![[Tinh thần dân chủ] Chương 13: Làm cho dân chủ hoạt động (Phần 5)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k22071_15.5_(1).jpg)
[Tinh thần dân chủ] Chương 13: Làm cho dân chủ hoạt động (Phần 5)
LÀM CHO TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH HOẠT ĐỘNG
Thách thức không phải là lập ra cơ cấu của hệ thống trách nhiệm giải trình theo chiều ngang trên giấy, mà là cho nó uy quyền, sự tự chủ và nguồn lực để làm việc đó. Vấn đề bắt đầu với quyền bổ nhiệm. Nếu đất nước không thể đưa những người có chuyên môn cao, không tham gia đảng phái nào vào những vị trí phụ trách trách nhiệm giải trình theo hàng ngang thì sẽ chẳng làm được gì. Cần phải nhấn mạnh rằng vấn đề mới nhìn tưởng như khiêm tốn này – ai sẽ bổ nhiệm, nếu những người gác không gác – là vấn đề cơ bản nhất. Những thiết chế dường như là đầy triển vọng về mục đích và thiết kế lại thường bị mất hiệu lực vì tổng thống (chứ không phải thủ tướng) bổ nhiệm những người lãnh đạo những cơ quan này, và khi quan chức hành pháp vươn lên đến đỉnh cao trong hệ thống tham nhũng vừa phải (chưa nói tới hệ thống cướp bóc) thì sẽ không tạo được hệ thống trách nhiệm giải trình thật sự.
Năm 1991, hiến pháp Thái Lan tìm cách giải quyết vấn đề này bằng cách trao quyền bổ nhiệm các cơ quan phụ trách trách nhiệm giải trình theo chiều ngang – tòa bảo hiến, ủy ban phòng chống tham nhũng, ủy ban bầu cử, kiểm toán và ủy ban nhân quyền – cho thượng viện phi đảng phái, thành viên của viện này giữ chức một nhiệm kì duy nhất kéo dài sáu năm và bị cấm tham gia bất kì đảng phái nào hay bổ nhiệm chính trị nào. Mô hình này bị phá sản năm 2001, đấy là khi tòa bảo hiến đưa ra quyết định S-7 đầy tranh cãi và lắt léo, minh oan cho vị thủ tướng mới và cực kì giàu có là Thaksin Shinawatra sau khi người ta phát hiện ra rằng ông đã khai man tài sản của mình (có thể dẫn đến việc bãi chức.)1 Quyết định này đã giáng một đòn nặng vào trách nhiệm giải trình ở Thái Lan. Chẳng bao lâu sau, Thaksin đã giành được quyền kiểm soát thượng viện và quá trình bổ nhiệm. Và Thái Lan không còn là nhà nước cướp bóc thuần túy nữa. Như vậy là, các quan chức của những cơ quan chịu trách nhiệm về trách nhiệm giải trình phải được bổ nhiệm, trả lương và bị giám sát sao cho họ không bị thoái hóa và mua chuộc. Một khi được bổ nhiệm, các quan chức này phải có thời gian giữ chức vụ khác lâu, chỉ bị cách chức vì lý do chắc chắn và bằng những biện pháp khó khăn và phức tạp. Ở Hoa Kỳ, tính độc lập của GAO được củng cố vì nhiệm kì của người đứng đầu – tổng kiểm soát – tương đối dài, tới 15 năm.2
Trung lập gây ra khó khăn đặc biệt cho việc thiết kế cơ quan quản lí tuyển cử, một trong những chức năng quản lí nhạy cảm nhất. Trong những hệ thống chính trị có truyền thống tham nhũng và lạm dụng chức quyền và các tiêu chuẩn dân chủ chưa ăn sâu bén rẽ, cơ quan quản lí tuyển cử phải có quyền tự chủ hiến định. Có nhiều mô hình có thể áp dụng. Ở Costa Rica, Tòa án Tuyển cử Tối cao gần như là nhánh quyền lực thứ tư của chính phủ, thành viên của nó được bầu với thời hạn sáu năm, với hai phần ba phiếu của Tòa án Tối cao. Ở Ấn Độ, tính độc lập của ủy ban bầu cử được bảo vệ bởi sự ủy nhiệm mang tính hiến định và người chủ tịch đầy quyền lực do tổng thống phi đảng phái bổ nhiệm. Ở những nước khác, tính độc lập được bảo vệ thông qua việc giám sát của cơ quan tư pháp hay bằng việc cơ quan này phải giải trình trước quốc hội chứ không phải trước hành pháp.3
Nói chung, ở những nước có truyền thống cao về sự độc lập của ngành tư pháp, có thể giao việc bổ nhiệm và giám sát nhiều cơ quan chịu trách nhiệm giải trình theo chiều ngang cho toà bảo hiến.
Chú thích:
(1) Duncan McCargo, “Democracy under Stress in Thaksin’s Thailand”, Journal of Democracy 13 (October 2002): 112-26.
(2) Một trong những chỉ dấu của sự ổn định và tự trị của của cơ quan này và sự tách biệt của nó khỏi nền chính trị đảng phái là từ khi cơ quan này được thành lập năm 1921, mới có tổng cộng 7 vị tổng kiểm soát.
(3) Pastor, “A Brief History of Electoral Commissions”, pp. 78-79.
Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)