[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 36 - Viện Nghiên cứu các Vấn đề Kinh tế (IEA)
Mùa thu năm 1978, Hayek tham gia vào loạt cuộc phỏng vấn thực hiện thông qua Chương trình Oral History 1 của Đại học California, Los Angeles (UCLA). Ý tưởng về việc ông không chỉ là nhà tư tưởng của giai đoạn đương thời, mà còn tiềm tàng trong nhiều thế kỷ, bắt đầu nổi lên. Armen Alchian, giáo sư kinh tế tại UCLA và thành viên Hội Mont Pelerin, là người tổ chức các cuộc phỏng vấn. Ông mô tả nhân cách và phẩm chất của Hayek là “điềm tĩnh, thanh thản, có hệ thống, hay chất vấn, không thoả hiệp, thẳng thắn, và thoải mái.”
Giai đoạn này Hayek cũng được một số người khác miêu tả lại, trong đó có Eamonn Butler, giám đốc Viện Adam Smith (Adam Smith Institute) ở London, tổ chức mà Hayek là chủ tịch ban cố vấn học thuật trên danh nghĩa. Năm 1983 Butler viết, “Phong cách của Hayek thật không chê vào đâu được, thể hiện qua các ấn phẩm cũng như ở con người; Hayek tin tưởng chính “những phẩm chất nhỏ bé lại rất quan trọng trong việc thúc đẩy các mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với nhau và vì thế có tính quyết định trong việc biến xã hội tự do trở nên khả thi; những giá trị như sự tốt bụng và cảm quan hài hước, sự khiêm tốn cá nhân và thái độ tôn trọng ý định tốt đẹp của người khác. Ai đó có thể bổ sung thêm tính đúng giờ và đáng tin cậy, và khi ấy bản thân Hayek có thể chính là hình mẫu: những ai biết ông đều đồng ý rằng qua các tác phẩm cũng như ở con người, ông đã tiến đến hình ảnh một học giả tự do lý tưởng tới mức độ gần nhất mà cái sự ‘nhân vô thập toàn’ sẽ cho phép.”
Năm 1981, George Shackle, học trò cũ của ông tại LSE, mô tả ông là một con người “quý tộc trong tâm tính và nguồn gốc; can đảm về thể chất, tinh thần, và tư duy; rõ ràng và sắc sảo trong tư tưởng; hiện thân của nguyên tắc theo đuổi logic đến cùng; mẫu mực về lòng hào hiệp học giả; Friedrich August Hayek là một trong những kiến trúc sư tư tưởng của thời đại này.”Fritz Machlup, bạn lâu năm của ông, từng nhận xét, “những phẩm chất đáng nhớ nổi bật trong hầu hết các trước tác của ông là tinh thần thượng võ và khoan dung thể hiện qua sự phê phán và lối bút chiến, cùng thái độ khiêm tốn và nhún nhường không chỉ thể hiện qua việc thừa nhận đóng góp của các bậc tiền bối mà còn qua lập luận chống lại quan điểm của các đối thủ trí tuệ.”
Năm 1976, Hayek tham gia cuộc hội nghị do Viện Nghiên cứu Nhân văn (Institute for Humane Studies) tài trợ. Đây là một trong ba cuộc hội nghị được tổ chức vào giai đoạn từ năm 1974 đến 1976, góp phần tạo ra khuôn khổ tổ chức và động cơ đầu tiên cho trào lưu Áo trong kinh tế học những thập niên gần đây. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1978, Hayek nhận xét, “Mises chính là nhà sáng lập trường phái Mỹ của kinh tế học trường phái Áo. Tôi muốn nói trường phái Mỹ của kinh tế học trường phái Áo hầu như là trường phái Mises.”Ông cũng có cuộc trao đổi sau:
Hỏi: Vậy trong sự hồi sinh của mối quan tâm đến trường phái Áo đã diễn ra ở Mỹ những năm gần đây…
Đáp: Nghĩa là trường phái Mises… Tôi hiện đang được gắn với Mises, nhưng đầu tiên theo tôi thì ở đây muốn nói đến những học sinh mà Mises từng dạy ở Mỹ. Một số người giờ đây hơi ngần ngừ khi thừa nhận tôi là nhân vật thứ hai, nhưng tôi không nghĩ là những người như [Murray] Rothbard hay một số học trò trực tiếp của Mises lại thực sự vui vẻ với việc họ không phải vậy.
