[Cuộc cách mạng ngược trong khoa học] Chương 12: Người gieo mầm ý tưởng: Henri de Saint-Simon (Phần 1)

[Cuộc cách mạng ngược trong khoa học] Chương 12: Người gieo mầm ý tưởng: Henri de Saint-Simon (Phần 1)

I.

Nếu chỉ căn cứ vào sự đào tạo và kinh nghiệm thuở ban đầu thì khó có thể nói Bá tước Henri de Saint-Simon đủ tiêu chuẩn là một nhà cải cách khoa học. Phải thừa nhận rằng vào năm 1798, ở tuổi 381, khi chuyển đến sống trong một toà nhà đối diện với Ecole Polytechnique và bắt đầu giảng giải cho thế giới về ý nghĩa của tiến bộ khoa học đối với nghiên cứu xã hội, thì ông mới chỉ là một người giàu có, với nhiều trải nghiệm sống, nhưng đối với việc nghiên cứu khoa học thì ông hầu như chưa có kinh nghiệm gì. Các chi tiết về giai đoạn đầu của cuộc đời ông mới được khám phá gần đây2. Chúng không cao đẹp như những gì mà bản thân ông và học trò của ông truyền đạt lại cho chúng ta, những thứ sau này vẫn được xem như là nguồn thông tin duy nhất mà chúng ta có về thời trẻ của ông. Theo lời kể thì ông thuộc dòng dõi Charlemagne, được d’Amabert giám sát học hành, và người hầu của ông được lệnh phải đánh thức hoài bão của chàng thanh niên trẻ bằng lời nhắc nhở hàng ngày: Levez-vouz, Monsieur le Comte, vous avez de grandes choses à faire [Hãy thức dậy đi, ngài Comte! Ngài có nhiều việc đại sự phải làm (lưu ý tên đầy đủ của Saint-Simon là Claude Henri de Rouvroy, comte de Saint-Simon, vì lẽ đó, Comte là tên gọi ở nhà của ông) – ND]. Tất cả điều này không phải là không hoàn toàn trở thành hiện thực. Quả thực là trong hai mươi năm đầu của tuổi trưởng thành ông đã sống một quãng đời của một người thích phiêu lưu mạo hiểm giống như rất nhiều chàng thanh niên con cái các gia đình quý tộc trong thời kỳ đó, nhưng ở một cường độ mà chỉ một vài người cùng trang lứa có thể sánh kịp.

Gần như ngay khi nhận được một nhiệm vụ trong quân đội Pháp, ông đã theo đoàn quân Lafayette đến Mỹ và bốn năm sau, khi chiến tranh kết thúc, thì ông từ giã luôn binh nghiệp. Thậm chí, ngay trước đó, ông đã mơ ước được đi qua eo biển Panama. Không lâu sau, ông tham gia quân đội Hà Lan để tham gia cuộc viễn chinh vùng Ấn Độ thuộc Anh và ông cũng bắt đầu quan tâm cụ thể hơn đến các dự án xây dựng kênh đào ở Tây Ban Nha. Cuộc cách mạng Pháp đã kéo ông quay về Paris, trở thành công dân của thành phố Bonhomme, từ bỏ tước hiệu và hoạt động theo phái Sansculotte quá khích. Nhưng rồi, những dự án kinh doanh mạo hiểm có thể mang lại nhiều lợi nhuận hơn đã nhanh chóng lôi kéo ông. Trong việc kinh doanh đất xây dựng nhà thờ, chúng ta có thể thấy ông như một người môi giới trung gian tích cực nhất, đầu cơ bằng tiền đi vay với quy mô khổng lồ, một trong những nhà đầu cơ lớn nhất trong thời kỳ lạm phát, không bỏ qua bất cứ vụ làm ăn nào ông gặp trên đường đi, thí dụ như việc kinh doanh chì thu được từ các mái lợp có chì của Notre Dame [Nhà thờ Đức bà]. Không ngạc nhiên khi thấy ông ngồi tù trong thời kỳ loạn lạc. Trong thời gian bị giam cầm, với những toan tính của riêng mình, ông đã quyết định chọn sự nghiệp của một triết gia. Nhưng khi được ra tù, một lần nữa, ông vẫn say mê hoạt động tài chính hơn nghiên cứu triết học siêu hình. Chỉ cần người cung cấp các nguồn tài chính của ông (một quý tộc Saxon khéo giao thiệp) chu cấp vốn cho ông vừa đủ là ông lại bắt đầu thử sức trong tất cả các hoạt động kinh doanh tài chính, ví dụ như tổ chức dịch vụ xe ngựa chuyến, bán lẻ rượu, sản xuất vải dệt và thậm chí làm cả những bộ bài ủng hộ chủ nghĩa cộng hòa mà trên các quân bài, các ông vua và bà hoàng hậu đáng ghét được thay thế bằng hình ảnh le génie [thiên tài] và la liberté [tự do]. Các kế hoạch của ông còn tham vọng hơn. Xem ra ông muốn bắt đầu xây dựng một số nhà máy công nghiệp lớn và ít nhất thì ông cũng đã dự tính đến một loại hình kinh doanh kết hợp hoạt động ngân hàng và hoạt động thương mại và “sẽ là loại hình kinh doanh duy nhất trên thế giới”. Ông cũng đóng vai trò như một người phát ngôn cho lợi ích tài chính của nước Pháp tại hội nghị Anh - Pháp ở Lille năm 1797.

