Làm sao để hạ lãi suất tiền đồng?
[SGTT.VN - 24.10.2010] - Lãi suất huy động VND trong năm 2010 luôn ở mức cao trên 11%/năm cho tất cả các kỳ hạn. Hiện nay, mặc dù lãi suất huy động được hầu hết các ngân hàng niêm yết ở mức 12%, nhưng trên thực tế, các khoản vay lớn, người cho vay luôn có thể thoả thuận với ngân hàng để được hưởng mức lãi suất lên đến 14%/năm. Mức lãi suất huy động của Việt Nam rõ ràng cao hơn tất cả các nước trong khu vực, chẳng hạn Thái Lan, có mức lãi suất huy động chỉ ở mức dưới 1,5%/năm cho kỳ hạn 3 tháng.
Sự hình thành lãi suất là một vấn đề phức tạp. Về mặt lý thuyết, lãi suất danh nghĩa được quyết định bởi các yếu tố: cung – cầu vốn vay (loanable funds), tỷ lệ lạm phát kỳ vọng, cung tiền cơ sở (M0), rủi ro thị trường vốn, và lợi nhuận của các thị trường đầu tư thay thế (như thị trường vàng, ngoại hối, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, và thị trường hàng hoá).
Năm yếu tố tác động đến lãi suất
Tại mỗi thời điểm, lãi suất có thể được quyết định mạnh bởi yếu tố này hoặc yếu tố khác. Để trả lời cho câu hỏi tại sao lãi suất huy động tiền đồng lại cao tới 13 – 14% ta cần phải xem xét cẩn trọng tất cả các yếu tố hình thành lãi suất.
Cung cầu vốn vay. Cung cầu vốn vay hình thành lãi suất thực của nền kinh tế. Nó phản ánh tương quan giữa khả năng tiết kiệm và nhu cầu vay đầu tư và chi tiêu của nền kinh tế. Nếu một nền kinh tế tiết kiệm ít trong khi nhu cầu đầu tư và chi tiêu cao sẽ khiến lãi suất cao.
Việt Nam không phải là một quốc gia có tỷ lệ tiết kiệm cao. Tỷ lệ tiết kiệm thuần trên tổng thu nhập quốc dân (GNI) luôn dưới 30%. Trong năm 2009, tỷ lệ tiết kiệm thuần không những không tăng, thậm chí còn giảm xuống mức 22%. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư của Việt Nam lại rất cao. Tỷ lệ vốn đầu tư trên GDP luôn ở mức trên 40% trong những năm gần đây. Đây là lý do căn bản khiến cho lãi suất huy động của Việt Nam không thể giảm được kể cả trong giai đoạn khủng hoảng.
Tỷ lệ lạm phát kỳ vọng. Trong những năm vừa qua, tốc độ tăng CPI của Việt Nam luôn ở mức cao. Sau khi giảm xuống mức 6,9% vào năm 2009 do khủng hoảng kinh tế từ mức rất cao trước đó, tốc độ tăng CPI đã quay trở lại trong năm 2010. Mức tăng CPI kỳ vọng khoảng gần 10% trong năm nay có thể coi là một nhân tố chính khiến cho mức lãi suất trên thị trường cao trong thời gian vừa qua và những tháng cuối năm.
Cung tiền cơ sở M0. Tăng giảm cung tiền cơ sở M0 trong ngắn hạn thể hiện qua giá trị giao dịch trên thị trường mở. Trước nhu cầu đảm bảo thanh khoản của các ngân hàng theo các quy định mới của thông tư 13, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải duy trì việc bơm tiền cho các ngân hàng thương mại (NHTM) qua thị trường mở. Giá trị giao dịch đầu ngày trên thị trường mở đã tăng từ mức khoảng 90 ngàn tỉ trong tháng 10 lên tới mức 115 ngàn tỉ trong tuần vừa qua.
Việc tăng cung tiền cơ sở M0 giúp các ngân hàng giải quyết được vấn đề thanh khoản, nhờ đó giảm được lãi suất liên ngân hàng từ mức lên tới 30% trước đó còn mức 13% như hiện tại. Động thái này góp phần giúp các NHTM không phải huy động thêm nhiều vốn từ thị trường một để đảm bảo thanh khoản. Trong ngắn hạn, động thái này của NHNN có tác dụng loại bỏ được một yếu tố hình thành tăng lãi suất huy động tại thị trường 1. Tuy nhiên, động thái này không tạo ra sức ép giảm cung tiền cho nền kinh tế. Nói cách khác, nó sẽ làm tăng lạm phát kỳ vọng trong thời gian tới.
