Sử dụng tri thức trong xã hội (Phần 3/3)
6
Chúng ta phải nhìn nhận hệ thống giá cả theo đúng nghĩa như là một cơ cấu vì mục đích truyền đạt thông tin nếu muốn hiểu vai trò thực sự của nó - một vai trò mà tất nhiên nó thủ vai kém hoàn mỹ hơn, do các mức giá phát sinh cứng nhắc hơn (Tuy nhiên, ngay cả khi các mức giá niêm yết trở nên quá cứng nhắc thì các xung lực, lẽ ra xuất hiện khi có các thay đổi về giá, vẫn sẽ tiếp tục diễn ra với một cường độ đáng kể qua các thay đổi liên quan đến các điều khoản khác nhau của hợp đồng). Cơ sở quan trọng nhất về hệ thống này là tính kinh tế nhờ tri thức - nguyên lí giúp nó vận hành, tức là, giúp các thành viên riêng lẻ xác định được họ cần thêm bao nhiêu tri thức để có thể hành động hợp lí. Dưới hình thức giản lược, bằng một loại biểu tượng, chỉ những thông tin cốt yếu nhất được truyền qua và chỉ truyền tới cho những đối tượng có liên quan. Vẫn không thể nào minh hoạ hết được tính ưu việt của hệ thống giá cả, vốn được phản ánh qua sự biến động của giá cả, khi ngụ ý coi nó giống như một loại máy móc ghi nhận sự thay đổi, hoặc như một hệ thống truyền thông cho phép các nhà sản xuất riêng lẻ theo dõi chỉ đơn thuần sự biến động của một vài chỉ số, như cách một kỹ sư theo dõi sự vận hành của một vài thiết bị đo, nhằm điều chỉnh hoạt động của họ theo các thay đổi mà có lẽ họ chưa từng biết đến.
Tất nhiên, các điều chỉnh này chưa bao giờ có thể được xem là “hoàn hảo” theo nghĩa mà nhà kinh tế học nhìn nhận về chúng trong phân tích cân bằng của mình. Nhưng tôi e là thói quen lí thuyết của chúng ta trong việc tiếp cận vấn đề dựa trên giả thiết rằng hầu hết mọi người ít nhiều đều có tri thức hoàn hảo đã làm chúng ta trở nên mù quáng về chức năng thực sự của cơ cấu giá cả và đã khiến chúng ta áp dụng các chuẩn mực cực kỳ nhầm lẫn khi đánh giá hiệu quả của nó. Sự kỳ diệu là, như trong ví dụ về sự khan hiếm một loại nguyên liệu thô ở trên, mặc dù không có một mệnh lệnh nào được đưa ra và có lẽ chỉ có một nhúm người biết tới nguyên nhân nhưng hàng chục ngàn người, mà không thể điều tra rõ ràng được danh tính của họ sau nhiều ngày tháng, lại được khích động sử dụng nguyên liệu hoặc các sản phẩm làm từ nó dè sẻn hơn; nghĩa là, họ chuyển dịch đúng hướng. Điều này hoàn toàn đủ để tạo nên một sự kỳ diệu ngay cả khi, ở một thế giới không ngừng thay đổi, không phải tất cả mọi việc sẽ ăn khớp với nhau một cách cực kỳ hoàn hảo đến mức các tỷ suất lợi nhuận mà họ gặt hái được luôn được duy trì ở mức đều đều hay “bình thường”.
Tôi đã dùng một cách có chủ ý cụm từ “sự kỳ diệu” để gây sốc độc giả, làm độc giả dứt khỏi trạng thái tự mãn về việc chúng ta thường xuyên xem sự vận hành của cơ cấu này như là được cho sẵn. Tôi tin là nếu như đó là kết quả có được từ sự thiết kế có chủ ý của loài người, và nếu như mọi người, sau khi đã bị định hướng bởi các thay đổi về mức giá, lại hiểu được rằng các quyết định của họ có ý nghĩa sâu xa hơn nhiều mục tiêu trước mắt thì cơ cấu này sẽ được tôn lên như là một thành tựu vĩ đại nhất của trí tuệ loài người. Đáng tiếc, cả hai điều đó đều không phải: cơ cấu này không phải là sản phẩm chủ ý của loài người và những người được nó định hướng thường không biết tại sao họ lại bị dẫn dắt thực hiện những công việc họ đang làm. Nhưng những người luôn kêu gào rằng phải có “sự định hướng về mặt ý thức” - và những người không thể tin được rằng có cái gì đó vốn có thể tiến triển không cần đến bàn tay của con người (và thậm chí không cần cả sự hiểu biết của chúng ta về nó) lại giải quyết được những vấn đề mà chắc chắn chúng ta không tài nào có thể giải quyết một cách có ý thức - nên nhớ điều này: Vấn đề chính xác là làm thế nào để mở rộng phạm vi sử dụng các nguồn lực vượt ra khỏi phạm vi kiểm soát của một bộ óc đơn lẻ, do vậy, phải làm thế nào để không cần đến sự kiểm soát về mặt ý thức và làm thế nào để tạo ra sự khích lệ khiến cho các cá nhân chẳng cần bất kỳ ai phải chỉ bảo vẫn thực hiện những điều loài người mong muốn.
Vấn đề chúng ta gặp phải ở đây chẳng phải là nét đặc thù gì của kinh tế học, nó hiện diện trong hầu hết tất cả các hiện tượng thuần túy xã hội như trong ngôn ngữ và trong hầu hết các di sản văn hoá của loài người; nó thực sự cấu thành vấn đề lí thuyết trung tâm của tất cả các bộ môn khoa học xã hội. Như Alfred Whitehead đã nói ở một chỗ nào đó, “có một nhận thức sai lầm phổ biến được hầu hết các sách sao chép và được những người xuất chúng thốt ra là chúng ta nên nuôi dưỡng thói quen: suy nghĩ về cái chúng ta định làm. Sự thật ngược lại hoàn toàn. Nền văn minh thăng tiến được là nhờ có sự mở rộng số lượng các hoạt động quan trọng mà chúng ta có thể thực hiện được nhưng lại chẳng cần phải động não về chúng”. Điều này có ý nghĩa sâu sắc trong lĩnh vực xã hội. Chúng ta sử dụng liên tục các công thức, các biểu tượng và các quy luật mà chúng ta không hiểu nghĩa của chúng, và thông qua việc sử dụng chúng, chúng ta tự bổ trợ những tri thức mà mỗi chúng ta không sở hữu. Chúng ta đã phát triển những thông lệ và các thể chế này dựa trên nền những thói quen và các thể chế vốn đã thành công trong thế giới của chính chúng, để rồi đến lượt mình, những thông lệ và thể chế này lại trở thành nền tảng để nền văn minh của chúng ta được tiếp tục bồi đắp.
Hệ thống giá cả chỉ là một trong những hình thức mà con người đã học được cách sử dụng (mặc dù việc làm thế nào để sử dụng nó tốt nhất vẫn còn ở rất xa) sau khi tình cờ có nó nhưng lại chẳng có hiểu biết gì về nó. Thông qua hệ thống giá cả, không chỉ sự phân công lao động mà còn cả việc sử dụng phối hợp các nguồn lực dựa trên lượng tri thức được phân chia bình đẳng trở thành có thể. Những người vốn thích chế nhạo bất kỳ một ý tưởng nào với nội dung tương tự như vậy thường bóp méo lập luận đó bằng cách nói bóng gió rằng điều này xác nhận rằng nhờ một phép màu nào đó, loại hệ thống như thế tự nhiên hình thành, rồi trở thành hệ thống phù hợp nhất cho nền văn minh hiện đại. Thực ra thì ngược lại: con người có khả năng phát triển hình thức phân công lao động - nền tảng cho nền văn minh của chúng ta - bởi vì con người tình cờ có được một công cụ để có thể làm nó trở nên khả thi. Nếu con người không tình cờ có được hệ thống giá cả như thế, có lẽ con người vẫn đang tiếp tục xây dựng một loại nền văn minh hoàn toàn khác hẳn, nhang nhác như kiểu “xứ sở” của loài kiến hoặc một loại hoàn toàn không thể hình dung ra được. Tất cả những điều mà chúng ta có thể phát biểu được là: chưa từng có ai thành công trong việc thiết kế ra một hệ thống mới thay thế hệ thống hiện hành mà vẫn giữ lại được những yếu tố thậm chí ưu ái ngay cả đối với những kẻ phỉ báng hệ thống hiện hành một cách dữ dội nhất. Cụ thể trong trường hợp này, hệ thống giá cả cung cấp cho một cá nhân nào đó cái nền để lựa chọn hướng đi của mình, và kết quả là anh ta có thể tự do sử dụng tri thức và kỹ năng của chính mình.
7
May mắn là, bằng nhiều con đường khác nhau, tranh luận về tầm quan trọng không thể bỏ qua được của hệ thống giá cả vì bất kỳ mục đích tính toán duy lí nào trong một xã hội phức tạp giờ đây không còn hoàn toàn là cuộc chiến giữa các phe phái có những quan điểm chính trị khác nhau. Luận điểm, như chúng ta vừa mới đề cập, rằng nếu không có hệ thống giá cả thì chúng ta không thể bảo tồn được một xã hội dựa trên sự phân công lao động phổ quát đã bị chào đón bằng tiếng la ó chế nhạo khi von Mises phát biểu lần đầu tiên hai mươi lăm năm trước đây. Ngày nay, yếu tố chính trị hầu như không còn là chướng ngại ngăn cản ai đó chấp nhận nó, và điều này tạo ra một bầu không khí dễ chịu cho việc thảo luận để tìm kiếm lẽ phải. Thực ra, khi chúng ta thấy Leon Trotsky lập luận rằng “không thể nghĩ tới việc hạch toán kinh tế nếu không đề cập đến các mối quan hệ thị trường”, khi giáo sư Oscar Lange hứa hẹn với giáo sư von Mises rằng sẽ dựng tượng đài ông tại các tòa đại sảnh hoành tráng của Hội đồng Hoạch định Trung ương trong tương lai và khi Giáo sư Abba P. Lerner tìm thấy lại Adam Smith, đồng thời nhấn mạnh rằng điểm hữu dụng cốt yếu của hệ thống giá là ở chỗ nó khiến cho một cá nhân, trong khi tìm kiếm lợi ích cho chính mình, tạo ra một đóng góp gì đó vì lợi ích chung, thì không thể nào còn có thể nói rằng những quan điểm khác nhau đó mang màu sắc thành kiến chính trị. Sự bất đồng chính kiến dường như chỉ là do sự khác biệt thuần túy về mặt trí tuệ, và cụ thể hơn về phương pháp luận.
Một mệnh đề gần đây được Joseph Schumpeter viết trong tác phẩm Capitalism, Socialism, and Democracy [Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội, và dân chủ] cung cấp cho chúng ta một minh họa rõ ràng về một trong những khác biệt liên quan đến phương pháp luận mà tôi có sẵn ngay đây. Tác giả của nó, vốn là một trong số các nhà kinh tế học xuất chúng, đã tiếp cận các hiện tượng kinh tế dưới lăng kính của một nhánh nhất định nào đó của chủ nghĩa thực chứng. Theo đó, đối với ông, các hiện tượng kinh tế xuất hiện như là những mối quan hệ khách quan, tức là chúng có vẻ hầu như không cần đến sự can thiệp có chủ tâm của con người, giữa những lượng cho sẵn của các loại hàng hóa. Chỉ bằng cách phản bác lại luận cứ đó, tôi mới có thể bẻ gãy được lời tuyên bố (khiến tôi thấy bàng hoàng) sau đây. Giáo sư Schumpeter cho rằng, có thể tồn tại sự tính toán duy lí trong điều kiện thiếu vắng sự hiện diện của các thị trường các yếu tố sản xuất, xuất phát “từ định đề sơ cấp, theo đó những người tiêu dùng, khi định giá (“định cầu”) các hàng hoá tiêu dùng, thì cũng ipso facto (tự bản thân việc đó - ND) định giá các phương tiện sản xuất tham gia vào quá trình sản xuất ra các loại hàng hoá tiêu dùng đó”1.
Theo nghĩa đen, mệnh đề này đơn giản là không đúng. Những người tiêu dùng chẳng tiến hành một công việc gì như thế. Cụm từ “ipso facto” của giáo sư Schumpeter có lẽ có nghĩa là sự định giá các yếu tố sản xuất được ngụ ý trong, hoặc tất yếu được suy ra từ, quá trình định giá các loại hàng hoá tiêu dùng. Nhưng điều này cũng vẫn không đúng. Ngụ ý là một mối quan hệ logic mà có thể được xem là có ý nghĩa chỉ giữa những định đề xuất hiện đồng thời cho cùng một bộ óc. Nhưng, hiển nhiên là các giá trị của các yếu tố sản xuất không chỉ phụ thuộc duy nhất vào sự định giá các loại hàng hoá tiêu dùng mà còn phụ thuộc vào những điều kiện cung ứng các yếu tố sản xuất riêng lẻ. Chỉ với một bộ óc mà biết tất cả những sự kiện này một cách đồng thời mới là lời giải đáp tất yếu suy ra được từ các sự kiện cho sẵn với bộ óc đó. Tuy nhiên, vấn đề thực tiễn nảy sinh chính xác lại là do các sự kiện này chưa bao giờ được cho sẵn đối với một bộ óc đơn lẻ, và do đó vì mục đích giải quyết vấn đề thì lượng tri thức cần được huy động nhất thiết phải được phân tán cho nhiều người.
Vì vậy, chúng ta chẳng giải quyết được vấn đề gì cả nếu chỉ chỉ ra rằng tất cả các sự kiện xác định nào đó, nếu giả sử chúng được một bộ óc đơn lẻ biết đến (như chúng ta giả định về mặt lí thuyết là chúng được cho sẵn đối với nhà kinh tế học đang quan sát), sẽ xác lập duy nhất cái giải pháp cần tìm kiếm; thay vì điều đó, chúng ta sẽ phải chỉ ra là làm thế nào để tạo ra một giải pháp thông qua các tương tác của mọi người mà mỗi trong số họ chỉ sở hữu các tri thức riêng phần (partial knowledge). Giả thiết mà theo đó, tất cả tri thức được cho sẵn đối với một bộ óc đơn lẻ theo cùng một cách thức giống như chúng ta giả thiết nó phải được cho sẵn đối với chúng ta trong vai trò là các nhà kinh tế học đang lí giải vấn đề là cách giả thiết thuộc kiểu gạt bỏ vấn đề cần phải giải quyết đồng thời phớt lờ mọi yếu tố quan trọng và có ý nghĩa trong thế giới thực.
Do đó, việc một nhà kinh tế học danh tiếng như Giáo sư Schumpeter khinh suất sa vào bẫy tạo ra bởi tính hai mặt của thuật ngữ “dữ liệu đã biết” hầu như không thể biện bạch rằng đó chỉ là một lỗi nhỏ. Nó gợi cho chúng ta một cái gì đó hơn nữa về sai lầm nền tảng của phương pháp tiếp cận vốn có thói quen bỏ qua phần cốt yếu của các hiện tượng mà chúng ta phải giải quyết: đó là sự không hoàn thiện không thể tránh được của tri thức của con người, và do vậy đòi hỏi cần có một cơ chế để truyền đạt và tiếp thu tri thức một cách không ngừng nghỉ. Bất kỳ phương pháp tiếp cận nào, ví dụ phương pháp được sử dụng nhiều trong kinh tế toán với hệ thống các phương trình đồng thời, mà để giải được chúng thì cần giả thiết tri thức của mọi người tương ứng với các sự kiện khách quan của một trạng thái nhất định nào đó, sẽ loại bỏ một cách có hệ thống vấn đề được xem là nhiệm vụ chính mà chúng ta phải giải thích. Tôi không phủ nhận là trong chuyên ngành của chúng ta, phương pháp phân tích cân bằng có một vai trò quan trọng. Nhưng khi nó được đẩy tới điểm, khiến cho một số nhà tư tưởng hàng đầu của chúng ta tin rằng trạng thái mà nó mô tả có liên quan trực tiếp với lời giải đáp cho những vấn đề thực tiễn, thì đó là đỉnh điểm mà chúng ta phải ghi nhớ rằng: nó chẳng đụng chạm gì hết tới quá trình xã hội, và rằng: nó chẳng qua chỉ là một công cụ sơ đẳng, hữu ích cho công việc nghiên cứu vấn đề kinh tế chính yếu của xã hội.
Chú thích:
(1) Capitalism, Socialism, and Democracy (New York: Harper & Bros., 1942), tr. 175. Tôi tin là Giáo sư Schumpeter cũng là tác giả đầu tiên đưa ra câu chuyện hoang đường cho rằng Pareto và Barone đã “giải quyết” xong vấn đề về sự tính toán dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Cái mà họ và nhiều người khác đã làm đơn thuần chỉ là việc chỉ ra các điều kiện cần phải thỏa mãn đối với một sự phân bổ hợp lí các nguồn lực và việc chỉ ra những cái này về cơ bản giống các điều kiện cân bằng của một thị trường cạnh tranh. Điều này đôi khi hoàn toàn khác hẳn với việc chỉ ra là làm thế nào để có thể xác định được sự phân bổ các nguồn lực nhằm thoả mãn những điều kiện trong thực tiễn. Bản thân Pareto (từ đó, Barone đã có hầu như mọi thứ cần thiết để nói), thay vì tuyên bố là đã giải quyết xong vấn đề thực tiễn, trong thực tế, đã phủ nhận thẳng thừng việc có thể giải quyết được vấn đề mà không cần sự trợ giúp của thị trường. Xem tác phẩm của ông Manuel d'economie pure (2d ed., 1927), tr. 233-34. Các đoạn liên quan được trích dẫn từ một bản dịch tiếng Anh có trong phần đầu của bài báo tôi viết với tiêu đề “Socialist Calculation: The Competitive 'Solution'”, trong Economica, VIII, No. 26 (new ser., 1940), 125; in lại trong Chương VIII [của cuốn Individualism and Economic Order].
Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 4, NXB Tri thức, 2016