[Cuộc cách mạng ngược trong khoa học] Chương 11: Khởi nguồn của sự ngạo mạn duy khoa học: Trường Đại học Bách khoa Paris (Phần 1)

[Cuộc cách mạng ngược trong khoa học] Chương 11: Khởi nguồn của sự ngạo mạn duy khoa học: Trường Đại học Bách khoa Paris (Phần 1)

I.

Con người thường hay mắc phải sai lầm nghiêm trọng nhất khi tiếp tục đi trên con đường đã dẫn mình tới tột đỉnh vinh quang. Và những thành tựu đạt được trong nhóm các ngành khoa học tự nhiên chưa từng bao giờ được tự hào cũng như quyền lực vạn năng của những phương pháp khoa học của nhóm ngành đó chưa từng bao giờ được tin tưởng cao độ như ở thời điểm chuyển giao giữa thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX, nhất là ở Paris, nơi gần như tất cả những nhà khoa học lỗi lạc của thời đại tụ hội. Do đó, nếu cho rằng tâm thái mới của loài người về những hiện tượng xã hội trong thế kỷ XIX bắt nguồn từ những thói quen tư duy mới gặt hái được trong quá trình chinh phục tự nhiên về cả vật chất lẫn trí tuệ là đúng, thì chúng ta có quyền hy vọng là nó sẽ xuất hiện ở nơi mà khoa học hiện đại đã ca khúc khải hoàn về những chiến công vĩ đại nhất của nó. Chúng ta sẽ không phải thất vọng về điều này. Cả hai dòng chảy trí tuệ lớn mạnh đã lay chuyển tư tưởng xã hội trong suốt thế kỷ XIX – chủ nghĩa xã hội hiện đại và các hình thái của chủ nghĩa thực chứng, được chúng ta gọi gộp lại dưới cái tên chủ nghĩa duy khoa học – bắt nguồn trực tiếp từ đội ngũ những nhà khoa học và kỹ sư chuyên nghiệp trưởng thành ở Paris, mà cụ thể hơn là từ một ngôi trường mới, nơi hiện thân cho một tinh thần mới độc nhất vô nhị, Ecole Politechnique [Trường Đại học Bách khoa Paris].

Sự thành kính chung, chưa từng có trước đây, đối với nhóm các ngành khoa học tự nhiên chính là nét đặc trưng tiêu biểu, được nhiều người biết đến, của thời kỳ Khai sáng ở nước Pháp. Voltaire chính là cha đẻ của trường phái tôn sùng Newton, sự sùng bái mà sau này đã được Saint-Simon đẩy lên một cách thái quá. Và niềm đam mê mới này chẳng bao lâu sau đã bắt đầu thai nghén ra những thành quả to lớn. Đầu tiên, mối quan tâm được tập trung vào những chủ đề gắn với tên tuổi vĩ đại của Newton. Cùng với Clairault, d’Alembert và Euler, những nhà toán học lỗi lạc nhất của thời kỳ đó, Newton đã nhanh chóng tìm ra những người kế tục xứng đáng, những người đến lượt mình lại được tiếp bước bởi những nhà khoa học cũng không kém phần xuất sắc, Lagrange và Laplace. Và với Lavoisier, người không chỉ  sáng lập ra hóa học hiện đại mà còn là một nhà sinh lý học vĩ đại, cũng như Buffon trong ngành sinh học, nhưng ở một mức độ kém xuất sắc hơn, nước Pháp đã bắt đầu nắm giữ vị trí tiên phong trong tất cả những lĩnh vực quan trọng của khoa học tự nhiên.