Trong lời tựa năm 1976 cho tác phẩm Phi quốc gia hoá tiền tệ (Denationalisation of Money) của Hayek, Seldon đưa ra nhận xét lý thú là suốt những năm 1930, Robbins và Hayek “đã góp phần làm cho các công trình của Menger, Wieser, Böhm-Bawerk và Mises được các sinh viên và giáo viên ở Anh biết tới, tuy nhiên kể từ đó cho đến một hai năm lại đây, trường phái Áo ít còn được nghe nói tới.”Giải Nobel năm 1974 của Hayek có vai trò đáng kể trong việc quảng bá trường phái kinh tế học Áo đến các thế hệ mới.
Tổ chức quan trọng nhất nổi lên nhờ ảnh hưởng của Hayek là Viện Nghiên cứu các Vấn đề Kinh tế (Institute of Economic Affairs – IEA) tại London, từng góp phần đưa ra các ý tưởng được thực thi trong nhiệm kỳ thủ tướng 11 năm của Margaret Thatcher, 1979-1990. Theo Friedman, “Nếu không có IEA, tôi rất nghi ngờ việc liệu sẽ có một cuộc cách mạng Thatcher hay không.”
Hayek mô tả nguồn gốc của IEA, “Gần như cùng thời điểm thành lập Hội Mont Pelerin, một diễn biến thứ hai theo cùng chiều hướng cũng đã diễn ra. Một viên phi công người Anh trẻ tuổi đã kiếm được số tiền rất lớn tìm đến tôi và hỏi là anh ta có thể làm gì để đẩy lui sự phát triển đáng ngại của chủ nghĩa xã hội. Tôi khá vất vả khi thuyết phục anh ta rằng việc tuyên truyền cho quần chúng là vô ích và nhiệm vụ là cần thuyết phục các nhà trí thức. Tôi thuyết phục con người tên là Antony Fisher ấy về sự cần thiết phải thành lập một tổ chức như thế, và điều này đã đưa đến sự ra đời của Viện Nghiên cứu các Vấn đề Kinh tế. Ban đầu nó tiến triển rất chậm, nhưng ngày nay [1983] nó không chỉ có ảnh hưởng to lớn mà còn là hình mẫu của một loạt tổ chức tương tự nằm rải rác trên khắp tây bán cầu, nơi khơi nguồn cho những ý tưởng vững chắc.”
Gốc rễ trí tuệ của IEA có thể truy lần đến khoa kinh tế tại LSE những năm 1930. Arthur Seldon, vị giám đốc biên tập xuất chúng của IEA từ năm 1957 đến 1988, từng là sinh viên và trợ lý nghiên cứu tại LSE từ năm 1934 đến 1941. Là một người thân thiện, nhỏ nhẹ, và hữu ích, ông đã đọc Cannan từ hồi còn là học sinh cấp hai. Ban đầu ông là sinh viên của Plant; “khi mối quan tâm của tôi chuyển từ lý thuyết kinh tế sang những vận dụng chính sách, thì người có ảnh hưởng lớn nhất là Hayek với các bài viết về chủ nghĩa tư bản và thị trường”qua tác phẩm Kế hoạch hoá kinh tế tập thể (Collectivist Economic Planning). Trong bài luận nhân kỷ niệm 40 năm ngày ra đời tác phẩm Con đường tới nô lệ (The Road to Sefdom), Seldon tiếp tục, “sự công kích về trí tuệ mà Hayek nhằm vào kinh tế học của chủ nghĩa tập thể đã cỗ vũ năm nghiên cứu sinh niên khoá 1938-1939 hình thành nên một nhóm nhỏ nhằm thảo luận cách bác bỏ các tín điều kinh tế của chủ nghĩa tập thể. Chiến tranh đã ngăn cản nó tiến triển thành một tổ chức manh nha kiểu như IEA của các nhà tự do chủ nghĩa.”
