Sung công và trợ cấp (Phần 1/3)
1. Sung công
Việc sung công toàn bộ tài sản tư nhân đồng nghĩa với việc thiết lập chủ nghĩa xã hội. Chính vì thế chúng ta không cần quan tâm đến điều đó khi phân tích về những vấn đề của chủ nghĩa can thiệp. Ở đây chúng ta chỉ quan tâm đến việc sung công một phần tài sản. Ngày nay việc sung công như vậy được thực hiện chủ yếu thông qua đánh thuế.
Những động cơ mang tính tư tưởng trong một hành động như vậy không quan trọng. Câu hỏi duy nhất mà chúng ta quan tâm chỉ là: Những biện pháp này hướng đến điều gì và thực tế thu được điều gì?
Trước tiên hãy xem xét ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của thuế lên thu nhập. Ngày nay tại tất cả các quốc gia đều có xu hướng thu nhập cao chịu mức thuế cao hơn và thu nhập thấp chịu mức thuế thấp hơn. Trong trường hợp thu nhập vượt quá một mức nhất định hầu hết các quốc gia đều đánh thuế, kể cả theo giá trị danh nghĩa, lên đến 90 phần trăm. Dựa theo các bộ luật về thu nhập cũng như các văn bản giải thích những bộ luật này bởi các cơ quan quản lý, người ta đưa ra các biện pháp ấn định các mức thu nhập tương đối cao hơn so với mức dựa trên nền tảng của những nguyên lý kế toán lành mạnh. Nếu những người trả thuế không thể lách luật và né tránh một vài loại thuế thì các khoản thuế thực tế mà họ phải gánh chịu sẽ vượt quá mức thu nhập thực tế của họ, và đây là điều không phải không thường xuyên xảy ra. Nhưng ngay cả những kiểu né tránh thế này cũng bị các nhà làm luật tìm cách bịt lại.
Dư luận thường tin rằng việc đánh thuế vào những khoản thu nhập cao không ảnh hưởng đến tầng lớp bình dân. Đây là một ngụy biện. So với những người có thu nhập thấp, những người có thu nhập cao thường dùng một phần nhỏ hơn thu nhập của họ cho tiêu dùng, phần lớn hơn còn lại dùng cho tiết kiệm và đầu tư. Và chỉ có tiết kiệm mới tạo ra tư bản. Chỉ có phần thu nhập không được tiêu dùng mới có thể tích lũy thành tư bản. Khi đòi hỏi người có thu nhập cao phải gánh chịu phần chi tiêu công lớn hơn so với người thu nhập thấp, người ta đã cản trở sự vận động của tư bản và làm ngưng trệ xu thế tăng lên của năng suất lao động cận biên, tức làm ngưng trệ sự gia tăng của tiền lương - một xu hướng phổ biến trong một xã hội có gia tăng tư bản.
Hiển nhiên điều tương tự cũng đúng, thậm chí còn ở mức độ lớn hơn, đối với tất cả các biện pháp đánh thuế vốn. Bằng cách lấy vốn tư bản để trả cho chi tiêu công, ví dụ thông qua các khoản thuế thừa kế hoặc một khoản thuế vốn, tư bản đã bị tiêu dùng trực tiếp.
Kẻ mị dân nói với những người bầu cử: “Nhà nước phải chi tiêu một khoản lớn. Nhưng các bạn không phải lo lắng về việc huy động các nguồn vốn cho những khoản chi tiêu này. Những người giàu sẽ phải trả chúng”. Nhà chính trị trung thực nên nói: “Thật không may nhà nước sẽ cần nhiều tiền hơn để trả cho chi tiêu công. Và chắc chắn các bạn sẽ phải gánh chịu phần lớn nghĩa vụ này bởi các bạn đang được hưởng và tiêu dùng nhiều hơn cả trong tổng thu nhập quốc dân. Các bạn phải chọn giữa hai con đường. Hoặc các bạn phải hạn chế tiêu dùng của các bạn ngay lập tức, hoặc các bạn tiêu dùng tư bản của những người giàu trước, nhưng sau đó một khoảng thời gian ngắn, tiền lương của các bạn sẽ giảm”.
Kẻ mị dân tồi tệ nhất thậm chí còn nói rằng: “Chúng ta phải chuẩn bị chiến đấu và có thể tiến tới chiến tranh. Nhưng điều này không những không giảm mức sống của các bạn, mà còn gia tăng nó. Ngay tại lúc này, chúng ta nên triển khai một chương trình nhà ở quy mô lớn và tăng tiền lương thực tế”. Về điều này, chúng ta phải nói rằng với một số lượng hạn chế nguyên vật liệu và lao động chúng ta không thể đồng thời giải quyết đồng thời cả vấn đề vũ trang và nhà ở. Ngài Göring1 đã trung thực hơn về điều này. Ông nói với người dân của ông “súng hay bơ”, chứ không phải “súng và (nhờ thế) có nhiều bơ hơn”. Sự trung thực này là điều duy nhất giúp Ngài Göring còn được ngợi ca trước sự phán xét của lịch sử.
Một hệ thống thuế hướng đến phục vụ lợi ích thực sự của những người làm công sẽ chỉ đánh thuế một phần thu nhập đang được dùng cho mục đích tiêu dùng chứ không phải tiết kiệm và đầu tư. Thuế cao đánh vào các khoản chi tiêu của người giàu không làm tổn thương lợi ích số đông; còn mọi biện pháp cản trở sự tích lũy tư bản hay tiêu dùng tư bản sẽ làm tổn thương họ.
Đương nhiên, có những trường hợp khiến việc tiêu dùng tư bản là không thể tránh khỏi. Không thể chi trả cho một cuộc chiến tranh tốn kém mà không có bất cứ tổn thất nào. Nhưng những người nhận thức được tác động của việc tiêu dùng tư bản sẽ cố gắng giữ chi tiêu trong những giới hạn cần thiết, bởi khoản chi tiêu đó là phục vụ lợi ích của lao động, chứ không phải vì lợi ích của tư bản. Có những tình huống phát sinh không thể tránh khỏi, ví dụ như phải đốt ngôi nhà để tránh bị lạnh cóng, nhưng những người làm thế nên ý thức được chi phí của việc làm đó là gì và họ sẽ phải làm gì sau khi không còn ngôi nhà đó. Chúng ta phải nhấn mạnh điều này, đặc biệt trong thời điểm hiện tại, để bác bỏ những quan niệm sai lầm hiện tại về bản chất của những giai đoạn bùng nổ kinh tế do chiến tranh và chạy đua vũ trang.
Phí tổn cho việc chạy đua vũ trang cực kỳ tốn kém có thể được bù đắp nhờ lạm phát, vay mượn, hoặc thông qua các khoản thuế đánh vào tư bản, thậm chí là tiêu dùng tư bản. Vì sao lạm phát dẫn đến những giai đoạn bùng nổ kinh tế, ta không cần phải giải thích thêm nữa. Khi huy động ngân sách qua vay mượn, thì điều này chỉ làm chuyển hướng đầu tư và sản xuất từ một lĩnh vực này sang một lĩnh vực khác; sự gia tăng sản xuất và tiêu dùng trong một khu vực của nền kinh tế sẽ bị bù trừ bởi sự suy giảm sản xuất và tiêu dùng trong một khu vực khác. Còn việc huy động ngân sách bằng cách lấy đi phần sẽ đóng góp vào tư bản tích lũy hay tiêu dùng trực tiếp tư bản tích lũy có thể có tác động làm gia tăng tiêu dùng hiện tại. Do đó có thể gia tăng tiêu dùng cho mục đích quân sự mà không làm giảm ở mức độ tương ứng các khoản tiêu dùng khác. Có thể gọi việc chi tiêu này là một “chính sách kích thích” đối với hoạt động kinh doanh. Nhưng chúng ta không nên bỏ qua điều này: toàn bộ những tác động tạo ra giai đoạn bùng nổ kinh tế đang được nhìn nhận là tích cực hiện nay sẽ phải trả giá bằng một tình trạng trì trệ và giảm tiêu dùng trong tương lai.
(Xem tiếp Phần 2)
Chú thích:
(1) Hermann Göring (1893-1946) đã sáng lập và chỉ huy Gestapocho đến năm 1936, lực lượng cảnh sát bí mật của Đức Quốc Xã. Ông có trách nhiệm đổi mới vũ khí cho Đức trong giai đoạn tiền Chiến tranh Thế giới thứ hai và sau này trở thành chỉ huy lực lượng không quân Đức. Năm 1946, ông bị xét xử bởi Quân Đồng minh tại Nuremberg, bị kết án vì những tội ác chiến tranh, và bị treo cổ. Nhưng hai tiếng trước khi hành hình, ông đã tránh bị treo cổ bằng cách nuốt thuốc độc đã được ông cất giấu rất thông minh khỏi những người canh giữ ông – Chủ biên.
Nguồn: Ludwig von Mises, Interventionism: An Economic Analysis, Edited by Bettina Bien Greaves, FEE, 1998