Khoa học luận kinh tế (Phần cuối)
2.5 Giả thiết, tiên đề và nguyên lí
Những mô hình, cho dù được cấu trúc bằng phương tiện nào đi nữa, đều dựa một cách rõ ràng, không ít thì nhiều, trên những tiên đề hay nguyên lí được giả định là đặc trưng cho sự vận hành của nền kinh tế. Những giả định trước này có vai trò nào trong sự nhận thức và chúng có chức năng gì trong việc thiết kế các mô hình?
Trước hết chúng làm cho việc phát biểu và vận dụng các mô hình được dễ dàng hơn, làm cho những lập luận logic hay việc ứng dụng toán học đơn giản hay hiệu quả hơn, hoặc đơn giản hơn cho phép vận dụng những lập luận này. Đó là trường hợp thường được sử dụng của những giả thiết biến thiên tuyến tính, ngay cả khi tầm vóc lĩnh vực biến thiên khiến chúng trở thành đáng nghi ngờ; đó cũng là trường hợp của những giả thiết về tính độc lập. Khi tính đến những vấn đề tồn tại và ổn định của các nghiệm, những giả định trước trở nên trừu tượng và đặc thù hơn. Ví dụ người ta đòi hỏi là tập những vectơ tượng trưng cho tiêu dùng của một tác nhân là một tập lồi, đóng, bị chặn dưới và có điểm gốc; hay là hàm lợi ích của mỗi tác nhân phải là một hàm liên tục, tăng, khả vi đến cấp hai và lồi ngặt (Malinvaud). Hẳn là những phát biểu như thế có thể được dịch một cách xấp xỉ bằng những đặc tính trực giác; tuy nhiên lí do tồn tại thật sự của chúng là có tính kĩ thuật hơn là thể hiện một sự trung thành với một khách thể thực nghiệm. Nhưng quả thật là nhà kinh tế còn đề nghị những tiên đề mà chức năng chính là hình thức hoá những ý tưởng cụ thể hơn liên quan đến các hiện tượng kinh tế, và thường như thế là những ý của lí lẽ thông thường, đôi khi được làm chính xác hơn và cứng nhắc hơn. Đó là trường hợp của nguyên lí tối đa hoá thỏa mãn của người tiêu dùng hay lợi nhuận của doanh nghiệp, hay “qui luật” giảm dần của thỏa mãn cận biên, hay đặc tính keynesian của hàm tiêu dùng. Những nguyên lí này như Robbins (An Essay on the Nature and Significance of Economic Science trong Hahn and Hollis, 1979: 39) viết:
“đúng là hợp chất của kinh nghiệm hằng ngày nên chỉ cần phát biểu ra là thấy ngay tính hiển nhiên của chúng”.
Vâng, có lẽ là đúng như thế. Nhưng trong chừng mực là những khái niệm được huy động là khá mơ hồ để có thể chấp nhận, do chính bản chất của chúng, chính những xấp xỉ sẽ không còn chấp nhận được trong việc phát biểu chính xác và trừu tượng của tiên đề. Nếu dưới dạng này, đặc tính trở thành một trùng ý lặp thừa, hoặc một định nghĩa danh nghĩa thì khái niệm cũng không vì thế mà trở thành ít chính đáng và ít hữu ích cho việc triển khai hệ thống.
Nhưng vấn đề chính thường được đặt ra là mối tương quan giữa các giả thiết, tiên đề và nguyên lí với thực nghiệm. Một thái độ cực đoan được von Mises bảo vệ cho rằng khoa học kinh tế là một khoa học
“tiên nghiệm và không thực nghiệm ... Suy cho cùng, logic và khoa học có hiệu lực phổ biến của hành động con người đều đồng nhất và giống nhau” (Epistemological Problems of Economics, in Hahn and Hollis, 1979: 61).
Ở đây, Von Mises theo quan điểm của Spinoza, theo đó hành vi con người là hoàn toàn suy ra từ những nguyên lí và định nghĩa đơn giản. Nhưng không thể xác lập hay bác bỏ một quan niệm như thế về Kinh tế học, trong chừng mực mà người bảo vệ quan điểm đó luôn tìm ra được trong “những điều kiện thể hiện” của hành động con người, vốn là những hành động thực nghiệm, một biện minh cho những tình thế đi chệch hướng. Khéo léo hơn nhưng không kém nghịch lí là luận điểm được bàn nhiều của Milton Friedman. Đối với tác giả này, không cần phải đối chiếu những tiên đề và nguyên lí của một mô hình hoàn toàn lí thuyết với thực nghiệm. Theo ông, hiệu lực của một lí thuyết được những hệ quả của lí thuyết đó xác thực nên ý cho rằng sự phù hợp của những giả định trước với thực tế làm tăng thêm hiệu lực của lí thuyết là một định kiến “về cơ bản là sai lầm” và ông còn tuyên bố là “một lí thuyết càng có ý nghĩa bao nhiêu thì những giả định trước của lí thuyết đó càng xa thực tế bấy nhiêu ...” (Essays in Positive Economics, in Hahn and Hollis, 1979: 26). Một đánh giá phải chăng những tiên đề của các nhà kinh tế khó có thể xác minh câu nói dí dỏm này. Tuy nhiên, quả thật ý tưởng kiểm tra thực nghiệm những tiên đề che phủ một hiểu lầm không chỉ riêng khoa học này mới có. Những phát biểu cơ bản như thế nhất thiết nằm ở một cấp độ trừu tượng cao đòi hỏi sự trung lập hoá nhiều trường hợp và đôi lúc là những trường hợp quan trọng đến độ là không thể nào thực hiện được việc trung lập hoá này trong một thí nghiệm, và có thể việc trung lập hoá này là mâu thuẫn với những điều kiện của một thí nghiệm thật sự. Đó là trường hợp trong cơ học của nguyên lí quán tính vì việc kiểm định nguyên lí này đòi hỏi việc cách li triệt để một động tử và do đó đòi hỏi sự phân rã hoàn toàn của phần còn lại của vũ trụ. Tuy nhiên, trong Kinh tế học, còn hơn cả trong những khoa học khác, có lẽ tính phi thực tế của những nguyên lí và tiên đề không bao giờ chỉ gắn với những đòi hỏi giới hạn, và ý nghĩa thực nghiệm của những nguyên lí và tiên đề vẫn hiện diện một cách trực giác trong những điều kiện xấp xỉ và liên tục phải chăng, cho dù quả thật là những điều kiện này là rất gián tiếp nếu những khái niệm của những giả định trước là ở mức trừu tượng hoá cao. Nhưng trong mọi trường hợp, nhìn từ góc độ hiểu biết bằng các mô hình, tức nhìn từ quan điểm của khoa học, cho rằng tầm quan trọng và ích lợi của những nguyên lí chủ yếu tùy thuộc vào những hệ quả có thể rút ra từ những nguyên lí đó là một điều đúng đắn. Ngược lại, có thể nào dừng lại ở đây nếu cũng muốn bao quát quan hệ giữa khoa học và thực tiễn vì thư thế phải chăng ta lại buộc một lần nữa tìm hiểu ý nghĩa của những tiên đề và nguyên lí đối với thân phận con người được hình dung như một tổng thể sống?
3. Khoa học và thực tiễn
Quả thật là trong những khoa học về con người việc áp dụng những tri thức lí thuyết có những nét rất đặc biệt. Vẫn luôn là vấn đề chuyển từ khái niệm trừu tượng tới cá thể cụ thể; nhưng trong trường hợp của những khoa học về con người, việc cá thể hoá là điểm thiết yếu của hiện tượng con người, trong lúc việc cá thể hoá những sự vật trong những tri thức ứng dụng khác, có thể dễ dàng quy về những trường hợp điển hình và chung. Nhưng ở đây chúng tôi không xem xét bản thân công nghệ đi từ cái lí thuyết xuống những ứng dụng được tiến hành theo ba phương thức khác nhau, dù thường là được kết hợp với nhau: sự chẩn đoán tình trạng của nền kinh tế, so với sơ đồ lí thuyết đã lựa chọn; liệu pháp áp dụng cho nền kinh tế nhằm sửa sai theo một chiều hướng nhất định sự vận hành của nền kinh tế; việc kế hoạch hoá tích cực cấu trúc và sự vận hành của nền kinh tế nhằm thực hiện một số mục tiêu xã hội nhất định. Chúng tôi chỉ giới hạn đề cập hai vấn đề chung liên quan trực tiếp đến ảnh hưởng của việc ứng dụng trên lí thuyết: dự báo như một phương tiện kiểm tra và vị thế của khái niệm tính duy lí kinh tế.
