2011: Khởi đầu chu kỳ tăng giá mới?
[SGTT - 14.02.2011] - Một chu kỳ tăng giá mới lại khởi đầu trong năm 2011 với việc tăng 9,3% tỷ giá liên ngân hàng chính thức cuối tuần qua, kế hoạch tăng giá điện vào tháng 3 và nhiều khả năng giá xăng dầu, giá than cũng sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng trong thời gian tới.
Vào đầu năm 2010, chúng ta được chứng kiến một kịch bản tương tự. Tháng 2, tỷ giá chính thức đã tăng 3,36%; tháng 3, giá điện tăng 6,8%; và tiếp theo đó, giá than bán cho các khu vực tiêu thụ lớn như điện, ximăng, giấy, sắt thép cũng được điều chỉnh tăng. Bốn tháng cuối năm 2010, CPI liên tục tăng ở mức cao khiến lạm phát cả năm 2010 đạt 11,75%.
Liệu kịch bản giá cả năm 2011 có lặp lại như năm 2010?
Vì sao giá cả năm 2010 tăng cao?
Giá cả hàng hoá tăng hay giảm là lẽ thường trong đời sống kinh tế. Giá cả được hình thành từ đánh giá chủ quan của người mua và bán. Nó cần được thay đổi liên tục và thể hiện theo những cách khác nhau để phản ánh sự thay đổi của nhu cầu, sự phát triển của công nghệ, và sự khan hiếm ở mức độ khác nhau với các nguồn lực.
Nhưng khi giá cả đồng loạt tăng như năm 2010 thì tiền tệ là nguyên nhân chính. Mặc dù cung tiền M2 năm 2010 tăng ở mức xấp xỉ 27% không cao hơn nhiều so với kế hoạch của ngân hàng Nhà nước nhưng đây vẫn là mức tăng cao bởi các năm trước đó cung tiền đã tăng rất cao, trên 40% hàng năm. Tỷ lệ tổng phương tiện thanh toán (M2) trên GDP danh nghĩa liên tục tăng trong những năm gần đây, ở mức 1,37 lần trong năm 2010 so với mức 1,25 lần năm 2009 và dưới mức một lần trong những năm 2006 trở về trước.
Khi cung tiền tăng, nó không khiến cho giá cả đồng loạt tăng ngay tức thì. Cung tiền từ hệ thống ngân hàng được bơm ra bao giờ cũng đến một số địa chỉ trước những địa chỉ khác. Những nơi mà nguồn cung tiền giá rẻ đến trước thì giá cả sẽ tăng trước; và từ những nơi này dòng tiền sẽ chảy đến những nơi khác, khiến cho sau một thời gian giá cả tất cả các mặt hàng đều tăng. “Té nước theo mưa” là hiện tượng không thể tránh khỏi. Có điều chúng ta không thể biết được rằng luồng tiền sau khi ra khỏi hệ thống ngân hàng sẽ đi về những hướng nào, và do vậy, chúng ta cũng không thể biết được tại sao giá cả một số mặt hàng lại đột biến tăng hay “té nước theo mưa” vào tháng chín hay tháng mười chứ không phải các tháng trước đó.
Một nguyên nhân khác nhiều người thường nhắc đến là giá cả trong nước tăng bởi vì giá cả thế giới tăng.
Thực ra không hẳn vậy. Giá cả hàng hoá thế giới tính theo đô la Mỹ tăng là bởi vì chính sách kích thích kinh tế của Mỹ. Lợi dụng vị thế bá quyền về tiền tệ, Chính phủ Mỹ đã bơm hàng ngàn tỉ đôla để trợ giúp cả khu vực sản xuất và tiêu dùng. Nhưng với các nước kiểm soát tiền tệ chặt chẽ, hành động của chính quyền Mỹ sẽ khiến cho đôla Mỹ bị mất giá so với bản tệ. Chúng ta chứng kiến bản tệ của Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan v.v. tăng rất mạnh so với USD.
Vì bản tệ tăng giá nên ngay cả khi giá cả thế giới tính theo USD tăng giá thì giá nhập khẩu hàng hoá thế giới tính theo bản tệ của các quốc gia kiểm soát tiền tệ chặt chẽ cũng không thay đổi. Vì vậy các quốc gia này đã giảm thiểu được tác động của việc tăng giá cả thế giới đối với giá cả trong nước. Lạm phát của hầu hết các nước kể trên đều dưới 5% trong năm 2010.
Trái ngược với các nước trong khu vực, VND lại mất giá liên tục tới 5,32% trong năm 2010 và vừa thêm 9,3% trong đợt phá giá vừa rồi. Sự mất giá của VND xét đến cùng là do nguyên nhân lạm phát cao ở các năm trước. Mà lạm phát cao ở các năm trước xét đến cùng lại là do cung tiền cao ở các năm trước nữa.
Do vậy, sự leo thang của giá cả của Việt Nam năm 2010 vừa do mức cung tiền vẫn ở mức cao của chính năm đó, vừa do sự tích tụ của các mức cung tiền cao các năm trước đó thông qua sự mất giá của bản tệ.
Liệu vòng xoáy lạm phát có tiếp diễn trong năm 2011? Câu trả lời sẽ là tuỳ thuộc vào chính sách của Chính phủ.
Liệu vòng xoáy lạm phát có tiếp diễn?
Tỷ giá đã được điều chỉnh tăng và giá các hàng hoá cơ bản cũng sẽ tăng trong kế hoạch. Liệu tình hình giá cả năm 2011 có lặp lại như năm 2010?
Câu trả lời sẽ là tuỳ thuộc vào chính sách của Chính phủ.
Với trình độ công nghệ không thay đổi, nếu giả sử tổng cầu tăng ở mức như của năm trước, giá cả đầu vào tăng sẽ không dẫn đến giá cả đầu ra tăng mà chỉ dẫn đến lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm và do đó giảm tốc độ tăng GDP. Nhưng nếu Chính phủ muốn tiếp tục duy trì tăng trưởng GDP ở mức như năm trước hoặc cao hơn thì bắt buộc phải tăng tổng cầu, tức là sẽ dẫn đến tăng giá cả đầu ra.
Kịch bản giá cả như năm 2010 sẽ được lặp lại trong năm 2011 nếu như trình độ công nghệ của quốc gia không tăng hoặc Chính phủ không giảm được tổng cầu thông qua giảm chi tiêu Chính phủ. Hay nói cách khác, nếu Chính phủ muốn theo đuổi mức tăng trưởng năm 2011 theo kế hoạch ở mức từ 7 – 7,5% so với mức 6,78% năm 2010 thì hoặc Chính phủ phải cải cách triệt để khu vực Nhà nước để cải thiện năng suất lao động và chấp nhận mức lạm phát tương đương năm ngoái khoảng 10%, hoặc Chính phủ sẽ phải chấp nhận mức lạm phát cao hơn nữa, có thể lên tới 13 – 15%.
Kinh nghiệm thời đổi mới những năm 1989 – 1991 vẫn là một bài học tốt cho việc kiểm soát lạm phát. Trong giai đoạn này, Chính phủ đã thực hiện một loạt các biện pháp như giải phóng sức sản xuất thông qua Khoán 10 và các biện pháp cho phép tư nhân, tiểu thương kinh doanh buôn bán; xoá bỏ chế độ hai giá đối với hầu hết các mặt hàng; và kiên quyết chấm dứt bao cấp cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoạt động không hiệu quả. Hàng ngàn DNNN yếu kém đã bị giải thể, sáp nhập với các doanh nghiệp khác. Các DNNN phải tự cân đối vốn và bươn chải trên thương trường. Các biện pháp giảm biên chế, giải ngũ v.v. cũng đã làm giảm đáng kể chi tiêu ngân sách nhà nước cho các khu vực không hiệu quả. Đó chính là những nguyên nhân giúp ngân hàng Nhà nước có thể giảm tốc độ tăng phương tiện thanh toán từ mức 200 – 300% vào các năm 1988 và 1989 xuống còn dưới 10% vào năm 1993. Việt Nam kiềm chế được lạm phát phi mã, và kiềm chế được tốc độ tăng CPI dưới hai con số nhiều năm liền sau đó.
Ngày nay, để duy trì mức lạm phát thấp trong khi vẫn đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng cao, Chính phủ cần xem lại các bài học trên. Chẳng hạn, Chính phủ cần tiếp tục giải phóng sức sản xuất cho khu vực kinh tế tư nhân và cải tổ lại DNNN triệt để hơn nữa; xem lại chính sách về sở hữu đất đai để tạo ra một Khoán 10 mới cho khu vực nông thôn; giảm chi tiêu nhà nước xuống chỉ ở mức 20 – 23% GDP như các nước trong khu vực thay vì lên tới 32% GDP như hiện nay thông qua các biện pháp tinh giảm biên chế cho bộ máy hành chính, giảm đầu tư công và thu nhỏ hoặc “xã hội hoá” các đoàn thể. Bên cạnh đó, kiên quyết dẹp bỏ “hệ thống hai giá” manh nha hình thành từ các điểm bán hàng bình ổn giá. Cần phải duy trì cơ chế giá thị trường thông suốt trên cả nước. Nếu cần hỗ trợ người nghèo thì nên tìm các biện pháp khác như phát hành một số loại tem phiếu đặc biệt cho các người nghèo để mua những mặt hàng mà họ cần.
Do việc cải thiện trình độ công nghệ là rất khó khăn và đòi hỏi nhiều thời gian nên từ góc nhìn của người nghiên cứu, tôi cho rằng một kịch bản có lẽ tốt nhất cho Việt Nam trong năm 2011 là duy trì mức tăng trưởng khoảng 6 – 6,5%, với mức lạm phát khoảng 8%, ngay cả khi Chính phủ có quyết tâm lớn cải cách khu vực kinh tế nhà nước.
Nguồn: SGTT, 14/02/2011, link khác: http://vepr.org.vn/533/news-detail/433972/cap-nhat-tin-kinh-te-chinh-sach/2011-khoi-dau-chu-ky-tang-gia-moi-.html