Kinh tế học và Tri thức (Phần 3/4)

Kinh tế học và Tri thức (Phần 3/4)

6

Ở đây, trong mọi trường hợp, khi tôi nhấn mạnh tới sự khác biệt giữa sự tương hợp lẫn nhau (inter-compatibility) đơn thuần của các kế hoạch riêng lẻ1 và sự tương ứng giữa chúng với các sự kiện thực tế bên ngoài hay dữ liệu khách quan, thì tôi không có ý cho rằng sự tương hợp chủ quan không được tạo ra theo một cách nào đó bởi các sự kiện bên ngoài. Tất nhiên, không có lí do gì khiến cho dữ liệu chủ quan của những người khác nhau phải luôn tương ứng lẫn nhau trừ phi chúng đã là như vậy do trải nghiệm với cùng các sự kiện khách quan. Nhưng vấn đề là phân tích thuần túy về cân bằng không đề cập tới cách thức dẫn đến sự tương ứng này. Trong quá trình mô tả trạng thái cân bằng đang tồn tại như là kết quả của sự tương ứng, đơn giản người ta giả thiết dữ liệu chủ quan trùng khớp với sự kiện khách quan. Các mối quan hệ cân bằng không thể đơn thuần được rút ra từ các sự kiện khách quan, vì việc phân tích cái mà mọi người sẽ làm chỉ có thể bắt đầu từ cái họ biết. Phân tích cân bằng cũng không thể bắt đầu đơn thuần từ một tập dữ liệu chủ quan cho sẵn, do dữ liệu chủ quan của những người khác nhau sẽ hoặc có khả năng tương hợp hoặc không tương hợp với nhau, nghĩa là, chúng đã xác định liệu từng tồn tại sự cân bằng hay chưa.

Chúng ta sẽ không gặt hái thêm được điều gì nữa ở đây trừ phi muốn biết lý do tại sao chúng ta lại quan tâm tới trạng thái cân bằng đầy tính giả tưởng này. Dù các nhà kinh tế thuần túy lý thuyết đôi khi có phát biểu điều gì đi chăng nữa thì có lẽ không còn nghi ngờ gì hết cách lý giải duy nhất cho điều này là sự tồn tại mang tính giả định của xu hướng tiến tới sự cân bằng. Chỉ với nhận định này thì kinh tế học mới không còn là một bài toán logic thuần túy và trở thành khoa học thực nghiệm; và bây giờ là lúc chúng ta bàn đến kinh tế học như một ngành khoa học thực nghiệm.

Nhờ việc giải nghĩa trạng thái cân bằng, việc chỉ ra nội dung thực sự của nhận định về sự tồn tại của một xu hướng hướng tới cân bằng đã trở nên dễ dàng. Có thể nó hầu như không hàm ý gì cả ngoài nội dung: dưới những điều kiện nhất định, tri thức và ý định của các thành viên khác nhau trong xã hội được ngầm định ngày càng tiến tới sự đồng thuận, hay nói một cách khác kém tổng quát và kém chính xác hơn nhưng cụ thể hơn, những kỳ vọng của mọi người, và cụ thể là của các nghiệp chủ, sẽ ngày càng trở nên chuẩn xác. Ở dạng này nhận định về sự tồn tại của một xu hướng hướng tới cân bằng rõ ràng là một định đề thực nghiệm, nghĩa là, một nhận định về cái xảy ra trong thế giới hiện thực phải, ít nhất trên nguyên tắc, cho phép kiểm chứng. Và nó khiến mệnh đề khá trừu tượng của chúng mang một nghĩa phổ thông hơn nhiều. Có điều là chúng ta vẫn chưa làm sáng tỏ về (a) các điều kiện để giả định xu hướng này tồn tại và (b) bản chất của quá trình dẫn đến sự thay đổi của tri thức riêng lẻ.

