![[Tinh thần dân chủ] Chương 15: Thầy thuốc, hãy tự chữa bệnh (Phần 6)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k22071_15.10_(1).jpg)
[Tinh thần dân chủ] Chương 15: Thầy thuốc, hãy tự chữa bệnh (Phần 6)
GIA TĂNG MỨC ĐỘ THAM GIA
Biết rằng tham gia bầu cử có vai trò quan trọng như thế nào đối với các cuộc tổng tuyển cử, nhưng thật đáng ngạc nhiên là có quá ít người đi bầu. Từ năm 1948, chưa tới 65% người có quyền bầu cử tham gia bầu cử tổng thống và bốn trong bảy cuộc bầu cử tổng thống, tính từ năm 1980, chưa tới 55% cử tri tham gia.1
Những cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kì tình hình còn tệ hơn, trong những năm 1998, 2003 và 2006, năm cử tri thì chỉ có hai người tham gia bầu cử.2 Dù nhìn vào tỉ lệ công dân đủ tư cách bầu cử hay tỉ lệ cử tri đăng kí, tỉ lệ cử tri đi bầu ở Hoa Kỳ thấp hơn hẳn so với các chế độ dân chủ khác. Với tỉ lệ đi bầu trung bình, từ năm 1945 đến năm 2001, là 48%; Hoa Kỳ đứng sau không chỉ tất cả những chế độ dân chủ đã công nghiệp hóa mà còn thấp hơn cả những chế độ dân chủ mới nổi, như Ấn Độ, Indonesia, Peru và Romania. Trong hơn một trăm chế độ dân chủ và nửa dân chủ, chỉ có mười nước có tỉ lệ cửa tri đi bầu thấp hơn Hoa Kỳ mà thôi.3
Trong những cuộc bầu cử địa phương, số người Mỹ đi bầu còn ít hơn – trung bình chỉ khoảng một phần ba cử tri đủ tư cách.4 Tỉ lệ cử tri đi bầu trong nhiều cuộc bỏ phiếu sơ bộ ở bang rút xuống chỉ còn 10%. Trung bình, các cuộc bầu cử sơ bộ bang năm 2006 chỉ còn 15%, thấp nhất từ trước tới nay.5 Trong tình hình như thế, chiến thắng có xu hướng thuộc về những kẻ cực đoan – lực lượng chính trị nào có thể động viên được cơ sở tư tưởng nòng cốt của họ sẽ trở thành người chiến thắng.6 Vì lý do đó mà một số nhà nghiên cứu chính trị Mỹ đã ủng hộ ý tưởng coi đi bầu là nghĩa vụ, ở Australia, cách làm này đã nâng tỉ lệ cử tri đi bầu lên hơn 95%.7 Mặc dù số tiền mà người Australia bị phạt nếu họ không tham gia bầu cử là khá khiêm tốn, nhưng khó mà tưởng tượng ý tưởng này được chấp nhận ở Hoa Kỳ – ở đây người ta thường phản đối quyết liệt sự cưỡng bách của nhà nước.
Tuy nhiên, vẫn có những việc khác, có thể làm nhằm gia tăng tỉ lệ cử tri đi bầu; bắt đầu là những cuộc cải cách làm cho quá trình đăng kí trở thành dễ dàng hơn, thậm chí là đăng kí ngay tại hòm phiếu trong ngày bầu cử; cách làm này sẽ gia tăng tỉ lệ cử tri đi bầu, đặc biệt là giới trẻ. Nivola và Galston đề nghị biến ngày bầu cử thành ngày nghỉ và bầu cử địa phương, bang và liên bang diễn ra trong một ngày, để cho quá trình tuyển cử không quá “mệt mỏi.”8 Công nghệ số cũng có thể có vai trò. Ít nhất là, có thể làm và làm trong thời gian ngắn nhất, sao cho mỗi cử tri chỉ cẫn gõ địa chỉ và mã vùng lên thanh tìm kiếm trên máy tính là có thể tìm được địa điểm bầu cử trong khu vực. Sau này, bỏ phiếu trên mạng có thể giúp làm gia tăng số người tham gia, mặc dù có thể chi phí khá cao – với tình hình công nghệ hiện nay, theo tôi là quá cao – để có thể làm cho các cuộc bầu cử là đáng tin, vì máy tính có thể bị bọn xấu thâm nhập để làm sai lệch kết quả hay phá hoại ngầm cuộc bầu cử.