3.1 Dự báo và sự kiểm tra
Đối với một khoa học thực nghiệm, bất kể là khoa học này quan tâm đến loại hiện tượng nào thì thành công của dự báo là một thử thách không thể thiếu. Những thành tựu tầm thường của Kinh tế học trên lĩnh vực này chắc chắn là dấu hiệu của tình trạng chín muồi còn bấp bênh của bộ môn này. Tuy nhiên cần hiểu rõ là đi kèm với tiêu chí dự báo thành công phải có tiêu chí về sự giải thích, và từ một giải thích chấp nhận được, trong lĩnh vực những hiện tượng con người, không nhất thiết là suy ra được một khả năng dự báo. Đó không phải là trường hợp của các khoa học vật lí vì điều ta cần dự báo ở đây là những hiện tượng gần như hoàn toàn không có tình huống bất kì, do đã được kĩ thuật thực nghiệm xử lí, và đứng về mặt lí thuyết là những hiện tượng tùy tiện. Thế mà điều ta muốn đòi hỏi một cách quá đáng ở những khoa học về con người là những khoa học này không dự báo những hiện tượng như thế mà dự báo những biến cố, không có loại bỏ những đặc tính riêng của những biến cố này mà do bản chất của mọi tri thức bằng quan niệm, làm trung lập hoặc gạt bỏ. Độc nhất trong những khoa học tự nhiên chỉ có thiên văn học có đối tượng là những biến cố, nhưng là những biến cố tinh lọc đến độ gần như là trùng với những hiện tượng sinh thành của cơ học; từ đó có đặc quyền lịch sử và vai trò mà khoa học này đã đảm nhiệm trong sự hình thành của lí tưởng khoa học. Ngược lại Kinh tế học vấp phải khó khăn chủ yếu là những hiện tượng hợp thành đối tượng của nó suy cho cùng trong thực tế mang tính biến cố. Để đánh giá những thành tựu của khoa học này, thật là bất công khi ghi nhận là bộ môn này dự báo rất tồi biến cố tự thân. Vì loại dự báo này không thuộc về lĩnh vực của lí thuyết mà là một nghệ thuật lâm sàng, mà lĩnh vực của những hiện tượng sinh học cho ta nguyên mẫu khi chuyển từ tri thức của nhà sinh lí học sang tri thức của nhà điều trị không phải đơn giản giáp mặt với những hiện tượng mà với những biến cố của một sinh vật cá thể.
Sau khi đã nêu những dè dặt đối với một phê phán không thích đáng về tính ít giá trị dự báo của Kinh tế học, ta được quyền nghiêm khắc nhận xét sự rụt rè của những cố gắng kiểm tra, hay nếu muốn những cố gắng xác minh của các nhà kinh tế.
Tuy không đòi hỏi quá ở khoa học của các nhà kinh tế người ta chờ đợi là những dự báo các hiện tượng tổng quát, trong chừng mực có thể đã loại bỏ tính biến cố, phải được kiểm tra một cách có hệ thống. Có thể gặp một sự kiểm tra như thế, nhưng quá hiếm, trong kinh văn. Thường kiểm tra nhằm ước lượng giá trị của những dự báo do các “chuyên gia” xây dựng về tiến trình của vài biến hơn là kiểm tra một cách hậu nghiệm những hệ quả tổng quát rút ra từ việc áp dụng một lí thuyết. Ví dụ, người ta sẽ xét xem những dự báo về tiến hóa của giá cả, lương, GDP, tỉ suất thất nghiệp do 50 nhà kinh tế, lí thuyết gia lẫn những nhà kinh tế thực hành, có chệch hay không (giá trị của dự báo có đủ gần với kì vọng toán học của những giá trị quan sát không? Brown và Martal, Econometrica, vol. 49, n0 2, 1981). Hay là người ta so sánh những dự báo do các cơ quan chuyên trách cung cấp (Zarnovitch, The American Economic Review, vol. 68, n0 2, 1978). Phải thừa nhận rằng những kết quả là đáng thất vọng. Như Zarnowitz (1978: 318) viết “ít ra là trong một giai đoạn có xáo trộn như thế, phải không thừa nhận giá trị của những dự báo số liệu đặc thù của nhiều quý”. Ta chỉ đơn giản nhận xét rằng dự báo dựa trên các mô hình là “tốt hơn chút ít” dự báo chỉ dựa trên việc kéo dài một cách thống kê những chuỗi dữ liệu trước đó (Thionet. Economie appliquée, XXVI, n0 2-3-4, 1973) và dự báo những điểm chuyển hướng là “xoàng” (Sen, The American Economic Review, sđd. “Nhưng phải chăng đây chính là điều cần phải dự báo?”). Vài kết quả trên được một nghiên cứu tổng quát về việc hình thành các dự phóng 1985 của nền kinh tế Pháp do INSEE xây dựng năm 1962 (P. Dubois, Sản xuất) xác minh. Mô hình được sử dụng là một sơ đồ rất đơn giản về đầu vào đầu ra, chủ yếu là một sơ đồ kế toán, được bổ sung bằng những giả thiết về tiến hoá của dân số và năng suất. Những dự báo về những tỉ suất tiến hoá của các đại lượng của nền kinh tế là tương đối tốt (tuy nhiên đó là trong chừng mực mà ta không tính đến những dè dặt theo kiểu Morgenstern về độ tin cậy của các đo đạc). Nhưng tác giả nhận xét một cách xác đáng là thành công có lẽ do một phần có sự bù trừ thuận lợi trên thời kì này giữa một tăng trưởng mạnh từ 1960 đến 1973 và một tăng trưởng chậm từ 1973 đến 1985, khiến cho những con số dự báo, không đúng với từng giai đoạn trên, cuối cùng là đúng cho cả thời kì. Mặt khác, tác giả nhấn mạnh đến sức ì của những “xu hướng nặng” mà để dự báo chúng chỉ cần một cách máy móc kéo dài chúng về tương lai. Ngược lại, dự phóng đã không có khả năng dự báo những “khả năng gián đoạn” hay chuyển hướng, trong trường hợp này là sự gia tăng của thất nghiệp đại trà, mà do cương vị là một dữ liệu ngoại sinh, đã bị loại đi. Bởi thế, ta gặp lại nhận xét đã nêu lúc đầu về sự cần thiết trong tương lai hợp nhất khoa học kinh tế với một tri thức xã hội chính trị tổng quát về những hiện tượng con người.
3.2 Tính duy lí: giả thiết hành vi, hay mục tiêu nhắm đến
Câu hỏi thứ nhì và cuối cùng chúng tôi muốn nêu lên là vị thế và vai trò của khái niệm duy lí trong Kinh tế học. Khái niệm này phải được hiểu theo hai nghĩa hoàn toàn khác nhau. Thứ nhất, tính duy lí được quan niệm như một đặc tính của hành vi cá thể. Cho dù được định nghĩa như thế nào – có nghĩa là một vài nguyên lí và qui tắc được cho là đặc trưng của hành vi duy lí – tính duy lí gắn với một “purposive behaviour”1 như L. Robbins nói, với một sự thích nghi có chủ đích của những phương tiện với những mục tiêu, với một hoạt động “có cân nhắc”. Nhưng phải nhận xét, một mặt, là quan điểm cận biên, ví dụ, có thể nói là trung lập hoá khía cạnh tích cực của hành vi để chỉ xét đến cái chuẩn mực và những kết quả. Lí thuyết trò chơi, tiếp theo phác thảo của Cournot trong phân tích của ông về độc quyền hai người, sẽ phục hồi và hình thức hoá ý tưởng chiến lược. Mặt khác, lựa chọn đồng nhất việc thích nghi những phương tiện với những cứu cánh với việc tối đa hoá một hàm thỏa mãn, chung quy chỉ là một trong những cách ấn định có thể. Người ta có thể nghĩ ra những cách khác, ví dụ bằng cách tối thiểu hoá giá trị lớn nhất của bất trắc và rủi ro, hay mong muốn ấn định sự thỏa mãn ở những thời điểm nhất định, hoặc là tìm kiếm những giai đoạn thỏa mãn có cường độ cao hơn là tìm kiếm tổng những thỏa mãn chia nhỏ. Những qui tắc như thế chắc chắn là có khả năng mô tả một số khiá cạnh của hành vi cá thể không thua gì qui tắc jevonsian hoặc walrasian; hơn nữa lí thuyết trò chơi đã gợi ý một sự đổi mới những chuẩn ra quyết định. Như thế, giả thiết duy lí được Kinh tế học giữ lại một cách ít nhiều rõ ràng hiện ra như kết quả của một lựa chọn và một phỏng đoán về hành vi trung bình, hay tiêu biểu của những thành viên của một cộng đồng kinh tế.
Nếu đứng trên quan điểm sản xuất, thay vì quan điểm tiêu dùng thì có thể phát biểu những chuẩn duy lí tương tự, và đương nhiên chuẩn thường được đề nghị một cách tự nhiên nhất là chuẩn tối đa hoá lợi nhuận. Tuy nhiên cần chỉ ra ở đây một cố gắng độc đáo áp dụng, trong tinh thần của một triết lí marxist, lí thuyết trò chơi và qui hoạch tuyến tính. Vấn đề đặt ra là: làm sao tổ chức một cách hợp lí sản xuất của những sản phẩm khác nhau do những doanh nghiệp có năng suất và năng lực khác nhau sản xuất để cho khối lượng sản xuất là tối đa mà vẫn tuân thủ những ràng buộc về tính bổ sung kĩ thuật giữa các sản phẩm. Nhưng điểm độc đáo của Kantorovitch (1963) là ở việc xét bài toán đối ngẫu trong đó vấn đề không chỉ là xác định nghĩa vụ của mỗi doanh nghiệp mà là gán cho những vật liệu các doanh nghiệp này dùng những giá trị cận biên được đồng nhất với những giá tương ứng với mức sản xuất tối ưu, dưới những ràng buộc kĩ thuật và có tính đến sự hạn chế của các nguồn lực. Vả lại mục tiêu được Kantorovitch nói rõ là kiến giải những giá trị này không phải như những kết quả của các nhu cầu và thị hiếu chủ quan mà là như một biểu tượng của một lao động xã hội cần thiết theo học thuyết Marx.
Nếu trong mọi trường hợp về tính duy lí của những hành động của người tiêu dùng và của người sản xuất, hai tác nhân này được xem như những trung tâm ra quyết định thì còn có một nghĩa khác nữa về tính duy lí, liên quan đến việc hoàn thành một phân phối nhất định những lợi thế của các thành viên của một xã hội trong đó có thể tiến hành những so sánh và trao đổi. Pareto là người đầu tiên thể hiện khái niệm này dưới một dạng logic rõ ràng. Với những chủ thể kinh tế có khả năng sắp xếp theo thứ tự thị hiếu và sự thoả mãn của họ, một phân bổ tối ưu những sản phẩm là một phân bổ sao cho không thể cải thiện số phận của bất kì ai mà không làm giảm sự thoả mãn của ít nhất một thành viên khác của nền kinh tế. Từ khái niệm này, và từ một định nghĩa về cân bằng kinh tế chung, kinh tế học vi mô tân cổ điển, chứng minh là với một phân bổ ban đầu cho trước, mọi tối ưu kiểu Pareto ứng với một hệ thống giá cả làm tối đa hoá sự thoả mãn của mỗi tác nhân có được sự tự do trao đổi theo ý mình dưới sự ràng buộc ngân sách của bản thân, nghĩa là có thể đạt được một tối ưu như thế như một cân bằng của thị trường. Chứng minh này có hiệu lực với điều kiện có một vài giả thiết và tiên đề liên quan đến những tập hợp tiêu dùng và những hàm thoả mãn của các tác nhân này; phản đề của định lí cũng đúng nốt, thậm chí với những điều kiện được nới lỏng hơn (Malinvaud, LeVons de théorie microéconomique, 3è éd., 1975). Vả lại, ta thấy là tính duy lí của phân phối này chỉ có ý nghĩa nếu giả định là tính duy lí trên chi phối những hành vi cá thể. Sau này lí thuyết trò chơi đã cho phép đổi mới và đào sâu quan niệm này về sự phân phối những lợi thế và cân bằng bằng cách hình thức hoá ý tưởng liên minh và thương thảo mà không làm thay đổi sâu sắc nghĩa của tính duy lí vì vấn đề vẫn là định dạng khái niệm về một “công bằng” xã hội nhất định, được xem như là mặt đạo đức mà cân bằng kinh tế là mặt tích cực. Tương tự như thế, những lí thuyết về welfare2 đã đưa thêm vào một khó khăn nữa khi đề nghị những định nghĩa của lợi thế tập thể và quan hệ của lợi thế này với những sự thoả mãn cá thể vì K. Arrow đã chứng minh là thường không thể có được một khái niệm tổng gộp nhất quán với lợi ích tập thể.
Những vấn đề như trên, tuy trực tiếp phát sinh từ những mối quan tâm đến hành động và việc thực hiện một số mục tiêu, không nằm ngoài trường của kinh tế học. Hẳn là khoa học kinh tế phải tránh xa hệ tư tưởng nhưng bộ môn này không thể tự cấm mình lí tưởng hoá thực tiễn, và tuy nhiên chính sự cần thiết này khiến cho việc đạt đến một tri thức thực chứng, điều mà mọi khoa học về những hiện tượng của con người đều nhắm đến, là một việc khó khăn đến thế.
*
* *
Kinh tế học, trong cuộc chinh phục vị thế khoa học của nó, có nhiều nét riêng biệt đã và sẽ góp phần vào số phận độc đáo của bộ môn, qua đó có lẽ giải thích bước tiến của nó, so với những khoa học khác về con người, và đồng thời cũng giải thích những trở ngại quan trọng gặp phải trên con đường của nó:
1. Tri thức về những sự kiện tế kinh tế là khoa học về một đối tượng chủ yếu hay thay đổi, trong chừng mực là những sự kiện này đuợc xác định trong những bối cảnh chịu sự ngẫu nhiên của lịch sử.
2. Tuy nhiên, bộ môn này, ở cương vị là một khoa học, chỉ có thể nhắm đến những hiện tượng chứ không thể tính đến những biến cố; và khả năng dự báo của nó do đó có giới hạn – có lẽ những giới hạn này hiện nay còn xa mới đạt tới – và vì thế đây không phải là một điều ngạc nhiên.
3. Cuối cùng, tri thức này, hơn hẳn những tri thức khác, chịu phải tác động của những hệ tư tưởng, do con người, thông qua sự thống trị kinh tế, nghĩ là có thể thoả mãn khát vọng quyền lực, và, thông qua tổ chức kinh tế, thoả mãn ước muốn công bằng của mình.
(Hết)
Chú thích
(1) phúc lợi (ND).
(2) giáo sư Học viện Pháp quốc (Collège de France)
Nguồn: “Epistémologie économique” của Gilles Gaston Granger trong Encyclopédie économique (Bách khoa kinh tế), nhà xuất bản Economica, Paris, 1990, trang 3-24
Nguồn dịch: Phantichkinhte123: Khoa học luận kinh tế