[Bàn về chế độ dân chủ] Chương 14: Vì sao chủ nghĩa tư bản thị trường lại có hại cho chế độ dân chủ?

[Bàn về chế độ dân chủ] Chương 14: Vì sao chủ nghĩa tư bản thị trường lại có hại cho chế độ dân chủ?

3. Chế độ dân chủ và chủ nghĩa tư bản thị trường bị dính chặt vào nhau trong một cuộc xung đột không bao giờ dứt, trong đó cái nọ ngăn chặn và làm chuyển hóa cái kia.

Năm 1840, nền kinh tế thị trường với những thị trường tự điều tiết trong các lĩnh vực lao động, đất đai và tiền tệ đã được thiết lập một cách đầy đủ ở Anh. Chủ nghĩa tư bản thị trường đã chiến thắng kẻ thù của nó trên tất cả các mặt trận: không những thắng trong lĩnh vực lí thuyết và thực hành kinh tế mà còn chiến thắng trong lĩnh vực chính trị, luật pháp cũng như hệ tư tưởng nữa. Kẻ thù của nó đã bị đánh tan tác. Nhưng ở đất nước, nơi người dân có tiếng nói, như họ đã từng có ở Anh thời tiền dân chủ, chiến thắng vẫn chưa được trọn vẹn 1. Như thường thấy, chủ nghĩa tư bản thị trường làm lợi cho một số người, nhưng nó cũng gây thiệt hại cho một số người khác.

Mặc dù chỉ một ít người có quyền bầu cử, nhưng những định chế khác của chính thể đại diện thì đã hiện diện một cách rộng rãi. Và quyền bầu cử được mở rộng trong năm 1867, rồi lại được mở rộng một lần nữa vào năm 1884; sau năm 1884 đa số đàn ông đã có quyền bầu cử. Như vậy là hệ thống chính trị đã tạo cơ hội thể hiện sự chống đối một cách hiệu quả chủ nghĩa tư bản thị trường không được kiểm soát. Những người cảm thấy bị thị trường thiếu kiểm soát gây cho mình thiệt hại sẽ quay sang nhờ các nhà lãnh đạo chính trị và chính quyền giúp đỡ. Những người phản đối nền kinh tế laissez-faire đã tìm được cách thể hiện sự bất bình của họ thông qua các nhà lãnh đạo chính trị, các phong trào, các đảng phái, cương lĩnh, ý tưởng, triết học, ý thức hệ, sách, tạp chí và quan trọng nhất là thông qua lá phiếu và những cuộc bầu cử. Đảng Lao động vừa được thành lập lúc đó hướng sự chú ý vào cảnh khốn cùng của giai cấp cần lao.

Tuy một số người phản đối chỉ đề nghị điều tiết thị trường, nhưng một số người khác lại đòi bãi bỏ hoàn toàn. Còn một số thì thỏa hiệp: bây giờ hẵng điều tiết đã, họ nói, xóa bỏ sau. Những người đề nghị xóa sổ chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ đạt được mục tiêu của họ. Còn những người đòi chính phủ can thiệp hay điều tiết thì lại thường đạt được mục tiêu.

Ở Anh cũng như ở Tây Âu và những nước nói tiếng Anh, tình hình đều như thế cả. Ở những nước, nơi chính phủ bị những phong trào dân túy khuynh đảo, nền kinh tế laissez-faire có thể không đứng vững được. Ở đất nước dân chủ chủ, nghĩa tư bản thị trường mà không có sự can thiệp và điều tiết của chính phủ là hiện tượng bất khả thi vì ít nhất là hai lí do sau đây.

Thứ nhất, tự bản thân những định chế căn bản của chủ nghĩa tư bản thị trường đã cần sự can thiệp và điều tiết của chính phủ rồi. Thị trường cạnh tranh, quyền sở hữu các thực thể kinh tế, buộc thi hành hợp đồng, ngăn chặn độc quyền, bảo vệ quyền sở hữu – những khía cạnh này và nhiều khía cạnh khác nữa của chủ nghĩa tư bản thị trường hoàn toàn phụ thuộc vào luật pháp, chính sách, trật tự và những hành động khác của chính phủ. Kinh tế thị trường không và không thể tự điều tiết hoàn toàn được.

