[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 39 - Sự tự phụ chết người
Dự án vĩ đại cuối cùng trong sự nghiệp của Hayek là tác phẩm Sự tự phụ chết người (The Fatal Conceit), phụ đề Những sai lầm của chủ nghĩa xã hội (The Errors of Socialism). Không nên nghĩ rằng phần lớn thời gian của Hayek trong những năm cuối cùng được dành cho việc đi lại hay những hoạt động ngẫu nhiên. Đúng hơn, từ khoảng năm 1978 đến 1985, ông đã say mê dành tâm trí cho quá trình chuẩn bị tác phẩm Sự tự phụ chết người, mà theo suy nghĩ của ông, thể hiện trong một bức thư ông viết vào đầu giai đoạn sáng tác, thì nó có thể sẽ trở thành công trình quan trọng nhất.
Hayek dự định tác phẩm Sự tự phụ chết người sẽ là đỉnh cao sự nghiệp của mình trong lĩnh vực triết học xã hội. Khi còn ở tuổi thanh niên, ông đã nhận thấy vai trò then chốt của chức năng tín hiệu của các mức giá cả đối với việc định hướng sản xuất kinh tế. Trong tác phẩm “Kinh tế học và tri thức” (Economics and Knowledge), ông mở rộng khái niệm này nhằm giải thích việc các mức giá cả giúp vượt qua sự phân hữu tri thức của con người. Trong tác phẩm Sự lạm dụng và suy tàn của lý trí (The Abuse and Decline of Reason), ông dự định trình bày quá trình phát triển lịch sử của các ý tưởng xã hội chủ nghĩa, nhưng khi việc này kéo dài quá lâu, ông đã quyết định viết một cuốn khái lược ưu thời, Con đường tới nô lệ (The Road to Serfdom), về kết cục của các ý tưởng xã hội chủ nghĩa. Điều này đến lượt lại giúp ông nhận ra rằng chủ nghĩa tự do cổ điển chưa được hiểu đúng, và ông viết tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do (The Constitution of Liberty) để khắc phục thiếu sót ấy. Sau đó, trong tác phẩm Luật, luật pháp và tự do (Law, Legislation and Liberty), ông lại cố gắng vượt lên trên chủ nghĩa tự do cổ điển truyền thống và trình bày một số ý tưởng của chính mình một cách có hệ thống. Cuối cùng, trong tác phẩm Sự tự phụ chết người, ông chuẩn bị trình bày toàn bộ kết quả công trình của mình – luận giải quá trình phát triển của nền văn minh nhân loại từ góc độ tiến hoá.
Hayek trung thành mạnh mẽ với nền văn minh Phương Tây. Ông cho rằng chính những ý tưởng của di sản Phương Tây mới đem đến cho nhân loại những hy vọng tốt hơn trong việc đạt được hoà bình và thịnh vượng, chứ không phải ý tưởng của bất kỳ truyền thống nào khác. Trong nhận thức của ông, nền văn minh Phương Tây đã tiến hoá qua hàng thế kỷ, không hiếm khi đi theo những phương hướng chưa biết và chưa nhìn thấy trước. Theo ông, mấu chốt vấn đề là tạo ra những nguyên tắc cho phép duy trì sự tiến bộ vật chất cho các xã hội.
Dù vậy, quan niệm của ông lại chủ yếu mang tính tinh thần. Mặc dù ông áp dụng tiêu chuẩn vật chất cho sự thành công của các xã hội loài người, ông vẫn cho rằng những nguyên tắc mà con người áp dụng lại phần lớn thể hiện ở bên trong. Trật tự xã hội là trật tự trừu tượng. Đó là quan niệm nội tại của các thành viên xã hội về việc xã hội cần có bộ mặt vật chất như thế nào, những mô thức các mối quan hệ nào cần tồn tại trong xã hội và những kết quả vật chất nào mà các mô thức ấy sẽ đem đến. Chủ nghĩa tư bản, theo Hayek, là sự hiện thân vật chất của những nguyên tắc đạo đức Phương Tây trong lịch sử.
Hơn thế, giữa những gì mà con người vốn tin tưởng về mặt thực nghiệm và những hành động mang tính quy chuẩn, đạo đức của họ lại có mối liên hệ với nhau. Nếu các cá nhân cho rằng cơ cấu xã hội có thể cho phép nhà nước kiểm soát tập trung, hiệu quả đối với toàn bộ chi tiết hoạt động kinh tế, thì họ có thể ủng hộ những nguyên tắc và pháp luật khác với những người vốn không tin vào việc kiểm soát như thế có thể đem lại hiệu quả. Những niềm tin xuất phát từ thực nghiệm có tác động đến hành động con người. Vì thế, triết lý của Hayek cam kết mạnh mẽ vì chân lý. Chỉ ở trong chân lý – sự đánh giá càng chính xác càng tốt về cách thức sự vật thể hiện và có thể thể hiện bản chất – nhân loại mới có thể vươn tới các vì sao.
Tác phẩm Sự tự phụ chết người bắt nguồn từ lời bạt vốn không dự định trước trong tác phẩm Luật, luật pháp và tự do, “Ba nguồn gốc của các giá trị con người” (The Three Sources of Human Values), do Hayek trình bày như là bài thuyết trình về L. T. Hobhouse 1 (L. T. Hobhouse Lecture) tại LSE ngày 17 tháng 5 năm 1978. Khi Hayek hoàn thành tác phẩm Luật, luật pháp và tự do sau một số năm nghỉ ngơi, ông quay lại chủ đề nguồn gốc trí tuệ của chủ nghĩa xã hội – những định đề thực nghiệm làm cơ sở cho những chính sách quy chuẩn (normative prescriptions) của chủ nghĩa xã hội. Ông nghĩ những định đề thực nghiệm này thịnh hành trong xã hội của thời đại mà mình đang sống, và ông tìm cách ngăn chặn chúng thông qua các trước tác của mình với mức độ sâu sắc nhất có thể.
Ông thành thực khẳng định, vào thời điểm ấy, thách thức lớn nhất đối với các truyền thống tự do Phương Tây thông qua pháp luật, tư hữu, trao đổi, hợp đồng, và gia đình truyền thống và thái độ đạo đức về tình dục là từ phía cánh tả. Đơn giản là ông cảm thấy phẫn nộ trước những kẻ truyền bá những ý tưởng không nhất quán với các giá trị Phương Tây truyền thống vốn đã tiến hoá và sẽ thế vào đấy những quan niệm về xã hội tối ưu dựa trên định đề thực nghiệm coi sự kiểm soát tuỳ ý của chính phủ là đáng mong muốn hơn những luật lệ chung đã biết, áp dụng cho tất cả mọi người. Ông tìm kiếm trật tự thông qua pháp luật.
Đến lượt, thông qua trật tự, tiến bộ vật chất to lớn nhất sẽ diễn ra. Chỉ khi con người tương đối chắc chắn đến mức độ khả dĩ nhất về kết quả hành động của mình, họ mới tương tác với nhau theo cách thức hiệu quả nhất mà họ có thể – tức là năng suất vật chất cao nhất. Mọi xã hội đều cần thiết các nguyên tắc. Vấn đề quan trọng hơn hết là cần có những nguyên tắc nào.
Khi Hayek hoàn thành tác phẩm Luật, pháp luật và tự do cuối những năm 1970, ông do dự khi công bố tác phẩm mà ông nghĩ sẽ là công trình lớn cuối cùng mà lại không “chí ít là chỉ ra phương hướng” cho các ý tưởng sắp tới của mình. Ông bổ sung lời bạt, bài thuyết trình về Hobhouse, vào tác phẩm, diễn tả “trực tiếp hơn cách nhìn nhận chung về quá trình tiến hoá luân lý và chính trị vốn dẫn dắt tôi trong toàn bộ sự nghiệp.”Lúc đầu ông nghĩ đây sẽ là công trình cuối cùng, và nỗ lực mà ông dồn cho nó là dài hơn bất cứ công trình nào khác.
Mười sáu năm trôi qua kể từ thời điểm Hayek bắt tay vào tác phẩm Luật, pháp luật và tự do năm 1962 cho đến khi hoàn thành vào năm 1978. Ông cho thấy mình là nhà tự do cá nhân nhiều hơn trong chương kết thúc tác phẩm. Ở phần cuối cùng, “Sự chuyển giao chính sách trong nước cho chính quyền địa phương” (The devolution of internal policy to local government), ông lập luận tán thành việc “phần lớn hoạt động dịch vụ do chính phủ trung ương cung cấp” được “chuyển giao cho các chính quyền khu vực hay địa phương.” Theo ông, “kết quả sẽ là sự biến đổi của các chính quyền địa phương, thậm chí khu vực, thành những tập đoàn mang dáng dấp thương mại cạnh tranh hoạt động phục vụ người dân.”
Hayek nhìn thấy trước tương lai của chủ nghĩa hợp tác (communitarian future) thông qua việc thực thi những thông lệ tự do cá nhân. Chủ nghĩa hợp tác (communitarianism) thể hiện quyền lực tối thượng của các giá trị và thiết chế địa phương, và thể hiện tính đa dạng của các cộng đồng. Chủ nghĩa hợp tác không phải là những giá trị và thiết chế tương đồng trên toàn bộ một khu vực địa lý. Chủ nghĩa hợp tác thể hiện tính đa dạng của các cộng đồng, không nhất thiết là tính đa dạng trong phạm vi các cộng đồng. Sự đa dạng (diversity) của chủ nghĩa hợp tác là sự đa dạng của các cộng đồng. Đa dạng là sự khác nhau. Tính đơn nhất (singularity) của các cộng đồng là tính đồng nhất (uniformity), chứ không phải tính đa dạng.
Đồng thời, chủ nghĩa hợp tác chân chính không phải là sự bảo tồn các lề lối quá khứ của xã hội và tổ chức con người vì lợi ích của bản thân chúng. Lập luận hùng hồn về mong muốn cho phép biến mất những lối sống quá khứ, tiền hiện đại, đối với các cá nhân cũng như xã hội với tư cách một tổng thể, Hayek khẳng định, “Chúng ta cần bày tỏ thái độ tôn trọng hơn nữa đối với phẩm giá con người nếu muốn cho phép một số lối sống nhất định biến mất hoàn toàn thay vì gìn giữ chúng như những hình mẫu của kỷ nguyên đã qua.”4 Những cộng đồng xuất hiện trong một trật tự tự do cá nhân là những trật tự do các thành viên trưởng thành của chúng lựa chọn chừng nào họ không gây tác hại vật chất đến người khác.
Trong phần áp chót tác phẩm Luật, pháp luật và tự do, “Sự xoá bỏ độc quyền cung cấp dịch vụ của chính phủ” (The abolition of the government monopoly of service), Hayek bày tỏ những quan điểm thể hiện bản chất tự do cá nhân nhất trong sự nghiệp của mình. Ông khẳng định, “cố nhiên việc chính phủ trung ương quyết định ai là người cần được cho phép cung cấp những dịch vụ khác nhau là không cần thiết, và việc nó cần nắm quyền lực bắt buộc để làm việc ấy là rất không đáng mong muốn. Điều này có nghĩa là bất kỳ cơ quan chính phủ nào được phép sử dụng quyền đánh thuế để tài trợ cho những dịch vụ như thế đều bị buộc phải hoàn trả bất kỳ khoản thuế nào đã thu nhằm phục vụ những mục đích ấy cho tất cả những người ưa thích việc có được những dịch vụ ấy theo cách thức nào đó.”Lập luận trên thậm chí còn có ý nghĩa to lớn hơn bởi những dịch vụ chính phủ mà ông áp dụng – “không có ngoại lệ nào đối với toàn bộ những dịch vụ mà chính phủ nắm giữ độc quyền pháp định, chỉ với ngoại lệ duy nhất là duy trì và thi hành pháp luật và duy trì một lực lượng vũ trang nhằm phục vụ mục đích ấy, nghĩa là áp dụng cho toàn bộ từ giáo dục đến giao thông và liên lạc, gồm bưu chính, điện tín, điện thoại và các dịch vụ phát thanh truyền hình, tất cả cái gọi là ‘tiện ích công cộng,’ các loại hình bảo hiểm ‘xã hội’ khác nhau và, trên hết, việc phát hành tiền.” Qua những trang cuối tác phẩm Luật, lpháp uật và tự do, xuất bản năm 1979, nhà tự do cổ điển Hayek đã trở thành nhà tự do cá nhân Hayek.
