[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 23 - Ủy ban tư tưởng xã hội
Nhìn lại vị trí của mình trong Uỷ ban Tư tưởng Xã hội (Committee on Social Thought), Hayek cho rằng nó đã đem đến “những cơ hội gần như lý tưởng” để theo đuổi những mối quan tâm mới mà ông “đang dần dần phát triển.”Uỷ ban này ra đời thành công được là nhờ phương pháp tiếp cận đa ngành của chủ tịch trường đại học, Robert Maynard Hutchins. Ban đầu nó được gọi là Uỷ ban về Văn minh (Committee on Civilization), nhằm thực hiện công tác đào tạo sau đại học và đem lại những cơ hội học thuật nằm ngoài khả năng của một tổ chức chuyên khoa theo truyền thống. Theo William McNeil, sử gia của Đại học Chicago, “Uỷ ban Tư tưởng Xã hội do John Nef làm chủ tịch và chủ yếu do vợ ông tài trợ, trở thành tập hợp một nhóm người ưu tú. Nef chỉ việc thu nạp những người mà mình yêu thích và ngưỡng mộ, chọn lọc từ những lai lịch chuyên môn hết sức đa dạng, và yêu cầu họ theo dõi nhóm nghiên cứu sinh đã tuyển lựa.” Mô tả tình hình Uỷ ban trong suốt nhiệm kỳ chủ tịch của mình từ năm 1946 đến năm 1964, Nef viết, “chúng tôi tự hạn chế đào tạo một lúc không quá ba mươi sinh viên, dù số giảng viên là từ tám đến mười người, chưa kể những giảng viên thỉnh giảng xuất chúng khác.” Nhờ tỷ lệ sinh viên so với giáo viên thấp, nên giữa họ có mối quan hệ gần gũi. Sinh viên theo học chương trình đào tạo đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau – khoa học nhân văn, khoa học tự nhiên, nghệ thuật, và cả khoa học xã hội. Đây gần như là một môi trường hàn lâm lý tưởng.
Khi Hayek xuất hiện vào mùa xuân năm 1950 thì uỷ ban đang trên đà phát triển. Mặc dù trong một thời gian nó mang đặc điểm của một “salon des refusés” (“salon của những kẻ bị chối bỏ”), như lời của một người trong uỷ ban là David Grene, thì thành viên của nó vẫn là những cá nhân xuất chúng. Trên thực tế, chính tài năng sớm bộc lộ của họ thường khiến họ không được chấp nhận ở các khoa truyền thống và thỉnh thoảng cũng dẫn đến xung khắc giữa họ với nhau.
Theo Mary Ann Dzuback, người viết tiểu sử của Hutchins, thì công việc của uỷ ban là “độc nhất ở trường đại học. Đầu tiên Nef lên danh mục các khoá học liên quan do các khoa khác thực hiện và dần dần phát triển một chương trình giảng dạy dành cho nghiên cứu sinh thạc sỹ hay tiến sỹ thông qua uỷ ban. Nef mời đông đảo giảng viên các ngành nghệ thuật, triết học, thần học, cùng các chuyên ngành khác đến trường. Sau chiến tranh, uỷ ban bắt đầu bổ sung giảng viên.”
