[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương VI: Đâu là những lợi thế thực sự mà xã hội Mĩ có được nhờ chính quyền dân trị (Phần 1)
ĐÂU LÀ NHỮNG LỢI THẾ THỰC SỰ MÀ XÃ HỘI MĨ CÓ ĐƯỢC NHỜ CHÍNH QUYỀN DÂN TRỊ
Trước khi bắt đầu chương này, tôi cảm thấy cần phải nhắc nhở bạn đọc về cái điều tôi từng nhiều lần chỉ ra trong quá trình viết cuốn sách này.
Thể chế chính trị của Hoa Kì có vẻ như là một trong những hình thái mà nền dân trị có thể trao cho chính quyền của nó. Nhưng tôi không coi các thiết chế của nước Mĩ như là duy nhất cũng chẳng coi đó là tốt nhất đối với một quốc gia dân chủ.
Khi chỉ ra cho thấy chính quyền dân trị của họ đem lại cho người Mĩ những mối lợi gì, thì tuy làm việc đó nhưng không hẳn là tôi kết luận hoặc nghĩ rằng chỉ có thể những luật lệ đó mới tạo ra được những ưu thế như vậy.
VỀ KHUYNH HƯỚNG CHUNG CỦA LUẬT PHÁP DƯỚI THỜI DÂN TRỊ MĨ, VÀ VỀ BẢN NĂNG CỦA NHỮNG NGƯỜI THỰC THI LUẬT PHÁP ĐÓ
Những tật xấu của nền dân trị lộ rõ tức thời. − Còn những ưu thế thì lâu dài mới lộ ra. − Nền dân trị Mĩ lắm khi vụng về, nhưng khuynh hướng chung luật pháp của họ thì có thể bắt chước được. − Các công chức trong nền dân trị Mĩ không có các lợi ích thường xuyên khác với những con người nằm trong tầng lớp đa số. − Kết quả từ đó là những gì.
Có thể dễ dàng nhận ra ngay những tật xấu và những yếu kém của chính quyền dân trị. Ta có thể vạch chúng ra qua những sự việc không chối cãi được, trong khi ảnh hưởng hữu ích của nó diễn ra một cách khó nhận thấy, có thể nói là bí ẩn nữa. Những tật xấu của nó đập ngay vào mắt ta, nhưng các phẩm chất của nó thì phải về lâu về dài mới lộ diện.
Luật pháp của nền dân trị Mĩ thường là có nhiều khiếm khuyết hoặc không hoàn chỉnh. Thường ở Mĩ hay xảy ra chuyện luật lại vi phạm những quyền đã được công nhận hoặc phê chuẩn những bộ luật nguy hiểm: dù đó là việc tốt thì cứ lặp đi lặp lại nhiều cũng sẽ thành một đại hoạ. Tất cả những điều này thoạt nhìn là thấy ngay.
Thế thì vì sao các nước cộng hoà ở Mĩ lại đứng vững và thịnh vượng chứ?
Ta cần nhận rõ trong các bộ luật đâu là cái đích chúng định đạt tới, cùng với cách thức chúng đi tới đích; phải phân biệt cẩn thận cái tốt tuyệt đối của luật với cái tốt tương đối.
Tôi giả định là đối tượng của nhà lập pháp là phục vụ cho lợi ích của thiểu số trên sự thiệt hại của đa số; vậy thì họ phải kết hợp ra sao để thu được kết quả mong đợi trong khoảng thời gian ngắn nhất với những nỗ lực ít nhất có thể. Luật có thể được làm rất tốt, và mục đích thì xấu. Khi đó luật sẽ nguy hiểm tỉ lệ với chính tính hữu hiệu của nó.
Nói chung thì luật pháp của nền dân trị có khuynh hướng làm lợi cho đại đa số con người, vì luật đó sinh ra từ đa số công dân, cái đa số này có thể nhầm, nhưng lại không thể có lợi ích đối lập với lợi ích của chính họ.
Ngược lại, luật pháp trong nền quý tộc trị có khuynh hướng giành độc quyền tài phú và quyền lực trong tay một thiểu số, bởi vì giai cấp quý tộc về bản chất bao giờ cũng là thiểu số.
Vậy mà nói một cách tổng quát, ta có thể phát biểu rằng đối tượng của nền dân trị về mặt lập pháp thì có ích cho loài người hơn là đối tượng của nền lập pháp quý tộc trị.
Nhưng tới đó thì chấm hết những ưu thế của nền dân trị.
Giai cấp quý tộc cực kì khéo léo trong cái khoa lập pháp mà nền dân trị chẳng theo kịp. Nó tự chủ, nó không để bị lôi cuốn vào những chuyện không căn bản. Nó có những ý đồ dài hơi và biết đợi khi nào điều kiện chín muồi mới đem ra thi thố. Nền quý tộc trị làm ăn khôn ngoan; nó biết thực hành cái nghệ thuật cùng một lúc hội tụ được sức mạnh chung của tất cả các bộ luật và nhắm tới cùng một điểm.
