Ý nghĩa của cạnh tranh (Phần 2/2)

Ý nghĩa của cạnh tranh (Phần 2/2)

3

Có lẽ chúng ta sẽ biết nhiều hơn về bản chất và ý nghĩa của quá trình cạnh tranh nếu tạm quên đi những giả định mang tính nhân tạo làm cơ sở cho lí thuyết về cạnh tranh hoàn hảo và đặt câu hỏi liệu vai trò của cạnh tranh có giảm đi nếu như, chẳng hạn, không tồn tại hai mặt hàng hoàn toàn giống nhau. Để tránh gặp khó khăn trong phân tích một tình huống như vậy, chúng ta nên xem xét một cách chi tiết trường hợp khi các mặt hàng khác nhau không thể phân thành những nhóm riêng biệt, thay vào đó, chúng ta phải xử lí một loạt các sản phẩm thay thế cho nhau nhưng khá giống nhau, mỗi đơn vị sản phẩm đều khác một chút so với đơn vị sản phẩm khác nhưng lại không tạo ra sự gián đoạn rõ rệt nào trong cả dãy sản phẩm đó. Kết quả của phân tích về cạnh tranh trong tình huống đó, trên nhiều khía cạnh, có thể có liên quan nhiều hơn đến những điều kiện của cuộc sống thực so với phân tích cạnh tranh trong một ngành công nghiệp duy nhất nào đó, tức là ngành sản xuất ra một mặt hàng thuần nhất, khác biệt hẳn với tất cả những mặt hàng khác. Hoặc, nếu cho rằng tình huống không có hai mặt hàng hoàn toàn giống nhau là quá cực đoan, thì chí ít chúng ta cũng có thể quay sang trường hợp là không có hai nhà sản xuất làm ra những hàng hóa hoàn toàn giống nhau, đây là điều thường thấy không chỉ đối với các dịch vụ cá nhân, mà còn cho các thị trường của nhiều mặt hàng chế biến, ví dụ như thị trường sách hay dụng cụ âm nhạc.

Vì mục đích phân tích hiện tại của chúng ta, tôi không cần phải cố gắng đưa ra một phân tích đầy đủ về kiểu thị trường đó, mà chỉ cần trả lời câu hỏi cạnh tranh giữ vai trò gì trong những thị trường đó. Mặc dù kết quả thu được dĩ nhiên là không xác định, nằm trong một biên độ khá rộng, thì thị trường sẽ vẫn tạo ra một tập hợp giá cả tại đó mỗi mặt hàng sẽ bán được với mức giá đủ rẻ để có thể chiến thắng được mặt hàng có khả năng thay thế cao nhất trên thị trường; bản thân kết quả này không phải là quá nhỏ nếu chúng ta xem xét những khó khăn không thể nào khắc phục được trong việc hình thành hệ thống giá cả bằng bất kỳ phương pháp nào khác ngoài phương pháp thử-sai trên thị trường, khi những người tham gia riêng lẻ dần dần nhận thức được những tình huống liên quan đến họ. Dĩ nhiên, đúng là, trên thị trường như thế, kỳ vọng về sự tương ứng giữa các giá cả và các mức chi phí cận biên sẽ chỉ ở mức độ mà các mức co dãn của cầu đối với các mặt hàng riêng biệt tiệm cận với những điều kiện mà lí thuyết về cạnh tranh hoàn hảo giả định hay ở mức độ mà các mức co dãn của sự thay thế giữa các loại hàng hóa khác nhau tiến đến vô cùng. Nhưng vấn đề là trong trường hợp này, tiêu chuẩn về trạng thái hoàn hảo đáng mong muốn hay cần đạt tới lại hoàn toàn chẳng liên quan gì. Cơ sở so sánh để phán xét vai trò của cạnh tranh trong việc mang lại thành quả nào đó không thể là một tình trạng không có trong thế giới thực, tức không thể tạo ra được bằng bất kỳ phương tiện đã biết nào. Nó phải là tình trạng đáng lí ra được hình thành nếu như cạnh tranh bị ngăn cản, không cho hoạt động. Ta phải kiểm nghiệm khả năng cải thiện các điều kiện từ trạng thái khi không có cạnh tranh chứ không phải khả năng tiệm cận trạng thái lí tưởng vốn dĩ vô nghĩa vì không cách nào có thể đạt được.