Làm cho các cuộc bầu cử trở thành cạnh tranh hơn cũng sẽ giúp làm gia tăng tỉ lệ cử tri đi bầu. Bên cạnh việc cào bằng lĩnh vực tài chính của chiến dịch, có thể tiến hành các cuộc bầu cử tổng thống công bằng hơn và trở thành thú vị hơn đối với nhiều cử tri nếu các bang tặng (như Maine và Nebraska đã làm) hai phiếu của cử tri đoàn cho ứng viên tổng thống giành chiến thắng trong toàn bang, và sau đó tặng một phiếu cho người thắng trong mỗi khu vực bầu cử. Cách làm đó, không cần phải có tu chính hiến pháp, có thể sẽ làm cho chiến dịch tranh cử trở thành rộng hơn, phiếu của cử tri đoàn gần nhau hơn và cử tri tham gia nhiều hơn, quan tâm hơn và tỉ lệ đi bầu cao hơn.9 Tuy nhiên, các bang lớn như California và Texas có thể cần hành động ngay lập tức hay hoàn không không chuyển động – vì sợ người ta sẽ đơn phương từ bỏ ảnh hưởng của những hành động này.
Nhưng, vấn đề không chỉ là bỏ phiếu. Quan tâm tới chính trị và việc tham gia của công dân vào đời sống công cộng dường như đang giảm. Trong toàn quốc, từ năm 1974 đến năm 1994, số ứng cử viên tranh các chức vụ khu vực đã giảm 15%.10 Năm 2003, bảy thị trấn ở California phải hủy các cuộc bầu cử vì không có đủ ứng viên.11 Tỉ lệ học sinh các lớp cuối phổ thông trung học nói rằng họ “có khả năng sẽ làm” hoặc “đã làm” trong các chiến dịch chính trị giảm từ một phần năm hồi giữa những năm 1970 xuống còn một phần mười vào năm 2001.12 Cũng trong một phần tư thế kỉ đó, tỉ lệ học sinh các lớp cuối quan tâm tới các sự kiện đang diễn ra cũng giảm.13 Những dấu hiệu về sự suy giảm trong việc tham gia của công dân vào trong các mạng lưới, tiêu chuẩn nền tảng và mô hình hợp tác, từng là “vốn xã hội” của chúng ta, còn đáng ngại hơn. Trong một tác phẩm mang tính khai phá, xuất bản năm 2000, nhà nghiên cứu chính trị Robert Putman đã đưa ra nhiều bằng chứng chứng tỏ sự suy giảm đáng kể vốn xã hội của nước Mỹ, thể hiện trong việc giảm số người tham gia các cuộc họp trong cộng đồng và công việc của trường học, thường xuyên đi lễ nhà thờ, là thành viên của công đoàn hay hội phụ huynh-giáo viên. Theo lối ẩn dụ, ông cho rằng người Mỹ đang “lăn bóng một mình” chứ không chịu tham gia vào đội. Trong khi các tổ chức quy mô lớn, được lãnh đạo một cách chuyên nghiệp đang nở rộ, thì ông (và những người khác) lo ngại rằng chúng sẽ không đưa người dân lại gần nhau bằng các tổ chức cơ sở, bằng sự hợp tác mặt đối mặt, và vì vậy mà không thúc đẩy sự tin tưởng và hợp tác như các tổ chức cơ sở.14 Đây dường như là lý do chính khiến người Mỹ cảm thấy yếm thế, không có quyền lực và xa lánh khỏi chính trị, vì việc tham gia vào hiệp hội và cộng đồng làm cho người ta tự tin hơn vào khả năng tạo được ảnh hưởng đối với các vấn đề xã hội.15
Xu hướng này đã ăn sâu bén rễ và không dễ mà đảo ngược được, nhưng tôi tin ủy ban trường trực về giáo dục và tham gia của xã hội dân sự thuộc Hội Khoa học Chính trị Mỹ đã đúng khi họ nhận xét rằng người dân dường như tự nguyện và sẵn sàng tham gia khi được hỏi và được tạo thêm điều kiện để tham gia. Ủy ban này ghi nhận xu hướng phát triển trong lĩnh vực phi lợi nhuận và trong ý thức tự nguyện làm việc với các tổ chức xã hội ở địa phương, nhưng những chính sách mới có thể khuyến khích các xu hướng này và liên kết chặt chẽ hơn với quyền công dân theo nghĩa tích cực. Một trong những bước đi có triển vọng nhất là mở rộng (nhưng vẫn có tính