[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương II: Những lý thuyết không thuyết phục (Phần 3)

[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương II: Những lý thuyết không thuyết phục (Phần 3)

GIẢ THUYẾT VĂN HÓA

Giả thuyết được chấp nhận rộng rãi thứ hai - giả thuyết văn hóa - kết nối sự thịnh vượng với nền văn hóa. Tương tự như giả thuyết địa lý, giả thuyết văn hóa cũng có một dòng truyền thừa xuất sắc, chí ít là kể từ nhà xã hội học vĩ đại người Đức Max Weber, người lập luận rằng cải cách Tin lành (còn gọi là cải cách Kháng cách - Protestant Reformation) và đạo đức Tin lành do cuộc cải cách này tạo ra đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời của xã hội công nghiệp hiện đại ở Tây Âu. Giả thuyết văn hóa hiện nay không còn phụ thuộc hoàn toàn vào tôn giáo, nhưng nhấn mạnh các hình thái khác của niềm tin, giá trị và đạo đức.

Mặc dù ngại không nói ra, song nhiều người cho rằng châu Phi nghèo là do họ thiếu đạo đức làm việc, vẫn còn tin vào phù thủy và ma thuật, hoặc chống lại các công nghệ mới của phương Tây. Nhiều người cũng tin rằng Mỹ La-tinh sẽ không bao giờ giàu có vì người dân đã túng quẫn lại còn hoang phí, và bởi vì họ bị nhiễm văn hóa “Iberian” hay “mañana” (việc hôm nay cứ để ngày mai). Tất nhiên, nhiều người đã từng tin rằng văn hóa Trung Hoa và các giá trị Khổng giáo là kẻ thù của tăng trưởng kinh tế, nhưng ngày nay tầm quan trọng của đạo đức làm việc Trung Hoa là động cơ tăng trưởng chính của Trung Quốc, Hồng Kông và Singapore được ca ngợi.

Liệu giả thuyết văn hóa có giúp chúng ta hiểu cách biệt giàu nghèo trên thế giới hay không? Vừa có vừa không. “Có” theo nghĩa là các chuẩn mực xã hội liên quan đến văn hóa, vật chất có thể khó thay đổi, và chúng đôi khi cũng hỗ trợ cho sự khác biệt về thể chế, vốn là lời giải thích của cuốn sách này cho sự cách biệt thu nhập trên thế giới. “Không” - và đây là trường hợp phổ biến - vì những khía cạnh mà giả thuyết văn hóa thường nhấn mạnh (như tôn giáo, đạo đức quốc gia, giá trị châu Phi và châu Mỹ La-tinh), không hề quan trọng cho sự hiểu biết về cách thức chênh lệch giàu nghèo của thế giới đi đến trạng thái như hiện nay và vẫn tiếp tục tồn tại. Các khía cạnh khác, như mức độ tin tưởng hay hợp tác, mặc dù quan trọng song chủ yếu là kết quả của các thể chế chứ không phải là một nguyên nhân độc lập.

Hãy quay lại trường hợp của Nogales. Như đã lưu ý, hai phía của hàng rào có chung nhiều nét văn hóa. Tuy nhiên, có thể có một số khác biệt đáng kể trong thông lệ, chuẩn mực và giá trị, mặc dù chúng không phải là nguyên nhân mà là kết quả của sự phân hóa trên con đường phát triển của hai phía. Chẳng hạn như, các cuộc điều tra cho thấy mức độ tin tưởng lẫn nhau giữa người Mexico thường thấp hơn so với người Hoa Kỳ. Sự thiếu niềm tin của người Mexico không hề là điều bất ngờ khi chính phủ của họ không thể tiêu diệt các tập đoàn ma túy hay tạo ra một hệ thống pháp lý không thiên vị. Điều này cũng đúng với Bắc và Nam Triều Tiên được chúng tôi thảo luận trong chương kế tiếp. Nam Triều Tiên là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới, trong khi Bắc Triều Tiên đang phải vật lộn với nạn đói tái diễn và nghèo đói khốn khổ. Mặc dù “văn hóa” giữa hai miền của Triều Tiên ngày nay rất khác nhau, song nó không có vai trò gì trong việc gây ra sự phân hóa kinh tế giữa hai nửa của cùng một quốc gia trong quá khứ. Trong một thời gian dài, bán đảo Triều Tiên có chung lịch sử. Trước chiến tranh Triều Tiên, khi đất nước chưa bị chia cắt ở vĩ tuyến 38, bán đảo Triều Tiên có một sự đồng nhất chưa từng có về ngôn ngữ, sắc tộc và văn hóa. Cũng như ở Nogales, điều quan trọng là biên giới. Phía bắc là một chế độ khác, áp đặt các thể chế khác và tạo ra các khuyến khích khác. Vì vậy, bất kỳ một sự khác biệt nào về văn hóa giữa phía bắc và phía nam biên giới của Nogales hay Triều Tiên không phải là một nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt trong sự thịnh vượng, mà đúng hơn là một hệ quả của sự khác biệt này.

Thế còn châu Phi và văn hóa châu Phi thì sao? Về mặt lịch sử, hạ Sahara của châu Phi nghèo hơn so với hầu hết các vùng khác trên thế giới, và nền văn minh cổ đại của nó đã không phát minh ra bánh xe, chữ viết (với ngoại lệ của Ethiopia và Somalia), hay dụng cụ cấy cày. Mặc dù các công nghệ này không được sử dụng rộng rãi cho đến khi thực dân châu Âu chính thức xuất hiện vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, các nước châu Phi đã biết về chúng từ rất sớm. Châu Âu đã bắt đầu dong buồm xung quanh bờ biển phía tây từ cuối thế kỷ 15, và người châu Á đã liên tục dong buồm đến Đông Phi từ trước đó rất nhiều.

Từ lịch sử của Vương quốc Kongo ở cửa sông Congo, mà theo thời gian sẽ trở thành nước Cộng hòa Dân chủ Congo hiện đại, chúng ta có thể hiểu lý do tại sao các công nghệ này đã không được tiếp nhận. Bản đồ 6 cho thấy vị trí của Vương quốc Kongo cùng với một bang quan trọng khác ở trung tâm châu Phi - vương quốc Kuba, mà chúng tôi sẽ thảo luận trong phần sau của cuốn sách.

Bản đồ 6: Vương quốc Kongo, Vương quốc Kuba, người Bushong và người Lele (p.88)

Kongo tiếp xúc mạnh mẽ với người Bồ Đào Nha sau chuyến thăm thăm đầu tiên của các thủy thủ Diogo Cão năm 1483. Vào thời điểm đó, theo tiêu chuẩn của châu Phi, Kongo là một chính thể tập trung cao độ, thủ đô là Mbanza có 60 nghìn dân, tức là có quy mô tương đương với thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha và lớn hơn London (với khoảng 50 nghìn dân vào năm 1500). Nhà vua Kongo, Nzinga a Nkuwu, cải đạo theo Công giáo và đổi tên thành João I. Tên của Mbanza sau đó được đổi thành São Salvador. Nhờ người Bồ Đào Nha, người Kongo đã biết đến bánh xe và chiếc cày. Người Bồ Đào Nha thậm chí còn khuyến khích người Kongo tiếp các phái đoàn nông nghiệp của họ vào năm 1491 và 1512. Mặc dù tất cả các sáng kiến này đều không thành công nhưng nhìn chung người Kongo không hề phản đối công nghệ hiện đại. Họ đã rất nhanh chóng tiếp nhận một phát minh quan trọng của phương Tây, đó là súng. Họ đã sử dụng công cụ mới đầy quyền năng này theo tiếng gọi của những khuyến khích của thị trường: để bắt và xuất khẩu nô lệ. Không hề có dấu hiệu nào cho thấy giá trị hay văn hóa châu Phi đã ngăn cản việc tiếp nhận các công nghệ và thực hành mới. Khi sự tiếp xúc của họ với châu Âu trở nên sâu đậm hơn, người Kongo đã tiếp nhận một số thực hành phương Tây khác như chữ viết, kiểu cách ăn mặc, và thiết kế nhà cửa. Trong thế kỷ 19, nhiều nước châu Phi cũng đã lợi dụng những cơ hội kinh tế mới do cuộc Cách mạng công nghiệp đem lại để thay đổi mô thức sản xuất của họ. Ở Tây Phi, kinh tế đã phát triển nhanh chóng nhờ vào việc xuất khẩu dầu cọ và lạc. Toàn miền nam châu Phi đã phát triển xuất khẩu sang các khu vực công nghiệp hóa và khai thác mỏ đang phát triển nhanh chóng sử dụng đồng Rand ở Nam Phi. Tuy nhiên, những thí nghiệm kinh tế đầy hứa hẹn đã bị xóa sổ không phải do văn hóa Phi châu hay sự kém năng lực của người dân châu Phi trong việc phục vụ lợi ích của riêng mình, mà đầu tiên là do chủ nghĩa thuộc địa châu Âu và sau đó là do bản thân các chính phủ châu Phi sau khi giành được độc lập.

Lý do thực sự khiến người Kongo không tiếp nhận công nghệ là bởi vì họ không có bất kỳ động cơ nào để làm như vậy. Họ phải đối mặt với rủi ro cao vì thành quả lao động của họ có thể bị tước đoạt và bị đánh thuế bởi những ông vua toàn năng, bất kể những ông vua này có cải đạo theo Công giáo hay không. Trong thực tế, không chỉ thiếu sự an toàn về tài sản. Ngay cả sự tồn tại của họ cũng rất mong manh. Nhiều người trong số họ đã bị bắt và bán làm nô lệ. Chắc chắn là môi trường này không thể khuyến khích đầu tư nhằm tăng năng suất trong dài hạn. Tương tự như vậy, các ông vua toàn năng cũng không hề có động cơ để biến việc sử dụng công cụ cày bừa trên quy mô lớn hay làm tăng năng suất nông nghiệp trở thành ưu tiên hàng đầu của mình; đơn giản là vì xuất khẩu nô lệ đem lại lợi nhuận lớn hơn nhiều.

Rất có thể là ngày nay người châu Phi ít tin tưởng nhau hơn so với người các vùng khác của thế giới. Nhưng đây là kết quả của việc duy trì những thể chế làm suy yếu quyền con người và quyền tài sản ở châu Phi trong một thời gian dài. Nguy cơ bị bắt và bán làm nô lệ trong quá khứ chắc chắn đã ảnh hưởng đến mức độ tin cậy lẫn nhau của người châu Phi.

Thế còn đạo đức Tin lành của Max Weber thì sao? Mặc dù có vẻ đúng là những nước có tôn giáo chính là Tin lành, như Hà Lan và Anh chẳng hạn, đi tiên phong trong thành công kinh tế trong thế giới hiện đại, nhưng có rất ít mối quan hệ giữa tôn giáo và thành công kinh tế. Pháp, một đất nước theo Công giáo, đã nhanh chóng bắt kịp kết quả kinh tế của người Hà Lan và người Anh vào thế kỷ 19, và nước Ý ngày nay cũng có mức độ thịnh vượng không hề thua kém những nước này. Nhìn xa hơn về phía đông, bạn sẽ thấy rằng các trường hợp thành công kinh tế của Đông Á không hề có bất kỳ liên hệ nào với bất kỳ hình thức Kitô giáo nào, và vì vậy ở đây cũng không có nhiều hậu thuẫn cho một mối quan hệ đặc biệt giữa đạo Tin lành và thành công kinh tế.