Tuy nhiên, tất cả những hoạt động này chấm dứt đột ngột khi cộng sự của ông trở về Paris vào năm 1798 và đề nghị được công khai sổ sách kế toán. Saint-Simon tất nhiên sống rất xa hoa, và ngôi nhà của ông, được người quản gia cũ của Công tước de Choiseul trông coi, và nhà bếp của ông, do một bếp trưởng danh tiếng phụ trách, được nhiều người biết đến. Nhưng việc tất cả những chi phí vương giả đó đều được chi tiêu từ tài khoản góp chung khiến cho nhà quý tộc Saxon tốt bụng thất vọng. Người cộng sự rút lại phần vốn của mình. Saint-Simon vẫn sở hữu một phần tài sản, khá đáng kể nhưng không đủ phục vụ cho các hoạt động kinh doanh mạo hiểm trong tương lai. Rồi ông nhận ra rằng nên rút khỏi hoạt động thương mại và từ nay về sau sẽ tìm kiếm vinh quang trong lĩnh vực trí tuệ.

Chúng ta không cần thiết phải nghi ngờ việc trong đầu của con người tài ba đang ở trạng thái thất vọng này đã hình thành các dự án mơ hồ về việc tổ chức lại xã hội, và cũng không nên ngạc nhiên nếu như ông đã sớm nhận ra tất cả những kinh nghiệm của ông không mang lại cho ông thứ kiến thức cho phép ông phát triển chi tiết những ý tưởng này. Chính vì thế, ông đã quyết định “dùng tiền bạc của mình để đổi lấy kiến thức khoa học”3. Ông đã dành ba năm để tiếp xúc với các giáo chức và sinh viên của Ecole Polytechnique trong vai trò như là một “Mạnh thường quân” khoản đãi các giáo sư và hỗ trợ các sinh viên, một trong số những sinh viên đó là nhà toán học thiên tài Poisson, người đã được ông hỗ trợ trong nhiều năm và được đối xử như con nuôi.

Phương pháp nghiên cứu mà Saint-Simon lựa chọn cho mình không phải là phương pháp thông thường. Có cảm giác rằng trí tuệ của ông không đủ sức để theo hết một khoá học có hệ thống. Ông thích học trong một không khí không gò bó, giống như cuộc trao đổi bên bàn ăn. Ông mời những học giả mà ông hy vọng có thể thu lượm được gì đó từ kiến thức của họ tới ngôi nhà của mình, và có lẽ ông kết hôn chỉ vì một mục đích duy nhất là giữ lại ngôi nhà làm nơi khoản đãi các nhà bác học vĩ đại. Lagrange, Monge, Berthollet, và có lẽ khoảng sau năm 1801, khi ông cảm thấy ông đã hoàn thành việc học hỏi về ngành cơ khí và chuyển chỗ ở đến cạnh những người hàng xóm mới của Ecole médecine, thì cả Gall, Cabanis và Bichat đều được hưởng lòng mến khách của ông. Một lần nữa, phương pháp học tập này chứng tỏ giá trị đáng ngờ của nó. Về sau, vị Mạnh thường quân này của chúng ta cũng đã phàn nàn với một người bạn rằng “những học giả và nghệ sĩ đã ăn uống rất nhiều nhưng nói chuyện chẳng được bao nhiêu. Sau bữa tối tôi ra chỗ ghế bành ở một góc salon và ngủ thiếp đi. Rất may, bà Saint-Simon vẫn giữ được thái độ phong nhã và vui vẻ”4.