Chức danh của Hayek là Giáo sư Khoa học Xã hội và Luân lý (Professor of Social and Moral Science). Shirley Robin Letwin, học trò của Hayek, kể về seminar của ông, với nhận xét Adam Smith cũng từng là một “giáo sư về luân lý” (moral philosophy):
Hayek còn xứng đáng hơn với chức danh của mình. Vào thứ Tư hàng tuần, ông chủ trì một buổi hội thảo với tính chất bao trùm đáng kinh ngạc của nó. Sau bữa chiều ngày thứ Tư, một nhóm các bậc thông thái cùng những kẻ còn non trẻ, đến từ tất cả các chuyên ngành và các quốc gia, quần tụ bên chiếc bàn gỗ sồi khổng lồ hình ô van trong căn phòng bắt chước lối kiến trúc Gothic để thảo luận về những chủ đề do Hayek đề xuất. Đây không hề là những chủ đề vu vơ, ngược lại chúng xuyên suốt triết học, lịch sử, khoa học xã hội, và tri thức nói chung. Một seminar thượng thặng nhờ những thành viên cao cấp của nó: hai nhà vật lý hạt nhân, một là người Italia đoạt giải Nobel, người kia đến từ Hungary, nhà phát minh của vô khối dự án, về vật lý, điện ảnh, chính trị, và mọi thể loại khác; một học giả cổ điển và là nhà trang trại người Ireland, bậc thầy toàn diện về Shakespeare, Gibbon, hay Tolstoy cũng như về Sophocles, Plato, và Thucydides; một người Pháp theo chủ thuyết thần học và triết học của Saint Thomas Aquinas, với lòng mộ đạo sâu sắc và triết lý chính xác, khâm phục Pascal, Proudhon, và T. S. Eliot; một thường dân Mỹ và một nhà vô thần hiếu chiến với đam mê nghiên cứu thần học; nhà lý thuyết tiền tệ hàng đầu, bị mê hoặc bởi động cơ tìm ánh nắng mặt trời của lá cây cũng như hành vi tối ưu hoá của các đối tượng tham gia hoạt động kinh tế, và sẵn lòng bàn về bất kỳ luận điểm nào tình cờ bắt gặp; một nhà khảo cổ học cổ điển, được giáo dục theo truyền thống mô tả tượng hình của Munich và Berlin, là người tiến hành các khoá giảng về Nietzche và hướng dẫn về Proust; tác giả của cuốn Nhà thờ kiến trúc Gothic (The Gothic Cathedral) và cha đẻ tác phẩm Đám đông cô đơn (The Lonely Crowd); thêm vào đó là nhà phát minh thuật ngữ “xã hội dân gian” (folk society) và người khám phá ra các cuộc cách mạng công nghiệp buổi đầu. Các nghiên cứu sinh, đến từ Nhật Bản, Trung Đông, Châu Âu và từ những nẻo xa xôi ở Châu Mỹ, bộc lộ nhiều hứa hẹn về tài năng, với sự đa dạng thật khó phân loại.
Những người được nêu tên ở trích đoạn trên lần lượt là Enrico Fermi 1 Leo Szilard 2, David Grene, Yves Simon, Frank Knight, Milton Friedman, P. H. von Blackenhagen, Otto von Simson, David Riesman 3, Robert Redfield 4, và Nef. Fermi đoạt giải Nobel Vật lý năm 1938, Hayek và Friedman sau này cũng được trao giải Nobel. Bức thư nổi tiếng của Einstein gửi Franklin Roosevelt năm 1939 – nguồn gốc của Dự án Manhattan (Manhattan Project), có trụ sở tại Đại học Chicago – mở đầu bằng câu: “Một số nghiên cứu gần đây của E. Fermi và L. Szilard đã khiến tôi cho rằng uranium phân tử có thể biến thành một nguồn năng lượng mới và quan trọng… Hiện tượng mới này sẽ dẫn đến việc chế tạo bom.” Seminar đó chí ít cũng là một nhóm khả kính.
Letwin tiếp tục, Hayek “chủ trì nhóm người xuất chúng ấy với sự chính trực nhẹ nhàng vốn khiến cho seminar của ông trở thành nơi thực hành những phẩm chất tự do chủ nghĩa. Chủ đề chung là về chủ nghĩa tự do và không ai có bất cứ nghi ngờ nào trước niềm tin của Hayek. Tuy nhiên, những sinh viên nào hy vọng toả sáng qua việc phát hiện sự bội giáo trước chủ thuyết chính thống thì cũng học được cách tìm thấy những con đường đi tới vinh quang khác. Hành trình khám phá khoa học không theo trật tự nào cả. Seminar là cuộc đối thoại với người sống và người chết, cổ đại và hiện đại; nghĩa vụ duy nhất là tiếp nhận tư tưởng của người khác với sự thành thực và chấp nhận quan điểm bất đồng với thái độ hoà nhã. Phong cách xử sự của Hayek trên danh nghĩa đồng nghiệp và nhà giáo ăn nhập hoàn toàn với seminar hàn lâm tự do chủ nghĩa hoàn hảo này. Những chuẩn mực hầu như đã biến mất khỏi đời sống học thuật được ông tuân thủ hết sức cẩn trọng và đi vào chi tiết.”
Hayek thuật lại, “seminar đầu tiên của tôi ở đây [Chicago] là một trong những seminar lý thú nhất mà tôi từng tổ chức. Nó là về mối quan hệ giữa các phương pháp của khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, và có sự góp mặt của những người như Enrico Fermi, Sewall Wright, nhà sáng lập vĩ đại của di truyền học, cùng một số nhà vật lý khác. Đây là seminar với đầy đủ chuyên ngành, là nơi mà những người ưu tú nhất thuộc các ngành khoa học tự nhiên và xã hội ngồi lại với nhau. Đó là lần đầu tiên và tôi không bao giờ còn có khả năng tập hợp được một nhóm ưu tú như vậy vì chủ đề hấp dẫn như thế không bao giờ còn nữa.” Khoảng hai mươi lăm người có thể ngồi trong phòng hội thảo. Nghiên cứu sinh đôi khi phải ngồi cả trên sàn. Một thành viên khác là Abba Lerner đến từ LSE những ngày Hayek còn ở đây, bấy giờ đang dạy tại trường Roosevelt College ở Chicago.
Friedman còn nhớ đây là “những buổi hội thảo tuyệt vời, chủ yếu nhờ sự đa dạng của những người mà ông [Hayek] mời đến diễn thuyết. Họ có quan niệm rất khác nhau. Buổi hội thảo mà tôi nhớ nhất là về phương pháp luận do Enrico Fermi đăng đàn. Nó có ảnh hưởng rất lớn đến công trình của tôi. Ông nói về khái niệm độ (measurement), và tôi sẽ không bao giờ quên câu nói gây ấn tượng hơn hết với tôi, ‘Độ là thứ tạo nên sự khác biệt, và sự khác biệt càng rõ thì độ càng rõ.’ Đó là một ý tưởng hữu ích kỳ diệu.”
Nước Mỹ đầu kỷ nguyên hậu chiến là đỉnh cao về quyền lực và mức sống của thế giới. Cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cộng sản đã làm giảm sự ủng hộ dành cho chủ nghĩa tập thể nói chung. Thập niên 1950 thịnh vượng là hình ảnh trái ngược với thập niên 1930 suy thoái. Tỷ lệ thất nghiệp thấp chứ không còn cao; tăng trưởng kinh tế cao hơn nhiều so với dự tính; Liên bang Xôviết bị coi là kẻ thù của tự do và tiến bộ, thay vì là ngọn nguồn của khát vọng; không một cuộc chiến tranh thế giới lớn trên bộ nào xẩy ra hay sắp cận kề. Thập niên 1950 là kỷ nguyên vĩ đại với sự giàu có và lấn át của Mỹ.
