Bộ máy quan liêu: Kết luận

Bộ máy quan liêu: Kết luận

Kết luận

Phân tích các đặc điểm kỹ thuật của quản lý quan liêu và cái đối lập với nó, quản lý vì lợi nhuận, sẽ cho ta manh mối để đánh giá một cách công bằng và không thiên vị phương pháp làm việc của cả hai hệ thống trong hệ thống phân công lao động.

Cơ quan quản lý của nhà nước, cách xử lý của bộ máy cưỡng chế và ép buộc của chính phủ chắc chắn là có tính hình thức và quan liêu. Không có cuộc cải cách nào có thể loại bỏ được tính quan liêu của các cơ quan chính phủ. Lên án họ chậm chạp và lười biếng cũng vô ích. Than phiền về sự kiện là nhân viên cơ quan nhà nước nói chung không khéo léo, không cẩn thận và không chăm chỉ bằng người lao động trung bình trong doanh nghiệp tư nhân cũng chẳng giải quyết được gì. (Nói cho cùng, có rất nhiều công chức với lòng nhiệt thành chẳng khác gì đức hy sinh vô vị lợi). Không có tiêu chí đánh giá không thể bác bỏ được về thành công và thất bại thì gần như không thể tìm được động lực làm cho đa số người dân cố gắng hết sức mình, trong khi tính toán dựa trên tiền bạc của doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận dễ dàng cung cấp cho chúng ta tiêu chí như thế. Chỉ trích sự kiện là các quan chức tuân thủ một cách cứng nhắc luật lệ và quy định cũng chẳng ích gì. Đấy là những quy định cần thiết, nếu không muốn bộ máy quản lý của nhà nước tuột khỏi tay những quan chức cao cấp nhất và rơi vào tay những nhân viên cấp dưới. Hơn nữa, luật là biện pháp duy nhất làm cho pháp luật được thượng tôn trong khi thực thi công vụ và bảo vệ người công dân trước những hành động độc đoán, bạo ngược.

Người quan sát bên ngoài có thể dễ dàng lên án bộ máy quan liêu vì những khoản chi tiêu lãng phí. Nhưng quan chức có trách nhiệm bảo đảm cho dịch vụ mà anh ta phụ trách phải hoàn hảo lại phải xem xét vấn đề từ góc độ khác. Anh ta không muốn gặp quá nhiều rủi ro. Anh ta thích được an toàn và sẵn sàng chi nhiều hơn cho chắc chắn.

Tất cả những khiếm khuyết này là thuộc về bản chất của các dịch vụ không thể kiểm tra bằng hạch toán lời và lỗ. Thật vậy, chúng ta sẽ không bao giờ biết được rằng đấy thực sự là những thiếu sót nếu chúng ta không có khả năng so sánh hệ thống quan liêu với hoạt động của doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận. Hệ thống bị nhiều người phê phán là “bần tiện”, chỉ chạy theo lợi nhuận lại làm cho mọi người có ý thức về hiệu quả và tìm cách hợp lý hóa ở mức cao nhất. Không làm thế nào khác được. Chúng ta phải chấp nhận thực tế là không thể áp dụng những biện pháp đáng tin cậy của doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận cho sở cảnh sát hoặc sở thuế vụ.

Tuy nhiên, toàn bộ vấn đề sẽ có ý nghĩa hoàn toàn khác nếu ta chú ý tới những nỗ lực cuồng tín nhằm biến toàn bộ bộ máy sản xuất và phân phối thành bộ máy quan liêu khổng lồ. Lý tưởng của Lenin, coi dịch vụ bưu chính do chính phủ quản lý là mô hình tổ chức kinh tế của xã hội và làm cho tất cả mọi người đều trở thành một bánh răng trong bộ máy quan liêu khổng lồ1 buộc chúng ta phải vạch trần sự thua kém của các phương pháp quan liêu so với các phương pháp của doanh nghiệp tư nhân. Xem xét kỹ lưỡng như vậy chắc chắn không phải là để chê bai công việc của nhân viên thuế vụ, cán bộ hải quan và lính tuần tra hoặc coi thường thành tích của họ. Nhưng, cần phải chỉ ra rằng nhà máy luyện cán thép khác với sứ quán, nhà máy giày khác với văn phòng đăng ký kết hôn ở những khía cạnh cốt yếu nào và vì sao tái tổ chức tiệm bánh theo mô hình trạm bưu điện thì có hại.

Sự kiện được dùng trong ngôn ngữ đầy thiên vị là thay thế nguyên tắc tìm kiếm lợi nhuận bằng nguyên tắc phục vụ sẽ làm cho người ta từ bỏ phương pháp duy nhất buộc người ta phải duy lí và tính toán khi sản xuất các nhu yếu phẩm. Lợi nhuận mà doanh nhân kiếm được chứng tỏ rằng anh ta đã phục vụ người tiêu dùng, tức là phục vụ tất cả mọi người. Nhưng không có phương pháp tính toán nào có thể quyết định được là hoạt động của văn phòng chính phủ là thành công hay thất bại.

Trong bất kỳ hệ thống xã hội chủ nghĩa nào, chỉ hội đồng quản trị sản xuất trung ương mới có quyền ra lệnh và tất cả những người khác sẽ phải thực hiện mệnh lệnh mà họ nhận được. Tất cả mọi người, trừ Thống chế nắm quyền sản xuất, sẽ phải tuân thủ vô điều kiện các hướng dẫn, luật lệ, quy tắc và quy định do cơ quan cấp trên ban hành. Tất nhiên, trong hệ thống quy định bao trùm này, mọi người có thể có quyền đề nghị thay đổi. Nhưng con đường từ khi có đề nghị như thế cho tới khi cơ quan có thẩm quyền cao nhất chấp nhận, trong trường hợp tốt nhất, cũng xa vời và diệu vợi như con đường đưa đề xuất trong bức thư gửi cho biên tập viên hoặc bài báo trên tờ tạp chí định kỳ về việc sửa đổi một điều luật nào đó đến lúc cơ quan lập pháp thông qua.

Trong tiến trình lịch sử, đã từng có nhiều phong trào đòi cải cách các thiết chế xã hội với lòng nhiệt huyết và cuồng tín. Người ta đã chiến đấu vì đức tin tôn giáo, vì muốn bảo tồn nền văn minh, vì quyền tự do, vì quyền tự quyết, vì muốn xóa bỏ chế độ nông nô và nô lệ, vì công bằng và công lý trong thủ tục xét xử. Ngày nay, hàng triệu người bị mê hoặc bởi ý tưởng biến cả thế giới thành một văn phòng, biến tất cả mọi người trở thành quan chức, và xóa sổ mọi sáng kiến tư nhân. Trong trí tưởng tượng của người ta, thiên đường của tương lai là bộ máy quan liêu bao trùm lên tất cả. Đây là phong trào cải cách mạnh mẽ nhất mà lịch sử từng biết tới, là trào lưu tư tưởng đầu tiên, với mục tiêu là quan liêu hóa mọi thứ trên đời, được không chỉ một phần nhân loại mà được người dân thuộc mọi chủng tộc, mọi quốc gia, mọi tôn giáo và nền văn minh ủng hộ. Bưu điện là hình mẫu cho quá trình xây dựng thiên đường trên cõi thế (nguyên văn New Jerusalem - ND). Nhân viên bưu điện là nguyên mẫu của con người tương lai. Biết bao nhiêu máu đã đổ để thực hiện lý tưởng này.

Trong cuốn sách này, chúng tôi không thảo luận về con người mà thảo luận hệ thống tổ chức xã hội. Chúng tôi không có ý nói rằng nhân viên bưu điện kém cỏi hơn bất cứ người nào khác. Cần phải nhận thức được rằng chiếc áo khoác gò bó của tổ chức quan liêu làm tê liệt sáng kiến cá nhân, trong khi, trong xã hội tư bản thị trường, người có tinh thần đổi mới có cơ hội thành công. Bộ máy quan liêu tạo ra trì trệ và giữ mãi những biện pháp cổ lỗ sĩ, trong khi xã hội tư bản thị trường tạo ra tiến bộ và cải thiện. Chủ nghĩa tư bản là phát triển không ngừng, còn chủ nghĩa xã hội thì không. Không thể phủ nhận được luận cứ này, những người Bolshevik đã và đang bắt chước những đổi mới sáng tạo khác nhau của Mỹ. Tất cả các dân tộc phương Đông cũng đã làm như thế. Nhưng, sự kiện này không có nghĩa là tất cả các nước văn minh phải bắt chước các phương thức tổ chức xã hội của người Nga.

Những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội tự gọi mình là những người tiến bộ, nhưng họ đề nghị người ta áp dụng hệ thống với những đặc điểm là tuyệt đối tuân thủ thủ tục đã có và chống lại bất kỳ sự cải tiến nào. Họ tự gọi mình là những người theo phái tự do, nhưng họ muốn xóa bỏ tự do. Họ tự gọi mình là những người dân chủ, nhưng họ khao khát chế độ độc tài. Họ tự gọi mình là những người cách mạng, nhưng họ muốn tạo ra chính phủ toàn trí toàn năng. Họ hứa hẹn phước lành của Vườn Địa Đàng, nhưng họ lập kế hoạch để biến cả thế giới thành sở bưu chính khổng lồ. Một người duy nhất đứng trên, còn tất cả những người khác đều là nhân viên cấp dưới trong một văn phòng. Xã hội không tưởng này mới hấp dẫn làm sao! Sự nghiệp của cuộc chiến đấu mới cao cả làm sao!

Lý trí là vũ khí duy nhất trong cuộc đấu tranh chống lại cơn mê loạn này. Cần phải dùng lẽ thường thì mới ngăn chặn, không để nhân loại trở thành con mồi của những tưởng tượng hão huyền và những khẩu hiệu sáo rỗng.

Chú thích:

(1) Lenin, State and Revolution [Nhà nước và cách mạng], New York ed., 1935, tr. 44.

Nguồn: Ludwig von Mises, Bureaucracy, Yale University Press, 1944

[Hết].

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường