[Cuộc cách mạng ngược trong khoa học] Chương 13 - Vật lý xã hội: Saint-Simon và Comte (Phần 1)

[Cuộc cách mạng ngược trong khoa học] Chương 13 - Vật lý xã hội: Saint-Simon và Comte (Phần 1)

CHƯƠNG 13: VẬT LÝ XÃ HỘI: SAINT-SIMON VÀ COMTE

  1.  

Điều ngạc nhiên hơn cả trong sự nghiệp của Saint-Simon là cho đến cuối cuộc đời ông vẫn có sức hấp dẫn lớn lao đối với những người trẻ tuổi, một số trong những người này thông tuệ hơn ông về tri thức, nhưng trong nhiều năm lại chấp nhận làm thư ký cho ông, coi ông là người lãnh đạo của mình và làm cho các tư tưởng vung vãi của ông trở nên mạch lạc và có trật tự, và chấp nhận sự ảnh hưởng chi phối của ông cho toàn bộ sự nghiệp học thuật của mình. Điều này không đâu đúng hơn trường hợp của Auguste Comte, người mà bất kể về cuối cuộc đời đã than thở về “cái ảnh hưởng cá nhân đáng tiếc đã làm lu mờ những nỗ lực ban đầu của tôi” hay về người “nghệ sỹ tung hứng khốn cùng”, thì những lời này cũng là dành để nói về Saint-Simon

Thật vô ích khi muốn phân biệt rõ ràng phần nào trong công trình suốt giai đoạn bảy năm mà họ đã hợp tác với nhau là của Saint-Simon hay của Comte – đặc biệt là khi dường như trong các cuộc nói chuyện thì Saint-Simon hào hứng và truyền cảm hơn trong các trang viết của mình. Một vài sử gia luôn cho rằng các tác phẩm đề tên Saint-Simon nhưng được cho là do Comte viết chứa đựng thuần túy các tư tưởng của Saint-Simon, trong khi những người khác cố gắng chứng minh sự độc lập hoàn toàn về tư tưởng của Comte. Vì có quá nhiều sự mập mờ về quan hệ trí tuệ thực sự giữa hai người, nên chúng ta phải cẩn thận đối với vấn đề mà bản thân nó có lẽ chẳng quan trọng đến vậy.

Vào tháng Tám năm 1817, ở tuổi 19, Auguste Comte được Saint-Simon giao phó làm thư ký cho mình. Chàng trai trẻ bị đuổi học khỏi Ecole polytechnique khi chỉ còn độ khoảng hơn một năm nữa là tốt nghiệp, sau một thời gian có kết quả học tập xuất sắc và gần như trước kỳ thi cuối cùng, vì tội danh là người cầm đầu trong một vụ chống đối. Kể từ đó, ông kiếm sống như là một gia sư dạy toán, đồng thời chuẩn bị cho một sự bổ nhiệm tại Mỹ, cái điều sau đó đã không thành hiện thực, và đã dịch một quyển sách giáo khoa về hình học từ tiếng Anh. Trong suốt thời gian đó, ông cũng miệt mài tìm đọc các tác phẩm của Lagrange và Monge, của Montesquieu và Condorcet và gần hơn nữa bắt đầu say mê kinh tế chính trị.

Điều này có lẽ đủ để Saint-Simon, người đang ao ước phát triển “khoa học về sản xuất” của mình, thỏa mãn để kéo Auguste viết những phần tiếp theo của cuốn L’Industrie . Ở bất cứ hoàn cảnh nào, người học trò mới có thể viết trong khoảng thời gian độ ba hay bốn tháng cả bốn phần của quyển thứ ba, và phần đầu tiên và duy nhất của quyển thứ tư của ấn phẩm đó trong khi vẫn là thư ký được trả lương của Saint-Simon 3

