Chủ nghĩa cá nhân: Thật và Giả (Phần 3/5)

Chủ nghĩa cá nhân: Thật và Giả (Phần 3/5)

5

Từ nhận thức về những hạn chế của tri thức cá nhân và từ thực tế là không ai hoặc không một nhóm nhỏ người nào có thể biết đầy đủ về cái mà một ai đó biết, chủ nghĩa cá nhân chân chính cũng đưa ra kết luận thực tiễn chủ đạo của nó là: sự đòi hỏi về việc hạn chế chặt chẽ tất cả các loại quyền lực độc đoán hoặc quyền lực cưỡng bức. Tuy vậy, nó chỉ chống lại việc sử dụng sự cưỡng bức trong việc hình thành tổ chức hay hiệp hội chứ không chống lại bản thân hiệp hội như nó hiện hữu. Thay vì trở thành đối nghịch với hiệp hội tự nguyện thì ngược lại, kho tàng của người theo chủ nghĩa cá nhân chân chính dựa trên luận điểm cho rằng hầu hết những điều mà theo ý kiến của nhiều người là chỉ có thể đạt được thông qua sự dẫn dắt có chủ đích lại có thể đạt được tốt hơn nhờ sự hợp tác tự nguyện và tự phát bởi các cá nhân. Do đó, người theo chủ nghĩa cá nhân chân chính kiên định phải là một người đam mê việc hợp tác tự nguyện, ở bất cứ nơi đâu và bất kỳ khi nào khi điều này không bị thoái hoá, biến thành sự cưỡng ép người khác tham gia hoặc dẫn tới sự hình thành các loại quyền lực độc đoán.

Chủ nghĩa cá nhân chân chính, tất nhiên, không phải là chủ nghĩa vô chính phủ - một loại sản phẩm của chủ nghĩa cá nhân giả hiệu duy lí, cái mà chủ nghĩa cá nhân chân chính chống lại. Nó không phủ nhận sự cần thiết của quyền lực cưỡng bức mà là mong muốn hạn chế nó - giới hạn nó vào trong những lĩnh vực nơi không thể thiếu nó để ngăn chặn sự cưỡng bức bởi những kẻ khác và nhằm giảm toàn bộ mức độ cưỡng bức xuống mức thấp nhất. Trong khi tất cả các triết gia của chủ nghĩa cá nhân có lẽ đã đồng ý về công thức chung này thì cũng cần phải thừa nhận rằng không phải họ luôn có nhiều hiểu biết về ứng dụng của nó vào các trường hợp chuyên biệt. Chẳng phải việc sử dụng cụm từ đã quá bị lạm dụng và bị hiểu sai lệch “laissez faire”, cũng chẳng phải việc sử dụng thứ công thức còn lỗi thời hơn “bảo vệ tính mạng, tự do, và của cải” sẽ đem lại nhiều ích lợi. Thực tế là tới chừng nào mà cả hai (công thức trên) vẫn có xu hướng cho rằng đơn giản là chúng ta có thể để mặc kệ cho các sự việc tự diễn thì chừng đó chúng vẫn có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn so với khi chúng ta đưa ra được giải pháp; tất nhiên, những công thức này không cho chúng ta biết đâu là và đâu không phải là những lĩnh vực đòi hỏi hoặc cần thiết có sự hoạt động của chính quyền. Vì thế, điều quyết định liệu triết học cá nhân chủ nghĩa có thể giúp chúng ta trong vai trò như là một sự chỉ dẫn thực tiễn nào đó hay không rốt cuộc sẽ phải phụ thuộc vào việc liệu nó sẽ cho phép chúng ta phân biệt được đâu là những việc mà chính quyền phải làm và không được làm.

Đối với tôi, một số quy tắc chung thuộc loại này, vốn được áp dụng rất rộng rãi, có lẽ được rút ra từ những châm ngôn căn bản của chủ nghĩa cá nhân: nếu mỗi người phải sử dụng tri thức và kỹ năng riêng biệt của mình với mục đích thúc đẩy các mục đích khác mà anh ta quan tâm và nếu trong quá trình làm như thế, anh ta sẽ đóng góp nhiều nhất có thể cho các nhu cầu vượt ra ngoài sự kiểm soát của mình thì rõ ràng sẽ phải là: thứ nhất, anh ta sẽ có một phạm vi trách nhiệm được phân định rõ ràng, và thứ hai, tầm quan trọng tương đối đối với anh ta về các kết quả khác nhau mà anh có thể đạt được phải tương ứng với tầm quan trọng tương đối đối với những người khác về các ảnh hưởng xa mà anh ta không hề biết tới do hành động của mình tạo ra.

Trước tiên, chúng ta hãy xem xét vấn đề xác định phạm vi trách nhiệm và tạm gác việc phân tích vấn đề thứ hai sang phần sau. Nếu con người phải duy trì tự do để sử dụng đầy đủ tri thức và kỹ năng của mình thì sự phân định rõ ràng phạm vi trách nhiệm nhất thiết không được ở dưới dạng giao cho anh ta những mục đích cụ thể và yêu cầu anh ta phải cố gắng hoàn thành. Đấy là sự áp đặt một nhiệm vụ cụ thể thay vì phân định phạm vi trách nhiệm. Nó cũng không được ở dưới dạng phân bổ cho anh ta các nguồn lực nhất định do một cấp có thẩm quyền nào đó lựa chọn; việc này sẽ tước đi của anh ta hầu hết quyền lựa chọn, chẳng khác gì việc áp đặt những nhiệm vụ nhất định. Nếu con người cần phải định đoạt các lộc trời cho mình dưới dạng kết quả của các hoạt động và công việc hoạch định của chính anh ta thì điều này nhất định dẫn đến việc phạm vi trách nhiệm của anh ta phải được xác định. Giải pháp mà loài người dần dần đưa ra cho vấn đề này, và theo ngôn ngữ hiện đại, là sự hình thành chính phủ, là sự chấp nhận các nguyên lí hình thức, “một quy tắc thường xuyên, chung cho mọi người của xã hội đó”1 - tức các quy tắc trước hết cho phép con người phân biệt giữa của ta và của họ và từ đó, anh ta và bè bạn của mình có thể biết chắc đâu là phạm vi trách nhiệm của mình và đâu là phạm vi trách nhiệm của người khác.

Sự tương phản căn bản giữa kiểu chính quyền dựa trên quy tắc, mà mục đích chính của chính quyền này là thông báo cho các cá nhân đâu là phạm vi trách nhiệm mà anh ta phải tự thu xếp cuộc sống của mình, và kiểu chính quyền dựa trên các mệnh lệnh, áp đặt các nghĩa vụ nhất định, đã trở nên quá mờ nhạt trong những năm gần đây; đây là lí do khiến chúng ta vẫn cần phải xem xét vấn đề này thêm một chút nữa. Nó liên quan mật thiết với việc phân biệt giữa tự do theo luật với việc sử dụng bộ máy lập pháp (làm luật), dù dân chủ hay không, để thủ tiêu tự do. Điều căn bản không phải là việc nên có một loại nguyên lí định hướng nào đó để làm nền cho các hành động của chính quyền mà là chính quyền phải được giới hạn vào việc giúp cho các cá nhân thấy được những nguyên lí mà họ biết và có thể cân nhắc trong các quyết định của mình. Hơn nữa, điều này có nghĩa là cái mà một cá nhân nào đó có thể hoặc không thể làm, hoặc cái mà anh ta có thể mong muốn đồng bào của mình làm hoặc không làm, không được phụ thuộc vào một số các hậu quả gián tiếp, xa tít tắp có thể gây ra bởi những hành động của anh ta mà phải phụ thuộc vào các hoàn cảnh trước mắt, có thể dễ dàng phân biệt và có lẽ là anh ta biết đến. Anh ta phải có những quy tắc gắn với các tình huống tiêu biểu, được đặt ra dựa trên cái có thể được biết đối với những người đang hành động, chứ không cần phải quan tâm đến các ảnh hưởng xa xôi ở một nơi nào đó - các quy tắc mà, nếu chúng được tuân thủ đều đặn, sẽ đem lại lợi ích trong đa số các trường hợp; và anh ta vẫn cần phải có các quy tắc như thế ngay cả khi chúng không mang lại kết quả như vậy trong “các trường hợp khó khiến cho luật lệ không áp dụng được” (“hard cases which make bad law”), như theo cách nói của phương ngôn.

Nguyên lí chung nhất mà một hệ thống theo chủ nghĩa cá nhân dựa vào là nó sử dụng sự chấp nhận phổ quát những nguyên lí chung như là phương tiện để tạo dựng trật tự cho các tình trạng xã hội. Đối nghịch với việc quản lý xã hội dựa trên các nguyên lí kiểu như vậy là việc xây dựng một bản kế hoạch mẫu (blueprint) cho một nền kinh tế có kiểm soát, như được đề xuất gần đây, theo đó “nguyên lí nền tảng của việc tổ chức [xã hội]… là, trong bất cứ hoàn cảnh nào, loại phương tiện dùng để phục vụ xã hội tốt nhất nên là loại [đang] chiếm ưu thế”2. Đấy là một nhầm lẫn nghiêm trọng về khái niệm nguyên lí. Họ chẳng nói gì về nguyên lí khi tất cả những thứ trên chỉ có nghĩa là chẳng có nguyên lí gì hết ngoại trừ sự ngự trị của các toan tính hơn thiệt, khi mọi thứ phụ thuộc vào cái mà cơ quan chủ quản ban hành sắc lệnh cho rằng nó có “ý nghĩa đối với xã hội”. Các nguyên lí là một phương tiện để ngăn chặn sự chà đạp giữa những mục tiêu mâu thuẫn chứ không phải là một tập hợp các mục đích cố định. Với chúng ta, việc tuân theo các nguyên lí chung là cần thiết bởi chúng ta không thể có đầy đủ tri thức và khả năng phán xét về tất cả các hậu quả để dẫn dắt hành động hằng ngày của chúng ta. Chừng nào con người vẫn chưa thông tuệ thì chỉ có một cách duy nhất có thể mang lại tự do cho mỗi cá nhân là dựa trên các nguyên lí chung như thế để định rõ phạm vi mà ở đó anh ta có quyền ra quyết định. Sẽ không có tự do nếu chính phủ không bị giới hạn vào các loại phạm trù công việc cụ thể thay vì có thể sử dụng các quyền lực của mình theo bất kỳ cách nào để phục vụ các mục đích cụ thể. Như Lord Acton đã chỉ ra lâu lắm rồi: “Bất cứ khi nào một khách thể xác định, đơn lẻ được tôn lên thành mục tiêu tối thượng của Quốc gia, đẩy nó trở thành ưu thế của một tầng lớp, thành vật bảo vệ hay sức mạnh của đất nước, thành niềm hạnh phúc lớn lao nhất cho một số đông nhất hoặc niềm động viên cho bất kỳ một lí tưởng suy biện nào thì Quốc gia đó nhất định sẽ rơi vào tình trạng vô luật trong thời đại đó”3.

6

Nhưng nếu kết luận của chúng ta là trật tự theo chủ nghĩa cá nhân phải dựa trên việc triển khai các nguyên lí trừu tượng thay vì thi hành những mệnh lệnh cụ thể thì chúng ta vẫn còn để ngỏ câu hỏi: Đâu là loại quy tắc phổ quát mà chúng ta muốn có? Trật tự theo chủ nghĩa cá nhân về cơ bản giúp giới hạn việc thi hành các quyền lực cưỡng bức vào một khung khổ duy nhất, nhưng vẫn cho phép một phạm vi hầu như vô hạn đối với tài khéo léo của con người trong việc thiết kế một tập hợp các quy tắc [phổ quát] có hiệu quả nhất; và dù rằng giải pháp hữu hiệu nhất cho những vấn đề cụ thể trong hầu hết các trường hợp sẽ phải xuất phát từ kinh nghiệm thì từ những nguyên lí chung của chủ nghĩa cá nhân chúng ta vẫn có thể học hỏi được nhiều điều hữu ích liên quan đến bản chất và nội dung đáng muốn của những quy tắc phổ quát này. Trước tiên, đó là một hệ quả quan trọng của điều đã được đề cập đến, rằng các quy tắc nên được thiết kế sao cho luôn hợp lệ trong những khoảng thời gian dài bởi vì chúng dùng để chỉ dẫn cho các cá nhân xây dựng những kế hoạch của họ. Chính sách dựa trên nền tảng tự do hoặc dựa trên chủ nghĩa cá nhân nhất thiết phải là chính sách dài hạn; trào lưu hiện nay tập trung vào những ảnh hưởng ngắn hạn và biện luận bằng lí lẽ “trong dài hạn, chúng ta sẽ chết sạch cả”, nhất định dẫn tới việc trông đợi vào các trật tự được điều chỉnh một cách đối phó theo những hoàn cảnh cụ thể thay vì các quy tắc được tạo lập cho những tình huống tiêu biểu.

Tuy nhiên, các nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa cá nhân có thể cung cấp cho chúng ta thêm nhiều chỉ dẫn nữa ngoài hệ quả trên để xây dựng một hệ thống pháp luật phù hợp. Lòng nhiệt thành khiến cho con người, bằng cách theo đuổi những lợi ích của chính họ, đóng góp ở mức cao nhất có thể cho các nhu cầu của những người khác, không chỉ tạo ra nguyên lí chung về “sở hữu tư nhân” mà còn trợ giúp chúng ta trong việc xác định đâu là những nội dung của các quyền sở hữu bắt buộc phải có liên quan đến nhiều loại vật dụng khác nhau. Để cho mỗi cá nhân trong các quyết định của mình cân nhắc đến tất cả những ảnh hưởng vật chất gây ra bởi các quyết định ấy thì điều cần thiết là phải thiết lập “phạm vi trách nhiệm” mà tôi đã đề cập tới ở trên, để bao gồm ở mức đầy đủ nhất tất cả những ảnh hưởng trực tiếp mà hành động của anh ta tạo ra đối với các mong đợi của những người khác đối với những thứ thuộc kiểm soát của anh ta. Xét về tổng thể, điều này có thể đạt được thông qua quan niệm đơn giản về sở hữu như là quyền không chia sẻ (exclusive right) trong việc sử dụng một vật dụng cụ thể khi cân nhắc đến cả các ảnh hưởng di động, hay cái mà giới luật sư gọi là “động sản”(chattels). Nhưng quan niệm này làm nảy sinh thêm một số khó khăn trong trường hợp đất đai, loại tài sản mà việc công nhận nguyên lí về sở hữu tư nhân chỉ thực sự hữu dụng cho tới khi chúng ta biết chính xác các loại quyền và trách nhiệm gắn với việc sở hữu là gì. Và khi chúng ta chuyển sang những vấn đề mới nảy sinh thuộc kiểu này như việc kiểm soát không khí hay nguồn điện năng, hay các sáng chế và các tác phẩm văn học hoặc nghệ thuật, thì việc quay trở lại căn nguyên của sở hữu sẽ là con đường tắt để giúp chúng ta xác định đâu là phạm vi kiểm soát hoặc trách nhiệm của cá nhân trong từng trường hợp cụ thể.

Tôi không thể đi sâu hơn nữa vào chủ đề hấp dẫn liên quan đến khung pháp luật cho một hệ thống hiệu quả dựa trên nền tảng chủ nghĩa cá nhân hoặc dấn tiếp vào bàn luận thêm nhiều chức năng phụ trợ khác như việc hỗ trợ lan tỏa thông tin và hạn chế bất trắc mà trên nguyên tắc là có khả năng tránh được4, nhờ đó có lẽ chính quyền có thể làm tăng đáng kể hiệu quả của hành động cá nhân. Tôi đề cập đến chúng đơn thuần chỉ nhằm nhấn mạnh là chính quyền có nhiều chức năng khác nữa (và phi cưỡng bức!) ngoài việc thực thi chỉ đơn thuần luật dân sự và hình sự vốn có thể hoàn toàn biện minh được dựa trên các nguyên lí của chủ nghĩa cá nhân.