Trong một tình huống như vậy, các điều kiện trong trường hợp cạnh tranh là “tự do” theo nghĩa truyền thống khác với những điều kiện trong trường hợp, ví dụ, chỉ những người có giấy môn bài do chính quyền cấp mới được phép sản xuất những mặt hàng nào đó hoặc các mức giá cả đã được chính quyền quy định, hay cả hai điều này tồn tại cùng một lúc? Rõ ràng, không chỉ sẽ không xảy ra khả năng các mặt hàng khác nhau sẽ được sản xuất bởi những người biết các biện pháp sản xuất tốt nhất và do đó sẽ tạo ra những mặt hàng với chi phí thấp nhất; mà cũng không xảy ra khả năng những mặt hàng mà người tiêu dùng thích nhất, nếu họ được tự do lựa chọn, sẽ được sản xuất ra. Mối quan hệ giữa các mức giá thực tế của những mặt hàng và mức chi phí thấp nhất mà một người nào đó có thể sản xuất được sẽ không được khăng khít; thực vậy, các phương án thay thế mà cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng có thể lựa chọn, những dữ liệu mà họ có, sẽ khác hẳn với những thứ trong điều kiện cạnh tranh tự do.

Vấn đề thực sự ở đây không phải là liệu chúng ta có nhận được những hàng hóa và dịch vụ nhất định nào đó với mức chi phí cận biên nhất định nào đó hay không mà chủ yếu là nhu cầu của người dân được đáp ứng một cách rẻ nhất bằng những mặt hàng và dịch vụ nào. Giải pháp cho vấn đề kinh tế này của xã hội, xét trên khía cạnh này, bao giờ cũng là cuộc hành trình thăm dò những điều chưa biết, là nỗ lực tìm ra những biện pháp mới tốt hơn những biện pháp trước đây. Quá trình này diễn ra liên tục như vậy chừng nào còn tồn tại vấn đề kinh tế phải giải quyết, bởi vì tất cả các vấn đề kinh tế đều nảy sinh từ những thay đổi không lường trước được, đòi hỏi người ta phải thích nghi. Chỉ có những điều chúng ta không lường trước được và chưa kịp chuẩn bị mới đòi hỏi phải có giải pháp mới. Nếu không cần phải thích ứng gì cả, nếu một lúc nào đó chúng ta biết rằng chẳng còn thay đổi nào hết, và mọi thứ sẽ mãi mãi diễn ra y hệt như hiện nay, thì sẽ không còn phải giải quyết bất cứ câu hỏi nào về việc sử dụng các nguồn lực nữa.

Một người, nhờ có kiến thức hay kỹ năng đặc biệt nên chi phí sản xuất hàng hóa của anh ta giảm 50%, sẽ vẫn thực sự hữu ích rất nhiều cho xã hội nếu người đó tham gia sản xuất và chỉ giảm giá hàng bán 25% - không chỉ qua giảm giá hàng bán mà còn qua việc tiết kiệm chi phí sản xuất. Nhưng chỉ có thông qua cạnh tranh chúng ta mới có thể giả định rằng có thể đạt được những khoản tiết kiệm chi phí như thế. Thậm chí nếu trong mỗi trường hợp mức giá chỉ thấp vừa đủ để khiến cho những người sản xuất khác không được hưởng các lợi thế tương đương nào đó, sao cho mỗi mặt hàng đều được sản xuất với chi phí thấp nhất có thể, thì dù nhiều mặt hàng có thể được bán với mức giá cao hơn đáng kể so với chi phí, đây có lẽ vẫn là kết quả không thể đạt được bằng bất kỳ phương pháp nào khác ngoài cạnh tranh.

4

Trong các điều kiện của cuộc sống thực, khó có thể có hai nhà sản xuất hoàn toàn giống nhau, đấy là thực tế mà lí thuyết về cạnh tranh hoàn hảo loại bỏ vì nó chú tâm vào trạng thái cân bằng dài hạn vốn dĩ không bao giờ có thể đạt được trong một thế giới luôn thay đổi. Ở bất kỳ thời điểm xác định nào, thiết bị công nghệ của một công ty cụ thể nào đó phần nhiều được quyết định bởi sự ngẫu nhiên của lịch sử, và vấn đề là phải sử dụng một cách tốt nhất các thiết bị hiện có (bao gồm cả năng lực của đội ngũ nhân viên) chứ không phải hành động như thể công ty có thời gian vô hạn để tự điều chỉnh cho phù hợp với những điều kiện không đổi. Về vấn đề sử dụng tốt nhất của các nguồn tài nguyên lâu bền nhưng có thể bị cạn kiệt thì mức giá cân bằng dài hạn mà một lí thuyết thảo luận về cạnh tranh “hoàn hảo” phải nghiên cứu chẳng có liên quan gì; không những thế, các kết luận liên quan đến chính sách do những người say mê mô hình này đưa ra lại cực kỳ sai lầm và thậm chí nguy hiểm. Ý tưởng cho rằng trong môi trường cạnh tranh “hoàn hảo” mức giá cạnh tranh phải bằng chi phí dài hạn thường dẫn đến việc áp dụng những chính sách chống lại xã hội như đòi hỏi một sự “cạnh tranh có trật tự”, đảm bảo mức lợi tức tương đối cao đối với vốn đầu tư, và phá hủy công suất dư thừa. Lòng nhiệt tình đối với cạnh tranh hoàn hảo trong lĩnh vực lí thuyết và thái độ ủng hộ độc quyền trên thực tế lại thường song hành với nhau đến mức làm người ta phải ngạc nhiên.

Nhưng đây chỉ là một trong nhiều vấn đề gây ra bởi việc bỏ qua yếu tố thời gian khiến cho bức tranh lí thuyết của cạnh tranh hoàn hảo xa rời hẳn với tất cả những gì liên quan đến việc tìm hiểu quá trình cạnh tranh. Nếu chúng ta nghĩ nó, mà lẽ ra phải thế, như là một loạt các sự kiện nối tiếp nhau, thì rõ ràng là, trong đời sống thực, bất cứ lúc nào, như thường thấy, cũng chỉ có một nhà sản xuất có thể sản xuất một mặt hàng nào đó với chi phí thấp nhất và là người có thể, trên thực tế, bán với giá thấp hơn chi phí của đối thủ cạnh tranh gần nhất với mình; nhưng người này, trong khi tiếp tục tìm cách mở rộng thị trường, sẽ bị một người nào đó qua mặt, rồi đến lượt người này cũng sẽ bị một người nào đó ngăn chặn, không cho thâu tóm toàn bộ thị trường v.v. Rõ ràng là, một thị trường như vậy sẽ không bao giờ đạt tới trạng thái cạnh tranh hoàn hảo; dù thế thì cạnh tranh trong thị trường đó có lẽ không chỉ dữ dội nhất, mà còn là nhân tố quan trọng nhất tạo ra những điều kiện để mặt hàng được cung cấp cho người tiêu dùng tại bất cứ thời điểm nào với mức giá thấp nhất có thể bằng bất kỳ phương pháp đã biết nào.

Khi so sánh thị trường “không hoàn hảo” như thế này với thị trường tương đối “hoàn hảo” như thị trường, ví dụ, ngũ cốc, chúng ta sẽ dễ nhận ra sự khác biệt làm cơ sở cho toàn bộ cuộc thảo luận này - đó là sự khác biệt giữa các sự kiện khách quan gắn với tình huống đang xem xét mà hoạt động của con người không thể thay đổi được và bản chất của các hoạt động cạnh tranh thông qua đó con người tự điều chỉnh cho phù hợp với tình huống. Ở những nơi, như trong trường hợp vừa đề cập, chúng ta có thị trường được tổ chức tốt cho mặt hàng đã được chuẩn hóa hoàn toàn, lại được nhiều nhà sản xuất cung cấp, thì nhu cầu hay không gian cho các hoạt động cạnh tranh sẽ không cần nhiều vì những điều kiện mà các hoạt động cạnh tranh có thể tạo ra đã xuất hiện ngay từ đầu rồi. Gần như bất cứ lúc nào, tất cả mọi người tham gia thị trường đều biết gần như nhau về những biện pháp tốt nhất để sản xuất mặt hàng đó, cũng như về những đặc điểm và công dụng của nó. Thông tin về bất kỳ sự thay đổi quan trọng nào đều lan truyền rất nhanh và người ta sẽ thay đổi rất nhanh để thích ứng với những thay đổi đến mức chúng ta thường đơn giản là bỏ qua những sự kiện xảy ra trong giai đoạn chuyển tiếp ngắn ngủi đó và chúng ta chỉ làm mỗi việc là so sánh hai trạng thái gần-như-cân-bằng trước và sau khi thay đổi mà thôi. Nhưng khoảng thời gian ngắn ngủi và bị bỏ qua này lại chính là lúc mà các lực lượng cạnh tranh hoạt động và có thể quan sát được, và chúng ta phải nghiên cứu các sự kiện diễn ra trong khoảng thời gian này, đấy là nói nếu chúng ta muốn “giải thích” trạng thái cân bằng diễn ra sau đó.

Chỉ trên thị trường thích ứng chậm so với tốc độ thay đổi thì quá trình cạnh tranh mới hoạt động liên tục. Và dù rằng nguyên nhân khiến cho thích ứng diễn ra một cách chậm chạp có thể là vì cạnh tranh yếu, ví dụ, bởi có những rào cản đặc biệt, ngăn không cho người ta gia nhập thị trường, hoặc bởi có những yếu tố khác như độc quyền về tài nguyên thiên nhiên, thì thích ứng chậm hoàn toàn không đồng nghĩa với cạnh tranh yếu. Khi có rất nhiều sản phẩm gần như có thể thay thế được cho nhau và những sản phẩm này thay đổi rất nhanh, thì việc tìm ra tính ưu việt tương đối của những phương án thay thế hiện có tiêu tốn rất nhiều thì giờ, hay khi nhu cầu về một nhóm hàng hóa hoặc dịch vụ xuất hiện không thường xuyên, chỉ trong những khoảng thời gian nào đó, thì việc điều chỉnh buộc phải diễn ra một cách chậm chạp, ngay cả khi cạnh tranh diễn ra sôi nổi và mạnh mẽ.

Sự nhầm lẫn giữa một bên là các sự kiện khách quan gắn với tình huống và bên kia là sự phản ứng của con người trước tình huống đó dẫn đến việc che giấu, không cho chúng ta nhận thức được một thực tế quan trọng, đó là ở những nơi các điều kiện khách quan càng phức tạp hoặc càng “không hoàn hảo” thì vai trò của cạnh tranh càng quan trọng. Thật vậy, thay vì cho rằng cạnh tranh chỉ có lợi khi nó “hoàn hảo”, tôi muốn khẳng định rằng cạnh tranh cần nhất là ở những lĩnh vực, nơi mà bản chất của hàng hóa hoặc dịch vụ khiến cho không bao giờ có thể tạo ra được thị trường hoàn hảo theo lí thuyết. Luận cứ chống lại cạnh tranh dựa trên tính không hoàn hảo không thể tránh khỏi trên thực tế của cạnh tranh là luận cứ chẳng có mấy giá trị, chẳng khác gì viện cớ khó có thể đưa ra giải pháp hoàn hảo cho bất kỳ một nhiệm vụ nào để phản đối tất cả những cố gắng nhằm giải quyết nhiệm vụ đó, hoặc viện cớ không thể có sức khỏe hoàn hảo để chống lại việc chăm sóc sức khỏe.

Trong những điều kiện không có nhiều người cùng chào bán một sản phẩm hay dịch vụ như nhau, bởi sự liên tục thay đổi của nhu cầu hay kiến thức của chúng ta hoặc bởi sự đa dạng vô cùng tận của các kỹ năng và năng lực của con người, thì trạng thái lí tưởng không phải là trạng thái đòi hỏi tính chất giống hệt nhau của một số lượng lớn các sản phẩm và dịch vụ đó. Vấn đề kinh tế là làm sao sử dụng tốt nhất những nguồn lực mà chúng ta hiện có, chứ không phải là chúng ta phải làm gì nếu rơi vào hoàn cảnh khác với hoàn cảnh hiện nay. Thật vô nghĩa khi bàn về cách thức sử dụng tài nguyên “nếu giả sử” chúng ta có thị trường hoàn hảo, nếu điều này đòi hỏi các nguồn lực phải khác những nguồn lực hiện có; cũng là vô nghĩa khi bàn luận xem một người có kiến thức hoàn hảo sẽ làm gì trong khi nhiệm vụ của chúng ta là tìm cách sử dụng tốt nhất kiến thức của những người đang sống hiện nay.

5

Luận cứ ủng hộ cạnh tranh không dựa trên những điều kiện chỉ tồn tại khi có cạnh tranh hoàn hảo. Ở những nơi mà hoàn cảnh khách quan có thể làm cho cạnh tranh tiến gần đến hoàn hảo thì rõ ràng là cạnh tranh là phương tiện đảm bảo cho việc sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả nhất, và đấy là căn cứ quan trọng để loại bỏ những rào cản cạnh tranh do con người tạo ra; nhưng điều này không có nghĩa là ở những nơi mà do tính chất của hoàn cảnh nên không thể có cạnh tranh hoàn hảo thì cạnh tranh không giúp cho việc sử dụng các nguồn lực trở nên hiệu quả như bất kỳ phương cách đã biết nào khác. Thậm chí ở những nơi quyền tự do gia nhập thị trường chỉ bảo đảm rằng, tại bất cứ thời điểm nào, tất cả các hàng hóa và dịch vụ có cầu hữu hiệu (tức luôn có cầu một khi có cung) đều được sản xuất trên thực tế với mức chi phí hiện tại1 thấp nhất đối với nguồn lực, đó là mức chi phí chúng có thể được sản xuất trong một bối cảnh nhất định mặc dù mức giá mà người tiêu dùng phải trả cao hơn đáng kể, đó là mức chi phí chỉ thấp hơn một chút so với mức chi phí của phương án tốt nhì để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng đó, thì tôi vẫn khẳng định rằng điều này vẫn tốt hơn kết quả chúng ta có thể kỳ vọng từ bất kỳ hệ thống đã biết nào khác. Điểm mấu chốt rút ra từ đây vẫn là một kết luận sơ đẳng: Nếu không có những trở ngại nhân tạo do chính quyền tạo ra hoặc có thể loại bỏ, thì bất kỳ hàng hóa hoặc dịch vụ nào cũng sẽ sẵn sàng được bán trong một khoảng thời gian bất kỳ nào đó chỉ ở một mức giá mà những người bên ngoài thị trường vẫn có thể kỳ vọng thu được mức lợi nhuận cao hơn bình thường nếu giả sử họ tham gia vào thị trường.

Theo tôi, bài học thực tế từ tất cả những chuyện này là chúng ta không nên lo lắng quá nhiều về việc liệu cạnh tranh trong một thị trường nào đó có hoàn hảo hay không, mà nên lo lắng nhiều hơn về việc liệu có cạnh tranh hay không. Điều mà những mô hình lí thuyết của chúng ta về từng ngành riêng biệt che giấu là: trên thực tế, hố ngăn cách giữa cạnh tranh và không cạnh tranh lớn hơn hẳn hố ngăn cách giữa cạnh tranh hoàn hảo và cạnh tranh không hoàn hảo. Dù vậy, xu hướng chung trong những cuộc thảo luận hiện nay là không chấp nhận những khiếm khuyết của cạnh tranh, nhưng lại im lặng trước những rào cản chống lại cạnh tranh. Chúng ta có thể còn biết nhiều hơn về giá trị thực sự của cạnh tranh nếu như tập trung vào nghiên cứu kết quả của những trường hợp khi cạnh tranh bị kìm hãm một cách có chủ ý (vốn dĩ thường xuyên diễn ra), thay vì vào những khiếm khuyết của cạnh tranh thực tế so với trạng thái lí tưởng (vốn dĩ chẳng có liên quan gì với những hoàn cảnh hiện có). Tôi cố ý nói rằng “khi cạnh tranh bị kìm hãm một cách có chủ ý” chứ không không là “khi không có cạnh tranh” bởi nó vẫn gây ra tác động nhất định, dù là chậm hơn, chừng nào nó chưa bị kìm hãm hoàn toàn bởi sự can thiệp của nhà nước. Những hệ quả tồi tệ mà kinh nghiệm chỉ ra từ việc cạnh tranh nằm ở bình diện khác so với các hệ quả tồi mà những khiếm khuyết của cạnh tranh có thể gây ra. Chuyện các mức giá có thể không tương ứng với chi phí cận biên chẳng thấm vào đâu so với chuyện khi độc quyền đã hình thành vì khi đó các mức chi phí có thể cao hơn nhiều lần so với mức cần thiết. Mặt khác, một doanh nghiệp độc quyền dựa trên hiệu quả sản xuất vượt trội gây ra tác hại không đáng kể chừng nào điều kiện sau đây vẫn thỏa mãn: sự độc quyền của nó sẽ biến mất ngay khi xuất hiện doanh nghiệp nào khác hiệu quả hơn trong việc đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Để kết luận, tôi muốn quay trở lại xuất phát điểm một chút, qua đó phát biểu lại kết luận quan trọng nhất dưới dạng tổng quát hơn. Cạnh tranh về cơ bản là quá trình hình thành ý kiến: Bằng cách truyền bá thông tin, nó tạo ra cho hệ thống kinh tế sự thống nhất và sự gắn kết, điều mà chúng ta ngầm định khi nghĩ về nó như là một thị trường. Nó mang lại cho mọi người cái nhìn về mặt hàng nào là tốt nhất và rẻ nhất, và cũng nhờ nó mà người ta biết về khả năng và cơ hội mà họ có trên thực tế. Do vậy, cạnh tranh là quá trình gắn với sự thay đổi liên tục của các dữ liệu, và vì thế, ý nghĩa của cạnh tranh đã bị những lí thuyết coi dữ liệu như là hằng số bỏ qua.

Chú thích:

(1) Chi phí “hiện tại” trong trường hợp này không bao gồm những chi phí đã thực hiện trong quá khứ, nhưng dĩ nhiên bao gồm cả “chi phí người sử dụng”.

Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 5, NXB Tri thức, 2016

 

Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh

Tác giả liên quan