Khoa học luận kinh tế (Phần 1)
Trong tất cả những bộ môn nhằm mô tả và giải thích những sự kiện trong đó con người trực tiếp tham gia, có lẽ Kinh tế học là ứng viên tốt nhất để được danh hiệu khoa học. Bộ môn này có một bộ máy mạnh để thu thập và xử lí thống kê những sự kiện cũng như một tính phong phú lí thuyết mà tinh thần và những công cụ luôn được đổi mới từ hai hay ba thế kỉ nay. Tuy nhiên nếu xét đến tính không chắc chắn của những dự báo bộ môn này cho phép có được và tính đa dạng của những giải thích được những môn đồ xuất sắc nhất của bộ môn đề xuất, đôi lúc một cách đồng thời, thì ta không khỏi hoài nghi, hay ít ra là dè dặt. Tuy vậy, nên chăng phải hiểu đúng nghĩa của nó nhận định khôi hài và chua cay của bà Joan Robinson (1962: 26): “Như thế, kinh tế học tiếp tục con đường của nó, vừa đi vừa cà thọt, một chân trong những giả thiết không được kiểm tra và chân kia trong những khẩu hiệu không thể kiểm tra được”? ... Ở đây nhà triết học không có chủ ý quyết định như một luật gia về tính chính đáng của tham vọng bộ môn muốn trở thành một khoa học mà chỉ phác thảo một phân tích về những lí do để có được niềm tin và hi vọng ấy. Đây chỉ là việc nhận diện những mục tiêu của bộ môn kinh tế và những cách khác nhau mà bộ môn này tiếp cận đối tượng của nó. Không phải là triết gia muốn thế chỗ nhà kinh tế để bàn vào chi tiết những phương thức và chỉ dạy phương pháp cho nhà kinh tế. Hẳn là không thể tư duy triết học đúng cách về một khoa học mà không xem xét kĩ những cách tiếp cận thật sự của khoa học này; và sẽ là một việc phù phiếm khi ngẫm nghĩ về hình ảnh một khoa học lí tưởng và không có da có thịt. Nhưng nếu một tư duy khoa học luận phải nhắm vào một khoa học cụ thể, được xác định một cách lịch sử, thì tư duy này chỉ nhằm kiến giải ý nghĩa của khoa học ấy, làm rõ những khái niệm, vấn đề và có thể phát hiện những hướng bị che giấu. Quan tâm đến những công cụ và khám phá, suy nghĩ này tuy vậy không thể được lẫn lộn với một lịch sử hay một công nghệ, và càng không thể lẫn lộn với một tương lai học.
1. Tiến bộ trong khoa học kinh tế
Như thế câu hỏi đầu tiên của triết gia, khi đi học và lắng nghe các nhà kinh tế, liên quan đến một nét chung cho những bộ môn khác nhau đã được xác lập như một khoa học, một nét đụng đến ý nghĩa lịch sử tổng quát của một tri thức như vậy: có hay không một tiến bộ của tri thức kinh tế, và nếu có, bản chất của tiến bộ này là gì? Chắc chắn là câu trả lời cho phần đầu câu hỏi là có. Lịch sử của Kinh tế học hiển nhiên cho thấy là có sự tiến bộ, ở chỗ ngày càng có nhiều hiện tượng được tính đến, được nắm bắt trong tính phức hợp của chúng, được nhận diện một cách chi tiết hơn. Cũng còn có tiến bộ ở chỗ việc hệ thống hoá các hiện tượng là phong phú hơn, những nguyên lí chính xác hơn được đề nghị để giải thích những hành vi kinh tế, việc phát biểu những mắt xích nhân quả ngày càng viện đến biểu thức toán học. Chúng ta sẽ còn phải trở lại tầm rộng lớn, ý nghĩa và giới hạn của những tiến bộ tổng quát này khi xét đến những vấn đề do đối tượng của nhận thức kinh tế đặt ra.