tự nguyện) chương trình phục vụ toàn quốc nhắm vào thanh niên Mỹ (cả trước và sau khi tốt nghiệp đại học), với nhiều lựa chọn, từ phục vụ trong quân đội, tái thiết sau các vụ xung đột ở nước ngoài, đến dịch vụ cộng đồng ở địa phương, dạy học và bảo vệ khu phố. Các trường cao đẳng và đại học cũng có thể khuếch trương các chương trình dịch vụ đầy sáng kiến và thường là khá thành công của họ. Ủy ban này còn đề nghị gắn những hình thức dịch vụ toàn quốc khác nhau với những khoản giúp đỡ cho sinh viên và những lợi ích khác nhau mà họ được hưởng, và điều này sẽ đòi hỏi khá nhiều tài trợ.16 Một số sẽ chùn bước vì chi phí quá lớn, nhưng xã hội Mỹ phải hỏi liệu họ có thể có chế độ dân chủ với chất lượng cao hơn mà không cần đầu tư cho nó hay không.
Rất cần những sáng kiến nhằm nhen nhóm lại sự quan tâm và tham gia của xã hội dân sự Mỹ. Có thể sử dụng một cách sáng tạo những biện pháp mới và công nghệ mới, có thể đưa công dân lại với nhau để cùng bàn bạc nhữngvấn đề xã hội và sử dụng Internet nhằm lan tỏa kiến thức chính trị và khuyến khích thảo luận. James Fishkin, Giáo sư về truyền thông ở đại học Stanford (Stanford University), đã xây dựng chương trình thăm dò ý kiến sau thảo luận, như một trong những biện pháp nhằm thúc đẩy thay đổi chính sách phản ánh được quyền lợi của xã hội:
Mẫu ngẫu nhiên, mang tính đại diện được thăm dò trước hết về những vấn đề có tính mục tiêu. Sau cuộc thăm dò sơ bộ này, các thành viên trong mẫu được mời đến một địa điểm vào ngày cuối tuần để thảo luận các vấn đề đó. Những người tham gia sẽ được cung cấp tài liệu hướng dẫn được chuẩn bị kĩ lưỡng, tài liệu này cũng được công bố công khai. Những người tham gia thảo luận với các chuyên viên và các nhà lãnh đạo chính trị trên cơ sở những vấn đề mà họ đã phát triển trong những cuộc thảo luận nhóm nhỏ với những người hướng dẫn đã được huấn luyện. Một phần những sự kiện này sẽ được đưa lên sóng vô tuyến, trực tiếp hay qua băng và đã được biên tập. Sau khi thào luận, những người tham gia lại được hỏi những câu hỏi ban đầu. Sự thay đổi là kết luận mà xã hội muốn đạt tới, nếu người dân có nhiều thông tin hơn và tham gia nhiều hơn vào các vấn đề đặt ra.17
Thực hiện những diễn đàn thảo luận để đánh giá các vấn đề xã hội hiện vẫn mang tính thử nghiệm và mất rất nhiều công sức, điều này có thể hạn chế việc áp dụng cho nhiều vấn đề khu vực và quốc gia. Nhưng hơn hai mươi cuộc thăm dò ý kiến trên toàn cầu, cùng với việc đưa lên truyền hình các cuộc thảo luận, đã tạo ra những thay đổi đáng kể trong ý kiến của dân chúng. Ví dụ, cuộc thăm dò đã làm gia tăng rất mạnh ý thức của người dân Australia về những vấn đề của người dân bản địa và ủng hộ việc hòa giải với họ.
Người ta còn liên kết các cộng đồng chính trị trên Internet với sự tái xuất hiện từ năm 2004 sự tham gia vào chính trị Hoa Kỳ của một số nhóm nhân khẩu học, mặc dù còn chưa rõ là các mạng lưới liên kết xã hội trên cơ sở các website có thể cung cấp phương tiện để thay thế những cộng đồng trên cơ sở địa lí, gần gũi nhau hơn hay không; việc những cộng đồng này biến mất đang làm Robert Putman xót xa. Đây là vấn đề quan trọng vì đường lối mang tính đảng chia rẽ những website chính trị có nhiều người truy cập, dù đấy có là những website tập hợp những công dân tham gia chính trị vào trong những cuộc thảo luận hay chia sẻ tin tức về chính phủ hay các chính khách.
Chú thích:
1. Michael McDonald, “United States Election Project: Presidential Turnout Rates for Voting-Age Population (VAP) and Eligible Population (YEP)”, http://elections.gmu.edu/turnout_rates_graph.htm. Ngay cả trong cuộc bầu cử tổng thống cực kì căng thẳng năm 2004, với những cố gắng to lớn của cả hai đảng, cũng chỉ có 59% cử tri đi bầu – tương tự như năm 1956, khi Eisenhower dễ dàng tái cử.
2. Số cử tri đủ điều kiện đã không tính đến gần 7 triệu người Mỹ đang bị tù, đang được tạm tha, người bị kết án, cũng như 13 triệu người trưởng thành nhưng không có tư cách công dân. Michael McDonald, “United States Election Project: 2006 Voting-Age and Voting-Eligible Population Estimates”, http://elections.gmu.edu/Voter_Turnout_2006.htm.
3. Rafael López Pintor, Marla Gratschew, and Kate Sullivan, “Voter Turnout Rates from a Comparative Perspective”, in Imernational IDEA, Voter Turnout Since 1945: A Global Report (Stockholm: International IDEA, 2002), p. 84. Xếp hạng 169 hệ thống chính trị, trong đó có một số chế độ độc tài, nhưng hơn 100 nền dân chủ hoặc gần như dân chủ đứng trước Hoa Kỳ (Hoa Kỳ nằm ở thức 138), và chỉ có khoảng 10 trong số 31 nước còn lại tổ chức những cuộc bầu cử chú yếu là dân chủ trong giai đoạn được đánh giá.
4. Con số này (34%) được rút ra từ công trình nghiên cứu về tỉ lệ cử tri đi bầu trong giai đoạn 1993-2000, trong 57 thành phố có số dân từ 25.000 đến 1 triệu người. U.S. Election Assistance Commission, “National Voter Turnout in Federal Elections”, http://www.eac.gov/election_resources/htmlt05.htm.
5. Trên thực tế, tỉ lệ cao nhất trong vòng 50 năm qua, năm 1966, cũng chỉ là 33,5%. Curtis Gam, “2006 Primary Turnout a Record Low”, American University News, October 6, 2006.
6. Norman J. Ornstein, “Vote– Or Else”, New York Times, August 10, 2006.
7. Ibid.; and Nivola and Galston, “Toward Depolarization”, p. 271.
8. Nivola and Galston, “Toward Depolarization”, pp. 252, 272.
9. Đây là đề xuất của nhóm các nhà nghiên cứu chính trị do Hiệp hội khoa học chính trị Mỹ tập hợp lại vào năm 2002 để đánh giá giáo dục và sự tham gia của xã hội dân sự. Stephen Macedo et at., Democracy at Risk: How Political Choices Undermine Citizen Participation, and What We Can Do About It (Washington, D.C.: Brookings Institution, 2005), p. 60.
10. Ibid., p. 66.
11. Michael Falcone, “Belmont journal: What if They Had Elections and No One Ran”, New York Times, September 21, 2003.
12. Macedo et al., Democracy at Risk, p. 28.
13. Ibid., p. 30.
14. Robert D. Putnam, Bowling Alone: The Collapse and Revival of American Community (New York: Simon and Schuster, 2000). Quá trình chuyển hóa từ các tổ chức có rất nhiều thành viên với sự tham gia của những công dân tích cực hơn sang các tổ chức được quản lí một cách chuyên nghiệp với các công dân tham gia ít hơn được trình bày torng Theda Skospol, Diminished Democracy: From Membership to Management in American Civic Life (Norman: University of Oklahoma Press, 2003).
15. Macedo et al., Democracy at Risk, p. 120.
16. Ibid., p. 152
17. James S. Fishkin, “Deliberative Polling: Toward a Better-Informed Democracy”, The Center for Deliberative Democracy, http://cdd.stanford.edu/polls/docs/summary/.
Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)