Sử dụng tri thức trong xã hội (Phần 2/3)
4
Phong trào triệt hạ vai trò của tri thức về các hoàn cảnh cụ thể theo thời gian và không gian ngày nay có liên quan chặt chẽ tới sự đối xử ở mức tương tự đối với vai trò của sự thay đổi. Thực ra, chỉ có một vài điểm khác biệt giữa các giả thiết được đưa ra (thường chỉ là ngụ ý) bởi “các nhà hoạch định” so với các giả thiết của những người thuộc phe đối lập, chủ yếu liên quan đến ý nghĩa và tần suất của những thay đổi dẫn đến sự cần thiết phải thay đổi các phương án của các kế hoạch sản xuất. Tất nhiên, nếu như tồn tại các kế hoạch kinh tế chi tiết, được lập ra cho một thời gian đủ dài ngay từ lúc ban đầu và sau đó được tuân thủ hầu như tuyệt đối, đến mức không cần thiết phải có thêm các quyết định kinh tế quan trọng nào khác thì nhiệm vụ vẽ ra một kế hoạch dẫn định tất cả các hoạt động kinh tế sẽ không còn quá kinh khủng nữa.
Có lẽ sẽ có ích khi nhấn mạnh rằng các vấn đề kinh tế phát sinh luôn luôn và chỉ là hệ quả của sự thay đổi. Nếu như mọi thứ cứ tiếp diễn như trước đây, hoặc ít nhất như chúng ta kỳ vọng thì sẽ không làm nảy sinh những vấn đề mới cần phải giải quyết, đòi hỏi chúng ta phải lập kế hoạch mới. Niềm tin là các thay đổi, hoặc chí ít là những điều chỉnh hằng ngày, trở nên kém ý nghĩa hơn trong thời đại hiện đại hàm ý rằng vấn đề kinh tế cũng trở nên kém quan trọng hơn. Vì lí do đó, niềm tin vào sự giảm vai trò của thay đổi này thường được ủng hộ bởi cùng nhóm người có quan điểm, theo đó vai trò của các cân nhắc kinh tế đã bị đẩy xuống lớp đáy cùng nhường chỗ cho vai trò nổi lên của tri thức công nghệ.
Có phải sự thật là, với hệ thống máy móc phức tạp về quá trình sản xuất hiện đại, chúng ta chỉ cần các quyết định kinh tế cho những khoảng thời gian định kỳ đủ dài, như khi xây một phân xưởng mới hoặc đưa một quá trình mới vào vận hành? Có phải sự thật là một khi một nhà máy đã được xây dựng thì tất cả công việc sau đó đều ít nhiều mang tính cơ học, được quyết định bởi đặc điểm của nhà máy và chỉ phải thay đổi một chút ít để thích nghi với các hoàn cảnh hiện tại luôn biến đổi không ngừng?
Ở một mức độ nào đó, tôi có thể dám chắc rằng kinh nghiệm thực tiễn của doanh nhân không đưa đến niềm tin khá tràn lan vào sự tất định. Trong một ngành cạnh tranh dù ở bất kỳ mức độ nào - và có thể chọn một ngành đơn lẻ như thế để làm kiểm nghiệm - nhiệm vụ kiểm soát chi phí sao cho không tăng đòi hỏi người quản lí phải cố gắng liên tục và tiêu tốn khá nhiều sức lực. Hiện tượng một nhà quản lí kém hiệu quả dễ dàng phung phí những khác biệt tiềm ẩn khả năng sinh lợi và hiện tượng cùng cụm thiết bị kỹ thuật có thể vận hành với những khác biệt đáng kể về chi phí, là những điều cũ rích trong lĩnh vực kinh doanh nhưng dường như lại không như vậy trong nghiên cứu của nhà kinh tế học. Ham muốn mạnh mẽ, mà liên tục được các nhà sản xuất và các kỹ sư lên tiếng, về việc được phép tiến hành ào ào mọi việc mà không cần phải cân nhắc đến những chi phí tiền tệ, là minh chứng hùng hồn về mức độ mà các yếu tố này tham gia vào công việc hằng ngày của họ.