Trước mắt tự đặt mình trong một cách nhìn rất tổng quát, nếu trước hết ta tìm hiểu những thời điểm dễ nhận diện nhất và có tính quyết định nhất của tiến bộ trên đã hiện ra như thế nào trong lịch sử thì ta khám phá là tiến bộ hiện ra chủ yếu dưới hai khía cạnh. Một dạng đổi mới thứ nhất xuất phát từ việc tính đến một hiện tượng xã hội đại trà và tương đối mới. Đó là trường hợp của sự đổ dồn tiền tệ[1] đối với các nhà trọng thương, của sự bành trướng của nền công nghiệp và trạng thái nô lệ của công nhân đối với Marx, của việc mở rộng thất nghiệp đối với Keynes. Một lực đổi mới khác, bề ngoài có tính chất nội tại, là việc ứng dụng một phương pháp tư duy mới đối với những hiện tượng đã được biết đến trước đó. Đó là trường hợp của học thuyết cận biên, rồi của học thuyết tân cổ điển, với việc phổ biến những khái niệm vi phân rồi đến những khái niệm topo của giải tích hiện đại. Ta nhận xét rằng ví dụ này nêu bật những hệ quả của việc đưa một công cụ toán học vào; nhưng một thay đổi của phương pháp tư duy những hiện tượng hoàn toàn không quy về dạng đặc biệt này. Như vậy, có lẽ đặc trưng cho một khía cạnh của sự tiến bộ của Kinh tế học đương đại là việc chuyển sự nhấn mạnh ban đầu từ khái niệm cân bằng đến những khái niệm khác nhau về không cân bằng, một chuyển dịch độc lập với mọi hình thức hoá toán học. Tất nhiên hai phương thức đổi mới bộ môn kinh tế này luân phiên nhau và được kết hợp ít nhiều với nhau một cách chặt chẽ trong những thành tựu thực tiễn. Hơn nữa, hai phương thức này bị những cách nhìn ý thức hệ đã sinh ra hay gắn liền với chúng xâm nhập và bóp méo. Ở đây chúng tôi hiểu hệ ý thức trong nghĩa rộng, nghĩa là mọi quan điểm có hệ thống buộc sự quan sát và giải thích phải phụ thuộc vào việc truyền bá một số lí tưởng, và có xu hướng thay thế lí lẽ, lịch sử và khái niệm bằng những mong muốn, huyền thoại và hình ảnh. Chính sự giao thoa giữa hệ tư tưởng và nhận thức khách quan đã phát sinh ra tính luận chiến và tính không khoan nhượng của những “hệ chuẩn” (paradigme), mà dạng sắc sảo đặc trưng cho thời sơ khoa học (proto science) hay ít ra là những trạng thái còn chưa được khai phá của khoa học. Tuy nhiên sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng có thể có một khoa học kinh tế lí tưởng, không có quan hệ gì đến một hệ tư tưởng. Trong nghĩa nào và đến mức nào sự thông đồng này là không thể tránh khỏi, đó là câu hỏi phải nêu lên khi xem xét quan hệ của khoa học này với thực tiễn. Một mối quan hệ mà trong trường hợp của của mọi tri thức khoa học về những hiện tượng con người và khác với những gì xảy ra cho các khoa học tự nhiên, đặt ra một vấn đề thuần túy khoa học luận, gắn với thực chất của tri thức này. Nhưng trước đó cần phải hình dung một cách tổng quát những vấn đề mà đối tượng đặc biệt của Kinh tế học đặt ra.
2. Vấn đề đối tượng của một khoa học kinh tế
2.1 Nội sinh và ngoại sinh
Có lẽ là hầu hết các nhà kinh tế đồng tình rằng bộ môn của họ có xu hướng mô tả và giải thích việc sử dụng và phân bổ những nguồn lực hiếm hoi hầu thỏa mãn những nhu cầu hay mong muốn của con người sống trong xã hội. Nhưng cách đặc trưng Kinh tế học như thế để bỏ ngõ nhiều câu hỏi mà bộ môn này che giấu đằng sau việc sử dụng bình thường những từ như: việc làm, phân phối, nhu cầu, nguồn lực hiếm hoi, xã hội ... Dễ dàng chứng minh là từ việc kiến giải, đặc trưng và nhấn mạnh mỗi một từ này sẽ có được những hướng nghiên cứu và mệnh đề học thuyết khá khác nhau. Ở đây chỉ giới hạn ở việc nêu rõ một vài khía cạnh chủ yếu của những khó khăn do chính đối tượng của Kinh tế học đặt ra.
Và trước hết, đến mức nào có thể tách biệt hiện tượng kinh tế khỏi những hiện tượng khác được gọi là hiện tượng xã hội? Đây không chỉ là khó khăn riêng của nhà kinh tế nhưng còn có ảnh hưởng qua lại đến nhà xã hội học, nhà dân tộc học và trong một chừng mực nhất định đến mọi môn đồ của một khoa học về con người trong xã hội. Có thể nào tháo khớp mà không phương hại đến “hiện tượng xã hội tổng thể” (fait social total), nói theo thuật ngữ của Marcel Mauss? Hẳn là mọi tri thức khoa học đòi hỏi một trừu tượng hoá, điều kiện mà vật lí học lẫn hoá học đều tuân thủ tùy theo những lĩnh vực mà tiến hoá của những khoa học này đã ít nhiều cô lập. Nhưng đối với những hiện tượng xã hội, vấn đề còn bỏ ngõ là, ví dụ, những yếu tố mà nhà kinh tế đã phân chia ra còn có ý nghĩa hay không, và ý nghĩa này là riêng cho yếu tố đó và tương đối độc lập hay không. Nhà kinh tế thường tự giải phóng khỏi nỗi nghi ngờ này bằng cách đưa vào, trong trạng thái hay trong những qui trình được nhà kinh tế nghiên cứu, những biến “ngoại sinh”. Những biến này do môi trường cung cấp và được giả định là cho được một khung hay những điều kiện tương đối cứng nhắc cho sự vận hành của những biến “nội sinh” mà nhà kinh tế tìm cách biểu hiện những quan hệ. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có thể chấp nhận đặt bối cảnh “ngoại sinh” ở ngoài cuộc. Có thể là tác động của ít nhất một số những biến loại này phát huy ảnh hưởng ngay trong chính hệ thống, phản ứng lại trước những biến “nội sinh”, và do đó hoạt động trên cùng một bình diện như những biến này. Trong trường hợp này, điều khoản “những điều kiện khác không thay đổi” là một mẹo đánh lừa. Chính vì thế mà vừa rồi FranVois Perroux đề nghị thêm vào cơ chế cạnh tranh “ràng buộc, một sản phẩm kinh tế bị bỏ quên”. Nhưng chỉ một nghiên cứu về những cấu trúc và những quan hệ động của những nhóm can dự vào đời sống kinh tế mới có thể rút ra được những yếu tố xã hội học dưới một dạng riêng biệt cho việc đưa những yếu tố này vào trong những phương trình của Kinh tế học. Dầu sao đi nữa, hình như sự thâm nhập lẫn nhau giữa Kinh tế học và xã hội học, đặc biệt là một xã hội học chính trị và một lí thuyết đủ tổng quát và chính xác về những quyền lực là một việc không thể né tránh mãi.
2.2 Những khái niệm vi mô và vĩ mô
Nếu ta bỏ qua khó khăn đầu này và tạm thời chấp nhận, một điều có vẻ phải chăng, khả năng tách những hiện tượng đặc biệt kinh tế hơn ra khỏi những hiện tượng xã hội thì còn lại vấn đề nối khớp cái vĩ mô với cái vi mô. Sự phân biệt vĩ mô và vi mô, ngày nay có mặt trong mọi sách kinh tế, không bao phủ hết những ý mà các từ này gợi lên. Có lẽ, những biến kinh tế vĩ mô quy về đúng với những tập hợp lớn: tổng sản phẩm quốc gia, tỉ suất thất nghiệp, cung tiền ... Tuy nhiên, sự phân biệt chủ yếu không hẳn là có tính định lượng mà là định tính, và đúng hơn ứng với những mức độ trừu tượng hoá khác nhau. Trên quan điểm kinh tế vi mô, người ta hình dung những tác nhân như những trung tâm lựa chọn và ra quyết định, và những sản phẩm và nguồn lực được xem là tách biệt, và nói theo cách của E. Malinvaud “tôn trọng tính cá thể” của những tác nhân và sản phẩm ấy. Như thế kinh tế học vi mô phát triển như một lí thuyết về sự hình thành giá cả và ấn định những số lượng sản xuất của một sản phẩm nhất định, trong một cuộc chơi sản xuất và trao đổi tương đối trừu tượng của những tác nhân – cá nhân hoặc doanh nghiệp – nhằm hoàn thành một cách tốt nhất những mục tiêu của họ. Trên quan điểm kinh tế vĩ mô, người ta hình dung nhiều hơn đến những quan hệ có thể phỏng đoán được giữa các biến thiên của những đại lượng quan sát, những tác nhân kinh tế như vậy hiện ra, một cách tập thể, như những chỗ dựa hay những nền nơi những đại lượng được quy về hơn là những diễn viên có ý đồ trong sự hình thành những đại lượng này. Các “hộ gia đình”, các “doanh nghiệp”, các “cơ quan” là những chủ sở hữu những di sản và thu nhập. Nhà kinh tế đề nghị những quan hệ giữa những khối lượng và những chuyển động của những đại lượng này mà không quy chúng về, ít nhất là một cách trực tiếp, những chiến lược.
Ta nhận xét rằng việc đối lập vĩ mô vi mô là tương đối mới xảy ra gần đây thôi. Kinh tế học tiền cổ điển của những nhà trọng thương và trọng nông, và Kinh tế học cổ điển của Smith, Ricardo, J. B. Say (kể cả kinh tế học của Marx) không có sự phân biệt này. Những học thuyết này, ngày nay chúng ta có thể nói như vậy, xử lí một cách kinh tế vi mô những hiện tượng kinh tế vĩ mô được quy về những nhóm xã hội được trình bày như những người chủ chốt, những chủ thể tập thể. Quan điểm kinh tế vi mô chỉ đặc biệt nổi lên ở các nhà cận biên, với phép tính cá nhân về những lợi ích, và quan điểm này không rõ ràng đối lập với một kinh tế học vĩ mô. Cho dù cặp thuật ngữ này được Frisch đề xuất năm 1932, sự đối lập chỉ thực sự bắt đầu với Keynes, khi những hiện tượng như thất nghiệp, và những biến như tỉ suất tổng đầu tư được xem xét vì chính bản thân chúng, và khi những “chính sách kinh tế vĩ mô” được hình dung và đi vào thực tiễn.
Tuy nhiên, quả đúng là những quan hệ kinh tế vĩ mô thường được xem như cần được giải thích, xét đến cùng, bằng những cơ sở vi mô.
“Khoa học của chúng ta chưa hoàn thành sự hợp nhất của lí thuyết kinh tế vi mô về việc phân bổ các nguồn lực với lí thuyết kinh tế vĩ mô về tiền tệ, tài chính công cộng và những quan hệ quốc tế ...” (E. Malinvaud, LeVons de théorie microéconomique, tái bản lần thứ ba, 1975: 10).
Một thiếu sót mà chắc là ông lấy làm tiếc và coi như tạm thời. Còn Maurice Allais, trong những tác phẩm của ông, hình như không cho rằng sự phân biệt vi mô/vĩ mô là quan trọng, và trong tác phẩm lớn của ông đã xem quan điểm vĩ mô như một phương pháp phụ trợ trong số những phương pháp khác:
“Lí thuyết về những tổng đại lượng, lí thuyết cạnh tranh không hoàn hảo, lí thuyết trò chơi ... phải đến sau (lí thuyết những lựa chọn, lí thuyết cân bằng chung), với tư cách phụ trợ và xấp xỉ thứ nhì” (1952, chương 1).
Như vậy đâu là ý nghĩa của sự phân biệt này? Một ý tự nhiên là so sánh sự phân biệt này với phân biệt của các nhà vật lí giữa lĩnh vực của vật lí học vĩ mô và vật lí học vi mô, hay chính xác hơn giữa những mức độ khác nhau của sự phân biệt này. Một so sánh như thế chỉ bổ ích một phần, ở chỗ là trong cả hai trường hợp, những hiện tượng vĩ mô được hiểu như những hệ quả thống kê của những hiện tượng “cá thể” ở cấp độ vi mô. Mặt khác có thể tìm thấy trong Kinh tế học tính chất chủ yếu không quan sát được của một số khía cạnh của vật lí vi mô, nếu ta nghĩ rằng nội quan và ngay cả thí nghiệm, ứng dụng vào việc quan sát những thị hiếu và những quyết định cá nhân, ở mức cao nhất sáng tạo nên những giả tượng (artefact) ít đáng tin cậy để có thể xem đấy là nguồn gốc cho một hiểu biết thực nghiệm có giá trị (tất nhiên là chúng tôi dùng từ “thực nghiệm” trong nghĩa triết học là có liên quan đến thí nghiệm, không có hàm ý xấu nào). Tuy nhiên, quả sẽ là mạo hiểm nếu khẳng định đơn thuần rằng lí thuyết vi mô đối với lí thuyết vĩ mô trong Kinh tế học cũng giống như lí thuyết vi mô đối với lí thuyết vĩ mô trong vật lí học. Như vậy, trong số những khác biệt riêng, thì nhận định về thời gian và việc đưa thời gian, dưới những dạng khác nhau, như là một biến thật sự – chứ không đơn giản là một cột mốc – vào trong những hiện tượng kinh tế không thể được tiến hành giống nhau ở cấp kinh tế vi mô và cấp kinh tế vĩ mô. Vì chỉ ở cấp độ vĩ mô thì việc tính đến thời gian mới có một vai trò vô cùng thiết yếu, những giai đoạn công nghệ của việc đưa thời gian trở vào và cách xử lí thời gian về mặt khái niệm, theo tôi, là một trong những nét chính của lịch sử hiện đại của Kinh tế học. Mặt khác, quan điểm kinh tế vĩ mô được gắn một cách cơ bản với những triển vọng ứng dụng nhận thức này, dù cho, một cách nghịch lí, những triển vọng này lại đưa trở vào một tác nhân cá thể và có chủ tâm, một nhà kế hoạch hoá và nhà điều hoà, có thể so sánh được với những tác nhân của kinh tế học vi mô. Nhưng ngược lại, chính quan điểm kinh tế vi mô có vai trò chính trong những nhận định lí thuyết về lợi thế tập thể. Dù sao đi nữa, có muốn dùng kinh tế học vi mô làm cơ sở cho kinh tế học vĩ mô hay không thì vấn đề hiểu và lí giải quan hệ vĩ mô vi mô vẫn không được giải quyết hoàn hảo, và thường là được đặt không đúng cách.
(Còn nữa)
Nguồn: “Epistémologie économique” của Gilles Gaston Granger trong Encyclopédie économique (Bách khoa kinh tế), nhà xuất bản Economica, Paris, 1990, trang 3-24
Nguồn dịch: Phantichkinhte123: Khoa học luận kinh tế