Liệu có phải chỉ đơn thuần vì điều đó khiến ông nhận ra rằng việc đầu tư để thu lượm kiến thức theo cách này không hiệu quả lắm và quyết định cắt giảm bớt phí tổn, hay là ông nghĩ rằng một cuộc hôn nhân khác sẽ đem lại cho ông phương pháp tiếp nhận kiến thức hấp dẫn hơn, thì cuối cùng không chỉ các bữa ăn tốn tiền mà cả cuộc hôn nhân cũng kết thúc khi ông chuyển đến một nơi ở mới. Ông đã từng nói với vợ mình rằng, “người đàn ông đầu tiên trên thế giới không có lựa chọn nào khác là phải kết hôn với người phụ nữ đầu tiên” và do đó, ông đã thấy rất đáng tiếc khi phải nói lời chia tay với vợ mình. Liệu có phải ngẫu nhiên mà việc ly hôn được quyết định ngay trong tháng sau khi Madame de Staël đã trở thành góa phụ, cái bà Staël, người theo như một cuốn sách mô tả là đã kích thích trí tưởng tượng của Saint-Simon, chỉ tán dương “những môn khoa học thực chứng” và nhấn mạnh rằng “khoa học chính trị vẫn chưa hình thành”5. Người ta cho rằng, ngay khi Saint-Simon được tự do, ông đã vội vã đến Le Coppet ở bên hồ Geneva và nói những lời sau với Madame de Staël: “Em là người phụ nữ phi thường nhất thế giới và anh cũng là một người đàn ông phi thường nhất; chắc chắn rằng sự kết hợp của hai chúng ta sẽ cho ra đời một đứa con còn phi thường hơn nữa.” Người ta còn nói rằng ông cũng đã đề nghị tổ chức lễ cưới của họ trên khinh khí cầu. Có rất nhiều dị bản khác nhau về những điều khiến cho Madame de Staël đã từ chối lời cầu hôn này của Saint-Simon.

II.

Saint-Simon sang Thụy Sĩ đúng vào dịp xuất bản tác phẩm đầu tiên của ông. Vào năm 1803 cuốn Lettes d’un habitant de Genève à ses contemporains [Các bức thư của một cư dân thành phố Genève gửi cho những người cùng thời] được ra mắt ở Geneva6, trong đó có một đoạn sùng bái Newton được những người theo tư tưởng Voltaire diễn tả bằng hình thức cường điệu tuyệt vời. Nó bắt đầu bằng việc đề xuất tổ chức một cuộc quyên góp tiền ngay trước mộ của Newton để tài trợ cho dự án “Hội đồng Newton”, ở đó mỗi người quyên góp có quyền đề cử ba nhà toán học, ba nhà vật lý học, ba nhà hóa học, ba nhà sinh lý học, ba nhà văn, ba họa sĩ và ba nhạc sĩ7. Hai mươi mốt học giả và nghệ sĩ do toàn thể nhân loại tuyển chọn, và chủ tọa là một nhà toán học có số lượng phiếu bầu lớn nhất8. Những người này sẽ trở thành những đại diện của Chúa Trời trên trái đất9 với năng lực tổng hợp của họ, họ sẽ cách chức Giáo hoàng, các hồng y, giám mục và các linh mục ngay tại giáo đường của những giáo sĩ này vì họ không hiểu được cái khoa học thiêng liêng mà Chúa đã giao phó cho họ, cái mà một ngày nào đó sẽ biến trái đất thành thiên đường10. Hội đồng tối cao Newton sẽ phân chia thế giới thành những khu vực, ở đó các phân hội Newton địa phương được hình thành sẽ phải tổ chức việc thờ cúng, nghiên cứu và hướng dẫn tại và xung quanh các ngôi đền thờ Newton được xây dựng ở mọi nơi11.

Tại sao lại là cái “tổ chức xã hội” mới này, như Saint-Simon gọi thế trong tập bản thảo chưa công bố của ông vào cùng thời gian đó12? Vì chúng ta vẫn bị chi phối bởi những người không hiểu biết các quy luật chung vốn bao trùm lên vạn vật. “Cần phải để các nhà sinh lý học xua đuổi đám triết gia, đạo đức gia và siêu hình gia giống như các nhà thiên văn học đã xua đuổi bọn chiêm tinh học, và các nhà hóa học đã xua đuổi bọn giả kim thuật.”13 Các nhà sinh lý học có đủ khả năng trong trường hợp đầu tiên vì “bản thân chúng ta là những cơ thể có tổ chức”; còn nữa là xem xét các quan hệ xã hội của chúng ta như một hiện tượng sinh lý mà tôi đã có dự định trình bày với các bạn”14.

Nhưng bản thân các nhà sinh lý học vẫn chưa hội tụ đủ cơ sở khoa học. Họ vẫn phải khám phá làm thế nào môn khoa học của họ có thể đạt tới độ hoàn hảo như của thiên văn học bằng cách chính nó phải dựa theo một định luật duy nhất mà Chúa đã phủ lên vạn vật: quy luật tổng quát về lực hấp dẫn15. Đây sẽ là nhiệm vụ của Hội đồng Newton bằng cách sử dụng quyền năng thiêng liêng để khiến mọi người hiểu được định luật này. Tuy nhiên, nhiệm vụ này còn đi xa hơn thế. Nó phải xác nhận không chỉ quyền uy của những thiên tài, các nhà khoa học, các nghệ sĩ và tất cả những người có quan điểm tự do16; nó còn phải dung hòa giai cấp thứ hai là giai cấp hữu sản với giai cấp thứ ba là giai cấp vô sản, những người mà Saint-Simon coi như là những người bạn, những người mà ông cho rằng sẽ chấp nhận đề xuất này, coi đây là cách duy nhất để ngăn ngừa “cuộc đấu tranh luôn tồn tại giữa hai giai cấp vì bản chất cố hữu của thế giới”17.

Tất cả những điều này đã được chính Chúa Trời truyền đạt đến Saint-Simon. Thông qua nhà tiên tri của Người, Chúa Trời thông báo rằng Người đã coi Newton là người của Mình và giao cho ông nhiệm vụ khai sáng cho những cư dân ở khắp các hành tinh. Lời chú dẫn này có trong một đoạn nổi tiếng và trở thành nội dung chủ đạo của chủ nghĩa Saint-Simon về sau: “Tất cả mọi người đều làm việc; họ phải tự coi mình là những người lao động gắn liền với một phân xưởng, và nỗ lực của họ được chỉ đạo để hướng dẫn trí tuệ con người theo viễn tượng siêu phàm của tôi. Hội đồng Newton tối cao sẽ hướng dẫn họ làm việc."18 Saint-Simon không lo ngại về những biện pháp sẽ được sử dụng để làm cho những chỉ dẫn của cơ quan lập kế hoạch trung ương có hiệu lực: “Bất cứ người nào không tuân theo mệnh lệnh sẽ bị những người khác đối xử như súc vật.”19

Chúng tôi đã phải cố gắng sắp xếp một cách có trật tự những khái niệm rời rạc, không mạch lạc và lộn xộn mà Saint-Simon đã trình bày trong cuốn sách đầu tiên này. Đây là sự tuôn trào của một bộ óc hoang tưởng, người luôn luôn cố gắng thu hút sự chú ý của thế giới đối với những ý tưởng thiên tài không được đánh giá đúng và thuyết phục sự cần thiết phải tài trợ cho những công trình của mình, và người không quên tự quyết định mình là người sáng lập ra một quyền lực tôn giáo vĩ đại mới và là vị chủ tịch của tất cả các hội đồng phục vụ đời sống xã hội20.

Chú thích

(1) Ngày sinh, và do vậy tuổi, chưa chắc đã đúng.

(2) Xem H. Gouhier, La jeunesse d’Auguste Comte et la formation du positivisme, vol. 2, Saint-Simon jusqu’a` la restauration (Paris, 1936), cuốn sách trình bày về 45 năm đầu tiên của cuộc đời Saint-Simon và có khả năng thay thế cho mọi cuốn tiểu sử trước đó, bao gồm những cuốn đáng kể như: G. Weill, Un précurseur du socialisme, Saint-Simon et son oeuvre (Paris, 1894); M. Leroy, Lavie véritable du comte de Saint-Simon, 1760-1825 (Paris, 1925); và G. Dumas, Psychologie de deux messies positivistes, Saint-Simon et Auguste Comte (Paris, 1905).

(3) “Tôi đã dùng tiền bạc của mình để đổi lấy kiến thức khoa học; tôi sẵn sàng mở hầu bao để mua rượu ngon, nhắm tốt, và dành nhiều sự ân cần niềm nở cho những vị giáo sư, những người đã mang lại cho tôi mọi tiện ích mà tôi muốn có” (trong M. Leroy, op. cit., p. 210).

(4) Léon Halévy, “Souvenirs de Saint-Simon”, La France littéraire (tháng 3, 1832), một phần được tái bản trong G. Brunet, Revue d’histoire économique et sociale (1925), p. 168.