Dennis Kavanagh, sử gia chính trị người Anh, mô tả rõ ràng triết lý và quá trình phát triển của IEA, vốn được thành lập như “một tổ chức ‘nghiên cứu và giáo dục’ nhằm tìm hiểu vai trò của thị trường và cơ chế định giá trong quá trình phân bổ các nguồn lực và nhận diện những ưu tiên. Arthur Seldon và Ralph Harris là hai người điều hành. Xuất phát điểm trong nhiều công trình của IEA là việc xu thế quan điểm có tác động đến tư duy của các chính khách. Thay vì thu hút sự chú ý của một chính đảng hay chính khách, nó lại tin rằng luận cứ ủng hộ thị trường tự do sẽ nâng cao tính thuyết phục thông qua quá trình định hướng quan điểm trong lĩnh vực giáo dục và hàn lâm.” Tính đến năm 1997, IEA đã xuất bản hơn 500 bài viết, có một nguyệt san, đều đặn tổ chức các buổi tiệc trưa và các cuộc hội thảo cho các nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh, và tư tưởng. Theo Kavanagh, “đến năm 1979, IEA đã xác lập vững chắc vị thế ngọn nguồn trí tuệ của thị trường tự do, chủ nghĩa tự do kinh tế, và thuyết trọng tiền (monetarism) ở Anh. Nó công bố một số bài luận của Hayek. Thông qua việc xuất bản các tác phẩm của Hayek, IEA đã đóng một vai trò quan trọng làm sống lại sự quan tâm đến các công trình của ông.”
Hayek nhận thấy tiếng tăm trí tuệ vĩ đại nhất sau này của mình ít nhiều là sau giai đoạn ngập tràn quan tâm ngay sau Giải Nobel. Năm 1985, khi được hỏi, “Theo ngài thì phản ứng sau này là do đâu?” ông trả lời, “Giải Nobel có ảnh hưởng rất ít. Từ năm 1974 đến khoảng năm 1980, đúng vậy, những tác động là từ bên ngoài và đại loại thế. Nhưng tôi vẫn không thể có cảm giác là nó đã khơi dậy thái độ quan tâm của thế hệ trẻ hơn. Và năm năm vừa qua đã có một cơn bùng phát các cuốn sách viết về tôi lớn tới mức tôi không thể tiếp tục dõi theo chúng được nữa. Tôi không nghĩ là mình đang cường điệu – tháng nào cũng có một cuốn sách xử lý các vấn đề của tôi. Và tôi quan tâm đến nhiệm vụ của bản thân mình. Tôi thậm chí không thể đọc chúng”; “sách của các học trò theo chủ thuyết Hayek giờ đây nhiều đến nỗi tôi không thể tiếp tục nắm được nội dung của chúng nữa.”
Giai đoạn đầu thập niên 1980, Hayek bắt đầu nếm mùi tâng bốc thực sự thái quá từ một số giới. Ông được nhận thức là đã đánh giá đúng về Keynes, lạm phát, và nhà nước phúc lợi, và về sau ông cũng được hình dung là ngay từ đầu đã nhận thức đúng về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản – rằng sự kiểm soát của tập thể và chính phủ đối với toàn bộ đất đai và các phương tiện sản xuất kinh tế trong xã hội là lãng phí và độc đoán. Trong cộng đồng trí thức luôn có một bộ phận (nhỏ) coi ông là nhà tư tưởng thực sự uyên thâm và quan trọng, và quan niệm này trở nên rõ nét hơn ở đầu thập niên 1980. Ông bắt đầu được xem là nhà tiên tri thực sự, người nhìn thấy và xác định được những hậu quả của chủ nghĩa xã hội trong một giai đoạn dài hơn so với bất cứ ai khác.
