[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 22 - Trường phái kinh tế học Chicago
Để hiểu tại sao Hayek không giành được một vị trí tại Khoa Kinh tế của Đại học Chicago thì điều quan trọng là phải nắm rõ sự khác biệt giữa trường phái kinh tế học Chicago với Khoa Kinh tế của Đại học Chicago. Theo Hayek, quan hệ thuở đầu của ông với Đại học Chicago khởi nguồn từ những năm 1930 qua “sự thán phục của Lionel Robbins trước tác phẩm Rủi ro, bất trắc và lợi nhuận (Risk, Uncertainty and Profit) của Knight. Và tình cờ về sau Robbins bắt đầu quan tâm đặc biệt sâu sắc đến công trình nghiên cứu của Jacob Viner.” Cả Viner và Knight đều là “những nhân vật rất nổi tiếng” đối với Hayek cùng các đồng nghiệp kinh tế của ông tại LSE; cả hai đều từng thuyết giảng ở đây vào thập niên 1930 và Hayek bắt đầu có quen biết cá nhân với họ cũng như công trình của họ kể từ đó. Ông từng đề cập tới “mối quan hệ London-Chicago thập niên 1930.”
Milton Friedman đã lần lại dấu tích trường phái kinh tế học Chicago đến tận James Laughlin, trưởng Khoa Kinh tế đầu tiên tại Đại học Chicago khi nó khai trương năm 1892. Laughlin là nhà cải cách tiền tệ và là người đi đầu phản đối trào lưu tiền tệ kim loại tự do. Vào thời điểm giao thời giữa hai thế kỷ, ông là thành viên Uỷ ban Tiền tệ Thành phố Indianapolis, và tác giả bản báo cáo cuối cùng của nó, bước tiến quan trọng đi đến sự ra đời của Đạo luật Dự trữ Liên bang năm 1913. Laughlin liên minh mật thiết với Đảng Cộng hoà.
Friedman viết, “đóng góp quan trọng và lâu dài nhất” của Laughlin là trong vai trò chủ tịch Khoa Kinh tế tại Đại học Chicago. Laughlin đã “bộ lộ thái độ khoan dung khác thường trước những quan điểm bất đồng trong việc bố trí nhân sự và định hướng Khoa Kinh tế.” Friedman nhấn mạnh, “giống như trong thời kỳ của ông [Laughlin], những năm gần đây Khoa Kinh tế cũng được nhìn nhận rộng rãi như là thành trì của những người ủng hộ kinh tế thị trường tự do. Danh tiếng là hợp lẽ bởi lúc ấy Khoa là nơi tập trung một số thành viên xuất sắc, ủng hộ những quan điểm này và họ đã bảo vệ chúng một cách hữu hiệu. Nhưng họ là … một nhóm thiểu số. Đặc điểm của Khoa Kinh tế là tính bất đồng, chứ không phải thống nhất, về các quan điểm chính sách.”
Knight đôi khi vẫn được nhìn nhận như là nhà sáng lập trường phái Chicago nổi tiếng trong kinh tế học. Ông sinh năm 1885 và mất năm 1972. Friedman, George Stigler, Henry Simons, Aaron Director, và những người khác đều là học trò của Knight hay chịu ảnh hưởng của ông. Tính cách của Knight được mô tả rõ ràng qua câu chuyện Stigler kể về tuổi trẻ của ông, “Dưới sự thuyết phục của bố mẹ, vốn là những con chiên rất ngoan đạo, bọn trẻ đã ký cam kết tại nhà thờ là sẽ tham gia nhà thờ trong suốt cuộc đời. Trở về nhà, Frank (khi đó khoảng mười bốn hay mười lăm tuổi) tập hợp bọn trẻ lại sau kho thóc, nhóm lửa lên và nói, ‘Hãy đốt những thứ này đi vì những cam kết và hứa hẹn dưới sự thúc ép thì không có gì ràng buộc.’” Knight là một người đả phá tín ngưỡng. Tại Đại học Chicago, người ta vẫn bông đùa về ông, “Không có Chúa, nhưng Frank Knight lại là nhà tiên tri của Chúa.” Buchanan nói, đối với Knight “không có gì là bất khả xâm phạm, các tín điều tôn giáo, các luật lệ và thiết chế của trật tự xã hội, các chuẩn mực luân lý phổ biến, các cách giải nghĩa về những bản văn linh thiêng hay thế tục đã được thừa nhận. Mọi thứ đều là đối tượng tiềm tàng của sự xem xét kỹ lưỡng có tính phê phán, và phán xét đánh giá sẽ do thế lực bên ngoài đưa ra, tuy cuối cùng vẫn độc lập với thế lực ấy. Lập trường của Knight trước thánh thần, con người và lịch sử là hiện thân của dũng khí và sự tự tin, làm bối rối các nhà đề xướng tự mãn của tất cả các lý thuyết chính thống nhỏ bé, xưa và nay.”
Friedman viết về Viner – nhà kinh tế học hàng đầu khác tại Đại học Chicago từ thập niên 1920 đến giữa thập niên 1940, “ba tháng đầu tiên của tôi tại Đại học Chicago vào mùa thu năm 1932, tức là một khoá học, với Jacob Viner, một nhà giáo vĩ đại, đã có ảnh hưởng lớn đến tôi. Khoá dạy của Viner về lý thuyết đã mở ra một thế giới mới. Ông khiến tôi nhận ra rằng lý thuyết kinh tế là một tổng thể cố kết, logic, gắn bó với nhau, không chỉ bao gồm những tiên đề rời rạc. Khoá học ấy chắn chắn là sự trải nghiệm trí tuệ lớn lao nhất trong đời tôi.” Viner đã có đóng góp quan trọng vào lý thuyết về chi phí và, theo Henry Spiegel, “không ai sánh được trong lĩnh vực kinh tế học quốc tế và với tư cách nhà biên niên của lịch sử trí tuệ.” Theo Friedman, khi ông còn là nghiên cứu sinh, các giảng viên khác của Đại học Chicago gồm có Lloyd Mints, Paul Douglas, và Henry Schultz; họ là một “nhóm các nhà kinh tế học hết sức tài năng và đa dạng.” Năm 1946, Viner chuyển đến Đại học Princeton và Friedman thế chỗ ông.
George Stigler nhận xét về Henry Simons, học trò của Knight, Simons “thuyết giảng về một hình thái laissez-faire trong cuốn sách nổi tiếng của mình năm 1934, Cương lĩnh khả quan dành cho hình thái laissez faire (A Positive Program for Laissez Faire), nhưng đấy quả là một hình thái tệ hại! Ông đề xuất việc quốc hữu hoá các ngành công nghiệp cơ bản như điện thoại và đường sắt bởi sự điều tiết đã tỏ ra yếu kém. Simons nhấn mạnh tới chính sách thuế thu nhập hết sức công bằng và việc điều tiết cụ thể những thông lệ trong hoạt động kinh doanh chẳng hạn như quảng cáo. Nội dung cương lĩnh của ông có nhiều điểm hầu như hài hoà với chủ nghĩa xã hội như với chủ nghĩa tư bản của doanh nghiệp tư nhân. Tuy thế, trong lĩnh vực chính sách tiền tệ, ông lại có ảnh hưởng mạnh mẽ đến trường phái kinh tế học Chicago sau này, với việc đưa ra dẫn chứng sắc bén của mình về chính sách tiền tệ tiến hành theo nguyên tắc thay vì vận dụng tuỳ ý. Đặc biệt, ông đòi hỏi nguyên tắc ở đây phải là sự bình ổn của một chỉ số giá cả toàn diện. Nguyên tắc trên rõ ràng là nguồn gốc đề xuất sau này của ông theo đó cung tiền tệ cần tăng trưởng với tỷ lệ đều đặn, khoảng 3 hoặc 4% mỗi năm.
Ban đầu Hayek được xem xét dành cho một vị trí tại Khoa Kinh tế của Đại học Chicago, trước khi ông nhận được lời mời từ Uỷ ban Tư tưởng Xã hội của trường. Bình luận quá ư tự nhiên trong cuốn tự truyện của John Nef, chủ tịch Uỷ ban, về việc bổ nhiệm Hayek năm 1950, đôi khi lại được tin tưởng quá mức. Nef viết, “chuyến thăm Anh của tôi, nơi tôi gặp T.S. Eliot và Friedrich Hayek ở London, đã cho phép tôi ra hai quyết định bổ nhiệm quan trọng ấy trong Uỷ ban Tư tưởng Xã hội. Hayek chấp nhận vị trí thường trực mà định mệnh đã sắp đặt trong suýt soát mười lăm năm. Khoa Kinh tế hoan nghênh quan hệ của ông với Uỷ ban Tư tưởng Xã hội, mặc dù bốn năm trước đấy các nhà kinh tế học từng phản đối việc bổ nhiệm ông vào Khoa, chủ yếu bởi họ coi tác phẩm Con đường tới nô lệ của ông là một công trình quá nổi tiếng để một học giả khả kính mắc phải sai lầm. Việc Hayek có mặt tại Đại học Chicago là ổn thoả chừng nào ông ta không được đánh đồng với các nhà kinh tế học.”
Trích đoạn trên đây khiến cho mọi người nhầm lẫn vì một số lý do. Đầu tiên, câu cuối cùng, xuất hiện cuối một đoạn văn, có vẻ như là một câu nói bâng quơ, nhất là xét về ngữ cảnh. Mức độ thể hiện của cái quan điểm mà ngay cả Nef cũng từng cân nhắc, về việc các nhà kinh tế học không muốn Hayek “được đánh đồng” với họ, vẫn là một câu hỏi còn để ngỏ.
Thứ hai, về ý tưởng Hayek không nhận một cương vị nào tại Khoa Kinh tế của Đại học Chicago là vì tác phẩm Con đường tới nô lệ, Friedman nói:
Chuyện này không liên quan gì đến nó [cuốn sách]. Việc họ không muốn ông ta là có hai lý do: Thứ nhất, họ có ý thức rất mạnh mẽ là cần lựa chọn thành viên của mình và không nên để cho bên ngoài bổ nhiệm. Do tên gọi độc lập, nên họ tất sẽ có phản ứng tiêu cực trước bất kỳ đề xuất nào từ phía nhà trường. Nhưng lý do thứ hai là họ không tán đồng với tư tưởng kinh tế học của ông. Tác phẩm Các mức giá cả và sản xuất (Prices and Production), lý thuyết về tư bản của ông – nếu họ tìm kiếm một nhà kinh tế học trên toàn thế giới để chiêu mộ, thì yêu cầu bắt buộc của họ hẳn sẽ không phải là tác giả của Các mức giá cả và sản xuất. Tác phẩm Con đường tới nô lệ mà người ta vẫn nói tới không hề đóng một vai trò nào ở đây. Xét về hệ tư tưởng thì trên thực tế số đông của khoa đứng về phía Hayek. Khoa Kinh tế của Đại học Chicago nổi tiếng khác biệt trong giới chuyên môn cả nước bởi nó theo xu hướng thị trường tự do rất tương đối. Do vậy, tác phẩm Con đường tới nô lệ là một ưu thế, chứ không phải ngược lại. Không, tôi tin chắc lý do cơ bản mà họ khước từ ông chính là sự kết hợp giữa việc họ sẽ phải tiếp nhận trách nhiệm từ ngân quỹ của mình, ông không phải là người mà họ sẽ chọn chiêu mộ, và họ không muốn nhà trường quyết định thành viên của mình.10
Một số những người làm việc tại Khoa Kinh tế đã chỉ trích rất mạnh Chủ tịch Đại học Chicago Robert Maynard Hutchins, về việc kiểm soát gắt gao những đặc quyền trong học thuật.
Friedman cũng nhắc đến “câu chuyện về Luhnow và đề nghị của ông ta nhằm tài trợ cho Hayek vị trí giáo sư tại Đại học Chicago trong mười năm. Theo tôi thì sự việc là thế, và ban lãnh đạo nhà trường từng hỏi Khoa Kinh tế rằng liệu họ có sẵn lòng dành cho Hayek một vị trí hay không, nhưng họ đã từ chối. Thời điểm ấy tôi có mặt ở đó nhưng với vai trò rất khiêm tốn. Tôi không mảy may liên quan đến quyết định này. Tuy nhiên, nghĩ lại thì tôi thấy họ đã đúng. Lúc này Ted Schultz đang giữ chức vụ chủ tịch. Ông là người rất đỗi công bằng và các nguyên tắc của ông đã không loại trừ trường hợp của Hayek. Ông là một người hết sức hâm mộ Hayek. Trên thực tế việc Hayek là người ủng hộ thị trường tự do sẽ không bao giờ là một tiêu chuẩn bất cập.”
Cuối thập niên 1940, đặc biệt trong giới kinh tế học hàn lâm, Hayek chưa phải là nhân vật vĩ đại trong lĩnh vực tư tưởng xã hội rộng lớn như về sau ông được nhìn nhận lại, sau khi những công trình lớn của ông ra đời. Tác phẩm Đường về nô lệ chủ yếu được hình dung là một công trình có tính đại chúng. Ông đã bước ra khỏi lối mòn, ít nhiều là phẩm chất sắc bén, của tư tưởng kinh tế học hàn lâm kỹ thuật (technical academic economic thought), nhất là ở Mỹ. Tác phẩm Lý thuyết thuần tuý về tư bản năm 1941 của ông ít thu hút được sự chú ý. Tuy nghiên cứu về lý thuyết chính trị, nhận thức luận, phương pháp luận của khoa học xã hội, tâm lý học, và lịch sử tư tưởng, nhưng ông vẫn không phải là một nhà kinh tế học hàn lâm kỹ thuật tích cực và ông không tự coi mình là như thế.
D. Gale Johnson, người có mặt tại Khoa Kinh tế của Đại học Chicago từ năm 1944, còn nhớ ý tưởng dành cho Hayek một vị trí ở khoa chưa bao giờ được bỏ phiếu chính thức, và cũng lưu ý là với những vấn đề như vậy, khoa làm việc trên cơ sở đồng thuận. Johnson cũng nói, Hayek “đã tự biến mình không còn thích hợp” trong lĩnh vực kinh tế học trước khi tác phẩm Con đường tới nô lệ ra đời.
Các bài viết khác về việc Hayek không được chấp nhận vào khoa kinh tế tại Đại học Chicago mang giọng điệu nhẹ nhàng hơn so với nhận xét trong tự truyện của Nef. Chẳng hạn, trong một cuộc phỏng vấn có đề cập việc chuyển tới Chicago, ông nói là “có một tình tiết bên lề ở đây. Đầu tiên, ai đó đề nghị tôi về khoa kinh tế. Và rồi họ lại khước từ.” Hayek không nỗ lực nhiều để được bổ nhiệm vào khoa kinh tế; trên thực tế, khi quyết định đến Mỹ sau Thế chiến II, đầu tiên ông đã tìm một vị trí tại Đại học Princeton.
Hayek cũng kể lại chuyện ông đến Chicago, “Bạn bè ở khoa kinh tế đã có những nỗ lực vì tôi, và theo tôi thì họ đã nản lòng trước các nhà kinh tế lượng ở đây. Các nhà kinh tế lượng không muốn có tôi, và nỗ lực đầu tiên nhằm dành cho tôi một vị trí tại Đại học Chicago đã sụp đổ.” Ông cũng nói, ông “không bao giờ đồng tình với kinh tế vĩ mô hay với kinh tế lượng. Tôi bị coi là một người cổ hủ, không hề đồng cảm với những ý tưởng hiện đại, đại loại như thế.” George Nash viết trong tác phẩm có độ tin cậy cao về kỷ nguyên hậu chiến, Trào lưu trí tuệ bảo thủ ở Mỹ (The Conservative Intellectual Movement in America [1976, 1996]), “thêm một dấu hiệu của thời đại là, giống như Ludwig von Mises, Hayek lại buộc phải trông cậy vào các nguồn tư nhân để tài trợ cho việc đặt chân vào giới học thuật Mỹ,” ở cả hai trường hợp là Quỹ Volcker (Volcker Fund). Nash còn bổ sung là John Nef, Aaron Director và Henry Simons “đã thuyết phục Quỹ Volcker nhỏ bé, theo đường lối bảo thủ, thanh toán một phần lương của Hayek.”
Dĩ nhiên, Friedman thuộc phái thích ứng với Hayek nhất trong khoa kinh tế. Năm 1978 Hayek nhận xét, ông đã tìm thấy tại Đại học Chicago “cái nhóm rất đồng cảm ấy của Milton Friedman và không lâu sau là George Stigler; vì thế tôi có quan hệ rất tốt với một phần của khoa, tuy nhiên về số lượng thì các nhà kinh tế lượng lại là những người chiếm đa số… Chỉ có Frank Knight và nhóm của ông là những người mà tôi hoà cùng.”
Hayek mong ngóng việc tiếp nhận vị trí tại Uỷ ban Tư tưởng Xã hội một phần là bởi sau hai chục năm giảng dạy kinh tế học, ông đã “có chút mệt mỏi.” Ông “ít nhiều trở nên mòn chán với danh nghĩa nhà kinh tế học và cảm thấy không đồng cảm với chiều hướng đang phát triển của kinh tế học.” Ông cảm thấy sẽ là một sự “giải thoát” khi không còn bị yêu cầu phải giảng dạy kinh tế học nữa. Đồng thời, ông sẽ không phải gánh vác những trách nhiệm hành chính ở đây như những năm tháng cuối cùng tại LSE.
Hayek tin tưởng sâu sắc vào sức mạnh của ý tưởng. Việc ông chủ yếu lựa chọn triết học chính trị và xã hội thay vì lý thuyết kinh tế học hàn lâm kỹ thuật trong năm mươi năm cuối đời đã phản ảnh niềm tin chín muồi của ông là triết học chính trị và xã hội quan trọng hơn và bao hàm lý thuyết kinh tế học hàn lâm kỹ thuật, cũng như phản ảnh mối quan tâm và thành công cá nhân. Ông tin tưởng và thể hiện quan điểm cho rằng ý tưởng ngự trị thế giới.
Ông thừa nhận mình không thực sự là một nhà kinh tế học suốt những thập niên về sau. Trong bài giới thiệu tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do (The Constitution of Liberty) Hayek viết, ông đã “bắt đầu càng lúc càng cảm thấy rằng lời giải đáp cho những vấn đề xã hội thúc bách của thời đại chúng ta cuối cùng sẽ được tìm thấy qua sự thừa nhận những nguyên lý nằm ngoài phạm vi kinh tế học kỹ thuật.” Năm 1962, khi đảm nhận cương vị tại Đại học Freiburg ông phát biểu, mặc dù nửa đầu sự nghiệp của mình đã được “dành hoàn toàn cho lý thuyết thuần tuý, thì kể từ đấy tôi lại dành nhiều thời gian cho những chủ đề hoàn toàn nằm ngoài lĩnh vực kinh tế học.” Bước chuyển hướng khỏi lý thuyết kinh tế của Hayek cũng chịu ảnh hưởng bởi tâm niệm của ông là khi ấn hành tác phẩm Con đường tới nô lệ, ông đã tự đánh mất uy tín chuyên môn của mình trong lĩnh vực kinh tế học.
Hayek cảm nhận được sự giải thoát vĩ đại với việc ly hôn và tái hôn. Ông đã chịu bất hạnh trong nhiều năm với cuộc hôn nhân đầu tiên và không thể ở bên cạnh người phụ nữ mà mình yêu. Ông hạnh phúc khi ở Chicago, “trở về với bầu không khí đại học tổng hợp từ môi trường chật hẹp của ngôi trường dành cho lĩnh vực khoa học xã hội. Câu lạc bộ của giảng viên, Câu lạc bộ Quadrangle, là một sức hút lớn. Bạn có thể ngồi đây với các sử gia vào một ngày, với các nhà vật lý vào một ngày khác và ngày thứ ba với các nhà sinh học. Trên thực tế, tôi vẫn chưa biết đến trường đại học nào khác có nhiều mối liên hệ giữa các bộ môn khác nhau như ở Đại học Chicago.” Khi Hayek chuyển đến vào năm 1950, trường có tới hơn mười ngàn sinh viên.
Nguồn: Alan Ebenstein, Friedrich Hayek - Cuộc đời và sự nghiệp, Phần VI, Chương 41, Nhà xuất bản Tri Thức 2007