Bây giờ hãy chuyển sang Trung Đông - khu vực ưa thích của những người nhiệt thành với giả thuyết văn hóa. Các nước Trung Đông chủ yếu là Hồi giáo, và như chúng tôi đã lưu ý, các nước không sản xuất dầu mỏ trong khu vực này đều rất nghèo. Các nước sản xuất dầu mỏ giàu có hơn, nhưng của cải từ trên trời rơi xuống này đã không hề tạo ra được các nền kinh tế đa dạng hiện đại ở Ảrập Saudi hay Kuwait. Phải chăng đây là những thực tế thuyết phục chứng tỏ rằng tôn giáo có vai trò quan trọng? Mặc dù có lý, song lập luận này cũng không đúng nốt. Các nước như Syria và Ai Cập đều nghèo và dân số của họ đều chủ yếu là người Hồi giáo. Tuy nhiên, các nước này giống nhau trên những phương diện còn quan trọng hơn nhiều đối với sự thịnh vượng. Tất cả đều đã từng là địa hạt của Đế chế Ottoman, và chính đế chế này đã định hình một cách nặng nề và tiêu cực đến cách thức phát triển của các nước này. Sau khi sự cai trị của Ottoman sụp đổ, các nước Trung Đông bị nhập vào đế chế thuộc địa của Anh và Pháp, và một lần nữa, trở nên cằn cỗi hơn. Sau khi độc lập, các nước trong vùng bắt chước các nước thuộc địa cũ bằng cách phát triển chế độ chính trị độc tài với rất ít thể chế chính trị và kinh tế mà chúng tôi cho là tối quan trọng để tạo ra thành công kinh tế. Con đường phát triển này đã được định hình chủ yếu bởi sự cai trị của Ottoman và châu Âu. Mối quan hệ giữa Hồi giáo và cái nghèo ở Trung Đông phần lớn là không thật.

Vai trò của những sự kiện lịch sử này, chứ không phải yếu tố văn hóa, trong việc hình thành quỹ đạo kinh tế ở Trung Đông được thể hiện qua thực tế là những phần thuộc Trung Đông tạm thời thoát ra khỏi ách cai trị của Đế quốc Ottoman và các cường quốc châu Âu, chẳng hạn như Ai Cập vào năm 1805 và năm 1848 dưới thời Muhammad Ali, có thể bắt đầu thay đổi kinh tế nhanh chóng. Muhammad Ali cướp quyền sau sự rút lui của quân chiếm đóng Pháp ra khỏi Ai Cập dưới thời Napoleon Bonaparte. Khai thác điểm yếu trong sự cai trị của Đế chế Ottoman đối với lãnh thổ Ai Cập vào thời điểm đó, Muhammad Ali đã có thể xây dựng triều đại của riêng mình, mà dưới dạng này hay dạng khác, trị vì cho đến cuộc Cách mạng Ai Cập năm 1952 dưới sự lãnh đạo của Nasser. Cải cách của Muhammad Ali, mặc dù có tính cưỡng bức, đã mang lại tăng trưởng cho Ai Cập, với bộ máy nhà nước, quân đội và hệ thống thuế được hiện đại hóa và có sự tăng trưởng trong nông nghiệp và công nghiệp. Tuy nhiên, quá trình hiện đại hóa và tăng trưởng này đã kết thúc sau cái chết của Muhammad Ali, khi Ai Cập rơi vào ảnh hưởng của châu Âu.

Nhưng có lẽ đây là cách nghĩ sai lầm về văn hóa. Có lẽ các yếu tố văn hóa quan trọng không gắn liền với tôn giáo mà với các “nền văn hóa quốc gia” cụ thể. Có lẽ chính ảnh hưởng của văn hóa Anh mới là quan trọng và điều này giải thích tại sao các nước như Hoa Kỳ, Canada và Úc rất thịnh vượng. Mặc dù ý tưởng này thoạt nghe có vẻ hấp dẫn, song cũng không thuyết phục. Đúng là Canada và Hoa Kỳ là thuộc địa của Anh, nhưng Sierra Leone và Nigeria cũng thế. Sự khác nhau về mức độ thịnh vượng giữa các nước thuộc địa của Anh cũng giống như giữa các nước trên thế giới. Di sản của người Anh không phải là lý do cho sự thành công của Bắc Mỹ.

Còn có một phiên bản nữa của giả thuyết văn hóa: vấn đề có lẽ không phải nằm ở chỗ thuộc địa của Anh hay của một nước khác, mà là của châu Âu chứ không phải của một châu lục khác. Liệu người châu Âu có phần nào ưu việt hơn nhờ đạo đức làm việc, cách nhìn cuộc sống, các giá trị Do Thái-Kitô giáo, hay di sản La Mã? Đúng là Tây Âu và Bắc Mỹ, tràn ngập người gốc châu Âu, là nơi giàu có nhất thế giới. Phải chăng chính sự ưu việt của di sản văn hóa châu Âu là nguyên nhân gốc rễ cho sự thịnh vượng - và là nơi trú ẩn cuối cùng của giả thuyết văn hóa. Tuy nhiên, tiềm năng giải thích của phiên bản này của giả thuyết văn hóa cũng ít ỏi như những phiên bản khác. Một tỷ lệ lớn dân số của Argentina và Uruguay, lớn hơn cả Canada và Hoa Kỳ, là người gốc châu Âu, nhưng kết quả hoạt động kinh tế của Argentina và Uruguay thì còn phải phấn đấu nhiều. Nhật Bản và Singapore chưa bao giờ có nhiều hơn một nhúm cư dân gốc châu Âu, nhưng về sự giàu có họ không hề thua kém các nước Tây Âu.

Trung Quốc, mặc dù có hệ thống kinh tế và chính trị không hoàn hảo, đã tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong ba thập kỷ vừa qua. Sự nghèo đói của Trung Quốc cho đến khi Mao Trạch Đông chết không hề liên quan tới văn hóa Trung Quốc, mà là do cách tổ chức kinh tế và chỉ huy chính trị tàn khốc. Trong thập niên 1950, Mao chủ trương tiến hành Đại nhảy vọt, chính sách công nghiệp hóa quyết liệt mà hậu quả là nạn đói và chết đói hàng loạt. Trong thập niên 1960, Mao tuyên truyền Cách mạng Văn hóa, dẫn đến cuộc đàn áp đại trà đối với giới trí thức và người có học, hay bất kỳ ai mà sự trung thành với đảng có thể bị hoài nghi. Điều này một lần nữa dẫn đến sự khiếp sợ và lãng phí khủng khiếp tài năng và nguồn lực của xã hội. Tương tự như vậy, tăng trưởng của Trung Quốc hiện nay không hề liên quan đến các giá trị Trung Quốc hoặc thay đổi trong văn hóa Trung Quốc, mà nó là kết quả của một quá trình chuyển biến kinh tế nhờ các cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình và các đồng minh của ông, người sau cái chết của Mao Trạch Đông, từng bước từ bỏ thể chế và chính sách kinh tế tập trung, trước tiên là trong lĩnh vực nông nghiệp và sau đó là trong lĩnh vực công nghiệp.

Cũng giống như giả thuyết địa lý, giả thuyết văn hóa cũng không giúp giải thích các khía cạnh khác trong bức tranh về vị thế giữa các quốc gia hiện nay. Tất nhiên là giữa Hoa Kỳ và châu Mỹ La-tinh có sự khác biệt về niềm tin, thái độ văn hóa và các giá trị, nhưng giống như những khác biệt giữa Nogales (Arizona) và Nogales (Sonora), giữa Nam và Bắc Triều Tiên, những khác biệt này là hệ quả của sự khác biệt về thể chế và lịch sử thể chế của hai nơi. Yếu tố văn hóa nhấn mạnh cách thức nền văn hóa “Tây Ban Nha” hoặc “La-tinh” hun đúc nên Đế chế Tây Ban Nha không thể giải thích sự khác biệt ở châu Mỹ La-tinh (chẳng hạn tại sao Argentina và Chile thịnh vượng hơn so với Peru và Bolivia). Các lập luận khác về văn hóa, chẳng hạn như những lập luận nhấn mạnh vào nền văn hóa bản địa đương đại, đều không đi đến đâu. Argentina và Chile có ít người bản địa hơn so với Peru và Bolivia. Mặc dù điều này là đúng sự thật, nhưng văn hóa bản địa cũng không phải là một lời giải thích thuyết phục. Colombia, Ecuador và Peru có mức thu nhập tương đương nhau, nhưng Colombia hiện có rất ít dân bản địa, trong khi Ecuador và Peru có nhiều hơn. Cuối cùng, thái độ văn hóa, nhìn chung thay đổi rất chậm, không có khả năng giải thích cho sự tăng trưởng thần kỳ ở các nước Đông Á và Trung Quốc. Mặc dù các thể chế cũng tồn tại dai dẳng, song trong một số hoàn cảnh chúng thay đổi rất nhanh như chúng ta sẽ thấy.

Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)

Dịch giả:
Trần Thị Kim Chi
Hiệu đính:
Vũ Thành Tự Anh