Những hậu quả kinh tế, xã hội, chính trị của chủ nghĩa can thiệp (Phần 2/4)

Những hậu quả kinh tế, xã hội, chính trị của chủ nghĩa can thiệp (Phần 2/4)

2. Chính quyền nghị viện và chủ nghĩa can thiệp

Chính phủ điều hành bởi người dân được xây dựng dựa trên ý tưởng rằng tất cả các công dân được kết nối bởi các lợi ích chung. Những người soạn thảo hiến pháp hiện đại đã không bỏ qua hiện tượng trong ngắn hạn các lợi ích cụ thể của các nhóm cá nhân có thể xung đột với những lợi ích của nhóm đa số. Nhưng họ đã hoàn toàn tin tưởng vào trí thông minh của đồng bào của mình. Họ không nghi ngờ rằng đồng bào của họ sẽ đủ khôn ngoan để nhận ra rằng phải hy sinh những lợi ích nhóm ích kỷ khi chúng đi ngược lại lợi ích của đa số người dân. Họ tin rằng mỗi nhóm sẽ nhận ra rằng các đặc quyền không thể được duy trì trong thời gian dài. Những đặc quyền này chỉ có giá trị nếu chúng làm lợi cho một nhóm thiểu số; chúng sẽ mất đi giá trị khi chúng trở nên phổ biến hơn. Khi trao đặc quyền cho mọi công dân, những đặc quyền ấy sẽ trở nên vô nghĩa; tất cả mọi người đều chịu mất mát, không ai được hưởng lợi.

Do đó, chính phủ điều hành bởi người dân chỉ có thể được duy trì dưới hệ thống nền kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, chỉ có các lợi ích của công dân như những người tiêu dùng được xem xét. Không nhà sản xuất nào được cấp đặc quyền, bởi vì đặc quyền dành cho các nhà sản xuất sẽ làm giảm năng suất và làm giảm sự hài lòng của người tiêu dùng. Không ai hứng chịu mất mát nếu giá rẻ nhất và sự hài lòng nhất của người tiêu dùng được công nhận là nguyên tắc dẫn đường của chính sách, những gì mà các nhà sản xuất không nhận được ở vị thế của nhà sản xuất vì không được cấp đặc quyền sẽ được nhận lại ở vị thế người tiêu dùng.

Mọi tiến bộ công nghệ trước tiên sẽ làm tổn hại tới quyền lợi thụ hưởng của các nghiệp chủ, nhà tư bản, địa chủ, hay công nhân. Nhưng nếu muốn ngăn ngừa những tổn hại đấy bằng cách lựa chọn các biện pháp nhằm hạn chế sự phát triển của các kỹ thuật mới, thì sẽ gây ra tác hại trong thời gian dài không chỉ đối với lợi ích của tất cả công dân, mà còn đối với lợi ích của những người được cho là hưởng lợi. Ô tô và máy bay gây thương tổn đến việc kinh doanh đường sắt, các đài phát thanh gây thương tổn đến ngành xuất bản, những hình ảnh chuyển động gây thương tổn đến các rạp hát hợp pháp. Có nên cấm ô tô, máy bay, phát thanh truyền hình, và phim ảnh để phục vụ cho lợi ích của các nghiệp chủ, nhà tư bản, và công nhân bị tổn hại? Đó là thành tích vĩ đại của chủ nghĩa tự do cổ điển, nó đã xóa bỏ những đặc quyền của các phường hội và theo đó mở đường cho các ngành công nghiệp hiện đại. Nếu ngày càng có nhiều người trên trái đất so với hơn 200 năm trước đây và nếu hôm nay mỗi công nhân ở các nước văn minh phương Tây sống cuộc sống tốt hơn nhiều so với tổ tiên của mình, ở một số mặt thậm chí còn tốt hơn so với vua Louis XIV trong cung điện của mình tại Versailles, thì đó chỉ là do giải phóng được các lực lượng sản xuất mà thôi.

Ý tưởng nền tảng của chính phủ đại diện là việc các thành viên của quốc hội đại diện cho cả một quốc gia, chứ không đại diện cho mỗi quận riêng lẻ hoặc lợi ích cụ thể của các cử tri. Các đảng phái chính trị có thể đại diện cho các ý kiến ​​khác nhau về điều gì giúp ích cho cả nước, nhưng họ không đại diện cho lợi ích ích kỷ cụ thể của một huyện nhất định hoặc các nhóm gây sức ép về chính trị.

Ngày nay, quốc hội của các nước theo chủ nghĩa can thiệp hoàn toàn khác so với lý tưởng cũ này. Có đại diện của các nhà sản xuất bạc, bông, sắt thép, nông nghiệp và đại diện của người lao động. Nhưng không có nhà lập pháp nào có nhiệm vụ đại diện cho cả một quốc gia nói chung.

Hình thức chính phủ dân chủ bị Hitler phá hủy ở Đức và Pháp là không đáp ứng được lý tưởng của chính phủ đại diện vì nó hoàn toàn bị lây nhiễm tinh thần chủ nghĩa can thiệp. Có nhiều đảng phái nhỏ phục vụ cho những lợi ích địa phương và nghề nghiệp cụ thể. Mỗi dự thảo luật và mỗi biện pháp thi hành đều được phán xét bởi một tiêu chuẩn: Nó mang lại điều gì cho cử tri của tôi và những nhóm gây sức ép chính trị mà tôi phụ thuộc? Những đại diện của một huyện sản xuất rượu vang xem xét mọi thứ từ quan điểm của những nhà sản xuất rượu vang. Những câu hỏi về quốc phòng, đối với những người đại diện lao động, không có ý nghĩa gì hơn là một cơ hội nhằm củng cố quyền lực của các công đoàn. Người phát ngôn của mặt trận bình dân Pháp yêu cầu hợp tác với Nga, trong khi những người của đảng cánh Hữu yêu cầu liên minh với Ý. Không nhóm nào quan tâm đến phúc lợi và nền độc lập của Pháp; trong mọi vấn đề, họ chỉ quan tâm tới mối quan hệ với và ảnh hưởng đối với những lợi ích cụ thể của các nhóm cử tri cụ thể. Chủ nghĩa can thiệp đã chuyển đổi chính phủ đại nghị thành một chính phủ vận động hành lang. Nó không phải là một chế độ đại nghị và chế độ dân chủ đã thất bại. Chủ nghĩa can thiệp đã làm tê liệt chế độ đại nghị cũng như nền kinh tế thị trường.

Sự thất bại của chế độ đại nghị trở nên rõ ràng hơn trong việc thực thi ủy thác quyền lực. Quốc hội tự nguyện từ bỏ quyền lập pháp và chuyển quyền này sang cho bộ phận hành pháp. Hitler, Mussolini, và Pétain1 điều hành nhờ “những sự ủy thác quyền lực” đó. Do đó, chế độ độc tài có được tính hợp pháp thông qua một liên kết chính thức tới các thể chế dân chủ. Nó bãi bỏ chế độ dân chủ và giữ lại các thuật ngữ dân chủ, chẳng hạn như trong hệ thống quốc xã Đức, nó bãi bỏ sở hữu tư nhân trong khi giữ lại tên gọi của nó. Các bạo chúa của những thành phố Hy Lạp và các hoàng đế Caesars của La Mã cổ đại cũng gìn giữ các thuật ngữ của nền Cộng hòa.

Ở giai đoạn phát triển của các phương tiện truyền thông và giao thông vận tải hiện nay, không thể dùng lý do khẩn cấp để biện minh cho việc uỷ quyền. Thậm chí ở một nước lớn như Mỹ, tất cả các đại diện có thể được tập hợp ở thủ đô trong vòng 24 giờ. Các cơ quan đại diện cũng có thể được triệu tập tham dự phiên họp thường trực. Bất cứ khi nào có nhu cầu phải giữ bí mật những biên bản và những quyết định, các cuộc họp bí mật có thể được tổ chức.

Chúng ta thường xuyên nghe luận điệu rằng các thể chế dân chủ chỉ là một tấm ngụy trang cho các “chế độ độc tài của giai cấp tư bản”. Những người theo chủ nghĩa Mác-xít đã sử dụng khẩu hiệu này trong một thời gian dài. Georges Sorel và những người ủng hộ chủ nghĩa công đoàn lặp lại khẩu hiệu này. Ngày nay Hitler và Mussolini yêu cầu quốc gia phải đứng lên chống lại “chế độ tài phiệt”. Để trả lời cho luận điệu này,chỉ cần chỉ ra, và như thế là đủ, rằng ở Anh, trong lãnh địa của nước Anh, và ở Mỹ hoàn toàn không có cưỡng chế trong các cuộc bầu cử. Franklin D. Roosevelt được đa số cử tri bầu làm tổng thống. Không ai bắt buộc công dân Mỹ bỏ phiếu cho ông ta. Không ai ngăn cản bất cứ ai công khai nói lên suy nghĩ của mình chống lại việc tái bầu cử của Roosevelt. Các công dân Mỹ được tự do quyết định, và họ đã quyết định.

 

Chú thích:

(1) [Henry Philippe Pétain (1856-1951), vị anh hùng người Pháp thời Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, Phó thủ tướng vào tháng 6 năm 1940 khi Đức đánh bại và chiếm đóng một nửa nước Pháp, trở thành “nguyên thủ quốc gia” của một phần đất nước không bị phát xít chiếm đóng, với thủ đô nằm ở Vichy. Sau chiến tranh, ông bị xét xử và kết tội vì giao kết với người Đức – Chủ biên].

Nguồn: Ludwig von Mises, Interventionism: An Economic Analysis, Edited by Bettina Bien Greaves, FEE, 1998

Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh