[Kinh tế học cấm đoán] Dẫn nhập

[Kinh tế học cấm đoán] Dẫn nhập

DẪN NHẬP

Những biện pháp cấm đoán có ảnh hưởng ngày càng tăng đối với cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Ở Mĩ, việc cấm một số loại thuốc gây nghiện, kể cả tiến hành “chiến tranh” chống lại chúng, đã trở thành một trong những vấn đề quốc gia được tranh luận nhiều nhất và nóng bỏng nhất. Mục đích của công trình nghiên cứu này là nâng cao hiểu biết của chúng ta về cội nguồn và kết quả của chính sách cấm đoán, và do đó gián tiếp đóng góp vào việc hoạch định chính sách trong tương lai, làm cho quá trình này trở thành hữu lí hơn.

Trọng tâm của cuốn sách này, một trong những công trình nghiên cứu mang tính lí thuyết đầu tiên về cấm đoán, là lí thuyết kinh tế học về cấm đoán. Lí thuyết này định nghĩa cấm đoán là một nghị định của chính phủ nhằm ngăn chặn việc trao đổi một món hàng hoặc một dịch vụ nào đó. Những công trình nghiên cứu gần đây về các nghị định chống lại việc sản xuất và buôn bán cocaine, heroin, cần sa cho thấy rằng những biện pháp cấm đoán như thế đòi hỏi chi phí rất lớn và rất khó thực hiện. Ngoài những khoản chi phí như thế và khó thực thi, tôi còn khẳng định rằng những biện pháp cấm đoán không mang lại hiệu quả vì hậu quả không lường trước được của những biện pháp cấm đoán đã triệt tiêu mọi lợi ích.

Tôi khẳng định rằng, giải pháp dài hạn duy nhất nhằm quyết những vấn đề do “việc lạm dụng” sản phẩm gây ra là hợp pháp hóa sản phẩm đó. Bằng việc hợp pháp hoá, trái ngược với phi hình sự hóa và những hình thức can thiệp khác của chính phủ, chính phủ xử lí các sản phẩm và dịch vụ bị lạm dụng như thể đấy là đậu nành, chip máy tính, hoặc bút chì. Thị trường này cũng được kiểm soát bởi lợi ích cá nhân và các ràng buộc pháp lí bình thường, như luật về trách nhiệm sản phẩm.

Cuốn sách này có thể được coi là một lời thách thức đối với những người ủng hộ cấm đoán, khuyến khích họ trình bày một lí thuyết nói về những lợi ích của cấm đoán. Nó cũng có thể được coi là một lời thách thức đối với những người đề nghị thay thế những biện pháp cấm đoán bằng một hình thức nào đó của phi hình sự hóa. Trong khi đấy có thể là chính sách chuyển tiếp tốt, nhưng phi hình sự hóa (thành lập nhà thuốc của chính phủ, đánh thuế cao, tiền phạt cao, v.v) sẽ tạo ra thị trường chợ đen, lại là một chính sách không ổn định, và không tạo ra các điều kiện tiên quyết cần thiết cho việc hạn chế hay chấm dứt nạn lạm dụng ma túy.

Tôi sử dụng các phân tích về mặt lịch sử và ứng dụng của lí thuyết trong cuốn sách này, và khi cần thì kết hợp với các nguyên tắc của kinh tế học, của sử học, tội phạm học, xã hội học, và khoa học chính trị. Tôi tránh sử dụng các khoản như đánh giá tính co dãn và phân tích hồi qui vì đấy là những biện pháp nhất thời, và tạo ra cảm giác sai lầm về tính chắc chắn.

Viễn cảnh lịch sử có thể chuyển hóa những điều có thể được coi là bất hợp lí thành hợp lí một cách rõ ràng. Tôi khảo sát những khía cạnh lịch sử quan trọng như vai trò của các nhà kinh tế học đối với cấm đoán, nguồn gốc của cấm đoán, chất lượng sản phẩm, tỉ lệ tội phạm và nạn tham nhũng trong các giới chức chính trị trong khi thi hành những biện pháp cấm đoán.