Nền dân trị thì không như vậy: luật lệ của nó hầu như bao giờ cũng có nhiều khiếm khuyết hoặc không kịp thời.
Những phương tiện của nền dân trị như vậy là khập khiễng hơn của nền quý tộc trị. Rất nhiều khi nền dân trị vô tình chống lại chính mình. Nhưng mục đích của nó lại ích lợi hơn.
Ta hãy hình dung một xã hội mà bản chất xã hội ấy, hoặc thể chế của nó, được tổ chức sao cho có thể chịu đựng được tác động nhất thời của những bộ luật xấu, và xã hội ấy cũng có khả năng đợi chờ trong an toàn kết quả của cái khuynh hướng chung của luật pháp, và ta sẽ thấy rằng chính quyền dân trị, mặc dù có những khuyết tật, thì so với mọi hình thức chính quyền, đó vẫn cứ là cái thích hợp nhất để làm cho xã hội đó tiến bước.
Đó chính là điều đã diễn ra ở Hoa Kì. Tôi nhắc lại ở đây điều tôi đã có lần trình bày ở một đoạn khác: đặc quyền to lớn của người Mĩ là có thể gây ra những lỗi lầm sửa chữa được.
Tôi sẽ nói đôi điều tương tự liên quan đến các công chức.
Thật dễ nhìn thấy nền dân trị Mĩ thường vẫn bị mắc lừa trong việc lựa chọn con người để trao cho quyền bính. Nhưng lại không hề nói vì sao trong tay những con người đó nhà nước lại thịnh vượng lên.
Xin trước hết hãy nhận xét rằng, nếu như trong một nhà nước dân trị, những người cầm quyền đều kém trung thực hoặc kém năng lực, thì những người bị cai trị lại sáng láng hơn và chăm lo công việc hơn.
Nhưng còn có một nguyên nhân chung hơn thế, và thoả mãn điều chúng ta thắc mắc hơn.
Hẳn là muốn làm được những điều tốt đẹp cho các quốc gia thì những nhà cầm quyền cần phải có đạo đức hoặc tài năng. Nhưng có thể cái còn quan trọng hơn đối với quốc gia đó ấy là những người cầm quyền phải không có lợi ích trái ngược với đám đông những con người bị cai trị. Bởi vì, trong trường hợp này, có đạo đức hầu như là vô ích, và tài năng có thể thành điều tai hoạ.
Tôi đã nói rằng, điều quan trọng là những nhà cầm quyền không nên có lợi ích trái ngược hoặc khác biệt với đám đông những con người bị cai trị. Nhưng tôi không hề nói là họ cần phải có lợi ích tương tự với lợi ích của tất cả những con người bị cai trị, vì tôi không hiểu liệu ta còn có thể bắt gặp điều ấy không.
Cho tới đây thì ta vẫn chưa tìm ra được hình thái chính trị nào đồng thời có lợi cho sự phát triển và sự thịnh vượng của tất cả các tầng lớp trong xã hội. Có bao nhiêu tầng lớp thì chúng vẫn tiếp tục là bấy nhiêu quốc gia khác biệt nhau trong lòng của cùng một quốc gia, và kinh nghiệm cho thấy rằng trao hoàn toàn số phận của bất kì tầng lớp nào trong đó cho các tầng lớp khác thì hầu như cũng nguy hiểm như là giao cho quốc gia này định đoạt số phận quốc gia khác. Khi chỉ riêng người giàu cầm quyền, thì lợi ích người nghèo bao giờ cũng bị đe doạ; và khi chỉ riêng người nghèo cầm quyền, thì lợi ích người giàu sẽ rất bấp bênh. Vậy thì đâu là cái ưu thế của nền dân trị? Ưu thế thực sự của nền dân trị, không như người ta vẫn nói, là tạo thuận lợi cho sự phát triển của tất cả mọi người, mà chỉ là phục vụ cho sự ấm no hạnh phúc của đại đa số con người trong xã hội mà thôi.
Ở Hoa Kì, những con người được giao điều hành việc công thường khi có năng lực và đạo đức thấp hơn những con người được nền quý tộc trị đưa lên cầm quyền. Nhưng lợi ích của họ lại hoà nhập và chung bản chất với lợi ích của đa số công dân đồng bào của họ. Vậy là họ có thể thường hay mắc lỗi không trung thành và phạm những sai lầm nghiêm trọng, nhưng họ sẽ không đi theo khuynh hướng thù nghịch một cách có hệ thống với cái đa số kia. Và cũng không xảy ra việc họ in dấu ấn chuyên quyền và nguy hiểm lên chính quyền.
Vả chăng, trong nền dân trị, một viên pháp quan điều hành công việc tồi là một sự việc riêng lẻ chỉ có ảnh hưởng trong hạn kì ngắn ngủi của chính quyền đó thôi. Sự hủ bại và sự kém năng lực không phải là những lợi ích chung khả dĩ thường xuyên gắn bó được mọi người.
Một viên pháp quan hủ bại hoặc kém năng lực sẽ không kết hợp nỗ lực của mình với viên pháp quan khác chỉ vì lí do duy nhất là viên pháp quan kia cũng kém năng lực và hủ bại như ông ta, và hai con người này sẽ không bao giờ cùng hoạt động để làm nảy nở sự hủ bại và sự kém năng lực ở cháu chắt họ. Ngược lại, tham vọng và những thao túng của người này sẽ lật mặt nạ người kia. Những tật xấu của viên pháp quan trong các nền dân trị nói chung đều hoàn toàn mang tính cá nhân.
Nhưng dưới chính quyền quý tộc trị, những con người làm việc công đều có lợi ích giai cấp mà nếu như đôi khi hoà trộn vào với lợi ích của đa số thì thường trở thành nét đặc trưng (của chính quyền ấy). Lợi ích đó tạo ra ở họ một mối dây liên lạc chung và bền vững. Nó khiến họ đoàn kết lại và kết hợp các nỗ lực để hướng tới một mục tiêu không phải khi nào cũng là hạnh phúc của phe đại đa số. Nó không chỉ gắn bó những cá nhân nhà cầm quyền với nhau, nó còn gắn bó những người này với một bộ phận đáng kể những kẻ bị cai trị, bởi vì có rất nhiều công dân, dù không ra làm việc công, vẫn thuộc vào giai cấp quý tộc.
Vì thế mà viên pháp quan quý tộc thường xuyên có được sự ủng hộ trong xã hội cùng lúc với sự ủng hộ của chính quyền.
Đối tượng chung này khiến các pháp quan trong các nền quý tộc trị nhập được vào với lợi ích của một bộ phận những người đương thời với họ, còn tạo thành bản sắc riêng và có thể nói là gắn bó họ với những con người tương lai. Họ làm việc cho tương lai cũng như cho hiện tại. Vậy cho nên viên pháp quan quý tộc đồng thời bị đẩy tới cùng một điểm bởi các đam mê của những người bị cai trị, bởi các đam mê riêng của chính họ, và tôi hầu như còn có thể nói là bởi những đam mê của con cháu họ nữa.
Làm sao ta lại ngạc nhiên khi thấy họ chẳng thể cưỡng lại những điều đó? Vì thế mà ta thấy trong các nền quý tộc trị có tinh thần giai cấp lôi cuốn được ngay cả những người không hủ bại và khiến được những con người này vô tình làm cho cả xã hội thích nghi được dần dần với cung cách của họ và chuẩn bị cho lớp con cháu của cả xã hội cũng sống như thế.
Tôi không rõ liệu đã có lúc nào một tầng lớp quý tộc tự do phóng túng như ở nước Anh liên tục cung cấp cho chính quyền nước mình những con người xứng đáng và sáng láng đến thế.
Song cũng lại dễ dàng nhận thấy trong luật pháp nước Anh rằng quyền lợi của người nghèo cuối cùng đã bị hi sinh cho quyền lợi của người giàu, và quyền của đại đa số bị hi sinh cho những đặc quyền của một vài con người. Vì thế mà giờ đây nước Anh hội tụ được trong lòng nó tất cả những số phận nằm ở hai thái cực, và ta cũng bắt gặp ở nước Anh những cảnh khốn cùng hầu như ngang hàng với sức mạnh và vinh quang của đất nước này.
Ở Hoa Kì, nơi các công chức không có quyền lợi giai cấp riêng, bước đi chung và liên tục của chính quyền là tốt đẹp, mặc dù những người cầm quyền ở đó thường tỏ ra vụng về và đôi khi đáng khinh.
Vậy là ở sâu bên dưới các thiết chế dân chủ có một khuynh hướng bị che khuất thường khi làm cho con người cùng hành động vì sự thịnh vượng chung cho dù họ có tật xấu hoặc phạm các sai lầm, còn với những thiết chế quý tộc trị thì đôi khi lại lộ ra một bờ dốc kín đáo mà mặc dù có đầy đủ tài năng và đạo đức đấy, vẫn lôi cuốn mọi người trôi theo hướng tạo ra những cảnh khốn cùng cho đồng loại. Vì thế mà có thể xảy ra chuyện trong các chính quyền quý tộc trị có những con người của công chúng vô tình làm những điều xấu, còn trong các nền dân trị thì họ vô tình làm những điều tốt.
Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)