Tính toán xã hội chủ nghĩa III: Giải pháp cạnh tranh (Phần cuối)

Tính toán xã hội chủ nghĩa III: Giải pháp cạnh tranh (Phần cuối)

9

Một hệ thống xã hội chủ nghĩa có thể tránh xa được tới đâu việc chỉ đạo tập trung bao quát các hoạt động kinh tế? Đây là câu hỏi cực kỳ quan trọng bên cạnh câu hỏi về mối quan hệ của nó với hiệu quả kinh tế. Nghi vấn xung quanh vấn đề tự do cá nhân và tự do chính trị được đảm bảo ở mức độ nào trong một hệ thống như vậy cũng cực kỳ cần thiết. Cả hai tác giả đều thể hiện nhận thức chắc chắn về những nguy hiểm đối với tự do cá nhân mà một hệ thống kế hoạch hóa tập trung sẽ gây ra, và dường như họ phát triển chủ nghĩa xã hội cạnh tranh một phần là để đối phó với sự nguy hiểm này. Tiến sĩ Dickinson thậm chí còn tiến xa hơn khi cho rằng: “Kế hoạch hóa tư bản chủ nghĩa chỉ có thể tồn tại trên nền tảng của chủ nghĩa phát xít”; ông cũng cho rằng dưới bàn tay của một kẻ điều hành vô trách nhiệm thì ngay cả việc kế hoạch hoá xã hội chủ nghĩa cũng “có thể tạo ra chế độ độc tài khủng khiếp nhất mà thế giới từng chứng kiến”1. Tuy nhiên, cả ông và Lange đều tin rằng chủ nghĩa xã hội cạnh tranh sẽ tránh khỏi vấn nạn này.

Nhưng nếu chủ nghĩa xã hội cạnh tranh có thể thực sự dựa nhiều vào những tác động từ sự lựa chọn của người tiêu dùng được phản ánh qua hệ thống giá cả để định hướng sản xuất, và nếu đúng là có các trường hợp tại đó cơ quan có thẩm quyền phải quyết định sản xuất cái gì và cho phép những ngoại lệ nào ngoài quy định, thì khẳng định này sẽ phần nhiều được chứng minh. Những điều này thực sự đúng đến mức độ nào? Chúng ta đã nhận thấy rằng với việc duy trì kiểm soát đầu tư, cơ quan trung ương nắm giữ quyền lực hầu như rộng khắp trong việc định hướng sản xuất - quả thực rộng khắp hơn nhiều mức độ có thể trình bày mà không làm cho thảo luận này dài ra một cách không cần thiết. Tuy nhiên, đó là còn chưa đề cập tới rất nhiều các yếu tố độc đoán mà Dickinson đã tổng hợp lại thành một danh mục dài nhưng không có nghĩa là đầy đủ2. Ví dụ đầu tiên là, có sự “phân bổ các nguồn lực giữa tiêu dùng hiện tại và tương lai”, mà, như chúng ta đã thấy, luôn dẫn đến quyết định về nhu cầu cụ thể nào sẽ được thỏa mãn và nhu cầu nào thì không. Ví dụ thứ hai là, có sự cần thiết đối với quyết định độc đoán liên quan đến “sự phân bổ các nguồn lực giữa tiêu dùng cá nhân và tiêu dùng tập thể”; theo quan điểm do Dickinson vạch ra về chủ trương mở rộng ngày càng lớn “khu vực tiêu dùng tập thể”, thì điều này đồng nghĩa với việc một phần lớn nguồn lực khác của xã hội phải được đặt ngoài vòng ảnh hưởng của cơ chế giá cả và chịu sự quyết định thuần túy độc đoán. Dickinson công khai đưa thêm vào luận điểm này hai nội dung: “sự lựa chọn giữa làm việc và giải trí” và “lập kế hoạch theo đặc điểm địa lí và định giá đất đai”; nhưng ở những điểm khác của bài thảo luận, có một số câu hỏi khác nảy sinh theo đó ông muốn có hoạt động kế hoạch hoá hiệu quả để sửa chữa những kết quả từ thị trường. Tuy nhiên, mặc dù ông (và Lange nữa) đều thường xuyên ám chỉ những khả năng của việc “sửa chữa” các hệ quả của cơ chế giá cả bằng sự can thiệp pháp lí, nhưng phần nội dung này chưa từng được cân nhắc một cách nghiêm chỉnh ở bất cứ nơi đâu.

Những điều mà cả hai tác giả nghĩ đến có thể được thể hiện rõ nhất qua thái độ của Dickinson trong vấn đề về những thay đổi liên quan đến tiền công: “Nếu tiền công ở bất cứ một ngành nghề nào là quá thấp thì nhiệm vụ của cơ quan kế hoạch hóa là phải điều chỉnh giá cả và số lượng sản xuất để sao cho có một mức lương xứng đáng với kỹ năng, trách nhiệm và sự khó khăn gắn với mỗi ngành nghề”3. Rõ ràng ở đây không hề có sự dựa vào cơ chế giá cả và sự chọn lựa nghề nghiệp một cách tự do. Sau đó, chúng ta thấy, dù rằng “thất nghiệp ở trong bất cứ ngành nghề cụ thể nào cũng là lí do đầu tiên để giảm mức tiền công tiêu chuẩn”4, thì việc giảm tiền công vẫn đáng bị phản đối vì “xét trên bình diện xã hội, việc giảm tiền công gây ra sự bất mãn; còn về mặt kinh tế, nó thể hiện một cách rõ ràng sự phân bổ lao động không hợp lí cho những nghề nghiệp khác nhau” (bằng cách nào?). Vì vậy, “bởi phát minh và tiến bộ kỹ thuật khiến cho cần ít lao động hơn để thỏa mãn những nhu cầu của con người, nên xã hội cần phải tự đặt ra cho mình nhiệm vụ khám phá những nhu cầu mới để thỏa mãn”5. “Cỗ máy tuyên truyền và quảng cáo đầy quyền lực, được sử dụng bởi các cơ quan giáo dục và khai minh của nhà nước thay vì bởi những kẻ ma cô và vụ lợi trong ngành trục lợi sở hữu bởi tư nhân sẽ có thể hướng nhu cầu theo những hướng được xã hội mong đợi, trong khi vẫn tạo ra ấn tượng chủ quan [sic] về sự tự do lựa chọn”6.

Khi chúng ta bổ sung thêm vào điểm này, cũng như nhiều điểm tương tự mà Dickinson muốn S.E.C triển khai một sự kiểm soát mang tính gia trưởng7 một thực tế là cần phải kết hợp sản xuất quốc gia với “một kế hoạch xuất nhập khẩu chung”8 vì thương mại tự do là “không nhất quán với những nguyên lí của chủ nghĩa tập thể”9, thì khá hiển nhiên rằng, sẽ chỉ còn tồn tại một số hoạt động kinh tế hết sức nhỏ lẻ mới không phải chịu ngay tức thì sự định hướng của những quyết định độc đoán. Trên thực tế, Dickinson công khai nghĩ đến một tình huống mà “nhà nước, qua một cơ quan có chức năng kế hoạch hóa rõ ràng, sẽ tự thấy mình phải có trách nhiệm suy tính về hoạt động kinh tế như một tổng thể”, và thậm chí bổ sung thêm rằng điều này phá tan “ảo tưởng” được duy trì trong một xã hội tư bản rằng “sự phân chia sản phẩm bị chi phối bởi những lực lượng phi nhân và không thể tránh được giống như những lực lượng chi phối thời tiết”10. Điều này chỉ có nghĩa rằng, cùng với hầu hết những nhà kế hoạch hóa khác, bản thân Dickinson cũng nghĩ nền sản xuất trong hệ thống của ông giống như nền sản xuất chịu sự định hướng của những quyết định độc đoán và có chủ ý. Tuy thế, dù cho những quyết định độc đoán này có ảnh hưởng sâu rộng như thế nào trong hệ thống của ông đi nữa, thì ông (cũng như Lange) tự tin rằng hệ thống này sẽ không bị thoái hoá thành một chế độ độc tài bạo chúa.

Dickinson chỉ đơn thuần đề cập tới lí lẽ, rằng “ngay cả khi một nhà kế hoạch hoá xã hội chủ nghĩa mong muốn hiện thực hóa sự tự do, thì anh ta vẫn không thể làm như vậy và vẫn tiếp tục bổn phận của một nhà kế hoạch hoá”, dù thế thì câu trả lời ông đưa ra khiến người ta nghi ngờ liệu rằng ông có thực sự nhìn nhận được những căn cứ mà lí lẽ này dựa vào. Câu trả lời của ông chỉ đơn thuần là “một kế hoạch luôn luôn có thể được thay đổi”11. Tuy nhiên đây không phải là vấn đề. Khó khăn nằm ở chỗ, để có thể hoạch định gì đó trên một quy mô bao quát, cần phải có một sự đồng thuận lớn hơn nhiều so với bình thường giữa những thành viên của xã hội về mức độ quan trọng của các nhu cầu khác nhau, và hệ quả là, cần phải dùng vũ lực và tuyên truyền để tạo ra sự đồng thuận này cũng như áp đặt một thang đo giá trị chung cho cộng đồng. Tôi đã phát triển chi tiết luận điểm này ở một chỗ khác nhưng không có đủ chỗ để trình bày lại tại đây12. Luận đề mà tôi đã phát triển cho rằng chủ nghĩa xã hội sẽ có xu hướng biến thành chủ nghĩa chuyên chế, và hiện tại dường như nó đã nhận được sự ủng hộ của những thành phần không thể ngờ tới. Điều này ít nhất được thể hiện khi Max Eastman, trong một cuốn sách gần đây viết về nước Nga, đã tuyên bố rằng “chủ nghĩa Stalin chủ nghĩa xã hội, theo nghĩa tất yếu bị lệ thuộc, dù không dự kiến được, về văn hóa và chính trị”13.

Trên thực tế, mặc dù không nhận ra điều này, nhưng trong phần kết của cuốn sách, bản thân ông đưa ra một nhận định gần giống như vậy. “Trong xã hội xã hội chủ nghĩa”, ông viết, “sự phân biệt, thường là do con người tưởng tượng ra, giữa kinh tế và chính trị sẽ bị phá vỡ; bộ máy kinh tế và chính trị của xã hội sẽ hợp làm một”14. Tất nhiên, điều này chính xác là một học thuyết chuyên chế được rao giảng bởi những kẻ theo chủ nghĩa phát xít và phát xít Đức. Sự phân biệt bị phá vỡ bởi vì trong một hệ thống được hoạch định, tất cả vấn đề kinh tế đều trở thành các vấn đề chính trị, bởi vì không còn cần đến câu hỏi làm thế nào để dung hòa tới mức có thể những quan điểm và ước muốn cá nhân, mà thay vào đó là câu hỏi làm thế nào áp đặt được một thang đo duy nhất các giá trị và “mục tiêu xã hội” mà những nhà xã hội chủ nghĩa từ thời Saint-Simon từng mong ước. Về điều này thì dường như những bản đề xuất của các nhà xã hội chủ nghĩa chuyên chế, từ của Giáo sư Hogben và Lewis Mumford, những người mà Dickinson đưa ra làm ví dụ15, cho đến của Stalin và Hitler, đều thực tế và nhất quán hơn nhiều so với hình ảnh đẹp đẽ và thơ mộng của bức tranh “chủ nghĩa xã hội của những người tự do” mà Dickinson tin tưởng.

10

Sẽ không thể có bằng chứng nào về chất lượng trí tuệ của hai cuốn sách được bàn đến rõ ràng hơn việc, sau khi viết xong một đoạn dài về chúng, ai đó bất chợt nhận ra rằng mình mới chỉ chạm tới bề mặt của những vấn đề được đưa ra. Tuy nhiên, một xem xét chi tiết hơn nữa rõ ràng sẽ vượt quá khuôn khổ của một bài báo; và, vì có nhiều điểm mà độc giả còn nghi ngờ vẫn không được trả lời trong hai cuốn sách, nên việc phân tích đầy đủ về chủ đề này sẽ đòi hỏi một cuốn sách khác, thậm chí còn dài hơn những cuốn sách đang được bàn đến. Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề quan trọng phần nào được nói tới, đặc biệt là trong cuốn sách của Dickinson, những vấn đề mà hiếm khi chúng ta có cơ hội đề cập. Đó không chỉ là vấn đề làm thế nào để kết hợp được khu vực tư nhân với khu vực xã hội hóa, vốn được cả hai tác giả đề xuất, mà còn có cả những vấn đề quan trọng khác như vấn đề về các mối quan hệ quốc tế của một cộng đồng xã hội chủ nghĩa, vấn đề về chính sách tiền tệ, tuy nhiên chúng chỉ được Dickinson đề cập rất ít ỏi, và nói chung kém đạt yêu cầu nhất.

Một bàn luận đầy đủ hơn cũng cần phải chỉ ra rằng ở nhiều đoạn trong phần lập luận của cả hai tác giả, rõ ràng vẫn còn sót lại các ý kiến và quan điểm vốn là những vấn đề thuần túy thuộc về các tín điều chính trị, và điều này gây ra sự không nhất quán một cách lạ lùng với những phần còn lại của cuộc bàn luận. Ví dụ như, việc Dickinson liên tục đề cập đến mâu thuẫn và bóc lột giai cấp cũng như liên tục chế nhạo sự vô ích của việc cạnh tranh16; hoặc với Lange thì là một mục thú vị về “bằng chứng ủng hộ chủ nghĩa xã hội của nhà kinh tế học”, trong đó ông viện dẫn các lí lẽ có vẻ đáng ngờ về tính hợp lệ.

Tuy nhiên, những điều trên chỉ là những điểm nhỏ nhặt. Xét về tổng thể, các cuốn sách hoàn toàn là phi chính thống nhìn từ quan điểm xã hội chủ nghĩa. Điều này khiến cho người ta dường như băn khoăn phải chăng các tác giả đã không giữ lại chút ít nào những bộ phục sức truyền thống của lí luận xã hội chủ nghĩa để làm cho đề xuất của họ có thể được các nhà xã hội chủ nghĩa không phải là nhà kinh tế có thể chấp nhận được. Những nỗ lực đầy dũng cảm để đối diện với những khó khăn thực sự, cũng như tái dựng một khuôn mẫu hoàn chỉnh học thuyết xã hội chủ nghĩa để giải quyết các khó khăn đó đáng được chúng ta biết ơn và kính trọng. Liệu rằng các giải pháp được đưa ra có khả năng triển khai được trong thực tiễn hay không là điều mà có lẽ ngay cả những người theo chủ nghĩa xã hội cũng phải nghi ngờ. Với những người muốn cùng với Dickinson tạo ra “lần đầu tiên trong lịch sử loài người một chủ nghĩa cá nhân hiệu quả”17, thì một con đường khác dường như sẽ mang lại nhiều hứa hẹn hơn.

(Hết)

Chú thích

(1) D, tr. 22 và 227.

(2) D, tr. 205.

(3) D, tr. 21.

(4) D, tr. 127.

(5) D, tr. 131.

(6) D, tr. 32.

(7) Tham khảo thêm, ví dụ, đoạn (D, tr. 52) ở đó Dickinson nói về “những người không sẵn lòng trả trước cho cái mà họ sẽ cảm thấy sung sướng một khi họ có nó”.

(8) D, tr. 169.

(9) D, tr. 176.

(10) D, tr. 21.

(11) D, tr. 227-28.

(12) Xem Freedom and the Economic System ("Public Policy Pamphlet" Số 29 [Chicago: University of Chicago Press, 1939]) và, từ khi bài tiểu luận này xuất hiện lần đầu tiên, trong The Road to Serfdom (Chicago: University of Chicago Press, 1944) (bản tiếng Việt: Đường về nô lệ, Phạm Nguyên Trường dịch, NXB Tri thức 2009).

(13) Stalin's Russia and the Crisis in Socialism (New York, 1940)

(14) D, tr. 235.

(15) D, tr. 25.

(16) D, tr. 22 và 94.

(17) D, tr. 26.

Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 9, NXB Tri thức, 2016