Một lí do giải thích tại sao các nhà kinh tế học ngày càng có khuynh hướng bỏ qua những thay đổi nhỏ cấu thành toàn bộ bức tranh kinh tế có lẽ là do mối bận tâm ngày càng tăng của họ về các số gộp thống kê, vốn thể hiện một sự ổn định lớn hơn nhiều so với những biến động chi tiết. Tuy nhiên, chúng ta không thể bám vào “quy luật số lớn” hoặc sự bù trừ lẫn nhau giữa những thay đổi ngẫu nhiên - như các nhà thống kê học hay có xu hướng thực hiện - để giải thích sự ổn định tương đối của những con số gộp. Số lượng phần tử mà chúng ta phải giải quyết không đủ lớn để cho các xung lực tình cờ như thế tạo ra sự ổn định. Dòng hàng hóa và dịch vụ được duy trì liên tục là nhờ có các điều chỉnh bền bỉ có chủ ý, nhờ có những cách bố trí mới được tiến hành hằng ngày xuất phát từ các hoàn cảnh chưa được biết đến ở ngày hôm trước, nhờ có sự can thiệp ngay tức thì của B một khi A không đáp ứng nổi việc cung ứng. Thậm chí một nhà máy có quy mô lớn, với mức độ cơ khí hoá cao, tiếp tục mở rộng được là nhờ môi trường giúp nó có thể mua sắm được mọi loại nhu cầu không được dự tính từ trước: tấm lợp mái che cho nhà máy, các đồ dùng văn phòng hoặc cấu trúc nhà máy, và có đến nghìn lẻ một loại thiết bị mà nó không thể tự cung cấp, nhưng phải luôn có sẵn trên thị trường để thoả mãn các kế hoạch vận hành nhà máy.
Có lẽ cũng đến lúc tôi nên đề cập vắn tắt một chút về một thực tế là: loại tri thức mà tôi đã nhắc đến là loại tri thức, mà vì bản chất của nó, không thể đưa được vào trong thống kê, và do vậy không thể được truyền tải tới bất kỳ một ủy ban trung ương nào dưới hình thức thống kê. Bảng thống kê mà một ủy ban trung ương như thế phải sử dụng sẽ phải được hình thành chính xác bằng cách loại bỏ những khác biệt nhỏ giữa các sự vật, bằng cách gộp lại với nhau những hạng mục như các nguồn lực cùng loại, vốn khác nhau về địa điểm, chất lượng, cũng như những chi tiết cụ thể, theo một cách dường như rất có ý nghĩa đối với một quyết định cụ thể. Từ đó, chúng ta có thể suy ra là: việc hoạch định tập trung dựa trên các thông tin thống kê, do bản chất của loại thông tin này, không thể trực tiếp đưa vào các dữ liệu về các hoàn cảnh cụ thể biến đổi theo thời gian và không gian, và do vậy, nhà hoạch định trung ương sẽ phải tìm cách này hay cách khác để giao phó các quyết định phụ thuộc vào những thông tin cục bộ này cho “người ở hiện trường”.
5
Nếu chúng ta có thể nhất trí rằng vấn đề kinh tế của xã hội chủ yếu là vấn đề làm thế nào để thích nghi nhanh chóng được với những thay đổi theo các hoàn cảnh cụ thể của thời gian và không gian thì hệ quả mà chúng ta dường như có thể suy ra được từ đó là: các quyết định cuối cùng cần phải được để lại cho những người thông thuộc các hoàn cảnh này, những người trực tiếp nắm bắt được các thay đổi liên quan và các nguồn lực tức thời sẵn có để ứng phó chúng. Chúng ta không thể mong đợi rằng, vấn đề này sẽ được giải quyết bằng cách, trước tiên, chuyển tất cả các tri thức này tới một hội đồng trung ương, nơi sẽ liên hợp tất cả chúng lại, và sau đó, ban hành các mệnh lệnh. Chúng ta bắt buộc phải giải quyết nó thông qua một vài hình thức phi tập trung. Tuy nhiên, cách thức này mới chỉ giải đáp một phần vấn đề của chúng ta. Chúng ta cần sự phi tập trung bởi vì chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể đảm bảo được rằng tri thức về các hoàn cảnh cụ thể theo thời gian và không gian sẽ được sử dụng một cách nhanh chóng. Nhưng “người ở hiện trường” không thể ra quyết định chỉ dựa trên lượng tri thức hạn chế và riêng biệt của mình về các sự kiện tức thời xung quanh. Vẫn còn đó vấn đề về việc truyền đạt cho anh ta thêm các loại thông tin mà anh ta cần để đặt các quyết định của mình vào trong bối cảnh tổng thể về các thay đổi của hệ thống kinh tế rộng lớn hơn.