Eamonn Butler nhận xét, sau khi nhận Giải Nobel, Hayek bắt đầu “viết và thuyết giảng thậm chí còn trên phạm vi rộng hơn trước.”Hayek luôn đi lại. Hai tác phẩm Những nghiên cứu về triết học, chính trị và kinh tế học (Studies in Philosophy, Politics and Economics) và Những nghiên cứu mới về triết học, chính trị, kinh tế học và lịch sử tư tưởng (New Studies in Philosophy, Politics and Economics and the History of Ideas) gồm các bài thuyết trình được trình bày tại mười hai địa điểm vòng quanh thế giới – Đại học Rikkyo (Rikkyo University), Tokyo; Đại học Freiburg (Freiburg University); Chicago; Mont Pelerin; Cambridge; Sidney; New York; Salzburg; London; Stockholm; Đại học Kiel (Kiel University, bấy giờ là Tây Đức); và Canberra, úc.
Nhịp độ tăng lên sau khi ông nhận Giải Nobel, bất chấp thực tế ông đang bước vào độ tuổi cuối thất tuần. Butler dẫn lời Hayek, “nhìn lại giai đoạn sức khoẻ yếu, ông thường nhận xét, ‘Một số năm trước tôi từng thử sống qua tuổi già, nhưng tôi đã phát hiện ra là mình không ưa gì nó.’”Butler cũng lưu ý là năm 1973 Hayek từng được đề xuất bất thành vào vị trí Chủ tịch danh dự Đại học St. Andrew’s (University of St. Andrew’s) ở Scotland, vốn một thời do John Stuart Mill nắm giữ, nhưng những người có quyền bỏ phiếu lại quyết định là ông đã quá già và không đủ sức khoẻ cho công việc. Chín năm sau, Hayek đã cười vang khi được nghe nói mình là ứng cử viên duy nhất vẫn còn sống.”
Sự thừa nhận bắt đầu đến với ông từ khắp thế giới. Năm 1944, Hayek được bầu là Viện sỹ Viện Khoa học Hàn lâm Anh, theo đề nghị của Keynes. Năm 1964, ông được Đại học Rikkyo (Rikkyo University, Tokyo) trao bằng tiến sỹ danh dự, và vinh dự tương tự cũng được Đại học Salzburg trao cho ông nhân dịp sinh nhật lần thứ 75 năm 1974. Đại học Vienna bầu ông làm thượng nghị sỹ danh dự năm 1971. Sau khi nhận Giải Nobel, ông được trao bằng tiến sỹ danh dự của các trường đại học từ Guatemala, Argentina, và Chile, tất cả đều vào năm 1977. Năm 1978, ông lại nhận thêm bằng tiến sỹ danh dự khác, từ Đại học Dallas (Dallas University), nơi William Hutt, đồng sự lâu năm của ông và là người viết một bài luận trong tác phẩm Chủ nghĩa tư bản và các sử gia (Capitalism and Historians), đang giảng dạy. Một trường đại học ở Guatemala đã được đặt theo tên Hayek. Dù vậy, ông vẫn bình luận trong một cuộc phỏng vấn năm 1978, “Tôi vẫn đang – điều này dường như là luôn không tránh khỏi – nhận được rõ nhiều bằng cấp danh dự sau Giải Nobel của mình. Nhưng không có bằng cấp nào đến từ một trường mà các bạn gọi là có uy tín. Các trường đại học uy tín vẫn xem tôi là phản tiến bộ; tôi được coi là không hoàn toàn nổi tiếng về trí tuệ.”
Sự tiến triển chậm chạp của những ý tưởng mới là điều hầu như không tránh khỏi và, thoạt tiên, còn đem đến sự giễu cợt. Như Hayek từng nêu bật rất rõ, xã hội phần lớn dựa trên những quan niệm chung về cách thức vận hành của thế giới. Dẫu cho thay đổi là tất yếu – và dù “dị giáo của ngày hôm qua là chính giáo của hôm nay” – thì vẫn ít người trong đời thừa nhận rằng phần nhiều, nếu không nói là hầu hết, những gì mà họ đang tin là chân lý khách quan về thế giới, về sau sẽ được chứng tỏ là sai lầm hay, chắc chắn hơn, thiếu hoàn chỉnh và chính xác. Quan niệm của con người về chân lý mang tính thăm dò, giả thuyết, và thay đổi, không tránh khỏi việc thường xuyên được thẩm tra, chứng thực, tu chỉnh, hay bác bỏ. Sự khám phá chân lý là một quá trình đánh giá liên tục những giả thuyết cũ và mới thông qua kinh nghiệm mới. Chân lý không phải là một đỉnh núi sẽ được chinh phục, mà là cuộc trường chinh không nghỉ trên con đường bất tận. Mỗi khám phá tri thức lại mở ra một chân trời hoàn toàn mới mẻ; càng khám phá nhiều về tự nhiên và thực tại, người ta càng ý thức được những gì mình không biết.
Tuy trên lý thuyết thì một người có thể đồng ý ngay với những nguyên tắc này, nhưng việc thực hành chúng lại là một vấn đề khác. Các ý tưởng mới về cách thức vận hành và bản chất của thế giới, nếu muốn được thừa nhận, cuối cùng đều cần khoác lên mình bộ y phục ngôn ngữ. Sự hiểu biết (trong tiếng Đức, Verstehen) đầu tiên là quan trọng và là điều có thể chỉ một hay ít người nhận thức được; chỉ sau đấy những hiểu biết mới mới được diễn tả thông qua những ngôn từ mà tất cả (hay phần lớn) mọi người đều đồng ý và lĩnh hội được.
Khi Hayek và Mises đưa ra ý tưởng về tính bất khả thi của chủ nghĩa xã hội, họ đã biểu lộ một khái niệm mà đối với nhiều người nghe lạ lẫm và sai lầm bởi lẽ nó rất trái ngược với quan niệm đã được thừa nhận. Cố nhiên, chủ nghĩa xã hội sẽ vận hành tốt hơn và có năng suất hơn chủ nghĩa tư bản. Chẳng phải là sự phát triển có kế hoạch của một nền kinh tế sẽ cho năng suất hơn so với kết quả ngẫu nhiên của sự cạnh tranh thất thường hay sao? Làm sao lại có thể khẳng định một cách nghe được là chủ nghĩa tư bản sẽ năng suất hơn chủ nghĩa xã hội?
Hayek đáp lại rằng bất chấp việc những lời lẽ này có thể tỏ ra thuyết phục đến đâu, chúng cũng chỉ phản ảnh một quan niệm không đúng về thực tại, một hiểu biết sai lầm. Ông đề xuất ý tưởng mà ông cho là phản ảnh chính xác thực tại hơn – có sự phân hữu tri thức trong những bộ óc của toàn nhân loại, và vấn đề xã hội cơ bản không phải là làm thế nào tập hợp được những tri thức ấy vào một chỗ, mà là làm thế nào cho phép các trật tự xã hội khai thác được nhiều nhất những tri thức và thông tin rời rạc, chia cắt.
Trong nhiều năm những lời lẽ này ít có ảnh hưởng. Mức độ chính xác ở tính chân thực (tạm thời) của chúng không phải là hiển nhiên dưới nhãn quan của nhiều chính khách, công dân, hay lãnh tụ trí thức – chúng được nhìn nhận là một quan niệm sai về thực tại. Nhưng đến lúc, tình trạng kém năng suất rõ ràng của các hệ thống cộng sản chủ nghĩa, kết hợp với sự chuyên chế chính trị của chúng, đã đem đến cái bối cảnh mà ở đó những lời lẽ của Hayek bắt đầu được hình dung là sự mô tả chính xác hơn về cách thức vận hành và bản chất của thế giới thay vì chỉ là những quan niệm về chủ nghĩa xã hội. Hayek kẻ quái gở trở thành Hayek triết gia xã hội lớn, và sự chú ý vốn từ lâu đã khước từ ông thì nay lại dồn dập đến với ông.
Vai trò của Arthur Seldon ở IEA và trong việc duy trì sự quan tâm đến tư tưởng Hayek đã và đang rất quan trọng. Về sự chú tâm của ông đến công trình của Hayek, Seldon nhận xét, tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do (The Constitution of Liberty) “đã khiến chúng tôi mời mười tác giả đánh giá cuốn sách lớn nhất của Hayek cho đến lúc ấy. Họ cho ra đời tập các bài ca ngợi và phê phán in trong cuốn sách của IEA, Chương trình cho xã hội tự do (Agenda for a Free Society, 1961). Hayek đã rời Anh đến Mỹ. Ấn tượng của tôi khi ấy là ở Anh tri thức trong các tác phẩm của ông đã tan biến dần. Tôi nhận thấy phạm vi tri thức rộng thể hiện trong tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do là đầy uy tín và sâu sắc, với kiến thức chuyên môn rộng lớn và những hiểu biết uyên thâm.”
Richard Cockett viết, dưới “sự chỉ đạo của Arthur Seldon, IEA bắt đầu áp dụng những nguyên lý của chủ nghĩa tự do kinh tế vào càng nhiều lĩnh vực hoạt động kinh tế càng tốt, và luôn lưu ý tính thích hợp của chủ đề. Việc IEA đạt được mục tiêu vươn tới lượng độc giả rộng lớn chính là bằng chứng về khả năng của Arthur Seldon. Seldon cẩn trọng với việc lựa chọn tác giả các ấn phẩm của IEA, và sự tín nhiệm gần như độc nhất của IEA dành cho các nhà kinh tế học hàn lâm đã đảm bảo nó là một tổ chức ưu tú. Không còn nghi ngờ gì, một trong những thành tựu quan trọng nhất của IEA là tạo ra được một diễn đàn công khai cho Hayek và Friedman ở Anh.” Cockett cũng nhận xét, các giải Nobel của Hayek và Friedman “đã góp phần củng cố uy tín học thuật và trí tuệ trong các công trình của IEA, mà ngay từ đầu đã là vốn quý nhất của nó.”
Seldon còn nhớ lần đầu tiên ông được nghe nói tới Hayek khi đang học “lớp sáu năm 1932, với tư cách nhà kinh tế học ngoại quốc mới tại LSE và có cái tên buồn cười (Hake? Hike? Hayeck?). Cuối cùng, tôi biết ông từ năm 1934, khi tôi đến LSE, cho đến năm 1987 tại một cuộc hội thảo ở Freiburg… Những sinh viên chúng tôi – và một số nhân viên trẻ – nhận thấy Hayek là một vị ‘Herr Professor’ (giáo sư) người Áo cao, mảnh dẻ, nghiêm nghị, dạy kinh tế học kỹ thuật với chất giọng Đức… Tôi còn nhớ ông là hình mẫu về sự lịch thiệp trong thế giới học thuật. IEA là ngôi nhà tinh thần của ông. Các học giả đã khai sáng thời đại của mình, và một số còn đi xa hơn thế. Hayek là học giả của mọi thời đại.”
Seldon biên tập các công trình của Hayek do IEA xuất bản. Khi Hayek nghi ngờ, trong một thời gian, là không biết liệu mình còn có thể nhìn thấy được tác phẩm Luật, luật pháp và tự do (Law, Legislation and Liberty) tới lúc xuất bản hay không, Hayek đã dặn dò là nếu ông không thể thì Seldon sẽ hoàn thành nó. Seldon bình luận, tác phẩm Ngồi trên lưng hổ (A Tiger by the Tail) do IEA công bố năm 1972 đã khởi đầu cho việc “đưa tiếng tăm trở lại”với ông. Nếu không có Arthur Seldon và IEA, thì việc liệu Hayek có nhận được Giải Nobel hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Chú thích:
(1) Oral History Program: Dữ liệu lịch sử, thông thường được ghi âm, từ các cuộc phỏng vấn với những người có kiến thức trực tiếp về một vấn đề hay lĩnh vực nào đó. (N.D.)
Nguồn: Alan Ebenstein, Friedrich Hayek - Cuộc đời và sự nghiệp, Phần VI, Chương 36, Nhà xuất bản Tri Thức 2007