Bộ Encyclopaedie [Bách khoa toàn thư] là một cố gắng vĩ đại nhằm tập hợp và phổ biến những thành tựu của khoa học hiện đại và bài “Discours préliminaire” (1754) [Dẫn luận (cho bộ “Từ điển bách khoa”)], phần đóng góp to lớn của d’Alembert trong bộ Bách khoa, nơi ông đã thể hiện những cố gắng nhằm phát hiện ra nguồn gốc, sự phát triển và những mối quan hệ của vô số các ngành khoa học khác nhau, có thể được xem như là Lời giới thiệu của không chỉ riêng bộ Bách khoa mà còn là của cả một thời kỳ. Nhà toán học và vật lý lỗi lạc này đã cống hiến rất nhiều trong việc đặt nền móng cho một cuộc cách mạng trong cơ học, và chính nhờ nền móng ấy mà đến cuối thế kỷ, học trò của ông, Lagrange, cuối cùng đã giải phóng ngành cơ học khỏi những quan niệm siêu hình và trình bày lại toàn bộ ngành khoa học này đơn thuần bằng cách miêu tả những quy luật chi phối các tác động, loại bỏ tất cả những nguyên nhân tối hậu và những thế lực vô hình1.  Đó là thành tựu mà không một bước tiến riêng lẻ nào khác trong khoa học có thể sánh được, trên phương diện về mức độ ảnh hưởng cũng như mức độ biểu trưng, để diễn tả xu hướng chuyển động của nền khoa học thời kỳ này2.

Tuy thế, trong khi đóng góp này vẫn đang từng bước đặt nền móng cho một lĩnh vực mà trong đó nó có hình hài rõ ràng nhất, thì xu hướng tổng quát mà nó thể hiện đã được nhận diện và miêu tả bởi Turgot, người cùng thời với d’Alembert. Trong những bài diễn thuyết kiệt xuất của chàng thanh niên 23 tuổi này tại lễ khai mạc và bế mạc ở Sorbonne năm 1750 và trong bản phác thảo của bài luận Discourse on Universal History [Thuyết trình về lịch sử nhân loại] cùng thời, ông đã vạch ra những nét chính xem xét sự tiến bộ trong nhận thức về tự nhiên của chúng ta đã song hành như thế nào cùng với sự thoát ly dần dần khỏi những quan niệm của thuyết nhân hình, học thuyết lúc đầu đã dẫn con người đến việc lý giải những hiện tượng tự nhiên bằng cách hình dung chúng được một tâm trí giống như tâm trí của chính con người thổi sinh khí vào. Chính ý tưởng này, ý tưởng mà về sau đã trở thành nội dung chính cho chủ nghĩa thực chứng và rốt cuộc bị chính Turgot áp dụng một cách sai lầm vào lĩnh vực khoa học về con người, sau đó đã nhanh chóng được phổ biến rộng rãi nhờ Tổng thống C. de Brosses dưới cái tên đạo thờ vật (fetishism)3; cái tên này tiếp tục tồn tại mãi tới khi nó bị thay thế bằng các biểu hiện khác sau này, đó là các thuyết nhân hình và thuyết duy linh. Tuy nhiên, Turgot thậm chí còn đi xa hơn. Ông đi trước Comte khi miêu tả quá trình thoát ly phải trải qua ba giai đoạn như thế nào: sau giai đoạn cho rằng những hiện tượng tự nhiên do những đấng có trí tuệ tạo ra, những đấng vô hình nhưng giống như chúng ta, thì đến giai đoạn các hiện tượng bắt đầu được giải thích bằng những ngôn từ trừu tượng như “bản chất” và “năng lực”, và đến giai đoạn cuối cùng, “bằng việc quan sát hành động cơ học tương hỗ của những cơ thể, các giả thuyết được thiết lập với sự hỗ trợ của toán học và được kiểm chứng bằng kinh nghiệm”4

Người ta đã chỉ ra được rằng5 hầu hết những ý tưởng chủ đạo của chủ nghĩa thực chứng ở Pháp đã được d’Alembert, Turgot, bạn bè và những học trò của họ như Lagrange và Condorcet tạo lập. Dù chủ nghĩa thực chứng của họ có khác với chủ nghĩa thực chứng của Hume ở chỗ nó mang một màu sắc mạnh mẽ của chủ nghĩa duy lý kiểu Pháp, thì hầu hết những gì hợp lý và có giá trị trong học thuyết của họ vẫn là một sự thật không thể bàn cãi. Và tuy không có cơ hội đi sâu hơn nữa vào khía cạnh này, chúng ta cũng vẫn nên đặc biệt nhấn mạnh rằng trong giai đoạn này, giai đoạn mà cùng với quá trình phát triển của chủ nghĩa thực chứng Pháp, nhân tố chủ nghĩa duy lý này, chắc là do ảnh hưởng của Descartes, tiếp tục đóng một vai trò quan trọng6.

Tuy nhiên, cũng phải chỉ ra rằng, các nhà tư tưởng vĩ đại người Pháp của thế kỷ XVIII này hầu như vẫn chưa có liên hệ gì mấy đối với sự bành trướng quá mức vào những hiện tượng xã hội của những phương pháp tư duy duy khoa học, những phương pháp mà sau này đã trở thành điểm đặc trưng của ngôi trường đó – có lẽ chỉ trừ một số những tư tưởng nhất định của Turgot về triết học lịch sử và một số những gợi ý cuối cùng của Condorcet. Tuy nhiên không ai trong số họ từng nghi ngờ về tính xác đáng của phương pháp trừu tượng và đặt giả thuyết trong việc nghiên cứu các hiện tượng xã hội và tất cả họ đều là những người kiên định theo chủ nghĩa cá nhân. Sẽ là một điều đặc biệt thú vị khi biết rằng Turgot, giống như David Hume, đồng thời là một trong những người sáng lập ra cả chủ nghĩa thực chứng và lý thuyết kinh tế trừu tượng; và sau này người ta đã sử dụng chính chủ nghĩa thực chứng để phản bác lại lý thuyết kinh tế trừu tượng. Tuy nhiên ở một vài khía cạnh nào đó, hầu hết những người này đều đã không chủ tâm khởi xướng những luồng tư tưởng có khả năng  tạo ra những sự nhìn nhận các vấn đề xã hội khác biệt so với cách nhìn nhận của chính bản thân họ.

Điều này đặc biệt đúng đối với Condorcet. Là một nhà toán học giống như d’Alembert và Lagrange, ông ta tuyệt đối tin tưởng vào lý thuyết cũng như thực tiễn chính trị. Và mặc dù cuối cùng ông ta đã hiểu ra rằng “chỉ một mình sự suy ngẫm thôi có lẽ cũng đã đủ để dẫn chúng ta đến những chân lý chung trong khoa học về con người”7, thì ông ta không những chỉ mong muốn rằng điều này [sự suy ngẫm] cần được bổ sung thêm bằng việc quan sát rộng rãi mà đôi khi còn quả quyết cứ như thể rằng phương pháp của các ngành khoa học tự nhiên là phương pháp giải quyết thỏa đáng duy nhất để giải quyết các vấn đề xã hội. Chính khao khát muốn áp dụng ngành toán học sở trường của bản thân, đặc biệt là những những phép tính xác suất mới được phát triển, vào lĩnh vực quan tâm thứ hai của mình đã khiến ông bỏ ngày càng nhiều công sức vào việc nghiên cứu những hiện tượng xã hội mà nên được quan sát và đo lường một cách khách quan8. Đầu năm 1783, trong bài diễn thuyết tại buối lễ kết nạp vào viện hàn lâm của mình, ông đã đưa ra một phát biểu mà sau này đã trở thành một tư tưởng được ngành xã hội học thực chứng yêu thích, rằng đối với một nhà quan sát thì những hiện tượng tự nhiên và xã hội đều mang cùng một bản chất, bởi lẽ “một kẻ xa lạ đối với loài người chúng ta sẽ tìm hiểu xã hội con người giống như cách chúng ta làm với xã hội của loài hải ly hay loài ong”9. Và mặc dù thừa nhận rằng đây là một giả tưởng phi thực tế bởi lẽ “bản thân nhà quan sát cũng là một bộ phận của thế giới con người”, ông ta vẫn liên tục hô hào các học giả “đưa triết lý và phương pháp của khoa học tự nhiên vào các ngành khoa học luân lý”10.

Tuy nhiên, những gợi ý có ảnh hưởng sâu mạnh nhất của ông lại xuất hiện trong tác phẩm Sketch of a Historical Picture of the Progress of the Human Mind [Phác thảo một bức tranh lịch sử về quá trình phát triển của tâm trí con người], chúc thư (testament) nổi tiếng của thế kỷ XVIII như nó từng được đặt tên. Trong chúc thư này, sự lạc quan không giới hạn của thời đại đã tìm được sự thể hiện cuối cùng và vĩ đại nhất của nó. Trong khi truy cứu lại tiến trình phát triển của con người dưới một dàn ý đồ sộ, ông ta đã hình tượng ra một ngành khoa học mà sau này có thể tiên đoán, làm tăng tốc, và điều chỉnh tiến trình phát triển tương lai của loài người11. Nhưng để thiết lập được những quy luật cho phép chúng ta dự đoán được tương lai, lịch sử phải không còn là lịch sử của những cá nhân mà phải trở thành lịch sử của quần chúng, và đồng thời nó cũng không còn chỉ là bản ghi chép những thực tế đơn lẻ mà phải dựa trên một sự quan sát có hệ thống12. Tại sao nỗ lực dựa vào những kết quả nghiên cứu lịch sử của nhân loại để vẽ nên một bức tranh về số phận tương lai của nó lại bị xem là hão huyền? “Nền tảng duy nhất của tri thức khoa học là tư tưởng cho rằng những quy luật chung, đã được tìm ra hay vẫn còn ẩn khuất, vốn chi phối những hiện tượng trong vũ trụ là tất yếu và không đổi; và tại sao nguyên tắc này lại ít đúng đối với những lĩnh vực trí tuệ và đạo đức của con người hơn là đối với những hiện tượng khác của thiên nhiên?”13 Đúng thế, ý tưởng về những quy luật tự nhiên của sự phát triển lịch sử và quan điểm theo tập thể luận đã được khai sinh. Đấy không chỉ như là những gợi ý bột phát. Chúng còn phát triển thành một truyền thống liên tục, tồn tại với chúng ta cho đến tận ngày hôm nay14.

II

Bản thân Condorcet đã trở thành một nạn nhân của Cuộc cách mạng Pháp. Tuy thế tác phẩm của ông đã chỉ ra rằng Cuộc cách mạng đó, đặc biệt là những cải cách giáo dục của nó, đã đóng vai trò quan trọng cho việc ra đời của một tổ chức khoa học lớn được thể chế hóa và tập trung hóa, nơi đã hình thành nên một trong số những thời kỳ tiến bộ khoa học rực rỡ nhất cho tới tận đầu thế kỷ mới. Tuy nhiên, chính cái tổ chức này không chỉ trở thành cái nôi của chủ nghĩa duy khoa học, khía cạnh mà chúng ta đặc biệt quan tâm, mà nó có lẽ còn phải chịu trách nhiệm chính cho sự trượt dốc tương đối của khoa học Pháp trong suốt thế kỷ từ vị trí số một trên thế giới xuống vị trí, không những chỉ sau Đức mà còn sau cả nhiều quốc gia khác. Như chiều hướng thường thấy trong các phong trào tương tự, chỉ từ thế hệ thứ hai hay thế hệ thứ ba trở đi, những học trò của những vĩ nhân đã mắc khuyết điểm khi phóng đại những ý tưởng của thầy mình và áp dụng chúng một cách sai lầm vượt quá giới hạn cho phép của chúng.

Những hệ quả trực tiếp của Cuộc cách mạng Pháp đặc biệt thu hút sự quan tâm của chúng ta ở ba khía cạnh sau đây. Trước hết, sự sụp đổ của những trường viện đang tồn tại đòi hỏi phải áp dụng ngay lập tức tất cả những tri thức vốn được xem như là biểu hiện cụ thể của lẽ phải, như là tôn chỉ của Cuộc cách mạng, [cho những trường viện mới đang được dựng nên]. Như một trong những tạp chí khoa học mới nổi ở cuối Giai đoạn Khủng bố (the Terror) [1793-1794] đã diễn tả: “Cuộc cách mạng đã san bằng mọi thứ. Chính quyền, những giá trị đạo đức, những thói quen và mọi thứ khác sẽ phải được xây dựng lại. Thật là một công trường tráng lệ cho các  kiến trúc sư! Thật là một cơ hội lớn để tận dụng những ý tưởng tuyệt vời vẫn còn đang được ấp ủ, để sử dụng những vật liệu vẫn còn chưa được sử dụng trước đây, và để loại bỏ những gì từng là trở ngại trong nhiều thế kỷ và những gì từng bị áp đặt sử dụng”15.                  

Hệ quả thứ hai của Cuộc cách mạng mà chúng ta phải xem xét lướt qua, đó là sự phá bỏ hoàn toàn những cái cũ và tạo ra một hệ thống giáo dục hoàn toàn mới, hệ thống sẽ có những tác động sâu sắc đến cách nhìn nhận và những quan điểm chung của toàn bộ thế hệ sau. Hệ quả thứ ba cụ thể hơn, đó là việc thành lập Ecole Politechnique.

Cuộc cách mạng đã xoá sạch hệ thống đại học và cao đẳng mang nặng lối giáo dục cổ điển trước đây, và chỉ sau những thử nghiệm ngắn ngủi, Cuộc cách mạng đã thay thế chúng vào năm 1795 bằng écoles centrales [các trường công lập tập trung] mới, nơi đã trở thành những trung tâm duy nhất của giáo dục bậc trung học16. Tuân thủ tinh thần chỉ đạo và với một sự phản kháng mãnh liệt đối với những ngôi trường cũ, trong vài năm đầu, hầu như chỉ có những môn khoa học là được giảng dạy trong những ngôi trường mới. Không chỉ những ngôn ngữ cổ là bị hạn chế tối đa và hầu như không được thực hành, việc giảng dạy văn học, ngữ pháp và lịch sử cũng rất ít, và dĩ nhiên, việc cung cấp kiến thức về đạo đức và tôn giáo thì bị bỏ qua hoàn toàn17. Mặc dù sau đó vài năm, một vài cố gắng cải cách mới đã được đưa ra để bù đắp những thiếu hụt nghiêm trọng nhất18, sự ngắt quãng trong nhiều năm của việc giảng dạy những bộ môn này đã đủ để thay đối toàn bộ diện mạo trí tuệ. Saint-Simon đã miêu tả sự thay đối này trong năm 1812 hay 1813: “Đó là sự khác biệt giữa tình trạng của… chỉ khoảng 30 năm trước và tình trạng hiện nay. Nếu như trước đây, để biết liệu ai đó đã nhận được một nền giáo dục tốt hay không, một người có thể hỏi: “Anh ta có biết rõ những tác gia Hi Lạp hay Latin của mình hay không?”  thì bây giờ người ta hỏi: “Anh ta có giỏi toán không? Anh ta có biết đến những thành tựu của vật lý, hóa học, lịch sử tự nhiên, hay nói một cách ngắn gọn, những thành tựu của các ngành khoa học thực chứng và những ngành dựa trên các quan sát hay không?"”19

Thế là toàn bộ một thế hệ lớn lên mà đối với họ, kho tàng trí tuệ nhân loại, hình thức duy nhất nhờ đó sự hiểu biết về những tiến bộ xã hội của loài người do những bộ óc kiệt xuất nhất đóng góp được chuyển tải, kho tàng trí tuệ vĩ đại của mọi thời đại, chỉ còn là một cuốn sách bị đóng lại. Lần đầu tiên trong lịch sử, một tầng lớp mới xuất hiện, như là sản phẩm giáo dục của Realschule [trường trung học ít dạy về lý thuyết dành cho những học sinh trình độ trung bình, khác với Gymnasium dành cho những học sinh xuất sắc, có dạy thêm ngữ văn cổ điển (Hy-La) – ND] của nước Đức và của các ngôi trường tương tự, đóng vai trò rất quan trọng và có tầm ảnh hưởng trong suốt thế kỷ XIX và XX sau này: tầng lớp chuyên gia kỹ thuật, những người được xem là có giáo dục bởi lẽ họ đã tốt nghiệp những trường khó, nhưng lại là những người biết rất ít hoặc không biết gì về  xã hội, về cuộc sống, sự phát triển, các vấn đề và các giá trị xã hội, những thứ mà chỉ có những nghiên cứu về lịch sử, văn học và ngôn ngữ mới có thể mang lại cho họ.

Chú thích

(1) D’Alembert hoàn toàn nhận thức được ý nghĩa của xu hướng mà ông ủng hộ và đã dự báo được chủ nghĩa thực chứng sau này trên khía cạnh ông kết án công khai mọi thứ mà không hướng đến việc tìm ra những sự thật thực chứng và gợi ý rằng “tất cả những nghề nghiệp liên quan đến các bộ môn thuần tuý tư biện cần phải bị coi là những theo đuổi vô bổ và cần phải loại trừ khỏi một cơ thể khoẻ mạnh”. Tuy thế, ông không bao hàm trong phát biểu này các ngành khoa học luân lý và thậm chí, cùng với thầy của ông, Locke, còn xem chúng như là các ngành khoa học a priori (tiên nghiệm) tương tự như toán học. Về vấn đề này, xem G. Misch, “Zur Entstehung des französischen Positivismus”, Archiev für Philosophie, Abt. 1, Archiv für Geschichte der philosophie, vol. 14 (1901), esp. pp. 7, 31, 158; M. Schinz, Geschichte der französischen Philosophie seit der Revolution, Bd. 1, Die Anfänge des französischen Positivismus (Stransbourg, 1914), pp. 58, 67-69, 71, 96, 149; và H. Gouhier, La jeunesse d’Auguste Comte et la formation du positivisme (Paris, 1936), vol. 2, introd.

(2)  Cf. E. Mach, Die Mechanik in ihrer Entwicklung, 3d ed. (1897), p. 449.

(3)  Trong tác phẩm nổi tiếng của ông Du culte des dieux fétishes (1760).

(4)  Oeuvres de Turgot, ed. Daire (Paris, 1844), vol. 2, p. 656. Cũng so sánh ibid., p. 601.

(5)  Cụ thể xem phân tích chi tiết của Misch và các cuốn sách của Schinz và Gouhier được liệt kê trong chú thích 1 của chương này, và cũng xem M. Uta, La théorie du savoir dans la philosophie d’Auguste Comte (Paris: Alcan, 1928).

(6)  Để tránh hiểu nhầm, có lẽ tôi cần nhấn mạnh ở đây là chủ nghĩa tự do của Cuộc cách mạng Pháp tất nhiên không dựa trên nền tảng hiểu biết về cơ chế thị trường do Adam Smith và các nhà công lợi đưa ra, mà là dựa trên quy luật tự nhiên và các diễn giải của chủ nghĩa duy lý-thực dụng về các hiện tượng xã hội vốn có từ thời trước Adam Smith và được Rousseau đưa vào tác phẩm Khế ước xã hội của mình. Thực ra ai đó có thể truy cứu sự đối lập hoàn toàn rõ ràng giữa Saint-Simon và Comte một bên và các nhà kinh tế học cổ điển ở bên kia từ những khác biệt đã tồn tại, chẳng hạn, giữa Montesquieu và Hume, Quesnay và Smith, hay Condorcet và Bentham. Những nhà kinh tế Pháp như Condillac và J. B. Say đi theo cùng khuynh hướng như Smith. Tuy nhiên, họ chưa bao giờ có ảnh hướng đối với tư tưởng chính trị ở Pháp như Smith đã có ảnh hưởng ở Anh. Hệ quả là, sự chuyển đổi từ cách nhìn duy lý của thế hệ trước đối với xã hội, vốn coi nó như là một sản phẩm do con người chủ ý tạo ra, sang cách nhìn của thế hệ sau, những người muốn tạo ra cho nó một nền tảng khoa học, đã diễn ra ở Pháp trong điều kiện giai đoạn hiểu biết chung về sự vận hành của các lực lượng tự phát của xã hội bị bỏ qua. Sự sùng bái cách mạng đối với Lý-Tính thể hiện qua việc chấp nhận nói chung đối với quan niệm thực dụng về các thể chế xã hội – quan niệm hoàn toàn đối nghịch với quan niệm của Smith. Và theo một nghĩa nhất định, hoàn toàn đúng khi nói rằng chính cái sự sùng kính với Lý-Tính như là một đấng tạo hóa hoàn vũ, vốn đã mang lại những thành công cho Khoa-Học, đã dẫn đến một thái độ mới đối với các vấn đề xã hội, cái thái độ mà chúng ta có thể nói là đã bị ảnh hưởng bởi thói quen suy nghĩ vừa mới được tạo ra bởi những thành công của khoa học và công nghệ. Nếu chủ nghĩa xã hội không phải là đứa con đẻ của Cuộc cách mạng Pháp, thì ít nhất nó có mầm mống từ cái chủ nghĩa duy lý vốn là hàng rào ngăn cách giữa các nhà tư tưởng chính trị ở Pháp với các nhà tự do chủ nghĩa người Anh như Hume và Smith và (ở mức độ thấp hơn) Bentham và các triết gia nguyên-lý-triệt-để (the philosophical radicals) trong cùng thời kỳ. Về tất cả vấn đề này, xem bài luận đầu tiên của tôi trong tác phẩm Individualism and Economic Order của tôi (Chicago: University Press, 1948).

(7)  Xem Condorcet, Esquisse d’un tableau historique des progrès de l’esprit humain, ed. O. H. Prior (1793; Paris, 1933), p. 13.

(8)  Đối chiếu tác phẩm của ông Tableau général de la science quy a pour object l’application du calcul aux sciences politiques et morales, oeuvres, ed. Arago (Paris, 1847-49), vol. 1, pp. 539-73.

(9)  Ibid., p. 392.

(10)  Condorcet, Rapport et projet de décret sur l’organization générale de l’instruction publique, ed. G. Compayre (1792); Paris, 1883), p. 120.

(11)  Condorcet, Esquisse, ed. Prior, p. 11.

(12)  Ibid., p. 200

(13)  Ibid., p. 203. Đoạn trích dẫn nổi tiếng trong câu này được đưa vào thành câu đề dẫn cho cuốn 6, “On the Logic of the Moral Sciences” của tác phẩm Logic của J. S. Mill.

(14) Lưu ý rằng Condorcet chính là người phải chịu phần lớn trách nhiệm cho việc hình thành cái gọi là “cảm giác lịch sử”, nghĩa là thuộc Entwicklungsgedanke [tư tưởng về sự phát triển – ND] cùng với tất cả các yếu tố siêu hình của nó, vào cuối thể kỷ XIX; ông cũng chính là người ca tụng sự phá hủy có chủ ý các tàng thư liên quan đến lịch sử của các dòng họ nổi tiểng của Pháp trong một bài diễn thuyết. “Ngày hôm nay Lý-Tính đốt cháy hàng vạn tàng thư chứng thực sự phù hoa của tầng lớp đặc quyền. Những tư liệu liên quan khác vẫn còn trong các thư viện công cộng hay tư nhân. Chúng cũng cần phải bị thiêu hủy”.

(15)  Décade philosophique (1794), vol. 1, trong Gouhier, La jeunesse d’Auguste Comte, vol. 2. p. 31..

(16)  Xem E. Allain, L’oeuvre scolaire de la révolution, 1789-1802 (Paris 1891); C. Hippeau, L’instruction publique en France pendant la révolution (Paris, 1883); và F. Picavet, Le idéologues (Paris, 1891), pp. 56-61.

(17) Xem Allain, op. cit., pp. 114-20.

(18)  Sau năm 1803, các ngôn ngữ cổ ít ra đã được khôi phục lại một phần trong lycées [các trường trung học - ND] của Napoleon.

(19)  H. de Saint-Simon, “Mémoire sur la science de l’homme” (1813), trong Oeuvres de Saint-Simon et d’Enfantin (Paris, 1877-78), vol. 40, p. 16.

Nguồn: Friedrich A. Hayek, Cuộc cách mạng ngược trong khoa học: Các nghiên cứu về sự lạm dụng lý tính, NXB Tri Thức, 2007