Anh ta cần bao nhiêu tri thức để thực hiện thành công công việc đó? Những sự kiện nào xảy ra ở bên kia chân trời tri thức tức thời của anh ta có liên quan tới quyết định tức thời của anh ta, và anh ta cần biết bao nhiêu về chúng?
Hầu như không có bất kỳ cái gì xảy ra ở bất cứ nơi đâu trên thế giới lại có lẽ không gây ra ảnh hưởng đối với quyết định mà anh ta bắt buộc phải thực hiện. Nhưng anh ta không cần phải biết về những sự kiện này đúng như là thế, cũng như về tất cả các ảnh hưởng của chúng. Chẳng hề gì với anh ta về chuyện tại sao ở một thời điểm cụ thể lại có nhu cầu về loại ốc vít cỡ này nhiều hơn so với cỡ khác, tại sao các loại túi giấy lại có sẵn nhiều hơn những loại túi làm bằng vải bạt, hoặc tại sao nhân công có kỹ năng, hoặc các cỗ máy cụ thể trong thời điểm hiện tại, lại càng trở nên khó kiếm. Điều có ý nghĩa hơn cả đối với anh ta là việc thu mua sẽ khó dễ như thế nào khi so sánh tương đối với những thứ khác mà anh ta thấy có liên quan, hoặc mức độ khẩn cấp cao thấp như thế nào đối với việc anh ta sản xuất hoặc sử dụng những vật thay thế. Điều mà anh ta quan tâm vẫn luôn là một câu hỏi về vai trò tương đối của những cái cụ thể và anh ta chẳng thấy thú vị gì với các nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi về vai trò tương đối của chúng, những thứ vượt quá tầm ảnh hưởng lên những cái cụ thể xung quanh anh ta.
Ở đây, cái mà tôi gọi là “mô hình toán kinh tế” (hoặc Logic thuần túy về Lựa chọn) giúp chúng ta, ít nhất bằng phép tương tự, thấy rằng làm thế nào vấn đề này có thể được giải quyết và trong thực tế đang được giải quyết, thông qua hệ thống giá cả. Ngay cả bộ óc chỉ huy đơn lẻ sở hữu tất cả các dữ liệu về một hệ thống kinh tế nhỏ, khép kín nào đó cũng sẽ không thể tách bạch được tất cả các mối quan hệ giữa mục đích và phương tiện, mà có lẽ có thể đã bị ảnh hưởng bất cứ khi nào phải thực hiện một điểu chỉnh nhỏ nào đó trong quá trình phân bổ các nguồn lực. Quả thực, sự đóng góp to lớn của Logic thuần túy về Lựa chọn đã minh hoạ một cách thuyết phục rằng ngay cả một bộ óc đơn lẻ kiểu như thế cũng chỉ có thể giải quyết loại vấn đề này bằng cách tạo dựng và áp dụng liên miên các mức quy đổi tương đương (hoặc “các giá trị” hoặc “các mức thay thế cận biên”), nghĩa là, bằng cách gắn vào mỗi loại nguồn lực khan hiếm một chỉ số không thể suy ra được từ bất kỳ thuộc tính nào của vật cụ thể đó, nhưng lại phản ánh hoặc yểm vào trong đó ý nghĩa của vấn đề do xem xét toàn bộ cấu trúc phương tiện-mục đích. Với bất kỳ một thay đổi nhỏ nào, anh ta cũng sẽ chỉ phải cân nhắc những chỉ số lượng hoá này (hoặc “các giá trị”) do chúng chứa đựng tất cả các thông tin liên quan; và, bằng cách điều chỉnh từng cái một về mặt lượng, anh ta có thể sắp xếp lại một cách thích hợp các kế hoạch của mình mà không phải giải quyết toàn bộ vấn đề từ cội nguồn (ab initio), hoặc không cần phải khảo sát vấn đề đồng thời trên tất cả các kịch bản khả dĩ của nó ở bất kỳ một giai đoạn nào.
Về cơ bản, trong một hệ thống mà tri thức về những sự kiện liên quan bị phân tán cho nhiều người thì các mức giá có thể thực hiện vai trò phối hợp những hành động riêng rẽ của những người khác nhau giống như cách thức mà các giá trị chủ quan giúp cho một cá nhân nào đó phối hợp những phần kế hoạch của anh ta. Hãy tạm dừng đôi chút để thưởng ngoạn một ví dụ rất đơn giản và thông dụng về sự vận hành của hệ thống giá cả nhằm hiểu được chính xác sứ mệnh của nó. Giả sử rằng ở một nơi nào đó trên thế giới, xuất hiện nhu cầu mới về sử dụng một vài loại nguyên liệu thô, như thiếc chẳng hạn, hay một trong số các nguồn cung cấp thiếc trở nên bị cạn kiệt. Vì mục đích của chúng ta, việc thiếc trở nên khan hiếm hơn do nguyên nhân nào trong hai nguyên nhân này cũng không thành vấn đề - và quan trọng là nó không gây ra vấn đề gì. Tất cả những điều mà những người sử dụng thiếc cần phải biết là: cùng một lượng thiếc nào đó mà họ đã từng tiêu thụ trước đây bây giờ được một nơi nào đó sử dụng đem lại lợi nhuận cao hơn, và vì thế họ cần phải tiết kiệm thiếc. Không nhất thiết phần lớn họ phải biết nơi nào nhu cầu trở nên khẩn thiết hơn, hoặc vì nhu cầu của những người khác khiến họ bắt buộc phải dành dụm cung. Nếu chỉ một số trong số họ trực tiếp biết về nhu cầu mới và dịch chuyển các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu đó, và nếu những người mà nhận thức được sự thiếu thốn vừa mới nảy sinh đến lượt họ lấp đầy sự thiếu thốn đó từ những nguồn lực khác thì ảnh hưởng sẽ nhanh chóng lan rộng đến toàn bộ hệ thống kinh tế và ảnh hưởng không chỉ tới tất cả các hoạt động sử dụng thiếc mà còn tới những quá trình dùng các chất liệu thay thế cho thiếc, và cả tới các chất liệu thay thế cho các nguồn chất liệu thay thế này, tới sự cung ứng những thứ được làm từ thiếc cũng như từ những thứ thay thế cho những thứ đó và v.v.; tất cả điều này không cần đại đa số những người đã có công tạo ra những sự thay thế trên phải biết chút gì về nguyên nhân ban đầu của những thay đổi đó. Toàn bộ vận hành như là một thị trường đơn nhất, không phải bởi vì có một thành viên bất kỳ nào đó của nó biết hết được toàn bộ, mà bởi vì các tầm nhìn riêng lẻ, hạn chế của các thành viên chồng chéo lên nhau nhiều đến nỗi, qua nhiều khâu trung gian, thông tin liên quan được truyền đến cho tất cả. Sự thực giản đơn rằng việc có một mức giá cho bất kỳ một loại hàng hoá nào - hay chính xác hơn, các mức giá cục bộ có quan hệ với nhau thông qua yếu tố chi phí vận tải, v.v... - đem lại cái giải pháp (chỉ khả dĩ trên khía cạnh nhận thức luận) mà lẽ ra được tạo dựng bởi một bộ óc đơn lẻ sở hữu tất cả các thông tin vốn dĩ trong thực tế được phân tán cho tất cả những người liên quan tới quá trình.
(còn nữa)
Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 4, NXB Tri thức, 2016