực tiên đoán của chúng ta.
Điều này phù hợp với cái mà tôi đã đề cập trên đây – tiên đoán mô thức; chúng ta sẽ càng bị giới hạn vào tiên toán mô thức khi chúng ta càng mở rộng phạm vi nghiên cứu ra khỏi những lĩnh vực nơi các quy luật tương đối giản đơn chi phối để tiến vào địa hạt các hiện tượng bị chi phối bởi những quy luật phức. Càng tiến vào địa hạt đó chúng ta càng thường xuyên thấy rằng trên thực tế chúng ta chỉ có thể dám chắc biết một số chứ không phải tất cả những sự thực cụ thể vốn quyết định kết quả của một quá trình nào đó; và hệ quả là, chúng ta chỉ có thể tiên đoán một số chứ không phải tất cả các tính chất của kết quả mà chúng ta mong đợi. Thông thường thì tất cả những gì mà chúng ta có thể tiên đoán chỉ là một đặc tính trừu tượng nào đó của mô thức sẽ xuất hiện – những mối quan hệ giữa các loại phần tử mà chúng ta biết rất ít về từng phần tử riêng rẽ. Tuy thế, như tôi cảm thấy có nghĩa vụ phải nhắc lại rằng, chúng ta sẽ vẫn có được những tiên đoán mà chúng ta có thể phản nghiệm (falsify) và do vậy chúng vẫn có ý nghĩa thực nghiệm.
Dĩ nhiên, so với những tiên đoán chính xác mà chúng ta đã quen mong đợi trong các ngành khoa học tự nhiên, các tiên đoán theo kiểu thuần túy mô thức này là lựa chọn tốt nhì mà ai đó dù không muốn cũng vẫn phải chấp nhận. Song hiểm họa về điều mà tôi muốn cảnh báo đích xác là loại niềm tin rằng để một tuyên bố được chấp nhận là có tính khoa học thì tuyên bố đó phải khoa học hơn nữa. Lối suy nghĩ này ẩn chứa sự ngụy tạo và hậu quả tồi tệ. Khi tin rằng chúng ta có tri thức và quyền năng cho phép chúng ta định hình các quá trình của xã hội hoàn toàn theo ý muốn của chúng ta, thứ tri thức mà trên thực tế chúng ta không có, và hành động theo niềm tin đó thì chúng ta lại thường gây ra nhiều tai hại. Trong các ngành khoa học tự nhiên có lẽ ít gặp phải sự phản đối đối với việc cố gắng làm những điều không thể; thậm chí có lẽ ta còn cảm thấy không được phép làm nản lòng những người tự tin thái quá bởi vì những thí nghiệm của họ rốt cục có thể đem lại cái gì đó mới mẻ. Nhưng trong lĩnh vực xã hội, niềm tin rằng sử dụng quyền lực vượt quá cũng sẽ đem lại những kết quả hữu ích là một niềm tin sai lầm; nó thường dẫn đến một quyền lực mới cưỡng ép những người khác phải lệ thuộc vào một quyền uy nào đó. Ngay cả khi bản thân quyền lực đó không phải là xấu thì việc thực thi nó lại cản trở sự hoạt động của những lực lượng tuân theo trật tự tự phát, những lực lượng trên thực tế hỗ trợ con người đáng kể trong việc theo đuổi các mục đích của mình mà không cần phải có hiểu biết về chúng. Chúng ta mới chỉ bắt đầu hiểu biết chút ít về sự kỳ diệu của một hệ thống thông tin trợ giúp cho sự vận hành của xã hội công nghiệp phát triển – một hệ thống thông tin mà chúng ta gọi là thị trường và tỏ ra là một cơ chế hiệu quả trong việc xử lý thông tin phân tán hơn bất kì hệ thống thông tin nào được con người chủ ý thiết lập.
Nếu con người không muốn làm những điều lợi bất cập hại khi cố gắng cải thiện trật tự xã hội thì con người cần phải ý thức được rằng, trong lĩnh vực này cũng như trong mọi lĩnh vực khác nơi tính phức chi phối hiện tượng, con người không thể có được tri thức đầy đủ để có thể làm chủ được các sự kiện. Do vậy, con người sẽ phải vận dụng những tri thức có khả năng đạt được, không phải để định hình các kết quả như một thợ thủ công tạo hình cho sản phẩm của mình, mà là để nuôi dưỡng sự phát triển bằng cách tạo ra môi trường thích hợp, theo cách của người làm vườn vun vén cho cây cối của mình. Cảm giác phấn khích về sức mạnh ngày càng gia tăng mà sự tiến bộ của các ngành khoa học tự nhiên mang lại ẩn chứa một hiểm họa; nó cuốn người ta vào nỗ lực theo kiểu “say men chiến thắng” – một cụm từ đặc thù của chủ nghĩa cộng sản trước đây – để không chỉ chế ngự môi trường tự nhiên mà còn cả môi trường xã hội của loài người theo ý muốn kiểm soát của con người. Ghi nhận những giới hạn không thể vượt qua đối với tri thức của con người là một bài học về tính khiêm cung thực sự cần phải dạy cho sinh viên nghiên cứu về xã hội để tránh trở thành kẻ đồng lõa trong tham vọng kiểm soát xã hội đầy nguy hiểm của một số người – thứ tham vọng không chỉ biến anh ta thành kẻ độc đoán đối với đồng loại của mình mà còn biến anh ta thành kẻ hủy hoại nền văn minh không phải do một bộ óc nào tạo ra, nền văn minh được phát triển từ những nỗ lực tự do của hàng triệu con người.
Chú thích:
(1) “Scientism and the Study of Society”, Economia, tập IX, số 35, tháng 8/1942, được tái bản trong The Counter-Revolution of Science, Glencoe, III., 1952. Đoạn trích nằm trong trang 15 của the Counter- Revolution of Science.
(2) Warren Weaver, “A Quarter Century in the Natural Sciences”, The Rockefeller Foundation Annual Report 1958, chương I, “Science and Complexity”.
(3) Xem bài luận của tôi “The Theory of Complex Phenomena” trong The Critical Approach to Science and Philosophy. Essays in Honor of K.R. Popper, do M.Bunge biên soạn, New York 1964, và được tái bản (có bổ sung) trong cuốn sách của tôi Studies in Philosophy, Politics and Economics, London và Chicago, 1967.
(4) V. Pareto, Manuel d’économie politique, xuất bản lần thứ hai, Paris, 1927, trang 223-4.
(5) Xem, ví dụ, Luis Molina, De iustitia et iure, Cologne, 1596-1600, tom. II, disp. 347, no. 3, và đặc biệt Johannes de Lugo, Disputationum de iustitia et iure tomus secundus, Lyon 1642, disp. 26, sect. 4, no. 40.
(6) Xem The Limits to Growth: a Report of the Club of Rome’s Project on the Predicament of Mankind, New York 1972; để tham khảo nhận xét có hệ thống đối với báo cáo này bởi một nhà kinh tế học thực thụ, xem Wilfred Beckerman, In Defence of Economic Growth, London 1974, và về các bài phê bình trước đó của các chuyên gia, xem Gottfried Haberler, Economic Growth and Stability, Los Angeles 1974. Haberler hoàn toàn đúng khi dùng từ “sổ toẹt” (devastating) để chỉ ảnh hưởng của các phê bình của các chuyên gia đối với báo cáo này.
(7) Tôi đã đưa ra một số minh họa cho những xu hướng này trong các lĩnh vực khác trong bài diễn văn nhận chức giáo sư danh dự tại trường Đại học Tổng hợp Salzburg, Die Irrtumer des Konstruktivismus und die Grundlagen legitimer Kritik gesenllschaftlicher Gebilde, Munich 1970, nay được tái bản tại Walter Eucken Institue, Freiburg i.Brg., bởi J.C.B. Mohr, Tubingen 1975.
Nguồn: F.A. Hayek (1989), “Pretence of Knowledge”, American Economic Review, 79(6): 3-7.
(Có tham khảo bản dịch “Sự ngụy tạo kiến thức” trong Assar Lindbeck (biên soạn), “Các thuyết trình tại lễ trao giải thưởng Nobel về khoa học kinh tế 1969-1980”, Trần Thị Thái Hà và cộng sự dịch, NXB chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 277-91.)
(Bản dịch cập nhật ngày 13/02/2022)