Tuy nhiên, vẫn còn một điểm mà tôi đã đề cập đến nhưng vì nó rất quan trọng nên tôi buộc phải làm sáng tỏ thêm. Đó là bất kỳ một trật tự khả thi dựa trên chủ nghĩa cá nhân nào cũng phải được sắp đặt sao cho, thứ nhất, những phần thưởng tương đối mà một cá nhân cụ thể mong đợi từ các cách sử dụng những khả năng và nguồn lực của anh ta tương ứng với độ hữu dụng tương đối mang lại cho người khác từ các nỗ lực của anh ta, và thứ hai, những phần thưởng này cần tương ứng với các kết quả vật chất, khách quan tạo ra từ các nỗ lực của anh ta, chứ không phải với các đánh giá chủ quan về những nỗ lực này. Nhưng, liên quan đến khía cạnh thứ hai này, tình cảm riêng tư của chúng ta về lẽ công bằng thường chống lại các quyết định vô tư của thị trường. Hơn nữa, nếu cá nhân có quyền tự do lựa chọn thì sẽ không thể tránh khỏi việc anh ta phải gánh chịu rủi ro cho các lựa chọn của mình, và nhờ đó anh ta sẽ được đền đáp lại, không phải theo quan niệm tốt-xấu của mình, mà chỉ theo giá trị mà các kết quả đó đem lại cho người khác. Chúng ta nhất thiết phải đối mặt với một thực tế là việc gìn giữ tự do cá nhân là bất tương thích với mong ước vẹn toàn của chúng ta về sự công bằng dựa trên phân phối.

7

Do vậy, trong khi lí thuyết của chủ nghĩa cá nhân góp phần nhất định vào việc tạo ra công cụ để hình thành một khung pháp luật phù hợp và để cải thiện các thể chế vốn đã tiến triển một cách tự phát thì điều nó muốn nhấn mạnh là một thực tế theo đó, phần trật tự xã hội có thể hoặc bắt buộc phải là một sản phẩm được xây dựng có chủ ý bởi lí trí của con người chỉ là một phần nhỏ của tất các các xung lực của xã hội. Nói một cách khác, điều này có nghĩa là nhà nước, cơ quan quyền lực được điều khiển một cách có chủ ý và được tổ chức một cách có chủ đích, bắt buộc chỉ là một bộ phận rất nhỏ của một tổ chức phong phú hơn nhiều, được biết đến với cái tên “xã hội” và do đó, nhà nước bắt buộc chỉ đơn thuần là một bộ phận cung cấp một khung khổ cho phép việc hợp tác tự nguyện (và do vậy không cần “điều khiển một cách có chủ ý”) giữa các cá nhân được diễn ra ở mức độ rộng rãi nhất.

Điều này dẫn đến hệ quả tất yếu, theo đó, chủ nghĩa cá nhân chân chính một lần nữa lại đứng vào vị trí đối nghịch với chủ nghĩa cá nhân giả hiệu thuộc hệ chủ nghĩa duy lí. Thứ nhất, nhà nước được tổ chức một cách có chủ đích ở một bên và con người cá nhân ở phía bên kia, thay vì được xem như là hai thực thể duy nhất, trong khi tất cả các cơ quan và hiệp hội trung gian bị dẹp bỏ một cách có chủ ý [theo chủ nghĩa duy lí], như mục tiêu mà cuộc Cách mạng Pháp muốn đạt được, thì [theo chủ nghĩa cá nhân chân chính] các quy ước tự nguyện về giao tế xã hội lại được xem như là các yếu tố thiết yếu để bảo tồn khả năng vận hành êm thấm cho xã hội loài người. Thứ hai, một cá nhân nào đó, trong khi tham gia vào các quá trình xã hội, phải sẵn sàng và sẵn lòng tự điều chỉnh theo các thay đổi và chấp nhận các quy ước không phải là kết quả của sự thiết kế duy lí; đó là những quy ước mà trong những hoàn cảnh cụ thể anh ta có thể sẽ không nhận biết được tính hợp lí của chúng, không thể lí giải được vì sao chúng lại tồn tại một cách phi lí như vậy.

Tôi không cần phải nói thêm nhiều về hệ quả thứ nhất. Tức là chúng ta không cần phải đề cập thêm những điều như: chủ nghĩa cá nhân chân chính thừa nhận về giá trị của gia đình và thừa nhận tất cả các nỗ lực chung của một cộng đồng hay một nhóm nhỏ nào đó; nó tin tưởng vào các hiệp hội tự quản và tình nguyện, và thực chất hệ thống thực tiễn mà nó dựa vào chủ yếu là luận điểm theo đó đa phần những gì mà nhà nước viện dẫn để tiến hành việc cưỡng bức đều có thể thực hiện được thông qua hợp tác tự nguyện. Không có gì đối nghịch hơn điều này bằng việc chủ nghĩa cá nhân giả hiệu mong muốn phá tan tất cả các nhóm vốn đã nhỏ bé này thành những phần tử không có liên hệ gì với nhau ngoại trừ các luật lệ áp đặt bởi nhà nước và thiết lập tại đó tất cả những ràng buộc xã hội theo một kịch bản dựng sẵn, thay vì sử dụng nhà nước chủ yếu như một công cụ bảo vệ cá nhân khỏi sự lạm dụng những quyền lực cưỡng bức bởi các nhóm vốn đã nhỏ bé này.

Chiếm một vị trí quan trọng ngang bằng với những nhóm nhỏ này trong việc hình thành một xã hội dựa trên chủ nghĩa cá nhân là các truyền thống và các quy ước phát triển trong một xã hội tự do; đó là những thứ tạo thành các quy tắc, không do áp đặt từ trên xuống, uyển chuyển nhưng vẫn nhận biết được một cách bình thường để vẫn có thể phán đoán được hành vi của những người khác nhau với độ tin tưởng cao. Sự sẵn lòng chấp nhận các quy tắc này, không phải là cho tới khi có ai đó hiểu được lí do về sự tồn tại của chúng mà là cho tới khi người này không còn có lí do rõ ràng nào khác để phản đối, được xem như điều kiện thiết yếu cho sự tiến triển và cải thiện dần dần các quy tắc giao tế xã hội; và sự vui vẻ sẵn sàng chấp nhận các sản phẩm của một quá trình xã hội không phải là sản phẩm thiết kế của một ai đó. Cũng có lẽ việc không ai biết các nguyên do vì sao chúng nảy sinh là một điều kiện bắt buộc nếu muốn loại bỏ được sự ép buộc5. Việc tồn tại các truyền thống và quy ước chung giữa một nhóm người cho phép họ cùng nhau làm việc một cách nhịp nhàng và hiệu quả với bộ máy tổ chức gọn nhẹ, ít ép buộc hơn so với các nhóm không có cùng nền tảng chung dĩ nhiên là một luận điểm thông dụng. Nhưng luận điểm đảo của nó, dù còn khá xa lạ, có lẽ cũng đúng chẳng kém: đó là, có lẽ việc cưỡng bức chỉ có thể giảm được xuống mức tối thiểu trong một xã hội mà ở đó truyền thống và các quy ước khiến cho hành vi của con người ngày càng trở nên có khả năng phán đoán được6.

Điều này đưa tôi đến điểm thứ hai: tính cần thiết của việc một cá nhân nào đó chấp nhận các xung lực ẩn danh và dường như bất hợp lí của xã hội; sự chấp nhận này không chỉ bao gồm việc chấp nhận các quy tắc xử thế được coi như là hợp lệ, không cần xét tới yếu tố phụ thuộc vào sự hiện hữu của chúng trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó, mà còn bao gồm cả sự sẵn sàng tự điều chỉnh theo các thay đổi mà có thể ảnh hưởng một cách sâu sắc tới tiền đồ và cơ hội của anh ta cũng như cả việc không thể giải đoán một cách trọn vẹn những nguyên nhân của các thay đổi này. Đây thực ra là điều tồn tại trong bất kỳ một xã hội phức tạp nào mà các ảnh hưởng gây ra bởi hành động của bất kỳ người nào vượt xa khỏi tầm nhìn của chính anh ta. Thế nhưng con người hiện đại có xu hướng muốn lật đổ những quy tắc này, trừ phi chỉ ra được tính cần thiết của chúng, dựa theo nguyên tắc: “phải chỉ ra được cho mọi người lí do rành mạch và kín kẽ”. Chính ở điểm này, ham muốn về mặt trí tuệ mà chúng ta có thể cảm thông được lại sản sinh ra những nhu cầu quái gở, sai lầm mà không một hệ thống nào có thể đáp ứng được. Con người trong một xã hội hiện đại có thể không có lựa chọn nào khác ngoài sự lựa chọn giữa việc hoặc là tự điều chỉnh theo cái đối với anh ta dường như là những thế lực vô hình của quá trình xã hội, hoặc tuân theo các mệnh lệnh của người quản giáo. Chừng nào chỉ biết đến quy luật hà khắc của thị trường thì có lẽ anh ta vẫn còn mơ tưởng đến việc phó thác mình cho một bộ óc tài ba nào đó, nhưng khi làm điều này thì nhanh chóng anh ta sẽ phát hiện ra rằng cách thứ nhất vẫn còn để cho anh ta ít nhất một số cơ hội lựa chọn, trong khi cách thứ hai thì chẳng cho anh ta cái gì cả, và do vậy, việc lựa chọn một số phương án chẳng dễ chịu gì vẫn tốt hơn là phương án nô lệ cho một ai đó.

Việc không sẵn sàng bao dung hay tôn trọng các xung lực xã hội không phải là sản phẩm được thiết kế theo lí trí của con người - nguyên nhân quan trọng dẫn tới ham muốn hiện nay trong việc hoạch định kinh tế toàn diện, thực ra chỉ là một khía cạnh của một trào lưu rộng lớn hơn. Chúng ta bắt gặp cùng một xu hướng trong lĩnh vực luân lí và tập quán, trong ham muốn thay thế ngôn ngữ hiện hành bằng ngôn ngữ nhân tạo và trong toàn bộ thái độ hiện đại hướng tới các quá trình dẫn định sự tăng trưởng tri thức. Niềm tin rằng chỉ một hệ thống các luân lí chọn lọc tổng hợp, một ngôn ngữ nhân tạo, hoặc thậm chí một xã hội nhân tạo mới có thể được xem là đúng đắn trong kỷ nguyên khoa học, cũng như sự không sẵn sàng ngày càng tăng để chấp nhận trước các quy tắc đạo đức mà tính hữu dụng của nó không thể hiện ra được bằng lí trí, hoặc để thích nghi các tập quán mà nguyên do của nó không được biết tới, là tất cả các hình thái của cùng một quan điểm cơ bản: mong muốn mọi hoạt động xã hội phải là phần có khả năng nhận biết được của một kế hoạch thống nhất chặt chẽ. Chúng là hệ quả của cùng một thứ “chủ nghĩa cá nhân” duy lí trí mong muốn thấy mọi thứ phải là sản phẩm của lí trí cá nhân tỉnh táo. Tuy nhiên, rõ ràng đấy không phải là sản phẩm của chủ nghĩa cá nhân chân chính; thậm chí chúng có thể khiến cho sự vận hành của một hệ thống dựa trên chủ nghĩa cá nhân chân chính trở nên khó khăn hoặc không thể thực hiện được. Thực ra, bài học lớn nhất mà triết học cá nhân chủ nghĩa cho chúng ta biết về sản phẩm này là: trong khi không khó khăn gì để phá huỷ những nền tảng tự tiến, các nền tảng không thể thiếu của một nền văn minh tự do, thì có thể sẽ là vượt tầm sức lực của chúng ta trong việc tái xây dựng một cách có chủ đích đống tàn tích còn lại sau khi những nền tảng này bị phá huỷ thành một nền văn minh.

(Còn nữa)

Chú thích:

(1) John Locke, Two Treatises of Government (1690), c. II, ch. 4, § 22: “Tự do của con người dưới [sự cai quản của] chính phủ là phải có một quy tắc thường trực để sử dụng, chung cho mọi người của xã hội đó và được ban hành bởi cơ quan lập pháp được tạo dựng trên nó”.

(2) Lerner, sđd, tr. 5.

(3) Lord Acton, “Nationality” (1862), in lại trong The History of Freedom and Other Essays (1907), tr. 288.