Sự đổi thay của thời thế có thể giải thích phần nào nguyên nhân đã khiến Hayek rời bỏ lý thuyết kinh tế học kỹ thuật. Chiều hướng đi xuống của sản xuất kinh tế với quy mô đặc trưng của những năm 1930 dường như không sắp sửa xẩy ra. Hệ quả là lý thuyết chu kỳ kinh doanh, lĩnh vực chính của ông trong kinh tế học kỹ thuật, ít còn được quan tâm. Sự so sánh giữa hai nền kinh tế Anh và Mỹ suốt từ đầu thập niên 1930 đến hết thập niên 1950 chỉ còn mang chút ít ý nghĩa. Hơn thế, hệ thống Liên bang Xôviết thời kỳ ấy nhìn chung được hoan nghênh vì năng suất kinh tế của nó, vì vậy một số luận điểm từ cuộc tranh luận về bài toán xã hội chủ nghĩa dường như cũng kém thích hợp. Giới kinh tế học đang theo hướng toán học, vốn không phải là phương hướng nghiên cứu của ông.
David Grene, thành viên uỷ ban, còn nhớ là khi được loan báo việc Hayek sắp đến uỷ ban thì một số người “hơi sốc.” Hayek được hình dung là một “người cánh hữu khả kính” với một “nhà tài trợ cánh hữu khả kính.” Grene thuật lại, mặc dù Hutchins, chủ tịch trường đại học, tỏ ra vui mừng khi Hayek chuẩn bị đến Đại học Chicago, ông vẫn không có nỗ lực đặc biệt nào nhằm thu dụng Hayek (như ông từng nỗ lực tìm kiếm các giảng viên khác). Theo Grene, Hutchins đã khẳng định dù vị trí của Hayek là nhờ tài trợ bên ngoài, Hayek vẫn không phải được nhận vào với tư cách đại diện cho một quan điểm cụ thể, cũng như Quỹ Volcker sẽ không có bất kỳ tiếng nói nào trong hoạt động của trường đại học hay uỷ ban. Đồng thời, Hutchin cũng rõ là Hayek sẽ không chịu bất kỳ sự hạn chế nào. Grene còn nhớ Hayek là người “nhã nhặn,” “lịch thiệp,” “tao nhã,” “tỉ mỉ,” “nhẹ nhàng,” và là người “không bao giờ ra vẻ quyền thế ta đây,” đồng thời là một học giả rất có khả năng. Ông tham gia nhiều vào các hoạt động cụ thể của cộng đồng học thuật liên quan đến việc theo dõi nghiên cứu sinh và chia sẻ nhiệm vụ của nhà trường. Ông gây ấn tượng với Grene như một sự kết hợp lạ thường – “một nhà quý tộc người Áo và một người rất, rất Anh.”
Theo Eugene Miller, cựu sinh viên của uỷ ban, ông gặp Hayek lần đầu tiên khi đăng ký làm nghiên cứu sinh tại uỷ ban. Nhiệm vụ chủ yếu của ông, trước khi viết luận văn tiến sỹ, là nghiên cứu một số công trình vĩ đại đã chọn lọc về tư tưởng Phương Tây, một trọng tâm của Đại học Chicago. Danh sách của ông bao gồm các tác phẩm Leviathan (Thuỷ quái) của Thomas Hobbes 5, Của cải các quốc gia (The Wealth of Nations) của Adam Smith và Cảm nhận về cuộc cách mạng ở Pháp (Reflections on the Revolution in France) của Edmun Burke 6. Miller còn nhớ Hayek “sẵn sàng đồng ý hướng dẫn tôi về các công trình trên. Trong những buổi hướng dẫn này, tôi được tự mình mục sở thị được những phẩm chất trí tuệ bộc lộ hết sức rõ trong các trước tác của Hayek – mức độ bao trùm nổi bật của những mối quan tâm trí tuệ, mối quan tâm về những chủ đề cơ bản trong lý thuyết luân lý và chính trị, và lòng hào hiệp vô bờ của ông. Hayek biết tự do tư duy trí tuệ có thể đem đến sự đa dạng ý tưởng. Do vậy ông vẫn tiếp tục giúp đỡ và khích lệ đầy đủ khi kết quả tìm tòi đã khiến tôi đặt dấu hỏi trước một số nguyên lý cơ bản trong tư tưởng của ông. Ông không tìm cách trau dồi cho các môn đồ mà thách thức học trò của mình đối mặt với những chủ đề khó khăn và thể hiện được tính nhất quán và mạnh mẽ như đặc điểm tư tưởng của chính ông vậy.”
James Vice là một sinh viên khác trong thời gian Hayek làm việc tại uỷ ban, và Hayek từng tham gia ban chấm luận văn của ông. Vice còn nhớ là ông quan tâm đến “‘quan điểm của Felix Frankfurter 7 về lý luận pháp lý.’ Hayek cho rằng đây là chủ đề hoàn toàn phù hợp và ông tỏ ra rất đồng cảm với Frankfurter. Điều này ban đầu khiến tôi khá sửng sốt bởi tôi đồng nhất Frankfurter với chủ nghĩa can thiệp kinh tế. Tôi đi đến kết luận, Hayek và Frankfurter có cùng mối bận tâm về sự phát triển chậm chạp và có tính thử nghiệm của các thiết chế, và chia sẻ thái độ thù địch trước những kẻ giáo điều.” Vice cũng còn nhớ những gì mà Hayek đã nói với mình về “phương pháp nghiên cứu mà ông khuyến khích, đầu tiên là lướt qua cuốn sách rất nhanh sau đó quay lại đi vào chi tiết cụ thể. Dĩ nhiên ông là một độc giả phi thường và ông đưa cho tôi một danh mục sách có vẻ như ngớ ngẩn để đọc nhằm chuẩn bị cho việc nghiên cứu Frankfurter – Vattel 8, Grotius 9 v.v.” Và, “Đối với tôi Hayek luôn có vẻ chính là hình mẫu của sự tìm tòi vô tư và khách quan tiến gần nhất tới chân lý.”
Theo Stanley Heywood, sinh viên đầu thập niên 1950, ông có “vinh dự được tham gia một buổi hội thảo vào buổi tối của Hayek về chủ đề ‘Truyền thống tự do chủ nghĩa’ (The Liberal Tradition). Đó là một trong những điểm nổi bật suốt thời gian ở Đại học Chicago của tôi. Hayek có nền tảng giáo dục sâu rộng của Châu Âu khiến ông trở thành một người chủ trì seminar lý tưởng. Ông còn lịch thiệp không nói về mình quá nhiều, mà xen vào, đính chính nhẹ nhàng, và dẫn cuộc thảo luận đi đến rất nhiều kết quả. Mỗi người trong chúng tôi chịu trách nhiệm về một tác giả, và phải đưa ra ý kiến của tác giả mà mình nghiên cứu về chủ đề của buổi tối hôm đó, tức là ‘Pháp trị.’”
Bản tóm tắt một buổi thảo luận vào giai đoạn 1951-1952 về “Truyền thống tự do chủ nghĩa” đã nêu tên “Tự do tư duy trí tuệ” (Intellectual Freedom) như là chủ đề đầu tiên được xem xét có hệ thống. Ở đây, Hayek lại lấy “Niềm tin vào sức mạnh các ý tưởng” (Belief in the power of ideas) làm mục thảo luận đầu tiên, và dành chỗ để bàn về Tự do tư duy trí tuệ nhiều hơn bất kỳ chủ đề nào khác trong bản tóm tắt. Hayek giảng giải, từ niềm tin vào sức mạnh các ý tưởng, “sự đa dạng và sự hạn chế” của trí tuệ cá nhân sẽ diễn ra; “chân lý sẽ ló dạng từ sự tương tác của những trí tuệ khác nhau trong quá trình thảo luận”; lý trí là một quá trình xã hội và “niềm tin vào khả năng thuyết phục” là hết sức quan trọng; “không ai có đủ uy tín để quyết định mình là người có hiểu biết tốt nhất”; “ngay cả lỗi lầm cũng phải được tôn trọng”; và “sự lan truyền quan điểm là một quá trình không thể tránh khỏi.” Ông liệt kê những nội dung sau như là “điều kiện tiên quyết” của tự do tư duy trí tuệ: “Khoan dung,” “Tự do tư tưởng, … Lương tri, … Ngôn luận và Hội họp, … [và] Báo chí,” “Sự thiếu vắng của tất cả các hình thức kiểm duyệt,” và “Tự do học thuật” cả trong giảng dạy cũng như nghiên cứu.
Theo Ronald Hamowy, Hayek là “một người trông hết sức nổi bật với phong thái không chê vào đâu được và toả ra phong cách học giả quyền quý. Thú thực là tôi thấy ông hơi trịnh trọng, và mặc dù tôi bắt đầu rất thích ông và gặp ông một số lần sau khi nhận văn bằng tiến sỹ, thì ở đây vẫn tồn tại một bức tường, dù mỏng manh đến đâu, ngăn cách giữa giáo sư và sinh viên. Tôi thực sự không bao giờ dứt được thói quen xưng ông là giáo sư mặc dù lần cuối cùng gặp ông thì tôi đang ở tuổi tứ tuần và bản thân cũng đã là giáo sư được một số năm.”
Richard Stern, thành viên khoa Tiếng Anh, còn nhớ ông
đến Đại học Chicago với tư cách một trợ giáo trẻ, và tham gia Câu lạc bộ Quadrangle (Quadrangle Club) theo mốt thời bấy giờ. “Fritz” Hayek ngồi bên chiếc bàn vuông cạnh khu vực có các cửa sổ lồi, loại bàn mà ai cũng có thể tới ngồi nếu nhỡ mất chiếc bàn quen thuộc của mình và không có cuộc hẹn nào. Những năm đó tôi thường ăn với ông hai hay ba lần mỗi tháng. Chúng tôi cách biệt nhau bởi hàng chục năm và nhiều thứ khác nữa, nhưng tôi lại thấy ông hết sức nhã nhặn và thú vị. Tôi không rõ liệu ông có biết tên tôi hay không. Tôi không thể nhớ là mình từng gọi ông với bất cứ tên gì hay được ông gọi bằng một cái tên nào đấy.
Hayek trông có vẻ không thể tiếp cận, kiêu kỳ, đúng hơn là như thể ông đang đánh hơi thấy cái gì đấy khó chịu trong bộ ria của mình, nhưng tôi vẫn không cảm thấy là mình đã được ông chiếu cố. Ông kể những câu chuyện lý thú, đặc biệt là câu chuyện về Laski, đồng nghiệp của ông tại LSE. Ông nói, “Laski có trực giác tuyệt vời và là một kẻ nói dối kinh niên. Sự kết hợp này dẫn đến nhưng rắc rối lý thú nhưng đôi khi lại trở nên nghiêm trọng.” Có một dịp, dường như Laski đoán là Churchill đang có kế hoạch thực hiện việc gì đó. Churchill nghe phong thanh là Laski “biết” các kế hoạch vốn chỉ được tiết lộ cho nội các. Ông triệu tập nội các và thông báo ai đó đã để lộ thông tin cho Laski. “Phải mất một thời gian người ta mới biết được sự thật.”
Hayek cũng kể về ngôi làng nhỏ ở Áo nơi ông từng về nghỉ trong nhiều năm và là nơi mà ông vẫn bị coi như một người ngoài không thể mua được bất động sản.
Tôi còn nhớ câu chuyện – do người khác kể – về mối tình lãng mạn thuở đầu bị những cuộc hôn nhân chia cắt rồi sau đó lại được khơi dậy… rồi sự đoàn tụ và đám cưới của đôi tình nhân xưa.
Những năm 1950, Hayek chủ trì một số cuộc hội thảo tại Đại học Chicago, chủ yếu là về triết học chính trị. Bao gồm (theo thứ tự ngày xuất hiện đầu tiên): “Công lý và Bình đẳng” (Justice and Equality, hai lần), “Truyền thống Tự do Chủ nghĩa” (The Liberal Tradition, ba lần), “Phương pháp Khoa học và Nghiên cứu Xã hội” (Scientific Method and the Study of Society, ba lần), “Bài toán Giải tích Kinh tế” (Economic Calculus), “Tư tưởng Xã hội và Chính trị” (Social and Political Thought, sáu lần), “Những vở kịch cuối cùng của Shakespeare” (The Last Plays of Shakespeare), “Giới thiệu Lý thuyết Xã hội” (Introduction to Social Theory), “Tư tưởng Xã hội Anh giữa John Locke và Edmund Burke” (British Social Thought between John Locke and Edmund Burke) và “Phân tích về Nhà nước Phúc lợi” (An Analysis of the Welfare State). Tại một số cuộc hội thảo cuối thập niên 1950, ông đã phân phát bản thảo các chương đầu của tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do (The Constitution of Liberty).
Năm tháng của Hayek ở Chicago là thời gian tìm những hướng đi mới. Ông thuật lại đề nghị của Nef về việc tham gia Uỷ ban Tư tưởng Xã hội, “Ngài có thể giảng dạy trong phạm vi khoa học xã hội, bất kỳ điều gì mà ngài thích, và nếu bất cứ lúc nào ngài cảm thấy không muốn dạy thì ngài không cần phải dạy nữa.” Đây là một cơ hội hiếm có, với thu nhập cao, và cho phép ông hoàn thành những mục tiêu cao cả nhất của mình.
Chú thích:
(1) Enrico Fermi (1901-1954): Nhà vật lý người Mỹ gốc Italia, được trao giải Nobel Vạt lý năm 1938 nhờ công trình về phóng xạ nhân tạo do bức xạ neutron gây ra. (N.D.)
(2) Leo Szilard (1898-1964): Nhà vật lý và sinh học người Mỹ gốc Hungary, thành viên Dự án Manhattan. (N.D.)
(3) David Riesman (1909-): Nhà xã hội học người Mỹ, nổi tiếng với tác phẩm The Lonely Crowd (1950). (N.D.)
(4) Robert Ređfiel (1897-1958): Nhà nhân chủng học người Mỹ, ông xem xét mối quan hệ giữa con người và các xã hội đô thị. (N.D.)
(5) Thomas Hobbes (1588-1679): Triết gia chính trị người Anh. Tác phẩm Leviathan khái quát triết lý của ông cho rằng con người về cơ bản là ích kỷ. (N.D.)
(6) Edmund Burke (1729-1797): Chính khách và nhà văn Anh gốc Irland. Trong tác phẩm Reflections on the Revolution in France, ông lên tiếng phản đối những thái quá của cuộc cách mạng Pháp. (N.D.)
(7) Felix Frankfurter (1882-1965): Luật gia người Mỹ gốc Áo. Ông là người sáng lập Liên minh các Quyền Tự do Dân sự (Civil Liberties Union) và là phó chưởng lý Toà án Tối cao Mỹ (1939-1962). (N.D.)
(8) Emerich de Vattel (1714-1767): Triết gia và luật gia người Thuỵ Sỹ, nổi tiếng nhất với tác phẩm Law of Nations (1758). (N.D.)
(9) Hugo Grotius (1593-1645): Luật gia, chính khách và lý thuyết gia thần học người Hà Lan. Tác phẩm chính của ông, Of the Law of War and Peace (1625), được coi là luận thuyết đầy đủ đầu tiên về luật quốc tế. Ông đồng thời còn là một triết gia, nhà thơ, kịch tác gia và nhà tư tưởng có ảnh hưởng.(N.D.)
Nguồn: Alan Ebenstein, Friedrich Hayek - Cuộc đời và sự nghiệp, Phần VI, Chương 41, Nhà xuất bản Tri Thức 2007