Hayek mô tả quá trình tiến triển ban đầu của tác phẩm Sự tự phụ chết người qua bài phát biểu năm 1979:
Khoảng một năm trước đây, tôi nảy ra ý nghĩ là thời điểm thích hợp đã đến để tổ chức cuộc thảo luận vĩ đại và công khai về vấn đề “Liệu chủ nghĩa xã hội có phải là sai lầm hay không?” Tôi dành được sự hậu thuẫn của mười hai thành viên Hội Mont Pelerin đóng vai trò là nhóm ủng hộ [luận điểm trên], và kế hoạch của chúng tôi là thách thức một nhóm tương tự tham gia cuộc thảo luận công khai.
Điều này đã chứng tỏ không thực tiễn vì hai lý do. Thứ nhất, một việc như thế, với quy mô mà tôi trù tính, là rất tốn kém. Rõ ràng, các nhà tư bản không quan tâm đến việc bảo vệ chủ nghĩa tư bản trên phương diện trí tuệ. Tuy nhiên đó không phải là điểm mấu chốt.
Ý kiến nghiêm túc hơn cần cân nhắc đã xuất hiện khi chúng tôi nhóm họp tại cuộc hội nghị Mont Pelerin ở Hồng Kông. Bấy giờ người ta bóng gió là nếu chúng tôi lựa chọn nhóm đối lập thì nó sẽ không đáng tin tưởng. Kết quả của cuộc thảo luận này là việc tôi được đề nghị viết ra đầy đủ nội dung thách thức dưới dạng sách, trao cho mười hai thành viên bên phía chúng tôi, rồi trình bày chi tiết thành một cuốn sách nhỏ, với sự hỗ trợ từ những phê bình của họ, và biến cuốn sách thành sự thách thức, bằng cách mời phía bên kia tổ chức nhóm của họ để thảo luận công khai.
Ý tưởng về cuộc tranh luận nảy ra với Hayek ngay khi ông đang hoàn thành cuốn Luật, pháp luật và tự do, cùng thời gian với việc viết bài thuyết trình “Ba nguồn gốc của các giá trị con người.” Ông quy hiểu biết sâu sắc và then chốt trong bài thuyết trình đã dẫn ông đi đến sắp xếp các quan điểm của mình theo một hệ thống mới chính là câu mà ông bổ sung vào giai đoạn cuối cùng trước khi công bố lời bạt, “Con người đã được văn minh hoá rất nhiều là nhờ chống lại những ý muốn của mình.” “Theo tôi, đó là kết cục của toàn bộ luận điểm – không phải trí thông minh của chúng ta đã tạo nên nền văn minh, mà thực sự chính là quá trình thuần hoá nhiều bản năng bẩm sinh của chúng ta vốn chống lại quá trình văn minh hoá.” Bản chất con người đối chọi với chủ nghĩa tư bản. Những nguyên tắc luân lý đòi hỏi đối với một xã hội mở không nhất thiết phải cố kết với những bản năng hoang dã kế thừa từ quá khứ nguyên thuỷ của nhân loại.
Ông dành thời gian và sinh lực đáng kể cho cuộc tranh luận mà mình dự định ấy. Theo kế hoạch của ông, nhóm Mont Pelerin ban đầu dự kiến gồm P. T. Bauer, James Buchanan, Ronald Coase, Milton Friedman, Armin Gutowski, Ralph Harris, Emil Kung, Gaston Leduc, Warren Nutter, Joaquin Reig, Ben Rogge, Arthur Shenfield, và Christian Watrin. Nhóm các nhà xã hội chủ nghĩa có thể, theo ông, bao gồm những nhân vật có ảnh hưởng như James Meade, Noam Chomsky, Leszek Kolakowski, Arthur Lewis, và Gunnar Mydal, với Michael Harrington và Jean-Paul Sartre là những người khả dĩ thay thế. Raymond Aron đồng ý đóng vai trò trọng tài.
Năm 1978, khi xây dựng kế hoạch tranh luận của mình và mời một số học giả tự do cổ điển và theo xu hướng tự do cá nhân tham gia, Hayek gửi thư cho Friedman, người không thể tham dự vì những cam kết khác trong việc quay phim phiên bản truyền hình của tác phẩm Tự do lựa chọn (Free to Choose 2 ). Sau đó Hayek viết thư cho Friedman lần thứ hai, nói rằng Friedman là người mà ông cần nhất, và bày tỏ là Friedman cần giúp mình.
Friedman bày tỏ thái độ tôn kính, khiêm tốn, và sự nhìn xa trông rộng qua bức thư thứ hai gửi cho Hayek, giải thích tại sao mình không thể tham gia:
Tôi chắc chắn hoàn toàn tán thành kế hoạch của ngài về cuộc đối mặt ở Paris. Tuy nhiên, lập trường của tôi lại rất đơn giản. Cam kết đầu tiên của tôi hiện nay là hoàn thành series truyền hình mà mình tham gia. Như tôi đã viết cho ngài, việc này đã cho thấy hết sức mất thời gian. Quan trọng hơn, từ quan điểm dự án của ngài, là nó kéo tôi vào những cam kết hãy còn để ngỏ. Vấn đề là nó tuỳ thuộc không chỉ đơn thuần vào tôi mà là vào… một số khá nhiều – sáu người khác hoặc hơn thế. Lịch trình thời gian cho thấy rất cứng nhắc và chỉ còn được xê xích chút ít nếu trên thực tế chúng tôi sẽ phát sóng series này trên TV không muộn hơn dự kiến, vào mùa thu năm 1979.
Tôi giải thích dài dòng như thế về tình hình của tôi để làm sáng tỏ việc tôi không thể đưa ra cam kết không phải là do thiếu nhiệt tình dành cho dự án của ngài, mà đúng hơn hoàn toàn là do cam kết trước đối với một dự án, vốn có thể không quan trọng như thế nhưng lại phụ thuộc hơn rất nhiều vào sự tham gia của cá nhân tôi.
Cuộc tranh luận của Hayek đã không diễn ra. Ông bổ sung những câu cuối cùng vào “Ba nguồn gốc của các giá trị con người” khi xuất bản năm 1979 trong tác phẩm Luật, luật pháp và tự do, là khi “kết thúc lời bạt này tôi càng lúc càng ý thức được rằng đấy phải không phải là lời kết mà đúng hơn là một sự khởi đầu mới. Nhưng tôi thật khó mà dám hy vọng nó có thể như thế đối với mình.”Tuy nhiên, trong lời tựa cho ấn bản hợp nhất của tác phẩm Luật, luật pháp và tự do năm 1982, ông bổ sung, “Tôi đã nói trong lời kết rằng những gì mà tôi viết trong Lời bạt ấy không nên là một Lời bạt và mà là một sự khởi đầu mới. Tôi vui mừng là giờ đây có thể nói điều này hoá ra là vậy và Lời bạt ấy nay trở thành đề cương của cuốn sách mới mà hiện tôi vừa hoàn thành bản thảo thứ nhất.”
Ông dành nhiều thời gian cuối những năm 1970 và đầu 1980 cho tác phẩm Sự tự phụ chết người, không bao giờ hoàn chỉnh được theo ý thích của mình. Công trình phát triển từ một sự thách thức tranh luận tương đối ngắn ngủi trở thành một luận thuyết gồm ba phần, tương tự Hiến pháp về quyền tự do và Luật, pháp luật và tự do. Tác phẩm Sự tự phụ chết người có một số bản thảo. Tiêu đề của nó được ông lấy từ một cụm từ của Adam Smith, “sự tự phụ thái quá” (the overweening conceit), mà ông nghĩ Smith đã áp dụng cho các nhà trí thức kiêu hãnh giả tạo, những người vốn tin rằng họ có thể hoạch định xã hội theo cách thức ưu việt hơn thị trường cạnh tranh.
Có hai phiên bản bản thảo cơ sở mà Hayek từng làm việc về tác phẩm này. Buchanan mô tả bản đầu tiên, “Trước đầu thập niên 1980, dường như giáo sư Hayek đang tiến triển tốt với dự án của mình. Một cuộc hội nghị nhỏ ở Obergurgl, Áo, nơi Hayek vẫn lui về nghỉ hè suốt thời gian khoảng 30 năm, do Steve Pejovich tổ chức, và Liberty Fund (Quỹ Tự do) tài trợ, nhằm mục đích rõ ràng là hỗ trợ Hayek trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng. Khoảng mười lăm người chúng tôi tập trung vào tháng 8 năm 1982, gồm có Peter Bauer, Ronald Coase và George Stigler. Tôi phải nói là chúng tôi không thật hài lòng với bản thảo mà chúng tôi nhận được, và, với tư cách những nhà phê bình, những người đồng thời xác nhận sự tôn trọng lớn nhất dành cho giáo sư Hayek, chúng tôi cảm thấy không nên đề nghị xuất bản.”Phiên bản thứ hai của tác phẩm Sự tự phụ chết người mà Hayek làm việc là các bản thảo và tái bản thảo mà ông viết vào cuối những năm 1982, 1983, 1984, và những tháng đầu tiên của năm 1985 trước khi sự đau yếu buộc ông phải vĩnh viễn rời xa công trình.
Vai trò của William Warren Bartley trong việc biên tập tác phẩm Sự tự phụ chết người đã được công bố là độc nhất so với bất kỳ công trình nào khác của Hayek. Bartley từng chuẩn bị trở thành nhà viết tiểu sử chính thức của Hayek và chủ biên bộ Hayek toàn tập của ông. Năm 1985, khi Hayek bắt đầu ốm yếu, Bartley đảm nhận vai trò quan trọng hơn rất nhiều đối với tác phẩm Sự tự phụ chết người so với kế hoạch ban đầu. Bartley mất tháng 2 năm 1990, trước khi ông có thời gian hoàn thành tiểu sử Hayek. Stephen Kresge, phó chủ biên bộ Hayek toàn tập, trở thành chủ biên. Ngoài ra, Walter Morris, một doanh nhân về hưu, cũng đóng vai trò có tính quyết định trong việc khởi xướng và cỗ vũ cho bộ F. A. Hayek toàn tập.
Tác phẩm Sự tự phụ chết người không được đón nhận hoàn toàn tích cực khi xuất bản năm 1988. Mặc dù người ta có đề cập với thái độ tôn trọng đến sự uyên bác và thiên tài của Hayek loé lên đây đó trong cuốn sách, song nó vẫn không được hình dung là đáp ứng được những kỳ vọng lớn lao mà Hayek từng khẳng định trước đấy. Đến thời điểm cuốn sách được công bố, Hayek đã mất hết khả năng làm việc. Sự nghiệp chuyên môn của ông đã trôi qua.
Thời gian ông viết tác phẩm Sự tự phụ chết người là khoảng bảy năm, từ khi ông chấp bút bài diễn thuyết “Ba nguồn gốc của các giá trị con người” nửa đầu năm 1978, cho đến nửa đầu năm 1985. Quãng thời gian dễ chịu gần cuối đời của ông kéo dài già một thập niên kể từ thời điểm ông nhận giải Nobel tháng 12 năm 1974 cho đến khi ông trở nên ốm yếu và không thể làm việc được. Đặc biệt, khi ông dốc sức cho phiên bản thứ hai của tác phẩm vào những năm đầu và giữa thập niên 1980, ông đã bắt đầu chịu đựng những khó khăn về sức khoẻ. Cuối những năm 1970 và nửa đầu thập niên 1980, ông trải qua một số đợt đau yếu kéo dài.
Ban đầu Hayek tỏ ra hăng hái với tác phẩm Sự tự phụ chết người, tuy nhiên thư ký của ông (Cubitt) còn nhớ là ông đã đi đến tự hỏi liệu có phải trước đấy mình chưa từng viết nhiều, nếu không nói là phần lớn, nội dung của cuốn sách ở nơi khác và lại còn viết tốt hơn nữa hay không, và liệu có phải công trình này không quá lặp đi lặp lại hay không. Ông cũng thất vọng là đã không tự mình hoàn thiện được cuốn sách.
Thông điệp đạo đức cuối cùng của Hayek trong tác phẩm Sự tự phụ chết người là “cuộc sống không có mục đích nào khác ngoài chính nó.” Mục đích của cuộc sống là sự phồn vinh, dồi dào, đa dạng và vui sướng. Ý tưởng cơ bản của tác phẩm, thể hiện rõ ràng nhất ở phần giới thiệu và các chương đầu tiên, là quá trình phát triển của đời sống con người diễn ra đồng thời với quá trình phát triển tri thức, công nghệ, và sáng tạo vật chất, và xã hội nào mà ở đó những thứ này phát triển hơn hết là xã hội tốt nhất. Hơn thế, sự tăng trưởng của hoạt động thương mại cùng với nền văn minh là một.
Hayek từng một số lần mô tả công trình đang tiến triển của mình vào cuối những năm 1970 và nửa đầu những năm 1980. Ông phát biểu trong một cuộc phỏng vấn năm 1978:
Nội dung hiện tôi đang viết có tên là “Đặc điểm phản tiến bộ của quan niệm xã hội chủ nghĩa” (The Reactionary Character of the Socialist Conception). Thực chất luận điểm của tôi là những bản năng của chúng ta được hình thành trong một xã hội mặt đối mặt nhỏ bé, nơi chúng ta phục vụ những nhu cầu nhìn thấy được của người khác. Giờ đây, xã hội [mở] đã được xây dựng bởi những tín hiệu tuân theo của chúng ta, vốn cho phép chúng ta phục vụ những người chưa biết, và sử dụng những nguồn lực chưa biết để phục vụ cho mục đích ấy. Giờ đây bản năng của chúng ta vẫn là việc chúng ta muốn thấy mình phục vụ ai, và chúng ta muốn liên kết với những đồng bạn ngay cạnh mình trong việc phục vụ những mục đích chung. Giờ đây, cả hai thứ này đều không tương thích với xã hội [mở]. Xã hội trở nên khả thi khi, thay vì nhằm đến nhu cầu đã biết của những người đã biết, người ta lại được định hướng bởi những tín hiệu trừu tượng của các mức giá cả …
Chỉ ở trong tự do các bạn mới có tiến hoá thực sự. Bất cứ ở đâu có một cộng đồng hoàn toàn nằm dưới sự chỉ huy của một hệ thống độc đoán, thì ở đó không có tiến hoá. Tự do khiến cho tiến hoá trở nên khả thi, và những gì mà các bạn có được trong một hệ thống không tự do là bởi thực tế theo đó sự xuất hiện của những thứ tốt đẹp hơn đã bị ngăn chặn.
… những nguyên tắc luân lý, vốn tồn tại trong nhóm người nhỏ bé mặt đối mặt, đã quyết định những bản năng thừa kế sinh học của chúng ta, và vẫn còn rất mạnh mẽ trong chúng ta. Theo tôi, toàn bộ nền văn minh đã phát triển thông qua việc kiềm chế những bản năng tự nhiên này. Chúng ta thậm chí có thể dùng lối nói là con người đã được văn minh hoá rất nhiều là nhờ chống lại những ý muốn của mình. Con người căm ghét quá trình văn minh hoá. Cá nhân thu được lợi ích từ quá trình đó, tuy nhiên việc từ bỏ nói chung đối với những bản năng tự nhiên ấy, và tự thích nghi với việc tuân theo những nguyên tắc chính thức, là một quá trình hết sức khó khăn. Và con người vẫn không ưa gì chúng…
Chức năng của chính phủ, rất thường xuyên, là nhằm ngăn cản quá trình tiến hoá thêm.
Mùa hè năm 1985, ông nhận xét về tác phẩm đang thành hình của mình, “toàn bộ ý tưởng, về cơ bản, [là] ở chỗ một phần trật tự hợp tác của chúng ta không phải dựa trên những ý đồ chủ định mà chúng ta hiểu được, mà là dựa trên các truyền thống đã phổ biến bởi vì [chúng] cho phép nhiều người sống hơn những truyền thống khác. Một loại giải pháp kiểu Darwin, tuy thế lại khác với học thuyết Darwin sinh học (biological Darwinism) ở chỗ nó không dựa trên sự chọn lọc cá thể… [Các truyền thống ấy] chỉ lộ diện trong thành công gộp chung của cả nhóm. Suy rộng ra, tôi muốn nói tới một trật tự nằm ngoài tầm nhìn của chúng ta. Chính vì cái thực tế đơn giản là tất cả chúng ta đều làm việc cho những người mà chúng ta không biết, và được cung cấp bởi những người mà chúng ta không biết, mà chúng ta sống trong một trật tự không thể nhận thức được, theo nghĩa đó.”
Năm 1984 ông lập luận, “chủ nghĩa xã hội giả thiết rằng toàn bộ tri thức sẵn có có thể được một chính quyền trung ương độc nhất sử dụng. Nó bỏ qua việc xã hội hiện đại dựa trên sự khai thác tri thức phân tán rộng rãi. Và một khi bạn ý thức được rằng chúng ta có thể đạt được sự khai thác to lớn kia đối với các nguồn lực sẵn có chỉ là vì chúng ta sử dụng tri thức của hàng triệu con người, thì giả thuyết của chủ nghĩa xã hội về việc chính quyền trung ương làm chủ được tri thức ấy rõ ràng là rất không đúng. Theo tôi, hình thức hay nhất để diễn đạt nó là khẳng định rằng chủ nghĩa xã hội, thông qua việc phản đối hoạt động sản xuất vì lợi nhuận và không phải vì mục đích sử dụng, đã chống lại những gì khiến cho xã hội mở rộng trở nên khả thi. Lợi nhuận là tín hiệu cho chúng ta biết được những gì chúng ta phải làm nhằm phục vụ những người mà chúng ta không biết. Thông qua việc theo đuổi lợi nhuận, chúng ta thể hiện bản chất vị tha nhất mà mình có thể, bởi lẽ chúng ta dành sự quan tâm của mình cho những người nằm ngoài phạm vi hiểu biết cá nhân của chúng ta.”
Vấn đề ai là người cần được phó thác với những nguồn lực vật chất được giải quyết một cách lý tưởng dưới chủ nghĩa tư bản thông qua việc ai là người tạo ra nhiều lợi nhuận hơn cả. Trong tác phẩm Sự tự phụ chết người đã công bố, Hayek viết, “lợi nhuận là tất cả những gì mà hầu hết các nhà sản xuất đều cần thiết để có thể phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của những người mà họ không biết. Chúng là một công cụ tìm kiếm – giống như ý nghĩa của việc kính viễn vọng kéo dài tầm nhìn của nó đối với người lính hay người thợ săn, người thuỷ thủ hay viên phi công.” Mở rộng cùng suy nghĩ ấy, ông cũng nhận xét, trong “quá trình tiến hoá của cơ cấu các hoạt động con người, khả năng sinh lợi đóng vai trò tín hiệu dẫn dắt quá trình chọn lọc nhằm đến những gì khiến cho con người tạo ra nhiều thành quả hơn; nhìn chung, chỉ cái gì sinh lợi nhuận mới thúc đẩy nhiều người hơn, bởi những gì nó hy sinh ít hơn kết quả mà nó đem lại.” Lợi nhuận và giá cả là những bàn tay vô hình.
Chú thích:
(1)Leonard Trelawney Hobhouse (1864-1929): Triết gia, nhà xã hội học, nhà báo người Anh. Tác phẩm chính của ông có Democracy and Reaction (1904), Theory of Knowledge (1896), Morals in Evolution, và Social Development (1924). (N.D.)
(2) Free to Choose: A Personal Statement vừa là một cuốn sách vừa là loạt phim truyền hình mười tập của Milton và Rose D. Friedman, giải thích cơ chế hoạt động của thị trường tự do, và khẳng định nó có thể giải quyết những vấn đề mà các phương pháp tiếp cận khác đã thất bại. (N.D.)
Nguồn: Alan Ebenstein, Friedrich Hayek - Cuộc đời và sự nghiệp, Phần VI, Chương 39, Nhà xuất bản Tri Thức 2007