Ít người nghi ngờ về tầm quan trọng của những biện pháp cấm đoán trong lịch sử nước Mĩ và vai trò của nó trong các vấn đề xã hội. Việc cấm bán rượu là khía cạnh quan trọng của ngành thương mại và tình trạng căng thẳng với người Da đỏ bản xứ. Không uống rượu (cùng với chế độ nô lệ) là phong trào cải cách quan trọng nhất trong thời tiền chiến ở Mĩ, và cấm đoán là vấn đề chính trị có tính quyết định cả trên bình diện quốc gia lẫn địa phương.

Sau Nội chiến, những biện pháp cấm đoán đã lan từ New England sang cả phía đông và phía nam. Mặc dù cũng có những giai đoạn được coi là tạm lắng trong việc thúc đẩy những biện pháp cấm đoán, thời gian từ năm 1860 đến năm 1900 là giai đoạn thiết lập những biện pháp cấm đoán thành công trong cả nước. Nạn nghiện ngập bị phát hiện, đảng Cấm được thành lập, những nhóm như Liên hiệp phụ nữ không uống rượu, Liên đoàn Anti-Saloon (tổ chức vận động cho những biện pháp cấm đoán, đầu thế kỉ XX – ND) được thành lập và làn sóng cấm rượu, cocaine, thuốc phiện, morphine, cờ bạc, mại dâm, lan tràn trên bình diện quốc gia cũng như khu vực.

Kỷ nguyên Tiến bộ (1900-1920) là đỉnh điểm của những biện pháp cấm đoán ở Mĩ. Trong khi Mĩ “tiến bộ” để trở thành một nước đế quốc thì nước này cũng tham gia vào việc cấm đoán chất ma túy trên bình diện quốc tế và thông qua Luật chống ma túy mang tên Harrison. Luật này còn giúp ngành dược và ngành sản xuất ma túy “tiến” lên để giành được sự độc quyền mà hiện họ đang thủ đắc.
Kỷ nguyên Tiến bộ còn được chứng kiến những biện pháp cấm rượu thời chiến và Luật cấm rượu trên toàn quốc (Tu chính án thứ XVIII của Hiến pháp Hoa Kỳ). Chưa bao giờ có nhiều người bị một số ít người lừa dối đến như thế. Tu chính án thứ XVIII và Luật Volstead, tức là bộ luật thiết lập nên cơ chế thị hành tu chính án, sẽ là yếu tố quyết định và mang tính tiêu cực trong đời sống và nền văn hóa Mĩ trong hơn một thập niên.

Sự thất bại của những Luật cấm rượu đã giúp tạm thời loại bỏ được nó khỏi sự chú ý của công chúng. Những sự kiện như Đại khủng hoảng và Thế chiến II đã chi phối sự quan tâm của công chúng. Chiến dịch cấm cần sa vào năm 1937 có tác dụng không đáng kể – chỉ là tác dụng phụ của việc cấm rượu và ma túy mà thôi. Những biện pháp cấm đoán hiện nay đối với ma túy có xuất xứ từ thời chiến tranh và chính sách đối ngoại ở vùng Viễn Đông. Trong những năm 1960, chính sách đối ngoại do cuộc chiến Việt Nam tạo ra làm gia tăng số lượng ma túy được sử dụng và cuộc chiến chống ma túy càng khốc liệt hơn.

Một bài học rút ra từ lịch sử nước Mĩ là sự tương tác không thể nhầm lẫn giữa chiến tranh, rượu chè quá độ và cấm đoán. Tránh chiến tranh có lẽ là việc quan trọng nhất mà chính phủ có thể làm để tránh nạn rượu chè, nghiện ngập và lạm dụng ma túy. Ngược lại, lạm dụng ma túy và cấm đoán là cái giá rất đắt và dài hạn của chiến tranh.