(5) Madame de Staël, De la littérature considérée dans ses rapports avec les institutions sociales (1800); các trích đoạn được lấy từ “Discours préliminaire” 3d ed. (1818), vol. 1, p. 58, và vol. 2, pt. 2, p. 215.

(6) Xem Oeuvres de Saint-Simon et d’Enfaintin (Paris, 1865-78) (từ đây trở đi được trích dẫn với tên viết tắt là OSSE), vol. 15, pp. 7-60, và ấn bản mới được in lại từ nguyên bản với lời giới thiệu của A. Pereire (Paris, 1825). Hầu như tất cả các trích đoạn quan trọng trong các công trình của Saint-Simon đều được đưa vào trong L’oeuvre d’Henri de Saint-Simon, Textes choisies avec une introduction par C. Bouglé, Notice bibliographique de A. Pereire (Paris, 1825). Trong các trích dẫn về sau, chỉ dẫn đầu là chỉ dẫn tới cuốn Oeuvres, còn chỉ dẫn sau (trong ngoặc đơn) là chỉ dẫn tới một ấn bản riêng của cuốn Lettres xuất bản năm 1925. Về lịch sử phức tạp của những ấn bản và bản thảo khác nhau của công trình này, xem Gouhier op. cit., pp. 224 et seq.

(7) OSSE, vol. 15, p. 11 (3).

(8) Ibid., p. 51 (55).

(9) Ibid., p. 49 (53).

(10) Ibid., p. 48 (52).

(11) Ibid., pp. 50 -53 (54-58).

(12) Trong Lettres, ed. A. Pereire, pp. xv, 93.

(13) OSSE, vol. 15, p. 39 (39).

(14) Ibid., p. 40 (40).

(15) Ibid., pp. 39-40, 55 (39, 61). Đoạn trích mà Saint-Simon dựa vào để ca ngợi ý nghĩa của định luật tổng quát là một cảnh báo đáng tham khảo về công thức nổi tiếng thế giới của Laplace (ibid., p. 59[67]): “Hãy giả định rằng các ngài đã biết rõ vật chất có trong từng bộ phận của Vũ Trụ vào một thời điểm nào đó, và rằng các ngài đã thực hiện kế hoạch của Vũ trụ bằng cách xác định rõ - bằng con số - khối lượng vật chất được chứa đựng trong từng bộ phận này, các ngài sẽ thấy rõ ràng rằng khi áp dụng định luật tổng quát về lực hấp dẫn, các ngài có thể tiên đoán (cũng ở mức độ chính xác tương ứng với trình độ hiểu biết toán học) mọi sự thay đổi tiếp theo sẽ diễn ra trong vũ trụ”. Mặc dù Laplace công bố công thức của mình chỉ vào năm 1814, không nghi ngờ gì, chúng ta phải giả định là ý tưởng đó đã được đưa vào trong các bài giảng của ông năm 1796, và sau này ông chỉ đưa thêm lời giới thiệu chứa trích đoạn nổi tiếng trên.

(16) Ibid., p. 26 (23).

(17) Ibid., p. 28 (25).

(18) Ibid., p. 55 (61). Cf. p. 57 (65): “Bổn phận được đặt ra cho mỗi người là phải thường xuyên mang lại cho những năng lực cá nhân một định hướng có ích cho nhân loại. Cánh tay của người nghèo tiếp tục nuôi sống người giàu, nhưng người giàu nhận được mệnh lệnh là phải bắt trí óc mình làm việc; và nếu trí óc của anh ta không làm việc được thì buộc phải bắt tay anh ta làm việc, bởi Newton chắc chắn không cho phép có những người thợ tự nguyện trở thành vô ích trong “công xưởng” trên hành tinh này (một trong các hành tinh gần mặt trời nhất)”. Ý tưởng tổ chức xã hội dưới dạng một phân xưởng xuất hiện lần đầu tiên ở đây tất nhiên có ý nghĩa quan trọng trong mọi hệ thống tư liệu xã hội chủ nghĩa. Cụ thể xem G. Sorel: “Le syndicalisme révolutionaire”, trong Mouvement socialiste, ngày 1 và 15 tháng 11, 1905. Cũng xem K. Marx, Das Kapital, 10th ed., vol. 1, chap. 12, sec. 4, pp. 319-24.

(19) Lettres, ed. A. Pereire, p. 54. Trích đoạn đã bị các học trò biên soạn Oeuvres cắt bỏ.

(20) OSSE, vol. 15, p. 54 (59).

Nguồn: Friedrich A. Hayek, Cuộc cách mạng ngược trong khoa học: Các nghiên cứu về sự lạm dụng lý tính, NXB Tri Thức, 2007