Về tổng thể thì đóng góp của ông chỉ là sự phát triển các học thuyết của người thầy mới của mình mà ông, với vai trò là một cậu học trò, đã đẩy chúng tiến nhanh hơn tới các kết luận logic của chúng. Quyển thứ ba phần lớn viết về các vấn đề của triết học về lịch sử, sự chuyển đổi dần dần từ thời kỳ đa thần sang một kỷ nguyên thực chứng, từ chế độ quân chủ chuyên chế qua các bước quá độ của một quốc gia tự do có quốc hội cho đến thời kỳ xã hội được tổ chức hoàn toàn mới bằng thực chứng, và trên hết, từ các nguyên lý đạo đức “thiên đàng” cũ sang các nguyên lý đạo đức địa đàng và thực chứng hoàn toàn mới 4. Chỉ đến bây giờ chúng ta mới có thể quan sát được những sự chuyển đổi này bởi vì chúng ta đã nắm bắt được các quy luật điều chỉnh chúng 5. Tất cả các thể chế tồn tại trong bất cứ thời gian nào, tất cả các thể chế xuất phát từ triết lý cai trị xã hội, đều có giá trị tương đối của chúng 6. Và như là lời báo trước về một trong những đặc điểm chính của triết học của ông sau này, Comte tóm tắt nội dung tác phẩm ban đầu này chỉ trong một câu như sau này ông xác nhận: “Không có gì tuyệt đối tốt hay xấu; tất cả đều tương đối, và đây là một mệnh đề bố tuyệt đối đúng duy nhất.” 7

Đối với những người ủng hộ Saint-Simon, các “quan điểm về sở hữu và luật pháp” trong quyển thứ tư của cuốn L’Industrie gây hoang mang không kém gì so với sự cổ vũ cho “các nguyên lý đạo đức địa đàng”. Mặc dù nhìn chung vẫn chủ yếu mang tính chất công lợi 8  trong việc khẳng định tính đa dạng của nội dung các quyền sở hữu và yêu cầu làm cho chúng thích nghi với điều kiện của thời đại 9, tác phẩm đã mang đến một gợi ý mới khi nhấn mạnh rằng, trong khi chính quyền đại nghị chỉ đơn thuần là một hình thức, sự hình thành quyền sở hữu mới chính là một nhân tố cơ bản, và do đó “chính sự hình thành này mới là nền tảng thực sự của ngôi nhà xã hội” 10 – ngụ ý rằng với sự xét lại luật sở hữu, toàn bộ trật tự xã hội có thể bị thay đổi 11.

Quyển thứ ba của L’Industrie chưa thực sự hoàn chỉnh do hầu hết các ủng hộ viên mang tinh thần tự do đã rút lui khỏi dự án này sau một cuộc phản đối công khai chống lại việc cuốn tạp chí đi vào lĩnh vực ngoài chương trình đã cam kết và chống lại sự cổ vũ của tạp chí cho các nguyên lý mà “phá hủy tất cả trật tự xã hội và không song hành với tự do” 12. Mặc dù Saint-Simon định đưa ra lời xin lỗi nhẹ nhàng trong phần mở đầu của quyển thứ tư và hứa quay trở lại kế hoạch ban đầu thì số đầu tiên của quyển thứ tư cũng đã là bản cuối cùng. Các nguồn tài chính đã cạn kiệt và L’Industrie cũng như vị trí được trả lương của Comte cũng kết thúc.

II.

Tuy nhiên, Comte tiếp tục cộng tác với Saint-Simon trong một loạt các tờ báo mà Saint-Simon làm trong những năm tiếp theo. Niềm say mê của ông đối với người thầy của mình vẫn không giảm sút. Saint-Simon là “con người tuyệt vời nhất mà ông biết”, người “đáng yêu mến và kính trọng nhất”, là người mà ông đã thề duy trì tình bạn bất diệt giữa hai người 13. Trong một nỗ lực ra báo tiếp theo, tờ Politique, Comte đã trở thành đối tác và cổ đông cùng với Saint-Simon 14 . Đây chỉ là một trong số rất nhiều tờ báo cổ vũ tự do đã ra đời và chết yểu như nấm trong những ngày đó; nhưng ngay cả với những quan điểm tự do mạnh mẽ của nó cộng với sự cổ vũ tích cực của Comte về kinh tế và tự do báo chí cũng chẳng kéo dài tuổi đời của nó quá năm tháng. Nhưng sau ba tháng sau khi đóng cửa, vào tháng Chín năm 1819, với sự ủng hộ của Comte, Saint-Simon mở một tờ báo mới, mang tính đặc thù hơn 15, lấy tên là L’Organisateur – cái tên hơi giống một chương trình, tập hợp những bài viết có lẽ là nổi bật nhất của Saint-Simon. Đây chắc chắn là xuất bản phẩm đầu tiên của ông thu hút được sự chú ý rộng lớn cả bên trong và bên ngoài nước Pháp và làm ông được biết đến như một nhà cải cách xã hội.

Điều này có ý nghĩa hơn cả đối với niềm say mê mà ông theo đuổi hết mình khi viết bài báo nổi tiếng có tiêu đề “Parable” [Câu chuyện giả tưởng] và chọn làm bài báo mở đầu cho tờ báo mới. Trong bài báo này, Saint-Simon lần đầu tiên chỉ ra rằng nếu như nước Pháp bỗng nhiên mất đi 50 nhà khoa học đầu ngành trong mỗi lĩnh vực, 50 kỹ sư trưởng, nghệ sỹ, nhà thơ, nhà sản xuất công nghiệp, nhà kinh doanh ngân hàng và các thợ thủ công trong mọi lĩnh vực, thì sự sống và nền văn minh của nước Pháp sẽ bị phá hủy. Sau đó ông đối lập điều này với trường hợp không may tương tự rơi vào con số tương ứng những người thuộc giai cấp quý tộc, quan chức cấp cao nhà nước, cận thần của nhà vua và những thành viên của giới tăng lữ và chỉ ra sự mất mát này sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến sự phồn vinh của nước Pháp 16. Tuy được biết đến nhiều nhất, bài “Parable” không phải là phần hấp dẫn nhất của L’Organisateur. Nhằm tương xứng với tiêu đề của tờ báo, ông giới thiệu lần đầu tiên trong một loạt các lá thư một kế hoạch thực sự cho việc tổ chức lại xã hội, hay ít nhất một kế hoạch sắp xếp lại hệ thống chính trị, điều sẽ mang lại sự định hướng có tính khoa học cho mọi hoạt động xã hội mà cần đến nó 17. Điểm khởi đầu mà ông muốn áp dụng cải cách lúc ấy là hệ thống nghị viện Anh, hệ thống tốt nhất đã từng được tạo ra, và vấn đề ông đặt ra là làm thế nào hệ thống này có thể được chuyển đổi thành một thứ gì đó mô phỏng Hội đồng Newton của ông 16 năm về trước. Định hướng này cần phải được đặt vào tay các nhà “công nghiệp”18  nghĩa là tất cả những người làm công việc sản xuất. Họ sẽ được tổ chức thành ba cơ quan riêng biệt. Cơ quan đầu tiên, Chambre d’invention [Phòng phát minh] 19 , sẽ bao gồm 200 kỹ sư và 100 “nghệ sỹ” (nhà thơ, nhà văn, nhà điêu khắc, kiến trúc sư và nhạc sỹ) và cơ quan này sẽ vạch ra kế hoạch cho các công việc công cộng. Chambre d’examination [Phòng giám sát] bao gồm 100 nhà sinh học, vật lý và toán học để đánh giá và phê chuẩn các kế hoạch này. Chambre d’exécution [Phòng thực thi] tập hợp chủ yếu là các doanh nhân giàu có và thành công nhất để giám sát việc thi hành các công việc này. Trong số các nhiệm vụ đầu tiên của quốc hội mới sẽ là việc xây dựng lại luật sở hữu: bộ luật này “cần phải xây dựng trên cơ sở có lợi nhất cho sản xuất”20.

Hệ thống mới sẽ hình thành không chỉ bởi vì những ưu thế vốn có của nó sẽ được công nhận rộng rãi mà bởi quan trọng hơn, nó là kết quả tất yếu của quá trình văn minh hóa đã diễn ra trong suốt 700 năm qua 21. Điều này chứng minh kế hoạch của ông không phải là không tưởng 22 mà là kết quả của sự nghiên cứu khoa học về lịch sử, của lịch sử có thật về toàn bộ quá trình văn minh hóa, như Condorcet đã hình tượng ra nó, điều sẽ cho phép chúng ta tiếp tục con đường đã được định sẵn bằng đôi mắt mở to 23.

Để “ví dụ về ngành nghề phải được hình dung như thế nào” 24, Saint-Simon đã đăng hai bức thư (bức thứ tám và thứ chín) mà, như ngày nay chúng ta đã biết, là do Comte viết, và chính bản thân ông sau này đã tái bản chúng dưới tên thật của mình 25. Những phần quan trọng nhất của hai bức thư này là các đoạn văn ngắn gọn làm sáng tỏ gợi ý của Saint-Simon rằng sự ra đời của hệ thống mới là kết quả tất yếu của quy luật phát triển: “Chưa từng có giai đoạn nào trong lịch sử mà sự tiến bộ của xã hội lại được điều chỉnh bởi một hệ thống do các thiên tài phác họa ra và được quần chúng làm theo. Điều này, nếu nhìn nhận từ bản chất sự vật, thì là không thể, vì quy luật về sự tiến bộ của loài người dẫn đường và thống trị tất cả; con người chỉ là công cụ của nó”. Vì vậy, “tất cả những điều mà chúng ta có thể làm là ý thức tuân theo quy luật này, quy luật đã tạo nên thiên hựu (providence) thực sự của chúng ta, điều khiến chúng ta tin tưởng vào con đường mà nó vạch ra cho chúng ta, thay vì chúng ta phải tuân theo nó một cách mù quáng. Chính tại điểm này, chân lý gắn với mục tiêu của cuộc cách mạng triết học vĩ đại cho thời đại của chúng ta”26. Trong phần còn lại, mặc dù sự đóng góp của Comte chỉ bao gồm một vài ý tưởng mới không thấy trong các tác phẩm trước đó của Saint-Simon, những ý tưởng này giờ đây được trình bày với sự súc tích và sức mạnh mà Saint-Simon không bao giờ có thể viết được như vậy. Ở đây, chúng ta thậm chí thấy áp lực ngày càng gia tăng về sự cần thiết phải thay thế các quyền lực tâm linh cũ bằng “sức mạnh khoa học và thực chứng”27 , thấy một diễn biến giống như vậy đối với các tiến bộ tiếp theo của khoa học hướng đến giai đoạn thực chứng, cái giai đoạn mà cuối cùng cả triết học, các bộ môn về luân lý và chính trị học cũng sẽ đạt tới, và vì thế khiến cho hệ thống xã hội mới được định hướng một cách khoa học trở thành khả thể 28; và chúng ta cũng thấy sự thiếu kiên nhẫn tương tự với tự do tư tưởng, cái quyền năng phủ nhận một quyền lực tâm linh 29. Điểm mới là sự nhấn mạnh đặc biệt đến vai trò của “tầng lớp mới giữ vị trí trung gian giữa những nhà khoa học, nghệ sỹ và thợ thủ công: tầng lớp kỹ sư”; đây là tầng lớp tượng trưng cho một liên kết mới giữa khả năng tâm linh và thế tục; một liên kết “chuẩn bị con đường cho sự định hướng chung này của xã hội” 30. Dưới sự định hướng của họ, toàn bộ xã hội sẽ được tổ chức để “hành động theo tự nhiên” do hiện tại nó được tố chức dưới dạng các bộ phận riêng rẽ31 . Trong ngôi nhà chung này, dân chúng sẽ không còn là những người bị giám sát, mà là những cộng sự hay đối tác 32, và lần đầu tiên chúng ta thấy được cái ý tưởng rằng sẽ không cần đến “chính phủ” nữa mà chỉ cần “hành chính” 33.

Đối với đóng góp của Comte, Saint-Simon chỉ thêm vào cuối lá thư thứ hai lời kêu gọi riêng đến các nhà khoa học và đặc biệt tới các nghệ sỹ, những người mà, với tư cách là các “kỹ sư tâm hồn” đích thực như Lenin sau này diễn tả, sẽ vận dụng tất cả các sức mạnh của tưởng tượng để “kêu gọi tầng lớp nhân dân có những hành động cần thiết nhằm thúc giục họ kiên quyết đi theo định hướng đã chọn và trợ giúp những người lãnh đạo tự nhiên của họ trong sự hợp tác vĩ đại đó” – đây là chỉ dấu đầu tiên cho những học thuyết sau này của Saint-Simon về chức năng xã hội của nghệ thuật 34.

Nhằm miêu tả rõ hơn về hoạt động của hình thức tổ chức xã hội mới của mình, Saint-Simon sử dụng tuyên ngôn mà ông chưa bao giờ dùng trước đây. “Trong trật tự chính trị mới, hình thức tổ chức xã hội [theo hình dung của ông], vì mục đích duy nhất và vĩnh viễn của mình, sẽ đáp ứng tốt nhất có thể sự thỏa mãn các nhu cầu của con người về tất cả tri thức cần có trong các môn khoa học, mỹ thuật và công nghiệp” 35 và sự gia tăng của loại tri thức đó. Ông không dừng lại để mô tả chi tiết “mức độ thịnh vượng đáng kinh ngạc mà xã hội có thể mong đợi với một hình thức tổ chức như vậy” 36. Cho đến nay, trong khi con người chỉ tác động vào tự nhiên những sức mạnh đơn lẻ và thậm chí những nỗ lực trái ngược nhau do hậu quả của việc loài người phân bổ không đều vào những vùng miền khác nhau, mà vùng bé hơn luôn muốn sử dụng tất cả sức mạnh của nó để thống trị vùng khác, thì giờ đây con người sẽ chấm dứt chỉ huy người khác và sẽ hợp sức để vận dụng các nỗ lực kết hợp tác động vào tự nhiên. Tất cả điều cần phải có là thay thế các mục tiêu không rõ ràng mà hệ thống xã hội hiện đang theo đuổi bằng một mục tiêu xã hội thực chứng được tạo dựng:

Trong một xã hội được tổ chức vì mục tiêu thực chứng, tức làm tăng sự thịnh vượng bằng các phương tiện khoa học, nghệ thuật và thủ công, thì đạo luật chính trị quan trọng nhất, cái quyết định hướng đi cho xã hội, sẽ không còn được thực hiện bởi những người được phong cấp bậc gắn với các chức năng xã hội mà bởi chính tổ chức chính trị đó; …mục tiêu và mục đích của một tổ chức như vậy rõ ràng và kiên quyết đến mức không hề còn có chỗ cho sự chuyên quyền của con người hay thậm chí của luật pháp, bởi lẽ cả hai chỉ có thể tồn tại ở dạng không rõ ràng đến mức khó có thể nói chúng là nhân tố tự nhiên. Các hành động của chính phủ điều hành bằng mệnh lệnh sẽ được loại bỏ hoàn toàn, hoặc trên thực tế có thể xem như là hoàn toàn. Tất cả các vấn đề cần phải được giải quyết trong một hệ thống chính trị như vậy là: Những loại hình xí nghiệp nào giúp cộng đồng có thể gia tăng sự thịnh vượng hiện có, dựa trên kiến thức sẵn có về khoa học, nghệ thuật và công nghệ? Bằng các biện pháp nào mà những kiến thức như vậy được phổ biến và đạt tới độ hoàn hảo nhiều nhất có thể? Và cuối cùng, bằng cách nào mà các xí nghiệp này được vận hành với chi phí và thời gian tối thiểu? – Tôi cho là tất cả các câu hỏi này và những câu hỏi sẽ có thể nảy sinh từ chúng thực sự là những câu hỏi thực chứng và có thể giải quyết được. Các quyết định cần phải là kết quả của các luận chứng khoa học, hoàn toàn độc lập với ý chí của con người, và chúng sẽ được đem ra thảo luận bởi tất cả những người được đào tạo một cách đầy đủ để hiểu chúng… Giống như việc tất cả các vấn đề có tầm quan trọng trong xã hội sẽ cần được giải quyết trong tình trạng hiện tại của kiến thức cho phép, tất cả các chức năng xã hội cần được tin tưởng giao cho những người có khả năng nhất trong việc thực thi chúng phù hợp với mục tiêu chung của cộng đồng. Với một trật tự như vậy, chúng ta sẽ thấy tiếp theo là sự biến mất của ba nhân tố bất lợi của hệ thống chính trị hiện tại, đó là sự chuyên quyền, sự không đủ năng lực và sự không minh bạch.37

Những ảo tưởng đẹp đẽ được mô tả hết sức hoàn hảo này, kể từ thời đại của Saint-Simon, đã lôi cuốn các bộ óc được đào tạo một cách khoa học không biết đến nhường nào! Nhưng nó cũng thật rõ ràng với chúng ta hiện nay, thậm chí ngay trong mô thức đầu tiên, rằng đó là một sự lừa gạt; tức cái ý tưởng dựa trên sự mở rộng phương pháp khoa học và kỹ nghệ vượt quá phạm vi mà chúng phù hợp. Saint-Simon hoàn toàn ý thức được ý nghĩa các tham vọng của ông; ông biết rằng cách thức mà ông giải quyết vấn đề tổ chức xã hội “giống y như cách thức người ta xử lý các vấn đề khoa học” là hoàn toàn mới mẻ 38. Và ông đã thành công đến nhường nào trong ý định d’imprimer au XIXe scièle la caractère organisateur [mang đến cho thế kỷ XIX một loại tổ chức đặc biệt]39!

Tuy nhiên, một lần nữa ông lại thất bại với những lời kêu gọi của mình trong giai đoạn đầu tiên. Ông đã hi vọng chính vị vua dòng họ Bourbon sẽ là người nhảy vào lãnh đạo phong trào mới để không những có thể đương đầu trước những mối đe doạ đối với vương triều lúc bấy giờ mà còn đưa nước Pháp đi tiên phong trên con đường văn minh hóa. Nếu không có ánh hào quang mà các vương triều Bourbon có được từ những cải cách xã hội, thì ngay cả danh tiếng của Bonaparte sẽ bị lu mờ đi 40. Nhưng sự phản hồi duy nhất lại là việc Saint-Simon bị kết án như một tòng phạm về mặt đạo đức trong vụ ám sát Công tước de Bery 41 bởi lẽ trong bài “Parable” của mình, ông đã khuyến khích con người tìm đến cái chết vì sự thanh cao. Mặc dù cuối cùng ông cũng được tha bổng, vụ kiện tụng chỉ có tác dụng gây sự chú ý đối với chủ bút của Organisateur, còn bản thân tờ tạp chí đã không thể trụ được sau vụ bê bối này. Những nguồn tài chính cho Saint-Simon một lần nữa lại bị cạn kiệt, và sau một lời kêu gọi mới đến những người có thiên hướng phát triển nền triết học thế kỷ XIX và có mong muốn trở thành foundateurs de la politique positive [những nhà sáng lập bộ môn chính trị học thực chứng] cũng rơi vào thất bại thì dự tưởng này cũng buộc phải từ bỏ.

Chú thích:

(1) Xem A. Comte, Early Essays on Social Philosophy, trans. H. D. Hutton, New Universial Library (London, 1911), p. 23; và Système de politique positive (1851-54), vol. 3, p. 16.

(2) Xem H. Gouhier, La jeunesse d’Auguste Comte (1933), vol. 1, chap. 6. Do tập 3 của công trình xuất sắc này vẫn chưa được ra mắt khi tôi viết bài luận này, nên phần trình bày sau đây về tiểu sử của Comte sau năm 1817 phần lớn dựa vào bản ngắn hơn của cùng tác giả Vie d’Auguste Comte (Paris, 1931).

(3)  A. Pereire, Autour de Saint-Simon (Paris, 1912), p. 25.

(4) Oeuvres de Saint-Simon et d’Enfantin (OSSE), 2d. ed. (1865-78), vol. 19, pp. 37-38.

(5) Ibid., p. 27: “Tính ưu việt lớn lao của thời đại hiện nay… là ở chỗ ta có thể biết những gì ta làm… Có ý thức về tình trạng của chúng ta, ta sẽ có ý thức về những gì ta cần phải làm”.

(6) Ibid., p. 23.

(7) L’Industrie, 2me cahier, vol. 3: “Vấn đề không còn phải là luận bàn vô bổ để biết chính thể nào là tốt nhất: Không có gì tuyệt đối tốt hay xấu; tất cả đều tương đối, và đây là một mệnh đề tuyệt đối đúng duy nhất”.

(8) OSSE, vol. 19, p. 13.

(9) Ibid., pp. 82-83, 89.

(10) Ibid., p. 83.

(11) Hoàn toàn ngẫu nhiên, và như là một biện minh cho quan điểm này, Comte phát triển lần đầu tiên lý thuyết cho rằng kết cấu hiện tại về sở hữu ở Pháp là hệ quả của cuộc chinh phục xứ Gaul của dân tộc Frank. Phát biểu của ông (ibid., p. 87) rằng việc những người kế nghiệp của đội quân giành chiến thắng vẫn là những người giàu có trong khi con cháu của những kẻ chiến bại ngày nay là những người nông dân cung cấp một ý tưởng nền tảng cho những lý thuyết chủng tộc về lịch sử của Thierry và trường phái của ông. Chính Saint-Simon hai năm sau đã sử dụng quan điểm này để đưa ra tuyên bố về quyền ưu tiên liên quan đến Guizot (xem ibid., vol., 21, p. 192).

(12) Pereire, op. cit., pp. 25-28.

(13) Lettres d’Auguste Comte à M. Valat (Paris, 1870), pp. 51, 53. Cũng xem pp. 36-37 (bức thư đề ngày 17 tháng Tư 1818): “Tôi có thể nói với anh rằng chưa bao giờ tôi được làm quen với một người trẻ tuổi nào vừa đầy nhiệt tình vừa khoáng đạt hơn anh ta: đó là một con người độc đáo về mọi phương diện. Qua mối liên hệ làm việc và tình bạn này, tôi đã được biết đến một trong những người có tầm nhìn xa nhất trong chính trị triết học. Tôi đã học được khối điều mà tôi đã hoài công tìm tòi trong sách vở, và trong sáu tháng quan hệ, tôi đã đi xa hơn ba năm tôi ở một mình. Chính công việc ấy đã hình thành trong tôi sự phán đoán về các ngành khoa học chính trị, và ngược lại, công việc ấy cũng đã mở rộng những ý tưởng của tôi về mọi ngành khoa học khác, nói ngắn gọn, cho tôi một cái nhìn đúng đắn hơn, ở tầm cao hơn”. M. Leroy, khi trích dẫn đoạn trên (La vie véritable du comte Henri de Saint-Simon, 1925, p. 293), chèn thêm câu sau đây sau câu đầu tiên: “Saint-Simon est un accoucheur d’idées” [Saint-Simon là một bà đỡ cho những ý tưởng – ND] Mặc dù đây có lẽ không phải là câu do Comte viết, chúng tôi vẫn sử dụng nó làm tiêu đề cho chương 12.

(14) Pereire, op. cit., p. 60.

(15) Không nên hiểu theo nghĩa đen từ ‘báo chí’ và các cách diễn đạt tương tự liên quan đến các công trình của Saint-Simon. Tất cả chúng đều ra mắt không đều đặn, thường chẳng theo trật tự nào cả, và có hình dạng và số bản in ra khác nhau. Organisateur là tác phẩm tiêu biểu nhất của ông thuộc dạng này.

(16) OSSE, vol. 20, p. 17-26.

(17) Ibid., pp. 50-58.

(18) Ibid.

(19) Ý tưởng Chambre d’invention có lẽ vay mượn từ New Atlantis của Bacon.

(20) OSSE, vol. 20, p. 59.

(21) Ibid., p. 63.

(22) bid., pp. 69-72.

(23) Ibid., p. 74.

(24)  Ibid., p. 67.

(25) Trong phần phụ lục của Système de politique (1854), sau này được in lại với tựa đề Opuscules de philosophie sociale 1819-1828 (Paris, 1883). Bản dịch ra tiếng Anh của phiên bản sau bởi H. D. Hutton, với lời giới thiệu của F. Harrison, do nhà xuất bản Routledge’s New Universal Library ấn hành với tiêu đề Early Essays on Social Philosophy. Phần dưới đây, các chỉ dẫn số trang trong ngoặc đơn liên quan đến OSSE thuộc về ấn bản tiếng Anh.

(26) OSSE, vol. 20, pp. 118-19 (56-57).

(27) Ibid., p. 85 (35).

(28)  Ibid., pp. 137-39 (68-71).

(29) Ibid., p. 106 (49).

(30) Ibid., p. 142 (72). Về các cân nhắc của Comte liên quan đến cùng chủ đề vài năm sau này, cũng xem (p. 272-74). Về sự e sợ các đề xuất của ông một ngày nào đó có thể dẫn đến “chủ nghĩa chuyên chế ngự trị trong khoa học”, Comte mô tả đó là “một con ngáo ộp lố lăng và vớ vẩn, chỉ có thể xuất hiện trong những cái đầu hoàn toàn xa lạ với các ý tưởng thực chứng” (ibid., p. 158 [82]).

(31) Ibid., p. 161 (85).

(32) Ibid., p. 150 (77).

(33) Ibid., pp. 144-45 (73): “Nhân dân không còn cần phải được cai trị nữa, nghĩa là không cần phải được chỉ huy nữa. Để duy trì trật tự, chỉ cần quản trị hành chính những công việc thuộc lợi ích công cộng mà thôi”.

(34) Ibid., p. 193. Cũng xem trích đoạn trong tác phẩm của Saint-Simon sau này, Organisation sociale, ibid., vol. 39, p. 136, và các lưu ý của Comte về cùng chủ đề trong đóng góp của ông đối với Catéchisme des industriels trong Early Essays, p. 172.

(35) OSSE, vol. 20, p. 194.

(36) Ibid., pp. 194-95.

(37) Ibid., pp. 199-20038) 

(38) Ibid., pp. 218, 226.

(39) Ibid., p. 220.

(40) Ibid., pp. 236-37.

(41) Ibid., pp. 240-42.

Nguồn: Friedrich A. Hayek, Cuộc cách mạng ngược trong khoa học: Các nghiên cứu về sự lạm dụng lý tính, NXB Tri Thức, 2007