Lịch sử cũng giúp tìm ra rằng cấm đoán là bất khả thi về mặt kinh tế. Các cơ quan lập pháp ban hành những biện pháp cấm đoán và đặt ra hình phạt và các cơ quan thực thi. Hoạt động của các cơ quan nhằm thực thi các nghị định cấm đoán, và khi biện pháp cấm đoán tồn tại đủ lâu để người ta thực thi thì nó thành công về mặt chính trị. Nhưng, tôi khẳng định, những biện pháp cấm đoán như thế không đem lại hiệu quả đáng mong muốn về mặt xã hội.

Tất nhiên, không nên đánh giá cấm đoán bằng những tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn đánh giá những đạo luật khác. Giết người là phạm luật, nhưng không phải tất cả những kẻ giết người đều bị bắt, bị kết án, và bị trừng phạt. Tương tự như vậy, hi vọng vào những biện pháp cấm đoán hoàn toàn hoặc hoàn hảo là không thực tế. Thay vào đó, biện pháp cấm đoán sẽ được đánh giá theo những mục đích xã hội, nghĩa là, hạn chế tiêu thụ món hàng, nhằm gián tiếp làm giảm tệ nạn xã hội (như tội phạm, đánh mất ý chí, chết người vì ma túy) và thúc đẩy các mục tiêu xã hội (đời sống gia đình, dân chủ, sức khỏe, và phát triển kinh tế). Khi các biện pháp cấm đoán làm cho giá cả tăng thì chúng cũng làm cho tội phạm và tham nhũng gia tăng. Giá sản phẩm bị cấm cao cũng dẫn đến việc thay thế những sản phẩm liên quan và phát minh ra những sản phẩm thay thế nguy hiểm hơn. Về nhiều khía cạnh, sản phẩm bị cấm có xu hướng trở thành những sản phẩm nguy hiểm hơn là những sản phẩm thay thế hợp pháp, đấy là kết quả của những biện pháp cấm đoán chứ không phải là của tự thân sản phẩm. Vì vậy, giả định rằng hình phạt tăng lên hay thực hiện những biện pháp cấm đoán gắt gao hơn sẽ dẫn đến việc thay thế các sản phẩm bị cấm bằng những sản phẩm hợp pháp là kết luận vô giá trị. Cấm đoán ma túy có khả năng làm gia tăng hiệu lực của ma túy. Vì vậy mà giả định cho rằng giá cao làm cho các biện pháp cấm đoán đạt được mục tiêu là không có cơ sở. Với tất cả những luận cứ như vậy, có thể nói các biện pháp cấm đoán là không có căn cứ, ngay cả cứ cho rằng thực sự có những mối liên hệ gián tiếp giữa việc tiêu thụ một số sản phẩm và những hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

Những cố gắng nhằm tìm hiểu tất cả những hành động của con người (chứ không chỉ hoạt động thương mại) là một cuộc cách mạng trong tư duy. Khi đem áp dụng cho các quyết định về chính sách, cuộc cách mạng này được gọi là kinh tế học của lựa chọn công, và xét theo quan điểm như thế thì việc coi những biện pháp cấm đoán là ngu dốt, phi lí, hay chính sách xã hội bất khả thi là không chấp nhận được. Các nhà kinh tế học hiện nay ngờ rằng những thiệt hại do các chính sách của chính phủ gây ra cho xã hội là kết quả của việc tìm kiếm lợi nhuận độc quyền (rent seeking) chứ không phải là do sự dốt nát hay thiếu lí tính của các nhà lập chính sách. Tìm kiếm lợi nhuận độc quyền là tìm kiếm đặc quyền đặc lợi hay lợi ích cá nhân thông qua tiến trình chính trị. Tìm kiếm lợi nhuận độc quyền khác với tham nhũng ở chỗ nó là hợp pháp, còn tham nhũng thì không.

Lịch sử cho thấy rằng những biện pháp cấm đoán là những thí dụ kinh điển về sự lạm dụng những dự định có lợi cho xã hội bởi những kẻ tìm kiếm lợi nhuận độc quyền trong tiến trình chính trị, và đấy là lí do giải thích sự tồn tại của những chính sách mà mới nhìn thì có vẻ như bất hợp lí.

Phương pháp nghiên cứu hành động của con người dựa trên tính hữu lí được Ludwig von Mises, nhà kinh tế học người Áo, gọi là môn nghiên cứu hành vi của con người (praxeology). Còn người học trò của ông là F. A. Hayek, người đoạt giải Nobel về kinh tế học, thì gọi đó là logic của sự lựa chọn (logic of choice). Các nhà kinh tế học đương đại công nhận rằng cách tiếp cận này là do Gary Becker phát minh ra. Các nhà khoa học xã hội khác, nhất là các nhà chính trị học, tội phạm học và tâm lí học sẽ công nhận ngay rằng cách tiếp cận trên cơ sở duy lí là một trong những môn học của chính họ.

Mặc dù tôi không chủ tâm tạo ra kết quả như thế, nhưng cuốn sách này sẽ là mối đe dọa đối với nhiều người. Một số người sẽ gán cho nó là giáo điều, tư bản hay tự do. Một số chuyên gia có thể cho rằng nó có thiếu sót vì bỏ qua vai trò của nghiện ngập hay không xem xét một số đánh giá về tính co dãn, đặc biệt là thành phần hóa học hay vai trò của những hoàn cảnh bất bình thường, được thể hiện trên những thị trường và thời điểm cụ thể.

Nhưng trên thực tế, nhiều vấn đề liên quan đến cấm đoán mà các nhà kinh tế học và các nhà khoa học xã hội khác gặp phải là do họ đã khảo sát các thị trường cụ thể mà không sử dụng lợi ích của lí thuyết tổng quát.

Cảnh báo cuối cùng, và là cảnh báo nhấn mạnh bao nhiêu cũng không đủ. Các thị trường bị cấm đoán như cờ bạc, chất gây nghiện và mại dâm, đã tồn tại trong một thời gian dài và sẽ tiếp tục tồn tại trong thời gian dài sau khi tôi và cuốn sách của tôi biến thành tro bụi. Mại dâm là nghề lâu đời nhất thế giới, người ta đã được sử dụng các chất gây nghiện từ khi có lịch sử thành văn; đàn ông và và đàn bà là những tạo vật chấp nhận rủi ro và thích những trò vui. Phần lớn người ta sống để hưởng nhàn chứ không phải để lao động. Lao động đơn thuần chỉ là một phương tiện nhắm tới mục đích nào đó mà thôi.

Dù đối với một số người, những hoạt động bên trên có đáng bị chỉ trích đến mức nào, thì đối với một số người khác chúng lại là “thú vui”. Chỉ có một phương pháp duy nhất luôn luôn đem lại thành công trong việc nâng cao tiêu chuẩn của thú vui là tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Những người sử dụng một số sản phẩm hay hoạt động nhất định nhằm tự hủy hoại mình là những người có những vấn đề tồi tệ hơn là ta có thể thấy. Cấm đoán các loại hàng hóa hay dịch vụ đó sẽ chẳng có nhiều tác dụng trong những trường hợp như thế.

Điều quan trọng nữa cần phải nhận ra là những vấn đề trong các thị trường này (bệnh tật, lừa đảo, gia đình tan vỡ, v.v) không phải là kết quả của sự thiếu quan tâm của chính phủ. Thật vậy, các thị trường này có đặc điểm là trước khi ban hành những biện pháp cấm đoán, chính phủ đã có sự quan tâm đặc biệt rồi.

Hi vọng rằng cuốn sách này sẽ khuyến khích cuộc tranh luận, trong cả cộng đồng học thuật lẫn cộng đồng những người làm chính sách, ngay cả trong số những người không đồng ý với một số khía cạnh của nó và thông qua cuộc tranh luận, nó sẽ đưa chúng ta đến chính sách công hợp lí hơn.

Nguồn: Mark Thornton (2016). Kinh tế học cấm đoán. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Economics of Prohibition

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường