Tính toán xã hội chủ nghĩa II: Hiện trạng cuộc tranh luận (1935) (Phần 1)

Tính toán xã hội chủ nghĩa II: Hiện trạng cuộc tranh luận (1935) (Phần 1)

1

Mặc dù một bộ phận các nhà xã hội chủ nghĩa có khuynh hướng coi nhẹ tầm quan trọng của những phê phán chủ nghĩa xã hội, song rõ ràng những phê phán này đã tạo ra ảnh hưởng sâu sắc đến đường hướng phát triển của tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Dĩ nhiên, phần lớn các "nhà kế hoạch hoá" vẫn không bị ảnh hưởng bởi chúng; và đa số những kẻ a dua, dù với bất cứ phong trào phổ biến nào, cũng chẳng mấy khi để ý đến những dòng chảy trí tuệ vốn quyết định sự đổi thay về phương hướng1. Hơn nữa, sự tồn tại trên thực tế của một hệ thống tự nhận là kế hoạch hoá ở Nga đã đưa nhiều người vốn không biết gì về sự phát triển của phong trào xã hội chủ nghĩa tới chỗ tin rằng những vấn đề chính [của hệ thống này] đã được giải quyết. Rồi chúng ta sẽ thấy, trên thực tế, nước Nga cung cấp dư thừa những kinh nghiệm xác nhận các nghi ngờ đã nêu. Nhưng đối với các nhà lãnh đạo tư tưởng xã hội chủ nghĩa, họ không chỉ ngày càng công nhận bản chất của vấn đề trung tâm, mà còn ngày càng thừa nhận sức thuyết phục của những phản bác chống lại các dạng thức chủ nghĩa xã hội, vốn thường được xem là khả thi nhất trong quá khứ. Hiện nay, hiếm có ai còn phủ nhận, rằng trong một xã hội có ý định bảo vệ sự tự do lựa chọn của người tiêu dùng và sự tự do lựa chọn nghề nghiệp thì sự chỉ đạo tập trung tất cả các hoạt động kinh tế ắt phải đề ra một nhiệm vụ mà không thể nào giải quyết được một cách duy lí trong các điều kiện phức tạp của đời sống hiện đại. Rồi chúng ta sẽ thấy, quả là ngay cả trong số những người hiểu rõ vấn đề, lập trường này vẫn chưa bị loại bỏ hoàn toàn, nhưng việc bảo vệ nó ít nhiều mang hơi hướng hậu thủ (rearguard action), nơi mọi nỗ lực đều nhằm chứng minh rằng "trên nguyên tắc" thì hoàn toàn có thể hình dung được một giải pháp. Song rất ít hoặc không ai còn dám tuyên bố một giải pháp như thế là khả thi trên thực tiễn. Về sau chúng ta sẽ có dịp thảo luận về một số những nỗ lực này. Nhưng đại đa số các đề xuất gần đây cố gắng lảng tránh những khó khăn bằng cách đưa ra các dạng thức xã hội chủ nghĩa thay thế khác biệt một cách căn bản với những loại truyền thống, vốn luôn hứng chịu các phê phán trước tiên; và những dạng thức mới này được cho là miễn nhiễm với các phản bác mà những hệ thống truyền thống khó tránh khỏi.

Trong bài luận này, tôi sẽ xem xét những tư liệu mới đây viết bằng tiếng Anh về chủ đề này, và sẽ nỗ lực đánh giá các đề xuất gần đây, vốn được đưa ra nhằm khắc phục những khó khăn mà giờ đây người ta đã thừa nhận. Tuy nhiên, trước khi chúng ta bước vào cuộc thảo luận này, đôi lời về sự liên quan của những thử nghiệm ở Nga đến các vấn đề của cuộc thảo luận có thể sẽ hữu ích.

2

Dĩ nhiên ở thời điểm này, việc tiến hành khảo sát các kết quả cụ thể của cuộc thử nghiệm tại nước Nga là không thể và cũng không đáng mong muốn. Về khía cạnh này, nhất thiết phải tham chiếu tới các nghiên cứu chuyên sâu chi tiết, đặc biệt là của Giáo sư Brutzkus2. Hiện tại, chúng ta chỉ quan tâm đến những câu hỏi tổng quát hơn: đó là, các kết quả thu được từ một nghiên cứu về những kinh nghiệm cụ thể như vậy ăn khớp như thế nào với lập luận lí thuyết, và mức độ mà các kết luận rút ra từ lập luận lí thuyết thuần túy được xác nhận hoặc phủ nhận bởi những bằng chứng thực nghiệm như thế nào.

Ở thời điểm này, có lẽ không vô ích khi nhắc lại với độc giả rằng, dưới góc độ suy xét tổng quát thì thứ bị nghi ngờ không phải là tính khả thi của bản thân công việc kế hoạch hóa, mà là tính khả thi của việc kế hoạch hóa thành công, tức đạt được các mục đích mà kế hoạch hóa hứa hẹn.Vì vậy, trước tiên chúng ta phải hiểu rõ về những bài sát hạch mà qua đó chúng ta đánh giá được sự thành công, cũng như hiểu rõ những hình thức mà trong đó chúng ta trông đợi sự thất bại xuất hiện. Không có cơ sở để kỳ vọng rằng hoạt động sản xuất sẽ dừng lại, hay các cơ quan có thẩm quyền sẽ gặp phải khó khăn trong việc sử dụng mọi nguồn lực sẵn có bằng cách này hay cách khác, hay thậm chí sản lượng sẽ thường xuyên thấp hơn so với trước khi bắt đầu việc kế hoạch hóa. Điều mà chúng ta cần tiên đoán chính là, nơi đâu việc sử dụng những nguồn lực sẵn có bị quyết định bởi các cơ quan trung ương thì sẽ cho sản lượng thấp hơn so với nơi có cơ chế giá cả của thị trường vận hành một cách tự do, với điều kiện là bối cảnh tương tự nhau. Điều này có lẽ là do sự phát triển quá mức của một số ngành sản xuất gây tổn hại cho các ngành khác, và do việc sử dụng những phương pháp sản xuất không phù hợp với bối cảnh. Chúng ta sẽ kỳ vọng tìm thấy sự phát triển quá mức của một số ngành công nghiệp với cái giá mà sự gia tăng sản lượng của chúng cũng không thể biện minh được; và tìm thấy các tham vọng không bị kiểm soát của giới kỹ sư khi áp dụng những tiến bộ mới nhất vốn được tạo ra ở đâu đó mà không hề xem xét liệu chúng có phù hợp với hoàn cảnh về mặt kinh tế hay không. Trong nhiều trường hợp, việc sử dụng những phương pháp sản xuất mới nhất, vốn không thể được áp dụng nếu không có kế hoạch hóa tập trung, sẽ là một biểu hiện của việc sử dụng sai các nguồn lực hơn là một bằng chứng cho sự thành công.

Do vậy, có thể thấy rằng sự ưu việt của một số bộ phận thiết bị công nghiệp của Nga nhìn từ quan điểm kỹ thuật, vốn thường khiến những nhà quan sát vô tình chú ý tới và thường được coi là bằng chứng của sự thành công, lại có ít ý nghĩa cho câu trả lời đối với câu hỏi trung tâm. Liệu một nhà máy mới nào đó có trở thành một liên kết hữu ích trong cấu trúc ngành nhằm gia tăng sản lượng hay không, điều này không chỉ phụ thuộc vào những cân nhắc trên khía cạnh công nghệ, mà còn phụ thuộc thậm chí nhiều hơn vào tình hình kinh tế nói chung. Có thể một nhà máy sản xuất máy kéo tốt nhất không phải là một tài sản, và vốn đầu tư vào nhà máy đó dẫn đến thua lỗ thuần, nếu như lượng lao động mà máy kéo thay thế lại rẻ hơn chi phí vật tư và lao động dùng để tạo ra chiếc máy kéo, cộng tiền lãi.

Nhưng một khi chúng ta thoát khỏi sự hấp dẫn lạc lối từ sự tồn tại của các công cụ sản xuất khổng lồ vốn có khả năng lôi cuốn những nhà quan sát thiếu óc phê phán, thì chỉ còn lại hai bài sát hạch sự thành công là hợp lệ: hàng hóa mà hệ thống thực sự cung cấp cho người tiêu dùng, và tính hợp lí hoặc phi lí của các quyết định của cơ quan trung ương. Không nghi ngờ gì nữa, bài sát hạch đầu tiên đã cho một kết quả tiêu cực đối với tình trạng hiện tại [của nước Nga] ở mọi cấp độ so sánh, hoặc nếu áp dụng cho toàn thể dân số chứ không phải cho một nhóm nhỏ đặc quyền nào. Thực tế là tất cả các nhà quan sát dường như đều đồng ý rằng, ngay cả so với nước Nga trước chiến tranh thì đời sống của quần chúng nhân dân hiện đã bị suy giảm. Tuy nhiên, sự so sánh như vậy có vẻ vẫn còn dành cho các kết quả một số ưu ái. Cần phải ghi nhận rằng Nga Hoàng đã không tạo điều kiện thuận lợi cho nền công nghiệp tư bản chủ nghĩa, và rằng, nếu ở dưới một chế độ tiên tiến hơn, chủ nghĩa tư bản có lẽ sẽ mang đến tiến bộ nhanh hơn. Cũng cần phải lưu ý rằng nỗi thống khổ suốt mười lăm năm qua ­- khẩu hiệu "đói khổ vì sự nghiệp cao cả" ("starving to greatness") được cho là vì tiến bộ sau này - giờ đây đã mang lại kết quả. Và lẽ ra nên đưa ra một cơ sở so sánh thích hợp hơn nếu như chúng ta giả định rằng thuế khoá, với số tiền thu được từ thuế được giao cho lĩnh vực công nghiệp cạnh tranh vay để đầu tư, đã gây ra những hạn chế như nhau đối với sự tiêu dùng, điều mà đã diễn ra trên thực tế. Hầu như không thể phủ nhận rằng điều này lẽ ra dẫn tới sự gia tăng nhanh chóng và lớn lao về mức sống phổ quát, vượt xa hơn bất cứ mức tốt nhất nào có khả năng đạt được hiện nay.

Vậy thì, chỉ còn lại nhiệm vụ kiểm tra thực tế các nguyên tắc mà cơ quan kế hoạch đã dựa vào để hành động. Mặc dù ở đây ta không thể truy xét tiến trình thay đổi của cuộc thử nghiệm, ngay cả một cách vắn tắt, thì tất cả những thứ chúng ta biết về nó, cụ thể là từ nghiên cứu nêu trên của Giáo sư Brutzkus, đủ để cho phép chúng ta tuyên bố rằng những tiên đoán dựa trên lí luận chung đã hoàn toàn được xác nhận. Sự sụp đổ của "chủ nghĩa cộng sản thời chiến"3 đã xảy ra chính xác là do cùng các nguyên nhân, tính không khả thi của việc tính toán duy lí trong một nền kinh tế phi tiền tệ, điều mà Giáo sư Mises và Brutzkus đã tiên đoán từ trước. Sự phát triển kể từ thời điểm đó, với những sự đảo lộn lặp đi lặp lại của chính sách, đã chỉ ra rằng những người cai trị ở Nga đã phải học từ kinh nghiệm tất cả trở ngại vốn dĩ đã được chỉ ra từ việc phân tích vấn đề một cách hệ thống. Nhưng nó lại không nêu lên được những vấn đề mới mẻ và quan trọng nào, lại càng không đề xuất được bất cứ giải pháp nào. Gần như mọi khó khăn vẫn chính thức bị đổ lỗi cho những cá nhân không may, những người bị bức hại vì cản trở kế hoạch do không tuân theo mệnh lệnh của cơ quan trung ương hoặc do thực thi chúng quá máy móc. Mặc dù điều này có nghĩa là các cơ quan có thẩm quyền chỉ thừa nhận sự khó khăn rõ rệt trong việc khiến người dân trung thành tuân theo kế hoạch, nhưng không nghi ngờ gì nữa, những thất vọng nghiêm trọng hơn thực sự là do các khó khăn cố hữu của bất kỳ công việc kế hoạch hóa tập trung nào. Trên thực tế, từ những phân tích như của Giáo sư Brutzkus, chúng ta nắm bắt được rằng, xu hướng hiện nay chẳng những không hướng đến các phương pháp kế hoạch hóa duy lí hơn, mà lại quay sang cắt gọt những khó khăn bằng cách từ bỏ các phương pháp khoa học so sánh vốn được sử dụng trong quá khứ. Thay vào đó là những quyết định ngày càng tùy tiện và không nhất quán với nhau để giải quyết các vấn đề cụ thể, bởi chúng được nảy sinh từ những sự kiện ngẫu nhiên hằng ngày. Nhìn từ khía cạnh của các vấn đề chính trị hay tâm lí, thì kinh nghiệm của Nga có thể rất hữu ích. Nhưng đối với những người nghiên cứu các vấn đề kinh tế của chủ nghĩa xã hội, thì nó chỉ cung cấp những minh họa cho các kết luận rút ra từ cơ sở lí luận chắc chắn. Nó không hỗ trợ chúng ta đưa ra lời giải đáp cho vấn đề mang tính trí tuệ, được đặt ra bởi sự mong muốn tái cấu trúc xã hội một cách duy lí. Vì mục đích này, chúng ta sẽ phải tiếp tục khảo sát một cách có hệ thống về những dạng thức xã hội chủ nghĩa có thể hình dung được khác, vốn không kém phần quan trọng dù chúng chỉ tồn tại ở phạm vi các đề xuất mang tính lí thuyết.

Chú thích:

(1) Thật không may, điều này cũng đúng đối với hầu hết các nỗ lực tập thể có tổ chức dành cho việc nghiên cứu khoa học về vấn đề kế hoạch hóa. Bất cứ ai nghiên cứu các công trình như Annales de l'economie collective, hay những tài liệu đóng góp cho “Đại hội kinh tế xã hội tập thế” tại Amsterdam, 1931, và được xuất bản bởi International Relations Institute dưới nhan đề World Social Economic Planning (2 tập; Hague, 1931-32), sẽ chẳng tìm thấy bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy chúng đã nhận ra các vấn đề chính yếu.

(2) B. Brutzkus, Economic Planning in Russia (London: George Routledge & Sons, Ltd., 1935)

(3) Hệ thống kinh tế chính trị tồn tại ở nước Nga Xô viết thời kỳ Nội chiến Nga 1918-1921 (ND).

Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 8, NXB Tri thức, 2016