Thứ hai, không có sự can thiệp và điều tiết của chính phủ, kinh tế thị trường chắc chắn sẽ gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho một số người, những người bị tổn thương hay có thể bị tổn thương sẽ yêu cầu chính phủ can thiệp. Những người làm kinh tế chỉ có một động cơ duy nhất là tính tư lợi, họ ít nghĩ đến lợi ích của người khác; ngược lại, họ thường tìm cách bỏ qua lợi ích của người khác nếu được lợi khi làm như thế. Lương tâm dễ dàng bị bịt miệng trước lời biện hộ đầy quyền rũ cho hành động gây thiệt hại đối với người khác. “Mình không làm thì người khác cũng làm. Nếu mình không để nhà máy của mình xả chất thải vào sông và phun khói vào bầu khí quyển thì người khác cũng làm. Nếu mình không bán những sản phẩm ngay cả khi đấy là những sản phẩm không an toàn thì người khác cũng bán. Nếu tôi không… thì người khác sẽ…”. Trên thực tế, trong nền kinh tế cạnh tranh, chắc chắn là người khác sẽ làm.

Khi những quyết định của sự cạnh tranh và thị trường không được quản lí gây ra tác hại thì nhất định sẽ này sinh vấn đề. Có thể làm giảm nhẹ hay xóa bỏ hẳn tác hại được không? Nếu có, chi phí có thể không quá cao so với lợi ích hay không? Khi tác hại đổ lên đầu một số người, còn một số người lại được lợi, mà thường là như thế, làm sao ta có thể đánh giá được cái gì nên, còn cái gì không nên? Giải pháp tốt nhất là gì? Hoặc nếu không có giải pháp tốt nhất thì đâu là giải pháp chấp nhận được? Ai là người quyết định và quyết định như thế nào? Quyết định được thực thi như thế nào và bằng những phương tiện gì?

Rõ ràng, đây không chỉ là những câu hỏi của kinh tế? Đây còn là những câu hỏi của đạo đức và chính trị nữa. Trong một đất nước dân chủ, những công dân tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề như thế chắc chắc sẽ hướng tới chính trị và chính quyền. Tác nhân mà người ta có thể dễ dàng tiếp cận nhất, cũng là tác nhân có thể can thiệp vào nền kinh tế thị trường một cách hiệu quả nhất nhằm sửa chữa những hậu quả bất lợi là… chính phủ.

Đương nhiên là việc những người công dân bất bình có buộc được chính phủ can thiệp hay không còn phụ thuộc vào nhiều thứ, trong đó có sức mạnh của các bên đối địch. Tuy nhiên, ghi nhận của lịch sử là rõ ràng: trong tất cả các nước dân chủ*, tác hại do hoặc có thể do thị trường không được quản lí gây ra buộc chính phủ phải can thiệp nhằm sửa chữa hậu quả, nếu không thì sẽ gây thiệt hại cho một số công dân.

*Ghi chú ngay ở cuối trang: Và cả trong nhiều nước phi dân chủ nữa. Nhưng ở đây chúng ta chỉ quan tâm tới quan hệ giữa chế độ dân chủ và chủ nghĩa tư bản thị trường mà thôi.

Mĩ, nước nổi tiếng vì gắn bó với thị trường tự do nhưng chính phủ liên bang, chính quyền bang và chính quyền địa phương can thiệp vào kinh tế bằng rất nhiều cách, không thể nào thống kê hết được. Sau đây chỉ là một số thí dụ:

  • bảo hiểm thất nghiệp;
  • tiền trợ cấp hàng năm cho người già;
  • chính sách tài chính nhằm tránh lạm pháp và suy thoái kinh tế;
  • an toàn: lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh, hàng không, đường sắt, đường cao tốc, đường phố;
  • y tế công cộng, kiểm soát dịch bệnh, tiêm phòng bắt buộc cho trẻ em trong tuổi đến trường;
  • bảo hiểm sức khỏe;
  • giáo dục;
  • bán cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác;
  • qui hoạch: khu vực doanh nghiệp, dân cư..v.v..;
  • đặt ra tiêu chuẩn xây dựng;
  • bảo đảm sự cạnh tranh của thị trường, ngăn chặn độc quyền và những rào cản thương mại khác;
  • thiết lập và giảm thuế và hạn ngạch nhập khẩu;
  • cấp môn bài cho bác sĩ, nha sĩ, luật sư, kế toán viên và những người có nghề chuyên môn khác;
  • xây dựng và bảo trì công viên của bang và công viên quốc gia, khu vực nghỉ ngơi giải trí và khu vực bảo tồn thiên nhiên;
  • quản lí các doanh nghiệp nhằm ngăn chặn hoặc sửa chữa những thiệt hại mà họ gây ra cho môi trường; và tuy có chậm,
  • quản lí việc bán thuốc lá nhằm làm giảm số người nghiện, bệnh ung thư và những hiệu ứng tiêu cực khác.

Vân vân và vân vân. Vân vân và vân vân.

Tóm lại: không có nước dân chủ nào mà nền kinh tế tư bản thị trường có thể hoạt động (cũng như có thể hoạt động trong thời gian dài) mà không có sự quản lí và can thiệp một cách rộng khắp của nhà nước nhằm ngăn chặn những hậu quả tiêu cực.

Nhưng nếu những định chế chính trị dân chủ có ảnh hưởng đáng kể đối với hoạt động của chủ nghĩa tư bản thị trường thì chủ nghĩa tư bản thị trường cũng có ảnh hưởng rất mạnh đối với hoạt động của các định chế chính trị dân chủ. Mũi tên nguyên nhân, nếu có thể nói như thế, đi theo hai hướng: từ chính trị tới kinh tế và từ kinh tế tới chính trị.

4. Vì chủ nghĩa tư bản thị trường chắc chắn sẽ tạo ra bất bình đẳng; bằng cách tạo ra bất bình đẳng trong việc phân phối nguồn lực chính trị, nó cũng góp phần ngăn chặn tiềm lực của chế độ dân chủ tản quyền.

Vài lời về từ ngữ

Nguồn lực chính trị bao gồm tất cả những thứ mà một người hay một nhóm người có thể tiếp xúc nhằm tạo ảnh hưởng, trực tiếp hoặc gián tiếp, lên hành vi của những người khác. Rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội loài người có thể biến thành nguồn lực chính trị: sức mạnh cơ bắp, vũ khí, tiền, tài sản, hàng hóa và dịch vụ, sức sản xuất, thu nhập, danh dự, sự kính trọng, tình yêu, uy tín, thông tin, kiến thức, học vấn, phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức, địa vị, chức vụ, quyền kiểm soát các học thuyết và đức tin, lá phiếu và nhiều thứ khác nữa. Một lí thuyết cho rằng nguồn lực chính trị có thể được phân bố một cách bình đẳng, tương tự như lá phiếu trong các nước dân chủ vậy. Một lí thuyết khác cho rằng có thể tập trung vào tay một người hay một nhóm người. Còn khả năng phân bố giữa công bằng và tập trung hoàn toàn thì vô cùng vô tận.

Khắp mọi nơi, những nguồn lực mà tôi vừa liệt kê bên trên đều được phân bố một cách hết sức bất công. Mặc dù chủ nghĩa tư bản thị trường không phải là lí do duy nhất, nhưng nó là lí do quan trọng trong việc tạo sự phân bố một cách bất bình đẳng nhiều nguồn lực chính: tài sản, thu nhập, địa vị, uy tín, thông tin, tổ chức, học vấn, kiến thức…

Do bất bình đẳng về nguồn lực chính trị mà một số công dân có ảnh hưởng đối với chính sách, quyết định và hành động của chính quyền nhiều hơn hẳn một số công dân khác. Sự vi phạm như thế không phải là không đáng kể. Hậu quả là công dân không phải là những người bình đẳng về mặt chính trị - còn xa mới được như thế - và như vậy là quyền bình đẳng về mặt chính trị của các công dân, cũng là nền tảng đạo đức của chế độ dân chủ đã bị vi phạm một cách nghiêm trọng.

5. Chủ nghĩa tư bản thị trường cực kì thuận lợi cho sự phát triển của chế độ dân chủ khi chưa đạt được chế độ dân chủ tản quyền. Nhưng do những hậu quả bất lợi của quyền bình đẳng chính trị, nó sẽ bất lợi cho sự phát triển của chế độ dân chủ để cho nó có thể vươn cao hơn thể chế tản quyền.

Vì những lí do đã trình bày bên trên, chủ nghĩa tư bản thị trường là chất dung môi đầy hiệu quả đối với các chế độ độc tài. Khi chủ nghĩa tư bản thị trường chuyển xã hội từ các điền chủ và nông dân sang người sử dụng lao động, người làm thuê và công nhân; từ đám đông vô học ở nông thôn chỉ sống qua ngày, thậm chí thường không đủ sống, thành đất nước của những thị dân biết chữ, tương đối an toàn; từ sự độc quyền về hầu hết tất cả các nguồn lực của một nhóm tinh hoa, quả đầu hay giai cấp cầm quyền thành sự phân tán một cách rộng rãi các nguồn lực; từ hệ thống trong đó nhiều người có thể làm được rất ít nhằm ngăn chặn sự cai trị của chính phủ bởi một ít người thành hệ thống trong đó nhiều người có thể kết hợp một cách hiệu quả những nguồn lực của họ (lá phiếu cũng không kém phần quan trọng) và bằng cách đó chi phối hành động của chính phủ theo hướng có lợi cho họ - khi điều đó giúp tạo ra thay đổi, như thường đã và sẽ xảy ra trong những nước kinh tế đang phát triển, nó sẽ trở thành động cơ cho sự chuyển hóa mang tính cách mạng đối với xã hội và chính trị.

Khi chính phủ độc tài trong các nước lạc hậu cam kết phát triển nền kinh tế thị trường năng động là họ đang gieo những hạt giống cho quá trình hủy diệt của chính họ.

Nhưng một khi xã hội và chính trị đã được chủ nghĩa tư bản thị trường cải biến và các định chế dân chủ được thiết lập thì quan điểm lại có những thay đổi căn bản. Bây giờ sự bất bình đẳng về nguồn lực mà chủ nghĩa tư bản thị trường khuấy lên lại tạo ra sự bất bình đẳng nghiêm trọng về chính trị giữa các công dân.

Liệu vụ hôn phối giữa chế độ dân chủ tản quyền và chủ nghĩa tư bản thị trường có thể tạo ra những điều kiện thuận lợi hơn cho tiến trình dân chủ hóa chế độ tản quyền hay không và tạo ra như thế nào là câu hỏi rất khó, trả lời không phải là việc dễ và cũng không thể ngắn được. Quan hệ giữa hệ thống chính trị dân chủ và hệ thống kinh tế phi dân chủ của đất nước đã tạo ra những thách thức thường trực và khó vượt qua đối với mục tiêu và thực tiễn dân chủ trong suốt thế kỉ XX. Thách thức này chắc chắn cũng sẽ tiếp tục trong thế kỉ XXI.

Chú thích:

(1) Tác phẩm mang tính kinh điển Karl Polanyi, The Great Transformation (New York: Farrar and Rinehart, 1944. Polanyi bị trục xuất khỏi Áo và Hungary, ông đến Anh và sau này giảng dạy tại Mĩ.

Nguồn: Bàn về chế độ dân chủ: Robert Alan Dahl, 2000. 

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường