[Nền dân trị Mỹ] - Chương V: Cần thiết phải nghiên cứu những gì đã xảy ra ở các bang riêng rẽ trước khi nói đến chính quyền liên bang (Phần 1)

[Nền dân trị Mỹ] - Chương V: Cần thiết phải nghiên cứu những gì đã xảy ra ở các bang riêng rẽ trước khi nói đến chính quyền liên bang (Phần 1)

Sang chương tiếp theo, có lẽ chúng ta nên xem xét, ở nước Mĩ, cái hình thức chính quyền dựa cơ sở trên nguyên lí nhân dân tối thượng nó ra sao, đâu là những phương tiện cho nó hoạt động, đâu là những lúng túng, đâu là những thuận lợi và những nguy cơ của hình thức chính quyền ấy.

Có một khó khăn đầu tiên đây: Hoa Kì có một bản hiến pháp phức tạp. Trong hiến pháp ấy thấy rõ hai xã hội hoàn toàn khác nhau cùng tham gia, và có lẽ tôi nên hiểu là hai xã hội ấy ăn khớp vào với nhau. Ta thấy ở đó có hai chính quyền hoàn toàn tách bạch và hầu như độc lập với nhau: một chính quyền thông thường và không xác định, đáp ứng những nhu cầu thường nhật của xã hội, và một chính quyền kia có tính chất ngoại lệ và có giới hạn rõ, chỉ áp dụng cho những quyền lợi chung nhất định. Nói cho gọn, đó là hai mươi bốn quốc gia nhỏ có chủ quyền mà tất cả họp lại thì thành một Liên bang.

Xem xét đơn vị toàn Liên bang trước khi xem xét đơn vị bang tức là lao vào một con đường đầy trở ngại. Hình thức chính quyền liên bang ở Hoa Kì xuất hiện sau cùng. Nó chỉ là một sự sửa sang hình thức chính quyền nước cộng hoà, một bản tóm tắt những nguyên lí chính trị phổ biến trong toàn xã hội có trước liên bang và tồn tại trong đó độc lập với liên bang. Vả chăng, hình thức chính quyền liên bang, như tôi vừa nói, chỉ là ngoại lệ. Còn chính quyền các bang mới là quy tắc chung. Nhà viết sách nào định bụng cho mọi người thấy ngay toàn cục của một bức tranh như thế trước khi chỉ ra những chi tiết tất yếu sẽ bị rơi vào chỗ nói những điều khó hiểu hoặc là lại phải nói đi nói lại.

Những nguyên lí lớn ngày nay đang chi phối xã hội Mĩ đã ra đời và phát triển trong hình thức bang. Điều đó khó mà có thể nghi ngờ được nữa. Vậy là ta phải hiểu về bang để có được cái chìa khoá cho tất cả những gì còn lại.

Nhìn các thiết chế bên ngoài thì các bang hiện tạo thành Liên bang Mĩ hết thảy đều có vẻ giống nhau. Đời sống chính trị hoặc hành chính ở đó tập trung vào ba trung tâm hoạt động mà ta có thể so sánh như là những trung khu thần kinh khác nhau làm cho cơ thể con người có thể vận động được.

Trước nhất có công xã (commune − ND), tiếp đó lên cấp quận (tiếng Pháp comté, tiếng Anh county − ND), sau nữa lên cấp bang (tiếng Pháp Etat, tiếng Anh State − ND).

HỆ THỐNG CÔNG XÃ NƯỚC MĨ

Tại sao tác giả bắt đầu bằng việc xem xét các thiết chế chính trị cấp công xã. − Công xã thì ở dân tộc nào cũng có. − Khó khăn khi lập ra và duy trì được nền tự do ở cấp công xã. − Tầm quan trọng của nền tự do đó. − Tại sao tác giả lại chọn tổ chức công xã của New England là đối tượng chính để nghiên cứu.

Không phải chuyện ngẫu nhiên mà tôi nghiên cứu trước hết hình thức công xã.

Công xã là hình thức liên kết duy nhất mang tính chất tự nhiên, vì bất kì ở đâu hễ có con người tụ hội với nhau thì tự nó đã thành một công xã.

Vì thế xã hội công xã tồn tại ở tất cả các dân tộc, bất kể lối sống và luật lệ của họ ra sao. Con người là kẻ tạo ra các vương quốc và các nước cộng hoà, còn hình thức công xã dường như được thoát thân ra từ chính bàn tay Chúa. Nhưng nếu như hình thức công xã đã có từ khi có con người, thì nền tự do công xã lại là của hiếm và mong manh. Một dân tộc bao giờ cũng có thể tổ chức ra các đại hội nghị chính trị. Thông thường trong lòng các dân tộc đó luôn luôn có một lượng người nhất định có đầu óc sáng láng đến độ có thể điều hành được các công việc. Còn công xã là cái được cấu thành bởi những phần tử thô kệch thường hay khước từ hành động của nhà hành pháp. Trong việc xây dựng tính độc lập của công xã, những khó khăn lẽ ra phải giảm đi chừng nào các dân tộc trở nên khai sáng hơn, thì chúng lại tăng lên khi họ sáng láng thêm. Một xã hội vô cùng văn minh khó mà chịu đựng nổi những thử nghiệm tự do ở cấp công xã. Xã hội đó nổi khùng lên chống đối khi thấy con người đi xa khỏi đường lối chung, và xã hội lại tuyệt vọng khi phải chờ đợi đoạn thử nghiệm cho ra lò kết quả cuối cùng.

Trong tất cả các quyền tự do, quyền tự do công xã là thứ thật khó xây dựng và cũng dễ bị quyền lực xâm hại nhất. Tự thân chúng, các thiết chế công xã chẳng thể chống lại nổi một chính quyền mạnh mẽ và liều lĩnh. Để có thể tự bảo vệ có kết quả, các thiết chế công xã phải phát triển đầy đủ và chúng cũng phải hoà nhập vào tinh thần và tập tục của cả nước. Vì vậy, chừng nào nền tự do ở công xã chưa thành lối sống của con người, thì nó thật dễ bị tiêu diệt, và nó chỉ có thể trở thành tập tục một khi đã tồn tại lâu dài trong luật pháp.

Vậy có thể nói rằng nền tự do công xã tuột khỏi mọi nỗ lực của con người. Vì vậy mà cũng hiếm khi thấy con người tạo lập được nền tự do công xã. Hình như là nó tự sinh ra vậy. Nó được phát triển hầu như bí mật trong lòng một xã hội nửa hoang sơ. Rồi tác động liên tục của luật pháp và tập tục, rồi hoàn cảnh và nhất là thời gian sẽ khiến cho nó được củng cố vững chắc. Trong tất cả các quốc gia trên lục địa châu Âu, có thể nói là chẳng có một quốc gia nào từng nhìn thấy mặt mũi nền tự do công xã.

Ấy vậy nhưng sức mạnh của các dân tộc tự do lại nằm ngay trong lòng công xã. Vai trò của các thiết chế công xã đối với tự do cũng như là vai trò các trường tiểu học đối với khoa học. Chúng đưa tự do vào tầm tay nhân dân. Chúng khiến cho nhân dân được nếm náp quyền sử dụng yên lành cái tự do ấy và quen với việc sử dụng nó. Không có các thiết chế công xã, một quốc gia vẫn có thể tạo cho mình một chính quyền tự do, nhưng lại vẫn thiếu cái tinh thần tự do. Những đam mê nhất thời, những quyền lợi trước mất, những ngẫu nhiên của hoàn cảnh có thể mang lại những hình thức bên ngoài của nền độc lập. Nhưng cái tinh thần chuyên chế dồn nén bên trong xã hội sớm muộn lại nhô lên.

Muốn cho bạn đọc hiểu kĩ những nguyên lí chung làm nền tảng cho tổ chức chính trị của công xã và của quận ở Hoa Kì, tôi nghĩ là nên lấy một bang ra nghiên cứu mẫu, xem xét chi tiết những gì xảy ra ở bang đó và sau đó thì lướt nhanh qua các vùng còn lại của cả nước.

Tôi đã chọn một trong các bang của New England.

Tổ chức của công xã và quận không như nhau ở khắp nơi trong Liên bang, song thật dễ nhận thấy là trong toàn Liên bang có những nguyên lí như nhau gần như đã chỉ đạo sự hình thành từng bang.

Và tôi cũng nhận thấy là các nguyên lí này ở New England đã được phát triển đáng kể và đã có những hệ quả xa hơn so với ở mọi nơi. Có thể nói là ở New England, các nguyên lí đó hiển hiện với những đường nét rõ rệt hơn và giúp cho người bên ngoài quan sát dễ dàng hơn nhiều.

Các thiết chế công xã của New England tạo thành một tổng thể trọn vẹn và chính quy. Chúng được lập ra từ lâu rồi. Chúng được luật pháp củng cố mạnh mẽ và càng mạnh mẽ hơn nhờ tập tục. Chúng tạo ra một ảnh hưởng kì vĩ đến toàn bộ xã hội.

Với tất cả những phẩm chất đáng quý đó, ta cần phải để mắt xem xét chúng.

KHU VỰC HÀNH CHÍNH CỦA CÔNG XÃ

Công xã ở New England (Township) có vị trí nằm giữa cấp tổng và cấp xã của Pháp. Mỗi công xã nói chung có độ chừng hai tới ba nghìn dân. Nó không quá rộng để người dân khó có cùng chung quyền lợi với nhau, và mặt khác, nó không quá đông dân để con người bao giờ cũng thấy mình đang sống chung với những con người cùng nằm trong một nền hành chính tốt đẹp.

QUYỀN HÀNH CỦA CÔNG XÃ Ở NEW ENGLAND

Nhân dân, nguồn gốc của mọi quyền lực trong công xã cũng như ở mọi nơi. − Trong công xã, nhân dân tự mình xử lí mọi công việc chính yếu. − Không có hội đồng thị chính. − Đại bộ phận quyền lực công xã tập trung trong tay những selectmen. − Các selectmen hoạt động ra sao. − Đại hội nhân dân của công xã (Town-Meeting). − Liệt kê các chức danh của công xã. − Các chức năng bắt buộc và được trả lương.

Trong công xã cũng như ở mọi nơi, nhân dân là nguồn quyền lực xã hội. Nhưng không ở đâu lại thấy rõ nhân dân thực thi quyền lực trực tiếp hơn như là ở công xã. Ở nước Mĩ, nhân dân là một ông chủ phải được làm hài lòng tận những giới hạn cuối cùng có thể được.

Ở New England, khi phải xử lí những công việc của bang thì theo nguyên tắc đa số thông qua đại biểu của mình chọn ra. Điều này là cần thiết, nhưng ở cấp công xã nơi hoạt động lập pháp và quản lí lại rất gần với những người bị cai quản, thì luật không định ra chế độ bầu đại biểu. Không hề có hội đồng thị chính. Toàn bộ cử tri sau khi đã bầu ra các cán bộ tư pháp thì đưa các ông này vào làm mọi việc không chỉ thuần tuý là thực thi đơn giản các bộ luật của bang.

Cách làm ăn này thật là trái với nếp nghĩ của người Pháp chúng ta, và hoàn toàn đối lập với các thói quen của chúng ta, do đó ở đây cần đưa ra một vài thí dụ để ta có thể hiểu rõ vấn đề.

Trong công xã, như rồi chúng ta sẽ thấy dưới đây, các chức năng công vụ cực kì nhiều. Thế nhưng phần lớn quyền lực hành chính lại tập trung vào trong tay một số ít cá nhân được bầu ra hàng năm và được gọi tên là những selectmen.

Các đạo luật chung của bang áp đặt cho các selectmen một số nghĩa vụ nhất định. Họ không cần được phép của những người bị họ cai quản rồi mới thực hiện các nghĩa vụ đó, và họ cũng không thể lẩn tránh không thực hiện mà thoát khỏi trách nhiệm cá nhân. Chẳng hạn, luật của bang bắt họ lập danh sách cử tri. Nếu họ không làm, tức là phạm pháp. Nhưng trong tất cả mọi điều được giao cho chính quyền công xã, các selectmen là những người thực thi ý nguyện của người dân giống như ở nước Pháp chúng ta ông xã trưởng thực thi những điều hội đồng thị chính đã bàn bạc. Phần nhiều thì họ hành động theo trách nhiệm cá nhân và trong thực tiễn chỉ làm theo các nguyên tắc mà đa số nhân dân trước đó đã định. Nhưng khi họ muốn đưa ra một thay đổi nào vào cái trật tự đã xác lập, nếu họ muốn lao vào một công cuộc mới mẻ nào, thì họ phải đi ngược trở về nguồn gốc quyền hành đã trao cho họ. Tôi giả định họ muốn mở một ngôi trường. Các selectmen triệu tập toàn bộ cử tri vào một ngày nào đó tới một địa điểm định trước. Tới đó họ sẽ giải thích cái nhu cầu mà ai ai cũng cảm thấy được. Họ phải làm cho mọi người biết bằng cách nào thoả mãn điều được đặt ra, bao nhiêu tiền phải chi, địa điểm nên chọn để xây trường. Đại hội nghị được hỏi về các điểm đó, đưa ra nguyên tắc hành động, ấn định địa điểm, quyết định số tiền thuế phải đóng, và giao việc thực hiện các ý nguyện của họ cho những selectmen.

Chỉ các selectmen là có quyền triệu tập hội nghị công xã (town-meeting), nhưng người ta cũng có thể đòi họ làm việc đó. Nếu có mười ông chủ cùng nghĩ ra một đề án mới nào đó và muốn đưa ra cho công xã chấp thuận, các ông đòi tổ chức một cuộc đại hội nghị cư dân. Khi đó, các selectmen buộc phải làm công việc đó và chỉ giữ được cái quyền chủ toạ hội nghị thôi.

Không nghi ngờ gì hết, những tập tục chính trị này, những vận dụng xã hội này thật xa với người Pháp chúng ta. Trong lúc này tôi không có ý phán xét chúng và cũng không muốn nói rõ những nguyên nhân kín đáo đã tạo ra chúng và làm cho chúng sống động; tôi chỉ tự hạn chế ở chỗ trình bày chúng ra mà thôi.

Các selectmen được bầu hàng năm vào tháng Tư hoặc tháng Năm. Hội nghị công xã đồng thời cũng chọn ra một lô những [cán bộ tư pháp làm] uỷ viên thị chính khác vào những cương vị hành chính quan trọng. Có những người được gọi là những assessor làm công việc xác lập doanh số thuế người dân phải nộp, có những người gọi là collector làm công việc thu thuế. Một sĩ quan gọi là constable phụ trách công việc của cảnh sát, trông coi các địa điểm công cộng và giúp vào việc thực thi cụ thể các điều luật định. Một người nữa là clerk của công xã có chức trách ghi số biên bản các cuộc thảo luận, ông này cũng ghi chép và lưu giữ các giấy tờ dân sự. Một cashier giữ quỹ công xã. Thêm vào các viên chức đó là một uỷ viên trông coi những người nghèo, có nhiệm vụ khá khó thực hiện là thi hành những điều luật định đối với những người bần cùng; những uỷ viên phụ trách công việc trường học trông coi công tác giáo dục; các thanh tra giao thông chịu trách nhiệm về mọi chi tiết liên quan đến hệ thống đại lộ và tiểu lộ; và thế là chúng ta có danh sách các nhân viên chủ chốt trong tổ chức hành chính công xã ở Mĩ. Nhưng việc phân chia chức năng không chỉ dừng lại ở đó: trong số các uỷ viên thị chính, còn có những uỷ viên giáo xứ phụ trách thanh toán tiền thờ cúng. Còn những thanh tra viên nhiều loại nữa. Có những người thì phụ trách tổ chức cho cư dân chữa cháy khi có hoả hoạn, những người này tạm thời giúp giải quyết những khó khăn khi phải tạo ra các rào chắn, có những người thì trông nom công việc thu hoạch mùa màng, những người này trông nom việc đo đạc gỗ khai thác hoặc thanh tra công việc đo lường.

Tất cả có mười chín chức danh chính ở công xã. Mỗi cư dân bắt buộc phải chấp nhận khi được bầu vào các chức danh đó nếu không muốn bị phạt; nhưng nhiều chức danh đó lại có lương để những công dân nghèo có thể làm việc công mà không bị thiệt hại gì cho mình. Song, hệ thống của Mĩ không bao giờ cố định việc cấp lương cho viên chức. Nói chung mỗi việc phải làm có một giá và người làm công được tính lương theo số việc đã làm.

CUNG CÁCH TỒN TẠI CỦA CÔNG XÃ

Mỗi người là viên quan toà tốt nhất đối với những gì chỉ liên quan đến riêng mình thôi. − Hệ luận rút từ nguyên lí nhân dân tối thượng. − Các công xã Mĩ áp dụng các học thuyết đó ra sao. − Công xã ở New England, nó đứng trên những gì chỉ liên quan đến nó, và đứng bên dưới mọi thứ khác. − Nghĩa vụ của công xã đối với bang. − Ở Pháp, chính phủ cho công xã mượn người làm việc. − Ở Mĩ, công xã cho chính phủ mượn người làm việc.

Trên đây, tôi đã nói rằng nguyên lí nhân dân tối thượng bay lượn bên trên toàn bộ hệ thống chính trị của người Mĩ gốc Anh. Từng trang của cuốn sách này sẽ còn giúp bạn đọc biết rõ một số điều áp dụng mới của học thuyết đó.

Ở những quốc gia có ngự trị cái tín điều về quyền nhân dân tối thượng, mỗi cá nhân là một khúc ngang nhau của đấng tối thượng và cũng tham gia vào việc điều hành nhà nước.

Vậy là mỗi cá nhân được coi như là cũng sáng láng, cũng có đạo đức và cũng mạnh mẽ như bất kì người nào trong đồng loại.

Vậy thì tại sao anh ta lại phục tùng xã hội và đâu là những giới hạn tự nhiên của sự phục tùng đó?

Cá nhân đó phục tùng xã hội không chỉ vì nó đứng thấp bên dưới những ai cai quản nó, hoặc là vì nó thua kém năng lực một con người khác trong việc tự cai quản chính mình. Nó phục tùng xã hội vì sự đoàn tụ với đồng loại đối với nó là có ích và nó biết rằng không thể có được cuộc đoàn tụ này nếu không có một quyền lực làm công việc điều hoà tất cả.

Trong tất cả những gì liên quan đến các nghĩa vụ giữa công dân với nhau, cá nhân đó trở thành kẻ bề tôi. Trong tất cả những gì chỉ liên quan đến cá nhân đó, nó là ông chủ: khi đó nó tự do và chỉ chịu trách nhiệm về hành động của mình trước Chúa mà thôi. Từ đó mà có châm ngôn này: cá nhân là kẻ tốt nhất trong vai trò viên quan toà duy nhất đối với quyền lợi riêng của nó, và xã hội chỉ có quyền cai quản các hành động của cá nhân đó khi xã hội thấy mình bị xâm hại vì việc làm của cá nhân hoặc khi xã hội cần đến sự hợp tác hỗ trợ của cá nhân.

Học thuyết này được chấp nhận một cách phổ biến ở Hoa Kì. Tôi sẽ xem xét thêm về ảnh hưởng chung của học thuyết đó đối với các hành động bình thường trong cuộc sống; nhưng bây giờ để tôi nói nốt về các công xã đã.

Gộp chung lại và xem xét trong thế tương quan đối với chính quyền trung ương, công xã chỉ là một cá thể cũng như mọi cá thể khác, để ta áp dụng cái học thuyết mà tôi vừa dẫn ra.

Vậy là ở Hoa Kì, tự do của công xã được tạo ra từ chính cái tín điều về nguyên lí nhân dân tối thượng. Tất cả các nước cộng hoà ở Mĩ đều ít nhiều công nhận cái tính độc lập đó. Nhưng với các dân tộc ở New England, hoàn cảnh riêng đã đặc biệt tạo thuận lợi cho sự phát triển nguyên lí đó.

Tại cái phần đất này của Liên bang, đời sống chính trị đã xuất hiện ngay từ trong lòng các công xã. Ta gần như có thể nói rằng ngay từ thuở khởi đầu, mỗi công xã đó đã là một quốc gia độc lập. Sau đó, đến khi các nhà vua nước Anh đòi lại quyền tối thượng của họ, các vị ấy chỉ chiếm giữ lấy phần quyền lực ở trung ương thôi. Các vị để cho công xã tồn tại trong trạng thái y nguyên như đang có. Lúc này, công xã ở New England trở thành bề tôi. Nhưng về nguyên tắc các công xã đó chẳng lệ thuộc ai hết hoặc chỉ hơi lệ thuộc mà thôi. Các công xã không được trao quyền. Nhưng gần như là vì quyền lợi của Bang mà các công xã bị tước đi một phần tính độc lập của chúng. Đó là điều quan trọng bạn đọc cần nhận rõ và cần luôn luôn để ý tới.

Nói chung các công xã chỉ chịu khuất phục bang khi có vấn đề quyền lợi mà tôi gọi tên là có tính chất xã hội, tức là thứ quyền lợi nào được công xã chia sẻ với những công xã khác.

Với tất cả những thứ gì chỉ liên quan đến bản thân mình thôi, các công xã là những thực thể độc lập. Và trong các cư dân của New England, ta không bắt gặp nổi một ai lại thừa nhận chính quyền bang có cái quyền can thiệp vào việc điều hành những vấn đề thuần tuý thuộc về công xã, tôi nghĩ vậy.

Vậy là ta thấy tại các công xã của New England người ta bán bán mua mua, người ta tiến công và tự vệ trước các toà án, người ta lập quỹ hoặc rút quỹ, mà chẳng có bất cứ nhà cầm quyền nào lại nghĩ đến việc chống lại họ hết.

Còn về các nghĩa vụ có tính xã hội, các công xã có nhiệm vụ phải thực hiện đầy đủ. Vậy là, khi bang cần tiền, công xã không có quyền tự do ủng hộ hoặc tìm cách từ chối ủng hộ. Bang muốn mở một con đường, công xã không được quyền đóng cửa lãnh thổ của mình. Khi bang có một quyết định về an ninh trật tự, công xã phải thực thi. Nếu bang muốn tổ chức công việc giáo dục thống nhất trong cả nước, công xã phải mở ra những nhà trường theo như luật định. Rồi đây trong đoạn nói về chính quyền toàn Hoa Kì, chúng ta sẽ còn thấy công xã, dù được điều hành ra sao và do ai điều hành, thì cũng đều bắt buộc phải phục tùng và thực hiện những điều như được nói bên trên. Tại đây tôi chỉ muốn nói rõ về vấn đề nghĩa vụ. Nghĩa vụ này hẹp thôi, nhưng khi chính quyền bang đem nó ra mà áp đặt, thì đó là việc ban hành một nguyên tắc. Để thực hiện nghĩa vụ đó, nói chung công xã lại thể hiện hoàn toàn các quyền cá thể của mình. Chẳng hạn, thuế là cái đúng là đã được ngành hành pháp đặt ra, nhưng công xã lại là nơi phân bổ và thu. Mở một ngôi trường, đó là điều bắt buộc, nhưng chính công xã lại đứng ra xây, chi tiền và điều hành.

Ở Pháp nhân viên thu thuế nhà nước đi thu thuế của các công xã. Ở nước Mĩ, người thu thuế của công xã thu thuế cho nhà nước.

Vậy là ở Pháp chính quyền trung ương cho công xã mượn người làm; còn ở nước Mĩ, công xã cho chính phủ mượn nhân viên. Chỉ một điều này giúp ta hiểu rõ hai xã hội khác nhau biết bao.

VỀ TINH THẦN CÔNG XÃ TẠI NEW ENGLAND

Tại sao công xã ở New England lại được cư dân ở đó yêu mến. − Khó khăn vấp phải ở châu Âu để tạo ra tinh thần công xã. − Ở Mĩ, quyền lợi và nghĩa vụ công xã cùng hợp sức với nhau tạo ra tinh thần đó. Ở Mĩ, tổ quốc có nhiều gương mặt hơn ở các nơi khác. − Tinh thần công xã thể hiện ra ở New England như thế nào. − Nó tạo ra những tác động tốt đẹp gì.

Ở nước Mĩ, không những người ta có những thiết chế công xã, mà còn có cái tinh thần công xã để trụ đỡ và làm sống động những thiết chế đó.

Công xã ở New England hội tụ được hai thuận lợi kích thích mạnh mẽ con người. Đó là tính độc lập và quyền lực. Đúng là công xã chỉ hoạt động bó tròn trong một phạm vi nó không ra khỏi, nhưng các vận động của nó trong đó lại tự do. Chỉ riêng tính chất độc lập đó là đủ tỏ ra có tầm quan trọng thực thụ, còn số dân và phạm vi to nhỏ của công xã không phải là những yếu tố bảo đảm tính độc lập cho công xã.

Ta nên tin tưởng rằng nói chung con người chỉ có tình cảm với cái gì có sức mạnh. Người ta không thấy tình yêu nước ngự trị lâu dài ở một xứ sở bị chiếm. Người dân New England gắn bó với công xã không hẳn là vì họ sinh ra ở đó, mà vì họ nhìn thấy ở cái công xã ấy một tổ hợp tự do và mạnh mẽ mà họ có phần trong đó và quả là cũng đáng để họ tìm cách cai quản điều hành nó.

Thường xảy ra tại châu Âu việc các chính phủ tiếc rẻ vì không thấy ở đây có tinh thần công xã. Bởi vì mọi người đều nhất trí rằng tinh thần công xã là một yếu tố của trật tự và thanh bình công cộng. Nhưng các chính phủ đó không biết làm cách gì để tạo ra tinh thần công xã. Làm cho công xã mạnh lên và độc lập lên, họ còn lo ngại phải chia sẻ quyền lực xã hội và đẩy nhà nước đến chỗ vô chính phủ. Ấy thế mà, nếu ta tước bỏ sức mạnh và tính độc lập của công xã đi, ta sẽ chỉ còn thấy những kẻ bị cai trị chứ chẳng còn thấy đâu nữa các công dân.

Ngoài ra xin hãy xem xét một sự kiện quan trọng này: công xã ở New England đã được xây dựng để thành ngôi nhà ấm cho những tình cảm nồng nhiệt, đồng thời ngoài công xã ra chẳng còn có cái gì đủ sức hấp dẫn mạnh mẽ những đam mê đầy tham vọng của trái tim con người đến như thế.

Những viên chức cấp quận không do bầu cử mà ra và uy quyền của họ cũng hạn hẹp. Cấp bang cũng chỉ có cái tầm quan trọng thứ yếu thôi, và ít ai biết tới sự tồn tại của bang đang nằm lặng lẽ đâu đó. Còn thật ít có những con người muốn tìm cách cai quản được bang lại bằng lòng với việc chịu xa rời trung tâm quyền lợi của mình và làm cho cuộc sống mình đảo lộn đi.

Chính phủ liên bang gán sức mạnh và vinh quang cho những người điều khiển nó. Nhưng rất ít con người được quyền tác động tới số phận của liên bang. Chức tổng thống là một bậc cán bộ tư pháp cao cấp mà chỉ tới một độ tuổi cao con người mới đạt tới được. Còn với những chức quan liên bang bậc cao, thì gần như đạt tới đó là nhờ ngẫu nhiên sau khi con người đã nổi tiếng trong một sự nghiệp khác. Riêng tham vọng không đủ sức đem nổi những con người ấy tới đích nhờ những nỗ lực thường xuyên. Còn chính là ở công xã, ở ngay chính giữa những mối liên hệ bình thường của cuộc sống, mà ta thấy tập trung cái nguyện ước được có uy tín, cái nhu cầu có những lợi ích thật, cái ham thích quyền lực và thanh danh. Những đam mê ấy đôi khi làm xã hội hỗn loạn nhưng chúng lại thay đổi tính chất một khi chúng bộc lộ ra gần gụi với nơi con người sinh sống và gần như là ở trong lòng một gia đình.

Xin bạn hãy nhìn xem, trong công xã Mĩ, người ta đã khéo léo biết bao để phân tán quyền lực sao cho có càng nhiều người quan tâm càng tốt đến những công việc chung. Độc lập với các cử tri chỉ thỉnh thoảng mới được mời đi thực hiện những hành vi cầm quyền, có biết bao nhiêu chức năng khác nhau, có biết bao nhiêu uỷ viên các loại, tất cả, trong phạm vi công việc được giao, đại diện cho tập đoàn đầy sức mạnh và nhân danh nó mà họ làm việc! Cũng có biết bao người khai thác sức mạnh công xã theo cách đó và quan tâm đến công xã vì quyền lợi riêng của mình!

Hệ thống Mĩ đồng thời chia sẻ quyền lực quản lí hành chính cho một số lớn công dân, cũng chẳng ngại gia tăng những nghĩa vụ công xã. Ở Hoa Kì, người ta suy nghĩ một cách có lí rằng tình yêu tổ quốc là một loại hình thờ phụng được con người gắn bó bằng những công việc thực tiễn.

Theo cách đó, cuộc sống công xã được con người cảm nhận trong từng giây phút một. Nó thể hiện từng ngày thông qua việc hoàn thành một nghĩa vụ hoặc thực hiện một quyền. Cuộc tồn tại về chính trị này ghi dấu ấn lên xã hội thành một sự vận động không ngừng nghỉ, đồng thời lại rất là thanh bình, nó làm cho xã hội bị lay chuyển mà vẫn không bị rung chuyển lộn xộn.

Người Mĩ gắn bó với chốn thị thành vì một lí do tương tự như lí do dẫn đến tình yêu xứ sở quê hương của người vùng núi. Với họ, tổ quốc có những nét rõ rệt và đầy đặc trưng; nó có nhiều gương mặt hơn ở những nơi khác.

Các công xã ở nước Mĩ nói chung có một cuộc sống may mắn. Bộ máy chính quyền của họ hợp với thị hiếu của họ cũng như sự lựa chọn của họ. Trong lòng nền hoà bình sâu xa và bên trong sự giàu sang cụ thể ngự trị lên nước Mĩ, không xảy ra nhiều cơn giông tố chốn thị thành. Việc cai quản các quyền lợi công xã lại nhẹ nhõm. Hơn nữa, từ lâu ở Mĩ người ta đã hoàn thành việc giáo dục chính trị cho nhân dân, hoặc đúng hơn là nhân dân khi tới mảnh đất họ chiếm lĩnh thì đã có đủ kiến thức chính trị rồi. Tới đất New England, con người không còn sự phân chia đẳng cấp nữa, thậm chí trong kí ức cũng chẳng vương vấn gì. Vậy là bên trong công xã không hề có một bộ phận này tìm cách áp bức bộ phận kia, và những điều bất công, vốn vẫn chỉ đánh vào những kẻ yếu, tan biến mất trong cảnh hể hả chung của mọi người. Giả sử chính quyền có lộ ra đôi điều sai trái, mà những chuyện này cũng dễ nhận ra, người ta cũng chẳng buồn để ý nhiều, vì chính quyền thực sự toát lên từ những người bị cai quản, và chỉ cần mọi người tiếp tục tiến bước, thì một lòng kiêu hãnh như cha với con cũng chở che cho cái chính quyền ấy. Mà cũng chẳng có nữa những cái để họ so sánh. Nước Anh xưa từng cai trị các thuộc địa, nhưng nhân dân thì bao giờ cũng vẫn cai quản mọi việc nơi công xã. Nguyên lí nhân dân tối thượng trong công xã không chỉ là một trạng thái lâu đời, mà là một trạng thái cổ sơ.

Cư dân New England gắn bó với công xã của mình, vì công xã mạnh và độc lập. Người dân quan tâm đến công xã vì họ cùng nhau cai quản công xã. Người ta yêu công xã, vì ở trong công xã con người chẳng có gì để than phiền cho số phận mình cả. Con người đặt vào công xã cả tham vọng lẫn tương lai của mình. Từng con người hoà trộn vào với từng biến cố cỏn con trong cuộc sống công xã: trong cái miền nhỏ hẹp trong tầm tay mình, con người tìm cách cai quản cái xã hội của mình. Con người quen thuộc với những hình thức mà nếu thiếu chúng thì chỉ nhờ những cuộc cách mạng mới có thể có tự do, con người thấm nhuần tinh thần của các hình thức đó, con người quen khẩu vị với trật tự, hiểu rõ sự hài hoà của các thứ quyền lực và cuối cùng có được những ý tưởng sáng tỏ và thực tiễn về bản chất các nghĩa vụ của mình cũng như tầm cỡ các quyền của mình.

VỀ ĐƠN VỊ QUẬN Ở NEW ENGLAND

County (quận) ở New England, đơn vị tương đồng với arrondissement (quận) ở Pháp. − Được lập ra vì mục đích thuần tuý hành chính. − Không có đại biểu được bầu. − Được cai quản về hành chính bởi những viên chức không phải do dân cử.

Quận (county) của Mĩ có rất nhiều điểm tương đồng với quận (arrondissement) của Pháp. Giống như với trường hợp của Pháp, người ta đã khoanh cho quận của Mĩ một khu vực võ đoán. Nó trở thành một cơ thể với những bộ phận không có những mối dây liên hệ tất yếu gắn bó với nhau và cũng chẳng có gì gắn bó với cơ thể ấy như là tình cảm hoặc kỉ niệm, cũng chẳng có chung cách tồn tại như một cộng đồng. Quận chỉ được lập ra vì một mục đích thuần tuý hành chính.

Công xã có một không gian quá thu hẹp để có thể tổ chức trong đó việc quản lí về mặt tư pháp. Vậy là cấp County thành trung tâm tư pháp đầu tiên. Mỗi County có một toà án, một sheriff để thi hành các quyết định của toà, một nhà tù để giam tội phạm.

Có những nhu cầu mà các công xã trong County đều cảm nhận được gần gần như nhau. Đó là điều tự nhiên khi có một cơ quan quyền lực trung ương chịu trách nhiệm thoả mãn các nhu cầu đó. ở bang Massachusetts, quyền lực đó nằm trong tay các cán bộ tư pháp với số lượng nhất định do Thống đốc bang chỉ định thể theo ý kiến tư vấn của một Hội đồng dưới quyền ông ta.

Những quan chức hành chính xã hội ở cấp quận chỉ là một thứ quyền lực hạn chế và ngoại lệ chỉ đem áp dụng cho một số lượng rất ít trường hợp được dự kiến sẵn. Bang và công xã là đủ để mọi việc trôi chảy bình thường. Các quan chức hành chính này chỉ có việc là chuẩn bị quỹ cho cấp County, tổ chức bầu cử. Không hề có hình thức hội nghị nào đại diện trực tiếp hoặc gián tiếp cho County.

Như vậy thì đúng là cấp County không tồn tại vì lí do chính trị.

Trong phần lớn các bản Hiến pháp Mĩ, ta thấy một xu hướng kép trong những nhà lập pháp, đó là phân chia quyền hành pháp và tập trung quyền lập pháp. Tự thân nó công xã ở New England có một nguyên tắc tồn tại không bị ai tước đoạt đi. Nhưng lại cần phải tạo ra sự tồn tại đó theo cách ảo ở cấp County và nó có ích lợi đấy mà chẳng mấy ai nhận ra: tất cả các công xã gộp lại chỉ có một đại diện là bang, trung tâm của mọi quyền lực quốc gia. Ngoài cái thực hành cấp công xã và cấp quốc gia đó, có thể nói là chỉ còn lại những thế lực cá nhân thôi.

VỀ CÔNG VIỆC HÀNH CHÍNH Ở NEW ENGLAND

Ở nước Mĩ, ta không nhìn thấy hành chính ở đâu cả. − Tại sao. − Người châu Âu tin là xây dựng được nền tự do bằng cách tước bỏ của quyền lực xã hội một số quyền; còn người Mĩ thì xây dựng nền tự do bằng cách chia sẻ cách thực thi quyền lực. − Hầu như toàn bộ công việc thực sự gọi là hành chính được khép kín ở công xã và được chia sẻ giữa các chức vụ công xã. − Không hề thấy dấu tích tầng bậc hành chính nào cả ở cấp công xã cũng như ở trên công xã. − Tại sao lại như vậy. − Tại sao lại vẫn có chuyện bang được cai quản một cách đồng loạt. − Ai có trách nhiệm các cấp hành chính công xã và quận phải phục tùng đúng luật. − Về việc đưa quyền hành pháp vào trong cơ quan hành chính. − hệ quả của nguyên lí bầu cử mở rộng đến toàn bộ các chức vụ. − Về chức vụ tạp tụng ở New England. − Do ai cắt cử. − Cai quản quận về hành chính. − Bảo đảm công việc hành chính các công xã. − Toà án hành chính (the court of sessions − ND). − Cách hoạt động của hội đồng này. − Ai nắm nó. − Quyền thanh tra và khiếu nại, tản mát khắp, giống như mọi chức vụ hành chính. − Người tố cáo được khuyến khích hưởng phần tiền phạt.

Với người châu Âu đi thăm thú các bang của Hoa Kì, điều khiến anh ta ngạc nhiên nhất là sự thiếu vắng cái mà ở bên mình chúng ta gọi bằng chính phủ hoặc cơ quan hành chính. Ở nước Mĩ, ta đọc được những văn bản luật pháp. Hàng ngày ta thấy được việc thực thi các văn bản đó. Tất cả đang vận động xung quanh ta, song chẳng thấy đâu là cái động cơ hết. Cứ từng lúc, lại thấy cái bàn tay điều khiến tuột khỏi cỗ máy xã hội.

Tuy nhiên, hệt như mọi người khi muốn bộc lộ tư tưởng mình thì đều bị bắt buộc phải dựa vào những dạng thức ngữ pháp nhất định cấu thành các ngôn ngữ của con người, thì tất cả các xã hội nếu muốn tồn tại cũng bị bắt buộc phải luỵ theo những uy quyền nhất định, nếu không thì sẽ loạn. Cái uy quyền đó có thể được ban phát theo những cung cách nhất định; nhưng nhất thiết ở đâu đó vẫn phải có cái uy quyền ấy.

Trong một quốc gia, có hai cách làm giảm sức mạnh của uy quyền.

Cách thứ nhất là giảm quyền hành ngay từ nguyên tắc, bằng cách giảm bớt của xã hội cái quyền hoặc cái khả năng tự bảo vệ trong một số trường hợp nhất định: làm giảm quyền hành theo cách này, nói chung ở châu Âu chúng ta gọi là xây dựng tự do.

Có một cách thứ hai để giảm bớt hành động của nhà cầm quyền: cách này không nhắm vào tước bớt của xã hội một số quyền nào đó, hoặc làm tê liệt các nỗ lực của xã hội, mà là phân chia cách sử dụng các sức mạnh xã hội vào tay nhiều người, là gia tăng số lượng chức vụ và giao cho từng chức vụ toàn bộ quyền hành cần thiết để thực hiện điều mọi người giao cho chức vụ đó phải thực hiện. Vẫn có thể bắt gặp những con người mà cách phân chia quyền lực đó có thể dẫn họ tới tình trạng vô chính phủ. Thế nhưng bản thân cách phân chia này thì chẳng có chút gì là vô chính phủ hết. Thực ra, bằng cách phân chia quyền lực như vậy, hành vi quyền lực có bớt hấp dẫn và bớt nguy hiểm đi, nhưng người ta không thủ tiêu nó.

Cách mạng ở Hoa Kì đã được tạo ra bởi một tấm lòng tha thiết với tự do đã trưởng thành và chín chắn, chứ không vì một bản năng thèm khát độc lập mơ hồ và vô định. Cuộc cách mạng này không dựa cơ sở trên những đam mê gây rối loạn, mà ngược lại, nó đi song hành với tình yêu trật tự và luật pháp.

Vậy là ở Hoa Kì người ta không hề cho rằng con người trong một xứ sở tự do thì có quyền làm tất cả mọi điều. Ngược lại, người ta áp đặt cho con người đó những nghĩa vụ xã hội đa dạng hơn ở những nơi khác nhiều lắm. Người ta không hề có ý nghĩ tiến công quyền lực của xã hội ngay từ trong nguyên lí và chống đối lại các quyền xã hội. Người ta chỉ giới hạn ở chỗ chia sẻ việc thực thi các quyền đó thôi. Người ta những mong bằng cách này đạt được tới chỗ quyền lực thì to mà chức việc thì bé, sao cho xã hội tiếp tục được điều hành tốt mà vẫn là xã hội tự do.

Trên thế giới chẳng có nước nào luật lệ lại có ngôn ngữ tuyệt đối như ở nước Mĩ, và cũng chẳng thấy ở nước nào quyền áp dụng luật lệ lại được phân chia cho nhiều bàn tay đến vậy.

Cơ cấu của quyền hành chính ở Hoa Kì không có tính tập trung và cũng không có tính thứ bậc. Vì vậy mà ta chẳng nhìn thấy nó ở đâu hết. Quyền hành thì có, nhưng ta chẳng thấy người đại diện quyền hành đó ngồi ở đâu cả.

Như ở bên trên kia đã nói, các công xã của New England chẳng có ai đỡ đầu hết. Và chúng tự mình chăm nom những quyền lợi riêng.

Phần nhiều ta bắt gặp những cán bộ tư pháp công xã với nhiệm vụ theo dõi thực thi các điều luật chung của bang hoặc tự tay mình thực thi chúng.

Không lệ thuộc vào các bộ luật chung, đôi khi cấp bang cũng đưa ra những quy chế chung về cảnh sát; nhưng thông thường thì cấp công xã và các cán bộ công xã phải cùng với cán bộ tư pháp về trị an và tuỳ nhu cầu của địa phương mà đưa ra các quy định chi tiết thuộc đời sống ở các khu vực và đưa ra những quy định liên quan đến công việc sức khoẻ công cộng, đến bảo đảm trật tự và đạo đức của các công dân.

Cuối cùng, công việc của cán bộ tư pháp công xã là tự tay họ, và chẳng cần đến bất kì thúc giục nào từ bên ngoài, thực hiện việc cung ứng cho các nhu cầu bất ngờ mà lắm khi xã hội thường bắt gặp.

Từ những điều như chúng ta vừa thấy, kết quả là ở bang Massachusetts quyền về hành chính gần như hoàn toàn gói gọn trong công xã; nhưng ở đó ta thấy chúng được phân chia vào tay nhiều người.

Ở bên Pháp cấp xã thực ra chỉ có một chức quan hành chính là xã trưởng (maire − ND).

Còn ở cấp công xã tại New England ta thấy có ít nhất là mười chín người như thế.

Nói chung mười chín chức việc đó không lệ thuộc lẫn nhau. Luật pháp đã vạch ra kĩ lưỡng một phạm vi hành động quanh từng chức việc đó. Trong phạm vi đó, họ là những người toàn quyền để thực thi nhiệm vụ trên cương vị mình và hoàn toàn không lệ thuộc bất kì chức quyền cấp công xã nào.

Nếu để mắt nhìn lên bên trên cấp công xã, ta khó mà nhận ra dấu vết một bậc hành chính cao hơn. Đôi khi xảy ra việc các quan chức cấp quận sửa sang một quyết định của cấp công xã hoặc của các cán bộ tư pháp công xã, nhưng phần nhiều thì có thể nói là những nhà hành chính cấp quận không có quyền điều hành công việc của các nhà hành chính cấp công xã. Họ chỉ điều khiển những người này trong những chuyện có quan hệ đến cấp quận mà thôi.

Những cán bộ tư pháp của công xã và của quận, ngoại trừ trong một số rất ít trường hợp được dự liệu trước, có trách nhiệm thông báo kết quả công việc họ tiến hành tới các chức quan của chính quyền trung ương. Nhưng chính quyền trung ương lại không có một đại diện là một con người đứng ra đảm đương việc soạn các quy chế chung về cảnh sát hoặc những pháp lệnh thi hành luật; đảm đương việc thông tin thường kì với các nhà hành chính cấp quận và cấp công xã; đảm đương việc thanh tra tư cách của những người này, chỉ đạo các hành động của họ và phạt khi họ làm sai.

Vậy là chẳng thấy ở đâu một cái trung tâm từ đó toả ra các quyền lực hành chính.

Vậy thì làm cách nào mà người ta có thể dẫn dắt xã hội theo một chương trình gần như là đồng đều? Làm cách nào người ta buộc các quận và những nhà hành chính cấp quận, buộc các công xã và các công chức công xã phải phục tùng mọi điều?

Tại các bang của New England, quyền lập pháp toả rộng đến nhiều đối tượng hơn là ở nước Pháp chúng ta. Gần như là nhà lập pháp đặt chân vào tận giữa lòng bộ máy cai trị. Luật pháp đi tới tận từng chi tiết nhỏ nhặt. Luật còn quy định cả những nguyên tắc và phương tiện áp dụng chúng. Trong luật cũng có quy định cả các tổ chức đi kèm và các người phụ trách chúng với vô vàn nghĩa vụ sít sao và được định nghĩa cực kì chặt chẽ.

Từ đó mà có kết quả là, nếu như tất cả các tổ chức đi kèm và các công chức phục tùng nghiêm luật pháp thì xã hội với tất cả các bộ phận đều cùng đi lên theo một cung cách đồng đều. Nhưng vẫn còn có điều phải tìm hiểu xem liệu có thể bắt buộc các tổ chức kèm và các công chức chịu phục tùng nghiêm luật pháp hay không.

Ta có thể nói một cách tổng quát là, xã hội chỉ có sẵn trong tay hai phương tiện để bắt buộc người công chức phải phục tùng luật pháp:

Xã hội có thể trao cho một trong những con người ấy cái quyền tuỳ nghi ứng biến được điều hành những người khác và được phế truất họ khi họ bất phục tùng.

Hoặc giả xã hội có thể trao cho các toà án cái quyền chế tài đối với những ai làm sai luật.

Con người không phải khi nào cũng tự do muốn trong hai biện pháp đó chọn cái nào đều được cả.

Có cái quyền điều khiển người công chức thì cũng giả định là có cả cái quyền phế truất người đó nếu anh ta không làm theo các mệnh lệnh được truyền đạt tới, và có cả cái quyền nâng bậc cho anh ta một khi anh ta nhiệt tình hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Thế nhưng lại không thể phế truất cũng chẳng thể nâng bậc một cán bộ tư pháp được bầu chọn ra. Bản chất việc bầu bán đó có nghĩa là không thể xoá bỏ những chức vụ được bầu ra đó cho tới tận cuối nhiệm kì. Trên thực tế, người cán bộ tư pháp mà đã được bầu ra thì chẳng còn trông đợi gì cũng chẳng e ngại gì ngoài những người đã bầu họ ra, một khi mà mọi chức năng công cộng đều là sản phẩm của bầu cử. Vậy là không thể có được tính chất thứ bậc thật sự giữa các công chức, bởi vì không thể hội lại trong một con người cả cái quyền được ra mệnh lệnh và cái quyền được chế tài có hiệu lực sự bất tuân lệnh, và cũng không thể gắn cái quyền được thưởng và phạt vào với cái quyền được điều khiển.

Vậy là, những dân tộc đã du nhập việc bầu cử vào guồng máy chính quyền của họ bị buộc phải sử dụng rộng rãi các hình thức chế tài thành phương tiện cai trị.

Đó là điều mới thoáng nhìn thì không nhận thấy ngay. Những người điều hành chính quyền coi quy định bầu lấy người giữ các chức việc như một thứ nhượng bộ đầu tiên, và nhượng bộ thứ hai ấy là buộc những người được bầu ra phải phục tùng các phán quyết của quan toà. Họ nghi ngại cả hai điều đổi mới ấy. Và do chỗ [các cử tri] đòi họ ở nhượng bộ thứ nhất nhiều hơn, nên họ trao công việc tổ chức tuyển cử cho các viên chức và đồng tình rằng việc tuyển cử đó được độc lập không bị quan toà can thiệp vào. Thế nhưng một trong hai biện pháp đó lại là đối trọng duy nhất đối với biện pháp kia. Xin bạn đọc hãy chú ý ở điểm này, một quyền lực do tuyển cử mà có mà lại không chịu kiểm soát của một quyền lực pháp chế thì sớm muộn cũng tuột khỏi mọi sự giám sát hoặc là bị thủ tiêu. Giữa quyền lực trung ương và các cơ quan hành chính do tuyển cử mà có, chỉ còn có các toà án là có khả năng giữ vai trò trung gian, chỉ có các toà án là có khả năng buộc người viên chức được bầu ra phải phục tùng mà không vi phạm quyền của cử tri.

Vậy là việc mở rộng phạm vi quyền lực pháp chế vào thế giới chính trị phải thành mối quan hệ tương hỗ với việc mở rộng phạm vi quyền lực do tuyển cử. Nếu hai điều đó không cùng đi đôi với nhau, cuối cùng bang sẽ rơi vào vô chính phủ hoặc chỉ mang thân phận tôi tớ mà thôi.

Thời nào cũng vậy, ta đều nhận thấy rằng các thói quen pháp chế chuẩn bị khá tồi cho con người thực thi quyền lực hành chính.

Người Mĩ đã học mót của người Anh cha ông họ cái ý tưởng về một thiết chế không có chút tương đồng nào hết với những gì chúng ta từng biết trên lục địa châu Âu, đó là tổ chức toà hoà giải.

Viên quan toà hoà giải nằm ở trung gian giữa người dân bình thường với người cán bộ tư pháp được bầu ra, nằm giữa nhà hành chính và quan toà. Viên quan toà hoà giải là một công dân sáng suốt nhưng không nhất thiết phải chuyên sâu việc pháp luật. Vì thế người ta chỉ trao cho quan toà hoà giải công việc cảnh sát xã hội mà thôi, là điều đòi hỏi cái thiên lương và sự chính trực nhiều hơn là tính khoa học. Khi tham gia công việc hành chính viên quan toà hoà giải đem vào đó một chút nào đó cái thi vị mang tính hình thức và quảng cáo khiến nó trở thành một công cụ khá rầy rà đối với sự độc đoán, nhưng loại quan toà này cũng không có vẻ gì như là các cán bộ tư pháp, những kẻ nô lệ vào những tín điều pháp chế đến độ mất đi khá nhiều khả năng điều hành quyền lực.

Người Mĩ cuỗm lấy thiết chế Toà hoà giải song lại tước bỏ đi của nó cái tính chất quý tộc rất rõ nét ở tổ quốc cũ.

Thống đốc Massachusetts cắt cử một số quan toà hoà giải cho tất cả các quận với nhiệm kì bảy năm.

Ngoài ra, trong số những quan toà hoà giải đó, ông thống đốc lại chỉ định cho mỗi quận một tổ chức được gọi là Toà án hành chính (tiếng Pháp tác giả dùng: cour des sessions; tiếng Anh do ND chua thêm: the court of sessions).

Các quan toà hoà giải tham gia theo tư cách cá nhân vào việc hành chính công. Khi thì cùng với các viên chức dân cử, họ tham gia một số việc mang tính hành chính; khi thì họ lập thành phiên toà xử việc các cán bộ tư pháp kết tội công dân một cách sơ sài nên công dân từ chối tuân phục, hoặc xét xử việc công dân tố cáo những vi phạm của cán bộ tư pháp. Nhưng chỉ có ở Toà án hành chính thì các quan toà hoà giải mới thực hiện chức năng hành chính quan trọng nhất của mình.

Toà án hành chính họp mỗi năm hai kì tại thủ phủ của quận. Ở bang Massachusetts chính hội đồng này có nhiệm vụ duy trì đại bộ phận viên chức trong vòng kỉ luật.

Ta cần chú ý nhiều tới điều này, ấy là ở bang Massachusetts, Toà án hành chính vừa là một tổ chức hành chính thực thụ lại vừa là một toà án chính trị.

Chúng ta đã nói rằng đơn vị quận − county − chỉ tồn tại như một đơn vị hành chính mà thôi. Còn thì chính tay Toà án hành chính mới điều hành một số ít lợi ích liên quan cùng lúc đến một số công xã hoặc đến toàn bộ các công xã trong quận, và do đó không thể giao việc điều hành cho riêng một công xã nào hết.

Khi có việc liên quan riêng tới cấp quận, nhiệm vụ của Toà án hành chính hoàn toàn mang tính hành chính, và nếu như lắm khi hội đồng có du nhập những hình thức pháp lí vào phương thức hoạt động thì đó chỉ là một phương tiện tự làm tường minh mọi điều và một bảo lãnh đối với người dân dưới quyền hành chính của họ. Nhưng khi cần phải bảo đảm việc hành chính đối với các công xã, thì hầu như bao giờ nó cũng hành động như một tổ chức pháp lí, và chỉ trong vài trường hợp hiếm hoi nó mới hành động như một tổ chức hành chính.

Khó khăn đầu tiên của việc này là, với tư cách là một cơ quan quyền lực hầu như độc lập, nó làm cách nào để chính công xã phải phục tùng luật pháp chung của bang.

Chúng ta biết rằng, hàng năm, công xã phải cất cử ra một số lượng nhất định cán bộ tư pháp trên cương vị assessor phải làm công việc phân bổ thuế. Một công xã định trốn nghĩa vụ nộp thuế bằng cách không cắt cử ra các assessor. Toà án hành chính phạt công xã đó rất nặng. Tiền phạt tính theo đầu người dân và thu gộp lại. Ông sheriff sĩ quan tư pháp của quận chịu trách niệm thực thi quyết định này. Vì thế mà ở Hoa Kì quyền lực dường như luôn luôn muốn trốn tránh kĩ khỏi con mắt mọi người. Bộ máy cai quản hành chính hầu như bao giờ cũng nấp sau uỷ trị pháp chế. Làm như thế nó chỉ càng mạnh thêm, vì nó có được cái sức mạnh hầu như không cự địch nổi đã được mọi người chấp nhận trong hình thức pháp lí.

Đường lối tiến hành này dễ nhận ra và cũng chẳng có gì khó hiểu. Nói chung, điều người ta đòi hỏi ở công xã rất gọn và xác định rõ. Nó nằm trong một sự việc giản dị chẳng có gì là phức tạp, đó là một nguyên lí, chứ không nằm trong một sự vận dụng chi tiết. Cái khó là làm cách nào buộc người ta phải tuân thủ, không phải là buộc cái công xã mà là buộc các viên chức công xã.

Mọi hành động có thể bị khiển trách mà người viên chức công có thể phạm phải xét cho cùng đều nằm trong những loại như sau:

Có thể ông ta làm công việc do luật định không hăng hái nhiệt tình.

Có thể ông ta không chịu làm công việc do luật định.

Sau hết, có thể ông ta lại làm công việc gì luật không cho phép.

Toà án chỉ có thể tóm được hành vi của một viên chức trong hai trường hợp sau. Cần có một sự việc rõ rệt và có thể đem ra đánh giá được để dùng làm căn cứ cho công việc pháp chế.

Vậy là, khi những selectmen không làm đủ các thủ tục do luật định liên quan đến công việc bầu cử ở công xã thì họ có thể bị phạt.

Thế nhưng, khi người viên chức công thực hiện nhiệm vụ một cách thiếu khôn ngoan, khi ông ta phục tùng thiếu hăng hái nhiệt tình những quy định của luật pháp, người đó hoàn toàn có thể không bị một cơ quan pháp chế tóm được.

Toà án hành chính, ngay cả khi được trao quyền về hành chính, cũng bất lực trong việc bắt buộc người viên chức kia làm tròn đầy đủ các nghĩa vụ. Chỉ có nỗi sợ bị miễn chức mới có thể ngăn chặn được những thứ bị coi là “tội” đó. Thế mà Toà án hành chính lại không có gốc gác từ quyền lực công xã. Vậy là nó không thể miễn chức các viên chức không do nó cắt cử ra.

Vả chăng, để bảo đảm không có sự cẩu thả và sự thiếu hăng hái, thì phải liên tục kiểm soát người viên chức cấp dưới. Thế nhưng Toà án hành chính chỉ họp mỗi năm hai lần. Nó không thanh tra gì hết, nó chỉ xét xử những sự việc có khả năng bị phạt đã được người ta tố cáo.

Về phía hội đồng, riêng cái quyền lực võ đoán được bãi miễn các viên chức chỉ có thể bảo đảm cho người viên chức có sự phục tùng sáng suốt và tích cực, là điều không thể áp đặt được bởi pháp chế.

Ở Pháp, chúng ta tìm kiếm sự bảo đảm này bằng chế độ thứ bậc hành chính, còn ở nước Mĩ, người ta kiếm tìm sự bảo đảm đó trong công việc tuyển cử.

Bây giờ, xin tóm tắt đôi chút những điều tôi vừa mới trình bày:

Khi người viên chức công của New England có phạm một tội hình sự nào khi thực thi nhiệm vụ, các toà án thường luôn luôn có nhiệm vụ xét xử anh ta.

Khi phạm một tội hành chính nào, thì một toà án thuần tuý hành chính có nhiệm vụ trừng phạt anh ta, và khi vấn đề có tính chất nghiêm trọng hoặc cấp bách, quan toà sẽ làm điều gì người viên chức phải làm trong trường hợp tương tự.

Sau hết, khi cũng người viên chức ấy phạm một trong những tội [mơ hồ] không bắt được mà nền công lí của con người không có cả khả năng định nghĩa lẫn đánh giá, thì người viên chức đó phải ra trước một toà án họp hàng năm, toà này không có xử phúc thẩm, có thể làm cho viên chức đó ngay lập tức trở thành bất lực, quyền lực của ông ta cùng với nhiệm kì cũng tuột khỏi tay luôn.

Chắc chắn là hệ thống này bao hàm trong lòng nó những thuận lợi to lớn, nhưng khi đem thực hành thì gặp một khó khăn thực tiễn mà ở đây ta cần chỉ rõ ra.

Tôi đã chỉ ra rằng toà án hành chính dưới cái tên là court of sessions không có quyền thanh tra các cán bộ tư pháp công xã. Theo một thuật ngữ luật định, nó chỉ có thể ra tay hành động một khi nó được giao xét xử (tiếng Pháp saisie − ND). Vậy đây chính là điểm tế nhị của hệ thống.

Người Mĩ ở New England chẳng đặt ra một chức vụ biện lí (ministère public − ND) đặt bên toà án hành chính, và ta cần hiểu rằng thật khó mà lập ra một chức quan như thế. Nếu họ cứ khư khư đặt ở thủ phủ mỗi quận một quan công tố, và ở dưới mỗi công xã lại chẳng cho ông ta nhân viên nào, làm sao vị công tố đó lại biết rõ mọi điều diễn ra trong quận so với chính những thành viên toà án hành chính? Nếu cho vị đó những nhân viên làm việc ở từng công xã, thì có nghĩa là đã tập trung trong tay ông ta cái thứ quyền hành đáng gờm nhất trong mọi quyền hành, đó là cai trị bằng pháp định. Vả chăng luật pháp cũng do thói quen đề ra thôi, và chẳng có thứ gì tương tự đã từng tồn tại trong hệ thống pháp lí của nước Anh.

Thế là người Mĩ đã phân chia quyền thanh tra và khiếu kiện như phân chia mọi chức năng hành chính khác.

Các thành viên đại bồi thẩm đoàn, theo luật định, phải báo cho toà án liên quan công việc với họ về những tội phạm các loại có khả năng xảy ra trong quận của họ. Có những tội nặng về hành chính nhất định mà quan biện lí có trách nhiệm xử lí. Rất nhiều khi sĩ quan thuế vụ phải thực hiện nhiệm vụ trừng trị những kẻ phạm tội và nhập tiền phạt vào quỹ; tương tự như thế, thủ quỹ công xã có nhiệm vụ xử lí phần lớn những tội phạm hành chính diễn ra trước mắt ông ta.

Nhưng phần nhiều thì hệ thống pháp lí Mĩ chú ý tới lợi ích riêng. Đó là nguyên lí lớn mà ta luôn luôn bắt gặp khi nghiên cứu luật pháp Hoa Kì.

Các nhà làm luật Mĩ tỏ ra ít tin cậy vào sự lương thiện của con người. Nhưng họ lại luôn luôn giả định là con người thì thông minh. Vậy là họ thường dựa vào lợi ích cá nhân để tính chuyện thực thi luật pháp.

Khi một cá nhân thực sự và rõ ràng là bị thiệt thòi vì một tội phạm hành chính, ta thấy ngay rằng lợi ích cá nhân là thứ bảo đảm cho việc khiếu kiện.

Nhưng cũng thật dễ dàng tiên lượng được rằng một quyết định luật, là thứ tuy có ích lợi cho xã hội đấy nhưng lại chưa hẳn đã được cá nhân con người cảm nhận như vậy, và mỗi cá nhân sẽ trù trừ trong việc đứng ra kết án. Theo cách đó, mọi người như sẽ có một thoả thuận ngầm, và luật pháp rất có thể bị vứt bỏ.

Do hệ thống của họ đẩy họ tới chỗ phải cực đoan, người Mĩ buộc phải làm cho những người đứng ra tố cáo thấy họ có quyền lợi, bằng cách trong một số trường hợp để cho họ được hưởng phần tiền phạt.

Đó là phương tiện nguy hiểm bảo đảm cho việc thực thi luật pháp mà lại làm cho tập tục con người bị xuống cấp.

Bên trên cán bộ tư pháp quận có thể nói là chẳng còn quyền lực hành chính nào nữa, mà chỉ có một bộ máy chính quyền [đang vận hành].

Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)

Dịch giả:
Phạm Toàn