(4) Tôi sợ là nếu không giải thích chi tiết hơn nữa phần bàn luận tương đối ngắn gọn của mình trong phần nội dung chính về các hành động mà một chính phủ có thể tiến hành theo cách mưu lợi để giảm sự bất trắc thực sự có khả năng tránh được cho các cá nhân thì có thể sẽ gây ra một số hiểu lầm. Luận điểm là, trong khi dễ dàng bảo vệ một cá nhân hay một nhóm cụ thể khỏi sự tổn thất do một thay đổi không biết trước gây ra bằng cách ngăn cản họ tiếp xúc với thông tin về sự thay đổi sau khi nó đã xảy ra, thì việc này đơn thuần là sự chuyển dịch tổn thất sang vai của người khác thay vì ngăn cản điều này. Nếu, ví dụ, vốn đầu tư vào một nhà máy rất tốn kém được bảo vệ khỏi sự mất mát gây ra bởi các phát minh mới bằng cách cấm giới thiệu các phát minh mới đó, thì điều này sẽ làm tăng độ an toàn cho các chủ sở hữu của nhà máy đó nhưng lại ngăn cản cộng đồng hưởng lợi ích từ các phát minh mới. Hay, nói một cách khác, nó không thực sự giảm bất trắc cho xã hội xét về tổng thể nếu chúng ta làm cho hành vi của dân chúng có thể dễ dàng phán đoán hơn bằng cách ngăn chặn họ tự thích ứng với sự thay đổi không thấy trước từ tri thức của họ về thế giới. Chỉ có một phương cách duy nhất thực sự giảm sự bất trắc là tăng tri thức trong xã hội, thay vì ngăn cản mọi người sử dụng tri thức mới.

(5) Sự khác biệt giữa cách tiếp cận duy lí trí luận và cá nhân luận chân chính được thể hiện rõ trong các quan điểm khác nhau bởi những nhà quan sát người Pháp đối với tính phi lí tính lộ rõ trong các thể chế xã hội của người Anh. Trong khi, chẳng hạn, Henri de Saint‑Simon phàn nàn rằng “cent volumes in folio, de caractère plus fin, ne suffiraient pas pour rendre compte de toutes les inconséquences or­ganiques qui existent en Angleterre” [Tạm dịch: mười tập sách chữ in cực nhỏ cũng không đủ để liệt kê hết những sự thiếu hợp lí của các thể chế xã hội đang tồn tại ở nước Anh] (Oeuvres de Saint‑Simon et d'Enfantin, [Paris, 1865 ‑ 781, XXXVIII, 179), thì de Tocqueville phát biểu ngược lại “que ces bizar­reries des Anglais pussent avoir quelques rapports avec leurs libertés, c'est ce qui ne lui tombe point dans l'esprit” [Tạm dịch: những sự kì cục này của người Anh có thể có những mối liên hệ với tính tự do của họ, đó là điều nằm trong tinh thần của họ] (L'Ancien régime et la révolution [ấn bản lần thứ 7; Paris, 1866], tr. 103).

(6) Cần thiết phải trích dẫn Edmund Burke thêm một lần nữa để nhắc nhở độc giả về câu hỏi vì sao, đối với ông, sức mạnh của các quy tắc đạo đức lại là một điều kiện thiết yếu về khả năng có một xã hội tự do? “Con người xứng đáng được hưởng quyền tự do dân sự”, ông viết, “chính xác tương ứng với mức độ mà họ đặt các nguyên lí đạo đức lên trên các ham muốn của chính họ; tương ứng với việc đặt tình yêu công bằng lên trên thói tham lam; tương ứng với việc đặt tính chắc chắn và điềm đạm trong hiểu biết lên trên tính tự phụ và kiêu căng; tương xứng với mức độ mà họ lắng nghe những người thông thái và đức hạnh, thay vì thích những lời tâng bốc của những kẻ đểu giả” (A Letter to a Member of the National Assembly [Thư gửi một nghị sĩ Quốc hội] [1791], trong Works[ấn bản của World's Classics], IV, 319).

Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 1, NXB Tri thức, 2016

Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh