[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 21 - Đại học Chicago
Đại học Chicago (University of Chicago) từ lâu đã được Hayek biết đến như là thành luỹ của các quan điểm thị trường tự do. Dù có một số bất đồng với Frank Knight về lý thuyết tư bản thập niên 1930, ông vẫn coi Knight là thủ lĩnh của trào lưu tự do cá nhân (libertarian movement). Theo Hayek, cùng với Mises ở Vienna và Edwin Cannan ở London, Knight đã có công bảo vệ tư tưởng tự do trong những thập niên sau Thế chiến I và góp phần đặt nền móng cho tiến bộ mới của tư tưởng tự do. Năm 1939, Henry Simons của Đại học Chicago đã có quan hệ thư từ với Hayek.
Có lẽ Hayek đã không đến Mỹ lưu trú lâu dài nếu không vì những cân nhắc cá nhân và gia đình. Ông bắt đầu “hoà nhập hoàn toàn” vào đời sống nước Anh trong hai thập niên 1930 và 1940. Ông không chỉ trở thành công dân được nhập quốc tịch Anh, mà tình cảm và cách nhìn của ông còn theo kiểu Anh rõ rệt, đặc biệt qua Thế chiến II. Con cái của ông cũng trưởng thành ở Anh.
Cả Hayek và người vợ thứ hai, Helene, đều trải qua một số năm không hạnh phúc với cuộc hôn nhân đầu tiên của mình. Trong những thư từ gửi cho Harold Luhnow, chủ tịch Quỹ Volcker (Volcker Fund), tổ chức trả lương cho ông tại Đại học Chicago, năm 1948 và với Karl Popper năm 1950, Hayek viết rằng ông và người vợ thứ hai không cưới nhau hồi còn trẻ chỉ đơn thuần là do hiểu sai ý nhau. Sau đó Helene kết hôn với người khác, còn Hayek lại cưới một người mà ông nghĩ là giống bà. Hayek và Helene là anh em họ xa của nhau và là bạn bè tốt nhất từ thuở thiếu thời. Sau khi cưới, họ vẫn liên hệ mật thiết với nhau và đã tính đến chuyện ly dị ngay từ thập niên 1930.
Thế chiến II đã khiến cho Hayek không gặp được Helene suốt hơn bảy năm liền, từ 1939 đến 1946. Ông tìm đến một vị trí với mức lương khá cao trong Uỷ ban Tư tưởng Xã hội (Committee on Social Thought) tại Đại học Chicago chủ yếu là vì điều này sẽ đem lại tiền để ông cưu mang gia đình ở Anh cùng bản thân ông và Helene.
Sau tua thuyết trình mùa xuân năm 1945 ở Mỹ nhằm quảng bá tác phẩm Con đường tới nô lệ, Hayek lại tới Bắc Mỹ năm 1946, trải qua một tháng tại Đại học Chicago, một tháng tại Đại học Stanford (Stanford University), và thăm Mexico. Năm 1946 ông cũng về thăm gia đình ở Vienna. Năm 1947, ông đến Mont Pelerin, và mùa xuân năm 1948 ông có mặt tại Đại học Chicago, còn mùa hè thì ở Đại học Vienna.
Trong thời gian tìm cách đến Mỹ sau Thế chiến II, đầu tiên ông tìm kiếm một vị trí tại Viện Nghiên cứu Cao cấp (Institute for Advanced Studies), tại Đại học Princeton, nơi Einstein từng là thành viên. Tuy nhiên, Viện lại không chấp nhận một người nào đấy mà lương bổng sẽ được đóng góp đặc biệt từ bên ngoài. Lúc bấy giờ Jacob Viner (một trong hai nhân vật lớn cùng với Frank Knight trong lĩnh vực kinh tế học thị trường tự do ở Chicago từ những năm 1920 cho đến giữa thập niên 1940) đang giảng dạy tại Đại học Princeton.
Đại học Chicago thuộc số ít trường đại học có ảnh hưởng lớn nhất thế giới thế kỷ 20. Trong khoảng 400 giải Nobel về Vật lý, Hoá học, Y học, và Kinh tế học được trao suốt thế kỷ 20, hơn 60 chủ nhân của chúng là những cá nhân từng gắn bó với Đại học Chicago vào lúc này hay lúc khác với tư cách giảng viên, sinh viên, hay nhà nghiên cứu (dù một số người, kể cả Hayek, lại có nền tảng học thuật chính tích lũy được ở nơi khác). Đặc biệt là kinh tế học – giải Nobel Kinh tế bắt đầu được trao từ năm 1969 – lĩnh vực mà Đại học Chicago chi phối, với một phần ba tổng số người nhận giải thưởng. Vật lý cũng vậy, đây là lĩnh vực mà nhà trường chiếm phần giải thưởng Nobel lớn hơn rất nhiều so với quy mô của nó, với hơn 25 người được trao giải.
Tháng 11 năm 1948, trong bức thư gửi cho John Nef, chủ tịch Uỷ ban Tư tưởng Xã hội tại Đại học Chicago, Hayek đã chấp thuận một vị trí tại Uỷ ban và cho biết ông muốn đảm nhiệm nó vào mùa thu tới, năm 1949. Tuy nhiên, Hayek không thể ly hôn với vợ ở Anh và được yêu cầu đến Mỹ để ly hôn.
Ngày 27 tháng 12 năm 1949, Hayek chia tay với người vợ đầu cùng con cái. Ông bay sang New York, nơi ông tham dự đại hội Hiệp hội Kinh tế học Hoa Kỳ (American Economic Association) từ ngày 29 tháng 12 năm 1949 đến ngày 2 tháng 1 năm 1950. Thời gian ở đây ông đã để lại một lá thư ngắn tại văn phòng của Harold Dulan, chủ tịch khoa kinh tế và kinh doanh của Đại học Arkansas ở Fayetteville. (Bang Arkansas có luật ly hôn dễ dãi.) Ông băn khoăn không biết liệu khoa có quan tâm đến một giáo sư thỉnh giảng như ông hay không. Dulan hồi âm với lời khẳng định chắc chắn. Hayek trải qua ba tháng mùa đông với tư cách giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Chicago và ba tháng mùa xuân tại Đại học Arkansas. Ở Fayetteville ông không dạy theo khoá mà thăm các lớp học, gặp gỡ các giáo sư và nghiên cứu sinh, và thuyết trình trước công chúng. John Kane, lúc bấy giờ là phó giáo sư kinh tế, còn nhớ Hayek là người “rất thông thạo, rất hữu ích,” và hay đến nhà các giảng viên ăn cơm và thảo luận.
Hayek được toà công lý quận Washington, bang Arkansas, cho phép ly hôn vào ngày 13 tháng 7 năm 1950. Sau đó ông kết hôn với Helene Bitterlich ở Vienna, trước khi quay lại Chicago để tham gia học kỳ mùa thu.
Ly hôn là cả một câu chuyện cay đắng. Sự phản đối của Hella Hayek trước quyết tâm kiên trì phải ly hôn cho bằng được của Hayek đã dẫn đến nhiều đòi hỏi về điều kiện cá nhân trong một năm rưỡi cuối cùng của Hayek ở Anh. Tháng 2 năm 1950, Hayek đệ đơn từ chức lên Trường Kinh tế và Chính trị London. Ông không còn trở lại đây lần nào nữa.
Hayek rất miễn cưỡng, cũng như gia đình ông bây giờ vẫn thế, khi thảo luận về việc ly hôn và tái hôn của mình. Sau đây là cuộc trao đổi của ông năm 1978:
Hỏi: Tôi muốn hỏi ngài một câu ngoài lề. Song đây là câu hỏi nghiêm túc và tôi hy vọng có thể ngài sẽ sẵn lòng trả lời. Xin thứ lỗi về câu hỏi của tôi, nhưng tôi phát hiện ra là có sự tôn trọng sâu sắc dành cho những chuẩn mực luân lý cùng vai trò quan trọng của chúng trong xã hội. Tất cả chúng ta trong đời đều từng gặp những vấn đề khiến chúng ta phải nói, “Đây là một chuẩn mực đạo đức, và tôi muốn phá bỏ nó.” Chắc hẳn ngài cũng từng gặp một số vấn đề nào đấy. Ngài có thể vui lòng cho biết một vài vấn đề đó được chăng?
Đáp: Tôi biết mình đã hành xử sai khi ép buộc ly hôn. Đó là câu chuyện đáng tò mò. Tôi kết hôn trong nỗi chán chường khi người con gái mà mình yêu, một cô em họ, đã đi lấy người khác. Giờ đây cô ấy là vợ thứ hai của tôi. Tuy nhiên, tôi đã sống hai mươi lăm năm với người phụ nữ mà mình kết hôn trong buồn bã, một người vợ rất tốt đối với tôi, nhưng tôi lại không hạnh phúc với cuộc hôn nhân đó. Cô ấy từ chối cho tôi ly hôn, và cuối cùng tôi phải ép buộc. Tôi tin chắc việc ấy là sai, nhưng tôi đã làm thế. Điều này đúng là xuất phát từ nhu cầu bên trong.
Khi được hỏi tiếp liệu ông có ly dị và tái hôn lần nữa hay không, câu trả lời của ông là có, nhưng phải sau một lúc ngập ngừng, cân nhắc, lộ rõ sự không thoải mái, và đế thêm vào câu trả lời của mình từ “có lẽ.”6
Hayek rất ít khi gặp con cái suốt thời gian ông sống ở Mỹ thập niên 1950. Họ vẫn ở lại Anh với mẹ. Con gái ông còn nhớ từng được ông đưa đi theo cùng trong một hai chuyến sang Italia và Pháp những năm 1950, và con trai ông cũng nhớ là từng được đi cùng ông. Vào thời điểm ly hôn, con trai Hayek đã mười lăm tuổi còn con gái thì hai mươi.
Nguồn: Alan Ebenstein, Friedrich Hayek - Cuộc đời và sự nghiệp, Phần VI, Chương 41, Nhà xuất bản Tri Thức 2007