Yếu tố rủi ro thị trường vốn vay. Khi tăng trưởng kinh tế bất ổn, hoặc khi có nhiều hiện tượng không trả được nợ xuất hiện thì đó là thời điểm thị trường vốn vay trở nên rủi ro cao hơn. Người cho vay sẽ đòi hỏi lãi suất cao hơn để có thể chấp nhận rủi ro.
Trong thời gian qua, kinh tế Việt Nam có xu hướng tăng trưởng tích cực. Đây đáng ra phải là yếu tố giúp cho rủi ro ̣thị trường vốn giảm. Tuy nhiên, sau sự cố Vinashin, tâm lý bất ổn trên thị trường vốn xuất hiện. Đây cũng có thể coi là một nhân tố làm tăng lãi suất huy động trong thời gian qua.
Lợi nhuận ở các thị trường vốn khác. Xu hướng tăng ổn định của giá vàng trong năm 2010 khiến cho người ta có niềm tin rằng đây là một kênh đầu tư an toàn cho lợi nhuận cao. Cán cân thanh toán của Việt Nam không thực sự được cải thiện cũng góp phần tạo ra tâm lý cho rằng VND tiếp tục mất giá. Một lượng vốn lớn vì thế đã được chuyển sang USD và vàng.
Trên lý thuyết, nếu coi vàng và USD là tiền tệ (tức có khả năng chuyển đổi dễ dàng với VND), và việc huy động cũng như cho vay vàng và USD không bị ngăn cản, thì việc chuyển VND sang USD sẽ không ảnh hưởng đến lãi suất sau một thời gian nhất định. Điều này là rõ ràng bởi vì sự dồi dào nguồn cung vốn bằng vàng và USD sẽ làm giảm lãi suất huy động ở hai nguồn này. Các doanh nghiệp sẽ chuyển sang vay USD và vàng thay vì VND. Và kết cục là áp lực tăng lãi suất VND sẽ giảm.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, sự dịch chuyển vốn từ đồng tiền này sang đồng tiền khác sẽ tạo ra những xáo trộn nhất định, đặc biệt là thời gian gửi tiền. Thời gian gửi tiền sẽ có xu hướng ngắn lại khi sự chuyển đổi giữa các đồng tiền tăng. Điều này sẽ gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc đảm bảo thanh khoản. Nó sẽ khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động thông qua các hình thức khuyến mãi để giữ khách hàng. Nói cách khác, sự tăng giá vàng và USD trong thời gian vừa qua cũng góp phần làm cho lãi suất huy động VND tăng.
Giảm chi tiêu công, tăng năng suất của nền kinh tế
Từ những phân tích trên cho thấy, hai yếu tố chính gây nên tình trạng này là sự mất cân đối cung cầu ở thị trường vốn vay và yếu tố lạm phát kỳ vọng cao. Để giải quyết được bài toán hạ lãi suất huy động chúng ta buộc phải giải quyết hai yếu tố này.
Với sự mất cân đối cung cầu ở thị trường vốn vay, giải pháp cần phải tập trung ở phía chi tiêu của Chính phủ bởi xu hướng tiêu dùng của người dân là yếu tố rất khó thay đổi. Việc giảm chi tiêu của Chính phủ sẽ góp phần giúp Chính phủ giảm thu từ khu vực tư nhân, nhờ đó tăng tiết kiệm của nền kinh tế. Ngoài ra, việc nâng cao hiệu quả đầu tư công sẽ góp phần giảm nhu cầu đầu tư của xã hội, trong khi vẫn đảm bảo được chất lượng của các dịch vụ công.
Lạm phát kỳ vọng chỉ có thể thay đổi bằng cách duy trì được chỉ số CPI thấp trong một thời gian dài. Mặc dù có những nguyên nhân như nhập khẩu lạm phát nhưng mấu chốt của vấn đề xét đến cùng vẫn là giảm cung tiền cho nền kinh tế. Tăng năng suất cho nền kinh tế là giải pháp duy nhất để có thể giảm cung tiền mà vẫn đảm bảo được tăng trưởng kinh tế. Thay đổi luật lệ, thủ tục hành chính để đáp ứng tốt hơn cho hoạt động của thị trường, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, giảm biên chế, tăng chất lượng dịch vụ của khu vực công v.v. là những giải pháp mà hầu hết các chuyên gia kinh tế vẫn thường xuyên nhắc tới cho các vấn nạn kinh tế của Việt Nam.
Lãi suất là vấn đề phản ánh các vấn đề nền tảng của nền kinh tế. Bởi cả hai yếu tố giảm chi tiêu của Chính phủ và duy trì CPI thấp là những công việc cực kỳ khó khăn và tốn thời gian nên có lẽ Việt Nam sẽ vẫn phải tiếp tục chấp nhận một nền kinh tế có lãi suất cao trong thời gian tới.