7

Trong các bài viết thông thường về phân tích cân bằng, nhìn chung những câu hỏi về sự hình thành của trạng thái cân bằng cứ như thể đã được giải quyết. Nhưng, nếu để ý kỹ hơn, chúng ta nhanh chóng phát hiện ra rằng những cái tưởng như rõ như ban ngày này có giá trị không hơn gì việc chứng minh cho cái đã được giả thiết2. Phương thức nói chung để vượt qua câu hỏi này là giả thiết về một thị trường hoàn hảo tại đó mọi thành viên biết ngay tức thời tất cả các sự kiện. Ở đây cần phải nhớ rằng thị trường hoàn hảo - một điều kiện cần để thoả mãn các giả thiết trong phân tích cân bằng - phải không được bó hẹp trong các thị trường cụ thể của các loại hàng hoá riêng lẻ, mà là toàn bộ nền kinh tế phải được giả định là một thị trường hoàn hảo trong đó mọi người đều biết mọi thứ. Giả thiết về thị trường hoàn hảo do vậy chẳng có ý nghĩa gì hơn việc giả định theo đó mọi thành viên của cộng đồng, dù rằng không hoàn toàn thông tuệ, nhưng lại vẫn tự động biết mọi việc có liên quan đến quyết định của mình. Như vậy thì chẳng hoá ra kẻ tội đồ của chúng ta, “con người kinh tế”, kẻ mà chúng ta đã từng xua đuổi bằng ăn chay và cầu nguyện, đã lại trở lại qua lối cửa sau dưới lốt của một nhân vật gần như toàn năng.

Mệnh đề nếu mọi người biết mọi thứ thì họ ở trạng thái cân bằng là đúng, đơn giản bởi đó chính là cách thức mà chúng ta định nghĩa cân bằng. Giả thiết về một thị trường hoàn hảo theo nghĩa này chỉ là cách nói khác rằng trạng thái cân bằng tồn tại nhưng không đưa chúng ta tới gần hơn điều cần phải giải thích là khi nào và bằng cách nào một trạng thái như thế sẽ đạt được. Rõ ràng nếu muốn khẳng định, dưới những điều kiện nhất định, mọi người sẽ tiến tới trạng thái đó, chúng ta phải giải thích thông qua quá trình nào họ sẽ tiếp thu được tri thức cần thiết. Tất nhiên, bất kỳ giả thiết nào về quá trình tiếp thu tri thức trên thực tế trong suốt hành trình tiến tới trạng thái cân bằng này cũng sẽ có đặc tính giả thuyết. Nhưng điều này không có nghĩa là mọi giả thiết như thế đều được biện minh ở mức độ như nhau. Ở đây chúng ta phải làm việc với các giả thiết về nhân quả trong thế giới thực, nên điều được giả thiết không những phải là điều có khả năng xảy ra (tất nhiên không phải cho trường hợp chúng ta coi mọi người thông suốt) mà còn phải là điều được xem như là đúng; và ít nhất, trên nguyên tắc, phải có khả năng đưa ra các trường hợp cụ thể để minh họa rằng nó đúng.

Điều quan trọng ở đây là chính những giả thuyết hay giả thiết có vẻ như là phụ trợ này, những giả thiết đề cập đến việc mọi người học hỏi từ kinh nghiệm và về cách thức họ tiếp thu tri thức, lại cấu thành nội dung thực nghiệm của các định đề của chúng ta về cái xảy ra trong thế giới thực. Chúng thường xuất hiện trong một hình hài mờ nhạt, không trọn vẹn kiểu như mô tả về loại thị trường mà định đề của chúng ta đề cập đến; nhưng đây chỉ là một khía cạnh, mặc dù có lẽ là quan trọng nhất, của vấn đề tổng quát hơn là bằng cách nào tri thức được tiếp thu và truyền đạt. Điều quan trọng mà dường như các nhà kinh tế học thường không nhận thức được là, trên nhiều phương diện, bản chất của những giả thuyết này thực ra khác với các giả thiết tổng quát hơn để xây dựng Logic Thuần túy về Lựa chọn. Với tôi có lẽ có hai khác biệt chính:

Thứ nhất, những giả thiết để hình thành Logic Thuần túy về Lựa chọn là các sự kiện mà chúng ta biết là thông dụng đối với toàn bộ tư duy của con người. Chúng có lẽ được xem như là các tiên đề để xác định hay phân định lĩnh vực mà trong phạm vi đó chúng ta có thể hiểu hay tái tạo bằng tưởng tượng các quá trình suy nghĩ của những người khác. Do vậy chúng có khả năng áp dụng phổ biến cho lĩnh vực chúng ta quan tâm - dù tất nhiên đâu là các giới hạn cụ thể của lĩnh vực này lại là một câu hỏi thực nghiệm. Chúng đề cập tới một hình thức hành động của con người (cái mà chúng ta thường gọi là hành động có lí trí, thậm chí hành động có ý thức, nhằm phân biệt với hành động bản năng) thay vì tới các điều kiện cụ thể tại đó hành động này được tiến hành. Nhưng những giả thiết hay giả thuyết mà chúng ta phải đưa ra để giải thích các quá trình xã hội lại liên quan tới mối quan hệ giữa sự suy nghĩ của một cá nhân với thế giới bên ngoài, tức câu hỏi ở mức độ nào và bằng cách nào tri thức của anh ta tương ứng với các sự kiện bên ngoài. Và những giả thuyết cần phải thể hiện dưới dạng những nhận định về các liên kết nhân quả, về việc kinh nghiệm tạo thành tri thức như thế nào.

Thứ hai, nếu chúng ta có thể thực hiện việc phân tích một cách kín kẽ trong lĩnh vực Logic Thuần túy về Lựa chọn, tức trong khi ở đây chúng ta có thể phát triển một hệ thống hình thức bao gồm mọi tình huống mà chúng ta có thể hình dung thì các giả thuyết bổ trợ nhất thiết phải chọn lọc, nghĩa là, chúng ta phải chọn trong vô số những tình huống khả thể các dạng lí tưởng, các dạng mà vì một lý do nào đó chúng ta coi là cực kỳ có liên quan tới những điều kiện của thế giới thực3. Tất nhiên, chúng ta cũng có thể xây dựng một ngành khoa học riêng biệt, mà chủ đề của nó bị giới hạn vào khái niệm “thị trường hoàn hảo” hay một số khách thể được định nghĩa theo cách tương tự, giống như cách mà Logic Lựa chọn giới hạn chỉ áp dụng cho trường hợp những cá nhân phân bổ các phương tiện hữu hạn cho vô số các mục đích. Và với ngành khoa học được định nghĩa theo cách như vậy, các định đề của chúng ta sẽ lại trở nên đúng tiên nghiệm, nhưng với một cách thức như thế chúng ta thiếu hẳn sự biện minh (justification) vốn dĩ nằm trong giả thiết theo đó tình huống trong thế giới thực tương tự với cái chúng ta giả thiết nó phải là.

(còn nữa)

Chú thích:

(1) Hay, do đặc tính hằng đúng của Logic Thuần túy về Lựa chọn nên "các kế hoạch riêng lẻ" và "dữ liệu chủ quan" có thể được sử dụng thay thế lẫn nhau, thể hiện sự tương hợp giữa dữ liệu chủ quan của những người khác nhau.

(2) Điều này dường như được mặc nhiên chấp nhận, mặc dù hầu như không được xác nhận công khai, khi gần đây người ta thường xuyên nhấn mạnh là phân tích cân bằng chỉ mô tả các điều kiện để có trạng thái cân bằng mà không cần cố gắng chỉ ra trạng thái cân bằng từ dữ liệu. Phân tích cân bằng theo nghĩa này tất nhiên sẽ là thuần tuý logic và không chứa đựng bất kỳ nhận định nào về thế giới thực.

(3) Phân biệt được đưa ra ở đây có lẽ giúp cho việc giải quyết sự khác biệt còn tồn đọng giữa các nhà kinh tế học và xã hội học về vai trò mà "các dạng lí tưởng" thể hiện trong lập luận của lí thuyết kinh tế. Các nhà xã hội học thường nhấn mạnh rằng quy trình phân tích thông thường của lí thuyết kinh tế liên quan đến việc đưa ra giả thiết về những dạng lí tưởng cụ thể, trong khi các lí thuyết gia kinh tế chỉ ra là lí luận của mình thuộc dạng tổng quát đến mức anh ta không cần sử dụng bất kì "dạng lí tưởng" nào. Có vẻ như là nhận định này đúng trong lĩnh vực vốn được giới kinh tế học chú tâm, đó là Logic Thuần túy về Lựa chọn, nhưng ngay khi anh ta muốn sử dụng nó để giải thích về một quá trình xã hội, anh ta phải sử dụng "các dạng lí tưởng" theo một kiểu nào đó.

Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 2, NXB Tri thức, 2016

 

Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh