Tự do xã hội

Tự do xã hội

Tôi tới Buenos Aires với tư cách là khách mời của Centro de Difusión de la Economía Libre (Trung tâm phát triển tự do kinh tế). Economía Libre là gì? Hệ thống tự do kinh tế này nghĩa là gì? Câu trả lời rất đơn giản: đó là nền kinh tế thị trường, là hệ thống kinh tế mà sự hợp tác giữa các cá nhân trong phân công lao động xã hội đạt được nhờ thị trường. Thị trường ở đây không phải là một địa điểm, mà là một quá trình, đó là phương thức mà thông qua mua và bán, sản xuất và tiêu dùng, các cá nhân đóng góp vào tổng lao động của xã hội.

Để phân tích hệ thống tổ chức kinh tế này, tức nền kinh tế thị trường, chúng ta dùng thuật ngữ “tự do kinh tế.” Thường mọi người hay hiểu sai ý nghĩa cụm từ này, tin rằng tự do kinh tế là một thứ tách ra khỏi những quyền tự do khác và những quyền tự do khác đó – mà họ cho là quan trọng hơn – có thể được bảo tồn mà không cần tự do kinh tế. Ý nghĩa của tự do kinh tế là: mọi cá nhân đều có quyền lựa chọn cách mà anh ta muốn hội nhập với toàn thể xã hội. Cá nhân đó có thể lựa chọn nghề nghiệp cho mình, anh ta được tự do làm điều anh ta muốn làm.

Đây tất nhiên không phải nghĩa thông thường mà mọi người hiểu về từ tự do hiện nay; đúng hơn nó được hiểu theo ý hơi khác: nhờ tự do kinh tế, con người được giải thoát khỏi sự lệ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Trong tự nhiên, không có gì có thể được gọi là tự do; chỉ có sự chi phối của quy luật tự nhiên mà con người phải tuân theo nếu muốn đạt được điều gì đó.

Khi sử dụng từ tự do để áp dụng với con người, chúng ta thường chỉ nghĩ tới quyền tự do trong xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, những quyền tự do xã hội đang được rất nhiều người cho rằng độc lập với nhau. Những người tự nói mình theo chủ nghĩa tự do hiện nay đang yêu cầu các chính sách trái ngược hoàn toàn với những chính sách mà người theo chủ nghĩa tự do vào thế kỷ XIX ủng hộ trong cương lĩnh tự do của mình. Những người được gọi là theo chủ nghĩa tự do hiện nay mang trong mình một suy nghĩ rất phổ biến là: tất cả các quyền tự do như tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do tôn giáo, quyền không bị tống giam mà không qua quá trình xét xử tại toà án có thể được bảo tồn dù thiếu đi cái được gọi là tự do kinh tế. Họ không nhận ra rằng trong một chế độ không có thị trường, nơi mà chính phủ điều hành mọi thứ thì tất cả những quyền tự do khác đều chỉ là hão huyền, kể cả khi họ có đưa chúng vào luật và ghi trong hiến pháp.

Giả sử chúng ta có một quyền tự do là tự do báo chí. Nếu chính phủ sở hữu mọi nhà in, họ sẽ quyết định những gì được và không được phép in ra. Và nếu chính phủ sở hữu mọi nhà in, quyết định những gì được và không được phép in, thì khả năng in được bất cứ tranh luận trái chiều nào chống lại tư tưởng của chính phủ trên thực tế đều là bất khả thi. Tự do báo chí biến mất. Và cũng tương tự với những quyền tự do khác.

Tự do trong xã hội

Trong nền kinh tế thị trường, các cá nhân được tự do lựa chọn nghề nghiệp mà mình theo đuổi, lựa chọn hội nhập với xã hội theo cách riêng của mình. Nhưng trong chế độ xã hội chủ nghĩa, mọi chuyện không như vậy: nghề nghiệp của anh ta bị quyết định bởi nghị định của chính phủ. Chính phủ có thể đưa những người mà họ không thích, những người mà họ không muốn ra khỏi nơi đang sinh sống để đến nơi khác, khu vực khác. Và chính phủ luôn ở vị trí được biện minh và giải thích cho những thủ tục này bằng cách tuyên bố rằng những kế hoạch của chính phủ yêu cầu sự hiện diện của những công dân ưu tú này ở chỗ cách xa năm nghìn dặm với nơi mà anh ta có thể khiến các nhà cầm quyền khó chịu.

Đúng là quyền tự do mà một người có thể có được trong nền kinh tế thị trường không phải một sự tự do hoàn hảo theo quan điểm siêu hình. Nhưng không có gì gọi là tự do hoàn hảo. Tự do chỉ có ý nghĩa trong một khuôn khổ xã hội. Những tác giả của thế kỷ XVIII về “luật tự nhiên” – nổi bật là Jean Jacques Rousseau – tin rằng trước đây, trong quá khứ xa xưa, con người có một thứ gọi là tự do “tự nhiên.” Nhưng trong thời đại xa xưa ấy, các cá nhân không hề tự do, họ chịu ơn huệ từ những kẻ mạnh hơn mình. Câu nói nổi tiếng của Rousseau: “Con người sinh ra được tự do nhưng ở đâu anh ta cũng bị xiềng xích” nghe có vẻ đúng, nhưng con người, thực tế sinh ra không được tự do. Con người sinh ra yếu đuối chỉ biết bú mẹ. Nếu không có sự bảo vệ của cha mẹ, cha mẹ không có sự bảo vệ từ xã hội, anh ta có thể không bảo toàn được mạng sống của mình.

Tự do trong xã hội nghĩa là một người phụ thuộc vào những người khác cũng nhiều như những người khác kia phụ thuộc vào người đó. Xã hội trong nền kinh tế thị trường, trong điều kiện economía libre, nghĩa là một trạng thái các mối quan hệ mà trong đó mọi người phục vụ cho đồng bào của mình và được họ phục vụ lại. Mọi người tin rằng trong nền kinh tế thị trường có những ông chủ không phụ thuộc vào thiện chí và sự hỗ trợ của người khác. Họ tin rằng những người đi đầu trong ngành công nghiệp, những thương gia, những doanh nhân là những ông chủ thực sự trong hệ thống kinh tế. Nhưng đây chỉ là một ảo tưởng. Những ông chủ thực sự trong hệ thống kinh tế chính là người tiêu dùng. Và nếu như người tiêu dùng không mua một loại hàng hóa nào đó, những người thương nhân này hoặc buộc phải từ bỏ vị trí xuất sắc của mình trong hệ thống kinh tế hoặc phải điều chỉnh hành vi theo mong muốn và yêu cầu của người tiêu dùng.

Một trong những nhà truyền bá chủ nghĩa cộng sản nổi tiếng nhất là Quý bà Passfield, tên thời con gái là Beatrice Potter, và nổi tiếng với tên của chồng bà, Sidney Webb. Quý bà này là con gái của một thương gia giàu có, và khi còn là một cô gái trẻ, bà làm việc với vai trò thư ký cho cha mình. Trong cuốn hồi kí của mình, bà viết: “Trong doanh nghiệp của cha tôi, mọi người phải tuân theo chỉ thị của cha tôi, ông chủ của doanh nghiệp. Một mình ông phải đưa ra mọi yêu cầu, nhưng không ai được đưa ra yêu cầu cho ông.” Đây là quan điểm thiển cận. Những yêu cầu được đưa ra cho ông từ các khách hàng, từ người mua. Tiếc là bà đã không thể nhìn thấy những yêu cầu này; bà đã không thể thấy những gì diễn ra trong một nền kinh tế thị trường, bởi bà chỉ quan tâm đến những chỉ thị được đưa ra trong văn phòng hay nhà máy của cha mình.

Người tiêu dùng tối thượng

Trong mọi vấn đề kinh tế, chúng ta luôn phải ghi nhớ trong đầu câu nói của nhà kinh tế học vĩ đại người Pháp Frédéric Bastiat, người đã đặt tiêu đề cho một trong những bài tiểu luận xuất sắc của mình: “Ce qu’on voit et ce qu’on ne voit pas” (Những gì bạn thấy và những gì bạn không thấy). Để hiểu được hoạt động của một hệ thống kinh tế, chúng ta không chỉ phải đương đầu với những gì nhìn thấy mà chúng ta còn phải chú ý tới những thứ không cảm nhận được trực tiếp. Ví dụ, một chỉ thị ông chủ giao cho anh nhân viên có thể được mọi người có mặt trong phòng nghe thấy. Những gì không thể được nghe thấy là những chỉ thị được đưa ra cho ông chủ từ phía khách hàng.

Thực tế là, trong chế độ tư bản chủ nghĩa, ông chủ cuối cùng chính là người tiêu dùng. Sự tối thượng không phải là một trạng thái, nó là con người. Và bằng chứng con người là tối thượng được minh chứng bằng thực tế rằng con người có quyền trở nên ngu ngốc. Đây là đặc quyền của kẻ tối thượng. Con người có quyền mắc sai lầm, không ai có thể ngăn cản họ làm việc đó, nhưng tất nhiên họ phải trả giá cho những sai lầm của mình. Khi chúng ta nói người tiêu dùng là tối thượng hay người tiêu dùng là thượng đế, chúng ta không hề nói rằng người tiêu dùng không mắc sai lầm, rằng người tiêu dùng là người luôn biết cái gì là tốt nhất cho họ. Người tiêu dùng thường xuyên mua hoặc sử dụng những thứ mà họ không nên mua hay sử dụng chúng.

Nhưng quan niệm cho rằng chính phủ theo chế độ tư bản chủ nghĩa có thể ngăn cản việc con người tự làm tổn thương mình bằng cách kiểm soát sự tiêu dùng của họ là sai lầm. Suy nghĩ cho rằng chính phủ là cha mẹ, là người giám hộ cho tất cả mọi người là suy nghĩ của những người ủng hộ xã hội chủ nghĩa. Vài năm trước đây ở Hoa Kỳ, chính phủ đã thử áp dụng cái được gọi là “một thí nghiệm cao quý.” Thí nghiệm cao quý này là đưa ra đạo luật coi việc tiêu dùng đồ uống có thể gây nghiện trở thành bất hợp pháp. Chắc chắn là có nhiều người uống rất nhiều rượu brandy và rượu whisky, và rằng họ có thể làm hại chính mình khi làm như vậy. Một số nhà chức trách Hoa Kỳ thậm chí còn phản đối việc hút thuốc lá. Chắc chắn là có rất nhiều người hút thuốc quá nhiều và họ vẫn hút dù biết rằng sẽ tốt hơn cho họ nếu không hút thuốc lá. Việc này làm nảy sinh câu hỏi vượt xa một cuộc thảo luận kinh tế: nó cho thấy tự do thực sự nghĩa là gì.

Phải thừa nhận rằng việc giữ mọi người để họ không làm tổn hại bản thân do uống rượu hay hút thuốc lá quá nhiều là việc làm tốt. Nhưng một khi bạn thừa nhận việc này, những người khác sẽ nói: Có phải thể xác là tất cả? Không phải tư duy của con người quan trọng hơn nhiều sao? Không phải tư duy mới là nguồn vốn, là phẩm chất thực sự của con người? Nếu bạn cho chính phủ quyền được xác định mức tiêu dùng của cơ thể con người, được quy định một người nên hay không nên hút thuốc lá, uống rượu hay không uống rượu, bạn sẽ chẳng có câu trả lời hợp lý cho những người nói rằng: “Quan trọng hơn thể xác là trí tuệ và tâm hồn, và một người làm hại chính mình nhiều hơn bằng cách đọc những cuốn sách tồi, nghe nhạc tồi và xem những bộ phim tồi. Vì thế, bổn phận của chính phủ là ngăn chặn để mọi người không phạm phải những sai lầm này.”

Và, như bạn đã biết, hàng trăm năm qua, chính phủ và các nhà chức trách vẫn tin rằng đây thực sự là trách nhiệm của họ. Không phải việc này chỉ xảy ra ở thời đại xa xưa; không lâu trước đây, chính phủ Đức đã cho rằng nhiệm vụ của chính phủ là phân loại những bức tranh tốt và tranh xấu – mà dĩ nhiên là tốt hay xấu theo quan điểm của một kẻ mà, trong thời trẻ, đã trượt bài thi đầu vào tại Học viện Nghệ thuật ở Vienna; tốt hay xấu là theo quan điểm của một kẻ vẽ tranh bưu thiếp. Và nó thành bất hợp pháp khi mọi người nói ra một quan điểm về nghệ thuật và những bức tranh khác với Lãnh tụ Tối cao (Supreme Führer). 

Một khi bạn bắt đầu thừa nhận rằng bổn phận của chính phủ là kiểm soát sự tiêu dùng rượu của bạn, bạn có thể trả lời ra sao với những người nói rằng việc kiểm soát những cuốn sách và ý tưởng còn quan trọng hơn nhiều?

Tự do được mắc sai lầm

Tự do thực sự có nghĩa là tự do được mắc sai lầm. Đây là điều chúng ta phải ý thức được. Chúng ta có thể chỉ trích gay gắt về cách đồng bào mình đang sử dụng tiền và sống cuộc sống của họ. Chúng ta có thể tin rằng những gì họ đang làm là hoàn toàn tồi tệ và ngu ngốc, nhưng trong một xã hội tự do, có rất nhiều cách để mọi người thể hiện rộng rãi quan điểm của mình về việc người khác nên thay đổi cách sống của họ ra sao. Họ có thể viết sách; họ có thể viết báo; họ có thể diễn thuyết; họ thậm chí có thể thuyết giảng ở góc phố nếu học muốn – và những hiện tượng này đã diễn ra ở rất nhiều quốc gia. Nhưng họ không được phép kiểm soát người khác để ngăn họ không làm một việc gì đó, đơn giản bởi vì chính họ không muốn những người này có quyền tự do thực hiện điều đó.

Đây là sự khác biệt giữa nô lệ và tự do. Người nô lệ phải làm theo lệnh của kẻ cai trị, nhưng người công dân tự do – và đây chính là ý nghĩa của tự do – có quyền lựa chọn cách sống của riêng mình. Chắc chắn chế độ tư bản chủ nghĩa có thể bị lạm dụng và bị lạm dụng bởi một số người. Chắn chắn chế độ này có thể làm những việc không nên làm. Nhưng nếu những việc này được đại đa số mọi người đồng thuận, một người có ý kiến không tán thành luôn có cách để cố gắng thay đổi suy nghĩ của đồng bào mình. Anh ta có thể cố gắng khuyên nhủ, thuyết phục họ, nhưng anh ta không nên cố gắng ép buộc họ bằng cách sử dụng quyền lực của chính quyền.

Giai cấp và Đẳng cấp

Trong nền kinh tế thị trường, phục vụ đồng bào cũng là tự phục vụ chính mình. Đây là điều đã có trong tư tưởng các tác gia theo chủ nghĩa tự do của thế kỷ XVIII khi họ nói về sự hòa hợp giữa lợi ích được hiểu đúng nghĩa của mọi tầng lớp và của mọi cá nhân trong xã hội. Và chính học thuyết về sự hòa hợp lợi ích này đã bị những người theo chủ nghĩa xã hội phản đối. Họ đã nói về một “xung đột lợi ích không thể hóa giải” giữa nhiều giai tầng khác nhau.

Việc này có nghĩa là gì? Khi Karl Marx – trong chương đầu tiên của Tuyên ngôn Cộng sản, cuốn sách nhỏ mở màn cho phong trào cộng sản của ông – tuyên bố rằng có sự xung đột không thể hóa giải giữa các tầng lớp, ông không thể chứng minh cho luận điểm của mình bằng bất cứ ví dụ nào khác ngoài việc rút ra từ những điều kiện của xã hội tiền tư bản. Trong giai đoạn tiền tư bản, xã hội được chia thành những giai cấp cha truyền con nối, mà ở Ấn Độ gọi là “đẳng cấp.” Trong một xã hội có giai cấp, một người khi sinh ra không phải, ví dụ, là người Pháp, mà là một thành viên thuộc giai cấp quý tộc Pháp hay thuộc giai cấp tư sản Pháp hoặc thuộc giai cấp nông dân Pháp. Trong hầu hết thời Trung Cổ, anh ta đơn giản chỉ là một nông nô. Và chế độ nông nô, ở Pháp, không hoàn toàn biến mất cho tới sau Cách mạng Mỹ. Ở những khu vực khác của châu Âu, nó còn biến mất muộn hơn.

Nhưng hình thái tồi tệ nhất mà chế độ nô lệ từng tồn tại – và vẫn tiếp tục tồn tại sau khi chế độ nô lệ bị thủ tiêu – là ở các thuộc địa hải ngoại của Anh. Các cá nhân kế thừa giai cấp từ cha mẹ, và anh ta duy trì nó trong suốt cuộc đời mình. Anh ta truyền lại cho con cháu mình. Mỗi tầng lớp có những đặc quyền và bất lợi riêng. Tầng lớp cao nhất chỉ có đặc quyền, tầng lớp thấp nhất chỉ có bất lợi. Và không có cách nào để một người có thể thoát khỏi những bất lợi mà luật pháp đã áp đặt lên anh ta theo giai cấp của anh ta, ngoài việc thực hiện đấu tranh chính trị chống lại những tầng lớp khác. Trong điều kiện đó, bạn có thể nói rằng có một “sự xung đột lợi ích không thể hóa giải giữa các nô lệ và chủ nô,” bởi vì những gì người nô lệ muốn là thoát khỏi chế độ nô lệ, thoát khỏi thân phận nô lệ của mình. Tuy nhiên, điều này có nghĩa là thiệt hại đối với chủ nô. Vì vậy, xung đột lợi ích không thể hóa giải giữa các thành viên thuộc những tầng lớp khác nhau là điều không phải nghi ngờ.

Không được quên rằng trong những thời đại này – thời đại mà giai cấp xã hội đang hưng thịnh ở châu Âu, cũng như ở các thuộc địa do người châu Âu lập ra ở châu Mỹ - mọi người không thấy mình được kết nối bằng bất cứ một cách đặc biệt nào với những người thuộc những tầng lớp khác trong đất nước của chính họ; mà cảm thấy gắn bó hơn với những người cùng tầng lớp ở các quốc gia khác. Một nhà quý tộc Pháp không coi những tầng lớp người Pháp thấp kém hơn là đồng bào mình, họ chỉ là “những kẻ hèn hạ” mà anh ta không ưa. Anh ta chỉ coi những quý tộc ở các nước khác – ví dụ như quý tộc Ý, Anh, và Đức – là ngang hàng với mình.

Hiệu ứng dễ thấy nhất của trạng thái quan hệ này là thực tế rằng những nhà quý tộc trên toàn châu Âu dùng chung một loại ngôn ngữ. Và ngôn ngữ đó là tiếng Pháp, một thứ ngôn ngữ mà những nhóm dân cư khác bên ngoài ngoài lãnh thổ Pháp không thể hiểu. Tầng lớp trung lưu – giai cấp tư sản – có ngôn ngữ riêng của mình, trong khi tầng lớp hạ lưu – giai cấp nông dân – sử dụng tiếng địa phương, ngôn ngữ mà các tầng lớp khác không hiểu được. Điều tương tự cũng đúng với cách người ta ăn mặc. Khi bạn đi du lịch từ nước này sang nước khác vào năm 1750, bạn nhận ra rằng những tầng lớp thượng lưu, những nhà quý tộc, thường mặc giống nhau trên toàn châu Âu, và bạn nhận ra rằng tầng lớp hạ lưu ăn mặc rất khác nhau. Khi bạn gặp một người trên phố, bạn có thể ngay lập tức nhìn thấy – thông qua cách ăn mặc của họ - là họ thuộc tầng lớp nào, có địa vị như thế nào.

Thật khó tưởng tượng nổi những điều kiện này khác với ngày nay đến mức nào. Khi tôi đi từ Hoa Kỳ tới Argentina và tôi gặp một người đàn ông trên đường, tôi không thể biết địa vị của ông ta. Tôi chỉ đoán rằng ông ấy là một người dân Argentina và ông không phải người bị hạn chế về mặt pháp lý. Đây chính là một điều mà chủ nghĩa tư bản mang lại. Tất nhiên, cũng có những sự phân hóa trong chủ nghĩa tư bản. Có sự phân hóa giàu nghèo, sự phân hóa mà những người theo Karl Marx đã hiểu sai và đánh đồng nó với sự phân hóa kiểu cũ, từng tồn tại giữa những con người trong xã hội có giai cấp.

Giàu có quý tộc

Sự phân hóa trong xã hội tư bản không giống như trong xã hội chủ nghĩa. Vào thời Trung Cổ - và ở rất nhiều quốc gia sau đó – một gia đình có thể là một gia đình quý tộc và sở hữu tài sản khổng lồ; đó có thể là một gia đình công tước trong hàng trăm năm, dù phẩm chất, tài năng, đặc điểm hay đạo đức của nó có như thế nào. Nhưng trong điều kiện xã hội tư bản hiện đại, được những nhà xã hội học mô tả một cách máy móc là “lưu động xã hội.” Nguyên lý vận hành của sự lưu động xã hội này, theo nhà xã hội học và nhà kinh tế học người Ý, ông Vilfredo Pareto, là la circulation des élites (sự luân chuyển những người ưu tú). Điều này có nghĩa là luôn có những người đứng đầu trên nấc thang xã hội, những người giàu có, có vai trò chính trị quan trọng, nhưng những người này – những người ưu tú – đang liên tục thay đổi.

Điều này đúng một cách hoàn hảo trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Nhưng nó không đúng trong xã hội giai cấp tiền tư bản. Những gia đình được coi là gia đình quý tộc lớn của Châu Âu vẫn là những gia đình đó hiện nay; nói chính xác hơn, họ là những hậu duệ của những gia đình đã từng đứng đầu châu Âu, 800 hay 1000 năm hay nhiều hơn thế nữa trước đây. Gia tộc Bourbon của vương triều Capetians – những người đã thống trị ở đây, ở Argentina trong suốt một thời gian dài – đã là một hoàng gia từ thế kỷ X. Những ông vua này cai quản lãnh thổ được biết đến với tên Ile-de-France, kéo dài sự thống trị của họ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng trong xã hội tư bản chủ nghĩa, có một sự lưu động không ngừng – người nghèo trở nên giàu có và những hậu duệ của người giàu mất đi gia tài của mình và trở nên nghèo khó.

Giàu có trong xã hội tư bản Chủ nghĩa

Hôm nay, tôi thấy trong một hiệu sách ở con phố trung tâm của Buenos Aires tiểu sử của một doanh nhân rất nổi tiếng và quan trọng, rất đặc trưng trong giới đại gia vào thế kỷ XIX ở Châu Âu mà, thậm chí trên đất nước này, cách xa Châu Âu, hiệu sách vẫn có bản sao về tiểu sử của ông. Tôi tình cờ biết người cháu trai của ông. Anh có tên giống ông nội mình, và anh vẫn có quyền mang tước hiệu quý tộc mà ông anh ta – người khởi đầu là một thợ rèn – đã nhận được tám mươi năm trước. Bây giờ, người cháu trai này là một nhiếp ảnh gia nghèo ở thành phố New York.

Một người khác, vốn sống trong cảnh nghèo khổ vào thời điểm ông nội của nhiếp ảnh gia này là một trong những nhà tư bản công nghiệp lớn nhất Châu Âu, hiện nay đang là người đi đầu trong ngành công nghiệp. Mọi người được tự do thay đổi địa vị của mình. Điều này là sự khác biệt giữa hệ thống giai cấp và hệ thống tư bản có tự do kinh tế, đấy là nơi mà mọi người chỉ có thể tự trách mình nếu họ không đạt được vị trí mà họ mong muốn.

Nhà tư bản công nghiệp nổi tiếng nhất thế kỷ XX tính đến nay là Henry Ford. Ông khởi nghiệp với vài trăm đô la vay mượn từ bạn bè, và trong một khoảng thời gian rất ngắn, ông đã phát triển được một trong những hãng kinh doanh lớn và quan trọng nhất trên thế giới. Và chúng ta có thể tìm được hàng trăm trường hợp như vậy mỗi ngày.

Hàng ngày, tờ Thời báo New York in một bản tin dài danh sách những người đã mất. Nếu bạn đọc tiểu sử của họ, bạn có thể bắt gặp tên của một thương gia nổi tiếng, người khởi nghiệp với nghề bán báo ở những góc phố của New York. Hoặc khởi đầu là một anh nhân viên văn phòng và khi mất, ông là chủ tịch của chính ngân hàng mà ông đã bắt đầu ở nấc thấp nhất trên bậc thang. Tất nhiên, không phải tất cả mọi người đều có thể đạt được vị trí như vậy. Và cũng không phải tất cả mọi người đều muốn đạt được vị trí đó. Có những người quan tâm hơn tới những vấn đề khác và, với những người này, những con đường khác mở ra hôm nay chưa từng được mở ra trong những ngày của xã hội phong kiến, vào thời của xã hội có giai cấp.

Chế độ xã hội chủ nghĩa, tuy nhiên, đã cản trở quyền tự do nền tảng này, quyền lựa chọn một nghề nghiệp riêng cho mỗi người. Trong môi trường xã hội chủ nghĩa, chỉ có một nhà cầm quyền kinh tế, và họ có quyền xác định mọi vấn đề liên quan đến sản xuất.

Kế hoạch tập trung

Một trong những đặc điểm nổi bật của thời đại chúng ta là mọi người dùng quá nhiều tên cho cùng một thứ. Một từ đồng nghĩa cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là “lập kế hoạch.” Nếu mọi người nói về “lập kế hoạch” thì tất nhiên, ý họ là kế hoạch hoá tập trung, tức là một kế hoạch được thực hiện bởi chính phủ – một kế hoạch không ai được phép lập lên ngoài chính phủ.

Một quý bà người Anh, đồng thời là thành viên của Viện Quý Tộc, đã viết một cuốn sách với tựa đề Plan or No Plan (Kế hoạch hay Không Kế hoạch), một cuốn sách khá nổi tiếng trên toàn thế giới. Tên cuốn sách của bà có ý nghĩa gì? Khi bà nói “kế hoạch”, ý bà chỉ là hình thức kế hoạch theo quan điểm của Lenin và Stalin và những người kế nhiệm họ, loại kế hoạch điều chỉnh hành động của tất cả mọi người trong một đất nước. Vì thế, ý bà là một kế hoạch tập trung loại trừ mọi kế hoạch riêng mà một cá nhân có thể có. Tựa đề Kế hoạch hay Không Kế hoạch của bà, do đó, chỉ là một cái tên ảo, một sự lừa dối; một cái tên thay thế đúng đắn sẽ không phải là kế hoạch tập trung hay không kế hoạch, mà phải là kế hoạch tổng thể của nhà cầm quyền trung ương hay sự tự do cho những cá nhân được lập kế hoạch cho riêng mình, được thực hiện những kế hoạch của chính họ, những cá nhân lên kế hoạch cho cuộc sống của họ hàng ngày, thay đổi kế hoạch hàng ngày bất cứ khi nào họ muốn.

Người tự do lên kế hoạch hàng ngày cho những nhu cầu của mình; ví dụ, anh ta nói: “Hôm qua tôi đã định làm việc cả đời ở Córdoba.” Bây giờ, họ thấy có những điều kiện tốt hơn ở Buenos Aires và thay đổi kế hoạch của mình, họ nói: “Thay vì làm việc ở Córdoba, tôi muốn tới Buenos Aires.” Và đó chính là ý nghĩa của tự do. Có thể anh ta đã chọn sai, có thể việc anh ta tới Buenos Aires là một sai lầm. Những điều kiện ở Córdoba có thể tốt hơn cho anh ta, nhưng chính anh ta đã lên kế hoạch cho mình.

Theo kế hoạch của chính phủ, anh ta giống như một quân nhân trong quân đội. Những người lính trong quân đội không có quyền được chọn trại của mình, được chọn nơi anh ta sẽ phục vụ. Anh ta phải tuân lệnh. Và chế độ xã hội chủ nghĩa – như Karl Marx, Lenin, và tất cả những nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa đều biết và thừa nhận – là sự chuyển giao từ điều lệnh quân đội sang toàn bộ hệ thống sản xuất. Marx gọi là “những đội quân công nghiệp”, và Lenin kêu gọi “tổ chức mọi thứ - bưu điện, nhà máy, và những ngành công nghiệp khác, làm theo mô hình của quân đội.”

Vì vậy, trong chế độ xã hội chủ nghĩa, mọi thứ đều phụ thuộc vào trí tuệ, tài năng và năng khiếu của những người nằm trong cơ quan cầm quyền tối cao. Tức là điều mà những nhà độc tài tối cao – hay hội đồng của ông ta – không biết, thì sẽ không được chú ý tới. Những kiến thức nhân loại đã tích lũy được trong suốt lịch sử dài thì một người không thể nắm được hết; chúng ta đã tích lũy được một lượng khổng lồ kiến thức về khoa học và hiểu biết công nghệ trong suốt nhiều thế kỉ, nằm ngoài khả năng nắm bắt của bất cứ cá nhân nào, kể cả người tài năng nhất.

Và con người thì khác nhau; họ không giống nhau. Họ sẽ luôn là như vậy. Có một số người có năng khiếu hơn trong một lĩnh vực và kém hơn ở lĩnh vực khác. Và có những người có khả năng tìm ra những con đường mới, thay đổi xu hướng của kiến thức. Trong xã hội tư bản chủ nghĩa, tiến trình công nghệ và tiến trình kinh tế đạt được nhờ có những người như vậy. Nếu một người có ý tưởng, anh ta sẽ cố tìm những người đủ thông minh để nhận thức được giá trị ý tưởng của anh ta. Một số nhà tư bản, những người dám dấn thân vào tương lai, những người nhận ra được những giá trị nếu triển khai ý tưởng ấy, sẽ bắt đầu đưa ý tưởng thành thực tế.  Những người khác, ban đầu, có thể nói: “Họ là những kẻ ngốc”; nhưng họ sẽ ngừng nói như vậy khi họ khám phá ra rằng doanh nghiệp này, cái họ cho là ngốc, đang phát triển thăng hoa, và mọi người rất vui khi mua những sản phẩm của họ.

Sự khác biệt giữa hệ thống người mua hàng làm chủ nhân ông và hệ thống “người lập kế hoạch” kiểm soát

Còn trong hệ thống kinh tế của các nhà Mác-xít, để theo đuổi và phát triển ý tưởng đó, thì trước hết nó phải thuyết phục được cơ quan tối cao của chính quyền cái đã. Đây có thể là một việc công việc rất khó khăn, bởi chỉ có một nhóm người đứng đầu – hoặc một mình nhà độc tài tối cao – có quyền ra quyết định. Và nếu những người đứng đầu này – do lười biếng hay tuổi tác, hoặc do họ không thật sự sáng suốt và thiếu kinh nghiệm – không thể nắm được tầm quan trọng của ý tưởng mới đó thì dự án mới sẽ không thể được thực hiện.

Ở Hoa Kỳ, hầu như hàng tuần bạn đều nghe về một thứ gì đó mới mẻ, một cải tiến mới. Đó là những bước tiến mà các doanh nghiệp đã đạt được nhờ hàng nghìn, hàng nghìn doanh nhân đang ngày đêm cố gắng để tìm ra một sản phẩm mới làm cho người tiêu dùng thấy tốt hơn hoặc sản xuất với giá rẻ hơn, hoặc vừa tốt hơn vừa rẻ hơn sản phẩm đang có. Họ không làm điều này vì lòng vị tha; họ làm như vậy vì họ muốn kiếm tiền. Và điều này đã tạo ra được sự cải thiện trong mức sống ở Mỹ, một điều gần như kì diệu, khi so sánh với những điều kiện sống năm mươi hay một trăm năm về trước. Nhưng ở Liên bang Xô Viết, nơi không có một hệ thống như vậy, mức độ cải thiện cuộc sống kém hơn rất nhiều. Vì thế, những người bảo chúng ta rằng chúng ta nên áp dụng chế độ Xô viết đã mắc sai lầm nghiêm trọng.

Còn có một lưu ý khác cần được đề cập ở đây. Những người tiêu dùng Mỹ, những cá nhân, vừa là người mua vừa là ông chủ. Khi bạn rời khỏi một cửa hàng ở Mỹ, bạn có thể thấy tấm biển ghi “Cảm ơn bạn đã đến mua hàng. Hẹn gặp lại lần sau.” Nhưng khi bạn vào một cửa hàng ở một nước độc tài – như hiện nay (1959) ở Liên Xô hay ở Đức trong thời chính quyền Hitler – người trông hàng nói với bạn: “Nhờ ơn lãnh tụ vĩ đại, anh mới có được những vật phẩm này.”

Trong những quốc gia xã hội chủ nghĩa, người bán hàng không phải nói cảm ơn, ngược lại, người mua hàng phải cám ơn. Các công dân không phải là ông chủ; ông chủ là Ủy ban Trung ương, là Văn phòng Trung ương. Những ủy ban, những nhà lãnh đạo, và những nhà độc tài trong các nước xã hội chủ nghĩa là những đấng tối cao, và mọi người dân đơn giản là phải tuân theo họ.

Nguồn: Trích chương 6 cuốn Nền tảng đạo đức của kinh tế thị trường, “Mark W. Hendrickson (chủ biên), The Morality of Capitalism, The Freeman”, 1/1980

 

Dịch giả:
Dương Thị Thu Hằng
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Hendrickson, Mark W.